Thứ Tư tuần 23 thường niên.

Thứ ba - 08/09/2020 17:13

Thứ Tư tuần 23 thường niên.

"Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có".

 

Lời Chúa: Lc 6, 20-26

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:

"Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

"Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả".

 

 

Suy Niệm 1: Phúc cho anh em là những người nghèo

Suy niệm :

Một học sinh nghèo trả lại chiếc bóp lượm được.

Một giáo viên kiên trì theo đuổi nghề giáo.

Một cán bộ về hưu trong cảnh thanh bạch.

Một bạn nữ bỏ chỗ làm có thu nhập cao...

Một nhân viên từ chối những đồng tiền hối lộ.

Giữa cuộc sống khó khăn,

vẫn có bao người không bị mê hoặc bởi bạc tiền.

Họ chọn sống trong cảnh nghèo,

lam lũ hơn, nhưng vui hơn và thanh thản hơn.

Vẫn có bao người nếm được mối phúc của Tin Mừng:

“Phúc cho anh em là những người nghèo khó,

Vì Nước Trời là của anh em”.

Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn

từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt.

Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác,

với lối đánh giá khác, làm chúng ta ngỡ ngàng.

Ngài cho các môn đệ của Ngài biết rằng:

họ là những người có phúc,

khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Ngài.

Nước Trời đã thuộc về họ từ đây,

và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.

Đức Giêsu đã sống những mối phúc trước chúng ta.

Ngài là một người thợ thủ công nghèo,

Ngài biết đến sự dày vò của cơn đói,

Ngài đã từng nhỏ lệ trước thành Giêrusalem,

và đã chịu mọi khổ hình cho đến chết.

Nhưng Đức Giêsu là con người hạnh phúc,

vì biết mình luôn sống cho Cha và con người.

Chúng ta cần có kinh nghiệm của Đức Giêsu:

Nghèo của cải mà thật giàu Nước Thiên Chúa.

Đức Giêsu chúc phúc cho những môn đệ nghèo của Ngài,

nhưng Ngài không ca ngợi sự bần cùng, lạc hậu.

Cả cuộc đời Ngài là một hành vi cúi xuống

để nâng dậy những ai nghèo sức khoẻ, nghèo niềm vui.

Hôm nay Ngài muốn chúng ta

đến với khu lao động, với lớp học tình thương,

xóa đi cái nghèo tri thức, nghèo những ước mơ cao cả.

Sự no đủ và niềm vui phải bắt đầu từ đời này.

Ước gì chúng ta sống như Đức Kitô,

tự nguyện trở nên nghèo hơn

để làm giàu cho người khác (2 Cr 8,9).

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

xin cho con nhìn thấy những người nghèo

ở quanh con, ở trong gia đình con,

đang cần đến con.

Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo,

xin cho con thấy Chúa trong họ.

Dần dần con hiểu rằng

cả người giàu cũng nghèo,

nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.

Dần dần con chấp nhận rằng

cả bản thân mình cũng nghèo

và cần đến người khác.

Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt,

một lời thăm hỏi đỡ nâng.

Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con

ai cũng nghèo về một mặt nào đó,

ai cũng cần đến người khác.

Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau,

làm cho nhau thêm giàu có.

Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo,

vì Chúa rất cần đến chúng con

để hoàn thành công trình cứu độ.

Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo

để nhận lãnh,

can đảm nhận mình giàu

để hiến trao. Amen.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 

Suy Niệm 2: HẠNH PHÚC VÀ BẤT HẠNH

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Con người luôn khao khát hạnh phúc. Vì Thiên Chúa tạo dựng để con người được hạnh phúc. Con người luôn khao khát. Vì hạnh phúc là có thật. Nhưng con người lại chưa từng gặp được. Cứ mòn mỏi chờ mong. Cứ miệt mài tìm kiếm. Hôm nay Con Chúa xuống thế làm người chỉ cho con người đường đến hạnh phúc. Và vạch rõ những nẻo đường dẫn đến bất hạnh.

Đường đến hạnh phúc ngược với suy nghĩ của phàm nhân. Vì hạnh phúc thật không có ở trần gian. Chỉ có trong Nước Chúa. Ai càng gắn bó với đời này càng thất vọng. Ai càng bám víu vào những giá trị đời này càng bất hạnh. “Khốn cho các người, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than”. Chỉ có người biết dứt bỏ tham, sân, si mới đạt tới hạnh phúc. Chỉ có người vượt lên trên những ham muốn tầm thường ti tiện của loài người mới đạt tới Nước Trời. “Phúc cho anh em là kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. Hạnh phúc thật chỉ có trong Chúa. Là chính Chúa. Ai dứt bỏ mọi cám dỗ vì Chúa sẽ tìm được Chúa. Nhất là ai dám liều mạng sống vì Chúa sẽ được phần thưởng là chính Chúa. Đó là hạnh phúc thật, viên mãn, vĩnh cửu. “Ngày đó anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên tời thật lớn lao”.

Hạnh phúc thật không có ở đời này. Chỉ có ở đời sau. Nên thánh Phao-lô khuyên nhủ ta đừng bám víu vào đời này. Hãy hướng lòng về đời sau. Coi mọi sự đời này như không có. Vì chúng rất mau qua. “Tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (năm chẵn).

Hạnh phúc không thuộc hạ giới. Nên ngài khuyên ta: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới”. Và phải dứt khoát: “giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em”. Hạnh phúc không có nơi thủ lãnh thế gian. Nên ta phải sống cho Chúa. Vì”Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (năm lẻ).

Thật lạ lùng con đường của Chúa. Chịu bất hạnh để được hạnh phúc. Từ bỏ tất cả để được lại tất cả. Chết cho trần gian để sống cho Chúa. Vượt qua hạ giới để vươn lên thượng giới. Chối từ thế gian để đạt tới Nước Trời.

 

Suy Niệm 3: Các Mối Phúc Thật

Nhiều người cho rằng tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng, là những sức mạnh chống lại sự tiến bộ và phát triển của nhân loại. Lời cáo buộc này xem ra được củng cố hơn khi người ta đọc những lời chúc phúc của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay.

Thật thế, trong quan niệm thông thường của con người, dù ở đâu và ở bất cứ thời đại nào: có tiền của là có tất cả. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại tuyên bố: Phúc cho những người nghèo khó, phúc cho những kẻ bây giờ phải đói khát, phúc cho những kẻ bây giờ đang phải than khóc, phúc cho những kẻ đang bị oán ghét. Phải chăng Chúa Giêsu không là kẻ lừa bịp đang cười cợt trên những đau khổ của nhân loại? Phải chăng đó không phải là sứ điệp cổ võ sự bần cùng, đói khổ, lạc hậu, đi ngược với tiến bộ và phát triển của nhân loại?

Chúa Giêsu quả thực đã sống như một người nghèo giữa những người nghèo; đã tuyên bố: Phúc cho những kẻ nghèo đói, phúc cho những kẻ đang khóc lóc, phúc cho những kẻ bị bách hại, Chúa Giêsu hẳn phải là người hạnh phúc nhất, vì Ngài đã đi đến tận cùng sự nghèo đói, bách hại ấy. Chúa Giêsu đã không làm phép lạ cho trái đất luôn chảy sữa và mật, Ngài đã không đem lại một giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể nào; thế nhưng, cuộc sống, lời nói và cái chết của Ngài lại là chìa khóa giúp giải quyết các vấn đề của con người. Quả vậy, vấn đề cơ bản của con người là gì, nếu không phải là được sống hạnh phúc; tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của mọi thời chính là nghĩ rằng càng có nhiều tiền của, quyền bính, danh vọng thì càng được hạnh phúc.

Khi tuyên bố: "Phúc cho những kẻ nghèo khó", Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất là phương tiện cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người để nó thống trị và hưởng dụng mọi sự trong vũ trụ. Khi tuyên bố: "Phúc cho những kẻ nghèo khó", Chúa Giêsu nhắc nhở cho con người bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa Giêsu đã từng sống là người sống theo bậc thang giá trị ấy. Người sống nghèo khó như Chúa Giêsu là người biết sống cho những giá trị vĩnh cửu, là yêu thương, quảng đại, liên đới, tình người.

Ðược lời Chúa soi sáng hướng dẫn, người Kitô hữu chúng ta phải là người luôn tìm kiếm và sống cho những giá trị vĩnh cửu. Giữa những vất vả vì chén cơm manh áo từng ngày, xin cho chúng ta luôn tìm kiếm Nước Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ là người hạnh phúc nhất, vì chúng ta biết mình sống để làm gì và sẽ đi về đâu.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Những Hạnh Phúc Bất Tiện

Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ rồi nói:

“Phúc cho anh em những kẻ nghèo khó,

vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,

Vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,

Vì anh em sẽ được vui cười. (Lc. 6, 20-21)

Với lý trí chúng ta rất khó hiểu về các mối hạnh phúc này. Lý trí đành chịu thua. Chúng đả đảo lý luận con người. Chúng làm ta phát điên. Nhưng chúng lại làm ta kinh ngạc và chúng ta không dám từ bỏ chúng vì nghĩ đến những bao nhiêu quả phúc chúng đã sinh ra qua những thế hệ. Những hạnh phúc theo Thánh Lu-ca và Thánh Mát-thêu đều gây kinh ngạc, tuy hai Thánh có viết khác nhau, nhưng cùng một mục đích là hạnh phúc nước trời. Thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến tinh thần nghèo khó, đến thái độ con tim. Thánh Lu-ca nhấn mạnh đến nghèo khó thật sự, nghèo khó của giai cấp xã hội chẳng có gì hết trơn hết trọi, giai cấp xã hội nghèo khó này đang qui tụ lại thành tín đồ của Tin Mừng Đức Giêsu. Thánh Mát-thêu kêu mời từ bỏ bên trong. Thánh Lu-ca kêu gọi cải tạo cơ cấu xã hội để giảm bớt những khổ đau trong xã hội.

Chính trong thảm trạng cụ thể của lịch sử mà Đức Kitô nói: “ Các bạn là những người nghèo khổ, đói khát, khóc lóc, bị khinh bỉ, ghen ghét, bị bắt bớ, bị nhục nhã, phúc cho các bạn. Vì nếu bây giờ các bạn chịu được như thế, ngày kia tất cả sẽ đổi lại, các bạn sẽ giầu có, no nê, vui cười, được mến chuộng trong nước Thiên Chúa”.

Có thật không hay trò đùa? Đức Kitô nói thế nào? có phải Ngài nói dỡn để cho những kẻ khốn khổ thể xác, tình cảm, tinh thần được vui chút ư? có phải Ngài là chú hề đã nói đến sự đền bù ở tương lai mơ hồ giả định ư? có phải chỉ là giấc mơ hạnh phúc có thể giúp cho người ta chịu khổ bây giờ để đè nén cho nguôi đi những đau đớn và uất ức chăng? hiểu sai lầm các mối phúc thật, như thế là độc ác và vô liêm sỉ. Đức Kitô không bao giờ phong thần đau khổ và bất hạnh. Người không ngừng làm giảm bớt nỗi đau khổ của con người suôt đời Ngài đã cứu chữa, an ủi những bệnh nhân, tật nguyền, nghèo khổ và tha thứ cho những tội nhân, giải phóng những kẻ bị ma quỷ xiềng xích. Ngài muốn chúng ta hiểu và chấp nhận thập giá như Ngài. Vì mến Chúa và yêu người. Lúc đó thập giá trở nên lời hứa thực hiện ơn cứu độ. Như vậy khác xa những thứ mỵ dân!

GF

 

Suy Niệm 5: SỐNG TINH THẦN NGHÈO ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC (1 Cr 7, 25-31; Lc 6, 20-26)

Xem lại CN 4 TN A, CN 6 TN C, thứ Hai tuần 10 TN và lễ Các Thánh Nam NỮ

Đức Giêsu được mọi người biết đến là một người nghèo. Nghèo từ khi sinh ra đến lúc từ giã thế gian để về với Chúa Cha.

Chính Đức Giêsu đã ví cuộc đời của mình như: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu”.

Lúc sinh thời, nhất là trong thời gian loan báo Tin Mừng, từ lối sống đến hành động, Ngài luôn quan tâm đến tận cùng kiếp sống con người, nhất là những người khốn khó, bệnh hoạn, tật nguyền. Nên Đức Giêsu không ngần ngại để sống với những người nghèo hèn, cảm thông cho những người tội lỗi và ăn uống với họ, đồng thời, luôn coi họ như những người bạn, sẵn sàng đứng về phía họ để bênh đỡ, chở che.

Tinh thần và lối sống đó hôm nay được Đức Giêsu chính thức chúc phúc, và qua đó như một lời mời gọi mọi người đi theo con đường đó để được hạnh phúc: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi”.

Phải chăng Đức Giêsu là người cổ hủ, lỗi thời khi cổ súy cho cái nghèo? Hơn nữa, Ngài lại còn mời gọi những ai muốn đi theo và làm môn đệ cũng phải sống một cuộc sống bần cùng, cơ cực?

Thưa! Hẳn là không! Qua mối phúc này, Đức Giêsu muốn cho con người được hạnh phúc hoàn toàn, khi không bị chi phối bởi lòng ham muốn tiền bạc, vì nếu mê mẩn với chúng thì sẽ trở thành nô lệ cho tiền bạc.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng tâm hồn lên Đức Giêsu và quy chiếu cuộc đời của ta với Ngài, để vui mừng khi được sống tinh thần nghèo khó như Ngài.

Một cách cụ thể, đó là sống hết mình và hiến thân trọn vẹn cho tha nhân, nhất là những người bần cùng trong xã hội.

Cần phải xác định thật rõ rằng: gia tài đích thực của chúng ta là Thiên Chúa. Giá trị lớn lao nhất là sống cho Thiên Chúa qua cung cách phục vụ tha nhân. Cùng đích của con người không phải là của cải chóng qua đời này mà là cuộc sống mai hậu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương Chúa để mặc lấy tâm tình nghèo khó như Ngài, ngõ hầu chúng con được tự do để dấn thân phục vụ người nghèo cách vô vị lợi như Chúa khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM

1. Phúc hay họa ?

Lời của Đức Giê-su dường như ngược hẳn với những gì chúng ta quan niệm, thậm chí với những gì chúng ta ước ao : điều mà chúng ta coi là phúc, thì Đức Giê-su lại mặc khải cho chúng ta rằng, đó là họa : chúng ta quan niệm giàu có là phúc, còn nghèo khó là họa ; nhưng Đức Giê-su nói ngược lại, giàu có là họa, con nghèo khó là phúc :

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em. 
(c. 20)

Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có,
vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. 
(c. 24)

Và cũng như vậy đối với no nê và đói khát, vui cười và khóc lóc, được ca tụng và bị sỉ vả. Đức Giê-su thường nói : « Ai có tai để nghe thì nghe ». Nhưng mà đôi tai của chúng ta được ban cho không chỉ để nghe và dừng lại ở âm thanh, nhưng là đi vào chiều sâu của ý nghĩa, vốn được tạo ra bởi sự thinh lặng của quy luật liên kết các âm thanh.

2. « Phúc cho anh em… »

Vì thế chúng ta chỉ hiểu và cảm nếm những lời của Đức Giê-su, khi chúng ta vượt qua vẻ bên ngoài, để nhận ra ra khuôn mặt đích thật của con người (x. Tv 49) và hiểu dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, và nhất để sống theo năng động của con tim, nhất là năng động yêu mến, yêu mến Đức Ki-tô và vì Đức Ki-tô ; như Ngài nói trong mối phúc thứ tư :

Phúc cho anh em, vì Con Người. (c. 22)

Trên thế giới và trong xã hội chúng ta đang sống, có biết bao nhiêu người nghèo khổ, đói khát và khóc than, trong đó có những người thân yêu của chúng ta và cả chúng ta nữa, ở mức độ nào đó và trong giai đoạn nào đó. Nhưng Đức Giê-su lại công đó là “PHÚC”.

  • PHÚC vì được Chúa thương yêu và thương xót đặc biệt.
  • PHÚC vì đó là cơ hội, để chúng ta sống như và nên giống như Đức Giê-su nghèo, đói và khóc than trong cuộc Thương Khó, hoàn toàn tín thác nơi lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Ngoài ra, các mối phúc mà Đức Giê-su công bố diễn tả chính căn tính đích thật của chúng ta trong thân phận sinh lão bệnh tử của con người, chính niềm khát khao sâu thẳm của chúng ta, chính niềm hạnh phúc bền vững của chúng ta.

  • Đức Giê-su nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”, “là những kẻ bây giờ đang phải đói”. Trong thân phận của con người, không ai trong chúng ta cảm thấy tự đủ trong cõi lòng mình; con người đến một lúc nào đó, đều cảm thấy mình nhỏ bé, mỏng manh, chóng qua, nghèo nàn và đói khát tận căn về mọi phương diện, nhất là lúc mới sinh ra và sắp sửa lìa đời, trả lại sự sống cho Chúa.
  • Đức Giê-su nói: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc”. Ai trong chúng ta đã không một lần khóc lóc sầu khổ: khóc lóc sầu khổ cho thân phận sinh lão bệnh tử của mình, khóc cho số phận đầy thử thách, tai ương và bất hạnh, khóc và sầu khổ cho người khác, nhất là cho những người thân yêu, cho những người chịu thiệt thòi, bệnh tật, kém may mắn.

Và thật « khốn cho », nghĩa là bất hạnh cho những ai biến thành ngẫu tượng và cứu cánh đời mình, những gì chóng qua ở đời này: của cải, ăn uống, vui thú và lời khen.

*  *  *

Như vậy, chính thân phận con người của chúng ta, không thêm và cũng không bớt, là một mối phúc, chứ không phải là mối họa hay hình phạt, cho dù chúng ta có một thân phận như thế nào, bất hạnh như thế nào; thân phận của chúng ta là con đường dẫn chúng ta đến điều Chúa hứa ban trong các mối phúc, đó là: Nước Thiên Chúa, được no thỏa và mừng vui.

Và để cho chúng ta tin tưởng và xác tín như thế, Đức Giê-su đã sống đến cùng thân phận con người, là chịu đóng đinh trên Thập Giá, để qua đó đi vào sự sống mới, sự sống Phục Sinh của Thiên Chúa Cha.

3. “Phúc cho anh em, khi vì Con Người”

Ngoài ra, Đức Giê-su còn nói đến một mối phúc đặc biệt. Đặc biệt, vì nguyên nhân của mối phúc: đó là “vì Con Người”. Chúng ta có thể tự hỏi, tại sao lại “vì Con Người”? Kinh nghiệm của những người đi trước chúng ta trong đức tin, nhất là của các thánh tử đạo Việt Nam, sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao lại « vì Con Người » ? Đó chính là kinh nghiệm hiểu biết, yêu mến, và không chỉ ước ao đi theo, nhưng còn muốn trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, đó là kinh nghiệm chiêm ngắm ngôi vị của Ngài, và khi chiêm ngắm ngôi vị của Ngài như các Tin Mừng thuật lại cho chúng ta, chúng ta không thể không yêu mến Ngài và ước ao trở nên một với Ngài trong mọi sự (x. Phil 3, 7-9).Nhưng làm sao chúng ta có thể trở nên một với Ngài được, nếu trước đó, Ngài đã không mang lấy nhân tính và thân phận con người của chúng ta, không trở nên một với chúng ta qua Lời của Ngài, qua Mình Máu của Ngài ?

Trong cuộc Thương Khó, Đức Ki-tô trở nên nghèo khó nhất, đói khát nhất, khóc than nhất và bị sỉ nhục nhất. Nhưng chính lúc đó Ngài hạnh phúc nhất, vì làm cho khuôn mặt của Thiên Chúa Cha trở nên rạng ngời, làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, cho ý Cha được thể hiện, vì lòng yêu mến, yêu mến Cha, yêu mến loài người, yêu mến từng người chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Phúc cho người nghèo khó vì nước Thiên Chúa là của bạn – SN song ngữ 9.9.2020

 

Wednesday (September 9):  “Blessed are you poor – yours is the kingdom of God”

 

Scripture: Luke 6:20-26

20 And he lifted up his eyes on his disciples, and said: “Blessed are you poor, for yours is the kingdom of God. 21 “Blessed are you that hunger now, for you shall be satisfied. “Blessed are you that weep now, for you shall laugh. 22 “Blessed are you when men hate you, and when they exclude you and revile you, and cast out your name as evil, on account of the Son of man! 23 Rejoice in that day, and leap for joy, for behold, your reward is great in heaven; for so their fathers did to the prophets. 24 “But woe to you that are rich, for you have received your consolation. 25 “Woe to you that are full now, for you shall hunger. “Woe to you that laugh now, for you shall mourn and weep. 26 “Woe to you, when all men speak well of you, for so their fathers did to the false prophets.

Thứ Tư     9-9                 Phúc cho người nghèo khó vì nước Thiên Chúa là của bạn

 

Lc 6,20-26

20 Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.21 “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.22 “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.24 “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.25 “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.”Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.26 “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

Meditation:

 

When you encounter misfortune, grief, or tragic loss, how do you respond? With fear or faith? With passive resignation or with patient hope and trust in God? We know from experience that no one can escape all of the inevitable trials of life – pain, suffering, sickness, and death. When Jesus began to teach his disciples he gave them a “way of happiness” that transcends every difficulty and trouble that can weigh us down with grief and despair. Jesus began his sermon on the mount by addressing the issue of where true happiness can be found. The word beatitudeliterally means  happiness orblessedness. Jesus’ way of happiness, however, demands a transformation from within – a conversion of heart and mind which can only come about through the gift and working of the Holy Spirit.

True happiness can only be fulfilled in God

How can one possibly find happiness in poverty, hunger, mourning, and persecution? If we want to be filled with the joy and happiness of heaven, then we must empty ourselves of all that would shut God out of our hearts. Poverty of spirit finds ample room and joy in possessing God alone as the greatest treasure possible. Hunger of the spirit seeks nourishment and strength in God’s word and Spirit. Sorrow and mourning over wasted life and sin leads to joyful freedom from the burden of guilt and oppression. 

 

The beatitudes strengthen us in virtue and excellence

Ambrose (339-397 A.D), an early church father and bishop of Milan, links the beatitudes with the four cardinal virtues which strengthen us in living a life of moral excellence. He writes: “Let us see how St. Luke encompassed the eight blessings in the four. We know that there are four cardinal virtues: temperance, justice, prudence and fortitude. One who is poor in spirit is not greedy. One who weeps is not proud but is submissive and tranquil. One who mourns is humble. One who is just does not deny what he knows is given jointly to all for us. One who is merciful gives away his own goods. One who bestows his own goods does not seek another’s, nor does he contrive a trap for his neighbor. These virtues are interwoven and interlinked, so that one who has one may be seen to have several, and a single virtue befits the saints. Where virtue abounds, the reward too abounds… Thus temperance has purity of heart and spirit, justice has compassion, patience has peace, and endurance has gentleness.” (EXPOSITION OF THE GOSPEL OF LUKE 5.62–63, 68).

No one can live without joy

God reveals to the humble of heart the true source of abundant life and happiness. Jesus promises his disciples that the joys of heaven will more than compensate for the troubles and hardships they can expect in this world. Thomas Aquinas said: “No person can live without joy. That is why someone deprived of spiritual joy goes after carnal pleasures.” Do you know the joy and happiness of hungering and thirsting for God alone?

 

“Lord Jesus, increase my hunger for you and show me the way that leads to everlasting happiness and peace. May I desire you above all else and find perfect joy in doing your will.”

Suy niệm: 

 

Khi bạn gặp điều bất hạnh, đau khổ, hay mất mát thê thảm, bạn phản ứng thế nào? Với sự sợ hãi hay tin tưởng? Với sự cam chịu tiêu cực hay với niềm hy vọng nhẫn nại và tin tưởng nơi Thiên Chúa? Chúng ta biết được qua kinh nghiệm rằng không một ai có thể thoát khỏi tất cả mọi thử thách không thể tránh được của cuộc đời – đau đớn, khổ cực, bệnh tật, và cái chết. Khi Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy cho các môn đệ, Người dạy họ “con đường hạnh phúc” vượt trội mọi khó khăn và phiền muộn có thể đè bẹp chúng ta với đau thương và tuyệt vọng. Đức Giêsu bắt đầu bài giảng trên núi bằng việc nói về vấn đề người ta có thể tìm được hạnh phúc ở đâu. Hạn từ phúc theo nghĩa chặt là hạnh phúc hay phúc lành. Tuy nhiên, con đường hạnh phúc của Đức Giêsu đòi hỏi một sự biến đổi từ bên trong – sự hoán cải của tâm và trí, mà chỉ có thể xảy ra ngang qua ơn sủng và tác động của CTT.

Hạnh phúc thật chỉ có thể hoàn thành nơi TC

Làm sao người ta có thể tìm thấy hạnh phúc trong nghèo khổ, đói khát, khóc lóc, và ngược đãi? Nếu chúng ta muốn được tràn đầy niềm vui và hạnh phúc Thiên đàng, thì chúng ta phải thanh tẩy mình khỏi tất cả mọi điều ngăn cản Thiên Chúa ngự vào tâm hồn mình. Nghèo khó tinh thần tìm được chỗ trống và niềm vui trong việc sở hữu một mình Thiên Chúa như kho báu lớn nhất. Đói khát tinh thần tìm kiếm lương thực và sức mạnh nơi lời và Thần Khí của Thiên Chúa. Đau buồn và khóc lóc cho cuộc đời hoang phí và tội lỗi dẫn tới sự tự do phấn khởi thoát khỏi gánh nặng tội lỗi và sự đàn áp.

Các mối phúc củng cố chúng ta trong nhân đức và sở trường

Thánh Ambrose (339-397 AD), một giáo phụ và Giám mục thành Milan liên kết các mối phúc với bốn nhân đức trụ mà củng cố chúng ta sống cuộc sống tốt lành về luân lý. Ngài viết: “Chúng ta hãy xem thánh Luca tóm gọn tám mối phúc trong bốn. Chúng ta biết rằng có 4 nhân đức trụ: tiết độ, công bình, khôn ngoan, và can đảm. Người có tinh thần nghèo khó thì không tham lam. Người khóc lóc thì không kiêu ngạo nhưng dễ bảo và yên lặng. Người khóc lóc thì khiêm tốn. Người công bình thì không khước từ những gì họ biết được ban cho mọi người chúng ta. Người có lòng thương xót cho đi của cải của mình. Người cho đi thì không tìm kiếm của cải người khác, cũng không tìm cách gài bẫy tha nhân. Các nhân đức này đan quyện và kết nối với nhau, cho nên người có một nhân đức sẽ có các nhân đức khác, và mỗi nhân đức đều sinh lợi cho các thánh. Nơi nào có nhiều nhân đức, nơi đó cũng có nhiều phần thưởng… Vì vậy tiết độ có sự tinh khiết trong tâm trí, công bình có lòng trắc ẩn, kiên nhẫn có hòa bình, và chịu đựng có sự hiền lành”. (Khảo luận về Tin mừng Luca 5.62-63,68).

Không ai có thể sống mà không có niềm vui 

Thiên Chúa mạc khải cho kẻ khiêm nhường trong lòng nguồn mạch đích thật của cuộc sống và hạnh phúc sung mãn. Đức Giêsu hứa với các môn đệ rằng những niềm vui Thiên đàng sẽ nhiều hơn sự đền bù cho những khó khăn và phiền muộn họ có thể gặp phải ở thế gian này. Thánh Tôma Aquinô nói rằng: “Không ai có thể sống thiếu niềm vui. Đó là lý do tại sao người ta bị mất đi niềm vui thiêng liêng, sau những thú vui xác thịt.” Bạn có biết niềm vui và hạnh phúc của sự đói khát một mình Thiên Chúa không?

Lạy Chúa Giêsu, xin gia tăng cơn đói khát Chúa của con và tỏ cho con thấy con đường dẫn tới hạnh phúc và bình an vĩnh cửu. Chớ gì con khao khát Chúa trên hết tất cả mọi sự khác và tìm thấy niềm vui trong việc thực thi ý Chúa.”

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây