Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ năm - 20/01/2022 07:29

Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

"Người gọi những kẻ Người muốn gọi để họ ở cùng Người".

 

* Anê là một thiếu nữ Rôma, mới từ mười hai đến mười lăm tuổi đã tình nguyện chết vì đức tin khi cuộc bách hại của hoàng đế Đi-ô-cơ-lê-xi-a-nô tới hồi khốc liệt nhất (năm 305).

Đó là sự việc thánh Am-rô-xi-ô đã ghi lại, và là lý do khiến Hội Thánh Rôma tưởng nhớ thánh nữ với hết tình yêu mến.

 

LỜI CHÚA: Mc 3, 13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ.

Mười hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt tên là Boanerges, nghĩa là con của sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

 

 

Suy Niệm 1: Đến với Người, ở với Người

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Thông thường ở xã hội Do Thái, người môn đệ đi tầm sư học đạo.

Còn Thầy Giêsu lại đi “gọi” học trò.

Thầy muốn lập một nhóm học trò ruột, hết sức gần gũi với mình.

Những người Thầy muốn, Thầy đã gọi họ lại.

Và họ đã đáp lời mà đến với vị Thầy đang ở trên núi.

Như thế sáng kiến thì bắt nguồn từ Thầy,

còn đáp lại là điều con người cần thực hiện.

Thầy Giêsu muốn lập một nhóm mười hai môn đệ.

Có thể vì Thầy nhớ đến mười hai chi tộc Ítraen ngày xưa.

Mục đích của nhóm Mười Hai này là ở với Thầy và được Thầy sai đi.

Ở với là chuyện ưu tiên, và cũng là chuyện dễ bị xao lãng.

Ở với là có tương quan thân thiết và thường xuyên với Thầy.

Ở với là chia sẻ cuộc sống ăn ở, đói no, thành công, thất bại.

Khi ở với Thầy Giêsu, người môn đệ hiểu Thầy sâu xa và gắn bó với Thầy.

Khi các môn đệ đến với và ở với Thầy Giêsu,

họ như được tách ra khỏi đám đông.

Sau này, khi tìm người thay thế Giuđa phản bội,

Phêrô đòi đó phải là người đã sống với Thầy Giêsu ngay từ đầu (x.Cv 1, 22).

Ở với nằm trong định nghĩa về người môn đệ của Thầy Giêsu.

Nhưng đó không phải là điểm dừng.

Ở lại với Chúa là để được sai đến với con người.

Được tách ra khỏi đám đông chính là để được sai đến với đám đông,

trong tư cách của người đã được mắt thấy tai nghe Thầy Giêsu.

Người môn đệ được sai sẽ được phép làm những việc y hệt như Thầy:

rao giảng Tin Mừng và trừ quỷ nhằm phục vụ cho con người.

Chẳng những họ làm việc như Thầy, họ còn làm việc của Thầy và với Thầy.

Không ở với thì cũng chẳng được sai đi, và cũng không đủ sức để được sai.

Nhưng ở với là để có ngày được sai đi, mà sai đi thì vẫn luôn ở với.

Kitô hữu là người được gọi, để ở với Chúa Giêsu và được ngài sai đi.

Cuộc sống xao động hôm nay có vẻ làm ta quên ở với Chúa

và rơi vào tình trạng nghiện việc.

Chính vì thế công việc ta làm không đem lại hiệu quả thực sự và lâu bền.

Hãy ở với Giêsu mỗi ngày 15 phút, bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi.

 

Cầu nguyện:

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

xin cho con quý chuộng những lúc

được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa

để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

xin cho con thoát được lên cao

nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,

ước gì tinh thần cầu nguyện

thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện,

xin cho con gặp được con người thật của con

và khuôn mặt thật của Chúa. Amen.

 

Suy Niệm 2: Giao ước mới

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa kiên trì trong chương trình yêu thương của Người. Nên luôn có những sáng kiến mới. Mở ra những chân trời mới.

Khi giao ước cũ không đem đến hiệu quả như mong muốn, Thiên Chúa quyết định lập ra Giao Ước Mới: “Đức Chúa phán: Này sắp đến những ngày Ta hoàn thành một Giáo Ước Mới với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa”. “Giao Ước Mới tốt đẹp hơn. Căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn”.

Có Thượng Tế cao trọng hơn. Chúa Giê-su là trung gian Giao Ước Mới. Vô cùng cao trọng hơn trung gian giao ước cũ. Chúa Giê-su là trung gian tuyệt vời. Vì Người vừa là Thiên Chúa, vừa đứng đầu nhân loại. “Vị Thượng Tế của chúng ta được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn”. Người dâng hiến chính thân mình. Giao Ước Mới được ký kết bằng chính máu Người đổ ra. Nên có giá trị vô biên.

Có con người mới tốt đẹp hơn. Vì Lề Luật không còn ghi vào bia đá. Nhưng ghi vào trong tâm hồn: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó. Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta”. Cũng như khi Sa-un hư hỏng, Chúa đã chọn Đa-vít, tôi trung của Chúa. Đa-vít kính sợ Chúa. Dù Sa-un ghen ghét đuổi bắt ông vô cớ. Nhưng khi có thể giết Sa-un, Đa-vít vẫn không dám xúc phạm đến Sa-un là người đã được Chúa xức dầu. Ông để cho Chúa phân xử: “Điều ác từ kẻ ác mà ra, nên tay con sẽ không đụng đến cha” (năm chẵn).

Có nền tảng mới là 12 tông đồ thay cho 12 chi tộc cũ. Các tông đồ được Chúa đích thân tuyển chọn. Được sống với Chúa để thấm nhiễm luật mới. Rồi mới được sai đi để làm chứng về Chúa. Xua trừ ma quỉ. Thiết lập triều đại mới của Thiên Chúa: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ”.

Xin Chúa đổi mới con. Để con xứng đáng là dân mới. Được hưởng những lời hứa từ Giao Ước Mới. Xin cho con trở nên con người mới. Giống như các tông đồ. Được ở với Chúa. Để thấm nhập luật mới của Chúa.

 

Suy Niệm 3: Giáo Hội là một Mầu Nhiệm

Nếu thời Cựu Ước đã có những tiên tri cung đình, chuyên phụ họa cho vua chúa, thay vì nói lời của Chúa; thì ngày nay cũng không thiếu những tiên tri như thế: thay vì nói Lời Chúa, lên tiếng tố cáo bất công, người ta lại chỉ làm tiên tri để công kích và chỉ trích Giáo Hội của mình. Dù sao, đây cũng là dịp để các Kitô hữu suy nghĩ và đào sâu về bản chất của Giáo Hội.

Ðiều cơ bản nhất mà chúng ta cần phải tuyên xưng trước tiên khi nói về Giáo Hội, đó là Giáo Hội là một mầu nhiệm, do đó chúng ta không thể so sánh hay xếp Giáo Hội vào bất cứ một tổ chức trần thế nào. Giáo Hội không là một thể chế quân chủ chuyên chế hay quân chủ lập hiến. Giáo Hội cũng không hề là một chế độ tập quyền hay Bô lão trị; Giáo Hội lại càng không phải là một chế độ dân chủ. Giáo Hội thiết yếu là một mầu nhiệm, do đó mà không có một tên gọi nào diễn tả và múc cạn mầu nhiệm ấy. Giáo Hội được gọi là Hiền thê của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là Dân Chúa; mỗi kiểu nói này bày tỏ một khía cạnh, nhưng không thể nào nói hết về Giáo Hội.

Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta vào trong bản chất mầu nhiệm ấy của Giáo Hội. Chúa Giêsu thiết lập nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và được Ngài sai đi rao giảng. Ngài trao ban cho các ông quyền năng mà chính Ngài đã từng sử dụng: chỉ có các Tông Ðồ mới có quyền trừ quỷ, mới có quyền cử hành các Bí Tích, và chỉ những ai được các ông trao quyền cho mới được cử hành các Bí Tích. Chúa Giêsu trao phó cho các Tông Ðồ kho tàng mạc khải, chỉ có các ông mới có khả năng và có quyền giải thích kho tàng ấy và giảng dạy đúng ý muốn của Chúa. Trong Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu đặt Phêrô làm thủ lãnh để cai trị và trở thành mối giây hữu hình trong Giáo Hội, Ngài hứa ở với Giáo Hội mỗi ngày cho đến tận thế: như Ngài đã ở với các Tông Ðồ ngay từ buổi đầu, thì hơn 2,000 năm qua, Ngài vẫn tiếp tục ở với và trong Giáo Hội.

Giáo Hội chính là thân thể Chúa Kitô. Thuộc về Giáo Hội chính là chấp nhận lời rao giảng của Chúa Giêsu được ủy thác cho các Tông đồ và những người mà các ông cắt đặt để thay thế và tiếp tục sứ mệnh của mình. Thuộc về Giáo Hội một cách cụ thể, là đón nhận và sống giáo huấn của chính các Tông đồ được ủy thác cho Giáo Hội và những người kế vị các ông. Giáo Hội không phải là một thể chế dân chủ, nhưng Giáo Hội chưa hề cưỡng bách ai phải gia nhập Giáo Hội; nhưng nếu đã thuộc về Giáo Hội thì không thể không chấp nhận quyền bính của Giáo Hội. Dù vậy, ngay cả khi một Kitô hữu không chấp nhận quyền giáo huấn của Giáo Hội, thì Giáo Hội cũng không phải dùng đến võ lực hoặc nhà tù để đe dọa và trừng phạt.

Hằng năm, Giáo Hội dành một tuần lễ để cầu cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, một tuần lễ để đi sâu vào mầu nhiệm của Giáo Hội, một tuần lễ để hoán cải. Chúng ta hãy cầu xin bằng chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: "Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, ngõ hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con".

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Những kẻ Người muốn

Rồi Người lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc. 3, 13-14)

Để hiểu sâu bài Phúc âm hôm nay, một lần nữa chúng ta còn tìm ra được vài chi tiết khác thánh Maccô muốn làm nổi lên hình ảnh con người Đức Giêsu.

Vì thế, để gây ý thức về tiếng gọi mà mười hai Tông đồ đã nhận được, cũng như về ơn gọi của các ông, thánh Maccô ghi lại rằng: “Người gọi những kẻ Người muốn và Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng.”

Những kẻ Người muốn

Có lẽ ta lấy làm ngạc nhiên khi thấy rằng Chúa Giêsu đã có những sự lựa chọn. Phải chăng Người không đến” kêu gọi những người tội lỗi”? Như thế, theo nguyên tắc, mọi người trong cái nhân loại ốm đau này có lẽ phải được làm tông đồ mới phải!

Người ta giải thích sự Chúa tuyển chọn như sau: lời mời gọi của Chúa diễn ra ỏ hai mức độ, và mỗi người chúng ta đều được gọi hai lần. Tiên vàn là kêu gọi đón nhận đức tin, sám hối, gia nhập Nước Tròi, hưởng ơn cứu độ. Sứ mệnh của Đức Kitô có mục đích tối hậu là làm vang lên tiếng mời gọi của Chúa Cha “Anh em hãy đến!”

Nhưng cũng có tiếng mời gọi khác gởi đến từng người giúp họ xác định vị trí hoạt động, chọn lựa phần đóng góp của mình trong Nhiệm Thể Chúa Kitô: “những người này Chúa đã cho làm tông đồ, những người kia làm tiên tri; người được ơn chữa bệnh, người khác lại được ơn diễn giải”. Chúa Giêsu muốn cho tất cả chúng ta, mỗi người giữ một vị trí nhất định.

“Để các ông ở với Người và đi rao giảng”

Nếu chúng ta muốn hiểu biết chức vụ linh mục, hiểu biết linh mục là gì, phải trở lại hai chức năng được Chúa Giêsu gán cho Nhóm Mười Hai là “ở với Người và được sai đi rao giảng”.

Nhờ bí tích truyền chúc, linh mục được đặt để ở với Chúa Giêsu. Người ta thường đòi hỏi linh mục sống hòa mình với mọi người, ngang tầm với họ, phục vụ họ. Đòi hỏi linh mục cùng tầm vóc với Chúa Giêsu, ở với Người, thiết tưởng lại không phải là điều tốt hơn và chính đáng hơn sao? Linh mục bỏ ra một chút thời giờ trong ngày để chuyện trò với Chúa Giêsu không phải là điều tốt đẹp sao? Hãy chuyện trò với Chúa đã, rồi mới đi ra ngoài! Rồi mới giảng giải và hội họp!.

 

Suy Niệm 5: Chúng ta được mời gọi đến và ở với Thầy

Có nhiều người nhìn bộ dạng bên ngoài “rất cốt tu”, nhưng kỳ thực anh ta không hề nghĩ là sẽ đi tu! Hay nhìn những người trông xem ra có vẻ đơn sơ, chất phác, nông dân thì Chúa lại chọn và gọi để trở thành linh mục, tu sĩ của Ngài.

Như vậy, chỉ cần đưa ra một vài hình ảnh, chúng ta cũng nhận thấy rất rõ rằng: ơn gọi tu trì là một mầu nhiệm, vì Chúa chọn và gọi những ai Ngài muốn.

Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu chọn nhóm 12 trở thành môn đệ của Ngài, để họ tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Qua danh sách 12 môn đệ, chúng ta thấy không ai là trọn vẹn cả. Ai cũng có những khuyết điểm, thiếu xót, đôi khi những lỗi mắc phải trước, trong, và sau khi ở với Đức Giêsu là những lỗi rất nặng.

Nhưng điều quan trọng đối với các ông là: tập trung quy vào Đức Giêsu. Thầy của các ông như là cái tâm trong một vòng tròn. Nhiều khi vì yếu đuối, nên xao nhãng đi xa tâm của vòng tròn, nhưng khi tỉnh lại và ngộ ra sự yếu đuối, tội lỗi của mình, các ông lại tiếp tục nhập vào vòng tròn đó và hướng về Đức Giêsu là tâm điểm, đích đến của cuộc đời. Vì thế, tuy bất toàn, nhưng các ông ở lại với Ngài, Ngài đã huấn luyện và làm cho các ông xứng đáng là kẻ lưới người như lưới cá trên hành trình loan báo Tin Mừng.

Mỗi người chúng ta ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi bước theo Đức Giêsu để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài khi mang trong mình những tâm tư của chính Đấng mà chúng ta đi theo.

Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng thi hành những giáo huấn và lời dạy của Đức Giêsu không hay nhiều khi chúng ta chỉ có tên tuổi mà không có chất? Chỉ có phẩm mà không có lượng?

Lạy Chúa Giêsu, được trở thành môn đệ của Chúa là một hồng ân. Tuy nhiên, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết làm cho hồng ân ấy triển nở trong cuộc sống thường ngày của mình qua những hoa trái tốt lành. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Tiếp nối sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu mời gọi mọi người tiếp nối sứ mạng cứu thế mà ngày xưa Ngài khởi đầu và xây dựng trên nền tảng Mười Hai Tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, còn hạnh phúc nào hơn khi con được Chúa yêu thương kêu gọi theo Chúa và ở với Chúa. Làm sao một thân phận thấp hèn, nhỏ bé và yếu đuối như con lại được Chúa đón nhận để sống với Chúa trong tinh thần thầy trò, tình anh em, và mật thiết hơn nữa là tình bạn hữu. Chúa lại muốn con cộng tác làm việc với Chúa như các tông đồ ngày xưa để làm chứng cho tình yêu của Chúa. Để trở nên một người môn đệ, người em, người bạn của Chúa, xin Chúa giúp con kiên trì tập luyện để trở nên con người mới, bởi Chúa đang hy vọng qua cuộc sống của con, sứ điệp tình yêu sẽ được triển nở nơi anh em mà con thường xuyên gặp gỡ.

Con biết rằng tự sức mình, con không thể làm được. Vậy xin Chúa ban cho con sức mạnh của Chúa, để con luôn can đảm, hy sinh, quảng đại, sẵn sàng đón nhận và thực thi ý Chúa trong từng biến cố, từng phút giây của cuộc sống. Xin Chúa loại trừ trong con tính ích kỷ, những cách cư xử thiếu bác ái, thiếu kính trọng và yêu thương, khiến cho tha nhân không nhận ra được khuôn mặt tình yêu của Chúa, và vì thế mà làm cản trở sứ mạng cứu thế của Chúa.

Dù đã bao lần lầm lỗi, xin Chúa thương tha thứ cho con, đừng để con phản bội Chúa. Xin dẫn dắt con từng bước để con xứng đáng là cộng tác viên trong sứ mạng đã được trao ban. Amen.

Ghi nhớ: “Người gọi những kẻ Người muốn gọi để họ ở cùng Người”.

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu gọi-chọn mười hai tông đồ

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một gia đình sống giữa đồng không mông quạnh. Vào một đêm người trong nhà sơ ý làm rớt cây đèn dầu, căn nhà bốc cháy dữ dội. Cha mẹ, con cái vội vã chạy ra ngoài sân và đành đứng bất lực nhìn ngọn lửa thiêu rụi mái ấm của họ. Bỗng mọi người chợt nhận ra còn thiếu mất đứa con bé nhất. Thì ra trong lúc cậu bé chạy với mọi người, nhưng chưa ra tới cửa, thấy lửa cháy dữ quá, cậu sợ hãi nên chạy trở lại lên lầu.

Lửa phừng phừng cao ngút tứ phía, đang lúc cả gia đình hốt hoảng không biết phải làm sao để cứu cậu bé chỉ mới 5 tuổi này, thì bỗng cửa sổ trên lầu mở toang và cậu bé ló ra, nhìn xuống kêu khóc inh ỏi. Từ dưới sân, cha cậu bé gọi lớn tên con, rồi nói: “Con nhảy xuống đây?”. Cậu bé chỉ thấy bên dưới toàn khói mù và lửa, nhưng nghe rõ tiếng cha kêu mình, liền trả lời: “Ba ơi, con không trông thấy ba đâu hết!”. Người cha trả lời giọng cương quyết: “Con cứ nhảy đi, có ba trông thấy con là đủ rồi?”. Nghe lời cha, cậu bé leo lên thành cửa sổ, liều mình nhảy xuống. Mọi người la lên kinh hãi vì lo sợ cho mạng sống của cậu, nhưng cậu đã rơi đúng vào vòng tay yêu thương của cha mình một cách an toàn... Sau này nhiều năm, người quen trong khu phố ai gặp cậu bé cũng tò mò hỏi: “Sao hôm ấy cháu liều thế, lỡ rơi không trúng vòng tay của ba cháu thì sao?”. Cậu hồn nhiên trả lời: “Cháu cũng không biết nữa, khi ấy cháu nghe tiếng kêu của ba cháu, tự nhiên cháu không sợ nữa, cháu tin ba cháu không bao giờ để cho cháu té chết đâu!”.

Trong cuộc đời có những tiếng gọi, tiếng gọi huyền nhiệm thúc bách để ta bước đi, bước đi… đi trong chốn tối tăm mịt mù…

Suy niệm

Chúa Giêsu gọi và chọn mười hai tông đồ với tên tuổi rõ ràng như các Tin Mừng ghi nhận (x. Mt 10,1-6; Mc 3,13 -19; 6,7-13; Lc 6,12 -16; 9,1-6), nhóm Mười Hai được giao sứ mạng đi đến với muôn dân và làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Đức Giêsu (x. Mt 28,19).

Tin Mừng ghi lại tiêu biểu vài việc Chúa gọi và chọn vài nhân vật: Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, ông Giacôbê và người em là ông Gioan, Người bảo: “Các anh hãy theo tôi. Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những ngư phủ lưới người ta…”. (Mt 4,19), lập tức, các ông bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ gia đình lại mà theo Người (x. Mt 4, 18-22). “Các anh hãy theo Tôi”, một lời mời gọi đến gặp, gắn bó với Đức Kitô là ánh sáng, là nguồn sống: “Sự sáng thế gian, chính là Ta! Ai theo Ta sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng nó sẽ có ánh sáng sự sống” (Ga 8,12), người môn đệ có tình yêu cứu độ, lên đường đem Tin Mừng ánh sáng cứu độ cho mọi tâm hồn… Chính nhờ lời rao giảng, gương sáng cuộc sống của người môn đệ, thế gian nhận ra ánh sáng của Thiên Chúa như Đức Kitô đã nói với những người Ngài tuyển chọn: “Các con là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian” (Mc 9,50; Lc 14,34-35).

Mọi người được mời gọi đích danh trở nên môn đệ, và trong ơn gọi làm môn đệ như Chúa Giêsu khẳng định: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái anh em tồn tại” (Ga 15,16).

Thật thế, Chúa đang thì thầm gọi tôi, gọi bạn, Ngài gọi đích danh tên mỗi người “hãy theo Tôi”. Theo Ngài để khám phá tình yêu, trở nên môn đệ và được sai đi…

Ý lực sống: “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ” (Is 49,1).

 

 Suy Niệm 8: Chúa chọn Nhóm Mười Hai

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)                                          

1. Trong việc rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu không muốn làm việc một mình mà muốn cho con người cộng tác vào công việc quan trọng này. Vì thế, Người đã tuyển chọn Nhóm Mười Hai để Ngài huấn luyện và trao cho họ tiếp tục sứ mệnh của Người. Nhóm Mười Hai này sẽ là cột trụ, là nền tảng Giáo hội mà Người sẽ thiết lập sau này; vì thế, Đức Giêsu phải để các ông luôn ở với Người, gần kề Người. Người tin tưởng họ và trao cho họ sứ mệnh cao cả này.

2. Điều cơ bản nhất mà chúng ta phải tuyên xưng trước tiên khi nói về Giáo hội, đó là Giáo hội là một mầu nhiệm, do đó, chúng ta không thể so sánh hay xếp Giáo hội vào bất cứ một tổ chức trần thế nào. Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta vào trong bản chất mầu nhiệm của Giáo hội ấy.

Chúa Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và được Ngài sai đi rao giảng. Ngài trao ban cho các ông quyền năng mà chính Ngài đã từng sử dụng: chỉ có các Tông đồ mới có quyền trừ quỉ, mới có quyền cử hành các bí tích, và chỉ nhữg ai mà các ông trao quyền cho mới được cử hành các bí tích. Chúa Giêsu trao phó cho các Tông đồ kho tàng mạc khải, chỉ có các ông mới có khả năng và có quyền giải thích kho tàng ấy và giảng dạy đúng ý muốn của Chúa. Trong Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu đặt Phêrô làm thủ lãnh để cai trị và trở thành mối giây hữu hình trong Giáo hội; Ngài hứa ở với Giáo hội mỗi ngày cho đến tận thế: như Ngài đã ở với các Tông đồ ngay từ buổi đầu, thì hơn 2000 năm qua, Ngài vẫn tiếp tục ở với và trong Giáo hội (Mỗi ngày một tin vui).

3. Trong việc lựa chọn này, Chúa chọn họ là những người bình thường, không giầu có, không danh tiếng. Họ cũng chẳng là người có thế lực trong xã hội. Họ không là những học giả mà chỉ là những người bình dân, đơn sơ. Chọn làm Tông đồ là Chúa Giêsu đã muốn làm thay đổi cả thế giới. Công việc của Chúa Giêsu không đặt trong tay  những người mà thế giới cho là những vĩ nhân, nhưng ở trong tay những người bình thường như các Tông đồ.

4. Chúa gọi và chọn họ không tự cho mình được chọn hoặc ứng cử, nghĩa là Chúa ở vị thế cao hơn. Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế, điều kiện đầu tiên để trở thành Tông đồ là do được Chúa chọn. Các môn đệ ở lại với Người, nghĩa là họ được tách ra khỏi đám đông và đến; điều kiện thứ hai là khi được gọi, họ phải ở tách riêng ra, nghĩa là  có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn...

Trong Giáo hội, việc được chọn làm công việc này, chức vụ nọ là do Chúa chọn qua sự tuyển lựa của Giáo hội, chứ không phải cha truyền con nối hay mình ứng cử. Vì thế, luôn phải đặt ý Chúa lên trên hết và dù hợp với chúng ta hay không thì cũng phải biết thuận theo ý Chúa.

5. Theo truyền thống, các bậc thầy bên phương Đông cũng như phương Tây, thường họ có một số môn đệ, được coi như các cán bộ nồng cốt để tuyên truyền cho học thuyết hay giáo thuyết của mình như Socrate, Platon, Aristote bên phương Tây; như Lão Tử, Khổng Tử, Đức Phật Thích Ca bên phương Đông... Tại sao Chúa Giêsu không chọn cho mình nhiều hơn hay ít hơn? Có lẽ Ngài muốn chọn con số 12 tượng trưng cho 12 chi tộc Israel?

Trong số 12 Tông đồ, chúng ta thấy:

Gioan và Giacôbê, những người trẻ nóng tính,

Matthêu, một người thu thuế cho đế quốc,

Simon, một thành viên của nhóm cuống tín,

Phêrô, anh dân chài thất học.

Những con người quá đỗi bình thường ấy có thể làm được gì lớn lao cho Chúa và cho đời?

Chúa Giêsu chọn họ để họ ở với Người và Người ở với họ, để từ một nhóm người bé nhỏ, tội lỗi, tình yêu của Thiên Chúa được rao giảng, con người tìm được hạnh phúc thật.

Chúa ơi, cho con ở với Chúa thật sâu, để con có sức mạnh mà thành người hữu ích cho đời (Epphata).

6. Truyện: Chúa tuyển chọn 12 Tông đồ.

Một tác giả tưởng tượng việc Chúa Giêsu chọn các Tông đồ như sau: Sau những đêm dài cầu nguyện, Ngài rảo bước khắp nơi nhưng không chọn được người nào, Ngài đành đăng quảng cáo, nhưng trong số những người đến trình diện Ngài, Ngài cũng không chọn được ai.

Ngài đành tổ chức thế vận hội. Môn đầu tiên là cầu nguyện: nhiều người biểu diễn cầu nguyện rất hay nhưng Chúa không chọn được ai cả. Môn thứ  hai là thờ phượng cũng thế. Môn thứ ba là giảng thuyết, cũng chẳng được ai.

Chán nản vì mất thì giờ vô ích, Chúa Giêsu rời vận động trường để ra bở biển hóng gió và ở đây Ngài thấy đám dân chài. Ngài đứng quan sát và nhận ra có một số người để hết tâm hồn vào công việc. Ngài nghĩ thầm họ là những người có quả tim. Và thế là Ngài chọn họ làm Tông đồ của Ngài.

 

Suy Niệm 9: Chúa muốn con người chia sẻ sứ mạng của Ngài

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Chúa Giêsu lập nhóm 12. Có vài chi tiết đáng để ý:

- Việc này xảy ra trên núi. Theo truyền thống Thánh Kinh thì "Núi" là:

+ nơi linh thiêng, nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người (1V 19,18: Thiên Chúa gặp Êlia),

+ nơi lập Giao ước (Xuất hành 19.3), nơi mạc khải...

Vậy Chúa Giêsu lập nhóm 12 trên núi vì việc này có tính cách quan trọng và thánh thiêng.

- Ngài "gọi đến với Ngài những kẻ Ngài muốn": Ơn gọi xuất phát từ sáng kiến và ơn ban của Thiên Chúa chứ không phải do công đức của con người.

-12 người này được chọn "để các ông ở với Ngài và được Ngài sai đi". Đây là 2 nét quan trọng trong căn tính của người tông đồ.

- Trong số những người được chọn có cả một người sẽ phản nộp Ngài.

B. Suy niệm (...nảy mầm)

1. Chúa không đích thân đi rao giảng Tin mừng mặc dù cách này hữu hiệu hơn, nhưng lại chọn một số người làm việc ấy. Lý do:

a/ Chúa muốn con người chia sẻ sứ mạng của Ngài;

b/ Chúa chia sẻ cho con vinh dự Chúa Cha trao cho Ngài...

2. Nhưng để không phụ lòng tin tưởng của Chúa, những người được chọn để được sai đi ấy trước hết phải "ở với" Ngài. Kẻ được sai phải ở với Đấng sai phái để thấm nhuần tinh thần của Ngài và có như thế họ mới là sứ giả đích thực của Ngài av làm việc đứng như ý Ngài muốn.

3. Thế chiến thứ II kết thúc, một binh sĩ Hoa kỳ vẫn ở lại một số miền được giải phóng ở Đức. Họ giúp dân chúng thu dọn và sửa chữa những ngôi nhà đổ nát. Công tác quan trọng là xây dựng lại những nhà thờ bị hư hại vì bom đạn...

Sau khi thu dọn, sửa chữa, sắp đặt, các binh sĩ khựng lại trước một bức tượng của Chúa Giêsu bị đổ nát trên bàn thờ. Bức tượng này xem ra đã được tân trang chỉ trừ đôi tay là biến mất và cho dù cố gắng đến mấy cũng không thể nhặt được những mảnh vụn của đôi tay. Bất lực đứng nhìn bức tượng không tay của Chúa Giêsu các binh sĩ Hoa Kỳ đành phải lấy sơn viết vào tấm bảng và đặt dưới chân Ngài với hàng chữ "Ta không có đôi tay nào khác hơn là đôi tay của các bạn" (Trích mỗi ngày một tin vui)

4. "Chúa Giêsu lập nhóm 12 để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng" (Mc 3,14)

Chúa Giêsu chọn nhóm 12 người:

Gioan và Giacôbê, những người trẻ nóng tính

Matthêu một người thu thuế cho đế quốc

Simon, một thành viên của nhóm cuồng tín

Phêrô, anh dân chài thất học...

Những con người quá đỗi bình thường ấy có thể làm được gì lớn lao cho Chúa và cho đời?

Chúa Giêsu chọn họ để họ ở với Người và Người ở với họ, để từ một nhóm nhỏ bé đó, tình yêu của Thiên Chúa được rao giảng, con người tìm được hạnh phúc thật.

5. Mầm khác:

Công trình của bàn tay Chúa

Thánh Irênê thành Lyon, một vị giám mục sống vào thế kỷ thứ hai, đã đưa ra những lời khuyên sau đây về mối quan hệ của chúng ta với Đấng tạo thành.

Bạn là công trình của Thiên Chúa

Hãy sẵn sàng để cho bàn tay Ngài

Làm mọi việc đúng thời đúng buổi.

Hãy dâng Ngài tarí tim bạn

Trái tim mềm dẻo

Để mặc Ngài uốn nắn.

Hãy là cục đất sét đẫm nước

Và đừng bao giờ hóa thành khô chai -

Để dấu tay Ngài có thểin lên - thật rõ.

Cầu nguyện: Chúa ơi, cho con ở với Chúa thật sâu, để con có sức mạnh mà thành người hữu ích cho đời. (Epphata)

 

Suy Niệm 10: Chọn người đi rao giảng Tin mừng

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúa không muốn một mình đích thân đi rao giảng Tin mừng mãi mãi, mặc dù cách này hữu hiệu hơn, nhưng Ngài đã chọn một số người để làm việc ấy.

Thế chiến thứ II kết thúc nhưng Hoa Kỳ còn để lại một số binh sĩ tại một số miền được giải phóng ở Đức. Họ giúp dân chúng thu dọn và sửa chữa những ngôi nhà đổ nát, nhất là những nhà thờ bị hư hại vì bom đạn... Tại một ngôi nhà thờ bị đổ nát kia, sau khi thu dọn, sửa chữa, sắp đặt, các binh sĩ đã phải khựng lại trước một bức tượng Đức Kitô bị bể nát trên bàn thờ. Họ cố gắng hết sức để tân trang lại bức tượng. Với tất cả cố gắng họ đã tân trang lại gần như cũ chỉ trừ đôi tay của Chúa. Lý do là vì họ có cố gắng mấy cũng không làm sao thu nhặt được những mảnh vụn bể nát từ đôi tay ấy. Bất lực đứng nhìn pho tượng của Đức Kitô không có đôi cánh tay, các binh sĩ Hoa Kỳ đành phải lấy sơn viết vào tấm bảng và đặt dưới chân Ngài hàng chữ: “Ta không có đôi tay nào khác hơn là đôi tay của các ngươi” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

Vâng! Rõ ràng là qua Tin Mừng chúng ta thấy Chúa muốn con người chia sẻ sứ mạng của Ngài. Sách Giáo Lý mới đã giải thích việc làm đó của Chúa như sau: “Để cho tiếng gọi ấy vang lên trong toàn cõi địa cầu, Đức Kitô đã sai phái các tông đồ do Người tuyển chọn, trao cho các ông nhiệm vụ loan báo Tin Mừng: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

Cám ơn Chúa đã cho con người được tham dự vào công việc mà Chúa Cha đã trao ban cho Người

2. Nhưng, để cho công việc tham dự vào sứ mạng của Chúa có kết quả tốt đẹp, những người được Chúa tuyển chọn phải làm gì? Thưa trước tiên là phải “ở với” Ngài. Việc ở với Chúa là một việc rất quan trọng.

Chúng ta vẫn thường nói: Gần mực thì đen gần đèn thì sáng.

Hai môn đệ của Gioan mới ở với Chúa có một buổi chiều và một đêm, hôm sau khi gặp lại những người quen họ đã tuyên bố: “Chúng tôi đã gặp thấy Đấng Messia” (Ga 1,41).

Sử sách ghi lại rằng: Dù có phải mải mê rao giảng Tin Mừng cho lương dân như thế nào đi nữa, nhưng mỗi khi đêm về, thánh Phanxicô Xaviê luôn giữ thói quen quỳ gối trước chúa Giêsu Thánh Thể để cầu nguyện. Có lần vì quá mệt, Ngài đã ngủ gục trước bàn thờ. Nhiều lần Ngài đã phải cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa, thì ít nữa thân xác con đây cũng muốn được ở gần Ngài”.

Một nhà truyền giáo tại Ấn Độ, ông Gordon Marsuel đã xin một tín đồ Ấn Độ giáo, đến sống bên cạnh để dạy ông học tiếng bản xứ. Nhưng tín đồ Ấn giáo này từ chối, anh ta nói:

- Thưa ngài, tôi không thể đến dạy tiếng bản xứ cho ngài, vì lẽ tôi không muốn trở thành Kitô hữu.

Nhà truyền giáo trả lời:

-Tôi chỉ muốn học tiếng bản xứ để có thể giao tiếp với những người chung quanh để hiểu biết họ hơn, chứ không nhằm bắt họ trở lại với đạo Chúa.

Nhưng người tín đồ Ấn giáo đáp lại:

-Thưa ngài, tôi biết vậy. Nhưng đối với tôi, tôi nhận thấy rằng: không một ai có thể sống bên cạnh ngài mà không bị ngài cảm hóa để tin vào Chúa. Tôi không thể dạy ngài vì tôi đã nghĩ, không thể nào sống bên cạnh ngài mà không trở thành Kitô hữu.

Ở với ai thì sẽ thấm nhuần nếp sống của người đó. Kẻ được sai phải “ở với” Đấng sai phái mình để thấm nhuần tinh thần của Ngài, và có như thế họ mới có thể trở thành những sứ giả đích thực và làm việc đúng như ý Chúa muốn.

Các tông đồ đã đóng xong vai trò của mình. Thế còn mỗi người chúng ta thì sao? Thưa mỗi người cũng phải là một tông đồ cho Chúa.

Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,

Làm chân tay cho người què cụt,

Làm lỗ tai cho người bị điếc,

Làm miệng lưỡi cho người không nói được,

Làm tiếng kêu cho người chịu bất công.

Lạy Chúa, xin cứ gửi con ra đồng lúa,

Để đưa cơm cho người đói đang chờ,

Đem thuốc thang cho người đang đau ốm,

Đem áo quần cho người đang trần trụi,

Đem mền đắp cho người rét đang run.

Lạy Chúa, xin cứ gửi con vào thôn xóm,

Đem an hòa cho những ai bất thuận,

Đem yên bình cho kẻ sống âu lo,

Đem ủi an cho người đang sầu khổ,

Đem niềm vui cho những ai bất hạnh,

Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả,

Cho mọi người được hạnh phúc an vui.

Còn phần con, xin gửi hết nơi Ngài,

Là Thiên Chúa, là tình yêu, là lẽ sống

Ngài cho con tất cả niềm hy vọng,

Để tin yêu mà vui sống trọn đời.

(Một linh mục dòng Tên)
 

Great is the generosity you showed me today – Suy niệm theo The WAU ngày 21.01.2022
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – January 2022

Friday January 21th 2022
Meditation: 1Samuel 24, 3-21

Great is the generosity you showed me today (1Samuel 24,19)

David is a wonderful example of the virtue of forbearance. Just look at the way he responds to Saul’s jealousy and desire to kill him. Saul relentlessly pursues David, even though he has never been disloyal or questioned Saul’s right to rule. When Saul unwittingly stumbles into the cave where David and his men are hiding, no one would have faulted David for taking vengeance on Saul for all he had done to him. Instead, he lets Saul escape unharmed.

The generosity of David’s forbearance has an immediate effect on King Saul: he admits to treating David badly, calls off the pursuit, and gets David to promise mercy to his descendants.

David’s actions mirror the forbearance of God, who is patient and slow to anger, like the father in the parable of the prodigal son (Luke 15:11-32). Instead of punishing us swiftly, God gives us room to experience the consequences of our choices and feel remorse for our sins. He scans the road, eagerly awaiting our return. Perhaps he muses about the ways we will grow from these difficult experiences.

David shows us that it is better to restrain our anger than to act on it. Exercising forbearance opens up space for God to work in us, and in the other person, to bring to birth something new.

For example, maybe you become angry one day as you think about the fact that your adult children haven’t called you lately. Rather than letting that anger build and continue to darken your thoughts, ask the Holy Spirit to give you his peace. Then at some later point, you can bring up the issue with them and ask if they’re doing okay. Maybe they are coping with a lot of stress at work or are struggling with a health issue. By forbearing, you may just end up having an important conversation that wouldn’t have happened otherwise.

Next time you are wronged, take a deep breath. Call on God’s mercy for you and for the one who has hurt you. Remember, forbearance is a virtue that opens up the opportunity for you and the people around you to grow.

“Father, give me a heart full of forbearance toward those who wrong me.”

Thứ Sáu ngày 21.01.2022
Suy niệm: 1Sm 24, 3-21

Hôm nay con đã tỏ ra là con làm điều tốt cho cha (1Sm 24,19)

Đavít là một tấm gương tuyệt vời về đức tính kiên nhẫn. Chỉ cần nhìn vào cách anh ta đáp lại sự ghen tị của vua Saun và mong muốn giết anh ta. Saun không ngừng rượt đuổi Đavít, mặc dù anh ta chưa bao giờ bất trung hoặc nghi ngờ quyền cai trị của Saun. Khi Saun tình cờ đi vào hang động nơi Đavít và người của anh đang ẩn náu, không ai có thể trách Đavít đã báo thù Saun về tất cả những gì ông đã làm với anh. Thay vào đó, anh để Saul trốn thoát mà không hề bị thương tích gì.

Lòng khoan dung độ lượng của Đavít có tác dụng ngay lập tức đối với Vua Saun: ông thừa nhận đã đối xử tệ với Đavít, hủy bỏ cuộc truy đuổi và xin Đavít hứa thương xót cho con cháu của ông.

Hành động của Đavít phản ánh sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng kiên nhẫn và chậm nổi giận, giống như người cha trong dụ ngôn về đứa con hoang đàng (Lc 15,11-32). Thay vì trừng phạt chúng ta một cách chóng vánh, Thiên Chúa  cho chúng ta có thời gian để trải nghiệm hậu quả của những lựa chọn của mình và cảm thấy hối hận về tội lỗi của mình. Ngài dò đường, háo hức chờ đợi sự trở lại của chúng ta. Có lẽ Ngài trầm ngâm về những cách chúng ta sẽ trưởng thành từ những trải nghiệm khó khăn này.

Đavít cho chúng ta thấy rằng tốt hơn là kiềm chế cơn tức giận của mình hơn là hành động theo nó. Thực hành tính kiên nhẫn sẽ mở ra không gian để Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta, và trong người khác, để sinh ra một điều gì đó mới mẻ.

Ví dụ, có thể một ngày bạn trở nên tức giận khi nghĩ về việc những đứa con trưởng thành của bạn gần đây không gọi cho bạn. Thay vì để sự tức giận tích tụ và tiếp tục làm suy nghĩ đen tối của bạn, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho bạn sự bình an của Ngài. Sau đó, vào một thời điểm nào đó, bạn có thể đưa ra vấn đề với họ và hỏi xem họ có ổn không. Có thể họ đang phải đương đầu với nhiều căng thẳng trong công việc hoặc đang phải vật lộn với một vấn đề sức khỏe. Bằng tính kiên nhẫn, bạn có thể kết thúc một cuộc trò chuyện quan trọng mà lẽ ra sẽ không xảy ra theo một cách nào đó.

Lần tới khi bạn có vấn đề, hãy hít thở sâu. Cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa cho bạn và cho người đã làm tổn thương bạn. Hãy nhớ rằng, đức tính kiên nhẫn là một đức tính mở ra cơ hội phát triển cho bạn và những người xung quanh.

Lạy Cha, xin Cha ban cho con một trái tim tràn đầy sự kiên nhẫn đối với những người đã làm sai trái với con.

 

Jesus appointed twelve to be with him – Suy niệm song ngữ Anh – Việt ngày 21.01.2022
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Friday January 21th 2022
“Jesus appointed twelve to be with him

Scripture: Mark 3:13-19  

13 And he went up on the mountain, and called to him those whom he desired; and they came to him. 4 And he appointed twelve, to be with him, and to be sent out to preach 15 and have authority to cast out demons: 16 Simon whom he surnamed Peter; 17 James the son of Zebedee and John the brother of James, whom he surnamed Boanerges, that is, sons of thunder; 18 Andrew, and Philip, and Bartholomew, and Matthew, and Thomas, and James the son of Alphaeus, and Thaddaeus, and Simon the Cananaean, 19 and Judas Iscariot, who betrayed him. Then he went home.

Thứ Sáu ngày 21.01.2022
Đức Giêsu chọn nhóm mười hai để ở với Người

Mc 3,13-19

13 Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng,15 với quyền trừ quỷ.16 Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô,17 rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-,18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích,19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người. Rồi Người trở về nhà.

Meditation: What is God’s call on your life? When Jesus embarked on his mission he chose twelve men for the task of preaching the kingdom of God and healing the sick in the power of that kingdom. In the choice of the twelve, we see a characteristic feature of God’s work: Jesus chose very ordinary people. They were non-professionals, who had no wealth or position. They were chosen from the common people who did ordinary things, had no special education, and no social advantages. Jesus wanted ordinary people who could take an assignment and do it extraordinarily well. He chose these men, not for what they were, but for what they would be capable of becoming under his direction and power.

Jesus calls you to serve him – will you say yes today and tomorrow?

When the Lord calls us to serve, we must not shrug back because we think that we have little or nothing to offer. The Lord takes what ordinary people, like us, can offer and uses it for greatness in his kingdom. Do you make your life an offering to the Lord and allow him to use you as he sees fit?

“Lord Jesus, fill me with gratitude and generosity for all you have done for me. Take my life and all that I have as an offering of love for you, who are my All.”

 

Suy niệm: Ơn gọi của Thiên Chúa dành cho bạn là gì? Khi Đức Giêsu thực hiện sứ mạng, Người đã chọn mười hai người đàn ông dành cho công việc rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh tật trong quyền năng của nước Chúa. Trong việc chọn lựa nhóm mười hai, chúng ta thấy một nét đặc trưng cụ thể công việc của Chúa: Đức Giêsu chọn lựa những người rất tầm thường. Họ không phải là những nhà chuyên môn, không giàu có hay thế giá. Họ được chọn từ những con người bình thường, làm những công việc bình thường, không có học thức cao, cũng không có uy thế trong xã hội. ĐG muốn những người bình thường có thể nhận lấy sứ mạng và thực hiện nó một cách hết sức phi thường. Người chọn những người này không vì những gì họ có, nhưng vì những gì họ có thể là, dưới sự dẫn dắt và uy quyền của Người.

Đức Giêsu kêu gọi bạn phụng sự Người – Bạn sẽ thưa vâng hôm nay hay ngày mai?

Khi Chúa kêu gọi chúng ta phục vụ, chúng ta không nên lùi bước, bởi vì chúng ta nghĩ rằng mình có ít hoặc chẳng có gì để cho. Chúa đón nhận những gì mà người bình thường, như chúng ta, để có thể dâng hiến và sử dụng chúng cho sự cao quý trong vương quốc của Người. Bạn có biến cuộc sống mình thành một của lễ dâng cho Chúa, và cho phép Người sử dụng bạn như Người muốn không?

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa lấp đầy lòng con với lòng biết ơn và quảng đại đối với tất cả những gì Chúa đã làm cho con. Xin Chúa nhận lấy sự sống của con và tất cả những gì con có như một của lễ tình yêu dành cho Chúa, Đấng là tất cả của con.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây