Thứ Hai tuần 10 thường niên.

Chủ nhật - 07/06/2020 09:07

Thứ Hai tuần 10 thường niên.

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".

 

Lời Chúa: Mt. 5, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ".

"Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy".

 

 

Suy Niệm 1: Phúc thay

Suy niệm:

Đức Đạt-lai Lạt-ma, vào mùa thu năm 1994 tại thủ đô nước Anh,

đã được mời chia sẻ về giáo huấn của Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng.

Một trong những bài chia sẻ đầu tiên là về các Mối Phúc.

Theo ngài các Mối Phúc dường như nói về nghiệp (karma), về nhân quả.

“Nếu bạn hành động như thế, thì bạn sẽ chịu hậu quả như thế.

Nếu bạn không hành động như thế, thì bạn cũng chẳng chịu hậu quả như thế.

Vậy rõ ràng nguyên lý nhân quả nằm ở trong giáo huấn của các Mối Phúc.”

Thật ra các Mối Phúc của Kitô giáo lại không bắt nguồn từ nguyên lý nhân quả,

dù mới đọc ta có cảm tưởng như vậy.

Các Mối Phúc bắt đầu bằng chữ “Phúc thay”,

kế đến nói lên ai là người được hưởng phúc ấy,

cuối cùng nêu lên lý do hay nền tảng của hạnh phúc ấy bằng chữ “vì”.

Hạnh phúc đích thật của người Kitô hữu không phải là “quả” tự nhiên

do “nhân” là việc lành phúc đức của họ.

Dù sống tốt đến mấy đi nữa, thì “nhân” ấy cũng không thể sinh “quả” ấy được.

“Quả” hạnh phúc của Kitô giáo là quà tặng lớn của Thiên Chúa cho con người.

Điều này được diễn tả qua những lối dùng động từ ở thể thụ động:

“sẽ được ủi an, sẽ được no thỏa, sẽ được xót thương, sẽ được gọi.”

Trước khi giảng về các Mối Phúc, Đức Giêsu đã loan báo:

“Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần bên” (Mt 4, 17).

Nước Trời người Do thái mong đợi đã đến với sự hiện diện của Đức Giêsu.

Quà tặng nhưng không của Thiên Chúa đã được trao ban,

chẳng phải do công sức của con người.

Hãy mở lòng ra đón lấy Nước ấy bằng cách hối cải, bỏ đời sống cũ.

Nhưng hơn thế nữa, còn phải đón nhận một lối sống mới cho phù hợp.

Bài giảng trên Núi, và các Mối Phúc, cho thấy hướng sống

của những ai muốn đón nhận quà tặng Nước Trời với bao hạnh phúc kèm theo.

Để nhận được quà tặng vô giá ấy, để được hưởng hạnh phúc vô bờ ấy,

cần cung kính đưa hai tay để đón lấy với lòng khiêm hạ và biết ơn.

Sống theo các Mối Phúc là có thái độ trân trọng cung kính ấy.

Không đưa tay thì cũng chẳng được quà.

Nhưng không phải cứ đưa tay là có quà,

nếu Thiên Chúa không muốn cho trước khi ta xin.

Kitô giáo không dựa trên nguyên lý nhân quả.

Cung kính đưa tay là sống nghèo khó, cậy dựa vào Thiên Chúa,

là hiền lành, là chịu sầu khổ, chịu bách hại vì Đức Kitô.

Cung kính đưa tay là có lòng thương xót, có tinh thần xây dựng hòa bình,

là làm tất cả mọi sự với quả tim trong sáng, không chút vẩn đục.

Khi làm như thế chúng ta hy vọng được chạm đến Thiên Chúa,

thậm chí được nếm biết Nước Trời ngay từ đời này (cc. 3. 10).

Chúng ta có thể viết thêm những mối phúc mới

qua những kinh nghiệm trong cuộc đời Kitô hữu.

Có bao niềm vui lớn nhỏ mỗi ngày mà ta cảm nhận khi sống lời dạy của Giêsu.

Chỉ khi ấy ta mói thấy thật sự lời của Ngài là Tin Mừng.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu thương mến,

xin ban cho chúng con

tỏa lan hương thơm của Chúa

đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

để những người chúng con tiếp xúc

cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

không phải bằng lời nói suông,

nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. Amen.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Tám mối phúc thật

Có lẽ người Công giáo nào cũng thuộc nằm lòng Tám Mối Phúc Thật, và có lẽ nhiều người ngoài Kitô giáo cũng đã ít hay nhiều nghe nói đến bản Hiến Chương này. Cũng giống như bản thân Chúa Giêsu, Tám Mối Phúc Thật là dấu chỉ của sự mâu thuẫn. Nếu đối với người Công giáo và nhiều bậc vĩ nhân của nhân loại, Tám Mối Phúc Thật là nguồn cảm hứng cho cuộc sống cao thượng; thì đối với một số người khác, như triết gia Nietzsch chẳng hạn, Tám Mối Phúc Thật chỉ là một lô những đức tính của loài vật, bởi vì chỉ có loài vật mới cúi đầu khuất phục và nhẫn nhục chịu đựng; đối với một số khác nữa, Tám Mối Phúc Thật chỉ là những lời hứa hão về một thứ thiên đàng ảo tưởng, hay nói theo ngôn ngữ của Karl Marx, đó chỉ là thuốc phiện ru ngủ quần chúng. Vậy đâu là tinh thần đích thực của Tám Mối Phúc Thật?

Bản văn Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay là của thánh Mátthêu. Chúa Giêsu chỉ công bố Tám Mối Phúc Thật một lần duy nhất, nhưng được hai tác giả ghi lại; dĩ nhiên, với hai cái nhìn khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Cái nhìn của Luca có tính xã hội: Luca giải thích các mối phúc thật dưới ánh sáng giáo huấn của Chúa Giêsu về nghèo khó và việc sử dụng của cải trần thế, để từ đó đề cao giai cấp những người nghèo khổ trong xã hội; với Luca, những người nghèo thật sự là những tín hữu tiên khởi của Giáo Hội. Trái lại, Mátthêu quan tâm đến khía cạnh luân lý nhiều hơn: nếu Luca đề cao giai cấp cùng khổ, thì Mátthêu nhấn mạnh đến tinh thần nghèo khó: "Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó", do đó theo Mátthêu, con người vào được Nước Trời không đương nhiên vì tình trạng nghèo khó, mà vì thái độ tinh thần của họ; cũng trong cái nhìn ấy, Mátthêu đáng giá về sự đói khát: nếu Luca nói đến những nạn nhân của bất công, tức những người đói khát cơm bánh thực sự, thì Mátthêu lại nhấn mạnh đến sự đói khát công lý nơi con người.

Tổng hợp hai cái nhìn khác nhau của Luca và Mátthêu, chúng ta có thể đưa ra bài học về sứ mệnh của Giáo Hội trong trần thế. Nước Chúa mà Giáo Hội loan báo không chỉ là Thiên Ðàng trong thế giới mai hậu, nhưng đang đến trong cuộc sống tại thế này, qua những giá trị như công bình bác ái, huynh đệ, liên đới. Chính trong những thực tại trần thế mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những thực tại Nước Trời.

Niềm tin của người Kitô hữu thiết yếu hướng về cuộc sống mai hậu: mọi nỗ lực của người Kitô hữu nhằm minh chứng cho mọi người về tính cách siêu việt của cuộc sống và định mệnh của con người. Sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, sống giữa thế gian, nhưng con người phải nhìn về Quê hương đích thực là Thiên Quốc. Tuy nhiên, niềm tin hướng về cuộc sống mai hậu ấy không thể làm cho người Kitô hữu xao lãng với những nhiệm vụ trần thế của họ. Họ phải xác tín rằng chính qua những thực tại trần thế, họ mới có thể gặp được những giá trị của Nước Trời; chính qua những thực tại trần thế, họ mới đạt được cứu cánh vĩnh cửu của họ. Ðây quả là một thách đố lớn lao cho người Kitô hữu ở mọi thời.

Một trong những nguyên nhân khiến người Kitô hữu bị bách hại là bởi vì con người không hiểu được sứ điệp của Tin Mừng. Chúa Giêsu đã bị chống đối và cuối cùng bị treo trên Thập giá là bởi vì những người đương thời không hiểu được sứ điệp và con người của Ngài. Ðó cũng chính là thân phận của người Kitô hữu trong trần thế, nhưng chính khi bị bách hại mà vẫn kiên trì trong niềm tin của mình, người Kitô hữu mới thể hiện được ý nghĩa sứ điệp của Tin Mừng.

Chúa Giêsu đã chẳng nói: khi nào Ta bị giương cao, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta sao? Ðó là sức mạnh và nét hấp dẫn của Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu không chỉ rao giảng, mà còn thể hiện cho đến cùng. Chết để cho sứ điệp Tin Mừng được đón nhận, đó là nghịch lý của Tám Mối Phúc Thật. Cái chết ấy được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của người Kitô hữu, nghĩa là hăng say phục vụ, sống quảng đại, liêm khiết, sống bác ái yêu thương, ngay cả chấp nhận những thua thiệt miễn là không đánh mất niềm tin của mình.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Phúc thay!

Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,

Vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành,

Vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt. 5, 1-4)

Những lời đầy hy vọng

Phúc thay, ai có tâm hồn nghèo khó! Phúc thay ai hiền lành! Phúc thay ai sầu khổ! Phúc thay ai xây dựng hòa bình! Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính!

Người ta thuộc lòng những lời này. Đó là cốt lõi của Phúc âm. Có lẽ Chúa Giêsu đã không bao giờ nói lời đẹp hơn. Chưa có người nào trước Người đã nói những lời chứa chan hy vọng như thế cho những ai phải sống vất vả, chiến đấu, đau khổ, đi tìm sự thiện.

Quả là những lời đầy hy vọng! Một ngày nào đây tẩt cả những ai khốn khổ hằng tin cậy vào Chúa sẽ được hạnh phúc. Một ngày nào đây công bình sẽ được thực thi. Một ngày nào đây đau khổ sẽ biến mất, tiếng khóc sẽ đổi thành niềm vui cho những kẻ tin. Mọi sự sẽ đẹp, sẽ tốt, sẽ ngon lành. Những ai rồi đây sẽ phải vất vả, chiến đấu và đau khổ mà vẫn phó thác ngả mình vào vòng tay yêu thương của Chúa, sẽ hân hoan sống bên Người.

Những lời để sống ngay bây giờ

Nhưng hạnh phúc, phải chăng chỉ ngày mai mới có? Phải chăng đến tận cùng thời gian lời Chúa hứa cho ta hạnh phúc mới được thực hiện? Mà đã là người, ai lại chẳng ước mong khi chết rồi sẽ được hưởng niềm vui và hạnh phúc? Chính ngay bây giờ, hôm nay, ngay lập tức mà chúng ta muốn được hạnh phúc.

Hạnh phúc dù phải vất vả, dù bị người ta hiểu lầm và giễu cợt, dù bị ốm đau, dù cuộc sống vất vưởng, có thể được chăng?

Chúa Giêsu trả lời: được chứ. Ngay bây giờ, chính những ai sống theo tinh thần của tám mối phúc, người ấy sẽ hạnh phúc. Nhưng mai ngày họ sẽ hạnh phúc hơn. Và niềm hy vọng này là nguồn vui cho những kẻ ấy ngay từ hôm nay.

 

Suy Niệm 4: CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN HẠNH PHÚC (Mt 5, 1-12)

Xem lại CN 4 TN A, CN 6 TN C, Thứ Sáu tuần 23 TN, lễ Các Thánh 1/11.

Là con người, từ cổ chí kim, từ Đông chí Tây, đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ai ai cũng đều mong muốn mình được hạnh phúc hoặc sờ chạm thấy hạnh phúc dù chỉ một chút. Thánh Tôma Aquinô cũng đã nói: “Theo bản tính tự nhiên, tất cả mọi người đều khát mong hạnh phúc”. Chính vì thế, nhiều người chấp nhận đánh đổi rất nhiều để cầu mong được hạnh phúc. Ngày nay, cũng đã có nhiều người tìm ra cho mình những kỹ năng để nâng niu và nắm giữ được hạnh phúc lâu dài.

Tuy nhiên, điều họ mong muốn và tìm kiếm đó có đúng không hay chỉ là một sự mơ tưởng hoặc bị hiểu sai về hạnh phúc? Vậy, hạnh phúc đích thực là gì và ở đâu?

Hôm nay Đức Giêsu đã vạch ra cho các môn đệ và những người đương thời với Ngài những con đường để đưa đến hạnh phúc. Con đường đó là: tinh thần nghèo khó; hiền lành; chịu đau buồn vì Chúa; khao khát điều công chính và sẵn sàng chấp nhận bị bách hại vì điều công chính đó; hãy thương xót người; có lòng trong sạch; ăn ở thuận hoà. Trung thành với các “mối phúc thật” và gắn vào trong đó lòng mến thì hẳn sẽ đạt được hạnh phúc đích thực là Nước Trời.

Hôm nay, Đức Giêsu cũng đang mời gọi mỗi người chúng ta đi trên con đường Chân Phúc đó để được cứu độ, hạnh phúc và bình an. Tuy nhiên, con đường đó chẳng mấy ai đi! Bởi vì nó là con đường “hẹp”, con đường của từ bỏ, của chông gai. Nhưng để đạt được niềm hạnh phúc thực sự, chúng ta không còn con đường nào khác là đi trên chính con đường mà Đức Giêsu đã đi, bởi lẽ đường rộng và lối thênh thang sẽ dẫn đến đau khổ, bất hạnh và diệt vong.

Lạy Chúa Giêsu, đã biết bao lần chúng con khước từ con đường Chúa vạch ra cho chúng con để được hạnh phúc. Ngược lại, chúng con lại lựa chọn con đường dễ dãi, thênh thang hầu thỏa mã tính xác thịt nơi mình, mà bán rẻ lương tâm, nhân phẩm của chúng con để rồi mất đi hạnh phúc thật.

Xin cho chúng con biết tìm về nguồn cội của hạnh phúc là chính Chúa, biết đi trên con đường “các mối phúc” để dẫn tới hạnh phúc đích thực. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

  • Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Người ta quen gọi đây là bản hiến chương Nước trời. Nước trời là nước hạnh phúc. Muốn vào nước đó phải có 8 đức tính căn bản là:

1/ Tinh thần nghèo khó.
2/ Hiền lành.
3/ Sầu khổ.
4/ Khao khát điều công chính.
5/ xót thương người.
6/ tâm hồn trong sạch.
7/ xây dựng hòa bình.
8/ chịu bách hại vì đức công chính.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Có thể quy tất cả đức tính ấy vào một đức tính căn bản là “Tinh thần nghèo”. Người có tinh thần nghèo là người: Không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này, nói cách khác: không màng đến nước trần gian.

Vì căn bản hạnh phúc có tinh thần nghèo, nên có thể nói: hạnh phúc đích thực của Kitô hữu là vứt hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng chính Chúa.

2. Hạnh phúc là gì  ?

Xét cho cùng, hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ được hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ được hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy hạnh phúc của con người là được ở trong nước Thiên Chúa.

3. Một hôm khi cầu nguyện, một Linh mục xin Chúa cho tra vấn một tên quỷ:

- Nhân danh Chúa, ta hỏi mi: Đâu là nơi hạnh phúc nhất  ?

- Dĩ nhiên là Thiên đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Thiên Chúa, thì tất cả cũng chỉ là một con số không.

- Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc thiên đàng  ?

- Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả những cực hình hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng thiên đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi!

Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc. (Chờ đợi Chúa)

4. “Phúc thay cho anh em vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa”. (Mt 5,11)

Ngày 19-6-1988 cả Giáo Hội tại Việt Nam vui sướng vì 117 vị tử vì đạo đã được tuyên hiển thánh. Những nỗi đớn đau tủi nhục vì Chúa Kitô của các Ngài đã được chúc phúc.

Hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi những khó khăn, đau đớn và tủi nhục trong cuộc chiến cam go loại bỏ tật xấu, dứt khoát với tội lỗi, hay những suy nghĩ tiêu cực nơi chính bản thân. Cuộc chiến ấy đòi hỏi chúng ta phải cam đảm.

Xin các thánh tử vì đạo tại Việt Nam thông truyền cho chúng con dòng máu bất khuất của các Ngài và giúp chúng con biết chiếu tỏa tôn nhan Thiên Chúa nơi chính con người và cuộc sống của chúng con.

 

  • Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Tám mối phúc thật (Mt 5,1-12)

  1. Hôm nay Chúa Giêsu đã vạch ra cho các môn đệ và những người đương thời với Ngài những con đường để đưa đến hạnh phúc. Con đường đó là: tinh thần nghèo khó, hiền lành, chịu đau buồn vì Chúa, khao khát điều công chính và sẵn sàng nhận bị bách hại vì điều công chính đó, hãy thương xót người, có lòng trong sạch, ăn ở thuận hoà. Trung thành với các “mối phúc thật” và gắn vào trong đó lòng mến thì hẳn sẽ đạt được hạnh phúc đích thực là Nước trời.
  2. Hạnh phúc! Một điều mơ ước muôn thuở của con người. Tuy người ta chưa đồng ý với nhau về một định nghĩa của hạnh phúc, nhưng mọi người đều nỗ lực tìm đến hạnh phúc bằng mọi phương tiện và bằng bất cứ giá nào. Giấc mơ lớn nhất của con người là hạnh phúc. Từ xa xưa, triết gia Aristote đã cảm nghiệm được điều này khi ông nói: “Hạnh phúc là một cái mà tất cả mọi người đều tìm kiếm”. Còn triết gia Blaise Pascal bảo rằng: “Ai cũng đi tìm hạnh phúc, kể cả người thắt cổ tự tử”.
  3. Có thể qui tất cả 8 đức tính ấy vào một đức tính căn bản là “Tâm hồn nghèo”. Người có tâm hồn nghèo là người:
  • Mặt tiêu cực: không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc của cải, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này... (nói cách khác: không màng đến nước trần gian).
  • Mặt tích cực: chỉ ước ao sống tốt theo thánh ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn lành Thiên Chúa (nói cách khác: được sống trong Nước trời).

Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo, nên có thể nói: hạnh phúc đích thực của Kitô hữu là vứt hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng chính Chúa (Lm Carôlô)

  1. Vậy hạnh phúc là gì? Thực ra chưa có một định nghĩa nào về hạnh phúc khả dĩ thúc đẩy mọi người phải công nhận, nhưng xét cho cùng, đối với chúng ta thì hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong Nước Thiên Chúa.
  2. Con người trần thế tìm đủ mọi cách để dành cho được giàu sang, quyền thế, cho dù phải gây thù chuốc hận, cho dù phải gây ra những cuộc chiến tranh tương tàn khốc hại... Đang khi đó Chúa Giêsu lại cho nghèo là một mối phúc. Chắc chắn Ngài không ủng hộ thứ nghèo làm giảm phẩm giá con người. Ngài muốn cho con người có được sự giàu sang vĩnh cửu: được cả Nước trời làm gia nghiệp, chứ không phải thứ giàu sang chỉ đem lại cho con người niềm hạnh phúc chóng vánh ở đời này. Để đạt được thứ giàu sang vĩnh viễn ấy phải biết làm cho mình nghèo đi những thứ của cải tạm bợ và giả trá. Đó là “nghèo”: - nắm giữ chức quyền nhưng không tham quyền cố vị, trái lại phục vụ trong khiêm tốn; - làm ra của cải vật chất nhưng không bị lệ thuộc vào chúng, trái lại biết “hằng ngày dùng đủ” và cảm thông chia sẻ với nhau trong tình anh em. Nghèo như thế, chiến tranh, hận thù mới biến mất, và thế giới này chỉ có tình mến chan hòa. Nghèo như thế mới là hạnh phúc (5 phút Lời Chúa).
  3. Niềm tin của người Kitô hữu thiết yếu hướng về cuộc sống mai hậu: mọi nỗ lực của người Kitô hữu nhằm minh chứng cho mọi người về tính cách siêu việt của cuộc sống và định mệnh của con người. Sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, sống giữa thế gian, nhưng con người phải nhìn về quê hương đích thực là Thiên quốc. Tuy nhiên, niềm tin tưởng về cuộc sống mai hậu ấy không thể làm cho người Kitô hữu xao lãng với những nhiệm vụ trần thế của họ. Họ phải xác tín rằng chính qua những thực tại trần thế, họ mới có thể gặp được những giá trị của Nước trời; chính qua những thực tại trần thế, họ mới đạt được cứu cánh vĩnh cửu của họ. Đây quả là một thách đố lớn lao cho người Kitô hữu ở mọi thời (Mỗi ngày một tin vui).
  4. Truyện: Quỷ dữ cũng khát khao hạnh phúc

Một hôm khi cầu nguyện, một linh mục xin Chúa cho tra vấn một tên quỷ:

  • Nhân danh Chúa, ta hỏi mi: đâu là hạnh phúc nhất?
  • Dĩ nhiên là thiên đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn

châu báu thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Chúa, thì tất cả cũng chỉ là con số không.

  • Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc thiên đàng?
  • Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả mọi cực hình hoả ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng thiên đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi!

Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc (Chờ đợi Chúa).

 

  • Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Ở Hoa Kỳ, hằng năm, những hãng xăng dầu thường phát hành miễn phí những tấm bản đồ chỉ đường. Lịch sử của những tấm bản đồ chỉ đường này bắt đầu vào năm 1895, khi tờ báo “Chicago Times Herald” vẽ ra lộ trình của cuộc đua xe hơi từ Chicago tới Waukegan cho các độc giả theo dõi. Từ đó trở đi những người lái xe đã bắt đầu đòi hỏi những bản đồ chỉ đường giữa các thành phố. Những tấm bản đồ vẽ ra những con đường tốt nhất, những chỗ phải đi đường vòng, những điều kiện của xa lộ, những chỗ nghỉ ngơi, đổ xăng và những điểm cần phải chú ý dọc theo bên đường…

Hạnh phúc là điều ai cũng mong tìm và đạt đến trong hành trình của cuộc sống như triết gia Aristốt đã nói xa xưa: “Hạnh phúc là cái mà tất cả mọi người tìm kiếm”. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta đường tới hạnh phúc qua tấm bản đồ tám mối phúc thật. Chính sứ mạng của Chúa Giêsu đến thế gian trao cho con người tấm bản đồ để dẫn tới hạnh phúc, một niềm vui nội tại không bị chi phối khi ta sống giữa những hoàn cảnh.

Suy niệm

Chúa Giêsu trong bài giảng trên núi vào đầu sứ vụ của Ngài đã dẫn nhân loại đến với hạnh phúc bằng tám phúc. Mỗi mối phúc mà Chúa Giêsu đề cập, không được con người quan tâm như là những điều may mắn hạnh phúc, trái lại là những khổ đau mà con người luôn tránh. Những hoàn cảnh này Chúa Giêsu tuyên bố: họ hạnh phúc thật.

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước Trời là của họ”. Người mang tinh thần nghèo khó là ‎ý thức thân phận thiếu hụt của mình nên sẵn sàng mở tâm hồn để Thiên Chúa làm tràn đầy ân sủng. Chính trong thân phận nghèo, họ cảm nhận được sự thiếu thốn và sẵn sàng chia sẻ với anh em cùng khổ.

“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp”. Hiền lành và khiêm nhường trong lòng, đó là những gì Chúa Giêsu đã sống và kêu gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29).

 “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Trong đau khổ con người tham dự vào cuộc thương khó của Đức Kitô, Đấng chia sẻ với những bước đường đau khổ của kiếp người. Tình trạng khổ dưới mắt người đời là vô phúc nhưng được Thiên Chúa chúc phúc và cho tham dự vào cuộc khổ nạn của Thiên Chúa, cho nên chính họ được tham dự vào hạnh phúc vinh quang trong Đức Kitô Phục sinh.

“Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. Khao khát nên người công chính là khao khát chính Thiên Chúa và ai trở nên người công chính sẽ được Thiên Chúa bảo vệ: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa (Kn 3,1), hơn nữa: “Thiên Chúa yêu người công chính” (Tv 145).

“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Như Chúa Giêsu đã mang trái tim nhân ái xót thương tất cả mọi người, ngay cả những người tội lỗi, Ngài dạy con người lòng xót thương tha thứ trong Kinh Lạy Cha (x. Lc 11,4).

“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Tâm hồn trong sạch được khắc ghi Luật Chúa (x. Tv 40, 9). Yêu mến Chúa (x. Mt 22,37Mc 12,30Lc 10,27). Được gặp Chúa thổ lộ tâm tình như người yêu với người yêu (x. Hs 2,16-18; 21-22).

“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Người xây dựng hòa bình trên trái đất là đang tham gia thiết lập vương quốc hòa bình mà Thiên Chúa thiết lập Nước Trời bắt đầu nơi trần gian.

“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì nước Trời là của họ”. Chính trong lúc bị bách hại là cùng chịu khổ nạn và cùng được phục sinh vinh quang với Chúa như thánh Phaolô đã xác quyết: “…vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8,17).

Hạnh phúc được tính bởi tinh thần với sức mạnh, chúng ta tranh đấu với những vấn đề cuộc sống. Hạnh phúc được sinh ra trong lúc chúng ta đặt trong tim mình những công trình và thực hiện với sự vui mừng và hoan hỉ trong Thiên Chúa bất chấp mọi hoàn cảnh.

Ý lực sống

“Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa” (Tv 40,5).

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây