Thứ sáu tuần 18 thường niên.

Thứ năm - 06/08/2020 08:37

Thứ sáu tuần 18 thường niên.

"Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình".

 

Lời Chúa: Mt 16, 24-28

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?

"Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Từ bỏ chính mình

Suy niệm:

Con đường của người môn đệ Thầy Giêsu là con đường không êm ả.

Ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần đầu về số phận sắp đến của mình,

Ngài đã nói đến số phận của các môn đệ (cc. 24-28).

Họ được mời chia sẻ cùng một thân phận với Thầy và như Thầy.

Thầy trò sẽ phải đi qua con đường hẹp, con đường của khổ đau và cái chết.

Nhưng cuối cùng con đường ấy dẫn đến phục sinh (Mt 16, 21).

Phục sinh, sự sống, niềm vui, sẽ chiến thắng.

Chiến thắng ấy chỉ mua được bằng khổ đau và cái chết tự nguyện.

Như thế điều kiện để giữ được sự sống đời sau là dám mất sự sống đời này.

Đây thật là một liều lĩnh của đức tin,

vì nếu không thực sự tin vào đời sau, thì chẳng ai muốn thả mồi bắt bóng.

Cuộc đời này có nhiều điều chân thiện mỹ, có nhiều giá trị đáng trân trọng.

Nhưng lắm khi cũng phải hy sinh chúng cho những giá trị lớn hơn,

cho Đấng là Chân Thiện Mỹ viết hoa, là Giá Trị của mọi giá trị.

Cái tôi của tôi là một giá trị lớn, là quà tặng độc đáo Chúa ban cho tôi.

Chẳng có hai cái tôi giống nhau dưới mắt Chúa.

Cùng với cái tôi, Chúa ban cho tôi tự do, lý trí, trái tim, thân xác…

Chúa còn ban cho tôi vũ trụ vật chất với bao tài nguyên để tôi sống nhờ,

và cả một thế giới với bao cái tôi khác, để tôi sống với như anh em.

Cái tôi là món quà quý nhất Chúa ban cho tôi.

Cái tôi cũng là món quà quý nhất tôi có thể dâng lại cho Chúa.

Nhiều tôn giáo nói đến từ bỏ cái tôi, phá chấp ngã.

Đức Giêsu cũng mời bất cứ ai muốn bước theo Ngài phải từ bỏ chính mình,

không phải vì cái tôi của mình là xấu xa, đáng ghét,

nhưng chỉ vì nó chỉ là thụ tạo trước mặt Đấng Tạo Hóa đã dựng nên nó.

Từ bỏ chính mình là đặt mình ở dưới Thiên Chúa, không coi mình là trung tâm,

và để cái tôi của mình trọn vẹn tùy thuộc vào ý muốn của Ngài.

Thầy Giêsu đã sống từ bỏ mình như vậy trong suốt cuộc đời trần thế.

Ngài luôn sống như một người con thảo, một người được Cha sai.

Lạ thay, chính lúc từ bỏ mình, múc cạn chính mình, hủy mình ra không,

thì Ngài lại được phục hồi chính mình và được siêu tôn trên mọi sự (Pl 2, 9).

Trong Kitô giáo, cái tôi được thanh luyện, nhưng không bị loại bỏ.

Cái tôi ấy cũng không bị Thiên Chúa nuốt chửng hay hòa tan.

“Ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (c. 25).

 Như thế từ bỏ mình là cách duy nhất để giữ mình cho toàn vẹn.

Chẳng thể nào yêu mến và phục vụ lại không gắn liền với việc từ bỏ mình.

Có khi từ bỏ một định kiến hay tự ái, một quyền lợi hay ảnh hưởng riêng,

cũng khó như một hy sinh mạng sống.

Vác thập giá của mình là vác gánh nặng của bổn phận mỗi ngày,

vác yếu đuối của người anh em mỗi ngày, vác cuộc đời mình mỗi ngày.

Thầy Giêsu đòi chúng ta vác thập giá của mình mà theo Thầy cho đến chết.

Vì Thầy là Con Thiên Chúa, vì Thầy đã lấy lại được sự sống,

nên chúng ta tin tưởng vác thập giá bước đi sau Thầy.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

trước khi con tìm Chúa, Chúa đã đi tìm con.

Trước khi con thấy Chúa, Chúa đã nhìn thấy con.

Trước khi con theo Chúa, Chúa đã đi theo con.

Trước khi con yêu Chúa, Chúa đã mến yêu con.

Trước khi con thuộc về Chúa, Chúa đã thuộc về con.

Trước khi con phụng sự Chúa, Chúa đã phục vụ con.

Trước khi con từ bỏ mình vì Chúa, Chúa đã nộp mình vì con.

Trước khi con sống và chết cho Chúa, Chúa đã sống và chết cho con.

Trước khi con đặt Chúa lên trên hết,

Chúa đã coi con là hạnh phúc tuyệt vời của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con,

Chúa luôn đi trước con.

Chúa làm trước khi Chúa dạy.

Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con

đều chỉ vì lợi ích vĩnh cửu của con mà thôi.

Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa

với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

SUY NIỆM 2: ĐƯỢC VÀ MẤT

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ai cũng muốn được. Không ai chịu mất. Nhưng thế nào là được và thế nào là mất thì không phải ai cũng hiểu. Nhất là vì con người có hai đời sống. Đời này và đời sau. Trong hai đời sống hai cách được và mất khác nhau. Được ở trần gian là thực tế trước mắt nên nhiều người tìm kiếm. Được ở Nước Trời xa vời nên nhiều người không thấy. Tuy nhiên được ở trần gian mau qua như trần gian. Được trên Nước Trời là vĩnh viễn. Được ở trần gian không bao giờ thoả mãn. Được trên Nước Trời là hạnh phúc trọn vẹn. Khác biệt lớn lao và khó khăn nhất là cách chiếm đoạt rất khác nhau. Được ở trần gian do vun quén cho bản thân. Được trên Nước Trời lại thủ đắc bằng từ bỏ hết những gì ở trần gian, kể cả bản thân và mạng sống mình. Như lời Chúa phán: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Cái được ở trên Nước Trời là sự sống vĩnh cửu, dù cả trần gian cũng không so sánh được. “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình”? chính Chúa mới là Chúa Tể trời đất, có quyền xét xử định đoạt số phận chúng ta. Trần gian chỉ chiếm được đời này. Phải bó tay trước đời sau. Thiên Chúa làm chủ cả đời này lẫn đời sau. Ai bỏ Chúa theo trần gian chỉ được một chút đời này. Ai bỏ trần gian mà theo Chúa chỉ bị thiệt thòi một chút đời này. Nhưng sẽ được đời sau vô cùng phong phú sung mãn không gì sánh được. Thiên Chúa làm chủ. Điều đó được chứng tỏ qua dòng lịch sử.

Thời Mô-sê Thiên Chúa đã cứu người Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai cập. Ít-ra-en đang nô lệ bỗng thành tự do. Đang tản mát bỗng thành một dân tộc. Đang bơ vơ bỗng được đất chảy sữa và mật. Đang yếu ớt bỗng chiến thắng quân đội Ai cập hùng mạnh nhất thế giới thời ấy. Đó chính là vì Chúa là Thiên Chúa của họ (năm lẻ).

Ít-ra-en phản bội nên bị Chúa phạt. Phải làm nô lệ cho Ni-ni-vê. Nhưng rồi đến ngày Chúa phục hồi dân Chúa. “Phải, đức Chúa khiến cho Gia-cóp và Ít-ra-en lấy lại sức kiêu hùng”. Ngài cho Ni-ni-vê hùng mạnh một thời gian. Rồi trừng phạt vì họ không tuân hành thánh ý. “Bấy giờ, hễ ai nhìn thấy ngươi cũng đều phải tránh xa và nói: “Ni-ni-vê đã bị phá tan hoang!” Ai còn cảm thương nó? Ta tìm đâu cho ngươi những người an ủi”? (năm chẵn).

Hôm nay Chúa mời gọi tôi. Hãy khôn ngoan đừng khờ dại. Hãy biết chọn Thiên Chúa chứ đừng chọn thế gian. Hãy biết bỏ đời này để được đời sau. Được chính Chúa. Là hạnh phúc muôn đời.

 

SUY NIỆM 3: Giá Trị Của Khổ Ðau

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm môn đệ Ngài: từ bỏ mình, vác Thập giá, và đi theo Chúa Giêsu. Cả ba kiểu nói đều đồng nghĩa với nhau, và đều nói lên cái cốt yếu của đời sống Kitô hữu, đó là đón nhận đau khổ như chính Chúa Giêsu đã đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết dành cho Ngài.

Chúa Giêsu đã đưa ra những điều kiện trên đây liền sau khi Ngài loan báo về cuộc tử nạn của Ngài: Ngài sẽ bị đau khổ và bị treo trên Thập giá. Thập giá vốn là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả vì cuộc sống và giáo lý của Ngài. Như vậy tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải trải qua con đường Thập giá ấy. Thật ra, đau khổ vốn là phần số chung của mọi người: đã mang tiếng khóc vào đời là mang lấy cả thân phận khổ đau, có khác chăng là thái độ của con người trước đau khổ mà thôi.

Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của khổ đau, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận khổ đau; chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.

Bức tượng Mẹ Maria bồng xác Chúa Giêsu trên tay, do danh họa Michel-Angelo thực hiện và hiện được đặt tại Ðền thờ thánh Phêrô ở Rôma, là một trong những kiệt tác về sự đau khổ. Mẹ Maria ôm xác Chúa Giêsu trong vòng tay Mẹ, không gì buồn thảm bằng; thế nhưng đó cũng là một trong những kiệt tác về yêu thương. Tất cả đều tùy thuộc thái độ của con người trước khổ đau. Con người có thể trốn chạy khổ đau, con người có thể suốt một đời phàn nàn về khổ đau. Nhưng con người cũng có thể biến khổ đau thành một hành động yêu thương; đó là thái độ của Chúa Giêsu và cũng phải là thái độ của tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài.

Nơi nào có Thập giá, nơi đó có Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện yêu thương của Ngài ngay trong khổ đau, để giữa những giờ phút tăm tối và thử thách, chúng ta vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Cần Phải Yêu Tôi

Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? hoặc người ta lấy gì mà đổi mạng sống mình? (Mt. 16, 24-26)

Đây là vấn đề lớn được Đức Kitô nói với mỗi người chúng ta! Bạn có yêu tôi không? Bạn có yêu tôi hơn những người kia không? tình yêu của bạn đối với tôi tới mức nào? bạn yêu tôi thì hiến trọn vẹn tình yêu của bạn, ai yêu như thế thì không còn là mình nữa, nhưng hoàn toàn là người mình yêu!

Yêu…

Bạn thấy không: Đức Kitô yêu chúng ta trọn vẹn. Người hiến thân trọn vẹn cho chúng ta và hỏi chúng ta có yêu Người trọn vẹn không? chúng ta hãy hiến dâng mình để sống được cảm nghiệm được tình yêu biết yêu mến độc nhất ấy! Hãy hỏi mình xem đã yêu bao nhiêu. Có giống Người không? có yêu đến cực điểm của con người mình không? có như Người yêu chúng ta đến giọt máu cuối cùng không?

Không phải chúng ta đã làm Đức Kitô chết, nhưng chính Người đã tự hiến mạng sống Người cho mỗi người chúng ta. Và Người có quyền hỏi chúng ta bằng câu cốt yếu độc nhất này: bạn có yêu tôi không?

Dù ở hoàn cảnh nào, nghề nghiệp nào, Đức Giêsu đều hỏi: bạn có yêu tôi không?

Không có thể so sánh với người khác. Đây là câu hỏi cho chính bản thân mình, mỗi cá nhân hãy tự hỏi và tự trả lời một cách tự do, một câu trả lời hợp với khả năng yêu mến của mình.

Ngày nay.

Phải nói rằng Thiên Chúa gần chúng ta một cách kỳ lạ, hằng ngày trong đời sống chúng ta, kích thích từng tiếng nói của chúng ta để lời Ngài 2000 năm được hiện tại hóa vào nếp sống con người chúng ta ngày nay.

Tình yêu không biên giới, không già, khắc phục mọi xa cách không gian và thời gian!

“Thiên Chúa của tôi nói với tôi,

Con ơi! cần phải yêu Cha…” (Verlaine)

J.M

 

SUY NIỆM 5: TỪ BỎ MÌNH ĐỂ ĐI THEO CHÚA (Mt 16, 24-28)

Xem lại CN 22 TN A.

Ngày nay, khi đi phỏng vấn để xin việc, người ta thường đòi hỏi những điều kiện về sức khỏe và chuyên môn, đồng thời tùy một số công việc đặc thù, cần phải có sự thỏa thuận cụ thể hơn. Cũng vậy, khi được gọi để trở thành môn đệ, Đức Giêsu cũng đòi hỏi người môn sinh phải hội đủ những điều kiện cần thiết để chu toàn bổn phận của người thừa sai, hầu những ai được gọi và chọn thì đều cảm thấy hạnh phúc khi thi hành sứ vụ của người sai đi.

Hôm nay, bài Tin Mừng kể lại việc Đức Giêsu đòi hỏi những người Ngài muốn gọi và chọn để ra đi thi hành sứ vụ cần phải “từ bỏ mình và vác thập giá theo Ngài”.

Thoạt nghe, chúng ta cảm thấy buồn cười và có sự mâu thuẫn! Tuy nhiên, nhìn dưới khía cạnh của Kinh Thánh, thì sự đòi hỏi này của Đức Giêsu mang tính tự do cho người đón nhận chứ không phải vì ép buộc. Tức là tự nguyện từ bỏ một cuộc sống dễ dãi, an nhàn, hay ăn trên ngồi trước, để lựa chọn một cuộc sống thiếu thốn, khổ hạnh vì ích lợi và niềm vui của kẻ khác.

Từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo, tức là chấp nhận đi trên con đường mà chính Đức Giêsu đã đi. Con đường đó là một con đường hẹp. Con đường của hy sinh, thiệt thòi. Con đường của tự hủy. Con đường khiêm tốn và là con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha hoàn toàn.

Thật vậy, từ bỏ chính mình quả là điều khó nhất, bởi vì: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (Đường Hy Vọng, số 3). Nhưng nhiều người lại có suy nghĩ là: bỏ tất cả, nhưng từ bỏ mình thì nhất quyết không, bởi vì họ từ bỏ cái tôi thì phải chăng họ không còn là họ nữa!

Tuy nhiên trong hoàn cảnh này, Đức Giêsu muốn các môn đệ ra khỏi sự ích kỷ, tự phụ, kiêu ngạo, để ý Chúa rợp bóng trên cái tôi của mình, và chính từ đó, tôi được trở thành tôi đúng nghĩa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết an vui khi chọn Chúa làm gia nghiệp. Xin cũng cho chúng con được từ bỏ mọi sự, vác thập giá để theo Chúa trên con đường cứu độ mà Chúa muốn chúng con thi hành. Amen.

Ngọc Biển SSP

HY SINH MẠNG SỐNG VÌ THẦY SẼ SỐNG, Nk 2:1,15; 2,2; 3,1-3.6-7; Mt 16:24-28

“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”

Một người du lịch kia đi leo núi và bị lạc khỏi đoàn bởi bão tuyết. Sau nhiều ngày anh ta bị lạnh, đói mệt sắp chết. Tuyệt vọng và đang định bỏ cuộc, từ đàng xa anh chợt thấy một con chó đang vùng vẫy trong vô vọng giữa đống tuyết. Anh đứng dậy, cố gắng di chuyển về phía con chó. Đến được chỗ con chó, anh ôm nó và rồi từ từ thiếp đi. Tỉnh dậy, anh thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Bác sĩ cho biết, một đội cứu hộ đã tìm thấy anh và con chó. Cả hai được cứu sống. Sở dĩ anh có thể sống sót là nhờ anh đã cố gắng đi đến để cứu con chó. Khi anh làm như vậy, cơ thể anh sẽ trở nên ấm hơn và nhờ đó anh đã thoát chết và con chó cũng được sống.

Sống tinh thần hy sinh chính là hơi ấm giữ cho xã hội hạnh phúc và con người sống cách nhân văn, đầy tình yêu, sống có ý nghĩa ở đời này và có được sự sống đời sau. Việc cha mẹ hy sinh vì con cái sẽ làm cho chúng yêu mến họ và gia đình. Tình yêu này làm cho họ không cảm thấy mệt mỏi, trái lại họ càng thấy yêu đời, bình an và đầy hy vọng. Vì đức tin, Thánh tử đạo Maximiliano Kolbe đã chẳng hề sợ hãi khi được chết thay cho một người bạn tù và Thiên Chúa đã đón nhận linh hồn ngài.

Như Đức Kitô đã chịu chết cho nhân loại và Thiên Chúa đã siêu tôn người, xin cho chúng ta đừng ngại sống tinh thần hy sinh vì tha nhân, đừng sợ thiệt thòi, mất mát nhưng luôn xác tín vào Chúa vì ai dám hy sinh mạng sống mình vì Chúa thì sẽ được sự sống muôn đời.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây