Thứ sáu tuần 5 Mùa Chay.

Thứ năm - 11/04/2019 09:06

Thứ sáu tuần 5 Mùa Chay.

"Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ".

 

Lời Chúa: Ga 10, 31-42

Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: "Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?"

Người Do-thái trả lời: "Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa".

Chúa Giêsu đáp lại: "Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: "Ta đã nói: các ngươi là thần"? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng "Ông nói lộng ngôn", vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha".

Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: "Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả". Và có nhiều kẻ tin Người.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Ðường chân lý

Ðây là lần thứ hai những người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu vì Người xưng mình là Con Thiên Chúa. Sự xung khắc giữa hai bên, một bên vì sự thật, bên kia vì mê muội, càng ngày càng gia tăng. Chúa Giêsu cương quyết thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người bất chấp mọi nguy hiểm, kể cả nguy cơ bị giết chết. Người Do Thái cũng nhất quyết loại trừ Chúa Giêsu vì họ cho Người phạm thượng. Cuộc đối kháng sẽ đi đến cao trào vào ngày lễ Lá khi Chúa Giêsu công khai vào thành Giêrusalem với tư cách là Ðấng Mêsia. Về phía các đối thủ của Chúa Giêsu, họ cũng lập một kế hoạch để trừ khử Người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, người Do Thái khăng khăng buộc tội Chúa Giêsu, họ cho rằng Người đã nói phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ không thèm đếm xỉa đến những việc tốt lành Chúa Giêsu đã thực hiện, cũng không thèm nghe những lời người khác làm chứng về Chúa Giêsu để xét xem Người có phải là Ðấng Mêsia hay không? Càng đối chất với Chúa Giêsu, họ càng trở nên ương ngạnh, ngoan cố. Vì tự ái và để bảo vệ tư lợi, họ không còn quan tâm đến tính cách khách quan của sự kiện, đầu óc họ bây giờ chỉ còn một ý nghĩ duy nhất chiếm ngự đó là phải khử trừ Chúa Giêsu bằng bất cứ giá nào. Sự giận dữ nung đốt lòng họ, biến họ thành những kẻ gian ác, như hình ảnh những tá điền hung dữ mà Chúa Giêsu đã mô tả trong các dụ ngôn Người giảng dạy trước đây.

Người xưa có nói: "Giận mất khôn", người Do Thái vì giận Chúa nên không còn kể gì sự khôn ngoan hay rồ dại nữa. Ðã biết bao lần Chúa Giêsu nhắc đến Chúa Cha. Người cố tình nhắc đi nhắc lại nhiều lần để mong họ thức tỉnh mà suy xét lại. Biết họ giận dữ, Người vẫn tiếp tục nói, không phải Chúa muốn chọc giận họ mà là muốn họ ăn năn sám hối và được cứu rỗi. Sứ mạng Chúa Cha đã trao phó cho Người, Người phải thi hành đến cùng. Chúa Giêsu càng thiết tha giảng dạy cho họ, họ càng tức điên lên, Chúa Giêsu càng nói họ càng tức giận và cuối cùng, không dằn được cơn giận họ đành tóm lấy Chúa Giêsu để trừng trị cho hả dạ. May thay, Chúa Giêsu đã lánh ra khỏi chỗ họ mà đi sang bên kia sông Giordan.

Khung cảnh bên kia sông Giordan lắng dịu và khách quan hơn, ở đó có nhiều người đến với Chúa Giêsu, những người này là những người thành tâm thiện chí, họ muốn tìm ra sự thật về vị Thầy Giêsu mà dân chúng xôn xao bàn tán bấy lâu. Dư luận nói tốt về Người cũng có, mà dư luận nói xấu về Người cũng chẳng thiếu, họ bình tâm đứng giữa hai luồng dư luận và để tìm hiểu những lời ông Gioan đã nói về Chúa Giêsu, họ tin vào sự chân thật của ông Gioan, bởi ông được mọi người công nhận là một ngôn sứ đích thực. Ông đã nói nhiều điều về Chúa Giêsu, và những điều đó đã xảy ra đúng như lời ông nói. Lời chứng của một người chân thật thì phải là một sự thật, thế thì chắc chắn Chúa Giêsu phải là Ðấng Mêsia mà Kinh Thánh đã từng tiên báo. Dù có nhiều điều họ chưa hiểu tường tận, nhưng dựa vào lời chứng của Gioan, họ đã tin vào lời Chúa Giêsu và họ đã tìm đến với Người. Tấm lòng rộng mở của họ đã dẫn họ đến với sự thật.

Hai cách hành xử của hai nhóm người trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây là những gợi ý quý báu cho chúng ta khi phải nhận định đánh giá các nguồn dư luận quanh ta hàng ngày về Chúa Giêsu. Là những người yêu chuộng sự thật, chắc chắn chúng ta biết mình sẽ chọn con đường nào để đạt tới chân lý, để đến với Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn chân lý và là nguồn sự khôn ngoan. Xin ban cho con một trí óc luôn bình tâm sáng suốt, một con tim luôn khách quan vô tư, để con có thể nhận xét mọi người mọi việc quanh con và tìm ra sự thật mà đến với Chúa. Xin cho con cũng biết tích cực làm chứng cho sự thật mà mình đã xác tín.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Sống theo Chúa.

Có người hỏi chị Lubich: “Làm sao chị có thể theo dõi hàng trăm ngàn người trên thế giới? Làm sao chị có thể hướng dẫn những người theo cùng một linh đạo?” Chị mỉm cười trả lời: “Tôi không theo dõi ai cả. Tôi chỉ theo Chúa từng giây phút và nếu tôi sống theo Chúa thì những người khác sẽ theo tôi”.

Bí quyết sống của chi Lubich thật ra được gợi hứng từ nếp sống của chính Chúa Giêsu. Ngài đã không nói suông, nhưng đã hành động, đã thi ân cho những ai thành tâm, tìm đến với Ngài. Ngài đã sống điều Ngài giảng dạy và luôn sống kết hiệp với Thiên Chúa. Ngài đã như nài nỉ những kẻ không tin Ngài rằng: “Nếu các người không thể tin những lời Ta nói thì ít ra hãy tin những việc Ta làm”.

Trong các cuộc tranh luận với người Do Thái, Chúa Giêsu đã mạc khải sự thật về Ngài, về mối tương quan giữa Ngài và Chúa Cha: “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha”. Nhưng người Do Thái không thể hoặc không muốn tin vào Chúa, họ vẫn khăng khăng coi Ngài chỉ là một con người, do đó họ đã lượm đá ném Chúa vì cho Ngài lộng ngôn khi dám xưng mình là Thiên Chúa. Những người Do Thái này đã quá chìm sâu trong tội lỗi của họ. Họ vui lòng với những gì đang làm, họ không cảm thấy cần đến ơn cứu rỗi.

Người Kitô chúng ta ngày nay cũng có thể bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục: chỉ muốn nhìn Chúa Giêsu như một con người, một nhà cách mạng xã hội không hơn không kém. Chúng ta có thể bị cám dỗ lượm đá ném Chúa và những gì liên hệ đến Ngài.

Tác giả tập sách Đường Hy vọng đã nhắn nhủ: “Con phải hiện diện trên đường hy vọng để dâng hiến và mời gọi người khác dâng hiến. Đó là cách con phục vụ họ tốt đẹp hơn cả, con giúp họ nên giống hình ảnh Thiên Chúa trong Đức Kitô. Đó là trách nhiệm của người kitô hữu; không được làm ngơ để người khác ném đá Chúa… Mỗi phút giây, con đang thực hiện chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Bị dồn vào chân tường

Người Do-thái lại lấy đá ném Đức Giêsu. Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi”. Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một việc phạm thượng: Ông là người thường mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” (Ga. 10, 31-33)

Một ông bạn nói, khi bị dồn vào chân tường thì chưa chắc đã xấu. Câu nói hóm hỉnh đó tiết lộ một kinh nghiệm nội tâm đặc biệt. Người ta có thể hiểu dễ dàng rằng toàn diện con người ông sẵn sàng sống với mọi biến cố.

Chính con người khi hoàn toàn bị dồn vào chân tường và thấy bất lực trước những biến cố, thì ý nghĩa của những biến cố đó giúp chúng ta thoát khỏi ngõ bí. Ai không sống trải qua cái cảm giác cùng cực và đối diện kinh khủng trước cái chế diễu của người thân yêu, của người tình tự tử hay một sự im lìm nặng nề, thì đó có phải là người của Thiên Chúa không?

Chính trong những lúc đặc biệt đó, chúng ta cảm nghiệm được sự nghèo khó tột độ thực sự của con người chúng ta. Người ta có thể muốn từ chối sự yếu đuối của mình, điều đó thường dẫn đến thất vọng, trái lại, người ta có thể biến nó thành bàn nhảy nhảy vọt tới hy vọng như lời thánh Phao-lô nói: “Chính lúc tôi yếu, là lúc tôi mạnh” (2Cor. 12, 10).

Câu nói trên theo kiểu loài người, thì người ta phải kêu lên là nghịch lý. Nhưng theo ngôn sứ Giê-rê-mi-a, thì người ta có thể nói: “Đấng thấu suốt tâm can tôi. Chính Ngài tôi phó trót mọi nỗi khúc mắc của tôi”. Vì “cái điều điên dại trước mắt kẻ lý trí, lại trở nên khôn ngoan trước mắt Thiên Chúa”.

Khi chúng ta khiêm nhường nhận ra sự nghèo khó của chúng ta và dâng sự khổ đó lên Đấng toàn năng, thì đó là cách diễn tả chân thực về nhu cầu cần thiết của chúng ta phải trông cậy vào Thiên Chúa. Chính nhờ thế, Thiên Chúa có thể hành động giúp chúng ta. Chúng ta chẳng có thể cho mình giàu, nhưng ước mong nên giàu nhờ Thiên Chúa ban.

Mùa chay kêu mời chúng ta ăn năn trở về cùng Thiên Chúa, Đấng đợi chờ mỗi người chúng ta trở về với Ngài, với con tim khó nghèo. Muốn thực hiện được như vậy, có cần phải bị dồn vào chân tường không?

C.G

 

SUY NIỆM 4: GIẢ HÌNH NÊN GIẢM THIÊNG (Ga 10, 31-42)

Khi con người không còn coi trọng luân lý, thì tiếng nói lương tâm trở nên dư thừa với họ. Như vậy, chuẩn mực trong cuộc sống được đo bằng tiền, quyền, và lẽ tất yếu, chân lý thuộc về đám đông hay những kẻ mạnh! Đây là sự thật xót xa đã xảy ra thời Đức Giêsu!

Tin Mừng hôm nay thuật lại lối sống giả hình của những nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội thời Đức Giêsu, họ sống vụ luật thuần túy khi luật được đưa lên làm chuẩn mực chứ không phải con người, chú trọng đến hình thức hơn nội tâm, sống trên danh vọng, hào nhoáng bên ngoài hơn là nội dung bên trong...

Lối sống đó đã hoàn toàn ngược lại với lời giáo huấn của Đức Giêsu, vì thế, Ngài không ngừng vạch trần giã tâm của họ trước mặt mọi người, thế nên Đức Giêsu đã trở thành cái gai trước mắt họ, và họ tìm mọi cách bứng Ngài ra khỏi xã hội của họ càng sớm càng tốt.

Trong thời đại hôm nay, vẫn còn nhiều chuyện dở khóc dở cười khi nhiều người dựa trên nguyên lý tự nhiên để xét xử chân lý Tin Mừng! Hay, khi không còn cách nào nữa thì áp đặt và quyết định trắng trợn khi nhân danh tập thể, tức là dựa trên hiệu ứng đám đông mà không cần biết đúng hay sai!

Mặt khác, nhiều khi chúng ta cũng chẳng khác gì những người Dothái khi xưa, đó là: khó chịu, bực bội với Lời Chúa, bởi Lời Chúa gọt dũa, cật vấn lương tâm và dạy những điều mà chúng ta không muốn sống... hay chúng ta đã phản ứng bằng việc dửng dưng!

Sống với những thái độ như thế, nên không lạ gì nhiều Mùa Chay qua đi mà chúng ta không thấy tốt hơn là mấy?

Lý do tại sao lại có những chuyện như thế trong thời đại được coi là văn minh, khoa học? Thưa chỉ vì cái tôi của chúng ta quá lớn và sự ích kỷ thì quá nhiều, nên đã không chấp nhận sự thật củaTin Mừng!

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con được yêu mến Chúa và đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống hằng ngày. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Tôi là Con Thiên Chúa

Suy niệm :

Bài Tin Mừng hôm nay cũng giống bài hôm qua,

Đức Giêsu lại bị ném đá vì bị kết tội phạm thượng.

Có lần Ngài đã bị kết tội là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa

chỉ vì đã nói: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 18).

Bây giờ Ngài bị kết tội phạm thượng vì dám tự cho mình là Thiên Chúa (c. 33).

Thực ra Đức Giêsu không bao giờ nhận mình như vậy,

vì Thiên Chúa là Cha của Ngài, Ngài chỉ nhận mình là Con (c. 36).

Nhận mình là Con Thiên Chúa không phải là một lời phạm thượng.

Nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị.

Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18),

đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14).

Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33),

trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.

Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói :

“Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38).

Hơn nữa, Ngài còn dám nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30).

Con và Cha hiệp nhất làm một với nhau,

Người được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình.

Con không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình,

Con luôn sống như người được Cha sai.

Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc,

mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh.

Đức Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32).

Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37).

Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha.

Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).

Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao.

Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài:

“Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi,

ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38).

Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người.

“Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36).

Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng.

Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy,

được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu.

Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này

trước khi có thể nói như Chúa: “Thế là đã hoàn tất”.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con dám hành động

theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,

vì xác tín rằng

Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,

Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,

và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,

xin cho con dám liều theo Chúa

mà không tính toán thiệt hơn,

anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,

can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,

và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa

những hy sinh làm cho tim con rướm máu,

con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt

của người một lòng theo Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ

 

SUY NIỆM:

1. Người Do Thái không tin.

Khi cầu nguyện với Lời Chúa trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, điểm thứ nhất chúng ta cần chú ý, đó là sự kiện người Do thái không tin Đức Giê-su đến từ Thiên Chúa, là con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Thực vậy, họ nói với Đức Giê-su:

Ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.

Vậy, tại sao người Do thái không tin Đức Giê-su đến từ Thiên Chúa, là con Thiên Chúa và là Thiên Chúa? Câu trả lời có ngay trong lời nói của họ: bởi vì họ chỉ nhìn thấy trước mắt họ, Đức Giê-su một người phàm mà thôi, nghĩa là một người cụ thể mà họ đang đối thoại, một người như bao người khác, giới hạn trong không gian và thời gian. Hơn nữa, họ không chỉ thấy, mà con biết, biết rõ về Ngài: Tên của Ngài là Giê-su, người làng Nazareth, con ông Giuse và bà Maria.

Như khi Ngài về làng quê Nazareth, những người cùng quê với Đức Giê-su nghe Ngài giảng giải Lời Chúa, lúc đầu họ đã tỏ ra rất thán phục, như thánh Luca kể lại : “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (v. 22). Nhưng ngay sau đó, họ nêu vấn nạn, khởi đi từ những gì họ thấy và biết về Đức Giê-su : “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao ?”. Khi kể lại chuyện này, Tin Mừng theo thánh Mác-cô nói chi tiết hơn : “Ông ta không phải là người thợ mộc, con bà Maria, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xép, Giu-đa và Simon sao ? Chị em của ông phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” (Mc 6, 3).

Như khi Ngài nói mình là “Bánh Hằng Sống” (x. Ga 6), người Do thái xầm xì, bởi vì họ biết rõ Đức Giê-su, Ngài là con ông Giuse và bà Maria, và biết rõ cha mẹ của Ngài; trong khi đó, họ lại vừa nghe Đức Giê-su nói: “Tôi là bánh từ trời xuống”! Đây cũng chính là lời xầm xì của người thời đại chúng ta, và cũng chính chúng ta nữa, ít nhất là ngấm ngầm. Ngày nay, qua các phương pháp nghiên cứu sử học, người ta biết nhiều hơn và khách quan hơn về “nhân vật lịch sử” Giêsu Nazareth, về tôn giáo của dân tộc Ngài, về bối cảnh văn hóa, xã hội và chính trị thời đại của Ngài. Người ta thán phục về nhân cách độc nhất vô nhị của Ngài. Tuy nhiên, như người Do thái xưa, người ta không thể chấp nhận niềm tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa, là “bánh từ trời xuống”.

Tuy nhiên, dưới cái nhìn của đức tin, chúng ta được mời gọi nhận ra tính chân thực của mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, như thánh sử Gioan tuyên xưng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1, 14), đến độ xét theo vẻ bề ngoài, người ta không còn nhận ra nguồn gốc và bản tính thần linh của Người. Như thế, thân phận con người trở nên có ý nghĩa, có hướng đi và có niềm hi vọng, nghĩa là trở nên con đường dẫn đến Nguồn Sự Sống, là chính Thiên Chúa, vì được Con Thiên Chúa đảm nhận, đảm nhận thực sự trong mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm Vượt Qua.

Người Do Thái thấy Ngài như thế, và biết rõ về Ngài như thế, còn sự kiện Ngài đến từ Thiên Chúa, là con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, thì họ “không thấy gì cả”, vì thế họ không chịu tin. Cũng thế, trong những lúc khác, người Do thái dù đã thấy bao dấu lạ Ngài làm, bao việc tốt đẹp Ngài thực hiện, nhưng vẫn không chịu tin, vì đối với họ bao nhiêu đó dấu lạ và những điều tốt đẹp vẫn chưa đủ. Nhưng chúng ta thử suy nghĩ xem, bao nhiêu là đủ? Nếu đó là lòng ham muốn thấy và biết? Vì thế, họ đòi Ngài làm những dấu lạ từ trời; và khi Ngài chịu đóng đinh trên Thập Giá, họ vẫn đòi dấu lạ: “Xuống khỏi thập giá đi, để chúng ta thấy, chúng ta tin”.

Như thế, người Do thái không tin, vì họ đòi thấy cho bằng được căn tính thần linh của Ngài, đòi thấy Ngài “từ trời xuống thế”. Họ muốn thấy điều không thể thấy, nhưng chỉ có thể tin mà thôi. Và chúng ta cũng sẽ không tin như người Do thái, nếu chúng ta đòi thấy nguồn gốc thần linh của Đức Ki-tô, đòi thấy Đức Ki-tô phục sinh, đòi thấy điều chúng ta tin và tuyên xưng trong kinh Tin Kính:

Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời, Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, […]. Vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.

Nhưng có đúng là, khi thấy dấu lạ rồi người ta sẽ tin không? Kinh nghiệm cho thấy, không hẳn như vậy: dấu lạ mời gọi tin, chứ không tất yếu dẫn đến lòng tin. Và đó chính là kinh nghiệm của người Do thái trong sa mạc. Họ nhìn thấy bao dấu lạ, nhất là dấu lạ vượt qua Biển Đỏ khô chân, nhưng khi gặp thử thách khó khăn, họ kêu trách và không chịu tín thác vào Đức Chúa (x. Tv 106). Chẳng lẽ Chúa lại phải làm cho họ dấu lạ mỗi ngày. Chỉ cần một vài dấu lạ, rồi tin và cứ thế mà bước đi trong tín thác chứ. Giống như, những người cùng thời với Đức Giêsu, chứng kiến bao dấu lạ Ngài làm, và chính ngôi vị của Ngài là một dấu lạ, thế mà vẫn cứ đòi dấu lạ từ trời.

Họ cứ nghĩ là thấy thì tin, đó là ảo tưởng. Bởi vì thấy, thì thấy một lần trong một thời điểm và nơi chốn nhất định; trong khi tin là tin vào một ngôi vị, tin suốt đời ở mọi nơi mọi lúc. Tin lúc Chúa ban dấu lạ. Và tin cả lúc Chúa không ban dấu lạ. Trong cuộc sống, những ngày không có dấu lạ gì mới là nhiều ; và có những ngày, những giai đoạn đầy đau khổ và thử thách. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, khi tin rồi chúng ta sẽ thấy mọi sự đều lạ, và nhất là chúng ta có thể nhận ra Chúa trong mọi sự.

2. Thấy và tin

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng không thể thấy và biết hết về nhau, nhưng thay vì nghi ngờ hay không tin, chúng ta được mời gọi trao ban lòng tin. Và chúng ta cần lòng tin của nhau biết bao, để tự sửa đổi, để lớn lên, để ước ao đáp đền bằng những nỗ lực nhỏ bé mỗi ngày. Nếu chúng ta đòi thấy hết và biết hết mới tin, thì không bao giờ tin được. Bởi vì, tin là một quyết định tự do, là một quà tặng, liều mình đặt cuộc đời mình trong tay một người. Trong tình yêu, người “ghen tương” là người đòi biết hết, thì mới tin. Nhưng đến một lúc nào đó, người này phải chấp nhận thực tại là mình không thể biết hết; và thay vì trao ban lòng tin, người này ghi ngờ, từ đó phá hủy tương quan. Bởi vì, nghi ngờ là nọc độc gây ra bầu khí chết chóc và bạo lực.

Đối với Chúa, chúng ta càng không thể thấy và biết hết, nhưng chúng ta được giáo dục trong gia đình và trong Giáo Hội và chúng ta được Chúa ban ơn và mời gọi chúng ta quyết định trao ban lòng tin, quyết định liều mình đặt cuộc đời của chúng ta vào trong tay Chúa, để cho Chúa dẫn dắt chúng ta bằng Lời của Ngài.

Lời của Đức Giêsu hôm nay giúp người Do Thái xưa kia và chúng ta hôm nay, vượt qua khó khăn này, để chúng ta có thể:

  • thấy thiên nhiên nhưng tin Thiên Chúa tạo dựng;
  • thấy lịch sử thăng trầm nhưng tin đó là lịch sử thánh, là lịch sử cứu độ, vì Thiên Chúa hiện diện và dẫn dắt theo một hướng đi;
  • thấy tội lỗi và sự dữ, nhưng tin kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không thất bại, vì Ngài có thể chuyển hóa điều dữ thành điều tốt;
  • thấy đau khổ nhưng tin đó là hành trình đi đến hạnh phúc viên mãn;
  • thấy sự chết, sự chết của Đức Kitô, sự chết của từng người trong chúng ta, nhưng tin đó là ngưỡng cửa bước vào cõi sống.

Ngoài ra, trong bài Tin Mừng, để mời gọi người Do Thái và chúng ta tin, Đức Giêsu còn nói:

Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: “Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh”? (c. 34)

Đức Giêsu mời gọi người Do Thái, và mời gọi mỗi người chúng ta, nhận ra chiều kích thần linh ngay trong thân phận bé nhỏ, giới hạn, tội lỗi của con người; và đó là cách tốt nhất để tin nơi lời nói, việc làm và nhất ngôi vị của Đức Giêsu. Thực vậy, chúng ta được mời gọi nhận ra:

  • sự sống thật kì diệu, cho dù giới hạn;
  • những điều lạ lùng xẩy ra trong cuộc sống, nhất là những chứng từ của tình bạn, tình yêu, lòng mến, của sự hi sinh, đời dâng hiến.
  • và nhất là nhận ra lòng khát khao vô biên, cuộc sống viên mãn, khát khao có nhau mãi mãi, khát khao tình yêu vô tận.

Ai có thể gieo vào thế giới, gieo vào giữa lòng cộng đồng nhân loại, gieo vào nơi sâu thẳm con người những điều như thế. Không thể là hư vô, không thể là may rủi, không thể là ảo tưởng, không thể là tuyệt vọng; nhưng chỉ có thể là Thiên Chúa, Ngài đã gieo vào con tim chúng ta lòng khao khát Ngài, và để rồi làm cho thỏa mãn. Như sách Huấn Ca nói: “Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người.” (Hc 17, 8)

Tin như thế không hề là cả tin hay ngây ngô: Chúng ta có Đức Giêsu Kitô; Ngài là hạt giống Thiên Chúa gieo vào thế giới và đã đạt tới đích viên mãn, cho dù con người tìm cách cản trở, sự dữ tìm cách hủy diệt; và Ngài đang lôi kéo tất cả chúng ta. Tuần Thánh là thời gian quan trọng nhất của năm Phụng Vụ, ở đó chúng ta tưởng niệm và hiện tại hóa mầu nhiệm Vượt Qua, và cũng là mầu nhiệm Vượt Qua của tất cả chúng ta. Đó là Việc Làm, là Công Trình kì diệu Thiên Chúa làm cho loài người chúng ta, và chúng ta mời gọi tin nơi tình yêu Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô.

3. Nghi ngờ và bạo lực

Công trình của Thiên Chúa là con người tin vào Đấng Ngài sai đến. Tin là cả một công trình; chính vì thế, công trình của ma quỉ cũng phải là làm cho con người không tin, nghi ngờ; và không tin vào Thiên Chúa, sẽ tất yếu tin vào những điều khác, thuộc về ma quỉ và sự chết. Không tin nơi Thiên Chúa, thì người ta sẽ thuộc về sự chết, làm việc sự chết, bởi vì sự chết sẽ là mạnh nhất, có khả năng xí xóa tất cả, giải quyết mọi vấn đề, và nhất là làm cho mọi người “huề cả làng”!

Chúng ta có thể tự hỏi tại sao người ta lại muốn giết Chúa bằng hình phạt khủng khiếp nhất: đóng đinh vào Thập Giá. Trước hết đó là năng động của hành vi không tin: Tôi không tin người này là Con Thiên Chúa, vậy thì giết nó đi, xem coi nó có thể tự cứu mình, hay Thiên Chúa có cứu nó không. Như thế, không tin, sẽ tất yếu dẫn đến những hành vi dò xét, tố cáo và hành động bạo lực, nhằm chứng minh điều mình không tin là đúng; không tin sự sống, người ta sẽ tất yếu làm việc cho sự chết. Giống như, hành động hái trái cấm (x. St 3, 1-7) phát xuất từ thái độ nội tâm không tin vào lời Thiên Chúa:

Nó cậy CHÚA, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!” (Tv 22, 9)

“Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,
để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.”
 (Kn 2, 17-20)

Xin Thánh Thần Thiên Chúa cho chúng ta nhận ra những tác hại của lựa chọn không tin, vốn là nguồn gốc dẫn đến thái độ nghi ngờ chết chóc, đồng thời thúc đẩy chúng ta lựa chọn tin, tín thác và cảm nếm ngay hôm nay hoa trái sự sống của lòng tin, như chính Đức Giê-su tuyên bố:

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3, 16)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

“Ta là Con Thiên Chúa”

 Friday: (April 12): “I am the Son of God”

 

Gospel Reading:  John 10:31-42

31 The Jews took up stones again to stone him. 32 Jesus answered them, “I have shown you many good works from the Father; for which of these do you stone me?” 33 The Jews answered him, “It is not for a good work that we stone you but for blasphemy; because you, being a man, make yourself God.” 34 Jesus answered them, “Is it not written in your law, `I said, you are gods’? 35 If he called them gods to whom the word of God came (and Scripture cannot be broken), 36 do you say of him whom the Father consecrated and sent into the world, `You are blaspheming,’ because I said, `I am the Son of God’? 37 If I am not doing the works of my Father, then do not believe me; 38 but if I do them, even though you do not believe me, believe the works, that you may know and understand that the Father is in me and I am in  the Father.” 39 Again they tried to arrest him, but he escaped from their hands. 40 He went away again across the Jordan to the place where John at first baptized, and there he remained. 41 And many came to him; and they said, “John did no sign, but everything that John said about this man was true.” 42 And many believed in him there.

Thứ Sáu  12-4           Ta là Con Thiên Chúa

 

Ga 10,31-42

31 Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su.32 Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi? “33Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.”34 Đức Giê-su bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: “Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh””?35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ,36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: “Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: “Tôi là Con Thiên Chúa”?37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi.38Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.”39Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.40Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó.41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.”42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

Meditation: 

 

Why were the religious leaders so upset with Jesus that they wanted to kill him? They charged him with blasphemy because he claimed to be the Son of God and he made himself equal with God. The law of Moses laid down the death penalty for such a crime: “He who blasphemes the name of the LORD shall be put to death; all the congregation shall stone him” (Leviticus 24:16).  As they were picking up stones to hurl at Jesus, he met their attack with three arguments. The many good works that he did, such as healing the sick, raising the dead, and feeding the hungry, demonstrated that his power and marvelous deeds obviously came from God.

I am the Son of God

Jesus then defended his right to call himself the Son of God with a quote from Psalm 82:6 (“I say, “You are gods, sons of the Most High, all of you”). Jesus argued that if Scripture can speak like that of humans, why should he not speak of himself like that? Jesus then made two claims: He was consecrated by the Father for a special task and he was sent into the world to carry out his Father’s mission (John 10:36). The scriptural understanding of consecration is to make holy for God – to be given over as a free-will offering and sacrifice for God.

Consecrated and sent to do the Father’s works

Jesus made himself a sin-offering for us, to ransom us from condemnation and slavery to sin. He spoke of his Father consecrating him for this mission of salvation (John 10:36). Jesus challenged his opponents to accept his works if they could not accept his words. One can argue with words, but deeds are beyond argument. Jesus is the perfect teacher in that he does not base his claims on what he says but on what he does. The word of God is life and power for those who believe and accept it as God’s word for us. Jesus shows us the way to walk the path of truth and holiness. And he anoints us with his power to live the Gospel with joy and to be his witnesses in the world.  Are you a doer of God’s word, or a forgetful hearer only?

 

 

“Write upon my heart, O Lord, the lessons of your holy word, and grant that I may be a doer of your word, and not a forgetful hearer only.”

Suy niệm:

 

Tại sao những nhà lãnh đạo tôn giáo quá bực tức với Ðức Giêsu đến nỗi họ muốn giết chết Người? Họ buộc tội Người phạm thượng bởi vì Người tuyên bố mình là Con Thiên Chúa và ngang hàng với Thiên Chúa. Luật Môisen đưa ra hình phạt cái chết cho tội phạm như thế: “Ai xúc phạm tới danh Chúa sẽ phải chết; tất cả mọi người sẽ ném đá nó” (Lv 24,16). Khi họ lượm đá lên để ném Ðức Giêsu, Người tiếp nhận sự tấn công của họ với ba lý lẽ. Nhiều việc tốt Người đã làm, như chữa lành người bệnh, cho người chết sống lại, và cho người đói ăn – chứng tỏ rằng quyền uy và những việc lạ lùng của Người rõ ràng đến từ Thiên Chúa.

 

 

Ta là Con Thiên Chúa

Ðức Giêsu bào chữa cho sự đúng đắn của mình khi nói mình là Con Thiên Chúa với lời trích dẫn từ Thánh vịnh 82,6 (Ta đã nói, hết thảy các ngươi đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối cao). Nếu Kinh thánh có thể nói như thế về con người, tại sao Ðức Giêsu lại không thể nói về chính mình như thế? Chúa Giêsu lại đưa ra hai lời tuyên bố: Người được Cha thánh hiến cho công việc đặc biệt và Người được sai vào thế gian để thực hiện sứ mệnh của Cha (Ga 10,36). Cách hiểu trong Kinh thánh về sự thánh hiến là làm cho nên thánh để dành cho Thiên Chúa – được dâng hiến như sự dâng hiến và hy sinh tự nguyện cho Thiên Chúa.

Được thánh hiến và sai tới để thực hiện các công việc của Cha

Ðức Giêsu đã dâng chính mình làm lễ tế xá tội cho chúng ta, để cứu chuộc chúng ta khỏi sự thống trị và nô lệ cho tội lỗi. Người nói về Cha thánh hiến Ngài cho sứ mệnh cứu chuộc này (Ga 10,36). Ðức Giêsu đã thách đố các đối thủ của mình đón nhận những công việc của Người, nếu họ không thể tiếp nhận những Lời của Người. Người ta có thể tranh luận với những lời lẽ, nhưng những việc làm vượt xa sự tranh cãi. Ðức Giêsu là vị Thầy hoàn hảo, trong đó Người không dựa những lời tuyên bố của mình trên những gì Người nói, nhưng trên những gì Người làm. Lời Chúa là Sự sống và sức mạnh cho những ai tin tưởng. Ðức Giêsu tỏ cho chúng ta con đường để đi trong chân lý và sự thánh thiện. Và Người xức dầu thánh trên chúng ta với sức mạnh của Ngài để sống Tin mừng với niềm vui và trở thành chứng nhân của Người trong thế giới. Bạn có là người thực hành Lời Chúa, hay chỉ là người nghe qua rồi quên?

Lạy Chúa, xin viết lên tâm hồn con những bài học của Lời thánh thiện của Chúa, và ban ơn để con có thể trở thành người thực hiện Lời Chúa, chớ không chỉ là người lắng nghe mà thôi.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây