Thứ bảy tuần 3 Mùa Chay.

Thứ sáu - 29/03/2019 09:15

Thứ bảy tuần 3 Mùa Chay.

"Người thu thuế ra về được khỏi tội".

 

Lời Chúa: Lc 18, 9-14

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác:

"Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi".

Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội".

Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Chìa Khoá Của Tự Do

Người Hồi giáo nói về sự cầu nguyện bằng câu chuyện sau:

Có một người thợ kim hoàn nghèo nhưng thanh liêm bị giam tù vì một tội ông không bao giờ phạm. Vài tháng sau khi người chồng bị giam giữ, người vợ đến gặp ban giám đốc và xin cho chồng một ân huệ. Bà nói chồng bà là một tín hữu trung thành với các buổi cầu nguyện, bà xin được gửi cho chồng một tấm thảm nhỏ để quì cầu nguyện năm lần một ngày theo qui định của Hồi giáo. Lời thỉnh cầu được chấp nhận dễ dàng… Ngày nọ, người thợ kim hoàn đến trình bày với các quản giáo: “Tôi là thợ kim hoàn, nếu các người cho tôi một ít kim loại, tôi có thể vừa qua được thời giờ nhàn rỗi, vừa làm được cho các người những nữ trang có thể dùng được”. Các quản giáo không thấy trở ngại nào về điều đó. Một ngày nọ, các canh tù bỗng phát giác ra cánh cửa nhà tù bị mở toang và người thợ kim hoàn đã tẩu thoát. Cùng lúc đó người ta cũng bắt giữ được thủ phạm đích thực mà họ đã qui lầm cho người thợ kim hoàn. Bấy giờ người thợ kim hoàn mới ra mặt và tiết lộ việc trốn thoát cuả ông. Sau khi ông bị bắt oan, vợ ông liên lạc với kiến trúc sư đã vẽ hoạ đồ nhà tù. Ông này cho phép bà in nguyên hoạ đồ chi tiết cuả nhà tù lên tấm thảm. Mỗi ngày năm lần dù phủ phục trên tấm thảm để cầu nguyện, người thợ đã thuộc lòng đường ra lối vào của nhà tù, thêm vào đó nhờ những mảnh kim loại các quản giáo cung cấp, người thợ đã có thể mài dũa những chìa khoá để mở các cánh cửa nhà tù, đó là bí quyết đã giúp ông trốn được khỏi nhà tù.

Cầu nguyện là chìa khoá của tự do. Một tâm hồn khao khát tự do đích thực là một tâm hồn biết cầu nguyện. Chúa Giêsu như muốn minh hoạ cho chân lý ấy qua dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Biệt phái lên giữa đền thờ đứng thẳng người để kể về những thành tích của mình, trong khi đó người thu thuế tội lỗi đứng trong góc đền thờ, không dám ngước mặt lên, nhưng cúi mình đấm ngực nói lên nỗi khốn cùng tội lỗi của mình. Chúa Giêsu tuyên bố người thu thuế ra về được tha tội, còn người Biệt phái vẫn tiếp tục ù lì trong sự tự phụ của mình. Phải chăng Chúa Giêsu không muốn nói với chúng ta rằng câu chuyện đích thực chính là nỗi khao khát được thoát khỏi những thứ nô lệ đang trói buộc tâm hồn con người.

Mùa Chay là trường dạy cầu nguyện. Giáo hội mời gọi chúng ta gia tăng cầu nguyện, điều đó có nghĩa là chẳng những dành nhiều thời giờ cho cầu nguyện, mà nhất là thanh luyện thái độ chúng ta trong khi cầu nguyện, lời cầu nguyện đích thực trong mùa chay phải là thái độ sám hối. Khởi đầu của cầu nguyện ấy là mọi nhận thức sâu xa về thân phận, tội lỗi của chúng ta và từ đó nói lên tất cả tín thác của chúng ta vào tình yêu tha thứ của Chúa. Lòng tín thác ấy sẽ xoá tan mọi tội lỗi và mang lại cho chúng ta tự do đích thực của con cái Chúa.

Như người con hoang đàng mong được trở về với cha, như người thu thuế nép mình nơi lòng tha thứ của Chúa, xin cho chúng ta luôn được sống trong tâm tình sám hối thực sự và cảm nhận được tình thương khoan dung vô bờ của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Hoán cải và cậy trông

Vào thời Chúa Giêsu, các kinh sư và những người pharisiêu thường bị Chúa quở trách nặng lời về tính tự cao tự đại của họ.

Trong dụ ngôn vừa đọc lại trên đây, Chúa Giêsu dùng hình ảnh một người pharisiêu khoe khoang công trạng mình trước mặt Thiên Chúa. Ông đáng trách không phải vì những việc tốt ông đã làm, như việc ăn chay mỗi tuần hai lần và đóng thuế thập phân cho đền thờ. Nhưng ông đáng trách vì đã xem những công việc đạo đức này như là một chiếc vé để mang lại sự công chính cho ông. Qua lời cầu nguyện của ông, chúng ta thấy rõ ông làm những việc này cốt để tự biến mình trở nên người công chính chứ không phải để thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ anh chị em. Ông giữ mình khỏi vướng mắc vào các thói hư tật xấu cốt để cho người khác thấy ông đạo đức tốt lành, chứ không như những người hư đốn đồi bại khác. Mỗi khi ra đường, chắc hẳn ông đã kiêu hãnh ngẩng đầu lên với khuôn mặt nghiêm trang, dáng đi chững chạc uy nghi, các hộp kinh thật lớn thắt trên người, các tua áo thật dài thả tung bay, ông nhìn thấy mình thật xứng đáng để cho thiên hạ kính nể. Bước vào đền thờ, ông đứng riêng ra, chọn cho mình một chỗ xứng đáng và ông bắt đầu khoe với Chúa những công trạng của mình. Nhìn thấy người thu thuế đang cúi đầu khẩn nguyện, ông thưa với Chúa cách tự phụ: "Ðấy, Chúa thấy người thu thuế tội lỗi kia không, con đâu như hắn ta, con tốt hơn hắn nhiều, hắn tham lam tiền bạc, gian lận thuế má, chèn ép lận lường. Con cám ơn Chúa vì con đâu giống như hắn". Nhưng ông pharisiêu đâu biết rằng Thiên Chúa chẳng cần đếm xỉa gì đến những lời khoe khoang tự cao tự đại của ông, Người cần tấm lòng chứ không cần hy lễ, Người cần con tim yêu thương chứ không cần trí óc tự phụ. Tâm hồn khiêm cung tự hối của người thu thuế mà ông coi chẳng ra gì kia lại làm đẹp lòng Chúa còn hơn là ông nghĩ đến.

Thử hỏi, chúng ta nhìn thấy mình trong hình ảnh người nào trong dụ ngôn trên đây: người pharisiêu hay là người thu thuế? Nếu đã lỡ là người pharisiêu, chúng ta đừng ngã lòng nhưng hãy thành thật hoán cải và cậy trông vào tình thương của Thiên Chúa, Người có thể biến sự dữ trong chúng ta nên sự lành. Nếu chúng ta thành tâm thiện chí, Thiên Chúa sẽ đập tan tính kiêu hãnh của chúng ta và thay vào đó một tâm tình mới, Người sẽ dạy chúng ta biết sống sao cho đẹp lòng Chúa. Còn nếu chúng ta đã là người thu thuế, thì chúng ta cũng hãy cương quyết làm lại cuộc đời, Thiên Chúa đã yêu thương tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta, Người đã đón nhận tấm lòng tan nát khiêm cung của chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng làm lại từ đầu.

Với ân sủng của Thiên Chúa, không có sự gì là không thể thực hiện được, chỉ cần chúng ta vững tin và phó thác vào Người rồi Người sẽ dẫn dắt chúng ta bước đi trên đường ngay nẻo chính. Mùa Chay là mùa thuận tiện để canh tân đời sống. Chúng ta hãy cộng tác với ơn Chúa để đổi mới tâm hồn mình nên công chính như Chúa vẫn mong chờ.

Lạy Chúa, xin gìn giữ con, đừng để con rơi vào thái độ tự phụ kiêu ngạo. Xin cho con biết sống khiêm nhường tự hạ trước tôn nhan Thiên Chúa và trước mặt anh chị em. Và xin giúp con được canh tân đời sống trở về với Chúa, đừng bao giờ thất vọng vì những tội lỗi của con đã phạm, nhưng luôn trông cậy vào tình thương tha thứ của Chúa.

(Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày – R. Veritas)

 

SUY NIỆM 3: Đừng bắn người biệt phái

Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia là người thu thuế…” (Lc. 18, 9-10)

Người biệt phái này không đến nỗi xấu, ông ăn chay hai ngày một tuần, ông dâng cúng một phần mười hoa lợi kiếm được … Thật là một viên ngọc quý mà chẳng có ai trong giáo xứ có thể làm được như vậy. Đừng khiển trách ông đứng cầu nguyện, đó là thói quen của người Do thái. Ông khoe khoang không ai bằng, đáng nực cười. Ông chẳng có chút gì là nhân đức, ông cảm ơn Chúa đã sống như thế.

Đến lượt người thu thuế, ông không dám bốc thơm mình. Đáng lẽ ra, ông vừa đứng xa xa sấp mình xuống đất run rẩy cầu nguyện, ông vừa lo trả tiền của lại cho những người nghèo đã bị ông bóc lột thì tốt hơn. Nhưng người thu thuế đã mang tiếng là hạng làm giàu bằng cách lạm thu.

Chúng ta cũng hèn nhát chê người biệt phái: “Tôi không giả hình như hạng cuồng tín đó. Tôi có nhiều lỗi, tôi khô khan cứng cỏi với người khác, tôi lười biếng … Nhưng tôi không mắc nợ ai”. Đó cũng là cách nói như hạng biệt phái, chẳng có gì tốt cả. Bài học lịch sử này không phải là so sánh hai hạng người, làm thế là đáng ghét, nhưng chính là để nhắc nhở chúng ta đến lời thánh Phao-lô dạy chúng ta: “Chính nhờ đức tin làm cho chúng ta nên công chính, không có đức tin, chúng ta không đáng gì trước mặt Thiên Chúa”.

Đặc biệt, trường hợp người thu thuế làm sáng lên trong chúng ta một niềm hy vọng tuyệt vời, là những kẻ tội lỗi đừng bao giờ thất vọng và phải luôn hy vọng vào lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Đức Giêsu luôn ban ơn cho những người thấy mình vô tài bất lực, thấy mình chẳng đáng công gì, chẳng có thể đền bù được tội lỗi mình, vì Đức Giêsu đã nói: “Tôi đến không phải cứu chữa những người khỏe mạnh, nhưng cứu chữa những người bệnh tật”. Đừng bao giờ thấy mình hơn người khác, kẻo đi vào vết chân biệt phái.

J.G

 

SUY NIỆM 4: KHIÊM TỐN THẬT THÌ MỚI ĐƯỢC THA THỨ (Lc 18,9-14)

Có một câu chuyện kể rằng: một ông giáo dân nọ nổi tiếng là đạo đức với những câu chuyện về lòng quảng đại, giúp đỡ của ông cho người nghèo. Ông được nhiều người ca tụng là người tốt lành, thánh thiện, nhất là khiêm tốn khi quảng đại giúp đỡ người cùng khốn mà không cần đến danh vọng...

Chính bản thân ông cũng nghĩ mình như thế! Tuy nhiên, đến lúc về già, ông đến gặp cha xứ và tâm tình với ngài rằng: “Cả cuộc đời con đã hy sinh cho Chúa, Giáo Hội và mọi người, con không hề tính toán thiệt hơn, bởi xác tín rằng: mọi sự con có là bởi Chúa”. Nhưng ngay sau đó, ông xin cha xứ một đặc ân, đó là: khi ông chết, cho ông được chôn ở gầm bàn thờ!

Câu chuyện mang tính ngụ ngôn, nhưng thực tế, trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn đó rất nhiều người có tư tưởng khiêm tốn như ông lão trong câu chuyện trên. Thiết nghĩ, một lần khiêm tốn kiểu đó phải chăng bằng bốn lần kiêu ngạo! Nó thật giống với người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay.

Dụ ngôn kể về việc hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một Pharisêu và một thu thuế. Hai người này là điển hình của hai thành phần cực đoan, thái quá trong dân Dothái thời bấy giờ.

Với nhóm Pharisêu thì bảo thủ, kiêu ngạo, tự coi mình là người thành toàn, nắm toàn bộ lề luật và trở thành kiểu mẫu cho mọi người. Điều này được chứng minh qua lời cầu nguyện của ông với Thiên Chúa. Ông kể lể: “Con không gian tham, không bất công, không ngoại tình, không như người thu thuế đằng sau”; “một tuần ăn chay hai lần và dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.

Còn người thứ hai, bác thu thuế. Người thu thuế thì ai cũng biết, biết về tội ác của ông là phản bội và cấu kết với đế quốc La mã để hà hiếp, bóc lột, vơ vét của cải nhân dân. Vì thế, họ bị dân chúng khinh bỉ vì tội công khai của họ. Chính vì lý do đó, nên chúng ta dễ hiểu là tại sao ông thu thuế này lại đứng đằng xa, không dám ngẩng đầu lên, vừa đấm ngực vừa cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Kết cục, hai người ra về và người thu thuế thì được Chúa nhận lời, còn người Pharisêu thì không những không được Chúa nhận lời mà lại còn phạm thêm tội vì coi khinh người khác ngay khi cầu nguyện.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: đừng bao giờ coi khinh người khác khi cầu nguyện. Không được phán xét anh chị em của ta, trong khi mình cũng là kẻ có tội. Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên với Chúa chứ không phải quy về mình.

Hãy khiêm tốn thật lòng như người thu thuế, Chúa cần những tâm hồn trung thực và thật tâm như vậy, bởi vì tình thương của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của con người, chỉ cần con người thống hối ăn năn thì dù tội có đỏ như son thì Chúa cũng làm cho trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, Chúa cũng làm cho trắng như bông.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết “xé lòng chứ đừng xé áo” để đáng được Chúa tha thứ mọi tội lỗi. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Tự hào và khinh người

Suy niệm :

Tự hào về sự đạo đức của mình và khinh người khác,

Đó chẳng phải chuyện của các ông Pharisêu ngày xưa.

Đó là chuyện của con người mọi thời, của chính các môn đệ hôm nay.

Chúng ta nghe Đức Giêsu kể dụ ngôn này cho mình trong Mùa Chay thánh.

Hai nhân vật đối lập nhau, được đặt bên nhau trong dụ ngôn.

Họ ở trong cùng một đền thờ, cùng đứng cầu nguyện trước nhan Chúa.

Họ là một ông Pharisêu thánh thiện và một người thu thuế tội lỗi.

Nghe lời cầu nguyện của họ, chúng ta biết được lòng họ.

Người Pharisêu không xin gì cho mình, ông chỉ tạ ơn Thiên Chúa.

Ông kể ra những điều xấu mà ông không làm như bao kẻ khác,

hay như tên thu thuế mà ông thoáng thấy đứng cuối đền thờ (c. 11).

Ông còn kể những việc đạo đức tự nguyện về ăn chay và dâng cúng

mà ông đã làm vượt quá những gì Luật đòi buộc.

Lời cầu nguyện của ông khiến nhiều người Do Thái tử tế phải thèm.

Còn người thu thuế thì đứng xa, cúi đầu, đấm ngực, cầu xin cách đơn sơ :

“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (c. 13).

Anh thấy mình bất xứng, bất lực, chỉ biết cậy dựa vào tình thương tha thứ.

Kết luận của Đức Giêsu hẳn đã làm nhiều người chưng hửng.

Người thu thuế được Thiên Chúa làm cho nên công chính,

còn người Pharisêu thì không (c. 14).

Thiên Chúa có bất công không ? Chúng ta có cần sống tử tế nữa không ?

Thật ra, ông Pharisêu không được gì vì ông đã không xin gì.

Ông không xin vì ông thấy mình quá ư giàu có về mặt đạo đức.

Ông ra trước Thiên Chúa với một kho công trạng của mình.

Có bao nhiêu chữ con đầy tự hào trong lời nguyện của ông.

Chúng ta tưởng ông mở ra khi nói “con tạ ơn Thiên Chúa”

nhưng thực tế ông đã khép lại, quay vào mình, ngắm nghía vẻ đẹp của mình.

Rốt cuộc Thiên Chúa là người thừa, cùng lắm chỉ là người ông đến đòi nợ.

Ngược lại, anh thu thuế tuy có nhiều tiền, nhưng thấy mình tay trắng, lỗi tội.

Chính điều đó khiến anh hết sức cần đến Thiên Chúa.

Ngài đã nghe tiếng kêu của anh từ xa, từ cuối đền thờ.

Không cần Thiên Chúa và coi thường tha nhân, vẫn là cám dỗ muôn thuở.

Nên thánh không phải là chuyện “tôi làm”

mà là chuyện để Thiên Chúa tự do làm nơi đời tôi.

Chỉ ai nhìn nhận sự yếu đuối của mình,

lời cầu nguyện của người đó mới đánh động được trái tim Thiên Chúa.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.




 

SUY NIỆM:

1. Ông Pha-ri-sêu, người « công chính »

Chúng ta hãy nghe lại một lần nữa lời nguyện của người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, trong dụ ngôn của Đức Giê-su :

Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. (c. 11-12)

Và theo Đức Giê-su, một lời nguyện như thế sẽ không làm cho một người sống rất công chính trước mặt mọi người, như là ông Pha-ri-sêu, trở nên không công chính trước mặt Thiên Chúa. Trong khi đó, người làm nghề thu thuế đã thưa với Chúa một lời nguyện rất ngắn :

Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.

Nhưng lời nguyện này đã làm cho một người tội lỗi, đáng bị khinh chê trước mặt mọi người, trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Vậy điều gì trong lời nguyện của người Pha-ri-sêu, vốn là người sống rất tốt về mọi mặt, làm cho Chúa không vui lòng, làm cho ông không còn đáng yêu trước mặt Chúa ?

Chắc chắn đó không phải là vì ông đã kể ra tất cả những gì mình đã làm trước mặt Chúa. Một em bé, sau khi đi học cả ngày, tối về kể lại một cách đơn sơ tất cả những gì mình đã làm cho bố mẹ nghe, sẽ làm cho bố mẹ rất vui thích. Khi đến với Chúa, chúng ta cũng được mời gọi trở nên đơn sơ như em bé, kể lại tất cả những gì mình đã làm ; và chắc chắn, điều này cũng sẽ làm cho Chúa vui thích. Và đó chính là điều chính các Tông Đồ đã làm : « Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy » (Mc 6, 30).

Và lí do cũng không phải là vì ông nói dối trước mặt Chúa, nghĩa là kể sai sự thật ; bởi vì, với tư cách là một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, chắc chắn ông đã kể lại một cách chính xác những gì ông làm, không thêm thắt điều gì. Nếu thế, ông có một cuộc sống rất đáng cho chúng ta khâm phục, thậm chí đáng bắt chước nữa ; và ngày nay, các mục tử vẫn khuyên bảo như thế :

– Về phương diện luân lí, ông không tham lam, không ăn trộm, không làm điều bất chính, nhất là không ngoại tình. Rất ít người, kể cả chúng ta nữa, có thể sống như ông.

– Về phương diện đạo đức, ông là người rất sốt sắng, bởi vì ông ăn chay mỗi tuần hai lần ! Về chuyện ăn chay, chắc chắn ông sốt sắng hơn chúng ta, bởi vì chúng ta cũng ăn chay hai lần, nhưng là cho cả năm !

– Hơn nữa, ông còn đóng góp vào việc thờ phượng Thiên Chúa trong Đền Thờ. Về điều này, ông lại càng làm cho chúng ta phải khâm phục hơn, bởi vì ông không phải lâu lâu mới đóng góp, lúc có lúc không, nhưng ông đã đóng góp đều đặn, theo kế hoạch chi thu đã định sẵn, như ông thưa với Chúa : « Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con ». Một phần mười thu nhập là nhiều lắm : chúng ta hãy tính thử : cứ một triệu, thì dâng cho Chúa một trăm ngàn ! Chắc chắn, ít ai trong chúng ta, thậm chí ít người trên đời này, đã quảng đại như vậy.

2. Ông Pha-ri-sêu và « Kẻ Tố Cáo »

Một lời nguyện nói lên một cuộc sống rất tốt như thế, nhưng tại sao lại không làm cho người Pha-ri-sêu nên công chính, hay nói cách khác, không làm cho Chúa vui, không làm đẹp lòng Chúa, không hợp với Chúa, làm cho Chúa ngoảnh mặt đi ? Đó là vì, cũng trong lời nguyện này, ông so sánh mình với người khác ; hơn thế nữa, ông còn « chỉ điểm » cho Chúa một người cụ thể, mang tội đầy mình, đó người thu thuế đứng bên cạnh ông : « Con không như bao kẻ khác… hoặc như tên thu thuế kia ».

Thế mà, tố cáo người khác trước mặt Thiên Chúa, lại là hành động mà Satan thích làm nhất, thích đến độ Satan có một tên gọi khác, theo sách Khải Huyền, là « Kẻ Tố Cáo » :

Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,
giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,
và Đức Ki-tô của Người
giờ đây cũng biểu dương quyền bính,
vì Kẻ Tố Cáo (Satan, là danh từ trong tiếng Hi-lạp) anh em của ta,
ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa,

nay bị tống ra ngoài. (Kh 12, 10)

Như thế, lý do làm ông Pha-ri-sêu trở nên không công chính trước mặt Chúa, đó là vì, trong lời nguyện của ông, ông hành xử giống như Satan, ông đóng vai trò của Satan, hay nói mạnh hơn, ông tự biến mình thành Satan, khi ngay trong lời nguyện của mình, ông thích nghĩ đến tội của người khác và tố cáo họ trước mặt Thiên Chúa. Trong khi người thu thuế kia chỉ nghĩ đến tội của mình trước mặt Chúa một cách khiêm tốn và xin Ngài thương xót : « Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi ».

3. Trong Đức Ki-tô không còn lên án

Chúng ta thường hình dung sự thiện buộc tội sự dữ, sự dữ buộc tội sự thiện. Chúng ta thường nghĩ một cách tự phát rằng người công chính và người tội lỗi buộc tội lẫn nhau . Hơn thế nữa, chúng ta còn duy trì hình ảnh về một Thiên Chúa, Đấng Công Chính tuyệt đối, buộc tội con người vốn « tội lỗi bẩm sinh».

Thay vì sự thiện và sự dữ buộc tội lẫn nhau, thì chính hành vi buộc tội là một điều dữ. Miệng khô đi vì buộc tội liên tục, điều đó không phù hợp với sự thiện. Sự thiện thể hiện mình bằng cách đi qua hành vi buộc tội, chắc chắn là điều không thể tránh khỏi; và trong Kinh Thánh, không thiếu những bản luận tội thốt ra từ miệng các ngôn sứ, các tác giả Thánh Vịnh và cả Đức Giê-su nữa. Nhưng đó không phải là chỗ đứng đích thực của sự thiện, không phải là chỗ đứng sau cùng của sự thiện. Ngược lại, chỗ của kẻ buộc tội rốt cuộc được dựng lên là để cho sự dữ đứng vào. Chúng ta nói « rốt cuộc » vì chính trong sách Khải Huyền, sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh, mà chúng ta đọc được những lời chúng ta vừa trích dẫn ở trên : « Vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài » (Kh 12, 10).

Khác hẳn với ông Pha-ri-sêu, Đức Ki-tô vốn là Đấng công chính tuyệt đối và hoàn hảo, nhưng Ngài không khinh chê những người tội lỗi là chính chúng ta, như chính Ngài đã nói :

– Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ » (Ga 3, 17).

– « Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. » (Mt 9, 13)

– Và nhất là trên Thập Giá, « Đức Ki-tô chịu đóng đinh, Đối Tượng Duy Nhất của lòng trí chúng ta », đã tự nguyện bị đối xử như là một tội nhân, bị lên án như một tội nhân và ở giữa các tội nhân, để bày tỏ cho chúng ta lòng bao dung vô hạn của Thiên Chúa đối với mọi tội nhân thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta.

Và chính lòng thương xót là động lực mạnh mẽ và bền vững tái sinh chúng ta và biến đổi con tim chúng ta biết sống cho Chúa và qui hướng mọi sự về việc ca tụng Chúa, chứ không phải là những lời xếp bậc, xếp loại, lên án (tự lên án mình và lên án nhau), đe dọa và ra án phạt (có khi tự mình ra án và thi hành án).

* * *

Thập Giá mời gọi chúng ta không kết tội Đức Ki-tô (dưới hình thức gánh chịu hình phạt vì tội lỗi chúng ta), cho dù Sự Dữ ngang qua những con người cụ thể kết tội Người, vì Chúa vô tội. Và chúng ta cũng không kết tội mình và người khác, và không kết tội cả Chúa nữa (dưới hình thức kêu trách, chất vấn). Bởi vì :

– Kết tội tự nó là điều dữ. Khi kết tội Đức Ki-tô, Sự Dữ bị lộ nguyên hình, trong mức độ nó tự cho thấy kết tội là điều dữ ; tội ở nơi người kết tội, chứ không phải nơi người bị kết tội.

– Và cho dù mình và người khác đáng bị kết tội, thì Chúa đã mang hết tội lỗi của chúng ta vào mình rồi với lòng bao dung, và Người ban sự công chính của Người cho chúng ta, để chúng ta đừng kết tội mình và kết tội nhau, như thánh Phao-lo xác tín :

Trong Đức Ki-tô, không còn lên án nữa. (Rm 8, 1)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – song ngữ

Saturday (March 30): “God, be merciful to me a sinner!”

 

Gospel Reading:  Luke 18:9-14  

9 He also told this parable to some who trusted in themselves that they were righteous and despised others: 10 “Two men went up into the temple to pray, one a Pharisee and the other a tax collector. 11 The Pharisee stood and prayed thus with himself, `God, I thank you that I am not like other men, extortioners, unjust, adulterers, or even  like this tax collector. 12 I fast twice a week, I give tithes of all that I get.’ 13 But the tax collector, standing far off, would not even lift up his eyes to heaven, but beat his breast, saying, `God, be merciful to me a sinner!’ 14 I tell you, this man went down to his house justified rather than the other; for every one who exalts himself will be humbled, but he who  humbles himself will be exalted.”

Thứ Bảy    30-3                Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!

 

Lc 18,9-14

9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Meditation: 

 

How can we know if our prayer is pleasing to God or not? The prophet Hosea, who spoke in God’s name, said: “I desire steadfast love and not sacrifice” (Hosea 6:6). The prayers and sacrifices we make to God mean nothing to him if they do not spring from a heart of love for God and for one’s neighbor. How can we expect God to hear our prayers if we do not approach him with humility and with a contrite heart that seeks mercy and forgiveness? We stand in constant need of God’s grace and help. That is why Scripture tells us that “God opposes the proud, but gives grace to the humble” (James 4:6; Proverbs 3:34).

 

 

God hears the prayer of the humble

Jesus reinforced this warning with a vivid story of two people at prayer. Why did the Lord accept one person’s prayer and reject the other’s prayer? Luke gives us a hint: despising one’s neighbor closes the door to God’s heart. Expressing disdain and contempt for others is more than being mean-minded. It springs from the assumption that one is qualified to sit in the seat of judgment and to publicly shame those who do not conform to our standards and religious practices. Jesus’ story caused offense to the religious-minded Pharisees who regarded “tax collectors” as unworthy of God’s grace and favor. How could Jesus put down a “religious person” and raise up a “public sinner”?

Jesus’ parable speaks about the nature of prayer and our relationship with God. It does this by contrasting two very different attitudes towards prayer. The Pharisee, who represented those who take pride in their religious practices, exalted himself at the expense of others. Absorbed with his own sense of self-satisfaction and self-congratulation, his boastful prayer was centered on his good religious practices rather than on God’s goodness, grace, and pardon. Rather than humbling himself before God and asking for God’s mercy and help, this man praised himself while despising those he thought less worthy. The Pharisee tried to justify himself before God and before those he despised; but only God can justify us. The tax collector, who represented those despised by religious-minded people, humbled himself before God and begged for mercy.  His prayer was heard by God because he had true sorrow for his sins. He sought God with humility rather than with pride.

The humble recognize their need for God’s mercy and help

This parable presents both an opportunity and a warning. Pride leads to self-deception and spiritual blindness. True humility helps us to see ourselves as we really are in God’s eyes and it inclines us to seek God’s help and mercy. God dwells with the humble of heart who recognize their own sinfulness and who acknowledge God’s mercy and saving grace. I dwell in the high and holy place, and also with him who is of a contrite and humble spirit (Isaiah 57:15). God cannot hear us if we boast in ourselves and despise others. Do you humbly seek God’s mercy and do you show mercy to others, especially those you find difficult to love and to forgive?

 

“Lord Jesus, may your love and truth transform my life – my inner thoughts, intentions, and attitudes, and my outward behavior, speech, and actions. Where I lack charity, kindness, and forbearance, help me to embrace your merciful love and to seek the good of my neighbor, even those who cause me ill-favor or offense. May I always love as you have loved and forgive others as you have forgiven.”

Suy niệm:

 

Làm sao chúng ta biết lời cầu nguyện của mình làm vui lòng Thiên Chúa hay không? Ngôn sứ Hôsê, người nhân danh Chúa đã nói: “Ta muốn tình yêu kiên định chứ không cần hy lễ” (Hs 6,6). Những lời cầu nguyện và hy lễ chúng ta dâng lên Thiên Chúa chẳng là gì đối với Người, nếu chúng không phát xuất từ một trái tim yêu thương dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Làm sao chúng ta có thể mong đợi Thiên Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của mình nếu chúng ta không đến với Người với lòng khiêm nhường và một tâm hồn thống hối tìm kiếm lòng thương xót và tha thứ? Chúng ta luôn cần đến ơn sủng và sự trợ giúp của Người. Đó là lý do tại sao thánh Giacôbê tông đồ nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, và ban ơn cho những kẻ khiêm nhường” (Gc 4,6; Cn 3,34).

TC nghe lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường

Đức Giêsu củng cố lời cảnh báo của mình bằng một câu chuyện sống động về hai người lên đền thờ cầu nguyện. Tại sao Chúa chấp nhận lời cầu nguyện của người này và khước từ lời cầu nguyện của người kia? Luca cho chúng ta câu trả lời: việc coi thường người khác sẽ đóng cửa lòng Chúa lại. Việc bày tỏ sự coi thường người khác còn tệ hơn cả có ác ý. Nó phát xuất từ sự giả định rằng mình xứng đáng ngồi trên ghế xét xử và công khai nhục mạ những ai không theo tiêu chuẩn của mình và những việc đạo đức. Câu chuyện của Đức Giêsu gây ra sự chống đối với những ai coi “những người thu thuế” là bất xứng với ơn huệ của Chúa. Làm thế nào Đức Giêsu có thể hạ bệ “người đạo đức” xuống, và nâng “người tội lỗi” lên?

 

Dụ ngôn của Đức Giêsu nói về bản chất của cầu nguyện và mối quan hệ với Thiên Chúa. Điều này được thể hiện qua hai thái độ cầu nguyện khác nhau. Người Pharisêu, đại diện cho những ai kiêu ngạo trong việc giữ đạo, tự tôn mình lên qua việc xúc phạm tới người khác. Chăm chú vào cảm giác tự mãn và tự tôn chính mình, nên lời cầu nguyện khoe khoang của họ chỉ quy hướng về những việc làm đạo đức của mình, hơn là về lòng nhân hậu, ơn sủng, và sự tha thứ của Thiên Chúa. Thay vì hạ mình trước mặt Thiên Chúa và cầu xin lòng thương xót và sự trợ giúp của Thiên Chúa, người này ca tụng chính mình đồng thời coi thường những ai hắn nghĩ tệ hơn mình. Người Pharisêu cố gắng bào chữa cho mình trước mặt Thiên Chúa và trước những ai họ coi thường; nhưng chỉ có Thiên Chúa mới có thể bào chữa chúng ta mà thôi. Người thu thuế, đại diện cho những ai bị coi thường bởi những người nghĩ mình đạo đức, hạ mình trước mặt Thiên Chúa và cầu xin lòng thương xót. Lời cầu nguyện của anh đã được Chúa nhận lời, bởi vì anh đã hối tiếc về những tội lỗi của mình. Anh đã tìm kiếm Thiên Chúa với lòng khiêm tốn hơn là kiêu ngạo.

Kẻ khiêm nhường nhận ra mình cần tới lòng thương xót và sự trợ giúp của TC

Dụ ngôn này vừa đưa ra một cơ hội, vừa đưa ra lời cảnh báo. Kiêu ngạo dẫn tới ảo tưởng và tự lừa dối mình.  Khiêm nhường giúp chúng ta nhận ra mình như chúng ta thật sự là, và hướng chúng ta về ơn sủng và lòng thương xót của Chúa. Thiên Chúa ở với những tâm hồn khiêm tốn, những người nhận ra tình trạng tội lỗi của chính mình, và những người nhận biết lòng thương xót và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát  (Is 57,15). Thiên Chúa không thể nào nghe lời cầu nguyện của chúng ta, nếu chúng ta coi thường người khác. Bạn có khiêm tốn tìm kiếm lòng thương xót của Chúa và bạn có bày tỏ lòng thương xót đối với người khác, đặc biệt với những ai bạn thấy khó yêu thương và tha thứ không?

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì tình yêu và chân lý của Chúa biến đổi cuộc đời con – mọi tư tưởng, ý định, thái độ và hành vi, lời nói, và hành động bên ngoài của con. Khi con thiếu lòng bác ái, nhân hậu, và kiên nhẫn, xin giúp con bám lấy tình yêu thương xót của Chúa và tìm kiếm lợi ích của tha nhân, ngay cả những ai làm hại và chống đối con. Xin cho con luôn luôn yêu thương như Chúa đã yêu thương và tha thứ người khác như Chúa đã tha thứ.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây