Thứ Năm tuần 12 thường niên.

Thứ tư - 24/06/2020 08:15

 Thứ Năm tuần 12 thường niên.

"Nhà xây trên nền đá và nhà xây trên cát".

 

Lời Chúa: Mt 7, 21-29

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Thầy: "Lạy Chúa, Lạy Chúa", là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: "Lạy Chúa, Lạy Chúa, nào chúng con đã không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó ư?" Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với chúng rằng: "Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta".

"Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây và đem thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà đó vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên đá. Và hễ ai nghe những lời Thầy nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".

Khi Chúa đã nói xong những lời trên, dân chúng kinh ngạc về giáo lý của Người: vì Người dạy dỗ họ như Đấng có quyền, chứ không như luật sĩ và các biệt phái của họ.

 

 

SUY NIỆM 1: Xây trên nền đá

Suy niệm :

Nếu ai trong cộng đoàn các Kitô hữu chúng ta

có khả năng nhân danh Đức Giêsu, nghĩa là dùng quyền năng của Ngài,

để nói tiên tri, để trừ quỷ hay làm nhiều phép lạ (c. 22),

chắc chúng ta sẽ tin ngay người đó là môn đệ đích thực của Đức Giêsu.

Người đó dĩ nhiên phải là người tốt lành, thánh thiện, đáng tin,

vì chỉ ai là người của Chúa mới làm được những điều lạ lùng đó.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc chúng ta đừng vội kết luận.

Làm được những điều Chúa đã làm như trừ quỷ hay chữa bệnh

chưa chắc chắn đã là người môn đệ chân chính.

Những kết quả hoành tráng trên vẫn chưa đủ để biết cây (Mt 7, 16).

Cả những ai thưa với Thầy Giêsu: Lạy Chúa! lạy Chúa!

cũng không hẳn sẽ được vào Nước Trời (c. 21).

Đức Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn quan trọng khác để nhận định.

Đó là chính cuộc sống của người môn đệ đó.

“Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời…” (c. 21).

Ý muốn ấy được giải thích và diễn tả qua “những lời Thầy nói đây” (c. 24).

Vậy tiêu chuẩn chắc chắn để nhận ra người môn đệ thật

đó là xem người đó có sống đúng tinh thần của Đức Giêsu không,

có làm điều Ngài dạy qua Bài Giảng trên núi không.

“Những kẻ làm điều gian ác” ở đây là những người đã nghe và không làm.

Ngay cả những kẻ ấy cũng có thể làm được những điều kỳ diệu,

khiến chúng ta bị ngây ngất, say mê và ngộ nhận.

Nhưng vào ngày phán xét, mọi sự sẽ bị phanh phui.

Chúa sẽ nói với họ: “Ta không biết các ngươi. Xéo đi khỏi Ta” (c. 23).

Nước Trời không dành cho những ai bất tuân phục Ý Chúa.

Dù Nước Trời là một quà tặng nhưng không của Thiên Chúa Cha,

nhưng người Kitô hữu vẫn phải đưa tay ra cung kính đón nhận

bằng cách sống trọn vẹn Ý Cha như một người con thảo hiền.

Không có thái độ này, thì quà có đó mà vẫn không đến tay.

Chúng ta đã nghe lời Chúa Giêsu quá nhiều, nhưng thực hành lại chưa đủ.

Chính vì thế khi mưa đổ xuống, gió giật, nước dâng,

ngôi nhà đời chúng ta sụp đổ dễ dàng.

Vấn đề không phải do cuồng phong và lũ lụt,

mà do nền móng của ngôi nhà, nền đá hay nền cát.

Sau một cơn bão, có những tòa nhà cổ vẫn đứng vững hiên ngang,

trong khi những ngôi nhà mới xây lại sụp đổ.

Cơn bão nói cho ta về chất lượng thật của ngôi nhà.

Có bao nhiêu cơn bão mà ngôi nhà mỗi người vẫn phải gánh chịu mỗi năm?

Có lẽ ta nên chọn một câu Tin Mừng làm nền đá cho ngôi nhà đời mình.

Và xây cả đời mình trên việc sống câu Tin Mừng ấy.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

đó là Lời Chúa,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Thực thi ý Chúa

Mẹ Têrêsa Calcutta đã có lần phát biểu: Tôi muốn các nữ tu của tôi luôn có nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của họ. Tôi đã cho về nhà nhiều thiếu nữ dự tu, vì họ chưa vui vẻ đủ, họ không có khả năng để cười. Khi tôi thấy các nữ tu đi làm việc mà mặt mày ủ rũ, nụ cười chưa nở trên môi, tôi liền nói với họ: "Các chị hãy về nhà ngủ một giấc, rồi sau đó mới đi làm việc, các chị quá mệt mỏi rồi".

Mẹ Têrêsa quả đã sống cho đến cùng những đòi hỏi của Tin Mừng. Mẹ đã nhiều lần quả quyết rằng công việc mà Mẹ và các nữ tu của Mẹ đang thực hiện không phải là công tác xã hội, mà thiết yếu là hành động bác ái. Hành động bác ái hay sống bác ái là sống và rao giảng Tin Mừng, mà nói đến Tin Mừng là nói đến vui tươi, hân hoan. Do đó, thật mâu thuẫn khi Tin Mừng được sống với bộ mặt ủ rũ, khi Tin Mừng được loan báo với cung giọng buồn thảm.

Tin Mừng phải được thể hiện trước tiên qua cuộc sống của người rao giảng Tin Mừng, đó là đòi hỏi cơ bản nhất mà Chúa Giêsu không ngừng nhắc nhở cho các môn đệ. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nêu bật những đòi hỏi ấy qua dụ ngôn hai ngôi nhà: ngôi nhà xây trên đá thì vững chắc, dù mưa sa bão táp cũng không thể làm lay chuyển, đó là hình ảnh người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, họ không chỉ lắng nghe lời Ngài, mà còn đem áp dụng vào cuộc sống. Ngôi nhà xây trên cát, đó là hình ảnh của những người nghe lời Chúa, nhưng không đem ra thực hành.

Tin Mừng vốn không chỉ được lắng nghe cho vui tai, mà là để được thực thi; chân lý không chỉ được hiểu biết suông, mà để được thực thi; bác ái không chỉ trên môi miệng, nhưng phải được thực thi bằng những việc làm cụ thể. Tựu trung đây cũng là sự nối dài và đòi hỏi của mầu nhiệm Nhập Thể trong đời sống đức tin. Thiên Chúa Nhập Thể làm người không chỉ là một chân lý trừu tượng, Ngài đã trở thành con người bằng xương bằng thịt; Ngài không phải là khách bàng quan đứng ngắm nhìn lịch sử nhân loại, Ngài đã nhập cuộc làm một với nhân loại, Ngài không rao giảng Thập giá như một lý thuyết suông. Ngài đã thực sự vác lấy Thập giá và đón nhận mọi khổ đau của con người. Do đó, tuyên xưng Thiên Chúa Nhập Thể làm người không phải chỉ là tuyên xưng một chân lý, mà thiết yếu là đi vào con đường Nhập Thể của Ngài.

Không thể có Kitô giáo và niềm tin Kitô mà không có dấn thân; không thể là môn đệ Chúa Kitô mà không đi lại con đường của Ngài; không thể rao giảng Tin Mừng bằng những lời nói suông; không thể sống niềm tin Kitô mà không mỗi ngày cố gắng nên hoàn thiện như Cha trên trời. Chúng ta vốn thán phục những người làm nhiều, hơn là những kẻ nói nhiều. Nói mà không làm là kẻ dối trá, nói một đàng nhưng làm một nẻo là kẻ lừa gạt. Tất cả rồi cũng qua đi, chân lý chỉ thực sự chiếu tỏ bằng cuộc sống trung thực mà thôi.

Nguyện xin Chúa gia tăng ý thức ấy nơi chúng ta. Xin cho niềm tin chúng ta tuyên xưng trên môi miệng được diễn đạt một cách sống động qua cuộc sống mỗi ngày. Xin cho đức ái luôn chiếu tỏa bằng những hành động cụ thể, để mọi người nhận biết chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Những người không thực hành đạo

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt. 7, 21)

Để xứng đáng là một Kitô hữu đích thực, tin vào những điều Hội thánh dạy, không đủ. Đọc Phúc âm, cảm mến giáo huấn của Chúa, và tâm trí, ngay cả tự thâm tâm, vẫn thiết tha trìu mến Phúc âm và lời Chúa dạy, vẫn không đủ. Phải hơn thế nữa: thực hành điều mình tin, tức là đưa đạo vào cuộc sống, đó mới là điều căn bản. Thế mà có nhiều Kitô hữu vẫn vỗ ngực nói rằng mình tin Chúa, nhưng họ lại không sống đạo như vậy. Họ là những người không thực hành đạo.

Những người giữ đạo ngày Chủ nhật

Khi chúng tôi nói những người không sống đạo, chúng tôi nghĩ ngay đến những người không đi lễ ngày chủ nhật. Cách họ giữ đạo như vậy, rõ ràng là có vấn đè. Quả là điều bất thường, khi đã đi theo một Giáo hội, mà lại không hề tham dự một buổi hội họp nào của Giáo hội ấy. Nhưng trong số những người không đi lễ ngày chủ nhật này, còn có nhiều người vẫn thực hành đạo trong đời sống, và thực hành tốt. Họ yêu mến những người thân cận. Họ vẫn cầu nguyện Chúa; khi phải lựa chọn việc phải làm, thái độ phải cư xử, họ thường lấy Phúc âm để soi sáng cho những lựa chọn của mình, và đôi khi họ làm còn nhiều hơn và tốt hơn cả những người vốn thấy có mặt đều đặn ở nhà thờ.

Còn những người khác

Những người đến nhà thờ ngày chủ nhật, người ta gọi họ là những người còn giữ đạo. Đúng. Nhưng điều đáng nói ở đây là họ chỉ tới để dự lễ mà thôi. Chỉ có thế thôi. Ở bên ngoài nhà thờ, họ cũng chỉ hoàn toàn là những người không sống đạo vậy.

Những Kitô hữu đi lễ ngày chủ nhật mà không thực hành Phúc âm thì cùng chính là những người không sống đạo mà còn tệ hơn. Mỗi ngày chủ nhật, họ có kêu cầu Chúa “Lạy Chúa, lạy Chúa”, cũng sẽ vô ích thôi. Chúa sẽ không nhân từ với họ. Người sẽ nói với chính họ rằng: “Ta không hề biết các ngươi. Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!”.

Chúng ta vẫn thường đi lễ. Tốt lắm. Nhưng ta có phải là những người sống đạo thực sự không?

 

SUY NIỆM 4: NGƯỜI KHÔN XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ (Mt 7, 21-29)

Xem lại CN 9 TN A, thứ Năm tuần 1 MV.

Gần cầu Bình Triệu, quận Thủ Đức – Sài gòn, nơi ven sông có một căn nhà biệt thự rất đẹp. Người người nhìn thấy đã trầm trồ, khen ngợi công trình tuyệt mỹ này. Hai tháng sau, người dân thấy lạ kỳ đến ngỡ ngàng vì không còn thấy nó đâu nữa! Hóa ra, trong hai tháng vừa qua, căn nhà mà người ta đã từng thích thú, giờ đây, nó đã bị nước cuốn trôi ra xa bờ khoảng 15m. Phải chăng ngôi nhà này móng không vững, hay ở dưới đã có dòng nước xoáy ngầm lớn làm cho đất bị sụt?

Hôm nay, Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người xây nhà. Nếu người xây nhà khôn ngoan, kinh nghiệm thì sẽ xây nhà mình trên nền đá, còn nếu thiếu khôn ngoan và hiểu biết thì sẽ xây nhà trên những thứ tạm bợ. Tiếp theo, Ngài đưa ra hình ảnh của những trận mưa lớn và nước dâng. Hậu quả là những ai xây nhà trên nền đá sẽ vững vàng, còn xây trên cát sẽ sụp đổ tan tành.

Hình ảnh của người xây nhà trên đá chính là hình ảnh của những người trung thành với giáo huấn của Chúa và tuân theo. Họ gắn bó ngôi nhà cuộc đời của họ trên nền tảng Lời Chúa, gắn bó trong Chúa, nên không có gì và không ai có thể phá đổ được họ.

Còn hình ảnh những người xây nhà trên cát, chính là những người làm việc đạo đức vì hình thức, chiếu lệ, chứ không dựa trên nền tảng Lời Chúa, vì thế họ là những người thất bại tan tành. Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận cũng nói về những hạng người giả hình này như sau: "Ðường Hy vọng dài thăm thẳm, Con đừng làm ‘Thánh lâm thời’: Phong ba dồn dập, nước sơn sẽ phai nhạt và tượng thánh sẽ hiện hình quỷ" (ÐHV. 44).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết gắn bó cuộc đời của mình trên nền tảng Lời Chúa chứ không phải thuần túy qua công việc của Chúa. Như thế, chúng con sẽ đứng vững ngay cả khi thử thách dồn dập đến với chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

SUY NIỆM:

Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trình bày cho chúng ta một khuynh hướng lệch lạc trong việc giữ Luật. Việc giữ Luật của chúng ta đôi khi chỉ có ở bên ngoài mà thôi, chỉ có hình thức mà thôi, làm vì bị buộc và để lương tâm và người khác không chê trách, hoặc chỉ dừng lại ở mức độ thưởng-phạt hay vị lợi, chứ không phát xuất từ lòng biết ơn và tình yêu con thảo đối với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta, Đấng đã ban cho chúng ta biết bao ơn lành, ngang qua từng ngày sống.

Chính vì thế mà Đức Giê-su nói : « Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời cả đâu! » Và Ngài cũng nói, có những người danh Ngài mà nói tiên tri, nhân danh Ngài mà trừ quỉ, thậm chí nhân danh Ngài mà làm phép lạ ; nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, còn trong lòng và trong cách sống với người khác, lại tăm tối và gian ác. Với những cách sống theo vẻ bề ngoài như thế, Chúa nhấn mạnh :

Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy
là Đấng ngự trên trời,
mới được vào (Nước Trời) mà thôi. 
(c. 21)

Ở đây Đức Giê-su không nói thi hành « Lề Luật », nhưng là thi hành « ý muốn của Cha Thầy », và cũng là Cha của chúng ta. Thế mà, ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện nơi Lề Luật, và ngang qua Lề Luật, ý muốn của Chúa Cha liên quan đến nguồn gốc, nền tảng và cùng đích của Lề Luật, vì ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến con tim và lòng mến của chúng ta ; và ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến lựa chọn ơn gọi của chúng ta, đến mọi hành vi, lời nói và tâm tình của chúng ta, ở mọi nơi mọi lúc. Và gương mẫu tuyệt vời nhất của chúng ta là chính Chúa Giê-su, bởi vì Ngài đã sống với Chúa Chúa bằng tình yêu con thảo cách trọn vẹn và cho đến cùng.\

1. Đức Ki-tô và Lề Luật

Chính vì thế, trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su đặc biệt mời gọi chúng ta « kiện toàn Lề Luật » bằng cách sống Lời của Người. Chúng ta chỉ hiểu được tầm mức của những lời này của Đức Giêsu, nếu đặt vào bối cảnh. Đó là những lời được công bố từ trên núi, cho các môn đệ và cho cả đám đông nữa (x. Mt 5, 1; 7, 28). Và vì lời của Ngài đối diện trực tiếp với những điều luật của Mười Điều Răn (x. Xh 20; Đnl 5), chúng ta không thể không so sánh bối cảnh của Bài Giảng Trên Núi và bối cảnh của Mười Điều Răn.

  • Đức Giêsu đã vượt qua mọi giới hạn có trước, nghĩa là trước đó, người ta chỉ giải thích Luật Mô-sê; ở đây, Ngài đặt chính mình vào chỗ mà từ đó Mô-sê đã lên tiếng công bố Mười Điều Răn.
  • Điều này vẫn chưa là mới tuyệt đối, vì Mô-sê ban luật nhân danh Đức Chúa, còn Đức Giê-su ban luật mới nhân danh chính ngôi vị của mình. Trong những lời này, Đức Giêsu đặt chủ thể của mình vào chủ thể của Đấng ban Lề Luật ở núi Sinai. Từ núi này đến núi kia, biến cố mà Đức Giêsu tạo ra thật là lớn lao.
  • Ngoài ra, núi Sinai còn là nơi dành cho sự hiện diện của Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Israel[1], bởi lẽ Lề Luật sẽ là gì nếu không có sự Hiện Diện? Con rắn làm cho con người chỉ nhớ tới luật, mà quên đi Đấng Ban Luật, vốn là Đấng đã ban biết bao nhiêu ân huệ trước khi ban luật (x. St 3, 1-7).

Có rất nhiều những giải thích lời giảng dạy của Đức Giêsu, nhưng thường bỏ quên sự hiện diện, ngôi vị của ngài, Đấng đến để phục vụ cho sự sống con người bằng “tình yêu đến cùng”. Người nghe được mời gọi hiểu biết, cảm mến, đi vào tương quan thiết thân với Ngài, thì mới có thể mở trí mở lòng ra đón nhận những lời lạ lùng này của Ngài.

*  *  *

Trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5, 17-48), để giải thích cách Ngài hoàn tất Lề Luật, Đức Giêsu đặt mình đối diện với 10 Điều Răn, vốn là trung tâm của toàn bộ Lề Luật. Thật vậy, Người dùng tới năm lần công thức sau đây :

« Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng…
Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em… »

(c. 21, 27, 33, 38 và 43)

  • Lần thứ nhất về luật chớ giết người, liên quan đến vấn đề sự sống.
  • Lần thứ hai, luật chớ ngoại tình, liên quan đến vấn đề hôn nhân và gia đình.
  • Lần thứ ba, chớ bội thề, liên quan đến vấn đề lời nói.
  • Lần thứ tư, luật ngang bằng, nghĩa là luật « mắt đền mắt, răng đền răng », liên quan đến vấn đề “kẻ dữ” luôn có mặt trong cuộc sống của loài người.
  • Và lần thứ năm liên quan đến luật « yêu đồng loại và ghét kẻ thù »; đó nội dung của bài Tin Mừng mà Giáo Hội đề nghị đọc trong Thánh Lễ Tân Niên. Điều luật này đụng chạm đến tương quan giữa các nhóm hay giữa các cộng động thù nghịch.

Những minh họa mà Đức Giê-su đưa ra, chỉ đề cập đến năm điều luật, trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng là những điều luật liên quan đến những vấn đề thiết yếu của sự sống con người, nghĩa là đến sự duy trì và phát triển của sự sống. Và trường hợp thứ năm là điểm tới và là đỉnh cao không chỉ của các minh họa, những của cả toàn bộ Lề Luật được Đức Ki-tô hoàn tất. Bởi vì, tình yêu, dù được giả định cách tất yếu nhưng vẫn còn ẩn dấu ở những minh họa trước đó. Nhưng ở đây với minh họa thứ năm, tình yêu được nêu ra một cách minh nhiên và có nền tảng nơi chính cách ứng xử của Cha Trên Trời.

Lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Luật Lề khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”. Do đó, hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

Theo Người, hoàn tất không phải là bổ túc thêm, làm cho hoàn chỉnh luật đã có, cũng không phải đưa ra một bộ luật mới đòi hỏi tận căn hơn, nhưng là đẩy luật đi đến cùng đích của nó và để đi đến cùng, phải khởi đi từ đầu. Hoàn tất lề luật theo Đức Kitô là một chuyển động của Thần Khí vượt qua Lề Luật, từ khởi đầu đến cùng đích. Khởi đầu và cùng đích luôn là ơn huệ và tình yêu của Thiên Chúa.

2. Ý muốn của Chúa Cha

Như thế, để được vào Nước Trời, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta thi hành « ý muốn của Chúa Cha ». Nhưng ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa. Lề Luật, thì chúng ta có thể đọc được trong sách hay trong kinh, nhưng ý muốn của Chúa Cha thì không thấy ghi ở đâu hết, nhất là khi chúng ta muốn biết ý Chúa trong những hoàn cảnh éo le riêng của mình, trong trường hợp riêng của mình, trong những vấn đề riêng tư và tế nhị của mình, trong những khó khăn phức tạp của mình.

Đi tìm ý Chúa cho chính mình, cho ơn gọi của mình hay trong một hoàn cảnh đặc biệt, luôn luôn là một hành trình khó khăn. Và dường như Chúa thích để như thế, Chúa thích chúng ta đoán ra ý Chúa, thay vì để cho Chúa phải nói thẳng ra. Giống như đối với cha mẹ : khi chúng ta còn bé, cha mẹ ra lệnh cho chúng ta ; nhưng khi chúng ta lớn rồi, cha mẹ sẽ rất vui, nếu chúng ta tự mình làm vui lòng cha mẹ, tự mình khám phá ra ý thích của cha mẹ.

Và trong tình bạn và tình yêu cũng vậy, đoán ra ý nhau, mới thực sự là tình bạn, tình yêu và mang lại cho nhau niềm vui, thay vì cái gì cũng phải nói thẳng ra. Chúa cũng vậy, Chúa cũng sẽ vui thích khi chúng ta tìm kiếm và đoán ra ý Chúa với lòng mến.

 3. Lời của Đức Giê-su

Vì thế, trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa, lòng mến Chúa và lòng ước ao làm đẹp lòng Chúa là quan trọng nhất. Và lòng mến Chúa lại cần được diễn tả ra bên ngoài bằng đời sống cầu nguyện và việc siêng năng tham dự các bí tích.

Và chính trong cầu nguyện và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, mà chúng ta nhận được nền tảng vững chắc cho nỗ lực tìm kiếm ý Chúa Cha : đó là Lời của Đức Giê-su. Như chính Chúa nói trong bài Tin Mừng :

Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành,
thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 
(c. 24)

Vì thế, nếu chúng ta không nghe và sống Lời Chúa, sự sống của chúng ta sẽ trở nên chết chóc và sụp đổ tan tành, chết chóc và sụp đổ tan tành ngay ở đời này, không chỉ ở mức độ cá nhân, nhưng ở mức độ « căn nhà », nghĩa là cả « gia đình ». Như Đức Giê-su nói : « Người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành » (c. 27). Xin cho chúng ta nhận ra sự ngu dại của chúng ta, bởi vì chúng ta thường hay xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên cát. Trên cát, có nghĩa là không phải trên Lời Chúa là đá tảng, nhưng trên những gì là chóng qua, là phù vân.

Xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên Lời Chúa, sẽ bảo vệ, duy trì và phát triển sự sống, không chỉ sự sống mai sau, nhưng ngay sự sống này. Đó chính là ý muốn của Chúa Cha.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Nếu khác đi, Luật sẽ không là gì cả. “Này đây, Đức Chúa đã nói với anh em mặt đối mặt, trên núi, từ trong đám lửa”, Môsê nói (Đnl 5, 4). Và dân chúng đáp lại: “Này Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi, đã cho chúng tôi thấy Người thật vinh quang và vĩ đại, và chúng tôi đã nghe tiếng của Người từ trong đám lửa.” (Đnl 5, 24).

 

Người khôn xây nhà mình trên đá – SN song ngữ 25.6.2020

 

Thursday (June 25):  “The wise who built their house upon the rock”

Scripture:  Matthew 7:21-29

21 “Not every one who says to me, `Lord, Lord,’ shall enter the kingdom of heaven, but he who does the will of my Father who is in heaven.  22 On that day many will say to me, `Lord, Lord, did we not prophesy in your name, and cast out demons in your name, and do many mighty works  in your name?’ 23 And then will I declare to them, `I never knew you; depart from me, you evildoers.’  24 “Every one then who hears these words of mine and does them will be like a wise man who built his house upon the rock;  25 and the rain fell, and the floods came, and the winds blew and beat upon that house, but it did not fall, because it had been founded on the rock.  26 And every one who hears these words of mine and does not do them will be like a foolish man who built his house upon the sand; 27 and the rain fell, and the floods came, and the winds blew and beat against that house, and it fell, and great was the fall of it.” 28 And when Jesus finished these sayings, the crowds were astonished at his teaching, 29 for he taught them as one who had authority, and not as their scribes.

 

Thứ Năm     25-6    Người khôn xây nhà mình trên đá

Mt 7,21-29

 21 “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? “23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.28 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người,29 vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ.

Meditation:

 If you could foresee a threat to your life and the loss of your home and goods, wouldn’t you take the necessary precautions to avoid such a disaster? Jesus’ story of being swept away by flood waters and wind storms must have caught the attention of his audience who knew that terrific storms did occasionally sweep through their dry arid land without any warning signs. When Jesus described the builders who were unprepared for such a life-threatening storm, he likely had the following proverb in mind: When the storm has swept by, the wicked are gone, but the righteous stand firm forever (Proverbs 10:25).

The only foundation that can keep us safe 

What’s the significance of the story for us? The kind of foundation we build our lives upon will determine whether we can survive the storms and trials of life that are sure to come. Builders usually lay their foundations when the weather and soil conditions are at their best. It takes foresight to know how a foundation will stand up against adverse conditions. Building a house on a floodplain, such as a dry river-bed, is a sure bet for disaster! Jesus prefaced his story with a warning: We may fool one another with our words, but God cannot be deceived. He sees the heart as it truly is – with its motives, intentions, desires, and choices (Psalm 139:2).

 

There is only one way in which a person’s sincerity can be proved, and that is by one’s practice. Fine words can never replace good deeds. Our character is revealed in the choices we make, especially when we must choose between what is true and false, good and evil. Do you cheat on an exam or on your income taxes, especially when it will cost you? Do you lie, or cover-up, when disclosing the truth will cause you pain or embarrassment? A true person is honest and reliable before God, neighbour, and oneself. Such a person’s word can be taken as trustworthy.

 

Christ is the only rock that can save us 

What can keep us from falsehood and spiritual disaster? If we make the Lord Jesus and his word the rock and foundation of our lives, then nothing can shake us nor keep us from God’s presence and protection. Are the Lord Jesus and his word the one sure foundation of your life?

 

“Lord Jesus, you are the only foundation that can hold us up when trials and disaster threaten us. Give me the wisdom, foresight, and strength of character I need to do what is right and good and to reject whatever is false and contrary to your will. May I be a doer of your word and not a hearer only.”

Suy niệm:

Nếu bạn có thể tiên đoán một đe doạ đến với cuộc đời mình và sự mất mát nhà cửa và của cải, chẳng phải bạn sẽ tiếp nhận những cảnh báo cần thiết để tránh được một tai hoạ như thế sao? Câu chuyện của Đức Giêsu về nước lũ và bão tố càng quét chắc hẳn gây sự chú ý cho thính giả của Người, họ biết rằng những bão táp kinh sợ đôi lúc đã càng quét ngang qua vùng đất khô ráo của mình mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Khi Đức Giêsu nói về người xây nhà thiếu chuẩn bị cho cơn bão đe dọa đến tính mạng như thế, dường như Người đang nghĩ đến câu châm ngôn: Cuồng phong thổi qua, ác nhân đâu còn nữa, nhưng người ngay chính vẫn bền vững ngàn năm (Cn 10,25).

Nền tảng duy nhất giữ chúng ta an toàn

Ý nghĩa của câu chuyện đối với chúng ta là gì? Thứ nền tảng chúng ta xây dựng cuộc đời mình trên đó sẽ xác định được chúng ta có thể tồn tại sau cơn giông tố hay không. Những người xây cất thường đặt nền móng của mình khi những điều kiện về thời tiết và đất đai tốt nhất. Nó đòi hỏi sự tiên liệu để biết rõ nền móng sẽ đứng vững thế nào trước những điều kiện bất lợi xảy đến. Xây nhà trên một miếng ruộng, cũng giống như một lòng sông khô cạn, chắc chắn sẽ đưa đến tai họa! Đức Giêsu mở đầu câu chuyện của Người với lời cảnh báo: Chúng ta có thể lừa dối con người, nhưng chúng ta không thể lừa dối Thiên Chúa. Người thấy rõ lòng người với mọi ý định, ước muốn, và chọn lựa (Tv 139,2).

Chỉ có một cách duy nhất mà tính thành thật của một người được minh chứng, đó là sự thực hành. Những lời nói hoa mỹ không bao giờ có thể thay thế được những việc làm tốt đẹp. Bản tính của chúng ta được tỏ hiện qua những chọn lựa của mình, đặc biệt khi chúng ta phải chọn giữa những gì là thật hay giả, và tốt hay xấu. Bạn có gian lận trong kỳ thi hay trong việc đóng thuế, đặc biệt khi nó đòi buộc bạn không? Bạn có nói láo, hay che giấu, khi việc phơi bày sự thật sẽ làm cho bạn thiệt thòi hay xấu hổ không? Một người chân thật thì thật thà với Thiên Chúa, với bản thân, và với tha nhân. Lời nói của người như thế thì đáng tin cậy.

ĐK là tảng đá duy nhất cứu chúng ta

Điều gì có thể giữ chúng ta khỏi sự sai lầm và tai họa thiêng liêng? Nếu chúng ta lấy Chúa và lời Người làm đá tảng cho cuộc đời mình, thì không có gì có thể lay chuyển chúng ta hay ngăn cản chúng ta khỏi sự hiện diện và trợ giúp của Thiên Chúa. Thiên Chúa và lời của Người có phải là nền tảng bảo đảm cho cuộc đời bạn không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là nền tảng duy nhất có thể giúp chúng con đứng vững khi những thử thách và tai họa đe dọa chúng con. Xin Chúa ban cho con sự khôn ngoan và sức mạnh để sống theo sự thật của Chúa, và chống trả lại đường lối giả dối. Ước gì con người biết thực thi lời Người, chứ không chỉ là người nghe mà thôi.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây