Thứ Bảy trước lễ Hiển Linh.

Thứ sáu - 03/01/2020 06:47

Thứ Bảy trước lễ Hiển Linh.

"Chúng tôi đã gặp Ðấng Cứu Thế".

 

LỜI CHÚA: Ga 1,35-42

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa.

Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: "Các ngươi tìm gì?"

Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?"

Người đáp: "Hãy đến mà xem".

Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô". Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá".

 

 

Suy Niệm 1: Hãy đến mà xem

Suy niệm :

“Đây là Chiên Thiên Chúa” (c.35).

Gioan Tẩy giả nói với hai anh môn đệ đang đứng với mình như thế

khi ông thấy Đức Giêsu tình cờ đi ngang qua.

Gioan đã gặp Ngài, đã thấy Thần Khí ngự xuống trên Ngài (Ga 1,32).

Ông biết Ngài là Đấng đến sau ông, nhưng lại có trước ông (1,15.30).

Trong một cử chỉ khiêm hạ làm cho mình nhỏ lại,

ông đã giới thiệu cho các môn đệ mình một vị Thầy cao trọng hơn.

Ông để cho họ đi theo vị Thầy mới, còn ông đứng lại đó một mình.

“Các anh tìm gì thế?”: Đức Giêsu là người mở lời với hai bạn trẻ

đang đi theo mình, lúng túng vì chưa biết cách làm quen.

Câu hỏi này chờ một câu trả lời nói lên điều mình thao thức.

“Thưa Rabbi, Thầy đang ở lại đâu?”

Họ muốn biết nhà của Thầy, cũng là biết chính bản thân Thầy.

“Hãy đến và các anh sẽ thấy”.

Thầy Giêsu mời các bạn ấy đến thăm nhà mình.

Căn nhà ở Galilê xưa thường chỉ có một, hai phòng nhỏ.

Ngài mời họ đi vào thế giới riêng tư của mình.

Và họ đã mau mắn đáp lời, đã đến, và đã thấy nơi Ngài đang ở lại.

Lúc đó đã bốn giờ chiều rồi.

Thầy Giêsu hẳn đã giữ họ lại, vì sợ họ về trời tối đường xa.

Ngày hôm ấy họ đã ở lại với vị Thầy mới quen.

Qua cuộc chuyện trò suốt đường đi, nhất là khi về nhà,

họ đã có kinh nghiệm cá nhân về con người Thầy Giêsu,

kinh nghiệm đầu tiên, chưa thật sâu, nhưng không sao quên được.

Họ đã ở lại nhà Thầy, đã bị lôi cuốn bởi nhân cách của Thầy,

và thấy Thầy chính là Đấng mà họ đang tìm kiếm.

“Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mêsia” nghĩa là Đấng Kitô.

Anrê vui sướng reo lên như vậy khi ông gặp Simon trước tiên.

Anrê là một trong hai người đã đi theo và ở lại nhà Đức Giêsu.

Bây giờ ông coi Thầy Giêsu là Đấng Mêsia, chứ không chỉ là một rabbi,

nên ông nóng lòng muốn đưa Simon đến tiếp xúc với Ngài.

Thầy Giêsu đặt cho Simon một tên mới, tên này người Do Thái ít dùng.

Anh sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá, là Thạch (c.42).

Không thấy Simon nói gì hay dẫn ai đến gặp ngay Đức Giêsu.

Phải đợi sau này ta mới nghe ông đại diện anh em tuyên xưng:

Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa (6,69).

Chúng ta sắp mừng Lễ Hiển Linh, Lễ Chúa tỏ mình cho con người.

Chúa đã tỏ mình cho Gioan, Anrê và Simon qua gặp gỡ trực tiếp,

nhưng Chúa cũng tỏ mình cho họ qua người khác giới thiệu.

Chúng ta cần những người có kinh nghiệm sâu lắng với Đức Giêsu,

để giúp Ngài được hiển linh trong thế giới hôm nay.

 

Cầu nguyện :

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy là vị Tôn Sư tuyệt vời.

Thầy gọi các môn đệ theo Thầy

đi trên những nẻo đường quanh co của xứ Pa-lét-tin.

Thầy không mở trường, không viết sách.

Thầy giúp môn đệ học bài học của Thầy,

bài học của trái tim, hiền lành và khiêm tốn.

Thầy dạy học trên đường.

Thầy tập cho môn đệ nhìn những biến cố mỗi ngày

với cái nhìn của Thiên Chúa.

Thầy giúp họ thấy giá trị nơi đồng xu nhỏ của bà góa nghèo,

thấy vẻ đẹp của hoa huệ, và sự vô tư của chim trời.

thấy nét cao quý của trẻ thơ, và phẩm giá của người phụ nữ.

Thầy tập cho họ trưởng thành,

tập đương đầu ban đêm một mình với sóng gió,

tập tin vào Thiên Chúa khi phải nuôi ăn đám đông,

tập can trường đối diện với cái chết nhục nhã và đau đớn.

Thầy kéo họ ra khỏi cái tôi háo danh

khi họ cãi nhau trên đường xem ai là người lớn nhất,

Thầy đòi họ bỏ mọi sự mà theo Thầy,

và đặt Thầy lên trên cả mạng sống và tình ruột thịt.

Lạy Thầy Giêsu,

Khoa sư phạm của Thầy là huấn luyện môn đệ bằng tình yêu.

Một tình yêu kiên nhẫn khi họ yếu đuối và cứng lòng.

Một tình yêu bênh vực và bảo vệ lúc họ bị tấn công.

Một tình yêu chia sẻ khi cho họ cộng tác trong sứ vụ.

Thầy đã diễn tả tình yêu đến cùng của Thầy

khi cúi xuống rửa chân cho họ.

Xin cho chúng con suốt đời học với Thầy,

nhận Thầy mãi mãi là vị Tôn Sư của chúng con.

Và cùng với Thầy, chúng con đi khắp thế gian,

để làm cho muôn dân thành môn đệ.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Chúng Tôi Ðã Gặp Ðấng Cứu Thế

Nhìn nhận khả năng của người khác đó là một điều mà ít ai trong chúng ta cũng muốn. Việt Nam chúng ta thường nói: "Mỗi người có một ông quan trong bụng". Ai cũng muốn mình hơn kẻ khác, nổi hơn và trội hơn kẻ khác nhiều, ít ai chịu lép vế, chịu thua kẻ khác. Tự cao tự đại, ưa chỉ tay năm ngón, đó là thói thường của con người.

Kiêu ngạo là tội đứng đầu trong bảy mối tội đầu. Có lẽ người ta thấy tội kiêu ngạo là đầu dây mối nhợ sinh ra mọi tội lỗi khác. Tự đưa mình lên cao, không xem ai ra gì và theo như câu nói dân gian của người Việt Nam: "Coi trời bằng vung" hay "coi trời bằng ngọn rau má" là thế. Tâm trạng đó làm cho con người khó chấp nhận nhau về khả năng, về tài khiếu hơn thua.

Bài Tin Mừng hôm nay nói việc thánh Gioan Tẩy Giả cũng có những môn đệ tìm theo học hỏi và muốn tôn ông làm thầy, ít ra là phải hai hoặc ba người, vì sách ghi rằng: "Gioan đang đứng và nói chuyện với hai trong nhóm môn đệ của ông", chứng tỏ là Gioan cũng có nhiều môn đệ khác nữa ngoài hai người đó.

Và tâm trạng chung khi một người có nhiều môn đệ đi theo thì không muốn một môn đệ nào của mình bỏ mình đi mà theo một người khác. Lý do đó có thể là mình kém tài giỏi, đạo đức hơn người kia chăng? Sự việc đó phải chăng đã làm mất sĩ diện cho mình? Vậy mà chúng ta thấy Gioan không nghĩ đến điều đó, ông vẫn chỉ cho các môn đệ của mình về Chúa Giêsu: "Ðây là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ của Gioan nghe nói liền đi theo Chúa Giêsu nhưng Gioan cũng không ngăn cản hai môn đệ mình, vì ông đã thấy sự thật nơi Chúa Giêsu là Con Thên Chúa, là Ðấng ông loan báo, Ðấng cứu chuộc tội lỗi nhân loại. Ông không mê hoặc người khác để cho họ nhắm mắt theo ông nhưng ông chỉ cho người khác thấy sự thật, thấy chân lý, thấy Ðấng Cứu Thế.

Mỗi người trong chúng ta đôi lúc cũng có thái độ ngược hẳn lại: theo Chúa, tuân giữ luật Chúa, đôi lúc chúng ta muốn người khác nhìn vào và khen chúng ta là ngưòi đàng hoàng, tốt lành, đạo đức và chúng ta hãnh diện vì điều đó. Như thế chúng ta đã che mất hình ảnh của Thiên Chúa trong chúng ta, người khác tìm đến chúng ta chứ không phải họ tìm đến với Thiên Chúa qua sự tốt lành đạo đức đó. Mọi lời khen thưởng, ca ngợi thay vì dành riêng cho Thiên Chúa, người ta lại dành hết cho chính mình. Bài học của Gioan Tẩy Giả hôm nay là một bài học thực tế cho mỗi người trong chúng ta.

Khi hai môn đệ Gioan đi theo Chúa Giêsu. Anrê sau khi đã biết Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, là Ðấng Messia thì ông giới thiệu với anh mình là Simon Phêrô đến gặp Chúa Giêsu. Anrê nói với anh mình: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô" và rồi ông đã dẫn Simon Phêrô đến với Chúa Giêsu.

Mỗi người trong chúng ta khi biết được Thiên Chúa, biết được ơn cứu rỗi của Ðức Kitô, chúng ta có can đảm mạnh dạn giới thiệu Ngài với mọi người chăng? Chúa không đòi hết thảy trong mọi người chúng ta phải từ bỏ cha mẹ, anh em và mọi sự để theo Ngài. Nhưng Ngài đòi mỗi người trong chúng ta tùy khả năng, tùy môi trường nơi chúng ta đang sống mà giới thiệu Chúa cho mọi người biết. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải rao giảng, phải nói về Chúa thật hay như các nhà hùng biện để lôi cuốn người khác. Nhưng Ngài chỉ mong ước trong cách sống đạo của mỗi người chúng ta, như là lời mời gọi tha thiết mọi người tìm đến Thiên Chúa tình thương. Mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, mỗi hành động của chúng ta đều thể hiện lời Chúa trong Phúc Âm như thánh Phaolô đã thúc nhắc chúng ta: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".

Có khi nào chúng ta làm một việc gì mà chúng ta suy nghĩ và thành thực hỏi Chúa: Chúa muốn con làm gì bây giờ đây? Hay ý Chúa muốn con thực hiện như thế nào? Có lẽ chưa hoặc ít khi chúng ta hỏi Chúa Giêsu như vậy. Nếu chúng ta thực sự yêu Chúa, Chúa luôn hiện diện trong chúng ta và chúng ta luôn luôn muốn làm đẹp lòng Chúa, như một người muốn làm đẹp lòng người yêu của mình thì khi nào họ cũng tìm hiểu xem người yêu của họ thích gì rồi mua một món quà tặng đúng như ý người yêu mong ước.

Chúng ta yêu Chúa, chúng ta cũng phải tìm xem Chúa yêu thích nhất điều gì và chúng ta phải cố gắng lo làm đẹp lòng Ngài theo như điều Ngài mong muốn. Thật vậy, món quà đó không gì khác hơn là món quà của đức "Mến Chúa và Yêu Người".

Lạy Chúa, xin cho mỗi người trong chúng con biết sống khiêm nhượng như Gioan Tẩy Giả. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con biết giới thiệu Chúa cho mọi người qua lời ăn, tiếng nói và nhất là cách sống đạo của mỗi người chúng con trong cuộc sống hằng ngày.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 3: Hãy đến mà xem.

Tin Mừng thứ tư không ghi lại một cuộc đối thoại nào giữa Chúa Giêsu và Gioan Tẩy giả. Gioan thấy Chúa Giêsu, ông chỉ cho thấy Ngài, ông nói về Ngài. Ông là chứng nhân, là người bạn, là tiếng kêu. Những gì ông phải nói, ông đã học được từ Đấng đã sai phái ông. Ông không phải là môn đệ Chúa Giêsu, nhưng là vị tiền hô. Sau ông, với Chúa Giêsu là một thời đại mới đang bắt đầu, sau phép rửa trong nước là phép rửa trong Thánh Thần. Gioan vừa là người chiêm ngưỡng sự mới mẻ ấy, vừa là người chỉ cho thấy sự mới mẻ ấy. Thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên của Thiên Chúa”. Hai môn đệ đã nghe lời ông nói và đi theo Chúa Giêsu. Gioan phải có khả năng lột bỏ bản thân lắm mới có thể làm điều đó. Không những dọn đường cho Chúa, ông còn chuẩn bị để có những người nhận biết và đi theo Ngài. Chính khi đón nhận các môn đệ của Gioan mà Chúa Giêsu khởi sự sứ mạng của Ngài.

Cuộc đối thoại thật ngắn gọn, dứt khoát: “Các ngươi tìm gì? Thưa Thày, Thày ở đâu? Hãy đến mà xem. Họ đi với Ngài và đã ở lại với Ngài ngày hôm ấy”.

Như thế, bước đầu tiên của những người sẽ là Tông đồ và chứng nhân của Chúa Giêsu chính là biết Ngài, đi theo Ngài, ở lại với Ngài, chỉ sau đó chúng ta mới là chứng nhân của Ngài. Nếu chúng ta nghĩ rằng chính chúng ta sẽ đi cứu độ thế giới, thì chúng ta lạc đường rồi. Chỉ có một Đấng Cứu thế là Chúa Giêsu, chẳng ai là chứng nhân nếu trước đó không là môn đệ.

Ở đây, cuộc gặp gỡ đầu tiên mau chóng đưa tới việc làm chứng đầu tiên. Anrê đi gặp anh mình trước hết và nói: “chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia, tức là Đức Kitô”, và ông đưa anh mình đến với Chúa Giêsu.

Ba môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu đã được một người khác dẫn đến với Ngài như thế. Đó không là những điều vẫn xảy ra cho chúng ta sao? Có biết bao người trên đường chúng ta đi đã giúp chúng ta đi đã giúp chúng ta biết được Ngài.

Suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, xin cho chúng ta cũng biết tìm Chúa, sống thân mật với Chúa và đem Chúa đến cho mọi người.

 

Suy Niệm 4: TRUYỀN GIÁO BẰNG ĐỜI SỐNG (Ga 1, 35 – 42)

Có một hôm, cha bề trên của một hội dòng muốn cho các đệ tử của mình sống đức khó nghèo! Tuy nhiên, thao thức của ngài, ngài không chỉ nói, mà hôm ấy, ngài đã dẫn một nhóm đi đến thăm một cha xứ tại một họ đạo ngay tại trung tâm thành phố.

Khi đến nơi, nhóm đệ tử không khỏi ngạc nhiên về lối sống giản dị, nghèo khó của cha xứ ấy! Phòng của ngài chỉ vỏn vẹn có khoảng 6 mét vuông, trong đó, sách vở và những vật dụng cần thiết khác đã chiếm hết chỗ ngủ của ngài. Trong phòng chỉ còn có một lối đi nhỏ bé chừng 40cm. Đêm về, ngài thường thu gọn sách vở lại và ngủ ngay trên lối đi.

Sau cuộc gặp gỡ đó, khi trở về, các đệ tử đã không dám đòi hỏi điều gì nữa, ngược lại, sẵn sàng vui vẻ sống khó nghèo, bởi vì những gì đang có thì đã hơn hẳn cha xứ của một họ đạo rồi!

Tin Mừng hôm nay thuật lại: sau khi nghe Gioan giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa bỏ tội trần gian”, ngay lập tức đã có hai môn đệ đến gặp Đức Giêsu, khi thấy họ, Ngài đã hỏi họ đi đâu và tìm ai? Họ đã thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”; Đức Giêsu đã mời họ đến và xem chỗ của Ngài, họ đã đi và ở lại ngày hôm ấy, sau đó một trong hai người là Anrê đã đi theo Đức Giêsu.

“Hãy đến mà xem”, ấy là lời mời gọi của Đức Giêsu dành cho hai môn đệ của ông Gioan. Khi nói: “Hãy đến mà xem”, Ngài muốn các ông phải có kinh nghiệm thực sự về Ngài, chứ không phải chỉ có nghe Gioan nói rồi đi theo... Vì khi đến và xem, các ông sẽ thấy tận mắt đời sống và việc làm của Đức Giêsu. Như thế, lựa chọn đi theo Chúa hay không là tùy thuộc vào quyết định của các ông sau khi đã cảm nghiệm.

“Hãy đến mà xem”, Đức Giêsu không muốn họ chỉ tin rằng “có” Ngài, mà khi đến và xem, Đức Giêsu muốn các ông tin “vào” Ngài. Bởi tin “vào” Đức Giêsu không có nghĩa thuần túy là chấp nhận một giáo điều nào đó, mà là chấp nhận chính Ngài cũng như sứ vụ của Ngài.

Nói khác đi, tin “vào” Đức Giêsu chính là có một kinh nghiệm sống động, gần gũi đến riêng tư về Ngài. Khi tin “vào” Ngài như thế, Đức Giêsu muốn các môn đệ đặt Ngài làm trung tâm cuộc đời và sứ vụ của họ. Nếu không có một kinh nghiệm thì trong khi thi hành sứ vụ, các ông sẽ tìm cách làm theo ý riêng và quy chiếu mọi sự về phía các ông thay về Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Hãy đến mà xem” để có kinh nghiệm thực sự về Thiên Chúa. Bởi nếu có đến tận nơi và xem cho kỹ thì mới có những lời chứng hùng hồn về Thiên Chúa trong cuộc đời và sứ vụ của mình được! Nếu không, lời chứng của chúng ta có khi chỉ dừng lại trên giấy tờ, những khái niệm trừu tượng, không ăn nhập gì với con người và cuộc sống hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho tinh thần của hai môn đệ Gioan khi xưa được trở nên lựa chọn của chính chúng con ngày hôm nay khi chúng con sẵn sàng “đến và xem” rồi ở lại với Chúa để được hạnh phúc đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta một khuôn mẫu của hành trình trở nên người môn đệ của Đức Giê-su. Hành trình bao gồm bốn bước.

1. Bước thứ nhất: được giới thiệu

Thầy Gioan giới thiệu Đức Giê-su cho hai anh học trò của mình:

Đây là Chiên Thiên Chúa. (C 36)

Lời giới thiệu này chất chứa cả một mầu nhiệm cứu độ và vì thế, trở thành bất hủ, vì được tuyên xưng tới bốn lần trong mỗi Thánh Lễ: sau khi chúng ta chúc bình an, cộng đoàn phụng vụ đọc hay hát: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian…” (3 lần); tiếp đến, linh mục chủ tế dâng cao Mình Thánh trên Chén Thánh (hoặc Dĩa Thánh), long trọng công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”.

Trong hành trình trở thành người môn đệ của Đức Kitô trong ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến, chúng ta cũng cần có những “Gioan” giới thiệu, giúp chúng ta hiểu, yêu mến và đi theo Đức Ki-tô, là “Chiên Thiên Chúa”.

  • Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên vô tội, nhưng lại mang vào mình mọi tội lỗi của từng người và loài người chúng ta, như Người Tôi Tớ Đau Khổ, để ban cho chúng ta sự vô tội của Ngài.
  • Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên vô tội bị sát tế, để bày tỏ sự tín thác tuyệt đối vào đức công chính và sự sống mạnh hơn sự chết nơi Thiên Chúa, thay vì tự mình xét xử và lên án, để trở thành Đường Đi và Sự Sống cho chúng ta.
  • Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên hiền lành, thay vì dùng bạo lực chống lại bạo lực, diễn tả khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu thì hiền lành.

2. Bước thứ hai: đi theo

Hai môn đệ, một trong hai mang tên Anrê, đi theo Đức Giê-su.

Hai môn đệ nghe ông (Gioan) nói,
liền đi theo Đức Giê-su. (C 37)

Chúng ta được mời gọi thán phục hai người môn đệ này, vì hai ông đã đặt hết lòng tin nơi lời giới thiệu của thầy Gioan và đã liều lĩnh đi theo người mà mình chưa thực sự hiểu biết và gặp gỡ. Điều này giả định hai ông phải có khát khao gặp gỡ và tìm kiếm “Chiên Thiên Chúa”, tìm kiếm Đấng Cứu Độ; và việc hai ông “liền đi theo Đức Giê-su” cũng giả định sức thu hút của Người, cho dù Người chưa lên tiếng hay chưa làm gì cho hai ông.

Chúng ta hãy hình dung ra hình ảnh rất đẹp này: Đức Giêsu đi trước, hai người đi sau: hai bên vẫn chưa quen nhau, vẫn còn khoảng cách, nhưng lòng đã hướng về nhau rồi.

3. Bước thứ ba: gặp gỡ

Đây là bước quyết định hay bước ngoặt. Đức Giê-su biết có hai người đi theo mình, nhưng có lẽ cố ý để như thế một hồi lâu. Hai người chủ động đi theo Đức Giêsu, nhưng chính Ngài dừng bước, quay lại, thấy và lên tiếng trước:

Hai anh tìm gì vậy? (C 38)

Câu hỏi này xem ra thật bình thường, vì chúng ta vẫn hay hỏi nhau với những câu hỏi tương tự như thế trong đời thường. Nhưng vì là của Đức Giêsu, nên câu hỏi này mãi mãi và mỗi ngày đụng chạm đến nơi sâu thẳm của hai môn đệ và của tất cả những ai đang đi theo Đức Giêsu, trong đó có chúng ta.

Thật vậy, trong hành trình đi theo Chúa của chúng ta, ở mỗi giai đoạn sống, ở mỗi ngày sống, trong mỗi dự định và lựa chọn, trong mỗi công việc lớn nhỏ, và trong Thánh Lễ này nữa, Đức Giêsu cũng hỏi chúng ta: “Con tìm gì vậy?” Nếu Đức Giêsu hỏi đích thân từng người chúng ta, hỏi Cộng Đoàn chúng ta, chúng ta sẽ trả lời làm sao? Coi vậy mà không dễ trả lời, vì một đàng, điều chúng ta đi tìm đôi khi rất khó nói ra; đàng khác, điều chúng ta đi tìm, có thực sự là điều chúng ta khao khát trong sâu thẳm tâm hồn và một cách bền vững hay không, bởi lẽ lòng ước ao của chúng ta luôn vượt quá những gì những cụ thể, những gì được xác định hay phát biểu.

Quả vậy, vì khó trả lời, và hơn nữa bị hỏi rất bất ngờ nên hai người trẻ đã đáp lại hẳn là với sự bối rối bằng một câu hỏi:

Thưa Thầy, Thầy ở đâu? (C 38)

Và câu hỏi này cũng thật kì cục, vì chưa làm quen gì hết mà đã hỏi người ta ở đâu! Tuy nhiên, Đức Giêsu chẳng bắt bẻ gì hết, ngược lại, Ngài như đã quen biết hai anh từ lâu, nên mời đến tham quan nơi ở của Ngài, Ngài nói với họ:

Hãy đến và các anh sẽ thấy. (C 39)

Và họ đã không chỉ đến tham quan chỗ ở của Ngài, nhưng còn lưu lại với Ngài. Sau này, hai môn đệ này và tất cả những ai đi theo Đức Giê-su, trong đó có chúng ta, sẽ nhận ra rằng Đức Giêsu không có một nơi ở nào cố định hết trên trần gian này. Ngài đến từ Thiên Chúa và Ngài sẽ đi về cùng Thiên Chúa (x. Ga 13, 3). Đây cũng chính là hành trình của các môn đệ, của mỗi người chúng ta; và chúng ta được mời gọi “lưu lại với Ngài” mọi nơi mọi lúc, bởi vì Ngài là đường đi và chính Ngài cũng lưu lại với chúng ta mọi nơi mọi lúc, với mầu nhiệm Thánh Thể của Đấng đã chết, đã Phục Sinh, đang sống và hiện diện giữa và trong chúng ta.

*  *  *

Vẫn còn một bước nữa, đó là, sau khi đến xem nơi ở của Đức Giêsu và lưu lại với Ngài, một trong hai người là Anrê đi giới thiệu Đức Giê-su cho người khác. Người khác ở đây không phải là người xa và lạ, nhưng là Simon, em của mình. Thực vậy, Anrê gặp em mình và nói:

“Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”. (C 41)

Và Anrê không chỉ giới thiệu thôi, nhưng còn dẫn em Simon đến gặp Đức Giêsu. Như thế, ông Anrê đóng vai trò của thầy Gioan Tẩy Giả đối với em mình.

Một khi đã gặp được và tin vào Đức Giêsu, ai trong chúng ta cũng có sứ mạng giới thiệu Ngài cho những người thân cận và thân yêu và dẫn họ đến gặp Đức Giêsu. Và điều này rất tự nhiên, bởi vì gặp được Đức Giêsu là niềm vui, bởi vì Ngài mang lại ý nghĩa cho cuộc đời đầy khó khăn thử thách của chúng ta, và Ngài là ánh sáng và là con đường dẫn chúng ta ngày hôm nay đến với Nguồn Sự Sống, là chính Thiên Chúa.

*  *  *

Ba bước (được giới thiệu về Đức Giêsu, đi theo Đức Giêsu, gặp gỡ Đức Giêsu và giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, nhất là cho những người thân cận) diễn tả cho chúng ta bốn chặng đường làm nên hành trình trở nên môn đệ của Đức Giêsu.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ trải qua từng bước một lần là xong. Vì thế, bốn bước này cũng còn là bốn yếu tố lúc nào cũng phải có trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta: lúc nào chúng ta cũng cần được giới thiệu và dạy dỗ về Đức Ki-tô, lúc nào cũng cần đi theo Ngài, gặp gỡ Ngài đích thân, và lúc nào chúng ta cũng cần giới thiệu, loan báo, trình bày Ngài bằng lời và nhất là bằng cách sống cho người khác.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Chúng tôi đã tìm được Đấng Mêsia – Suy niệm song ngữ 4.01.2020

 

 Saturday (January 4): “We have found the Messiah!”

 

Scripture: John 1:35-42

35 The next day again John was standing with two of his disciples; 36 and he looked at Jesus as he walked, and said, “Behold, the Lamb of God!”  37 The two disciples heard him say this, and they followed Jesus. 38 Jesus turned, and saw them following, and said to them, “What do you seek?” And they said to him, “Rabbi” (which means Teacher), “where are you staying?”  39 He said to them, “Come and see.” They came and saw where he was staying; and they stayed with him that day, for it was about the tenth hour.  40 One of the two who heard John speak, and followed him, was Andrew, Simon Peter’s brother.  41 He first found his brother Simon, and said to him, “We have found the Messiah” (which means Christ).  42 He brought him to Jesus. Jesus looked at him, and said, “So you are Simon the son of John? You shall be called Cephas” (which means Peter).

Thứ Bảy    4-1           Chúng tôi đã tìm được Đấng Mêsia

 

Ga 1,35-42

35 Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông.36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.”37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế? ” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? “39 Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.40 Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su.41 Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô).42 Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).

Meditation: 

 

Who is Jesus for you? John calls Jesus the Lamb of God and thus signifies Jesus’ mission as the One who redeems us from our sins. The blood of thePassover Lamb (Exodus 12) delivered the Israelites from their oppression in Egypt and from the plague of death. The Lord Jesus freely offered up his life for us on the cross as the atoning sacrifice for our sins (1 Corinthians 5:7). The blood which he poured out for us on the cross cleanses, heals, and frees us from our slavery to sin, and from the “wages of sin which is death” (Romans 6:23) and the “destruction of both body and soul in hell” (Matthew 10:28).

It is significant that John was the son of the priest, Zachariah, who participated in the daily sacrifice of a lamb in the temple for the sins of the people (Exodus 29). In Jesus John saw the true and only sacrifice which could deliver us from bondage to sin, death, and the powers of hell. How did John know the true identity of Jesus, as the Son of God and Savior of the world (John 1:29)? The Holy Spirit revealed to John Jesus’ true nature, such that John bore witness that this is the Son of God. How can we be certain that Jesus is truly the Christ, the Son of the living God? The Holy Spirit makes the Lord Jesus Christ known to us through the gift of faith. God gives us freely of his Spirit that we may comprehend – with enlightened minds and eyes of faith – the great mystery and plan of God to unite all things in his Son, our Lord Jesus Christ.

“What do you seek?” 

John in his characteristic humility was eager to point beyond himself to the Christ. He did not hesitate to direct his own disciples to the Lord Jesus. When two of John’s disciples began to seek Jesus out, Jesus took the initiative to invite them into his company. He did not wait for them to get his attention. Instead he met them halfway. He asked them one of the most fundamental questions of life: “What are you looking for?” Jesus asks each one of us the same question: “What are you searching for? Do you know the meaning and purpose for your life?” Only God, the Father and Author of life, can answer that question and make our purpose fully known to us. That is why the Lord Jesus invites each one of us to draw near to himself. He wants us to know him personally – to know what he came to do for us and what he wants to offer us. 

 

“Come and see”

“Come and see” is the Lord’s invitation for each one of us to discover the joy of friendship and communion with the One who made us in love for love. Saint Augustine of Hippo reminds us that it is God our Creator and Redeemer who seeks us out, even when we are not looking for him: “If you hadn’t been called by God, what could you have done to turn back? Didn’t the very One who called you when you were opposed to Him make it possible for you to turn back?” It is God who initiates and who draws us to himself. Without his mercy and help we could not find him on our own.

 

When we find something of great value it’s natural to want to share the good news of our discovery with our family, friends, and neighbors. When Andrew met Jesus and discovered that he was truly the Messiah, he immediately went to his brother Simon and told him the good news. Andrew brought his brother to meet Jesus so he could “come and see” for himself. When Jesus saw Simon approaching he immediately reached out to Simon in the same way he had done for Andrew earlier. Jesus looked at Simon and revealed that he knew who Simon was and where he came from even before Simon had set his eyes on Jesus. Jesus gave Simon a new name which signified that God had a personal call and mission for him. Jesus gave Simon the name “Cephas” which is the Aramaic word for “rock”. Cephas is translated as Peter (Petros in Greek and Petrus in Latin) which also literally means “rock”.

To call someone a “rock” was one of the greatest compliments in the ancient world. The rabbis had a saying that when God saw Abraham, he exclaimed: “I have discovered a rock to found the world upon”. Through Abraham God established a nation for himself. Through faith Peter grasped who Jesus truly was – theAnointed One (Messiah and Christ) and the only begotten Son of God. The New Testament describes the church as a spiritual house or temple with each member joined together as living stones (see 1 Peter 2:5). Faith in Jesus Christ makes us into rocks or spiritual stones. The Holy Spirit gives us the gift of faith to know the Lord Jesus personally, power to live the gospel faithfully, and courage to witness the truth and joy of the gospel to others. The Lord Jesus is ever ready to draw us to himself.  Do you seek to grow in the knowledge and love of the Lord Jesus Christ?

“Lord Jesus Christ, fill me with the power of your Holy Spirit that I may grow in the knowledge of your great love and truth. Let your Spirit be aflame in my heart that I may joyfully seek to do your will in all things.”

Suy niệm:

 

Đức Giêsu là ai đối với bạn? Gioan tẩy giả gọi Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa và do đó tuyên bố sứ mệnh của Đức Giêsu là Đấng sẽ cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Máu của Con Chiên Vượt qua (Xh 12) giải thoát dân tộc Israel khỏi sự áp bức trong nước Ai cập và tai họa của cái chết. Chúa Giêsu tự nguyện dâng hiến mạng sống mình cho chúng ta trên thập giá làm của lễ đền tội cho tội lỗi chúng ta (1Cor 5,7). Máu mà Người đỗ ra cho chúng ta trên thập giá thanh tẩy, chữa lành, và giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ cho tội lỗi và khỏi “những hậu quả của tội lỗi là sự chết” (Rm 6,23) và “sự hủy diệt cả thân xác và linh hồn trong Hỏa ngục” (Mt 10,28).

 

Thật là ý nghĩa rằng Gioan là con của Giacaria, vị tư tế của Israel đã tham dự vào lễ tế hằng ngày của con chiên trong đền thờ cho tội lỗi dân tộc (Xh 29). Nơi Ðức Giêsu, Gioan đã nhìn thấy lễ tế đích thật và duy nhất có thể giải thoát chúng ta khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi, sự chết, và những quyền lực của Hỏa ngục. Làm thế nào Gioan biết được căn tính đích thật của Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng cứu thế (Ga 1,29)? Chúa Thánh Thần đã mặc khải cho Gioan bản tính đích thật của Đức Giêsu để Gioan làm chứng rằng đây là Con Thiên Chúa. Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giêsu thật sự là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa hằng sống? Chúa Thánh Thần giúp cho chúng ta biết được Đức Giêsu Kitô qua hồng ân đức tin. Thiên Chúa ban Thần Khí của Người cho chúng ta cách nhưng không để chúng ta có thể hiểu được – với tâm trí được soi sáng và cặp mắt đức tin – mầu nhiệm và kế hoạch cao cả của Thiên Chúa để quy tụ mọi sự trong Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

“Các anh tìm gì?”

Gioan trong sự khiêm tốn đặc biệt của mình đã cố gắng vượt ra chính mình để chỉ cho người khác biết về Đức Kitô. Ông đã không do dự giới thiệu các môn đệ của mình tới Ðức Giêsu. Khi hai môn đệ của Gioan bắt đầu đi tìm Ðức Giêsu, Ðức Giêsu đã chủ động mời họ làm bạn cộng sự của mình. Người đã không chờ đợi họ tìm đến với mình. Trái lại, Người đón họ giữa đường. Người đã hỏi họ một trong những câu hỏi căn bản nhất của cuộc đời: “Các anh tìm kiếm điều gì?” Ðức Giêsu cũng hỏi mỗi một người chúng ta cũng cùng một câu hỏi: “Bạn đang tìm kiếm điều gì? Bạn có biết ý nghĩa và mục đích cho đời mình không?” Chỉ Thiên Chúa, là Cha và là Tác Giả của sự sống, mới có thể trả lời câu hỏi đó và cho chúng ta hiểu biết trọn vẹn về mục đích của mình. Ðó là lý do tại sao Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta đến gần Người. Người muốn chúng ta hiểu biết về Người một cách cá biệt – biết Người đến để làm gì cho chúng ta và điều gì Người muốn ban cho chúng ta.

“Ðến mà xem”

“Ðến mà xem” là lời mời gọi của Ðức Chúa dành cho mỗi một người chúng ta để khám phá ra niềm vui của tình bằng hữu và kết hiệp với Ðấng đã tạo dựng nên chúng ta trong tình yêu và cho tình yêu. Thánh Augustine thành Hippo nhắc nhở chúng ta rằng chính Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Chuộc chúng ta tìm kiếm chúng ta trước, thậm chí khi chúng ta không tìm kiếm Người: “Nếu bạn không được Thiên Chúa mời gọi, thì bạn có thể làm gì để đáp lại? Chẳng phải chính Đấng đã kêu gọi bạn khi bạn chống đối Người, giúp bạn có thể quay trở lại đó sao?” Chính Thiên Chúa là Đấng khởi xướng và lôi kéo chúng ta đến với Người. Không có lòng thương xót và sự giúp đỡ của Người chúng ta không thể nào tìm thấy Người với sức mình.

Khi chúng ta khám phá điều gì có giá trị lớn lao, tự nhiên chúng ta muốn chia sẻ tin vui khám phá của mình với gia đình, bạn bè, và những người thân cận của mình. Khi Anrê đến gặp Ðức Giêsu và khám phá ra rằng Người đích thật là Ðấng Mêsia, ông lập tức đến gặp anh mình là Simon và nói với ông tin vui đó. Anrê đem anh mình tới gặp Ðức Giêsu để chính ông có thể “đến mà xem”. Khi Ðức Giêsu nhìn thấy Simon đến gần, Người lập tức đến với Simon với cùng cách thức Người đã làm với Anrê trước đó. Ðức Giêsu nhìn Simon và mặc khải rằng Người biết Simon là ai và thậm chí ông từ đâu đến trước khi Simon nhìn thấy Ðức Giêsu. Ðức Giêsu ban cho Simon một tên mới có ý nghĩa rằng Thiên Chúa đã có lời mời gọi và sứ mệnh cá biệt dành cho ông. Ðức Giêsu ban cho Simon cái tên “Cephas”, tiếng Aramaic nghĩa là “đá”. Cephas được dịch là Phêrô (Petros theo tiếng Hylạp và Petrus theo tiếng Latin) theo nghĩa đen cũng có nghĩa là “đá”.

 

 

Gọi ai đó là “đá” là một trong những lời khen tặng vinh dự nhất trong thế giới xưa. Các thầy Rabbi có câu nói rằng khi Thiên Chúa nhìn thấy Abraham, Người đã thốt lên: “Ta đã tìm được một tảng đá để đặt nền tảng cho thế giới”. Ngang qua Abraham, Thiên Chúa đã thiết lập một dân tộc cho chính mình. Ngang qua đức tin, Phêrô đã biết được Ðức Giêsu thật sự là ai – là Đấng được tấn phong (Đấng Mêsia và Kitô) và là Con một yêu dấu của Thiên Chúa. Tân ước mô tả Giáo hội như một tòa nhà hay đền thờ thiêng liêng với mỗi thành viên liên kết với nhau như những viên đá sống động (1Pr 2,5). Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô làm cho chúng ta thành những tảng đá hay những viên đá thiêng liêng. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta hồng ân đức tin để nhận biết chính Chúa Giêsu, sức mạnh để sống Tin mừng cách trung thành, và can đảm để làm chứng cho người khác về chân lý và niềm vui của Tin mừng. Chúa Giêsu luôn sẵn sàng lôi kéo chúng ta đến gần Người. Bạn có tìm cách để được lớn lên trong sự hiểu biết và tình yêu của Chúa Giêsu Kitô không?

Lạy Đức Giêsu Kitô, xin lấp đầy lòng con sức mạnh của Thánh Thần Chúa để con được lớn lên trong sự hiểu biết về tình yêu và chân lý của Chúa. Xin cho Thần Khí Chúa bừng cháy trong lòng con để con có thể hân hoan tìm kiếm ý Chúa trong tất cả mọi sự.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây