Suy niệm Ngày 4 tháng 1

Thứ ba - 03/01/2023 08:32
t 4



LỜI CHÚA: Ga 1,35-42

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa.

Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: "Các ngươi tìm gì?"

Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?"

Người đáp: "Hãy đến mà xem".

Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô". Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá".


MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1: Sống thanh sạch và công chính là sống đúng với tư cách con Thiên Chúa - Lm. Augustinô
Suy niệm 2:  Tôi tìm gì? Tìm ai? - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 4: Đấng công chính - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt



Suy niệm 1: Sống thanh sạch và công chính là sống đúng với tư cách con Thiên Chúa - Lm. Augustinô

            Anh chị em thân mến! Chúng ta tiếp tục suy niệm những lời trong thư thứ nhất của thánh Gioan Tông Đồ. Như đã chia sẻ trong hai bài trước, cộng đoàn tín hữu Gioan đang đối diện với khủng hoảng do những tiến sĩ giả, những tên phản Ki-tô tạo nên. Họ loan truyền những hiểu biết sai lạc về Đức Ki-tô: không nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng Ki-tô (1 Ga 2, 22) và Con Thiên Chúa (1 Ga 4, 15; x. 1 Ga 5, 15); họ từ chối mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh làm người (1 Ga 4, 2; 2 Ga 7) vì họ không chịu tin là ĐGS đã đến thế gian (1 Ga 4, 9.14), đã đến nhờ nước và máu (1 Ga 5, 6). Họ cũng rao giảng một lối sống đức tin sai lạc khi cho rằng “ai có sự hiểu biết trực quan, nghĩa là sự hiểu biết Thiên Chúa cách hoàn hảo thì không cần chú ý đến tội nữa (1Ga 1, 8.10) bởi vì TỘI không đạt tới cái phần thâm sâu của tâm trí, nơi tình yêu Chúa ngự trị. Do đó, không cần phải giữ các điều răn (1  Ga 2, 4) và bận tậm đên nhu cầu của tha nhận – trong khi đây là giới răn yêu thương mới của Chúa Giê-su mà người môn đệ phải thực hành trong cuộc sống, là dấu hiệu nhận ra tư cách môn đệ đích thực của họ. Dù biết là sai lạc, nhưng chắc cũng không ít người trong cộng đoàn đã tin theo các tiến sĩ giả này. Đây là lý do tác giả kêu gọi mọi người “hỡi anh em là những người con bé nhỏ, đừng để ai làm cho anh em đi lạc đường.” Chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Giê-su dẫn chúng ta đến sự sống đời đời. Tiếp đến để phản bác lại quan niệm sai lầm của những phản Ki-tô khi cho rằng người có hiểu biết trực quan về Thiên Chúa sẽ không cần quan tâm tới tội nữa, thánh nhân cho thấy: ngoài trừ Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, và Đức Maria người được ân sủng “vô nhiễm nguyên tội” ngay từ lúc thụ thai trong lòng mẹ, không ai có thể tránh được tội. Bởi đó, kẻ nói mình không có tội, không phạm tội là kẻ lừa dối và sự thật không ở nơi họ. Giáo lý Công Giáo khẳng định: tội nguyên tổ cho A-đam và Eva truyền lại, tuy không phá hủy hoàn toàn bản tính con người nhưng cũng gây tổn thương nặng nề. Ơn sủng từ cuộc vượt qua của ĐGSKT dù đã chữa lành thương tổn nhưng vẫn còn “vết sẹo” – khuynh hướng nghiêng chiều về tội nơi con người. Do đó, người tin Chúa Ki-tô, dù đã được cứu chuộc và thần hóa để thành con Thiên Chúa vẫn có thể phạm tội. Lại nữa, tư cách “con Thiên Chúa” mà chúng ta nhận được do ân huệ của Thánh Tẩy chỉ là ở dạng “mầm sống.” Chúng ta cần làm cho nó lớn lên tăng trưởng và đạt tới sự trọn hảo trong ngày Chúa đến trong vinh quang bằng việc sống công chính như ĐGS là Đấng Công Chính. Ngược lại ai sống không công chính, phạm tội là tự mình đánh mất tư cách con Thiên Chúa và trở thành con cái của ma quỷ và ác thần.

            Trang Tin Mừng trình thuật lại lời chứng của Gioan về Chúa Giê-su và ơn gọi của hai môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-Khi thấy ĐGS đi ngang qua, Gioan lúc đó đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ, liền nói “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giê-su. Rõ ràng, các ông đã hiểu phần nào về lời chứng của Thầy liên quan đến Giê-su Nagiaret với danh hiệu Chiên Thiên Chúa. Phần Gioan cũng thế, nên thay vì giữ lại cho mình các môn đệ thân tín, ông chỉ cho họ thấy Đấng mà ông đến để làm chứng, Đấng tuy đến sau ông nhưng có trước ông. Đấng cao cả đến nỗi phận ông chẳng đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Đấng sẽ rửa người tin trong Thánh Thần. Gioan ngược với các tiến sĩ giả, những tên phản Ki-tô. Ông quả là chứng nhân cho sự thật và người ủng hộ Chúa Ki-tô bằng cả cuộc đời của mình. Ông chấp nhận nhỏ đi, mất đi để Chúa Ki-tô được lớn lên

            Anh chị em thân mến! Hội Thánh trong phạm vi toàn cầu cũng như địa phương vẫn tồn tại những tiến sĩ giả, những kẻ phản Ki-tô, không chỉ trong giáo thuyết mà trong cả lối sống nữa. Đức Giê-su Ki-tô đang bị mọi người quay lưng hay không còn sức hấp dẫn để những người trẻ hiến dâng không phải vì chính Người mà vì những “Ki-tô hữu giả” chứ không phải những kẻ “giả làm Ki-tô hữu” gây nên. Họ hoặc đã bóp méo khuôn mặt của Đức Ki-tô hoặc che khuất Đức Ki-tô bằng việc tập trung vào chính họ. Thay vì giới thiệu một Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại, Đấng giải thoát con người khỏi mọi ràng buộc để sống trong tự do của con cái Chúa, họ hoặc giới thiệu bản thân họ hoặc giới thiệu một Đức Ki-tô do chính họ nặn ra, Đức Ki-tô của ngẫu tượng, của sai lầm. Do đó, thay vì “nâng đỡ bổ sức cho những người vất vả gánh nặng vì tội lỗi, vì đau khổ, bất hạnh và đói nghèo,” họ lại chất lên vai người được giao phó cho mình bao gánh nặng đến độ không thể mang nổi. Nhiều giáo dân phải rời bỏ cộng đoàn giáo xứ để tránh bị nhục mạ nêu tên vì không có khả năng đóng những khoản tiền được quy định. Lạy Chúa Giê-su xin tha thứ cho những lỗi phạm của chúng con với Chúa; xin giúp chúng con không bao giờ cộng tác, thỏa hiệp hay có một thái độ nào đó tương tự với những dạng thức phản ki-tô nơi cộng đoàn đức tin; nhưng xin cho chúng con can đảm chọn lựa Chúa và những gì thuộc về Chúa mà thôi.  
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2:  Tôi tìm gì? Tìm ai? - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

 

Trong những ngày sau khi mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh và chuẩn bị cho lễ Hiển Linh là việc dân ngoại đi tìm kiếm Đấng Cứu Độ, chúng ta được nghe Tin Mừng Gioan về việc tìm kiếm của các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Câu hỏi Chúa Giêsu đưa ra cho hai người đi theo sau mình là: “Các anh tìm gì thế?” và họ đáp: “Thưa Rabbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” (Ga 1,38). Từ ngữ Hy Lạp “Ti” (τί) có thể dịch là ai, cái gì, tại sao (who, which, what, why) nhưng trong các bản dịch các tác giả  Thánh Kinh đều hiểu “cái gì” (what). Trong khi Chúa Giêsu hỏi: các anh tìm cái gì, thì họ trả lời là tìm một người, một vị thầy. Trong não trạng thời đó, khi hướng về Đấng Messia, người Do Thái đi tìm “cái gì” nhiều hơn, tức là họ nuôi tham vọng về một quốc gia hùng mạnh, một cuộc sống no cơm ấm áo... Và Chúa Giêsu đặt vấn nạn với hai người này ngay từ đầu. Thế nhưng hai người này ý thức đi tìm một người, một vị thầy, theo lời giới thiệu của thầy cũ là Gioan Tiền Hô. Hỏi thầy ở đâu có nghĩa là muốn xin làm môn đệ. Và Chúa Giêsu đáp lại: đến mà xem. Đến ở với Thầy để đi vào một tương quan, chứ không dừng lại ở một lớp học, một kiến thức.

Đó là bước đầu. Trong suốt 3 năm ở bên Thầy Giêsu, các môn đệ sẽ phải “vật lộn” giữa hai điều ấy: “tìm cái gì” và “tìm ai”. Họ vẫn dễ dàng nghiêng về việc tìm kiếm một cái gì đó cho bản thân họ hơn là đi theo Thầy Giêsu!

Tác giả thư thứ nhất Gioan khuyên nhủ: anh em đừng để lạc đường (x. 1Ga 3,7). Điều này thực sự là vấn nạn lớn lắm, bởi vì chúng ta dễ đi tìm “cái gì” hơn là đi tìm “một ai đó” trong đời sống kitô hữu, trong đời sống gia đình và cả trong đời sống Giáo Hội, đời sống tu trì nữa! Cái gì đó thường có dấu vết của bản thân tôi, cho dù tôi gán cho nó danh hiệu là vinh quang Chúa hay vinh danh cho Giáo Hội! Nếu tôi thực sự đi tìm Thiên Chúa, là đi theo Chúa Giêsu, thì tôi sẽ gặp được con người. Còn khi tôi thấy mình đã gây ra căng thẳng không đúng đắn với người khác, gây ra xung đột, có khi làm tổn thương người khác nữa, thì cũng có nghĩa là chẳng có Chúa, chẳng có Giáo Hội nào ở đây cả, chỉ có cái tôi mà thôi.

“Phàm ai không sống công chính  thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy.” (1Ga 3,10).
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM



Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
 

1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” 1 Ga 3, 7-10 qua lăng kính Ga 1, 35-42, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy một trong những lý do Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá huỷ công việc của ma quỉ (1 Ga 3, 8b), thế mà một trong những công việc chính của ma quỉ đó là cám dỗ con người nghi ngờ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa và, vì thế, không tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa-Tình Yêu, như được phản ảnh, trước tiên, trong 1 Ga 3, 7-10 : ở đây, cho thấy người công chính (hay chính danh) là con người sống trọn Đạo là thụ tạo, và là con, trong tương quan với Thiên Chúa, và là anh em, trong tương quan với tất cả mọi người [“Căn cứ vào điều nầy mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỉ : phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy.” (3, 10)]…

(2) Thứ đến, trong Ga 1, 35-42 : ở đây, cho thấy cách thức thực hiện đức công chính của một số nhân vật, như Gioan Tẩy Giả hoàn tất tư cách “dọn đường” của mình khi sẵn sàng “nhường” hai môn đệ của mình cho Đức Giêsu; như Anrê không ích kỷ giữ cho mình mà đã giới thiệu Đấng Mêsia cho em mình là Simon (1, 37.42)…

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :

(1) “Công chính” là sống trọn vẹn các tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với mình và với vũ trụ thiên nhiên…

(2) “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” (chính danh)…

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


Suy niệm 4: Đấng công chính - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
 

Công chính là trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Ma quỉ muốn chiếm đoạt quyền Thiên Chúa. Luôn cám dỗ loài người đi theo chúng. Bà E-và là điển hình. Đó là tội lỗi. Chúa Giê-su là Đấng Công Chính. Đến để tái lập sự công chính. Để “phá huỷ công việc của ma quỉ”. Chúa Giê-su công chính vì được Thiên Chúa sinh ra. “Mầm sống của Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy không thể phạm tội, vì đã được Thiên Chúa sinh ra”. Từ đây thế giới phân định rạch ròi. Ai theo Chúa Giê-su thì sống công chính và trở thành con Thiên Chúa. “Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa”.

Không chỉ sinh ra bởi Thiên Chúa, Chúa Giê-su còn sống công chính trọn đời. Vì luôn làm theo ý Chúa Cha. Vâng phục Chúa Cha trong mọi sự. Cho đến nỗi chết trên thánh giá. Nhận tất cả từ Chúa Cha. Dâng hiến tất cả cho Chúa Cha. Chúa Giê-su thật là Đấng Công Chính.

Vì vâng phục Chúa Cha mà Chúa Giê-su trở thành “Chiên Thiên Chúa” như lời thánh Gio-an Tẩy giả giới thiệu. Là Chiên Thiên Chúa để tự hiến thân mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha. Là Chiên Thiên Chúa để gánh lấy tội nhân loại. Làm cho nhân loại nên công chính. Làm cho nhân loại trở nên con Thiên Chúa. Sinh lại nhân loại trong đức công chính.

Thánh Gio-an Tẩy giả sống công chính. Vì giới thiệu Chúa Giê-su cho các môn đệ của mình. Trả các môn đệ mình cho Chúa. Vì tất cả là của Chúa.

An-rê và Gio-an sống công chính. Vì bỏ tất cả mà theo Chúa. Bỏ cả người thầy yêu quí. Vì Chúa Giê-su mới là đường thật. Mới thật là Thầy. Dạy chân lý. Dẫn đến sự công chính đích thực. Đến sự sống đời đời. An-rê sống công chính nên đã dâng cho Chúa cả người em của mình. Vì Si-mon cũng thuộc về Thiên Chúa. Si-mon sống công chính. Vì từ bỏ tất cả. Từ bỏ cả con người cũ. Cả tên họ. Tên là người. Chúa đặt tên mới. Vì ông là con người mới. Thuộc về Chúa. Tên mới của Si-mon là Phê-rô. Là đá tảng xây toà nhà mới. Là đầu trong dân mới. Dân được Chúa sinh ra để sống công chính. Để dâng hiến cho Chúa tất cả cuộc đời.

Xin cho con được sinh lại. Được đặt tên mới. Được trở thành con Chúa. Được dâng hiến mọi sự cho Chúa. Để thuộc về dân mới. Sống công chính thánh thiện.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây