Thứ tư tuần 24 thường niên.

Thứ ba - 17/09/2019 07:35

Thứ tư tuần 24 thường niên.

"Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc".

 

Lời Chúa: Lc 7, 31-35

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng: "Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa. "Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc".

Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: "Người bị quỷ ám".

Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: "Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi".

Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Lũ trẻ ngồi ngoài chợ

Suy niệm :

Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài

với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 31-32).

Các nhóm chơi với nhau, í ới gọi nhau.

Một nhóm bày ra trò chơi đám cưới,

thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa.

Nhưng nhóm kia đã không tham gia.

Sau đó nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột.

Nhưng nhóm kia vẫn chẳng khóc than thương tiếc.

Hẳn là chẳng vui gì khi có sự thụ động, lạnh nhạt như vậy.

Dụ ngôn trên đây nói đến một số người khó chiều, bướng bỉnh.

Dù thế nào thì họ cũng đứng ngoài, không chịu nhập vào cuộc chơi.

Họ chẳng thích cả trò đám ma lẫn đám cưới.

Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nói đến những người ở thời của Ngài.

Họ có nét tương tự như lũ trẻ ngồi ngoài chợ.

Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn,

đời sống khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).

Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải.

Gioan ăn chay nên không ăn bánh, không uống rượu (c. 33).

Lối sống của ông phù hợp với lời ông giảng về việc Nước Trời gần đến.

Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.

Người ta đã coi ông là bị quỷ ám,

nên ít người tin vào lời giảng của một người như thế.

Khi Đức Giêsu đến với thế hệ này,

Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.

Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường.

Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,

một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải phóng.

Những bữa ăn trong đời Ngài đóng một vai trò quan trọng.

Ngài ngồi ăn với những người bị xã hội loại trừ như người thu thuế.

Ngài đón nhận vào bàn ăn cả những tội nhân cần tránh xa.

Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn

mà họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa.

Tiếc thay, Ngài cũng bị từ khước như Gioan,

bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 34).

Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.

Cả hai người, với hai lối sống nghịch nhau, cũng không chiều được họ.

Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng có thể tìm ra được lý do để biện minh.

Khi cố chấp và ngụy biện để khỏi phải đối diện với chân lý,

con người chẳng được tự do.

Nguy cơ của con người mọi thời vẫn là ở lại trong tình trạng trẻ con ấu trĩ.

Làm sao để con người hôm nay có thể nghe được tiếng kêu của Gioan,

mời gọi người ta thay đổi cuộc sống bằng cách chia sẻ (Lc 3, 10-14)?

Làm sao thái độ bao dung của Đức Giêsu

ảnh hưởng trên một thế giới còn nhiều hận thù, chia rẽ, loại trừ nhau?

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha,

xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau

trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.

Xin cho chúng con đến với nhau

không chút thành kiến,

và tin tưởng vào thiện chí của nhau.

Khi cộng tác với nhau,

xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,

nhờ đó chúng con vượt qua

những tự ái nhỏ nhen,

những tham vọng ích kỷ

và những định kiến cằn cỗi.

Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,

để tìm kiếm chân lý

ở mọi nơi và mọi người,

nhất là nơi những ai khác quan điểm.

Lạy Cha,

xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,

để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,

và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.

Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,

xin cho chúng con được triển nở không ngừng

và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 

SUY NIỆM 2: Thái Ðộ Thiếu Nhất Quán

Ngày nay, nhân danh dân chủ, tự do ngôn luận, nhiều người muốn có một Giáo Hội của mình, một Giáo Hội được định đoạt theo những suy nghĩ của mình, chứ không là giáo lý do Chúa mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội nữa. Muốn là Kitô hữu, nhưng lại không muốn chấp nhận giáo huấn của Chúa Kitô được ủy thác cho Giáo Hội, đó là một thái độ thiếu nhất quán. Chúng ta có thể thấy được một thái độ như thế trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu mượn hình ảnh nhóm trẻ chơi ngoài phố chợ để nói lên thái độ ấy. Chấp nhận cuộc chơi, nhưng khi tiếng sáo thổi lên thì lại không nhảy múa; chấp nhận diễn kịch, nhưng khi bài hát đưa đám được cất lên thì lại không khóc theo. Những người Do thái thời Chúa Giêsu cũng có phản ứng đối với Ngài không khác nào đám trẻ chơi ngoài phố chợ này. Họ mong chờ Ðấng Cứu Thế, Gioan Tẩy Giả loan báo về Ngài, nhưng họ không chấp nhận nếp sống khổ hạnh của ông, họ bảo ông bị quỉ ám; Chúa Giêsu khai mạc thời cứu thế bằng yêu thương, phục vụ, tha thứ, thì họ lại bảo rằng Ngài là tên ăn nhậu, hòa nhập với phường thu thuế và tội lỗi.

Mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng không chấp nhận những thể hiện của thời cứu thế; trông đợi Ðấng Cứu Tinh, nhưng phải là Vị Cứu Tinh do mình tạo ra, đó là thái độ của những người Do thái thời Chúa Giêsu. Thái độ ấy cũng là cơn cám dỗ triền miên của các Kitô hữu thời đại chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta". Chúng ta mang danh hiệu Kitô, chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, nhưng có lẽ chúng ta chưa từ bỏ chính mình để chấp nhận và sống theo giáo huấn của Ngài.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mặc lấy sự khôn ngoan của con cái Chúa, đó là sự khôn ngoan của trẻ thơ luôn biết sống khiêm tốn và tin tưởng. Xin Ngài củng cố chúng ta trong tâm tình ấy, để chúng ta luôn được trung thành với giáo huấn mà Ngài đã ủy thác cho Giáo Hội.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Bất tín kinh niên

“Vậy tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống ai?

Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói:

Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa;

tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than.” (Lc. 7, 31-32)

Dù là ai, dù làm thế nào cũng luôn luôn có những kẻ chối bỏ mọi thứ, chối bỏ tất cả. Đó là trường hợp một số những kẻ đồng hương của Đức Kitô, họ mang bệnh kinh niên không tin gì hết, chối bỏ mọi chứng cớ hiển nhiên tới cùng. Đức Kitô gọi họ là “Dòng giống này”, một từ ngữ mang tính chất phán xét. Họ vẫn có ảo tưởng về một dân tộc được tuyển chọn, nhưng trong bốn mươi năm vượt sa mạc dầu được hưởng bao nhiêu phép lạ họ chứng kiến rõ ràng, họ vẫn không muốn theo Chúa.

Đức Giêsu so sánh họ với lũ trẻ ranh con quậy phá cứng đầu ngoài chợ. Chúng chơi dỡn để làm cho nhiều người múa nhảy, mà không ai theo, chúng hát bài đưa ma để làm cho người ta khóc, mà không ai thèm khóc. Chắc hẳn Đức Kitô muốn nói quá về những quậy phá của hạng người tai to mặt lớn quá ngu muội trong dụ ngôn nực cười này.

Khi kém lòng tin, không gì có thể mở tai mở mắt cho họ được. Ngôn sứ Gio-an Tẩy Giả đến và sống khắc khổ đến nỗi không ăn bánh, không uống rượu, họ xử với ông như kẻ bị quỷ ám. Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế đến ăn uống như mọi người, không phải để hùa theo kẻ mê ăn uống, nhưng họ coi Người là tay ăn nhậu và họ xỉ nhục tố cáo Người là bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. “Bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” đó là điều Đức Kitô muốn và đó là lý do Người đến trần gian: để cứu chữa những người tội lỗi và tật xấu. Người không ngừng nhắc đi nhắc lại điều đó, nhất là bằng việc làm. Điều đó làm cho kẻ chống đối và bất tín kinh niên giận dữ cho đến tận thế, những ai muốn theo Đức Kitô trên con đường này, đều vấp phải tâm thức trẻ con cố chấp này. Họ không bao giờ có lòng thương xót tha thứ. Giáo Hội biết rõ thế và đã quyết chí trở về với con đường của Đức Giêsu.

GF

 

SUY NIỆM 4: HÃY TÔN TRỌNG SỰ THẬT (Lc 7, 31-35)

Xem lại thứ Sáu tuần 2 MV

Gioan Tiền Hô là một người cao trọng hơn hết mọi người nam. Đây chính là lời khen ngợi của Đức Giêsu dành cho ông. Tuy nhiên không phải ai cũng là người nghe ông, cụ thể là các người Pharisêu và Luật sĩ đã khước từ lời của Gioan.

Trước tình trạng đó, Đức Giêsu đã nhận định về lập trường và thái độ của các người Pharisêu và Luật Sĩ như sau: họ giống như lũ trẻ ngồi ở ngoài phố chợ, gọi nhau mà bảo:

"Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa!”.

"Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc"!.

Hình ảnh của lũ trẻ và lời nói của Đức Giêsu, hẳn cho chúng ta thấy Ngài lên tiếng khiển trách nặng nề về sự mập mờ, gian dối và hay đổi trắng thay đen, nói một đàng làm một nẻo của các người Pharisêu và Luật Sĩ. Họ giống như lũ trẻ nơi phố chợ. Vì thế, những lời họ nói chẳng đáng tin tưởng vì không có giá trị.

Hình ảnh của các người Pharisêu và Luật Sĩ hẳn cũng còn đầy dẫy trong xã hội của chúng ta hiện nay. Khi thì chỗ này, lúc chỗ kia, vẫn còn đó những con người luôn tìm mọi cách bóp méo sự thật, bẻ cong ngòi bút để chụp mũ người lương thiện, công chính. Họ thuộc hạng nói dối chuyên nghề, nên đâu còn chỗ cho Lương Tâm lên tiếng!!! Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn thấy xuất hiện những hạng người “nổ” rất lớn với những lời lẽ “đao to búa lớn”; “rất kêu”, nhưng thực ra những lời đó chẳng khác gì lời nói của con nít, không đáng để chúng ta tin tưởng, bởi lẽ họ “nói mà không làm”; hay “nói một đàng, làm một nẻo”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống và làm chứng trong sự thật, có thế, chúng ta mới được người khác tôn trọng, bằng không, chúng ta chỉ như bọn trẻ nơi phố chợ mà thôi!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng rơi vào tình trạng của các người Pharisêu và Luật Sĩ khi xưa là: cố chấp, bảo thủ, lập lờ và gian dối. Xin cho chúng con biết sử dụng trí tuệ Chúa ban để phục vụ cho công lý và sự thật. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

 SUY NIỆM:

1. Hình ảnh đám trẻ

Để nói về thế hệ đương thời đón nhận như thế nào những dấu chỉ Thiên Chúa thực hiện nơi ông Gioan Tẩy Giả và một cách trọn vẹn và duy nhất nơi chính mình, Đức Giê-su so sánh họ với đám trẻ con chơi trò chơi đám cưới hay đám tang: một số thổi sáo, nhưng những đứa khác không nhảy múa; hoặc một số hát bài đưa đám, nhưng những đứa khác không khóc than.

Hình ảnh đám trẻ chơi trò chơi diễn tả một kinh nghiệm rất thường xẩy ra trong cuộc sống của chúng ta :

  • Tôi đưa tay ra, nhưng người kia không bắt ; hay tôi kể chuyện cười mà không ai chịu cười.
  • Tôi cố giải thích một vấn đề, nhưng anh em hay chị em không hiểu ; và nếu có hiểu thì cũng hiểu sai. Hay sau một hồi cố gắng giải thích, anh em hay chị em lại đặt câu hỏi lạc đề !
  • Tôi bày tỏ những cử chỉ thiện cảm, nhưng anh em hay chị em không nhận ra, hay nghiêm trọng hơn, giải thích sai thậm chí ngược lại.
  • Tôi sống bình thường, thậm chí rất tích cực về mọi mặt (học tập, cộng đoàn, thiêng liêng, tông đồ…), vậy mà anh em hay chị em nhìn mình như thế, suy nghĩ về mình như thế, hiểu mình như thế. Và điều này làm cho chúng ta đau đớn tận đáy lòng.

 2. Đức Giê-su và thế hệ của Người

Đó chính là vấn đề của cả một thế hệ đối với những sáng kiến, những thiện chí, những dấu chỉ mà Thiên Chúa quảng đại ban cho loài người chúng ta. Thế hệ của Đức Giê-su là như thế và chắc chắn thế hệ của chúng ta cũng vậy :

  • Gioan đến không ăn không uống, thì người ta cho là đồ bị quỉ ám.
  • Còn Đức Giê-su, có ăn có uống, lâu lâu đi ăn tiệc, hay ăn cơm khách, thì bị cho là tay ăn nhậu, bạn bè dây dưa với quân thu thuế và phường tội lỗi.

Vậy thì phải có những điều kiện gì để anh em, chị em nhận ra nhau ? Phải như thế nào để thế hệ của Đức Giêsu và thế hệ của chúng ta nhận ra Thiên Chúa nơi các dấu chỉ, và nhất là nơi « Dấu Chỉ Giêsu » ?

 3. Con cái của Đức Khôn Ngoan

Đức Giêsu nói : « Đức khôn ngoan được nhận ra bởi con cái của mình » (Lc 7, 35). Để nhận ra Đức Khôn Ngoan, vốn là chính Đức Kitô, chúng ta phải là con cái của Đức Khôn Ngoan, phải thuộc về Đức Khôn Ngoan, phải hướng về Đức Khôn Ngoan, phải trăn trở và đi tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, phải có thiện cảm và ước ao Đức Khôn Ngoan.

Trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói : « Đức khôn ngoan được nhận ra ngang qua những hoa trái của mình » (Mt 11, 16-19). Và để nghiệm được sự thơm ngon của hoa trái, chúng ta không có cách nào khác, là liều mình nếm thử. Cầu nguyện với Lời Chúa (chẳng hạn theo phương pháp Linh Thao), chính là để « cảm và nếm » những gì thuộc về Đức Giê-su, nhất là Lời và Ngôi vị của Ngài.

*  *  *

Trong cầu nguyện chúng ta hãy xác tín rằng, chúng ta chắc chắn sẽ nghe được Lời Chúa, là sự Khôn Ngoan thần linh, bởi vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa ; và Đức Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa, chính là hình ảnh Thiên Chúa vô hình.

Và giữa chúng ta, để nhận ra nhau, điều kiện cũng y như thế. Bởi vì, tất cả chúng ta là con một Cha trên trời và vì thế là anh chị em của nhau.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

a phải so sánh thế hệ này như thế nào đây? – Suy niệm song ngữ 18.9.2019

Wednesday (September 18): “How shall I compare this generation?”

 

Scripture:  Luke 7:31-35 

31 “To what then shall I compare the men of this generation, and what are they like? 32 They are like children sitting in the marketplace and calling to one another, `We piped to you, and you did not dance; we wailed, and you did not weep.’ 33 For John the Baptist has come eating no bread and drinking no wine; and you say, `He has a demon.’ 34 The Son of man has come eating and drinking; and you say, `Behold, a glutton and a drunkard, a friend of tax collectors and sinners!’ 35 Yet wisdom is justified by all her children.”

Thứ Tư     18-9             Ta phải so sánh thế hệ này như thế nào đây?

 

Lc 7,31-35

31 “Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai?32 Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói:”Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than.33 “Thật vậy, ông Gio-an Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: “Ông ta bị quỷ ám.34 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.35 Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho.”

Meditation: 

 

What do children’ games have to do with the kingdom of God? Games are the favourite pastime of children who play until their energy is spent. The more interaction the merrier the game. The children in Jesus’ parable react with disappointment because they cannot convince others to join in their musical play. They complain that when they make merry music such as played at weddings, no one dances or sings along – and when they play mournful tunes for sad occasions such as funerals, it is the same dead response. This refrain echoes the words of Ecclesiastes 3:4, there is a time to weep and a time to laugh; a time to mourn and a time to dance. Both joyful and sad occasions – such as the birth of a child and the homecoming of a hero or the loss of a loved one or the destruction of a community or nation – demand a response. To show indifference, lack of support or disdain is unfitting and unkind.

Spiritual indifference and deaf ears can block God’s word for us

Jesus’ message of the kingdom of God is a proclamation of good news that produces great joy and hope for those who will listen – but it is also a warning of disaster for those who refuse to accept God’s gracious offer. Why did the message of John the Baptist and the message of Jesus meet with resistance and deaf ears? It was out of jealousy and spiritual blindness that the scribes and Pharisees attributed John the Baptist’s austerities to the devil and they attributed Jesus’ table fellowship as evidence for pretending to be the Messiah. They succeeded in frustrating God’s plan for their lives because they had closed their hearts to the message of  John the Baptist and now they close their ears to Jesus, God’s anointed Son sent to redeem us from bondage to sin and death.

Those who hunger for God will be satisfied

What can make us spiritually dull and slow to hear God’s voice? Like the generation of Jesus’ time, our age is marked by indifference and contempt, especially in regards to the message of God’s kingdom. Indifference dulls our ears to God’s voice and to the good news of the Gospel. Only the humble of heart who are hungry for God can find true joy and happiness. Do you listen to God’s word with expectant faith and the willingness to trust and obey?

“Lord Jesus, open my ears to hear the good news of your kingdom and set my heart free to love and serve you joyfully. May nothing keep me from following you with all my heart, mind, and strength.”

Suy niệm:

 

Các trò chơi của trẻ em có quan hệ gì với nước Thiên Chúa? Trò chơi là sự giải trí yêu thích của trẻ em, những người chơi cho tới khi mệt mới thôi. Trò chơi càng tác động lẫn nhau nhiều, thì càng vui vẻ hơn. Bọn trẻ trong dụ ngôn của Đức Giêsu phản ứng sự thất vọng, bởi vì chúng không thể thuyết phục các trẻ khác tham gia chơi trò thổi kèn. Chúng phàn nàn rằng khi chúng thổi kèn phấn khởi như ở đám cưới, thì không có ai ca hát hay múa nhảy; và khi chúng thổi kèn thảm sầu như ở đám ma, cũng không có ai phản ứng lại. Điều này vang vọng lại những lời của sách Giảng viên 3,4: “Một thời để khóc lóc và một thời để vui cười; một thời để than van và một thời để múa nhảy.” Cả hai cơ hội vui mừng và buồn bã – giống như ngày sinh của một em bé và ngày trở về của vị anh hùng, hoặc sự mất mát một người thân yêu và sự hủy hoại của một cộng đồng hay quốc gia – đòi hỏi sự đáp trả. Bày tỏ sự hờ hững, thiếu quan tâm hay ủng hộ, hay khinh thường là thái độ không thích hợp và xấu xa.

Sự thờ ơ thiêng liêng và tai điếc có thể ngăn cản lời Chúa dành cho chúng ta

Sứ điệp của Đức Giêsu về nước Thiên Chúa là lời công bố Tin mừng đem lại niềm vui và hy vọng lớn cho những ai sẵn sàng lắng nghe; nhưng nó cũng là lời cảnh báo tai họa cho những ai khước từ đón nhận lời mời gọi tốt lành của Thiên Chúa. Tại sao sứ điệp của Gioan Tẩy giả và của Đức Giêsu bị người ta chống đối và bịt tai? Đó là vì sự ghen tị và mù quáng thiêng liêng mà các kinh sư và Pharisêu quy cho những uy quyền của Gioan Tẩy giả là do ma quỷ, và họ quy cho tình bằng hữu đồng bàn của Đức Giêsu như bằng chứng của sự giả vờ về đấng Mêsia. Họ thành công trong việc chống lại kế hoạch của Thiên Chúa cho sự sống của họ, bởi vì họ đã đóng cửa lòng mình trước sứ điệp của Gioan Tẩy giả, và giờ đây họ bịt tai mình trước những lời của Đức Giêsu, người Con được tuyển chọn của Thiên Chúa được sai tới để cứu chúng ta khỏi cảnh nô lệ cho tội lỗi và sự chết.

Ai đói khát Thiên Chúa sẽ được thỏa mãn

Điều gì có thể khiến chúng ta ra lú lẫn và chậm chạp thiêng liêng để nghe tiếng nói của Thiên Chúa? Giống như thế hệ thời Đức Giêsu, thế hệ chúng ta cũng mang dấu hiệu thờ ơ và coi thường, đặc biệt đối với những điều liên quan đến nước Thiên Chúa. Tính thờ ơ làm mê muội tai chúng ta trước tiếng nói của Thiên Chúa và của Tin mừng. Chỉ có những người khiêm tốn trong lòng, những người đói khát Thiên Chúa, mới có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc đích thật. Bạn có lắng nghe lời Chúa với đức tin kiên vững và sự sẵn sàng trông cậy và vâng phục không?

Lạy Chúa Giêsu, xin mở tai con để nghe Tin mừng nước Chúa và xin cho lòng con được thanh thoát để yêu mến và phụng sự Chúa trong vui mừng. Chớ chi không gì ngăn cản con đi theo Chúa với tất cả tâm hồn, tâm trí, và sức lực.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây