Thứ Hai tuần 26 thường niên

Chủ nhật - 29/09/2019 07:34

Thứ Hai tuần 26 thường niên – Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

“Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.

 

Thánh nhân sinh quãng năm 340 tại Xơtriđôn, Đanmaxia. Người đến Rôma học văn chương và đã lãnh bí tích Thánh Tẩy tại đó. Người sang Đông phương và làm linh mục. Trở lại Rôma, người làm thư ký cho Đức Giáo Hoàng Đamaxô. Thời gian này, người bắt đầu dịch Sách Thánh sang tiếng La tinh và cổ võ nếp sống đan tu. Nhưng nhất là người đã sống 35 năm cuối đời ở Bêlem, gần cái hang nơi Đức Giêsu ra đời. Ở đây, người cầu nguyện hãm mình, chăm chỉ nghiên cứu, dịch và chú giải Kinh Thánh. Người qua đời ở Bêlem năm 420.

 

Lời Chúa: Lc 9, 46-50

Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.

Gioan lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con”. Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con”.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Người nhỏ nhất

Suy niệm:

Phá kỷ lục là ước mơ của các vận động viên.

Làm sao phá kỷ lục của quốc gia, của vùng, của châu lục và thế giới?

Để phá kỷ lục cần có thành tích vượt hơn người đang giữ nó.

Chỉ cần chạy nhanh hơn một phần ngàn giây,

nhảy cao hơn hay xa hơn một centimét,

cũng đủ để làm một kỷ lục đứng vững nhiều năm bị phá đổ.

Nhưng không phải chỉ các vận động viên mới thích phá kỷ lục.

Các nước cũng tranh nhau xem ai là cường quốc về một lãnh vực nào đó.

Có vẻ cả nhân loại đều ở trong một cuộc đua tranh xem ai đứng đầu.

Có những cuộc đua tranh lành mạnh, thúc đẩy tiến bộ.

Nhưng cũng có những cuộc đua tranh dẫn đến chiến tranh và hủy diệt.

Các môn đệ vẫn loay hoay với một câu hỏi trong đầu:

“Trong các ông, ai là người lớn nhất ?”(c. 46).

Thầy Giêsu muốn dạy cho họ một bài học rất gợi hình,

nên đem một em nhỏ đến và trân trọng đặt em đứng bên cạnh (c. 47)

Thầy đồng hóa mình với em nhỏ yếu đuối và không có địa vị ấy:

ai tiếp đón em này là tiếp đón chính Thầy.

Thầy cũng cho biết, ai tiếp đón Thầy là tiếp đón chính Thiên Chúa (c. 48).

Như thế một em nhỏ bình thường là con đường dẫn ta gặp gỡ Đức Giêsu,

và gặp gỡ chính Thiên Chúa siêu việt.

Để tiếp đón Thiên Chúa và Đức Kitô trong đời,

ta phải sẵn sàng tiếp đón những người yếu kém và nhỏ bé nhất trong xã hội.

Khi các môn đệ bị ám ảnh bởi chuyện làm lớn

thì Thầy Giêsu đem lại cho họ một em nhỏ,

và cho thấy sự cao trọng lớn lao của em trong cái nhìn của Thiên Chúa.

Câu trả lời của Thầy đã rõ: kẻ nhỏ nhất chính là người lớn nhất trong anh em.

Vượt ra khỏi sự tranh chấp trong nhóm,

bây giờ các môn đệ lại phải đối diện với một người trừ quỷ ở ngoài nhóm.

“Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng chúng con đi theo Thầy.”

Tại sao một người ở ngoài nhóm lại dám lấy danh Thầy mà trừ quỷ?

Lẽ ra việc dùng danh Thầy phải là độc quyền của chúng con.

Người ấy không được chiếm lấy sự thành công và tăm tiếng

mà chỉ những ai theo Thầy như chúng con mới được hưởng.

Các môn đệ đã có thái độ cục bộ và bè phái.

Họ cần cởi mở và khoan dung hơn với những người ngoài.

Danh Thầy Giêsu là quà tặng cho cả thế giới, chứ không cho riêng môn đệ.

Ai cũng có thể đến múc lấy sức mạnh từ Danh ấy và sẻ chia.

Thầy Giêsu mời các môn đệ bước ra khỏi sự hẹp hòi khép kín,

để vui vẻ kính trọng một người tuy không thuộc nhóm mình,

nhưng làm được những việc mà có khi mình không làm nổi (Lc 9, 40).

Danh Giêsu được tôn vinh: đó là điều chúng ta nhắm tới.

Chúng ta chỉ mong sức mạnh của Danh này làm thế giới được trừ quỷ.

Chỉ mong ai đó đang ở ngoài nhóm và đang trừ quỷ nhờ Danh Giêsu,

sẽ có ngày trở thành người môn đệ trong nhóm.

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha,

xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau

trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.

Xin cho chúng con đến với nhau

không chút thành kiến,

và tin tưởng vào thiện chí của nhau.

Khi cộng tác với nhau,

xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,

nhờ đó chúng con vượt qua

những tự ái nhỏ nhen,

những tham vọng ích kỷ

và những định kiến cằn cỗi.

Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,

để tìm kiếm chân lý

ở mọi nơi và mọi người,

nhất là nơi những ai khác quan điểm.

Lạy Cha,

xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,

để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,

và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.

Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,

xin cho chúng con được triển nở không ngừng

và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Nhân Danh Chúa Giêsu

Một hôm, họa sĩ Picasso đến một xưởng mộc làm một cái tủ. Ông lấy bút phác họa hình thù và kích thước cái tủ rồi trao cho người thợ mộc và hỏi giá cả. Người thợ mộc cầm lấy tờ giấy một cách trân trọng và trả lời: "Ngài không phải trả gì cả, chúng tôi chỉ xin Ngài ký tên vào giấy này là đủ rồi".

Tên tuổi gắn liền với sự nghiệp của con người. Người ta nhắc nhớ và đề cao tên tuổi của những bậc anh hùng, những người tài ba, những ân nhân của dân tộc hay nhân loại. Nhưng người ta phỉ nhổ và nguyền rủa tên tuổi của những con người chỉ biết gây đau thương tang tóc cho đồng loại. Khi một người nào đó đã được nổi tiếng, thì tên tuổi người đó tạo được một sức mạnh lạ thường. Chúng ta thích xin chữ ký của những người nổi tiếng, chúng ta thích ăn mặc và sử dụng những sản phẩm có chữ ký hoặc tước hiệu của những người nổi tiếng. Một cách nào đó, chúng ta tôn thờ tên tuổi của những người nổi tiếng, chúng ta tự đặt mình dưới quyền lực của những người nổi tiếng.

Ðối với người Kitô hữu, như thánh Phêrô đã nói trước Công nghị Do thái: "Dưới bầu trời này không một danh hiệu nào đã được ban cho con người, để được cứu rỗi, ngoài danh Chúa Giêsu Kitô".

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cũng ghi lại sức mạnh của Danh Giêsu. Chính nhân danh Ngài mà một số người có thể xua trừ ma quỉ và chữa bệnh. Nhân Danh Chúa là một quyền hạn đã được trao ban cho các môn đệ Chúa Giêsu. Người ta chỉ có thể trừ quỉ và như vậy tiếp tục hoạt động cứu rỗi của Chúa Giêsu nhờ quyền năng Ngài và lòng tin vào Ngài mà thôi. Ðó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã không lo ngại với những kẻ lén lút nhân danh Ngài để trừ quỉ, bởi vì khi hành động như thế, họ chỉ hành động với lòng tin vào quyền năng Ngài mà thôi.

Danh Chúa Giêsu không những có sức mạnh chữa lành bệnh và xua trừ ma quỉ, mà còn tạo được mối tương quan giữa con người . Chính nhân danh Ngài mà con người mới có thể tập họp để cầu nguyện; chính nhân danh Ngài mà con người phải tiếp rước những kẻ Ngài sai đi; chính nhân danh Ngài mà con người phải đón rước tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, hèn kém như các trẻ em. Chúa Giêsu nói: "Ai nhân danh Thầy mà đón tiếp trẻ nhỏ này là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy". Câu nói của Chúa Giêsu cho thấy được bản chất của Giáo Hội: Chúa Giêsu tiếp tục sống trong Giáo Hội Ngài, không như một vĩ nhân sống trong sự nghiệp mình và trong ký ức của dân tộc; Giáo Hội chính là một nối dài của Chúa Giêsu, Giáo Hội sống bằng sức sống của Chúa Giêsu.

Người Kitô hữu không chỉ mang danh hiệu Chúa Giêsu, họ còn sống bằng chính sức sống của Ngài. Ngài tự đồng hóa mình với mỗi tín hữu. Người Kitô hữu nhân danh Ngài để hành động, đến độ họ có thể nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".

Chúng ta thường nói đến tội kêu tên Chúa vô cớ, chúng ta nói đến tội xúc phạm Danh Chúa. Thực ra, khi cuộc sống chúng ta chưa là thể hiện của sức sống Chúa Kitô trong chúng ta; khi nhìn vào chúng ta, người ta chưa nhận ra Chúa Kitô đang sống trong chúng ta, phải chăng đó không là một kiểu chúng ta kêu tên Chúa một cách vô cớ và làm ô Danh Ngài?

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Nhân Danh Chúa Giêsu

Tên tuổi có một ý nghĩa và sức mạnh đặc biệt trong cuộc sống con người. Người ta thường kể về tên tuổi Alexandre Ðại Ðế của Hy Lạp giai thoại như sau:

Trong quân đội của ông có một binh sĩ rất nhát đảm, cứ mỗi lần nguy ngập anh đều tìm cách thoái lui. Alexandre cảm thấy bị xúc phạm về hành vi của người binh sĩ này vì anh ta cũng mang tên Alexandre như ông. Một hôm, ông gọi anh ta lại và bảo: "Ta cho nhà ngươi một chọn lựa: hoặc là chấm dứt thái độ nhát đảm hoặc là đổi tên đi".

Tên tuổi là một sức mạnh. Ðược nổi danh vốn là một trong những khát khao tự nhiên của con người. Trong Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về ý nghĩa, sức mạnh và quyền năng của Danh Chúa trong cuộc sống người Kitô hữu chúng ta.

Tin Mừng được ghi lại những sự kiện được liên kết với nhau bằng Danh Chúa. Chỉ nhân danh Chúa mà đón tiếp những người bé nhỏ nhất, cụ thể là các em nhỏ và cũng chỉ nhân Danh Chúa, con người mới có thể khu trừ ma quỉ, chữa lành bệnh tật và làm phép lạ.

Ngày nay, Giáo Hội cũng nhân Danh Chúa để tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Ngài. Giáo Hội nhân Danh Chúa để cử hành các bí tích, để thực thi công tác bác ái, tranh đấu cho công lý. Nhưng phải chăng Danh Chúa Giêsu là một thứ bùa chú, một công thức ma thuật?

Chúng ta biết rằng nội dung niềm tin Kitô chính là tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Chúa Giêsu từ cõi chết, tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và kêu cầu Danh Ngài. Cả ba kiểu nói này đều tương tự như nhau. Các Kitô hữu tiên khởi thường tự gọi mình là những kẻ kêu cầu Danh Chúa. Ðiều này được thể hiện một cách rõ rệt trong nghi thức rửa tội. Kêu cầu Danh Chúa có nghĩa là tin nhận rằng Ngài là Chúa và đặt mình dưới sự thống trị của Ngài. Duy chỉ mình Ngài mới có thể đem lại ơn cứu rỗi và sự sống, duy chỉ có mình Ngài mới có thể là lý tưởng của đời sống Kitô hữu.

Xét cho cùng, niềm tin của chúng ta không phải là một giáo điều để tuyên xưng, một số kinh kệ phải đọc làu làu, một số biểu dương tôn giáo cần bày tỏ ra bên ngoài. Niềm tin thiết yếu của chúng ta là Chúa Giêsu, Ðấng đang hiện diện cách sống động trong mỗi người chúng ta. Sống niềm tin ấy chính là luôn ý thức về sự hiện diện ấy của Ngài và không ngừng đi vào tương quan mật thiết với Ngài. Sống niềm tin ấy chính là để Ngài thấm nhập vào từng suy nghĩ, tâm tư và hành động đến độ có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Nghĩa mới về giá trị

Người liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” (Lc. 9, 47b-48)

Các môn đệ đã không hiểu ý nghĩa quan trọng về sự đau khổ mà Đức Giêsu sắp phải chịu. Người vừa loan báo về cái chết của Người là đỉnh cao của sứ vụ giữa loài người. Chính ra các ông phải xúc động và đổi đời, phải lo suy niệm những lời giảng bi thảm của Thầy, để rút ra những điều bổ ích và chuẩn bị những hậu quả của những ngày đau khổ sắp tới.

Trái lại, các ông cứ tiếp tục nuôi dưỡng những ảo vọng danh lợi mong Đức Kitô sắp tới giờ vinh quang phục hưng vương quốc thế gian. Các ông hằng mơ thấy như thế. Đức Kitô đã không thành công trong khi thuyết phục các ông, Người không đến để làm như thế. Vì thế các ông đang nghĩ xem ai là người lớn nhất trong các ông, ai có chức vị cao nhất trong Nước Đức Kitô. Thánh Marcô cho thấy tính cách thô lỗ, thô bạo khi ông kể lại cuộc tranh giành giữa các tông đồ để biết ai được địa vị cao nhất. Đức Giêsu sắp hoàn toàn lật đổ quan niệm của các ông về giá trị mới trong nước trời. Người liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình mà nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy, và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Đó là địa vị danh dự bên Đức Giêsu. Địa vị này không dành cho kẻ sáng giá nhất, thông minh nhất, tài năng nhất, có huy chương nhiều nhất! Nó chỉ dành cho ai đặt mình phục vụ những kẻ hèn mọn nhất, trơ trụi nhất, bị kinh bỉ nhất. Vì ai là người nhỏ nhất trong mọi người, chính là người lớn nhất.

Còn lời nào ngược đời đối với kẻ luôn luôn đòi cai trị người khác, nghịch lý đối với hạng chủ trương dùng quyền lực thống trị người khác. Đức Kitô quả quyết, cai trị là làm tôi tớ như chính Người đã làm gương, cai trị là hy sinh hủy mình đi vì người khác, chứ không phải là bắt họ làm nô lệ mình. Hủy mình đi vì thực thi bác ái của Đức Kitô để yêu người đến độ có thể hiến mạng sống mình vì họ.

Nhỏ bé là như thế, mới đạt tới sự cao cả duy nhất, như Đức Kitô kêu gọi chúng ta.

GF

 

SUY NIỆM 5: MUỐN LÀM LỚN... PHẢI TRỞ NÊN BÉ NHỎ (Lc 9, 46-50)

Xem lại CN 25 TN B, thứ Ba tuần 7 TN và tuần 19 TN, lễ Thánh Têrêxa và lễ Các Thiên Thần Bản Mệnh

Khi Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn đầu tiên, các môn đệ can ngăn. Lần thứ hai thì không ai dám nói gì. Tuy nhiên, vì biết Thầy sắp ra đi, vị trí lãnh đạo sẽ khuyết, nên các ông bắt đầu nẩy sinh chuyện tranh dành xem ai là người lớn nhất trong anh em. Biết được tâm tưởng của các môn đệ, nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã ban nhiều huấn dụ cho các ông để các ông hiểu và đi theo đúng con đường mà Ngài mong muốn nơi môn sinh của mình.

Huấn giáo của Đức Giêsu đã gây nên một ấn tượng mạnh nơi các môn đệ khi Ngài dẫn một em nhỏ đến bên cạnh và nói: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất". Qua đó, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ phải từ bỏ tính tham quyền cố vị. Tránh đi thái cực muốn được người khác ca tụng, hay thích ăn trên ngồi trước. Cần loại bỏ sự mong muốn được người khác phục vụ, rồi thích thống trị thiên hạ bằng quyền lực.

Ngày nay, hình ảnh và lối suy nghĩ của các môn đệ khi xưa vẫn thường diễn ra trong cuộc sống của chúng ta!

Thật vậy, vẫn còn đó những người Kitô hữu có suy nghĩ và hành xử bè phái, cục bộ, không phục vụ vì Chúa và các linh hồn, nhưng là vì mình. Không quy về Đức Giêsu mà lôi kéo để mình có ảnh hưởng. Tính háo danh và ham địa vị, cũng như tính hay ghen tỵ cũng diễn ra thường xuyên.

Tất cả những thứ đó làm nguy hại đến tinh thần hiệp nhất và sứ mạng loan báo Tin Mừng rất lớn.

Vì thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:

Luôn sống kết hiệp với Thiên Chúa qua việc lắng nghe Lời Ngài dạy dỗ, bảo ban. Cần trở nên như trẻ nhỏ trong thái độ đơn sơ, chân thành và phục vụ cách vô vị lợi. Khiêm tốn và từ bỏ ham quyền, cố vị. Sẵn sàng cộng tác với hết mọi người để ra đi loan báo Tin Mừng cách trung thành.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống tinh thần của Chúa là trở nên như hạt lúa, chấp nhận chôn vùi đi để sinh nhiều bông hạt khác. Xin cho chúng con có được tinh thần của trẻ thơ, để không màng chi đến danh vọng, nhưng chỉ một lòng yêu mến Chúa và yêu người tha thiết. Amen.

Ngọc Biển SSP

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây