Thứ bảy tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.

Thứ sáu - 26/04/2019 08:54

Thứ bảy tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.

"Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng".

 

Lời Chúa: Mc 16, 9-15

Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin.

Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy.

Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán: "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài".

 

 

SUY NIỆM 1: Những lần hiện ra

Ðoạn Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại. Thánh Marcô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng cho Ðấng Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức khắc. Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy mình. Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục Sinh.

Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả bằng một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Ðấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Ðấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau. Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ. Tựu trung, mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu tuyên bố khi hiện ra với thánh Tomas "Phúc cho những ai không thấy mà tin" không loại trừ đòi hỏi phải được thấy một cách cụ thể chứng từ về Ðấng Phục Sinh trong Giáo Hội, và chứng từ ấy thiết yếu là chứng từ về tình yêu huynh đệ.

Tình yêu huynh đệ là cuộc sống bác ái trong và từ Giáo Hội, là dấu chỉ rõ ràng và có tính thuyết phục nhất về dung mạo và sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh. Trong những lần hiện ra của Ngài, cử chỉ của Ngài đã thể hiện với hai người môn đệ đi về làng Emmaus mang một ý nghĩa đặc biệt, Ngài chỉ được nhận diện khi cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho hai ông. Phải chăng nét nổi bật nhất trong dung mạo của Chúa Giêsu không là cử chỉ cầm lấy bánh, bẻ ra và trao ban sao?

Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Ðấng Phục Sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo Hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo Hội lập lại cử chỉ trao ban của Chúa Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Ðấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo Hội và của các tín hữu Kitô. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Ðấng Phục Sinh.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh mà chúng ta tiếp rước trong Thánh Lễ mỗi ngày biến chúng ta thành những chứng nhân sống động của Ngài trước mặt mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Vẫn khó tin

Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỉ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống vời Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. (Mc. 16, 9-11)

Sự phục sinh của Đức Kitô là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Thánh Phao-lô đã quả quyết với chúng ta: Nếu Đức Kitô không sống lại thì đức tin của anh em ra vô ích, rỗng tuếch, không mục đích, vô giá trị, vô dụng, vì anh em vẫn ở trong tình trạng như cũ.

Chúng ta tuyên dương sự phục sinh của Đức Giêsu vào sáng ngày lễ vượt qua. Nhưng tự đáy lòng, sự khó tin vẫn không bao giờ đẩy xa khỏi chúng ta được. Chúng ta không bao giờ thấy Đấng phục sinh, không biết bóng dáng hình hài Người thế nào. Và chúng ta thường nghĩ rằng nếu chúng ta được may mắn như các tông đồ, thì đức tin của chúng ta sẽ không bao giờ lay chuyển, dù gặp bất cứ thử thách nào.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chú ý đến Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy rằng đức tin giả thiết đó có nồng nàn bốc cháy như đức tin của các tông đồ. Thánh Mác-cô đã ba lần nhấn mạnh: “Nhưng họ vẫn không tin”, “và các ông vẫn không tin hai người này”, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng”.

Tin Đức Giêsu phục sinh đòi hỏi một điều khác nữa cần thiết hơn điều tai nghe mắt thấy. Đó là cảm nghiệm được sự sống lại và được giải thoát. Điều đó đòi hỏi sống cảm nghiệm tích cực, không giới hạn và cởi mở vô cùng.

Tóm lại, đức tin vào Đức Giêsu phục sinh chỉ phát sinh từ lòng trông cậy riêng đối với tôi, riêng đối với mỗi người. Trông cậy có thể được sống lại cho chính bản thân chúng ta trong sự hợp nhất với Người và duy trì được sự hiện diện sâu xa với Người ngay ở đời này.

Chúng ta cần phải bắt đầu thực hiện ngay với sự kiện phục sinh của Đức Kitô khi chúng ta cảm nghiệm được ý nghĩa và tầm quan trọng của mầu nhiệm này. Lúc đó trong ta mới vọt lên sức sống cuồng nhiệt trọn vẹn, một sức sống tràn trề hy vọng đời sống đổi mới chứ không bị hủy diệt.

Chính lúc đó chúng ta sẽ hiểu được tầm quan trọng của sứ điệp phục sinh đối với đời chúng ta, làm cho chúng ta say mê rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật.

C.G

 

SUY NIỆM 3: Chúa Hiện Ra Nhiều Lần

Trong cuộc triển lãm hội chợ về hoa tại thành phố Luân Ðôn, điều bất ngờ xảy ra trong nhóm người say mê cây cảnh: giải nhất đã về tay một cô gái trẻ. Người ta lại càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng cô gái này lại cư ngụ trong một khu phố tồi tàn chật chội nhất thành phố, được mệnh danh là "chỗ thiếu ánh sáng". Nơi đó có thể nói được rằng thiếu cả ánh sáng văn minh lẫn ánh sáng mặt trời. Chính những người lâu năm kinh nghiệm trong nghề trồng hoa kiểng cũng chẳng hiểu làm sao mà cô gái trồng được một chậu hoa tuyệt đẹp tại một nơi thiếu ánh sáng như thế.

Khi được phỏng vấn, cô đã thổ lộ bí quyết của mình như sau: căn nhà của cô ở chỉ có một vùng ánh sáng, nếu mặt trời di chuyển từ đông sang tây thì vùng ánh sáng cũng chạy từ tây sang đông. Cứ thế, suốt ngày chậu hoa của cô phải di chuyển từ góc này đến góc kia cho tới ngày nó được hưởng trọn phần ánh sáng như hôm nay.

Anh chị em thân mến!

Nhìn lại bài đọc Tin Mừng hôm nay và các tường thuật về những lần hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Ngài từ cõi chết sống lại sẽ cho chúng ta một điểm đáng lưu ý này là: sau khi sống lại, Ngài không tức khắc đi tìm nhóm môn đệ đang tụ họp và cầu nguyện, nhưng Ngài chỉ hiện ra với từng cá nhân hoặc nhóm nhỏ, rồi cho họ sứ mạng truyền đạt tin vui đến với nhóm mười một tông đồ.

Khi hiện ra với toàn thể các môn đệ, Ngài lại khiển trách họ: "Tại sao lại cứng lòng tin?" Chúng ta có thể xem điều trên đây như một mô tả niềm tin của mỗi người. Hơn nữa, ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh đến với chúng ta tùy theo mỗi thời điểm và mỗi khung cảnh của cuộc sống. Ánh sáng của Ngài buộc chúng ta phải biết cố gắng tìm kiếm để được nhận lãnh.

Nói như thánh Augustinô: "Chúa dựng nên con, không cần có con cộng tác. Nhưng Chúa không thể cứu chuộc con, nếu không có con cộng tác". "Có con" không có nghĩa là con hiện diện ở đó như một tảng đá quanh năm tiếp thu ánh sáng, nhưng chẳng sử dụng ánh sáng để rồi chịu cảnh vỡ nát của thời gian. Sự hiện diện của con phải là sự hiện diện của một bông hoa luôn hướng về ánh sáng mặt trời. Vì ánh sáng mặt trời là nguồn sức sống cho cây, đồng thời cũng là dịp cho hoa vươn mình khoe sắc.

Vì thế, ánh sáng vui mừng của Ðức Kitô Phục Sinh trước hết là một đáp ứng cho một tâm hồn tha thiết tìm kiếm Ngài. Maria Madalena và các phụ nữ đến mồ từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, họ đã được Ngài hiện ra trước hết, dù rằng họ chẳng chiếm giữ một vai trò quan trọng nào trong việc rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Ðức Kitô Phục Sinh cũng vẫn luôn quan tâm đến tất cả. Ngài chẳng muốn cho một kẻ nào phải hư mất.

Hai môn đệ tuyệt vọng trên đường Emmau được Ngài đồng hành nâng đỡ. Cả đến sự đòi hỏi gần như thách thức của thánh Tôma cũng được Ngài sẵn sàng đáp ứng. Ngài hiện diện để trao đổi niềm tin yếu kém: "Tại sao lại không tin?" "Hỡi những kẻ yếu lòng tin". Ðó là những lời kêu mời giác ngộ chân lý: "Hãy nhận biết Ngài và hãy tin tưởng vào Ngài".

Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ biết khám phá ra sự hiện diện của một Thiên Chúa mà phần đông chúng ta tưởng Ngài đã chết. Ngài vẫn luôn hiện diện với ta dù rằng nhiều lúc con người như hoàn toàn chìm trong bóng tối. Ánh sáng của Ngài vẫn dọi chiếu, nhưng theo một góc độ nào đó buộc chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm nhiều hơn.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 4: HÃY ĐI VÀ LOAN BÁO (Mc 16, 9-15)

Tại nhiều công ty, xí nghiệp, cuối năm, người ta hay có buổi tổng kết để rút ưu - khuyết điểm cho năm tới.

Hôm nay, tác giả Máccô cũng trình thuật một bài tổng hợp các lần hiện ra của Đức Giêsu với cá nhân; tập thể; với phụ nữ và đàn ông, cũng như diễn biến tâm trạng của từng lần... Cuối cùng là lệnh truyền sai đi để loan báo Tin Mừng mà các ông đã chứng kiến và tin: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo”.

“Hãy đi”: đây chính là mệnh lệnh chứ không phải là lời khuyên. Lệnh truyền này được khởi đi sau khi Chúa đã phục sinh. Điều này cho thấy: Tin Mừng và niềm vui phục sinh phải là đích đến của người tông đồ.

“Loan báo Tin Mừng”: khi loan báo, Đức Giêsu – Kitô phải là điểm quy chiếu, là nội dung của lời rao giảng, chứ không phải là đối tượng hay tin nào khác...

 “Loan báo cho mọi loài thụ tạo”, điều này muốn nói lên 3 chiều kích của sứ vụ: chiều dài tức là mọi lúc, chiều ngang là mọi nơi và chiều sâu là mọi người.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy:

Mỗi người đều được Chúa tin tưởng và yêu thương để trao phó sứ vụ loan báo Tin Mừng của Ngài cho muôn dân.

Tuy nhiên, muốn rao giảng về Chúa cho mạnh mẽ thì người rao giảng phải là người xác tín mạnh mẽ như Maria Mácđala, hai môn đệ ở Emmau và các tông đồ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho Tin Mừng phục sinh của Chúa luôn được chúng con loan báo đến tận chân trời góc bể. Nhưng tiên vàn, xin cho cả cuộc sống chúng ta trở thành sứ điệp Phục Sinh cho mọi người. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Vẫn không tin

Suy niệm:

Theo các nhà chú giải, sách Tin Mừng Máccô kết thúc ở chương 16, câu 8,

với việc các phụ nữ sợ hãi, chạy trốn, không dám nói gì với các môn đệ.

Sách này cũng không nói đến việc Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các ông.

Kết thúc khác thường này của Máccô làm chúng ta ngày nay chưng hửng.

Cả các Kitô hữu thế kỷ thứ hai cũng bị ngỡ ngàng,

vì vào thời đó họ đã có trong tay các sách Tin Mừng khác.

Các sách này đều kể chuyện các phụ nữ đã đi gặp các môn đệ,

chuyện Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các bà trước tiên;

rồi sau đó, Ngài đã hiện ra với các môn đệ

và sai các ông đi loan báo Tin Mừng (Mt 28,19-20; Lc 24, 46-48; Ga 20, 21).

Để giải quyết khó khăn do phần kết của sách Tin Mừng Máccô đặt ra,

một tác giả được ơn linh hứng đã viết thêm phần phụ lục (Mc 16, 9-20),

dựa trên các sách Tin Mừng khác và sách Công vụ Tông đồ.

Năm 1546, phần này đã được Công đồng Trentô nhìn nhận là Lời Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến thái độ không tin của các môn đệ.

Đức Giêsu phục sinh hiện ra trước tiên cho bà Maria Mácđala.

Bà đi báo tin Thầy sống lại cho những môn đệ đang buồn bã khóc lóc,

nhưng họ không tin (cc. 9-11).

Lần thứ hai, Đức Giêsu tỏ mình cho hai môn đệ khi họ trên đường về quê.

Khi hai ông này báo tin cho những môn đệ khác, thì họ cũng không tin (cc. 12-13).

Lần thứ ba, Đức Giêsu đích thân tỏ mình cho nhóm Mười Một.

Ngài khiển trách họ về tội không tin những kẻ đã thấy Ngài phục sinh (c. 14).

Xem ra tin Thầy Giêsu phục sinh không phải là chuyện dễ, ngay cả đối với các môn đệ,

dù họ đã được nghe Thầy báo trước nhiều lần khi còn sống bên Thầy,

dù có những người trong nhóm làm chứng mình đã thấy Thầy sống lại.

Ở lại trong nỗi thất vọng, buồn phiền thì dễ hơn sống lạc quan vui tươi.

Các môn đệ không ra khỏi được nỗi đau do cái chết của Thầy.

Có những nỗi đau làm con người khép kín và khoanh tay bất động.

Nhưng Đức Giêsu phục sinh vẫn không bỏ rơi các học trò cứng cỏi của mình.

Ngài kiên trì chinh phục họ bằng cách đến với họ và dùng bữa.

Ngài đưa họ ra khỏi thế giới nhỏ bé của họ và giao cho họ một sứ mạng lớn lao.

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (c. 15).

Tin Đức Giêsu phục sinh cũng không dễ đối với chúng ta hôm nay.

Nếu thực sự tin vào sự phục sinh ở đời sau, chắc chúng ta sẽ sống khác.

Thanh thoát hơn, nhẹ nhàng hơn, quảng đại hơn, vui tươi hơn...

Nhiều khi chúng ta vẫn loan báo Tin Mừng với vẻ mặt buồn bã,

vẫn nói về đời sau mà lòng còn quá nặng với vinh hoa đời này.

Chỉ mong chúng ta được thực sự phục sinh như Thầy Giêsu,

để làm tròn sứ mạng Thầy trao phó.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa phục sinh,

vì Chúa đã phục sinh

nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.

Vì Chúa đã phục sinh

nên con được tự do bay cao,

không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,

sợ thất bại, sợ khổ đau,

sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.

Vì Chúa đã phục sinh

nên con hiểu cái liều của người kitô hữu

là cái liều chín chắn và có cơ sở.

Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.

Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.

Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.

Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi

mang một sức thu hút mãnh liệt

khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời :

nhìn tất cả từ trên cao

để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.

Sự Phục Sinh của Chúa

giúp con dám sống tận tình hơn

với Chúa và với mọi người.

Và con hiểu mình chẳng mất gì,

nhưng lại được tất cả. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.



 

SUY NIỆM:

Bản văn Tin Mừng có thể chia làm ba phần như sau:

(A) Nghe lời chứng (c. 9-13)

(B) Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh (c. 14)

(A’) Đi làm chứng (c. 15-18)

Để trở thành chứng nhân (A’), lắng nghe lời chứng vẫn chưa đủ (A), bởi vì đó mới chỉ là lời mời gọi hướng đến, chứ không thay thế được, kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh (B)

Nhưng niềm tin mà chúng ta đặt để lời chứng của các chứng nhân là điều kiện không thể thiếu dẫn chúng ta đi vào kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Đấng Phục Sinh.

 1. Nghe lời chứng (c. 9-13)

Chúng ta hãy lắng nghe và đi vào tâm tình của những người đã từng sống với Đức Giê-su đang buồn bã khóc lóc (x. Mc 16, 9). Chắc chắn, Đức Ki-tô phục sinh cũng cảm thông với họ, như đã cảm thông với bà Maria Mác-đa-la và hai môn đệ trên đường Emmau.

Nhưng tại sao họ lại buồn bã khóc lóc ? Giống như bà Maria và hai môn đệ trước khi gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh, họ chỉ nhìn vào các biến một cách khách quan và cục bộ : là chết rồi, là thất bại, là ngõ cụt, là thất vọng, là không khởi đi từ đâu và cũng không dẫn tới đâu. Vì thế, họ buồn rầu khóc lóc, không thấy hướng đi, ý nghĩa cuộc đời, « ngũ quan » khép kín, bị ngăn chặn không nhớ lại ơn huệ sáng tạo, lịch sử cứu độ và nhất là không nhớ lại lời dạy của Đức Giê-su về mầu nhiệm Vượt Qua; vì không nhớ lại, nên họ cũng không thể mở ra với lời chứng của các chứng nhân, với sự hiện diện vô hình của Đấng Phục Sinh, với sự sống sau sự chết.

Chúng ta hãy lắng nghe các chứng nhân chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh, với tất cả niềm xác tín, niềm vui và niềm hi vọng. Chúng ta có thể nhớ lại kinh nghiệm cầu nguyện của chúng ta với hai biến cố :

  • Biến cố Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho bà Maria Mác-đa-la (x. Mc 19, 9)
  • Biến cố Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho môn đệ trên đường Emmau (x. Mc 16, 12).

Chúng ta hãy lắng nghe và đi vào tâm tình của các chứng nhân chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh : hai môn đệ đã chia sẻ với tất cả niềm xác tín và niềm vui như thế nào ? Và các ông đã ước ao thông truyền kinh nghiệm của mình như thế nào ? Nhưng rốt cuộc, các ông đã « hụt hẫng » như thế nào, khi những người nghe không tiếp nhận chứng từ của họ ? Và chúng ta đã có kinh nghiệm làm chứng nhân chưa ? Phải chuẩn bị mình thế nào để làm chứng ; và khi người nghe không tin, lúc đó, sẽ phải phản ứng ra sao ? Chúng ta có thể tự hỏi tại sao những người nghe lại không tin ?

Các môn đệ đóng kín cửa phòng, hình ảnh của việc đóng kín tâm hồn, không chịu ra khỏi mình để nhớ lại lời loan báo của Đức Ki-tô, và nhất là lời loan báo của Kinh Thánh, và đọc các biến cố Đức Ki-tô và những biến cố liên quan đến đời mình dưới ánh sáng của lời Kinh Thánh. Đức tin và ơn gọi của chúng ta dựa trên lời chứng của Giáo Hội và của rất nhiều người xa gần. Chúng ta đã từng ở trong tình trạng không tin như thế chưa ?

2. Đích thân gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh (c. 14)

Đức Giê-su tỏ mình ra đang khi các ông dùng bữa. Tại sao Đức Giê-su lại chọn lúc này, chứ không vào lúc khác, chẳng hạn đang cầu nguyện, đang hội họp, hay như chúng ta, đang đọc kinh hay chầu Thánh Thể ? Lắng nghe lời khiển trách của Đức Giê-su : không tin và cứng lòng, đối với các chứng nhân.

Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. (c. 14)

Chúa coi trọng việc chúng ta làm chứng cho nhau biết bao : lời của của người khác dành cho chúng ta, lời chứng của chúng ta dành cho người khác. Tại sao Chúa coi trọng lời chứng như thế ? Đức Ki-tô mời gọi chúng ta, trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Và điều này phải làm chúng ta ngặc nhiên : kinh nghiệm này cũng phải có, ngay cả đối với các tông đồ, vốn là các chứng nhân ưu tuyển ! Thật vậy, trước khi trở thành chứng nhân, chính các tông đồ cũng đã phải trải qua kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác, vốn đã được ban ơn nhận ra Đức Ki-tô phục sinh trước. Đó là chứng từ của bà Maria Mác-đa-la (x. Mc 16, 11 và Ga 20, 18), chính vì thế bà được Truyền Thống Giáo Hội tặng ban tước hiệu « Tông đồ của các Tông Đồ » ; và đó cũng là chứng từ của hai môn đệ từ Emmau trở về :

Bấy giờ, hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (Lc 24, 35)

Tuy nhiên, để trở thành chứng nhân, lắng nghe lời chứng vẫn chưa đủ, bởi vì đó mới chỉ là lời mời gọi hướng đến, chứ không thay thế được, kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh ; nhưng niềm tin mà chúng ta đặt để lời chứng của các chứng nhân là điều kiện không thể thiếu dẫn chúng ta đi vào kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Đấng Phục Sinh.

3. Đi làm chứng (c. 15-18)

Đức Ki-tô phục sinh vẫn tin tưởng các môn đệ của mình, ngang qua việc trao sứ mạng. Chúng ta hãy dừng lại suy gẫm từng lời của Đức Ki-tô:

  • “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Như thế, Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô có tầm mức sáng tạo, bởi vì sứ điệp của Tin Mừng và sứ điệp của sáng tạo là một, vì cả hai đều có cùng một nguồn gốc là Ngôi Lời Thiên Chúa. Để hiểu điều này chúng ta có thể đọc Rm 10, 18 dưới ánh sáng của Tv 19, 5.
  • « Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án ». Khi không tin, người ta đã tự kết án chính mình, như Đức Giê-su nói trong Tin Mừng theo thánh Gio-an : « kẻ không tin, thì bị kết án rồi » (Ga 3, 18). Và thực tế cuộc sống cho thấy, khi không tin vào sự sống, người ta sẽ chẳng mấy chốc làm việc cho sự chết, sống cho sự chết và thuộc về sự chết, bởi vì đối với họ chết là mạnh nhất, là cùng đích. Ngược lại, lòng tin mang lại cứu độ, như Đức Giê-su hay tuyên bố : « Lòng tin của con đã cứu con ».
  • « Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ. »

Thế hệ dầu tiên đã được ơn đặc biệt như thế, để khai sinh ra Giáo Hội. Còn chúng ta, những ơn này bây giờ vẫn được ban, nhưng dưới những hình thức khác, tuy không ngoạn mục, nhưng sâu xa và bền vững hơn :

  • Nhận định thần loại, nghĩa là phân biệt và nhận ra cách hành động của Chúa và các hành động của Sự Dữ, dưới ánh sáng của Lời Chúa, và nhất là ngôi vị của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Vượt Qua.
  • Thông truyền đức tin và kinh nghiệm, cho dù có rất nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa… (kinh nghiệm của các nhà truyền giáo)
  • Con rắn, thuốc độc, biểu tượng của sự dữ và bạo lực. Chúng ta có thể chiến thắng nhờ Thập Giá Đức Ki-tô ; như lời Tv 8 : « Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ, cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan ».
  • Hiện diện, quan tâm chăm sóc bệnh nhân, là điều không thể thiếu bên cạnh các biện pháp chữa trị y khoa, và sẽ là điều còn lại sau cùng giúp người bệnh tín thác vào tình yêu Thiên Chúa ngay trong thử thách bệnh tật và sự chết.

Nhưng trên hết là, chúng ta được mời gọi thi hành sứ mạng « nhân danh Đức Ki-tô », chúng ta chỉ là tôi tớ, là nữ tì ; và vì thế, phải để cho Chúa hành động.

Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2019
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


 

Hãy đi rao giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo

Saturday (April 27): “Go and preach the Gospel to the whole creation”

 

Scripture: Mark 16:9-15

9 Now when he rose early on the first day of the week, he appeared first to Mary Magdalene, from whom he had cast out seven demons. 10 She went and told those who had been with him, as they mourned and wept. 11 But when they heard that he was alive and had been seen by her, they would not believe it. 12 After this he appeared in another form to two of them, as they were walking into the country. 13 And they went back and told the rest, but they did not believe them. 14 Afterward he appeared to the eleven themselves as they sat at table; and he upbraided them for their unbelief and hardness of heart, because  they had not believed those who saw him after he had risen. 15 And he said to them, “Go into all the world and preach the gospel to the whole creation.

Thứ Bảy     27-4                Hãy đi rao giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo

 

Mc 16,9-15

9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ.10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc.11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê.13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.15 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

Meditation: 

 

Do you believe the Lord Jesus is truly alive and ready to make his presence known to everyone who believes in him? The first to see the risen Lord was not Peter or one of the apostles, but a woman noted for her demonized living! She had been forgiven much, and loved her Master greatly. She was first at the tomb to pay her respects. Unfortunately for the disciples, they would not believe her account of the Risen Master. Jesus had to scold his apostles because of their unbelief and stubborn hearts.

 

The Holy Spirit makes our faith in Jesus Christ come alive

Are you like the apostles or like Mary – slow to believe or quick to run to Jesus? Do you doubt because you do not see? The Lord makes his presence known to us through the work and power of the Holy Spirit. He gives us the gift of faith to know him personally and to understand the mystery of his death and rising. Do you believe his word and do you listen to his voice?

 

We are Christ’s ambassadors and witnesses of his victory over sin and death 

After his appearance to his beloved apostles, Jesus commissions them to go and preach the Gospel to the whole creation. Their task is to proclaim the good news of salvation, not only to the people of Israel but to all the nations. This is the great commission which the risen Christ gives to the whole church. All believers have been given a share in this task – to be heralds of the good news and ambassadors for Jesus Christ, the only savior of the world. We have not been left alone in this task, for the risen Lord works in and through us by the power of his Holy Spirit. Do you witness to others the joy of the Gospel and the hope of the resurrection?

 

“Lord Jesus Christ, increase my faith and hope in the power of your resurrection. And give me joy and courage to be your witness to others and to boldly speak of what you have done to save us from sin and death.”

Suy niệm:

 

Bạn có tin Chúa Giêsu thật sự sống lại và sẵn sàng nói cho những ai tin vào Người về sự hiện diện của Người không? Người đầu tiên nhìn thấy Chúa phục sinh không phải là Phêrô hay một trong các vị tông đồ, nhưng là người phụ nữ được coi là có cuộc sống biến thành quỷ của mình! Bà đã được tha nhiều và được Thầy yêu mến nhiều. Bà là người đầu tiên ở ngôi mộ để tỏ lòng tôn kính. Không may cho các môn đệ, họ đã không tin tưởng vào câu chuyện của bà về Thầy sống lại. Ðức Giêsu đã phải khiển trách các tông đồ bởi vì lòng cứng tin và bướng bỉnh của họ.

Chúa Thánh Thần làm cho đức tin chúng ta vào Đức Giêsu Kitô hồi sinh

Bạn có giống như các tông đồ hay giống như Maria – chậm tin hay nhanh nhẹn chạy đến với Ðức Giêsu? Bạn có nghi ngờ vì bạn không thấy không? Chúa bày tỏ sự hiện diện của Người cho chúng ta biết ngang qua sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Người ban cho chúng ta hồng ân đức tin để nhận biết chính Người và hiểu được mầu nhiệm về cái chết và phục sinh của Người. Bạn có tin vào lời Người và lắng nghe tiếng nói của Người không?

Chúng ta là những đại sứ và chứng nhân của Đức Kitô về chiến thắng của Người trên tội lỗi và sự chết

Sau khi hiện ra với các tông đồ yêu dấu của mình, Ðức Giêsu truyền lệnh cho họ ra đi và công bố Tin mừng cho toàn thể thế giới. Công việc của họ là loan truyền Tin mừng cứu độ, không chỉ riêng cho người Israel nhưng cho tất cả toàn thế giới. Ðây là nhiệm vụ cao cả mà Ðức Kitô phục sinh ban cho toàn Giáo hội. Tất cả các tín hữu được chia sẻ trong nhiệm vụ này – trở thành các sứ giả của Tin mừng và là các đại sứ cho Ðức Giêsu Kitô, Ðấng cứu độ duy nhất của thế giới. Chúng ta không bị đơn chiếc trong nhiệm vụ này vì Chúa phục sinh cùng làm việc trong và qua chúng ta bởi quyền năng Thánh Thần của Người. Bạn có làm chứng cho người khác về niềm vui Tin mừng và niềm hy vọng của sự phục sinh không?

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin gia tăng niềm tin và niềm hy vọng của con vào sức mạnh sự phục sinh của Chúa. Và ban cho con niềm vui và lòng can đảm để trở thành chứng nhân cho người khác và mạnh dạn nói về những gì Chúa đã làm để cứu chúng con khỏi tội lỗi và sự chết.      

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây