Ngày 31 tháng 12 - Mùa Vọng

Thứ sáu - 30/12/2022 07:58
myhn 31 12 2022



Tin Mừng: Ga 1,1-18

 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: "Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi." Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có. Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
 
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1: Nhóm Bạn Đường Linh Thao biên dịch
Suy niệm 2: Đời người: Thiêng hay tục? - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

Suy niệm 4 - Lm. Augustinô


Suy niệm 1: Nhóm Bạn Đường Linh Thao biên dịch
Nguồn:
https://livingspace.sacredspace.ie/c1225r/
https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/advent-and-christmas-reflections/christmas-season/

“Ngôi Lời đã trở thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta.” (The Word became flesh, he lived among us.) Thánh Gio-an không viết Ngôi lời trở nên con người (human being), nhưng là trở thành “nhục thể” (flesh) Theo ngôn từ của thánh Gio-an thì “nhục thể” ám chỉ tất cả những yếu đuối và tội lỗi trong bản chất con người chúng ta được mang trong thân xác trần tục ấy.
 
“Người ở giữa thế gian.” Một cách chung chung, “thế gian” được nhắc đến là chính hành tinh của chúng ta và tất cả những gì trong hành tinh trái đất này. Tuy nhiên, thế gian cũng chính là một phần những gì xấu xa, tiêu cực, cổ hủ và không tình người mà chúng ta bị cuốn vào. Ngôi Lời đã bước vào cả hai thế giới này một cách trực diện trong chính các hoạt động của đời sống con người.  Chính điều này đã làm một số người đạo đức, các Pharisêu thời Chúa Giê-su lo lắng và tỏ ra nghi ngờ khi chính Chúa lại “trà trộn với những người ô uế, tội lỗi, và thậm chí còn ăn uống với họ.” Tất cả những điều này được diễn tả rõ nét nơi câu chuyện Giáng sinh ở Bê-lem, hình ảnh này nói cho ta biết nhiều ý nghĩa thật sâu xa.
 
Thật là dễ để đọc câu chuyện Giáng Sinh như một câu chuyện thú vị về sự ra đời của một hài nhi. Nhưng thật khó khăn để hiểu được ý nghĩa vô cùng lớn lao của mầu nhiệm Nhập Thể này.
 
Bằng cách mặc lấy nhục thể của chúng ta, Thiên Chúa gắn kết chính Ngài với thân phận tội lỗi của con người chúng ta. Sự Nhập Thể tạo nên nhịp cầu nối kết thân mật giữa Thiên Chúa và loài người, qua đó cho phép con người chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn mầu nhiệm Nhập Thể lớn lao này bằng con mắt đức tin.
 
Chiêm ngắm dưới con mắt đức tin, nghĩa là nhìn vinh quang của Thiên Chúa trong chính đời sống của chúng ta; là khám phá ra phẩm giá cao quý của con người bằng cách nhìn nhận sự thật tuyệt vời rằng Thiên Chúa đã trở nên một con người ở giữa chúng ta, và chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh của Ngài trong các anh chị em xung quanh cũng như trong chính bản thân mình. Chân lý này, khám phá này mang lại cho chúng ta một niềm hân hoan to lớn khi biết Thiên Chúa gần gũi với mình biết dường nào.
 
Trong bầu khí của những ngày Giáng Sinh này, chúng ta hãy suy đi nghĩ lại và phản tỉnh về câu Tin Mừng: "Ngôi Lời đã trở thành nhục thể." Xem liệu chúng ta có nhìn thấy hình ảnh Chúa Giáng Sinh nơi những người xung quanh không? Đó chính là những người hàng xóm, cô lao công, người vô gia cư, em bán hàng rong, em bán vé số... Chúng ta có đến để chia sẻ, trò chuyện và trao ban niềm vui với họ như là đang làm với Chúa không? Hãy để cho mầu nhiệm Giáng Sinh Nhập Thể thấm nhập sâu xa hơn vào đời sống mỗi người chúng ta.
 
Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng, con tạ ơn Ngài vì đã đến trần gian này và hơn hết là trở thành một trong số chúng con. Xin giúp con nhận biết vinh quang Thiên Chúa đang ở gần chúng con qua việc Ngài đã “trở thành nhục thể”. Và xin Ngài ban ơn  để con nhận ra phẩm giá cao quý của con người, điều mà Ngài đã tiết lộ cho chúng con khi chọn chính nhục thể của chúng con làm nơi cư ngụ. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa.
 MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2: Đời người: Thiêng hay tục? - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Thư thứ nhất của thánh Gioan viết vào cuối thế kỷ I, lúc mà cộng đoàn kitô hữu đang gặp vấn nạn về niềm tin vào Ngôi Lời Nhập Thể. Thành phần mà tác giả gọi là “Phản Kitô”, đó là những người không tin rằng Thiên Chúa có thể mang lấy thân xác con người. Bị ảnh hưởng của triết học Hy Lạp đề cao tinh thần và xem thường vật chất, họ không thể chấp nhận được một vị Thiên Chúa mang lấy thân xác con người là thứ thấp hèn. Thời ấy, khuynh hướng nhị nguyên ảnh hưởng mạnh, là khuynh hướng chủ trương có hai nguyên lý tốt và xấu ngang nhau, hai vị thần lành và dữ luôn chiến đấu với nhau, và thân xác thuộc về thần dữ, nên thân xác xấu xa, yếu đuối, thấp hèn! Do đó, đời sống trong thân xác là xấu, đời sống trần thế là cuộc sống bị lưu đày, chỉ sống tạm, mong ra khỏi thân xác để về thiên đàng! Khuynh hướng ấy nổi lên giữa cộng đoàn kitô hữu và tác giả gọi họ là “Phản Kitô”!
Vậy thì đời người là thiêng hay tục? Cùng tác giả trên, khi viết Tin Mừng Thứ Tư, ông cho thấy Đức Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa đồng thời cũng là con người: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Cũng chính Ngôi Lời đã cộng tác với Chúa Cha để làm nên vạn vật. Như vậy, Chúa Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa mang lấy thân xác con người, và vạn vật, cách riêng là con người đều do từ Thiên Chúa dựng nên, vì thế đời người là thiêng thánh. Nhưng cũng như Đức Kitô vừa thuộc về Thiên Chúa vừa thuộc thế thế giới con người, thì loài người vừa được dựng nên trong thế giới vật chất này vừa xuất phát từ Thiên Chúa và đang đi về với Thiên Chúa, nên đời người vừa mang tính trần thế vừa mang tính thánh thiêng. Coi đời sống trần thế là tất cả, là tận cùng, để rồi tìm mọi cách thoả mãn những đam mê chóng qua, là đang tục hoá cuộc sống của mình và của người chung quanh. Ngược lại, xem thường cuộc sống trần thế là xem thường tính chất thiêng thánh của nó.
Chúa đã làm người. Vậy tôi hãy sống đời người cách trân quý và đưa cuộc đời này đi về sự hoàn tất của nó nơi Thiên Chúa. Trân quý cuộc sống của người chung quanh, để cùng với họ sống tính thiêng thánh của cuộc đời này và đi về sự hoàn tất cùng với nhau, vì Thiên Chúa đặt chúng ta trong mối tương giao chặt chẽ.
 MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

1-    Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” 1 Ga 2, 18-21 qua lăng kính Ga 1, 1-18, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, trong cùng lúc vừa là Ân Sủng và là Sự Thật, vừa là Ân Sủng Sự Thật được ban cho tất cả mọi người (Ga 1, 17-18), nhờ đó con người mới có thể hiểu biết và biết được sự thật, như được phản ảnh, trước tiên, trong 1 Ga 2, 18-21 : ở đây, cho thấy con người có biết được sự thật chính là nhờ “dầu” của “Đấng Thánh” [“Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh (= Lời Thiên Chúa và Thần Khí Sự Thật), và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết”; “…nhưng vì anh em biết sự thật” (2, 20-21)]…
(2) Thứ đến, trong Ga 1, 1-18 : ở đây, cho thấy “thế gian” đã không nhận ra Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, bởi vì thế gian ưa thích “bóng tối” hơn là “ánh sáng”, nên đã không thể đón nhận Ngài như Ngài là, bởi vì Ngài là “Ánh Sáng của thế gian” [“Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài…Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Ngài…là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.” (1, 10.14)]…
 
2-    Sứ điệp cho ngày hôm nay :
(1) Lạy Chúa, xin cho chúng con biết Chúa là Ai, biết mình là ai và biết tha nhân là ai…
(2) Mọi hiểu biết về Thiên Chúa đều do ân sủng của Ngài.
 MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


Suy niệm 4 - Lm. Augustinô

Hôm nay là ngày cuối năm dương lịch. Đây là dịp người ta thường dùng để nhìn lại một năm đã qua. Ngươi không có đức tin thì nhìn lại cuộc sống của mình để đánh giá thành công thất bại về các vấn đề như sự nghiệp, gia đình, bạn bè…Những gì chưa tốt trong năm sẽ được coi như kinh nghiệm quý báu cho năm mới. Những gì đạt được cố gắng bảo toàn và phát huy trong năm mới. Đây cũng là dịp để họ bày tỏ lòng biết ơn vơi những người đã giúp mình trong năm qua với hy vọng sẽ nhận được những trợ giúp khác trong tương lai. Đối với người có niềm tin tôn giáo, ngoài những gì kể ở trên, họ còn đến đình, chùa, nhà thờ hay những trung tâm hành hương khác để bày tỏ lòng biết ơn vơi các thần linh của mình qua những lễ vật. Chung tâm tình ấy, chúng ta cùng suy niệm về lòng biết ơn của người tín hữu trong đời sống đức tin và cách đặc biệt trong dịp cuối năm.
            Trước hết, chúng ta cùng xem người Do Thái bày tỏ lòng biết ơn của họ như thế nào? Trong số 150 thánh vinh, cuốn sách ghi lại kinh nghiệm thiêng liêng của dân Chúa, có không ít những thánh vinh ta ơn cá nhân và tập thể. Theo nhà các nghiên cứu, những thánh vịnh tạ ơn xuất phát từ chính những cá nhân nhận được ơn lành của Thiên Chúa. Chính họ ở giữa cộng đoàn kể lại cách cụ thể ơn lành Chúa ban họ và mời gọi cộng đoàn chung lời tạ ơn với họ. Do vậy, kinh nghiệm tạ ơn Chúa vừa có tính cá nhân, cụ thể vừa có tính công khai trong một cộng đoàn. Chính Chúa Giê-su cũng cho chúng ta thấy kinh nguyện tạ ơn của Người dâng lên Cha vì ân huệ Cha ban cho những người bé mọn “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan hiền triết biết mầu nhiệm Nước Trời nhưng lại tỏ cho những kẻ bé mọn.” Hoặc trước nấm mồ của Lagiaro, Chúa Giê-su cũng ta ơn Cha vì đã luôn nhận lời Người cầu nguyện. Thánh Phaolo cũng tạ ơn Thiên Chúa vì ân huệ đức tin của mình và của những người trong cộng đoàn cụả mình
            Dưới ánh sáng lời Chúa hôm nay, thiết nghĩ chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì những ân huệ sau đây: ân huệ được làm người và làm con Chúa trong Ngôi Lời và trong Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời thành xác phàm. Thánh Gioan khẳng định: không có Người thì chẳng có gì đã được tạo thành trong những gì đươc tác thành. Không chỉ được tạo thành, chúng ta còn được Ngôi Lời nhập thể giải thoát chúng ta khỏi bóng tối của tôi lỗi, sự chết và dẫn chúng ta vào thế giới ánh sáng và sự sống của Người vì “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” Cũng nhờ Người, chúng ta nhận được ơn làm con Thiên Chúa vì chẳng phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của đàn ông nhưng do bởi Thiên Chúa, Đấng đã sai Ngôi Lời đến không phải để luận phạt thế gian nhưng để cứu thế gian. Chính trong Đức Ki-tô Giê-su, chúng ta nhận được ân sủng và sự thật. Ân sủng đó không phải là quá khứ nhưng vẫn tiếp tục trong hiện tại – đó là ân huệ trung thành với đức tin. Thánh Gioan đã nói trong bài đọc thứ nhất về những kẻ phản Ki-tô, chống lại Chúa Ki-tô và giáo huân của Người. Một năm qua, trên thế giới và nơi quê hương Việt Nam, chắc đã có không ít những người từ bỏ niềm tin của mình hoặc theo những giáo lý sai lạc. Chúng ta còn giữ được sự trung thành với đức tin, không phải nhờ sức riêng của chúng ta, nhưng nhờ sự trung thành của chính Chúa. Một vị tông đồ đã nói thật hay “chỉ trong Chúa, chúng ta mới sống hiện hữu và chuyện động.”
            Lạy Thiên Chúa Cha toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa vì hồng ân được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa. Rồi trong Thánh Thần và nhờ lễ tế hy sinh của Chúa, chúng con được cứu chuộc để nên con Thiên Chúa và thừa hưởng gia tài Nước Trời; chúng con tạ ơn Thánh Thần vẫn kiên nhẫn hướng dẫn con đi trên con đường mang tên Giê-su Ki-tô giữa lòng Giáo Hội và trong thế giới hôm nay. Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con học biêt cách tạ ơn của dân Chúa và của chính Chúa. Biết nhận diện cách chính xác và cụ thể những ơn huệ đặc biệt mà chúng con nhận được nơi Chúa, để lời tạ ơn chúng con không phải là chung chung, cho có cho qua. Xin cho chúng con bỏ đi những thực hành tạ ơn vô hồn, những thực hành biến Chúa thành phương tiện để vinh danh chúng con hoặc nghĩ rằng, chỉ cần bỏ một chút tiền xin lễ tạ ơn là xong mà không cần sự xuất hiện của mình công khai trong cử hành phụng vụ tạ ơn. Xin cho chúng con được thấy những ân huệ Chúa ban trong từng phút giây nhỏ nhất của cuộc đời, để nhờ đó, đời chúng con thành một khúc ca tạ ơn muôn đời. Xin Mẹ dạy chúng con biết sống tâm tình tạ ơn như Mẹ, tạ ơn Chúa bằng cả linh hồn, thần trí và thân xác. Amen

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây