Đức Mẹ sầu bi

Thứ hai - 14/09/2020 15:24

 Đức Mẹ sầu bi. Lễ nhớ.

"Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà".

 

Đức Maria đã hiệp thông sâu xa với cuộc thương khó của Chúa Con. Vì thế, Mẹ cũng được liên kết một cách độc nhất vô nhị với cuộc phục sinh của Người. Chính vì thế, sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng ta mừng lễ Đức Maria cùng chia sẻ cuộc thương khó của Đức Giêsu.

Lễ này nhắc cho chúng ta nhớ rằng: dưới chân thánh giá, tình mẫu tử của Đức Maria đã trải rộng ra khắp Thân Thể nhiệm mầu của Chúa Kitô, tức là Hội Thánh.

 

Lời Chúa: Lc 2, 33-35

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, cha và mẹ Chúa Giêsu đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria Mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối.

Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ".

 

SUY NIỆM 1: Đứng gần thập giá

Suy niệm :

Chúng ta thường suy ngắm bảy nỗi đau của Đức Mẹ,

khi Mẹ nghe lời tiên tri của cụ Simêôn về Con, đưa Con trốn qua Ai Cập,

mất Con nơi Đền thờ, cùng Con lên đỉnh Canvê,

khi đứng bên Con chịu đóng đinh, hạ xác Con xuống khỏi thập giá,

và chôn táng Con trong mộ.

Những nỗi đau này đi dọc theo đời của người đã thưa tiếng Xin Vâng.

Những nỗi đau trong lòng người Mẹ, đau vì Con và với Con.

Ngoài bảy nỗi đau này, còn có bao nỗi đau khác không được kể tới.

Chỉ ai yêu mới biết đau.

Khi vẽ hay điêu khắc hình Đức Mẹ,

các nghệ sĩ thường trình bày một Đức Mẹ với khuôn mặt rất vui tươi.

Lễ Đức Mẹ sầu bi nhắc cho ta thấy đời Mẹ cũng có khi buồn.

Vui buồn ở đời là chuyện mấy ai tránh khỏi.

Cần ngắm nhìn khuôn mặt lo lắng của Mẹ khi mất Con hay đem con đi trốn.

Cần chứng kiến khuôn mặt đớn đau của Mẹ khi đứng bên Con trên núi Sọ.

Chính khuôn mặt buồn khổ của Mẹ lại làm chúng ta thấy gần Mẹ hơn.

Khi chia sẻ mọi đau khổ của kiếp người long đong,

Mẹ cảm thông với cái nặng nề của phận người mà ta gánh chịu.

Chúng ta vẫn thường nghĩ đau khổ là hậu quả của tội lỗi.

Điều đó đúng, nhưng không luôn luôn đúng.

Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ khỏi vết nhơ của tội nguyên tổ,

và Mẹ đã đáp lại ơn Chúa bằng việc luôn trung tín, vẹn tuyền.

Nhưng điều đó không làm Mẹ tránh được mọi đau khổ.

Thánh giá đã phủ bóng trên đời Mẹ ngay từ tiếng Xin Vâng đầu tiên.

Khi chấp nhận làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ đã bắt đầu phải trả giá.

Mẹ yêu mến Người Con mà Thiên Chúa ban cho mình,

nhưng đôi tay Mẹ không đủ sức giữ kho tàng quý giá ấy.

Mẹ hy sinh để Con Mẹ bước đi trên con đường khúc khuỷu gập ghềnh.

Nhưng trong đau khổ của hy sinh, Mẹ bình an vì biết mình sống theo ý Chúa.

Hãy đến với Núi Sọ chiều hôm ấy để thấy Mẹ đứng gần thập giá treo Con.

Mẹ đã có mặt trong tiệc cưới Cana khi Con khởi đầu sứ vụ (Ga 2, 1-12).

Bây giờ Mẹ lại có mặt khi Con hoàn tất sứ vụ ấy (Ga 19, 30).

Dù không theo Đức Giêsu trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng,

nhưng Mẹ là môn đệ của Ngài còn hơn những môn đệ khác.

Mẹ không chạy trốn, nhưng muốn nếm trọn nỗi đau của Con để sẻ chia.

Chính vào giây phút này, Đức Giêsu hấp hối làm điều không ai ngờ.

Ngài nối kết Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài dấu yêu,

đặt Mẹ làm mẹ người môn đệ ấy: Thưa Bà, đây là con của Bà (c. 26).

và muốn người môn đệ ấy làm con của Mẹ: Đây là mẹ của anh (c. 27).

Chính dưới chân thập giá, Đức Giêsu đã lập một gia đình mới.

Mẹ là Mẹ của Đức Giêsu ở Cana, bây giờ thành Mẹ của người môn đệ.

Nơi người môn đệ này, các Kitô hữu thấy hình ảnh của chính mình.

Chúng ta cũng muốn đón Mẹ về nhà và nhận Mẹ làm Mẹ.

Mẹ sẽ là người lo cho chúng ta trong ngôi nhà của gia đình mới.

 

Cầu nguyện :

Lạy Mẹ Maria,

khi đọc Phúc Âm,

lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.

Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.

Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.

Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu

trong mọi bước đường của cuộc sống.

Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.

Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con

đừng sợ lên đường mỗi ngày,

đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu

để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 

SUY NIỆM 2: Ðức Mẹ Sầu Bi

(GM Gioan Baotixita Bùi Tuần)

Trong tháng 9 có lễ kính Đức Mẹ sầu bi (15/9).

Dịp này Hội Thánh nhắc cho chúng ta nhớ vai trò của đau khổ trong cuộc đời Đức Mẹ, để chúng ta cũng hiểu vai trò của đau khổ trong cuộc đời chúng ta.

I. Vai trò của đau khổ trong cuộc đời Đức Mẹ

Đức Mẹ phải đau khổ. Đau khổ vì con mình là Chúa Giêsu. Đau khổ vì nhân loại là đàn chiên Chúa muốn cứu chuộc.

Thực vậy, Chúa Giêsu là Tin Mừng đặc biệt cho Đức Mẹ. Nhưng Người cũng là nguyên nhân khiến Đức Mẹ phải đau đớn. Đau đớn vì cảnh nghèo nàn thiếu thốn, khi sinh con trong hang đá Bêlem. Đau đớn vì cảnh đi trốn nhọc nhằn, khi đem con lánh nạn sang Ai Cập. Đau đớn vì cảnh lạc mất con, khi từ đền thánh trở về. Đau đớn vì cảnh lao động lầm than mấy chục năm giữa xóm nghèo ở Nadarét. Đau đớn vì cảnh Chúa Giêsu bị bắt bớ và bị tử hình trên thánh giá ở núi Golgôta.

Những đau đớn đó phải được cắt nghĩa vì lý do cứu chuộc nhân loại. Nhân loại được Chúa đoái thương cứu chuộc. Nhiều người đã đón nhận ơn đó. Nhưng nhiều người đã từ chối ơn đó. Không những thế, họ còn xỉ vả, bắt bớ và kết án chính Đấng Cứu chuộc.

Khi thấy như thế, Đức Mẹ rất đau lòng. Mẹ nhận ra lời tiên tri Simêon xưa đã ứng nghiệm. Chúa Giêsu vừa là duyên cớ cho nhiều người được chỗi dậy, và cũng là duyên cớ cho nhiều người phải vấp ngã (x. Lc 2,34).

Đức Mẹ đã đau đớn thế nào? Tiên tri Simêon tả đau đớn đó bằng một câu rất tượng hình: "Còn chính Bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà" (Lc 2,35).

Khi trái tim bị gươm vật chất đâm thâu, người ta cảm thấy đau đớn như phải chết dữ dằn. Khi tâm hồn bị gươm vô hình đâm thâu, người ta cảm thấy đau khổ cũng như một thứ chết khốn cực.

Để có một cái nhìn đúng đắn về đau khổ nơi Đức Mẹ, chúng ta nên nhớ mấy điều sau đây:
a) Đau khổ của Đức Mẹ là tiếng nói sâu thẳm của tình yêu

Tâm hồn nào càng mến Chúa nhiều, càng cảm thấy đau nhiều, khi thấy tình yêu Chúa bị xúc phạm. Tâm hồn nào càng yêu người nhiều, càng cảm thấy khổ nhiều, khi thấy người khác rơi vào cõi khổ.

Đức Mẹ mến Chúa hết tâm hồn, và yêu thương nhân loại hết lòng. Nên Đức Mẹ dễ nhạy cảm trước bất cứ sự gì xúc phạm đến Chúa và làm hại cho phần rỗi loài người.

Nhạy cảm, nhạy bén là đặc tính cao độ của trái tim Mẹ. Lúc đó, đau khổ nơi Mẹ sầu bi là một tiếng nói sâu thẳm nhất của tình yêu.

Được mến yêu Chúa nhờ ơn Chúa ban, Đức Mẹ cảm thấy một thế giới mới. Xưa thánh Phaolô quả quyết: "Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi" (Pl 3,7-8).

Thánh Phaolô còn cảm thấy thế. Phương chi Đức Mẹ. Đức Mẹ được ơn hiểu thế nào là tình yêu thương xót Chúa, nên Đức Mẹ sẽ rất đau khổ, khi thấy tình yêu thương xót ấy bị người ta dửng dưng, xa tránh, chối từ, chống đối.

b) Đau khổ của Đức Mẹ là tiếng nói của người được ơn hiểu biết ý nghĩa sự tội

Sẽ là ảo tưởng, nếu nghĩ rằng học hỏi giáo lý về tội, nghiên cứu các sứ điệp về sám hối của những lần Đức Mẹ hiện ra, là sẽ hiểu biết thấu đáo ý nghĩa sự tội. Không đâu, ý nghĩa về tội sẽ chỉ hiểu được sâu sắc nhờ ơn Chúa ban, do cầu nguyện, tĩnh tâm, đổi mới tâm hồn thực sự. Thánh Gioan Baotixita xưa đã dành cả đời rao giảng về sự sám hối. Ngài nói: "Anh em hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối" (Lc 3,8). Ngài đã răn đe những ai coi thường tội lỗi. Vì Ngài hiểu biết rất rõ tội lỗi sẽ đưa con người xuống cõi khổ cực ghê gớm đời sau.

Chắc chắn Đức Mẹ còn hơn thánh Gioan Tiền Hô, nên Người phải rất đau đớn khi thấy bao người nhởn nhơ đi vào đàng tội.

c) Đau khổ của Đức Mẹ là tiếng nói của người biết sự quan trọng trong tuyệt đối của phần rỗi

Xưa cũng như nay, nhân loại để sự tự do lôi kéo mình vào những gì nguy hiểm cho phần rỗi. Phần rỗi không phải là một hạnh phúc trả bằng giá rẻ. Nhưng thực tế cho thấy vô số người không quan tâm đủ đến phần rỗi. Trước cảnh đó, Chúa Giêsu đã cảnh cáo: "Nếu người ta được cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?" (Mt 16,26).

Với cái nhìn đó, Chúa Giêsu khuyên người có trách nhiệm hãy cố gắng đi tìm một con chiên lạc, hơn là quây quần với 99 con chiên ngoan (x. Mt 16,12-14).

Đức Mẹ rất hiểu thế nào là thiệt mất phần rỗi, nên Người đã rất đau khổ trước cảnh bao người không quan tâm đến phần rỗi.

Như thế, nói chung, đau khổ nơi Đức Mẹ đã giữ một vai trò hết sức quan trọng, đó là làm chứng cho tình yêu xót thương của Chúa. Đức Mẹ sầu bi vì thế sẽ là một an ủi lớn cho chúng ta, khi chính chúng ta cũng bị đau khổ trong cuộc đời.

II. Vai trò của đau khổ trong cuộc đời chúng ta

Đời là bể khổ. Riêng những người con Chúa sẽ gặp trong đời mình không thiếu nỗi đau như gươm đâm thấu tâm hồn mình.

Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ đôi chút kinh nghiệm.

Tiên vàn, chúng ta phải có một ý hướng tốt lành này về những đau khổ của ta. Ý hướng tốt lành đó là muốn những đau khổ ta chịu sẽ có sức làm chứng cho tình yêu Chúa.

Để được như vậy, hằng ngày chúng ta dâng mọi thứ đau khổ của ta cho Đức Mẹ sầu bi, xin những đau khổ của Mẹ thanh luyện những đau khổ của ta. Bởi vì rất nhiều đau khổ của ta phát xuất từ tính kiêu ngạo, ghen tương, ham hố và ích kỷ muốn theo ý riêng mình.

Khi đau khổ, chúng ta dễ có khuynh hướng đổ trách nhiệm cho người khác. Nên coi đó là nghịch với đức ái khiêm nhường, tự nó lại gây đau khổ cho chính mình và cho người khác. Ở đây xin phép nhắc lại ba lời khuyên của thánh Augustinô:

a) Chớ tự coi mình là quan toà xét xử kẻ khác.

b) Xét đoán tội người khác thì phải khiêm tốn và trọng sự thật. Rất nhiều lần ta đổ cho người khác những lỗi lầm người ta thực sự không có.

c) Nếu người ta có tội, thì cũng nên nhận người ta có thể có nhiều công phúc, công khai và âm thầm.

Để đào tạo thường xuyên trái tim ta, ta nên để ý xét mình về việc ta có chia sẻ những đau khổ đủ thứ xảy đến cho đồng bào xung quanh không? Nhất là ta có hỏi Chúa về việc Chúa cùng đau khổ với bao người. Chúa đau khổ với họ, mà ta không để ý.

Đức Mẹ sầu bi sẽ cho ta thấy: Thánh giá là duyên cớ của sự vấp ngã, nhưng cũng là căn nguyên của sự vinh quang. Mẹ sầu bi sẽ làm cho những vết thương lòng của ta trở thành dòng sông thiêng liêng chuyển ơn cứu độ đến các linh hồn.

 

SUY NIỆM 3: Ðây sẽ là niềm an ủi của con

Một trong những hình ảnh thánh thiện nhất về đời sống Kitô có lẽ là hình ảnh của những người hấp hối trên tay cầm thánh giá.

Người ta kể về một người đạo đức nọ như sau: Trong một cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ còn một phương thế duy nhất có thể hy vọng cứu sống bà đó là tiến hành cuộc giải phẫu. Người đàn bà chấp nhận cuộc giải phẫu, bà yêu cầu cho con trai bà được chứng kiến giờ phút đau khổ của bà. Vào thời buổi mà thuốc tê mê chưa có, thì bệnh nhân thường phải trải qua những cơn đau khủng khiếp. Mặc dù đau đớn vô cùng, nhưng người đàn bà vẫn cứ cắn răng chịu đựng. Nhưng đến cuối giờ mổ, khi các y sĩ chạm đến gần tim, người đàn bà rùng mình kêu lên: "Lạy Chúa tôi". Chứng kiến cảnh đau đớn của người mẹ, người con trai không làm chủ được những cảm xúc, anh đã buột miệng thốt lên những lời phàn nàn phạm đến Chúa. Lúc bấy giờ người mẹ liền nghiêm nghị bảo con: "Con ơi, con hãy im đi, con làm mẹ đau đớn hơn các bác sĩ này nhiều. Con đã làm sỉ nhục Ðấng đã ban sức mạnh và an ủi mẹ". Nói xong, bà ta mở bàn tay ra, và giơ cho mọi người xem một tượng chuộc tội nhỏ bà nắm chặt trong tay suốt giờ mổ. Và đó chính là thứ thuốc tê mê đã xoa dịu cơn đau đớn của bà.

Sau mấy tháng quằn quại trong đớn đau, người đàn bà đã yên nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà đã trao lại cho cậu con trai tượng ảnh chuộc tội và căn dặn: "Con hãy giữ lấy tượng chuộc tội này. Ðây sẽ là niềm an ủi của con".

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ Ðức Mẹ Ðau Khổ, hay cũng thường được gọi là 7 sự thương khó của Ðức Mẹ.

Suốt cuộc đời trần thế, Mẹ Maria quả thực là một người đàn bà đau khổ. Nhưng cũng giống như người đàn bà can đảm trong câu chuyện trên đây, Mẹ luôn có Chúa bên cạnh. Còn nỗi đớn đau nào bằng khi ôm lấy xác Chúa được tháo gỡ từ thập giá? Nhưng đó cũng là bí quyết của Mẹ. Mẹ luôn có Chúa trong lòng, từ lúc cất giữ mọi sự trong lòng để suy niệm cho đến lúc ôm lấy xác Chúa: từng phút giây của cuộc sống, Mẹ đau khổ nhưng luôn có Chúa trong lòng. Sự hiện diện của Chúa trong lòng đã giúp Mẹ đi hết cuộc hành trình Ðức Tin.

Là mẫu mực trong cuộc hành trình Ðức Tin, Mẹ cũng muốn trao gởi Ðấng Cứu Thế cho mỗi người chúng ta. Mang lấy Ðức Kitô chịu đóng đinh trong mình, chúng ta sẽ cảm thấy được sự nâng đỡ trong muôn nghìn thử thách đớn đau trong cuộc sống.

Mẹ Maria đã đảm bảo cho chúng ta điều đó. Chúng ta hãy kết hiệp với thập giá của Ðức Kitô. Trong mọi đau khổ, chúng ta hãy ngước nhìn lên thập giá của Ngài. Chúng ta hãy thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi chỉ biết có mỗi Ðức Kitô chịu đóng đinh".

(Trích trong ‘Lẽ Sống’)

 

SUY NIỆM 4: Ðức Mẹ Sầu Bi

Liền sau lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa được mừng hàng năm vào ngày (14/09) là lễ kính Ðức Mẹ Sầu Bi (15/09), chúng ta không thể nào tách rời Mẹ Maria ra khỏi thập giá Chúa. Danh gọi lễ kính Ðức Mẹ Sầu Bi có thể làm chúng ta dễ hiểu lầm chỉ nghĩ đến khía cạnh sầu bị, đau buồn mà quên đi khía cạnh tích cực được tham dự vào sự đau khổ có sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa. Mẹ Maria âm thầm dâng hiến chính mình cùng với hy tế của Con, được lãnh nhận đặc ân là tham dự vào cuộc cứu rỗi trở nên người Mẹ của toàn thể nhân loại.

Ðoạn Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến khía cạnh Mẹ Maria đứng bên thập giá Chúa và lãnh nhận lời Chúa trăn trối làm Mẹ của Gioan, làm Mẹ của toàn thể nhân loại. Ðoạn Phúc Âm không nhắc tới nỗi sầu bi của Mẹ khi đứng dưới chân thập giá Chúa. Trong số các sách Phúc Âm thì chỉ có Phúc Âm theo thánh Luca có nhắc tới lời loan báo trước của cụ già Simêon, nói về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Mẹ (Lc 2,35). Chắc lúc đứng dưới chân thập giá Chúa hơn mọi lúc khác Mẹ Maria đã đau khổ, niềm đau của một người mẹ nhìn thấy con mình đang hấp hối sau khi đã phải chịu những tra tấn, khổ hình và sỉ nhục. Thái độ của Mẹ đáng chúng ta bắt chước. Mẹ đã không tự ý đi tìm vinh quang được ngồi bên hữu bên tả Chúa như một người nọ đã đón đường Chúa lên Giêrusalem để xin đặc ân này cho hai người con của mình. Mẹ Maria không tránh né đau khổ nhưng sẵn sàng đứng bên cạnh con cùng dâng hiến với con trong âm thầm và như vậy được thông phần vào ơn cứu rỗi. Mẹ đã âm thầm nhưng rất mực trung thành hành trình bên cạnh Con Mẹ luôn luôn trong mọi lúc, lúc Con Mẹ mới bắt đầu công việc rao giảng, trong khi rao giảng Tin Mừng và giờ đây kết thúc quan trọng trên thập giá, trên đồi Golgotha.

Lạy Mẹ Maria,

Xin Mẹ hãy đồng hành bên cạnh con như Mẹ hiện diện bên cạnh Con Mẹ. Chúng con cần đến Mẹ nhất là khi gặp những gian nan thử thách. Xin Mẹ giúp chúng con trung thành với ơn gọi và với Chúa Giêsu Con Mẹ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 5: Đức Mẹ đau khổ

Mẹ đứng kề Thánh Giá ! Mẹ đứng đó với Gioan và với cả hai tên trộm cướp ! Mẹ đứng đó, trên đồi Gôlgôtha, không xa mấy, dưới chân đồi, đám dân, những người tò mò, những người vô can, những người kêu khóc, những người sợ hãi đang đứng dưới bóng cây thánh giá, bóng Đức Mẹ và Con Ngài, họ cảm thấy mình hoàn toàn không chịu trách nhiệm về cái chết này. Còn những kẻ thi hành án và những kẻ có quyền thì sao ? Họ không cúi đầu, lại chê cười thất vọng và chua chát !

Đứng kề !

Đức Mẹ không lo nghĩ đến bị rơi vào bất tỉnh trước những sỉ nhục, những kết tội của kẻ thù, những la ó, Mẹ đứng đó, đứng thẳng ! Điều quan trọng hơn đối với Mẹ là Con Ngài là xương là thịt của xương thịt Ngài, Kìa đang bị treo trên thánh giá, Người là sự hy vọng cùng đích bảo đảm cho tất cả, nhờ sự hiện diện của Mẹ, nhờ bà Mẹ này, mọi sự ước muốn và yêu dấu được toại nguyện !

Mẹ đứng đó, đứng thẳng vững chắc, trong thái độ xin vâng ! Mẹ luôn luôn sẵn sàng tiếp tục ơn gọi suốt đường đời, ơn gọi tới tận chân thánh giá. Chỉ một mình Thiên Chúa xứng đáng trọn đời trên thập giá ! vượt trên mọi lượng định nhân loại của Đức Mẹ. Mẹ không được chọn vì cây thập giá, nhưng được chọn cùng với các con cháu loài người để đón nhận vào cuộc sống của Mẹ như bình thánh đựng máu tình yêu  của con Ngài mới có sức tắm rửa, thanh tẩy và làm sống lại.

Chăm chú

Đức Mẹ dâng tiến lên Thiên Chúa và cho thế nhân con của Mẹ, đồng thời Mẹ chăm chú lắng nghe con Ngài, Mẹ chú ý lắng nghe tiếng con Mẹ và đã nghe thấy nguyện vọng sau cùng của Người  thốt lên.

Ma-ri-a lúc truyền tin, đã chú ý lắng nghe Đấng Messia của Israel, và đã thành bà mẹ.

Bây giờ Mẹ đang chú ý ! Mẹ đoán mọi sự chưa hoàn tất đối với Mẹ ! Ước chi cuộc sống Mẹ còn tiếp tục ! Mẹ sẽ nhận được lời nguyện cuối cùng của Con Mẹ, Mẹ bắt đầu lắng nghe mọi người bởi vì Mẹ đang lắng nghe Thiên Chúa !

Là chứng nhân về tình yêu Con Mẹ, Mẹ được chia sẻ với Người sống đến tột đỉnh của đức tin.

J.M.

 

SUY NIỆM 6: Lễ Đức Mẹ sầu bi

Chúng ta đặc biệt tưởng nhớ bảy niềm đau lớn lao trong cuộc đời của Mẹ. Niềm đau thứ nhất là khi Mẹ dâng Chúa Hài Nhi Giêsu trong đền thánh. Tại đây, cụ tiên tri Simêon nói với Mẹ rằng một lưỡi gươm đau khổ sẽ đâm thấu tâm hồn của Mẹ.

Vì là Mẹ của Đức Chúa Giêsu, Mẹ Maria có rất nhiều niềm vui nhưng Mẹ cũng phải chịu nhiều đau khổ. Tình yêu quảng đại đối với Con chí thánh đã khiến Mẹ Maria phải đau khổ khi nhìn thấy Đức Chúa Giêsu bị các kẻ thù đối xử tàn bạo. Mẹ là Nữ Vương các thánh tử đạo vì Mẹ đã trải qua những đau khổ tinh thần mà những đau khổ này khủng khiếp hơn rất nhiều so với những khổ hình thể xác của các thánh tử đạo. Trái tim Mẹ ví tựa bàn thờ khi Mẹ dâng Con yêu quý của Mẹ là Đức Chúa Giêsu để cứu độ chúng ta trên ngọn đồi Canvê. Thật là đau khổ biết bao khi một người mẹ rất mực đáng yêu phải chứng kiến cảnh tượng con mình chịu chết trên thập giá.

Chúng ta đặc biệt tưởng nhớ bảy niềm đau lớn lao trong cuộc đời của Mẹ. Niềm đau thứ nhất là khi Mẹ dâng Chúa Hài Nhi Giêsu trong đền thánh. Tại đây, cụ tiên tri Simêon nói với Mẹ rằng một lưỡi gươm đau khổ sẽ đâm thấu tâm hồn của Mẹ. Việc đó sẽ xảy ra khi Đức Chúa Giêsu bị lên án tử. Niềm đau thứ hai là Đức Mẹ và thánh Giuse phải chạy trốn sang Ai Cập với Đức Chúa Giêsu vì quân lính của vua Hêrôđê đang tìm giết Người. Niềm đau thứ ba xảy ra lúc Đức Mẹ tìm kiếm Đức Chúa Giêsu suốt ba ngày tại đền thánh Giêrusalem. Sau cùng, Mẹ đã tìm thấy Chúa trong đền thờ. Niềm đau thứ tư của Mẹ là khi Đức Chúa Giêsu bị quân dữ đánh đòn và đội mão gai. Niềm đau thứ năm là khi Mẹ xem thấy Đức Chúa Giêsu bị treo trên cây thập giá, nơi Chúa tắt thở sau ba giờ hấp hối. Niềm đau thứ sáu của Mẹ là lúc thân xác bất động của Đức Chúa Giêsu được trao phó trong vòng tay Mẹ. Và niềm đau thứ bảy mà Mẹ phải chịu là lúc Đức Chúa Giêsu chịu mai táng trong mồ.

Mẹ Maria đã chẳng hối tiếc hay phàn nàn gì khi phải chịu đau khổ quá nhiều trong suốt cuộc đời Mẹ. Thay vào đó, Mẹ dâng lên Thiên Chúa những thống khổ của Mẹ  vì chúng ta. Mẹ chính là Mẹ thật của mỗi người chúng ta. Bởi quá yêu thương chúng ta, Mẹ đã vui sướng cùng chịu đau khổ với Đức Chúa Giêsu Con Mẹ để một ngày kia chúng ta cũng được chia sẻ niềm vui của Mẹ cùng với Đức Chúa Giêsu trên thiên đàng.

Để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ sầu bi, hôm nay chúng ta hãy dâng lên Mẹ vài hy sinh nhỏ mà không phàn nàn chi. Chúng ta cũng hãy suy ngắm từng niềm đau của Mẹ và cảm ơn Mẹ về tình yêu cao cả mà Mẹ đã dành cho mỗi người chúng ta.

 

SUY NIỆM 7: Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có Thân Mẫu Người

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.)

1. Đức Mẹ Sầu Bi

Hôm nay, chúng ta cử hành lễ nhớ “Đức Mẹ Sầu Bi”. Như thế, trong đời sống của Đức Mẹ, cũng có những điều sầu bi, như trong đời sống của tất cả mọi người chúng ta. Trong suốt năm phụng vụ, chúng ta có nhiều lễ tôn vinh Đức Maria, Mẹ của chúng ta, nhưng hầu như luôn luôn là vì những ân huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho Mẹ (chẳng hạn ơn vô nhiễm, ơn lên trời, ơn làm Nữ Vương…), hay là vì những biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Mẹ (chẳng hạn Sinh Nhật, Truyền Tin, Thăm Viếng…). Chính vì thế mà, lễ Đức Mẹ Sầu Bi là một ngày lễ rất đặc biệt, bởi vì lễ này mời gọi chúng ta tôn vinh Đức Mẹ, với một khuôn mặt rất đời thường, và vì thế rất gần gũi với chúng ta : Đức Mẹ Sầu Bi, và chúng ta cũng sầu bi, không phải một lần, nhưng nhiều lần trong cuộc đời !

Vậy chúng ta đã có và đang có những sầu bi nào ? Tuy nhiên, trong ngày lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi hướng về Đức Mẹ và “suy chiêm” những đau khổ của Mẹ. Bởi vì, những đau khổ của Mẹ sẽ làm cho chúng ta hiểu biết Mẹ hơn và như thế, yêu mến Mẹ nhiều hơn. Ngoài ra, những đau khổ của Mẹ còn soi sáng và dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống đầy khổ đau này.

2. Bảy sự đau khổ của Đức Mẹ

Như chúng ta đều đã biết, Truyền Thống của Giáo Hội thích dựa vào các Tin Mừng, để kể ra những đau khổ của Đức Mẹ, và Giáo Hội kể ra được bảy đau khổ; vì thế, ngày lễ hôm nay, còn được gọi là lễ “Đức Mẹ Bảy Sự”. Con số “bảy” cũng thật là ý nghĩa, bởi vì số 7 đối với người Do Thái, là con số hoàn hảo, cũng giống như số 9 đối với chúng ta. Điều này làm cho chúng ta nhớ lại các con số bảy của bài một Tin Mừng theo thánh Mát-thêu: bảy lần ; bảy mươi lần bảy (x. Mt 18, 21-35) ; bảy giỏ (x. Mc 8, 8). Sau đây là “bảy sự” của Đức Mẹ:

Lời của cụ ngôn sứ Simêon về Đức Maria (Lc 2, 25-35), là bài Tin Mừng chúng ta có thể đọc trong ngày lễ hôm nay, theo sách Phụng Vụ các bài đọc.

Trốn sang Ai-cập (Mt 2,13-15)

Lạc mất Đức Giê-su (Lc 2,41-52)

Đức Mẹ nhìn Đức Giê-su vác thập giá (Lc 23,27)

Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25-27), là bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay.

Đức Mẹ đón nhận thân xác đã chết của Đức Giê-su (Ga 19,38-40)

Đức Mẹ ở bên mộ Đức Giê-su (Ga 19,41-42)

Điều phải đánh động chúng ta, khi đọc qua danh sách bảy sự đau khổ của Đức Mẹ, đó là mọi sự đau khổ của mẹ đều có liên quan đến Đức Giê-su, con của Mẹ; một cách cụ thể, những đau khổ của Mẹ đến từ biến cố Giáng Sinh, đến từ đời sống ẩn dật, đến từ sứ mạng rao giảng Nước Trời, đến từ cuộc Thương Khó, đến từ Thập Giá, và sau cùng đến từ cái chết của Ngài.

Như thế, chính khi Đức Mẹ thưa “xin vâng”, đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, để đón nhận Đức Giê-su, Con Thiên Chúa vào trong cuộc đời của mình, và chính khi Đức Mẹ sống lời xin vâng của mình mỗi ngày và sống cho đến cùng, đến tận chân Thập Giá và cho đến hết cuộc đời, thì tất yếu đau khổ xẩy ra cho Mẹ. Bởi vì, như chúng ta có thể nhận ra trong bảy đau khổ của Mẹ: Đức Mẹ sinh ra Đức Giê-su, nhưng Đức Mẹ lại được mời gọi không nuôi nấng và dưỡng dục Ngài theo ý riêng của mình, theo chương trình hay kế hoạch riêng của mình, nhưng là để cho Ngài lớn lên theo chương trình của Thiên Chúa; Đức Mẹ đón nhận Đức Giê-su vào cung lòng và vào cuộc đời mình, nhưng Mẹ lại được mời gọi, như tất cả chúng ta cũng được mời gọi, đi theo Đức Giê-su trên con đường của Ngài ; mà con đường của Đức Giê-su là con đường dẫn đến Thánh Giá.

Những đau khổ của Mẹ đến từ việc Mẹ đi theo Đức Ki-tô, Mẹ gắn bó thiết thân với Đức Ki-tô, Mẹ trở nên một với Đức Ki-tô, nhất là với “Đức Ki-tô chịu đóng đinh”. Và tất cả chúng ta đều có cùng một kinh nghiệm này, giống như Đức Mẹ. Thật vậy, từ khi chúng ta trở thành Ki-tô hữu, và nhất là từ khi chúng ta đáp lại tiếng gọi đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay trong ơn gọi dâng hiến, và cố gắng sống ơn gọi của chúng ta mỗi ngày, chúng ta phải cho đi chính mình, cho đi thời gian, cho đi tất cả những gì rất thiết thân đối với chúng ta, đó là quyền làm chủ, giới tính và tình cảm, ý muốn… , thì tất yếu sẽ có nhiều đau khổ. Nhưng tại sao chúng ta lại mang vào mình những đau khổ, nếu không phải là muốn noi gương Đức Mẹ ?

Thật vậy, như Đức Mẹ, vì tình yêu đối với Đức Ki-tô, chúng ta ước ao trở nên nữ tì, trở nên tôi tớ của Ngài, chúng ta ước ao sống theo Lời của Ngài. Và chính tình yêu và lòng ước ao này làm cho chúng ta hạnh phúc bất chấp những đau khổ, và ngay trong những đau khổ, bởi vì có một niềm hạnh phúc đặc biệt, đó là hạnh phúc đau khổ vì tình yêu. Như thánh Augustino nói : “Trong tình yêu không có đau khổ, và nếu có đau khổ, thì đau khổ này đã được yêu rồi”.

3. Đau khổ thứ năm : Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá

Hình ảnh Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá, mà bài Tin Mừng mời gọi chúng ta chiêm ngắm trong ngày lễ hôm nay, nói lên sự nghịch lí này của Tin Mừng và của mầu nhiệm Vượt Qua.

Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững chứ không ngã quị. Chúng ta nên đi lại hành trình của Mẹ Maria, từ biến cố truyền tin, để hiểu được tại sao Mẹ đứng vững. Chúng ta cũng cần đi theo Đức Kitô như Mẹ, để có thể đứng vững dưới chân thập giá. Và không cần phải đợi đến biến cố phục sinh, nhưng ở tột đỉnh của sự trao ban, nghĩa là trao ban đến không còn gì, chúng ta được mời gọi nhận ra sự sống mới phát sinh, phát sinh thật đồi dào, phát sinh từ Lời sự sống của Đức Giêsu được thốt lên ngay nơi chết chóc và lúc Ngài đang chết đi. Thật vậy, ngay trong đau khổ của sự chết, một Gia Đình mới phát sinh : Đức Giê-su, nhìn Mẹ, và nói: Thưa Bà, đây là con của Bà. (c. 19, 26)

Như thế, chính lúc Mẹ đang mất đi người con này, mẹ trở thành Mẹ của người con khác; và từ người con này, dưới sức mạnh của Đấng Phục Sinh, sẽ trở thành đông đúc, trong đó có cả con trai lẫn con gái. Chính lúc Mẹ bình an dâng hiến người con Duy Nhất, Mẹ nhận lại gấp trăm, nơi Người Môn Đệ Đức Giê-su thương mến. Và Mẹ cũng không mất đi Người Con Duy Nhất của Mẹ, vì Ngài sẽ hiện diện ở nơi anh chị em mới của Ngài.

Từ hi sinh thập giá, giữa cơn thử thách, ngay trong sự chết, một nhân loại mới phát sinh: những gì của con là của Mẹ; những gì của Thầy là của anh. Cái chết của Đức Giêsu đã làm phát sinh sự sống: Mẹ trở thành Mẹ của Người Môn Đệ Đức Giêsu yêu mến, đại diện cho tất cả các môn đệ thuộc mọi thời; khi dâng hiến người con duy nhất, Mẹ không mất đi, nhưng nhận lại Ngài nơi các môn đệ, nơi cả một đàn con đông đúc. Bởi vì, Đức Giêsu sẽ đi vào sự sống mới và hiện diện bên cạnh, ở giữa và bên trong các môn đệ nam nữ.

Xin Chúa cũng ban cho chúng ta có cùng một kinh nghiệm của Đức Mẹ: dưới chân thập giá đau thương của cuộc đời, của hành trình ơn gọi, xin chúng ta cảm nhận với niềm vui và hạnh phúc, sự sống mới của Đức Ki-tô đang phát sinh ngay hôm nay, và phát sinh thật dồi dào.

 

SUY NIỆM 8: Đức Mẹ sầu bi

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

A. Hôm qua chúng ta mừng lễ Suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu. Hôm nay chúng ta mừng lễ “Mẹ Sầu Bi” Mẹ đau khổ với Chúa Giêsu con của Mẹ. Khi cho con cái mình mừng lễ này, Giáo Hội cho chúng ta thấy có một sự liên kết hết sức chặt chẽ giữa những sự đau khổ của Đức Maria và đau khổ của Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá. Việc làm như thế cũng là một điều dễ hiểu. Chính vì thế mà ngày xưa người ta mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi vào thứ sáu trước lễ Lá. Hai cuộc đau khổ phải được nối kết với nhau cách chặt chẽ; cũng như cuộc đau khổ của chúng ta cũng phải được nối kết với đau thương của Chúa Giêsu.

Bảy sự đau thương của Đức Mẹ được liệt kê theo bản văn phụng vụ như sau:

1. Lời tiên báo của ông Simêon (Lc 2,3435)

2. Trốn sang Ai Cập (Mt 2,1315)

3. Ba ngày đi tìm Chúa trong Đền Thờ (Lc 2,4152)

4. Con đường lên Golgotha

5. Cuộc đóng đinh

6. Hạ xác Chúa xuống

7. Chôn xác Chúa trong mồ. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

B. Khi mô tả Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá Chúa Giêsu, Thánh Gioan viết: Mẹ đứng sát cạnh cây Thánh Giá.

Mẹ không rũ rượi như những người mẹ khác khi thấy con mình đang chết đau đớn, nhưng người “đứng”, trong một tư thế rất kiên vững. Thế “đứng” của Đức Mẹ đã là đề tài cho bao người chiêm ngưỡng và suy gẫm: Stabat Mater dolorosa!

Đức Mẹ dưới chân Thập giá để được đồng công cứu chuộc, có nghĩa là Mẹ kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu con Mẹ để trở thành nguồn ơn cứu chuộc cho loài người.

Đức Mẹ đứng gần bên thánh giá. Cuộc tử đạo này của Đức Trinh Nữ Maria đã được báo trước nhờ lời tiên báo của ông già Simêôn, cũng như chính bài tường thuật cuộc Thương Khó của Chúa. Về Hài Nhi Giêsu, ông già nói rằng: "Cháu sẽ là dấu hiệu bị người đời chống báng, còn bà - ông nói với Đức Maria - bà sẽ bị nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thâu" (Lc 2,34-35).

Vâng! Một lưỡi gươm đã đâm thâu lòng Mẹ. Lưỡi gươm ấy không thể đâm vào thân con của Mẹ mà một trật không đâm thâu lòng Mẹ. Thật đúng như vậy, Chúa Giêsu, Con của Mẹ tuy là của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là riêng của Mẹ. Lưỡi gươm đó không tha cho một người đã chết mà nó không còn làm hại được nữa, nhưng nó đã mở sườn Người ra; và chính lúc đó, nó lại đâm thâu lòng Mẹ. Lòng Mẹ đã bị đau khổ đâm thâu, vì vậy, chúng ta thật có lý mà tuyên bố rằng Mẹ còn hơn cả vị tử đạo, bởi vì nỗi đau do việc Mẹ cùng chịu khổ chắc chắn đã vượt quá sự đau khổ trong thân xác.

Thánh Bênađô viện phụ nói: "Thưa anh em, anh em đừng ngạc nhiên khi Đức Maria được gọi là vị tử đạo trong tâm hồn. Có ngạc nhiên chăng là kẻ đã quên lời thánh Phaolô nói rằng, một trong những tội tày trời của dân ngoại là vô tâm bạc tình. Một tội như thế thật xa lạ đối với lòng dạ Đức Maria. Ước gì tội đó cũng xa lạ đối với lòng dạ các tôi tớ mọn hèn của Mẹ.

Biết đâu lại có kẻ chẳng nói: Nào Mẹ lại không biết trước Chúa Giêsu phải chết sao? – Dĩ nhiên là biết. Nào Mẹ chẳng hy vọng Người sẽ sống lại ngay sao? – Dĩ nhiên, với tất cả lòng tin. Và dù vậy, Người cũng đau khổ khi thấy Con mình bị đóng đinh, phải thế không? – Phải, và đau khổ ghê gớm. Này người anh em, bạn là ai? Khôn ngoan của bạn ở đâu mà bạn lại ngạc nhiên vì Đức Maria cùng chịu thương khó hơn là vì Đức Giêsu, Con của Người chịu thương khó? Về phần xác, Con của Mẹ đã chết, còn Mẹ, Mẹ đã chẳng chết trong tâm hồn với Con sao? Chính tình thương đã khiến Chúa Kitô chịu thương khó, và không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người. Và kể từ đây, không có tình thương nào sánh nổi với tình thương đã khiến Đức Maria cùng chịu thương khó với Con của Người."

Nino Salvaneshi đã thật có lý khi viết “Sung sướng kéo tâm hồn xuống đất, khổ đau nâng tâm hồn lên trời”

Hãy tin tưởng nơi Mẹ. Mẹ đã cùng đồng công cứu chuộc với Chúa Giêsu thì hôm nay trên Thiên Đàng chắc chắn Mẹ cũng được chia sẻ vinh quang quyền uy với Chúa Giêsu con của Mẹ.

Mẹ Têrêsa kể: "Khi hội dòng Thừa Sai Bác ái vừa được thành lập, chúng tôi khẩn thiết cần một ngôi nhà để làm nhà mẹ, thế là tôi khấn xin Đức Trinh Nữ một căn nhà và hứa sẽ dâng cho Đức Mẹ 85.000 kinh Hãy Nhớ:

Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người này chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ, là nữ đồng trinh trên hết các kẻ đồng trinh. Xin Đức Mẹ đoái đến con, là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một rủ lòng thương và nhận lời con cùng. Amen.

Hồi ấy con số các dì chưa đông. Làm sao để trả nợ cho Mẹ Maria đây?

Cuối cùng tôi nghĩ ra cách: tập trung tất cả các trẻ em và những người đau yếu, chúng tôi đang chăm sóc tại Nirmal Hriday và Shishu Bhavan. Tôi dạy họ kinh Hãy Nhớ đó và tất cả chúng tôi cùng hứa đọc.

Chẳng bao lâu tòa nhà trở thành của chúng tôi.

 SUY NIỆM

1. Đức Mẹ Sầu Bi

Hôm nay, chúng ta cử hành lễ nhớ « Đức Mẹ Sầu Bi ». Như thế, trong đời sống của Đức Mẹ, cũng có những điều sầu bi, như trong đời sống của tất cả mọi người chúng ta. Trong suốt năm phụng vụ, chúng ta có nhiều lễ tôn vinh Đức Maria, Mẹ của chúng ta, nhưng hầu như luôn luôn là vì những ân huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho Mẹ (chẳng hạn ơn vô nhiễm, ơn lên trời, ơn làm Nữ Vương…), hay là vì những biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Mẹ (chẳng hạn Sinh Nhật, Truyền Tin, Thăm Viếng…). Chính vì thế mà, lễ Đức Mẹ Sầu Bi là một ngày lễ rất đặc biệt, bởi vì lễ này mời gọi chúng ta tôn vinh Đức Mẹ, với một khuôn mặt rất đời thường, và vì thế rất gần gũi với chúng ta : Đức Mẹ Sầu Bi, và chúng ta cũng sầu bi, không phải một lần, nhưng nhiều lần trong cuộc đời !

Vậy chúng ta đã có và đang có những sầu bi nào ? Tuy nhiên, trong ngày lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi hướng về Đức Mẹ và « suy chiêm » những đau khổ của Mẹ. Bởi vì, những đau khổ của Mẹ sẽ làm cho chúng ta hiểu biết Mẹ hơn và như thế, yêu mến Mẹ nhiều hơn. Ngoài ra, những đau khổ của Mẹ còn soi sáng và dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống đầy khổ đau này.

2. Bảy sự đau khổ của Đức Mẹ

Như chúng ta đều đã biết, Truyền Thống của Giáo thích dựa vào các Tin Mừng, để kể ra những đau khổ của Đức Mẹ, và Giáo Hội kể ra được bảy đau khổ ; vì thế, ngày lễ hôm nay, còn được gọi là lễ « Đức Mẹ Bảy Sự ». Con số « bảy » cũng thật là ý nghĩa, bởi vì số 7 đối với người Do Thái, là con số hoàn hảo, cũng giống như số 9 đối với chúng ta. Điều này làm cho chúng ta nhớ lại các con số bảy của bài một Tin Mừng theo thánh Mát-thêu : bảy lần; bảy mươi lần bảy (x. Mt 18, 21-35); bảy giỏ (x. Mc 8, 8). Sau đây là « bảy sự » của Đức Mẹ: 

  • Lời của cụ ngôn sứ Simêon về Đức Maria (Lc 2, 25-35), là bài Tin Mừng chúng ta có thể đọc trong ngày lễ hôm nay, theo sách Phụng Vụ các bài đọc.Trốn sang Ai-cập (Mt 2,13-15)
  • Trốn sang Ai-cập (Mt 2,13-15)
  • Lạc mất Đức Giê-su (Lc 2,41-52)
  • Đức Mẹ nhìn Đức Giê-su vác thập giá (Lc 23,27)
  • Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25-27), là bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay.
  • Đức Mẹ đón nhận thân xác đã chết của Đức Giê-su (Ga 19,38-40)
  • Đức Mẹ ở bên mộ Đức Giê-su (Ga 19,41-42)

Điều phải đánh động chúng ta, khi đọc qua danh sách bảy sự đau khổ của Đức Mẹ, đó là mọi sự đau khổ của mẹ đều có liên quan đến Đức Giê-su, con của Mẹ ; một cách cụ thể, những đau khổ của Mẹ đến từ biến cố Giáng Sinh, đến từ đời sống ẩn dật, đến từ sứ mạng rao giảng Nước Trời, đến từ cuộc Thương Khó, đến từ Thập Giá, và sau cùng đến từ cái chết của Ngài.

Như thế, chính khi Đức Mẹ thưa « xin vâng », đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, để đón nhận Đức Giê-su, Con Thiên Chúa vào trong cuộc đời của mình, và chính khi Đức Mẹ sống lời xin vâng của mình mỗi ngày và sống cho đến cùng, đến tận chân Thập Giá và cho đến hết cuộc đời, thì tất yếu đau khổ xảy ra cho Mẹ. Bởi vì, như chúng ta có thể nhận ra trong bảy đau khổ của Mẹ : Đức Mẹ sinh ra Đức Giê-su, nhưng Đức Mẹ lại được mời gọi không nuôi nấng và dưỡng dục Ngài theo ý riêng của mình, theo chương trình hay kế hoạch riêng của mình, nhưng là để cho Ngài lớn lên theo chương trình của Thiên Chúa ; Đức Mẹ đón nhận Đức Giê-su vào cung lòng và vào cuộc đời mình, nhưng Mẹ lại được mời gọi, như tất cả chúng ta cũng được mời gọi, đi theo Đức Giê-su trên con đường của Ngài ; mà con đường của Đức Giê-su là con đường dẫn đến Thánh Giá.

Những đau khổ của Mẹ đến từ việc Mẹ đi theo Đức Ki-tô, Mẹ gắn bó thiết thân với Đức Ki-tô, Mẹ trở nên một với Đức Ki-tô, nhất là với « Đức Ki-tô chịu đóng đinh ». Và tất cả chúng ta đều có cùng một kinh nghiệm này, giống như Đức Mẹ. Thật vậy, từ khi chúng ta trở thành Ki-tô hữu, và nhất là từ khi chúng ta đáp lại tiếng gọi đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay trong ơn gọi dâng hiến, và cố gắng sống ơn gọi của chúng ta mỗi ngày, chúng ta phải cho đi chính mình, cho đi thời gian, cho đi tất cả những gì rất thiết thân đối với chúng ta, đó là quyền làm chủ, giới tính và tình cảm, ý muốn… , thì tất yếu sẽ có nhiều đau khổ. Nhưng tại sao chúng ta lại mang vào mình những đau khổ, nếu không phải là muốn noi gương Đức Mẹ ?

Thật vậy, như Đức Mẹ, vì tình yêu đối với Đức Ki-tô, chúng ta ước ao trở nên nữ tì, trở nên tôi tớ của Ngài, chúng ta ước ao sống theo Lời của Ngài. Và chính tình yêu và lòng ước ao này làm cho chúng ta hạnh phúc bất chấp những đau khổ, và ngay trong những đau khổ, bởi vì có một niềm hạnh phúc đặc biệt, đó là hạnh phúc đau khổ vì tình yêu. Như thánh Augustino nói : « Trong tình yêu không có đau khổ, và nếu có đau khổ, thì đau khổ này đã được yêu rồi ».

3. Đau khổ thứ năm: Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá

Hình ảnh Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá, mà bài Tin Mừng mời gọi chúng ta chiêm ngắm trong ngày lễ hôm nay, nói lên sự nghịch lí này của Tin Mừng và của mầu nhiệm Vượt Qua.

Dưới chân thập giá, Mẹ sầu bi, nhưng Mẹ vẫn đứng vững chứ không ngã quỵ. Chúng ta nên đi lại hành trình của Mẹ Maria, từ biến cố truyền tin, để hiểu được tại sao Mẹ đứng vững. Chúng ta cũng cần đi theo Đức Kitô như Mẹ, để có thể đứng vững dưới chân thập giá. Và không cần phải đợi đến biến cố phục sinh, nhưng ở tột đỉnh của sự trao ban, nghĩa là trao ban đến không còn gì, chúng ta được mời gọi nhận ra sự sống mới phát sinh, phát sinh thật dồi dào, phát sinh từ Lời sự sống của Đức Giêsu được thốt lên ngay nơi chết chóc và lúc Ngài đang chết đi. Thật vậy, ngay trong đau khổ của sự chết, một Gia Đình mới phát sinh : Đức Giê-su, nhìn Mẹ, và nói: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”

Như thế, chính lúc Mẹ đang mất đi người con này, mẹ trở thành Mẹ của người con khác; và từ người con này, dưới sức mạnh của Đấng Phục Sinh, sẽ trở thành đông đúc, trong đó có cả con trai lẫn con gái. Chính lúc Mẹ bình an dâng hiến người con Duy Nhất, Mẹ nhận lại gấp trăm, nơi Người Môn Đệ Đức Giê-su thương mến. Và Mẹ cũng không mất đi Người Con Duy Nhất của Mẹ, vì Ngài sẽ hiện diện ở nơi anh chị em mới của Ngài.

Từ hi sinh thập giá, giữa cơn thử thách, ngay trong sự chết, một nhân loại mới phát sinh: những gì của con là của Mẹ; những gì của Thầy là của anh. Cái chết của Đức Giêsu đã làm phát sinh sự sống: Mẹ trở thành Mẹ của Người Môn Đệ Đức Giêsu yêu mến, đại diện cho tất cả các môn đệ thuộc mọi thời; khi dâng hiến người con duy nhất, Mẹ không mất đi, nhưng nhận lại Ngài nơi các môn đệ, nơi cả một đàn con đông đúc. Bởi vì, Đức Giêsu sẽ đi vào sự sống mới và hiện diện bên cạnh, ở giữa và bên trong các môn đệ nam nữ.

*  *  *

Xin Chúa cũng ban cho chúng ta có cùng một kinh nghiệm của Đức Mẹ: dưới chân thập giá đau thương của cuộc đời, của hành trình ơn gọi, xin chúng ta cảm nhận với niềm vui và hạnh phúc, sự sống mới của Đức Ki-tô đang phát sinh ngay hôm nay, và phát sinh thật dồi dào.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Chúa chạnh lòng thương xót bà – SN song ngữ 15.9.2020

 


Tuesday (September 15): “The Lord had compassion on her”)

 

Scripture:  Luke 7:11-17  

11 Soon afterward he went to a city called Nain, and his disciples and a great crowd went with him. 12 As he drew near to the gate of the city, behold, a man who had died was being carried out, the only son of his mother, and she was a widow; and  a large crowd from the city was with her. 13 And when the Lord saw her, he had compassion on her and said to her, “Do not weep.” 14 And he came and touched the bier, and the bearers stood still. And he said, “Young man, I say to you, arise.” 15 And the dead man sat up, and began to speak. And he gave him to his mother. 16 Fear seized them all; and they glorified God, saying, “A great prophet has arisen among us!” and “God has visited his people!” 17 And this report concerning him spread through the whole of Judea and all the surrounding country.

Thứ Ba    15.9               Chúa chạnh lòng thương xót bà

 

Lc 7,11-17

11 Sau đó, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người.12 Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà.13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa! “14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! “15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ.16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”.17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

Meditation: 

 

How do you respond to the misfortunes of others? In a number of places the Gospel records that Jesus was “moved to the depths of his heart” when he met with individuals and with groups of people. Our modern use of the word “compassion” doesn’t fully convey the deeper meaning of the original Hebrew word which expresses heart-felt “sympathy” and personal identification with the suffering person’s grief and physical condition. Why was Jesus so moved on this occasion when he met a widow and a crowded funeral procession on their way to the cemetery? Jesus not only grieved the untimely death of a young man, but he showed the depth of his concern for the woman who lost not only her husband, but her only child as well. The only secure means of welfare in biblical times was one’s family. This woman had lost not only her loved ones, but her future security and livelihood as well.

Jesus is lord of the living and the dead

The Scriptures make clear that God takes no pleasure in the death of anyone (see Ezekiel 33:11) – he desires life, not death. Jesus not only had heart-felt compassion for the widow who lost her only son, he also had extraordinary supernatural power – the ability to restore life and to make a person whole again. Jesus, however, did something which must have shocked the sensibilities of the widow and her friends. Jesus approached the bier to make physical contact with the dead man. The Jews understood that contact with a dead body made oneself ritually unclean or impure. Jesus’ physical touch and personal identification with the widow’s loss of her only son not only showed the depths of his love and concern for her, but pointed to his desire to free everyone from the power of sin and moral corruption, and even death itself. Jesus’ simple word of command – “Young man, arise” – not only restored him to physical life, but brought freedom and wholeness to his soul as well as his body.

 

 

The Lord Jesus has power to restore us to wholeness of life – now and forever

This miracle took place near the spot where the prophet Elisha raised another mother’s son back to life again (see 2 Kings 4:18-37). Jesus claimed as his own one whom death had seized as its prey. By his word of power he restored life for a lad marked for death. Jesus is Lord not only of the living but of the dead as well. When Jesus died on the cross for our sins he also triumphed over the grave when he rose again on the third day, just as he had promised his disciples. Jesus promises everyone who believes in him, that because he lives (and will never die again), we also shall have abundant life with and in him both now and forever (John 14:19). Do you trust in the Lord Jesus to give you abundant life and everlasting hope in the face of life’s trials, misfortunes, and moments of despair?

“Lord Jesus, your healing presence brings life and restores us to wholeness of mind, body, and spirit. Speak your word to me and give me renewed hope, strength, and courage to follow you in the midst of life’s sorrows and joys.”

Suy niệm:

 

Bạn phản ứng thế nào trước những bất hạnh của người khác? Trong Tin mừng, có vài chỗ ghi lại rằng Đức Giêsu “chạnh lòng thương xót” khi Người gặp những cá nhân hay nhóm người. Người hiện tại của chúng ta sử dụng hạn từ “compassion” không hoàn toàn lột hết ý nghĩa sâu xa của hạn từ gốc của tiếng Dothái, nó diễn tả sự cảm xúc của tâm hồn, sự “cảm thông” và đồng hóa mình với nỗi đau khổ và tình trạng thể lý của người đang đau khổ. Tại sao Đức Giêsu quá xúc động vào lúc này, khi Người nhìn thấy người góa phụ và đám tang đang trên đường tới nghĩa trang? Đức Giêsu không chỉ đau buồn về cái chết còn trẻ của người thanh niên, mà Người còn bày tỏ nỗi quan tâm sâu sắc đối với người phụ nữ đã mất đi không chỉ người chồng, mà mất cả người con duy nhất của bà nữa. Phương thế an toàn duy nhất về phúc lợi trong Kinh thánh là gia đình của họ. Người phụ nữ này không chỉ mất những người thân yêu mà cả sự an toàn và sinh kế tương lai của mình nữa.

Đức Giêsu là Chúa của kẻ sống và kẻ chết

Kinh thánh nói rõ rằng Thiên Chúa không vui sướng trước cái chết của bất kỳ người nào (Ed 33,11); Người muốn sự sống, chứ không phải sự chết. Đức Giêsu không chỉ chạnh lòng thương xót người góa phụ đã mất đi người con duy nhất, Người còn có quyền lực siêu nhiên đặc biệt – khả năng phục hồi sự sống và làm lại cho nguyên vẹn. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã làm một điều thật ấn tượng chắc hẳn đã gây sốc những cảm giác của người góa phụ và bạn bè của bà. Đức Giêsu đã đến gần với tư cách là một người Dothái tinh ý, đã mạo hiểm đến gần quan tài để tiếp cận cách thể lý với người chết. Người Dothái hiểu rằng theo luật ai tiếp xúc với người chết sẽ làm cho mình ra ô uế. Thế nhưng, sự đụng chạm thể lý và sự đồng hóa của Đức Giêsu với sự mất mát người con duy nhất của người góa phụ không chỉ bày tỏ tình yêu sâu thẳm và sự quan tâm của Người dành cho bà, mà còn nói tới lòng ao ước của Người để giải thoát mọi người khỏi quyền lực tội lỗi và sự hủy hoại của cái chết, và cả chính sự chết. Mệnh lệnh đơn giản của Đức Giêsu “Này anh, hãy trỗi dậy” không chỉ phục hồi sự sống thể lý cho anh mà còn đem lại sự giải thoát và toàn vẹn cho linh hồn và thân xác anh nữa.

Chúa Giêsu có năng quyền phục hồi chúng ta tới sự sống toàn vẹn – bây giờ và mãi mãi

Phép lạ này xảy ra gần phần đất, nơi ngôn sứ Êlisa đã cho con trai của một người mẹ khác sống lại (2K 4,18-37). Đức Giêsu xác nhận chính Người cũng là nạn nhân của cái chết. Bằng lời quyền năng của mình, Người đã phục hồi sự sống cho người thanh niên đã chết. Đức Giêsu là Chúa của kẻ chết lẫn kẻ sống. Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết và Người hứa rằng vì Người sống (và sẽ không bao giờ chết nữa), chúng ta cũng sẽ có sự sống sung mãn với và trong Người bây giờ và mãi mãi (Ga 14,19). Bạn có trông cậy vào Đức Giêsu sẽ ban cho bạn sự sống sung mãn và niềm hy vọng vĩnh cửu trong sự đối diện với những thử thách, bất hạnh, và những giây phút thất vọng của cuộc đời không?

 

 

 

Lạy Chúa Giêsu, sự hiện diện chữa lành của Chúa đem lại sự sống và phục hồi cho chúng con toàn bộ tâm trí, thân xác, và linh hồn. Xin nói lời Chúa với con và ban cho con niềm hy vọng, sức mạnh, và can đảm đã được phục hồi để đi theo Chúa trong tất cả mọi sự buồn vui của cuộc sống.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây