Ngày 17 tháng 12 - Mùa Vọng

Thứ sáu - 16/12/2022 06:22
NGÀY 17/12 - MÙA VỌNG
"Gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít".

 
00 00 gia pha kito


 
Tin Mừng: Mt 1, 1-17
Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít, con của Abraham. Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara bởi bà Thamar; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Ðavít.
Ðavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.
Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Sala-thiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô.
Vậy, từ Abraham đến Ðavít có tất cả mười bốn đời, từ Ðavít đến cuộc lưu đày ở Babylon có mười bốn đời, và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô có mười bốn đời.
 

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1: Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Đấng trung tín với lời hứa - Lm. Augustinô
Suy niệm 2: Từ Bà, Đức Giêsu được sinh ra _ Lm Ant. Nguyễn Cao Siêu, SJ.
Suy niệm 3: Ơn cứu độ trong lịch sử và đi về cùng đích - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung




Suy niệm 1: Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Đấng trung tín với lời hứa - Lm. Augustinô

Hôm nay ngày 17/12, chúng ta bước sang phần thứ hai của mùa vong. Phần thứ nhất từ Chúa Nhật thứ I mùa vọng đến ngày 16/12 nhằm hướng tâm hồn các tín hữu về việc đến Chúa Giê-su đên lần thứ hai trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Giai đoạn 2 mùa vọng hướng chúng ta đến việc chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến trong mầu nhiệm giáng sinh. Trong bài đọc thứ nhất, sách sáng thế đề cập đến Gia-cop và những người con của ông. Giu-đa, một trong số những người con của ông sẽ có một vị trí đặc biệt “Giu-đa sẽ được các anh em của ca tụng, tay Giu-đa sẽ đặt trên ót các địch thù, an hem cùng cha với con sẽ sụp xuống lạy con…Vượng trượng sẽ không rời khỏi nhà Giu-đa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục” (x. St 49, 2. 10). Những lời này cho thấy sẽ có một Đấng xuất thận từ nhà Giu-đa trong tư cách là một vị vua của muôn dân muôn nước. Thánh vịnh trong thánh lễ hôm nay cũng loan báo một vị Vua mới, là Con của Thượng Đế, được trao quyền để xét xử dân Người theo công lý và bênh vực quyền lợi kẻ khó nghèo. Người sẽ thiết lập một triều đại mới nơi ấy công lý nở hoa và thái bình thịnh trị đến muôn đời. Vương quyền của Người trải dài lan rộng và vững bền muôn thủa. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta nhận ra đó chính là Triều Đại Nước Thiên Chúa mà Chúa Giê-su khai mở qua lời rao giảng, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người
                  Thánh Matthew viết Tin Mừng cho người Do Thái và vì thế, ông muốn minh chứng cho người Do Thái thấy rằng: Chúa Giê-su chính là Đấng Thiên Chúa hứa ban. Trong khi thánh Luca bắt đầu gia phả Chúa Giê-su từ Adam và Eva, thì Matthew bắt đầu với những lời sau: “Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu Vua Đa-vit, con cháu Abraham.” Giê-su nghĩa là Thiên Chúa cứu độ là tên mà thiên thần báo mộng cho Giu-se phải đặt cho người con mà Maria vợ ông sẽ sinh ra do quyền năng Thánh Thần. Ki-tô nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa hứa ban cho dân Người. Con Con cháu Đa-vit vì theo Matthew, Giu-se, cha nuôi của Chúa Giê-su thuộc chi tộc Đa-vit, nên Chúa Giê-su thuộc dòng dõi vua Đa-vit. Con cháu Abraham vì Vua Đa-vit xuất thân từ Giu-đa, nên Chúa Giê-su cũng là con cháu của Abraham. Một chi tiết đáng lưu ý trong gia phả của Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Matthew là lời kết thúc của nó: “như thế, tính chung lại thì: từ ông Abraham đến vua Đa-vit là 14 đời; từ Đa-vit đến thời lưu đày ở Babylon là 14 đời; và từ thời lưu đày Babylon đến Đức Ki-tô là 14 đời.” Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, con số 14 có tính biểu tượng và thần học hơn là lịch sử. Số 14 tương đương với các chữ (DVD= 4 +6 + 4) viết tắt của chữ Đa-vit. Cũng vậy, con số 7 (6 = 1) là con số viên mãn. Công trình tạo thành được diễn ra trong 6 ngày với con người được sáng tạo là chóp đỉnh để rồi ngày thứ 7 Thiên Chúa nghỉ ngơi. Năm toàn xá của người Do Thái có lẽ cũng dựa trên chu kỳ 7 này. Nhìn như thế, Matthew muốn cho độc giả thấy Chúa Giê-su khai mở một thời viên mãn của chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Phaolo trong thư gửi tín hữu hành Galata (4, 4) cũng chung một khẳng định “khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa sai Con Mình đến sinh làm con một người phụ nữ...” Tóm lại, Matthew muốn cho các độc giả của mình thấy rằng: (1)Thiên Chúa là Đấng Trung Thành với lời hứa từ ngàn xưa, nhất là với các tổ phụ Abraham, Isaac và Gia-cop. Người cũng trung thành với lời hứa với Đa-vit về một người con thuộc dòng dõi của ông sẽ cai trị muôn nước muôn dân; (2) Đức Giê-su bước vào lịch nhân loại ngang qua một gia tộc khởi đầu với Abraham. Người làm người giống như bao người (3) Nhưng quan trọng hơn, Người đến như Đấng Emmanuen, như Đấng Cứu Tinh để cứu muôn loài muôn vật khỏi tội lỗi và những hậu quả của nó, nhất là cái chết. Người không chỉ phục hồi những gì đã mất mà còn mang mọi người vào một gia đình mới, gia đình của Thiên Chúa mà Người là Trưởng Tử
                  Lạy Chúa Giê-su là Mục Tử nhà Israel; là Đấng Chăn Giữ nhà Giu-đa, là Đấng Cứu Tinh muôn loài và là Đầu của Hội Thánh. Chúng con xin dâng lời chúc tụng, tạ ơn Chúa vì yêu thương và muốn cứu độ chúng con, đã bước vào dòng chảy lịch sử nhân loại ngang qua một gia đình thuộc về một gia tộc rộng lớn bao gồm cả người công chính lẫn tội  nhân. Chính nhờ Chúa mà nhân loại nhận được ơn thứ tha và thần hóa, nghĩa là được trở nên tinh tuyền thánh thiện theo ý muốn và lòng nhân ái cuả Thiên Chúa từ muôn đời. Xin giúp chúng con đừng ngại ngần hay mặc cảm vì phận người với biết bao yêu đuối tội lỗi để trốn chạy Chúa như Adam và Eva khi Chúa đến viếng thăm, nhưng giúp chúng con can đảm vượt qua những rào cản và đến được với Chúa, để như Matthew, Maria Madala và bao người khác, để đươc Chúa cứu độ. Xin cũng giúp chúng con dám hòa mình vào lịch sử nhân loại còn đầy tội lỗi và chấp nhận lấm lem với hy vọng cứu lấy thế giới thay vì đứng bên ngoài để giữ sự thánh thiện cho riêng mình. Xin giúp Hội Thánh của Chúa khắp nơi trên hoàn vũ nỗ lực cố gắng không ngừng để nên Tin Mừng thực sự cho những phận nghèo và những người yếu thế qua hành động dấn thân chia sẻ cụ thể chứ không phải là những hô hào trên bàn giấy hay trong những tháp ngà để họ được cảm nghiệm, đụng chạm và biến đổi trong hân hoan bởi Tin Vui Chúa Giáng Sinh vì họ và cho họ. Amen.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2: Từ Bà, Đức Giêsu được sinh ra _ Lm Ant. Nguyễn Cao Siêu, SJ.
Chúng ta bước vào một giai đoạn mới để mừng lễ Giáng Sinh,  mừng Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người cách trọn vẹn.  Làm người là có một gia phả.  Thánh Matthêu đã muốn viết một gia phả dài của Đức Giêsu Kitô,  không phải một cách hết sức chính xác và đầy đủ theo nghĩa lịch sử,  nhưng mang nặng ý nghĩa thần học.  Matthêu muốn cho thấy Đức Giêsu là con của cụ tổ Abraham,  và cuộc đời Ngài gắn kết với Ítraen, dân được tuyển chọn.  Ngài cũng là Con của vua Đavít, nên Ngài có cơ sở để là Đấng Kitô.  Làm người là sống trong dòng lịch sử một dân tộc  với tất cả những thăng trầm và biến động của nó.  Matthêu chia lịch sử dân Do-thái làm ba thời kỳ.  Thời kỳ chuẩn bị cho bước đầu của vương triều vua Đavít (cc. 2-6a),  thời kỳ trị vì của các vua thuộc dòng Đavít (cc. 6b-11),  và thời kỳ sau lưu đầy, khi vương quyền Đavít đã mai một (cc. 12-16).  Mỗi thời kỳ mười bốn đời, nghĩa là hai lần bẩy, một con số linh thánh.  Đức Kitô đã đằm mình trong dòng lịch sử này.  Ngài là người cuối của gia phả, nhưng lại là nhân vật trung tâm (c.16-17).  Tất cả lịch sử của dân tộc Ítraen cũng là lịch sử cứu độ.  Dòng lịch sử cứu độ này đã lên đến tuyệt đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô.  Nơi Ngài, Thiên Chúa đã đưa lịch sử nhân loại đến chỗ thành tựu.  Trong gia phả Đức Giêsu có tên một số phụ nữ.  Đó là chuyện lạ, vì người Do-thái thường chỉ để tên người cha.  Trừ Đức Maria, bốn phụ nữ kia đều có gốc dân ngoại.  Ta-ma và Ra-kháp gốc Canaan, Rút gốc Mô-áp, vợ Urigia người Hít-tít.  Các phụ nữ này đều có hoàn cảnh khác thường.  Ta-ma giả làm điếm để ngủ với cha chồng là Giu-đa,  hầu sinh con cho nhà chồng (St 38).  Ra-kháp là một cô điếm ở Giêricô, đã giúp Giosuê chiếm Canaan (Gs 2).  Bét-sa-bê, vợ của Urigia, đã ngoại tình và lấy vua Đavít (2Sm 11-12).  Rút đã lấy ông Bô-át là người bà con gần, để nối dõi cho chồng (R 1-4).  Đức Giêsu đã là con cháu của các phụ nữ khác thường này.  Ngài cũng mang trong mình chút dòng máu của dân ngoại.  Cuộc sinh hạ của Đức Kitô cũng khác thường.  Mátthêu diễn tả một cách tinh tế như sau:  “Gia-cóp sinh Giuse, chồng của bà Maria,  từ bà Đức Giêsu được sinh ra, cũng gọi là Đức Kitô” (c. 16).  Như thế Con Thiên Chúa đã có một người mẹ để trọn vẹn là người.  Ngài có cha nuôi là thánh Giuse để được thuộc về dòng Đavít.  Làm người cần được sống trong bầu khí gia đình để lớn lên.  Gia phả của Đức Giêsu nhắc tôi về gia phả của chính mình.  Cũng với những bóng tối của lưu đày, với bao bất thường và vấp ngã.  Chỉ mong trong cuộc đời tôi, gia đình tôi, dân tộc tôi, có mặt Giêsu.
Lạy Cha từ ái,  đây là niềm tin của con.  Con tin Cha là Tình yêu,  và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.  Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,  cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,  cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,  con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.  Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,  chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.  Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất  cũng có một đốm lửa của sự thiện,  được vùi sâu dưới những lớp tro.  Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành  cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.  Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,  thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.  Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.  Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.  Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ  đang chuyển mình tiến về với Cha,  qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu  và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.  Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,  vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,  mọi dị biệt, thành kiến,  để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời  mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.  Lạy Cha, đó là niềm tin của con.  Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


Suy niệm 3: Ơn cứu độ trong lịch sử và đi về cùng đích - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Hôm nay, ngày 17/12, phụng vụ đi vào giai đoạn thứ hai của Mùa Vọng, chuẩn bị trực tiếp cho lễ Giáng Sinh. Khởi đầu cho giai đoạn này, phụng vụ Lời Chúa cho nghe về gia phả của Đức Giêsu Kitô. Trong bản gia phả của Matthêô viết cho độc giả là các kitô hữu gốc Do Thái, tác giả đưa vào dòng dõi của Đấng Cứu Độ những phụ nữ và cả những người là dân ngoại nữa, cả những nhân vật tốt lành cũng như những tội nhân... Tuy dù có chọn lựa và bỏ qua một sống nhân vật, nhưng bản gia phả này vẫn thể hiện tính hiện thực của một dòng dõi, tức là đa dạng và bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực.
Ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện không ở đâu xa, không ở bên ngoài lịch sử nhân loại, không nằm bên ngoài cuộc sống cụ thể của con người. Để thực hiện ơn cứu độ cho con người, Thiên Chúa không đưa con người ra khỏi lịch sử ấy, nhưng chính Ngài can thiệp, và còn hơn nữa, chính Ngài đi vào lịch sử ấy như là một thành phần của dòng dõi nhân loại này! Như thế, về phần con người, để có thể đón nhận ơn cứu độ của mình, theo nghĩa cá nhân và cộng đồng, họ cũng phải khám phá lịch sử ấy, sống lịch sử ấy cách tích cực nhất.
Tuy nhiên, điều cần suy nghĩ là: trong khi thực hiện, con người bị cám dỗ loại bỏ tính thần linh ở đó, tức là cho rằng ơn cứu độ do chính con người chứ không phải do từ Thiên Chúa; và như thế, họ muốn thực hiện ơn cứu độ bị giới hạn ở những thực tại đời này mà không đưa nó đi về cứu cánh, không đi về cùng đích của nó! Và như thế, con người “tự sát” trong chính lịch sử của mình! Trong khi giới thiệu ông Kyrô, hoàng đế Ba Tư, như là vị Messia Thiên Chúa dùng để giải thoát Dân Ngài khỏi chốn lưu đày Babilon, thì tiên tri Isaia cũng khẳng định chỉ có một Thiên Chúa là Đấng dựng nên đất trời và dẫn đưa con người về ơn cứu độ (x. Is 45,6-8).
Sống được đồng thời cả tính chất hiện sinh và cánh chung là một thách thức lớn. Cần đối diện với thực tại đời sống bằng đức tin.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

1-      Sứ điệp nguyên thủy :     
(1) Khi mời gọi “đọc” St 49, 2.8-10 qua lăng kính Mt 1, 1-17, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy phương cách mặc khải và cứu độ của Thiên Chúa qua trung gian loài người, như được phản ảnh, trước tiên, trong St 49, 2.8-10 : ở đây, cho thấy những trung gian đó có thể là dân Itraen, dòng tộc Giuđa…; tuy nhiên, đây chỉ là những trung gian tạm thời chuẩn bị và dọn đường cho chính Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời của Thiên Chúa ngự đến [“Vương trượng sẽ không rời khỏi Giuđa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục.” (49, 10)]…
(2) Thứ đến, trong Mt 1, 1-17 : ở đây, tuy có vẻ gượng ép [vì Giuse không phải là cha đẻ của Đức Giêsu !], cho thấy tính trung gian “liên tục” khởi đi từ Apraham, qua Giuđa…đến Giacóp, người sinh ra Giuse, chồng của Đức Maria, là người phụ nữ sinh ra Đức Giêsu-Kitô, vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật; thực ra, vấn đề mà TƯ quan tâm có lẽ đó là Thiên Chúa có một kế hoạch tình yêu của Ngài trong lịch sử và qua trung gian lịch sử loài người [“Đây là gia phả Đức Giêsu-Kitô, con cháu vua Đavit, con cháu ông Apraham.” (1, 1)]…
 
2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :
Trong tất cả mọi kế hoạch của Thiên Chúa đều có vị trí và vai trò dành cho tất cả mọi người…

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM




 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây