Thứ Bảy tuần 25 thường niên.

Thứ sáu - 27/09/2019 04:00

Thứ Bảy tuần 25 thường niên.

“Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi Người về lời ấy”.

 

Lời Chúa: Lc 9, 43b-45

Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”. Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Không hiểu lời đó

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.

Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.

Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).

Chính vào giây phút thành công vẻ vang này,

Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.

“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).

Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác.

Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.

Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối.

Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu:

“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,

đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).

Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo

về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?

Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực.

Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề

ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46).

Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).

Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.

Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,

nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi,

con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.

Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.

Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,

họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã.

Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),

và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).

Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):

“Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?”

Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy,

thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ.

Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,

nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.

Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được

làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.

Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,

trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).

Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.

Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.

Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.

Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.

Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.

Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,

lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.

Nơi thập giá chúng ta thấy rõ nhất tình yêu vô lượng của Cha,

và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại.

Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người,

và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.

Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.

Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.

Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.

Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này,

chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.

Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,

cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.

Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu phục sinh

Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,

xin cho con biết sống

cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.

Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.

Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.

Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.

Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.

Vượt qua những thành kiến con có về người khác...

Chính vì Chúa đã phục sinh

nên con vui sướng và can đảm vượt qua,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh

gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,

tin tưởng và niềm vui.

Ước gì ai gặp con

cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

Lm Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Chấp nhận khổ đau

Có hai người đang bị dằn vặt với nỗi khổ đau của mình. Họ tìm đến với một vị ẩn sĩ để xin ý kiến. Vị ẩn sĩ này giới thiệu họ đến gặp một vị ẩn sĩ khác. Sau khi nghe họ giãi bày tâm sự, ông trả lời: "Tốt hơn các anh hãy tìm đến một vị khác, tôi không có đủ tư cách để trả lời câu hỏi đó, bởi vì cả đời tôi có bao giờ nhận điều xấu từ bàn tay Chúa đâu". Hai người thanh niên chợt hiểu rằng khi con người vui vẻ đón nhận khổ đau, thì khổ đau không còn là vấn đề nữa.

Trong Tin Mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy đối đầu với khổ đau, nếu khổ đau là thành phần thiết yếu của cuộc sống. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực của khổ đau hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối đầu với nó. Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta cách thế đối đầu với khổ đau, đó là chấp nhận khổ đau với tình yêu. Ðau khổ mà không có tình yêu thì chỉ là hỏa ngục mà thôi.

Xem chừng tất cả các vấn đề của con người đều được gắn liền với khổ đau. Vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao nhiêu tội ác, vì không muốn hy sinh mà một người mẹ đang tâm giết đứa con trong lòng mình, vì không muốn thấy người thân đau khổ mà người ta giết họ một cách êm dịu, vì không muốn đối đầu với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác: hỏa ngục là như thế đó.

Chúa Giêsu đã đón nhận khổ đau, Ngài đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài. Mỗi ngày có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không, là tùy con người có biết đón nhận khổ đau với tình yêu hay không.

Giữa muôn nghìn khổ đau và thử thách của cuộc sống, xin Chúa cho chúng ta đón nhận tất cả với lòng tin yêu, phó thác và cảm tạ tình yêu Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Lời tuyên xưng của Thánh Phêrô

Hôm qua, chúng ta đã đọc và suy niệm đoạn Tin Mừng nơi chương 9 cũng của Phúc Âm theo thánh Luca, trong đó chúng ta ghi nhận lời Chúa loan báo lần đầu tiên về cuộc tử nạn của Ngài để đáp lại lời tuyên xưng của thánh tông đồ Phêrô: "Thầy là Ðấng Thiên Sai của Thiên Chúa". Hôm nay, chúng ta lại được Giáo Hội cho đọc đoạn ghi nhận lời loan báo của Chúa Giêsu lần thứ hai về cuộc khổ nạn của Ngài để cứu chuộc nhân loại. Ðọc lại lời loan báo này, chúng ta ghi nhận sự kiện là Chúa Giêsu sử dụng ngôn ngữ của sách tiên tri Ðaniel chương 7,13 và áp dụng cho mình cách nói Con Người đến mạc khải về chính mình như là Ðấng Thiên Sai, Ðấng có nguồn gốc từ trên cao được sai xuống trần gian, và để lưu ý và sửa lại những lệch lạc trong quan niệm về một Ðấng Thiên Sai vinh quang. Chúa Giêsu nhắc đến việc Con Người bị nộp vào tay người đời. Chúa Giêsu mạc khải một Ðấng Thiên Sai chịu đau khổ, một Ðấng Thiên Sai là người Tôi Tớ của Thiên Chúa chịu đau khổ như được nhắc đến trong sách tiên tri Isaia. Phúc Âm ghi lại phản ứng của các tông đồ lúc đó là các ngài không hiểu ý nghĩa Chúa muốn nói, tuy nhiên các ngài có trực giác trước một điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra cho Chúa và cả cho các ngài nữa, bởi vì trước đó, trong lần tiên báo về cuộc khổ nạn của mình tại Giêrusalem, Chúa Giêsu nhắc đến điều kiện cần phải vác thập giá để theo Chúa. Linh tính trước có điều quan trọng sắp xảy đến mà các ông không hiểu nên các ông lo sợ, lo sợ nhưng lại e ngại không dám hỏi Chúa Giêsu.

Ngày hôm nay, chúng ta cũng có thể hành sự như các tông đồ ngày xưa, chúng ta không hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong đời sống chúng ta, không hiểu được mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời của Chúa cũng như trong cuộc đời của chính mình. Không hiểu, chúng ta ngại không dám tiến tới, không dám tiếp tục con đường theo Chúa, ngại ngùng trước việc tìm hiểu biết Chúa, ngại ngùng lên tiếng xin Chúa trợ giúp cho ta hiểu biết Ngài trong việc cầu nguyện và tiếp xúc với lời Chúa và đến với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy khiêm tốn và tin tưởng đến với Chúa và xin Ngài mạc khải cho chúng ta được hiểu về Ngài mỗi ngày một sâu rộng hơn.

Lạy Chúa,

Xin thương tha thứ cho chúng con về những lần mà chúng con nghi ngờ về Chúa và về những sự nguội lạnh làm biếng của chúng con trong việc tìm biết về mầu nhiệm Chúa. Xin thương ban cho chúng con một con tim mới. Xin mạc khải cho chúng con hiểu thêm về Chúa, về con đường thập giá cần phải đi qua để tiến đến sự sống muôn đời với Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Sợ không dám biết

“Phần anh em hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc. 9, 44)

Các tông đồ rất giống chúng ta, chúng ta cũng rất giống các Ngài. Các Ngài sợ biết rõ những điều Đức Giêsu muốn giải thích. Khi Người loan báo nhiều lần về cái chết của Người sắp tới. Đó là lý do tại sao các ông im không dám hỏi thêm về tin báo cái chết. Các ông tự thâm tâm từ chối nghĩ đến cái chết của Đức Kitô. Các ông không muốn hiểu dù Thầy đã thử làm sáng tỏ rằng: “Không có tình yêu nào lớn hơn hiến mạng sống cho người mình yêu”.

Các ông tuyệt đối không muốn thấy gương mù thập giá. Người ta có nên trách các ông không? các ông không thể từ bỏ quan niệm Đấng Kitô cai trị trần thế, chiến thắng huy hoàng và phục hưng nước Is-ra-el vinh quang. Người đến ban cho dân tuyển chọn tất cả mọi vinh hoa sang trọng như thời Mô-sê, Đa-vít và Sa-lô-môn xưa, để Is-ra-el trở thành vương quốc nhất thế giới. Các ông đã nuôi những tham vọnh như thế ngay cả lúc Đấng Kitô bị nộp vào tay kẻ đóng đinh Người. Cho nên, làm sao các ông có thể nắm bắt được ý nghĩ hy sinh mà Đức Giêsu đã đề cập tới? dầu các ông yêu Người và theo Người.

Sự hy sinh này là tâm trạng đời sống của Đức Kitô. Nó sẽ tóm tắt toàn diện sứ vụ của Người, đây là lý do Người đã đến trong thế gian, đây là lý do Người phải chịu đau khổ nhiều, đây là lý do Người là Đấng Trung Hòa và là Đấng Cứu Thế. Còn lý do tại sao Người không chịu giải thích tối đa để chuẩn bị các môn đệ chấp nhận thập giá? có phải thập giá gây cho các ông tuyệt vọng ê chề không?

Chúng ta cũng như các tông đô, chúng ta sợ biết phải đi vào con đường đau khổ với Đức Kitô. Chúng ta đôi khi không thích hỏi những ý nghĩa ẩn chứa trong Tin Mừng của Người. Chúng ta giải thích lời Người theo kiểu của mình, hay làm cho lời Người nên ngọt ngào êm dịu, sợ tư tưởng đó quá rõ, quá khó theo. Là môn đệ Đức Kitô, phải vui lòng chấp nhận ơn kêu gọi đặc biệt này là: “Hãy vác thập giá mình mà theo Ta”.

 

SUY NIỆM 5: HÓA GIẢI ĐAU KHỔ BẰNG LÒNG MẾN (Lc 9, 44b-45)

Xem lại CN 25 TN B, thứ Ba tuần 7 TN và thứ Hai tuần 18 TN

Trong một thánh lễ nọ, có một cụ bà đến bàn ghi ý lễ và nói: “Xin ơn chết lành!”. Vị ghi ý lễ không chịu, vì đây là điều quái gở, nên tự ý ghi lại là: “Xin như ý”. Biết được, bà cụ không đồng ý và yêu cầu ghi đúng nguyên văn. Ôi thật là người tràn đầy đức tin!

Cũng có một câu chuyện khác kể về hai người nọ đang gặp đau khổ và đến xin một vị ẩn sĩ tìm cách giúp cho mình vượt qua thực trạng của cuộc sống mà họ đang phải đối đầu.

Sau khi nghe họ giãi bày tâm sự, vị ẩn sĩ trả lời: “Tốt hơn các anh hãy tìm đến một vị khác, tôi không có đủ tư cách để trả lời câu hỏi đó, bởi vì cả đời tôi có bao giờ nhận điều xấu từ bàn tay Chúa đâu!”. Nghe đến đây, hai người thanh niên chợt hiểu rằng khi con người vui vẻ đón nhận khổ đau, thì khổ đau không còn là vấn đề bi đát nữa.

Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài sẽ phải chịu ngay khi dân chúng và chính các môn đệ đang trầm trồ khen ngợi vẻ huy hoàng, vinh quang qua quyền năng của Đức Giêsu nơi các việc Ngài đã làm cho dân. Khi tiên báo lúc này, Đức Giêsu muốn các môn đệ hãy đi theo con đường hy sinh, từ bỏ và đón nhận đau khổ vì tình yêu thì sẽ đạt được hạnh phúc đích thực.

Khổ đau không bao giờ buông tha chúng ta! Nếu chúng ta đối đầu với chúng trong sự tiêu cực thì chính khổ đau sẽ vùi dập cuộc đời và nó sẽ làm cho chúng ta thất vọng. Còn nếu chúng ta đón nhận nó trong lòng mến Chúa và sứ vụ thì sẽ bình an và đôi khi hạnh phúc hiện lên từ những gian nan khốn khổ. Bởi lẽ, theo niềm tin của người Công Giáo thì: “Qua đau khổ mới được vào vinh quang”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: con đường theo Chúa là con đường của đau khổ và hy sinh. Tuy nhiên, trung thành với Chúa trong lòng mến, chúng con sẽ được phục sinh vinh hiển mai ngày. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

Suy niệm

“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”

Đứng trước cái chết, ai trong chúng ta cũng lo lắng, sợ sệt vì chúng ta không biết sẽ đi về đâu, cuộc sống mai sau sẽ thế nào? Vả lại, chúng ta cũng chưa biết rằng chúng ta sẽ chết lúc nào và chết ra sao? Vì thế, mỗi người chúng ta hãy luôn tỉnh thức và sẵn sàng vì biết rằng khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cái chết, chúng ta sẽ không còn lo lắng và sợ hãi nữa.

Hôm nay trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng đối diện với cái chết đang chờ đón Ngài phía trước, nhưng Ngài luôn sẵn sàng cho giây phút đó. Đứng trước phép lạ trừ quỷ của Chúa, các môn đệ còn bỡ ngỡ và đầy tán phục thì chính Chúa lại tiên báo về cái chết của Ngài. Ngài sẽ phải chịu chết để cứu thoát con người khỏi ách tội lỗi. Thế nhưng, các môn đệ không hiểu được điều này vì nó còn quá bí ẩn và pha chút ngỡ ngàng. Vì đối với họ, Chúa Giêsu là Đấng quyền phép không thể chết bởi tay người đời được, nhưng trái lại, Ngài sẽ dùng quyền năng của mình để đứng lên giải phóng dân tộc Do thái khỏi ách thống trị và giành lại độc lập để mọi người được sống an vui, hạnh phúc … Đúng là tư tưởng của Thiên Chúa khác xa với suy nghĩ của loài người. Vì vậy khi nghe điều đó, các ông cũng lo sợ nhưng lại không dám hỏi Người.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống giữa thế gian này với biết bao khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Thế gian ghét chúng con vì chúng con là người Kitô hữu, vì chúng con đi ngược lại với những hành vi của nó và qua đó vô tình chúng con phản đối nết sống sai lầm mà nó đã tạo ra. Vì lo sợ cô đơn, lạc loài, đôi khi chúng con cũng bỏ quên Chúa để chạy theo những đam mê của thế gian này, xin Chúa tha thứ cho sự yếu đuối cảu chúng con và giúp chúng con can đảm làm chứng về Chúa cho mọi người chúng con gặp gỡ dù biết rằng sẽ gặp nhiều trở ngại, chống đối, nhưng có Chúa, chúng con không sợ gì vì Chúa chẳng bao giờ bỏ rơi chúng con. Amen.

 Giuse Nguyễn Hồ Điệp SDB

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây