Thứ Ba – Ngày thứ năm trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh.

Thứ hai - 28/12/2020 06:49

Thứ Ba – Ngày thứ năm trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh.

"Ánh sáng đã chiếu soi các lương dân".

 

LỜI CHÚA: Lc 2, 22-35

Khi mãn thời hạn thanh tẩy theo Luật Môsê, ông bà đem Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa, như đã viết trong lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh, dâng cho Thiên Chúa", và việc dâng lễ vật như đã nói trong lề luật Chúa là "một cặp chim gáy, hoặc hai bồ câu con".

Và lúc đó tại Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính và có lòng kính sợ, đang mong đợi niềm an ủi Israel, có Thánh Thần ở trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ".

 

 

 

Suy Niệm 1: Ơn cứu độ cho muôn dân

Suy niệm :

Luật lệ thường làm người ta cảm thấy gò bó, mất tự do.

Người Do Thái phải giữ Luật Chúa đã ban cho Môsê.

Con trai thì phải được cắt bì và đặt tên tám ngày sau khi sinh (Lc 2,21).

Con trai đầu lòng thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa (Xh 13,1-2),

nên cha mẹ phải nộp năm sê-ken bạc cho tư tế

để chuộc lại con cho mình (Ds 3,47-48).

Người phụ nữ sau khi sinh con, bị coi là nhơ uế (Lv 12, 2-8),

phải ở nhà, không được đụng đến vật thánh hay vào Đền thờ.

Bốn mươi ngày sau khi sinh con trai, bà cần làm lễ thanh tẩy.

Bà phải dâng cho Đền thờ một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu,

và một con chim gáy hay bồ câu để làm lễ tạ tội.

Nếu nghèo, bà chỉ cần dâng một cặp bồ câu non hay chim gáy là đủ.

Giuse và Maria đã vui vẻ giữ những luật này,

dù ngày nay đối với chúng ta, chúng thật là khó hiểu và khó chấp nhận.

Hãy nhìn ngắm đôi vợ chồng nghèo lên Giêrusalem.

Họ đã vượt một quãng đường xa, với đứa con mới hơn tháng tuổi.

Maria chịu thanh tẩy, dù bà biết mình đã cưu mang Đấng Thánh.

Bà đã dâng lễ vật đơn sơ của một người nghèo (c. 24).

Dù Luật không buộc, ông bà cũng đem Con lên Đền thờ để dâng.

Họ muốn con mình thuộc trọn về Thiên Chúa (x. 1 Sm 1, 22).

Ông bà đã không đòi hỏi một đặc ân hay miễn trừ nào.

Giữ Luật là cách họ thể hiện tình yêu đối với Chúa.

Có ai nhận ra đôi vợ chồng với đứa con nhỏ này là ai không?

Có, một người công chính và sùng đạo tên là Simêon.

Thánh Thần hằng ngự trên ông (c. 25),

và nói cho ông biết ông sẽ thấy Đức Kitô trước khi lìa đời (c. 26).

Chính Thánh Thần thúc đẩy ông lên Đền thờ vào lúc này (c. 27).

Bỗng nhiên ông thấy mầu nhiệm lớn lao đang tỏa sáng,

nơi Hài Nhi bé nhỏ, con của đôi vợ chồng nghèo.

Mọi mong chờ lâu nay của ông được đền đáp.

Các mục đồng đã nhận ra Đức Kitô nơi bé thơ quấn tã, nằm máng cỏ,

còn Simêon nhận ra Ngài nơi em bé được bồng ẵm bởi đôi vợ chồng.

Ông đã bồng Hài Nhi trong vòng tay, ngất ngây vì hạnh phúc.

Môi ông bật lên lời chúc tụng của người sẵn sàng nhắm mắt ra đi.

Ơn cứu độ cho muôn dân đã đến đây rồi (cc. 30-31).

Hài Nhi bé nhỏ này là Ánh sáng cho muôn dân,

là Vinh quang cho Dân Ítraen của Đức Chúa (c. 32).

Để nhận ra Chúa trong cuộc sống buồn tẻ hay sôi động hàng ngày,

cần có sự gần gũi thân thiết với Thánh Thần như ông Simêon.

Thánh Thần như trò chuyện, mách bảo, thôi thúc ông từ bên trong.

Thánh Thần soi sáng để ông nhận ra điều lớn lao mắt phàm không thấy.

Nhưng để nghe được sự mách bảo thầm kín của Thánh Thần,

chúng ta cũng phải có sự thánh thiện và lòng khát khao như ông Simêon.

Chẳng còn mơ ước gì ngoài việc được gặp mặt Đức Kitô qua cuộc sống.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa

ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.

Chúa hiện diện lặng lẽ

như tấm bánh nơi nhà Tạm,

nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,

những người sống không ra người.

Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục,

nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người

gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.

Chúa hiện diện nơi Giáo Hội

gồm những con người yếu đuối, bất toàn,

và Chúa cũng ở rất sâu

trong lòng từng kitô hữu.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con thấy Chúa

đang tạo dựng cả vu trụ

và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.

Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người

vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.

Xin cho con khám phá ra

Chúa đang hẹn gặp con

nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.

Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,

thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.

Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa

trên bước đường đời của con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: ÁNH SÁNG MUÔN DÂN

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Cụ già Simeon nhìn thấy Chúa Giêsu xuất hiện như ánh sáng soi đường. Đó chính là ánh sáng tình yêu và sự sống soi vào đêm tối bất hòa chết chóc của nhân loại. Không phải tình yêu nói suông nhưng tình yêu cụ thể bày tỏ bằng việc làm.

Tình yêu đối với Thiên Chúa được bày tỏ qua việc tuân giữ điều răn của Người. Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse không buộc phải giữ luật Môse dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa. Nhưng các ngài đã khiêm nhường và vâng lời tuân giữ để tỏ lòng hiếu thảo với Đức Chúa Cha. Chúa Giêsu đến không phải để bãi bỏ lề luật nhưng để kiện toàn. Người Do thái tuân thủ lề luật vì sợ hãi, nên giữ luật cặn kẽ với tinh thần nô lệ. Chúa Giêsu đã kiện toàn lề luật bằng cách tuân giữ lề luật vì lòng yêu mến đối với Đức Chúa Cha, giữ trọn vẹn trong tinh thần tự do của người con hiếu thảo. Đó là tình yêu tuyệt hảo vì được minh chứng bằng hành động. Đó là cách giữ luật tuyệt hảo vì được thực thi với tình yêu.

Tình yêu đối với tha nhân được bày tỏ qua việc tuân giữ điều răn mới của: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chúa Giêsu đến chiếu lên làn ánh sáng mới chan hòa yêu thương soi đường cho nhân loại. Từ nay sáng tối phân minh, thiện ác tách bạch. Ai ghen ghét vẫn còn bị giam cầm trong bóng tối sự chết. Ai yêu thương sẽ được hưởng ánh sáng ban sự sống. Ai ghen ghét sẽ bị bóng tối phủ lấp, không thấy đường đi và vĩnh viễn bị lầm lạc. Ai yêu thương sẽ được ánh sáng soi dẫn, sẽ “ở lại trong Chúa Giêsu, đi trên con đường của Chúa Giêsu”, “là con đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống”.

Tình yêu chính là con đường sáng. Con đường dẫn đến sự thật và sự sống. Chúa Giê-su chính là đường đi. Ta hãy đi theo Người. Đi trong tình yêu. Ta sẽ góp phần chiếu ánh sáng vào thế giới. Ánh sáng ban sự sống. Ánh sáng ban hoà bình.

Lạy Chúa Giêsu Bé Thơ, con chiêm ngưỡng hình ảnh đẹp đẽ của Chúa được dâng trong Đền Thờ. Xin cho con được noi gương Chúa có lòng hiếu thảo yêu mến Đức Chúa Cha, vui vẻ tự nguyện giữ trọn vẹn luật Chúa. Xin cho con biết yêu mến anh em thật lòng, để không còn một bóng tối nào che phủ tâm hồn con, để con hoàn toàn sống trong ánh sáng tình yêu của Chúa.

 

Suy Niệm 3: HẠNH PHÚC CHO NGƯỜI ĐƯỢC GẶP CHÚA (Lc 2,22-35)

Ngày nay, những gia đình Công Giáo thường mang con mình đến nhà thờ xin cho bé được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, để gia nhập Giáo Hội, tham dự vào đoàn dân những người tin Chúa.

Khi xưa, thời Đức Giêsu cũng vậy, khi được tám ngày, cha mẹ Ngài bồng Hài Nhi Giêsu đến đền thờ để dâng cho Thiên Chúa.

Đức Giêsu là Thiên Chúa tối cao. Tuy nhiên, trong ngày trọng đại này, chúng ta không thấy có những người sang giàu, quyền chức, nhưng chỉ có những người bé mọn hiện diện! Kinh Thánh cho hay, những người đón chào và diễm phúc được gặp Đức Giêsu trong ngày này không ai khác ngoài ông Simêon và bà Anna. Họ là những người bình thường, đơn sơ, nghèo khó... là những người nghèo của Giavê, nhưng tâm hồn thánh thoát, nên đã được gặp Chúa của bình an.

Mặt khác, chúng ta còn nhận thấy nơi Đức Maria và thánh Giuse một tấm gương khiêm tốn, trung thành với luật. Thật vậy, các ngài thừa biết được Hài Nhi Giêsu này là Con Thiên Chúa, và các ngài đang được đặc ân lớn lao là chăm sóc Đấng Cứu Độ trần gian. Như vậy, xét theo lẽ thường, các ngài có quyền từ trối việc giữ luật này, bởi vì Đức Giêsu chính là trọng tâm của luật. Nhưng không, các ngài đã khiêm tốn, tuân hành lề luật của Thiên Chúa cách yêu mến, không tìm đặc lợi cho mình chỉ vì có uy thế...

Ngày nay, nhiều người hay nhân danh chức quyền, công trạng hay giàu có để xin miễn chuẩn cho mình những việc bổn phận với Giáo Hội, xã hội...Tuy nhiên, khi làm như thế, chúng ta quên mất một điều là phần thưởng mai hậu của chúng ta đã bị đóng lại, vì hẳn nhiên chúng ta đã được nguồn lợi rồi! Tệ hơn nữa là khi chúng ta muốn được miễn chuẩn việc bổn phận mà không được đáp ứng, nhiều người đã có những lời lẽ tiêu cực, chỉ trích trong sự kiêu ngạo... và như thế, những sự quảng đại chia sẻ cách này hay cách khác trước đó của chúng ta đã đứng lên tố cáo và như bản án vạch trần hình thức vụ lợi, thực dụng của chúng ta thuần túy chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: trước tiên, nhìn vào Đức Mẹ và thánh Giuse, không tìm những đặc ân miễn chuẩn cho mình, nhưng các ngài đã thi hành, chu toàn bổn phận cách yêu mến. Thứ đến, noi gương ông Simêon và bà Anna, sống khiêm tốn, chân thành, đơn sơ để được Thiên Chúa mặc khải những điều kín nhiệm.

Cuối cùng, khi được diễm phúc gặp Chúa, chúng ta hãy có tâm tình tạ ơn, chúc tụng Thiên Chúa như những người nghèo của Thiên Chúa trong đền thờ khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria và thánh Giuse trong việc yêu mến và tuân giữ luật Chúa. Xin cho đời sống của cụ già Simêon và Anna là nguồn gợi hứng cho chúng con trong việc thờ phượng Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Dâng con trong Đền thờ (Lc 2,22-35)

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đến ngày theo luật định, thánh Giuse và Đức Maria bồng Chúa Hài Nhi đến đền thờ Giêrusalem để dâng cho Đức Chúa Cha. Ở đó có ông Simêon là người công chính. Ông được Chúa Thánh Thần soi sáng nên nhận biết Chúa Giêsu và cất tiếng khen ngợi Chúa, vì Chúa đã thương cho Đấng Cứu Thế đến cứu chuộc dân Người; đồng thời ông cũng cho Đức Maria biết : Mẹ phải chịu nhiều đau khổ vì Chúa Hài Nhi.

Mẹ Maria và thánh Giuse dâng Chúa Hài Nhi  trong đền thánh để tuân giữ luật thời đó. Và việc dâng hiến này báo trước Chúa Giêsu tự dâng hiến đời Người chịu chết trên khổ giá để cứu độ loài người.

2. Đức Giêsu là “con trai đầu lòng” (x.Lc 2,7), theo luật Maisen :”Mọi con trai đầu lòng phải được dâng hiến lên Thiên Chúa”, như chúng ta đọc thấy trong Cựu ước :”Đức Chúa phán với Maisen :”Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay là thú vật : nó thuộc về Ta”(Xh 13,1-2). Vì thế, Đức Mẹ và thánh Giuse dâng hiến Hài nhi Giêsu cho Thiên Chúa trong Đền thờ. 

Từ nay cuộc đời Hài Nhi hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Ngài đã được dâng và cũng tự hiến dâng, để Thiên Chúa toàn quyền xử dụng trên Ngài  trong sứ mạng nhập thể cứu độ: Dâng trọn vẹn trên đỉnh cao Thập Tự.

Người Kitô hữu được dâng cho Thiên Chúa qua bí tích Rửa tội để trở thành con cái Thiên Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta ý thức được diễm phúc làm con Thiên Chúa để cảm tạ bằng cách thờ phượng Thiên Chúa hết mình, và sống xứng đáng với phẩm giá đó bằng cách  thánh hóa bản thân mỗi ngày.

3. Chúng ta nhận thấy : hai ông bà đang được diễm phúc làm mẹ Thiên Chúa và làm cha nuôi Đức Giêsu, nhưng không tìm đặc ân riêng cho mình, vẫn khiêm nhường tuân giữ lề luật : thanh tẩy và dâng con vào Đền thờ.  Noi gương hai Đấng : người Kitô hữu  không nên tìm đặc ân gì để miễn chước cho mình những bổn phận đối với xã hội, cộng đoàn, gia đình và tha nhân, nhưng phải khiêm nhường đơn sơ và nhiệt tình tuân giữ mọi lề luật chính đáng.

Đối với các bậc cha mẹ Kitô hữu, con cái là quà tặng của Thiên Chúa. Để bầy tỏ lòng trân trọng quà tặng quí báu đó, các bậc cha mẹ tiến dâng con cái của mình cho Thiên Chúa. Tiến dâng bằng cách nuôi dạy con cái theo ý Chúa; giúp con cái đón nhận và nuôi dưỡng đức tin, giúp con cái hướng tình yêu về Thiên Chúa.

4. Cụ già Simêon nói với Đức Maria :”Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng” (Lc 2,34).

Cụ Simêon trong tư cách là tiên tri tiên báo rằng con trẻ sẽ trở nên dấu cho người ta chống đối. Lời tiên tri được ngỏ cho Đức Maria để nói về sứ mạng cứu độ của Hài Nhi trong tương lai và sự mật thiết hiệp nhất trong công cuộc cứu độ  của người con trong vai trò cộng tác :”Phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Maria không hiểu lời cụ Simêon mang ý nghĩa gì, nhưng khắc ghi nghiền ngẫm trong lòng và xin Thiên Chúa ban cho được thêm can đảm, Maria cũng chịu đau khổ thương khó như Con Mẹ, nhất là tại Núi Sọ hiến tế con Mẹ trên Thập giá.

Đức Giêsu cũng đã đến để yêu thương, cứu giúp mọi người. Ngài vốn là Thiên Chúa cao sang nhưng đã trở nên thấp hèn để nâng đỡ con người lên. Nhưng cuối cùng Ngài đã bị con người đóng đinh thập giá, bỏ mặc trong cái chết đau đớn và tủi nhục.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta theo gương Mẹ tiếp bước theo Chúa trên con đường yêu thương, dẫu có bị người đời chống báng hay từ chối.

5. Truyện: Lời cầu xin tốt đẹp.

Có người coi như mình bị thất bại, vì Chúa không nhận lời cầu xin của mình. Có vẻ nản lòng. Nhưng một ngày kia, đang khi cầu nguyện Chúa soi sáng cho người ấy hãy vững tin và đặt tất cả niềm tin phó thác vào Chúa.  Họ đã sáng tác được lời cầu nguyện sau đây :

Lạy Chúa, con cầu xin ơn mạnh mẽ để thành đạt, thì Chúa làm cho con ra yếu ớt để biết vâng lời, khiêm hạ.

Con cầu xin có sức khỏe để thực hiện những công trình lớn lao, thì Chúa lại bắt con bị tàn tật và chỉ làm được những việc tốt nho nhỏ.

Con cầu xin được giầu sang để sống một cuộc đời sung sướng, thì Chúa lại bắt con nghèo nàn để học biết thế nào là khôn ngoan.

Con cầu xin có được uy quyền để mọi người phải kính nể, thì Chúa lại cho con sự thấp hèn để con biết cần đến Chúa.

Con cầu xin cho có được tất cả để tận hưởng cuộc đời, thì Chúa lại cho con cả một cuộc đời để được hưởng mọi sự.

Con xin gì cũng chẳng được theo ý con muốn, nhưng những điều con đáng phải mơ ước mà con không hề biết thốt lên lời cầu xin, thì Chúa lại đã ban cho con thật dư đầy từ lâu.

Lạy Chúa, hóa ra con lại là người có phúc hơn hết trên đời này. Bởi con đã nhận được ơn phúc Chúa vô vàn.



 

Ân sủng của Thiên Chúa ở cùng Người – SN song ngữ 29.12.2020

Tuesday (December 29): “The favor of God was upon him”

 

Scripture: Luke 2:22-35  

22 And when the time came for their purification according to the law of Moses, they brought him up to Jerusalem to present him to the Lord 23 (as it is written in the law of the Lord, “Every male that opens the womb shall be called holy to the Lord”) 24 and to offer a sacrifice according to what is said in the law of the Lord, “a pair of turtledoves, or two young pigeons.” 25 Now there was a man in Jerusalem, whose name was Simeon, and this man was righteous and devout, looking for the consolation of Israel, and the Holy Spirit was upon him. 26 And it had been revealed to him by the Holy Spirit that he should not see death before he had seen the Lord’s Christ. 27 And inspired by the Spirit he came into the temple; and when the parents brought in the child Jesus, to do for him according to the custom of the law, 28 he took him up in his arms and blessed God and said, 29 “Lord, now let your servant depart in peace, according to your word; 30 for my eyes have seen your salvation 31 which you have prepared in the presence of all peoples, 32 a light for revelation to the Gentiles, and for glory to your people Israel.” 33 And his father and his mother marveled at what was said about him; 34 and Simeon blessed them and said to Mary his mother, “Behold, this child is set for the fall and rising of many in  Israel, and for a sign that is spoken against 35 (and a sword will pierce through your own soul also), that thoughts out of many hearts may be revealed.” 

Thứ Ba      29-12          Ân sủng của Thiên Chúa ở cùng Người

 

Lc 2,22-35

22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa,23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”,24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: 29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.” 33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

Meditation: 

Do you know the favor of the Lord? After Jesus’ birth, Mary fulfills the Jewish rite of purification after childbirth. Since she could not afford the customary offering of a lamb, she gives instead two pigeons as an offering of the poor. This rite, along with circumcision and the redemption of the first-born point to the fact that children are gifts from God. Jesus was born in an ordinary home where there were no luxuries. Like all godly parents, Mary and Joseph raised their son in the fear and wisdom of God. He, in turn, was obedient to them and grew in wisdom and grace. The Lord’s favor is with those who listen to his word with trust and obedience. Do you know the joy of submission to God? And do you seek to pass on the faith and to help the young grow in wisdom and maturity?

The Holy Spirit reveals the presence of the Savior of the world  

What is the significance of Simeon’s encounter with the baby Jesus and his mother in the temple? Simeon was a just and devout man who was very much in tune with the Holy Spirit. He believed that the Lord would return to his temple and renew his chosen people. The Holy Spirit also revealed to him that the Messiah and King of Israel would also bring salvation to the Gentile nations. When Joseph and Mary presented the baby Jesus in the temple, Simeon immediately recognized this humble child of Bethlehem as the fulfillment of all the messianic prophecies, hopes, and prayers. Inspired by the Holy Spirit he prophesied that Jesus was to be “a revealing light to the Gentiles”. The Holy Spirit reveals the presence of the Lord to those who are receptive and eager to receive him.  Do you recognize the indwelling presence of the Lord with you?

The ‘new temple’ of God’s presence in the world

Jesus is the new temple (John 1:14; 2:19-22). In the Old Testament God manifested his presence in the “pillar of cloud” by day and the “pillar of fire” by night as he led them through the wilderness. God’s glory visibly came to dwell over the ark and the tabernacle (Exodus 40:34-38). When the first temple was built in Jerusalem God’s glory came to rest there (1 Kings 8). After the first temple was destroyed, Ezekiel saw God’s glory leave it (Ezekiel 10). But God promised one day to fill it with even greater glory (Haggai 2:1-9; Zechariah 8-9). That promise is fulfilled when the “King of Glory” himself comes to his temple (Psalm 24:7-10; Malachi 3:1).  Through Jesus’ coming in the flesh and through his saving death, resurrection, and ascension we are made living temples of his Holy Spirit (1 Corinthians 3:16-17). Ask the Lord to renew your faith in the indwelling presence of his Spirit within you. And give him thanks and praise for coming to make his home with you.

Mary receives both a crown of joy and a cross of sorrow

Simeon blessed Mary and Joseph and he prophesied to Mary about the destiny of this child and the suffering she would undergo for his sake. There is a certain paradox for those blessed by the Lord.  Mary was given the blessedness of being the mother of the Son of God. That blessedness also would become a sword which pierced her heart as her Son died upon the cross. She received both a crown of joy and a cross of sorrow. But her joy was not diminished by her sorrow because it was fueled by her faith, hope, and trust in God and his promises. Jesus promised his disciples that “no one will take your joy from you” (John 16:22). The Lord gives us a supernatural joy which enables us to bear any sorrow or pain and which neither life nor death can take away.  Do you know the peace and joy of a life surrendered to God with faith and trust?

Our hope is anchored in God’s everlasting kingdom of righteousness, peace, and joy

What do you hope for? The hope which God places in our heart is the desire for the kingdom of heaven and everlasting life and happiness with our heavenly Father. The Lord Jesus has won for us a kingdom of righteousness, peace, and joy in the Holy Spirit (Romans 14:17). The Holy Spirit gives hope to all who place their trust in the promises of God. God never fails because his promises are true and he is faithful. The hope which God places within us through the gift of the Spirit enables us to persevere with confident trust in God even in the face of trails, setbacks, and challenges that may come our way. 

 

 

Is there anything holding you back from giving God your unqualified trust and submission to his will for your life? Allow the Lord Jesus to flood your heart with his peace, joy, and love. And offer to God everything you have and desire – your life, family, friends, health, honor, wealth, and future. If you seek his kingdom first he will give you everything you need to know, love, and serve him now and enjoy him forever.

“Lord Jesus, you are my hope and my life. May I never cease to place all my trust in you. Fill me with the joy and strength of the Holy Spirit that I may boldly point others to your saving presence and words of everlasting life.”

Suy niệm:

 

Bạn có biết ân sủng của Chúa không? Sau khi sinh Đức Giêsu, Maria chu toàn nghi thức thanh tẩy của Do thái sau khi sinh con. Vì cô không thể mua nổi lễ vật con chiên thông thường, cô đã dâng một cặp chim như của dâng của người nghèo. Nghi thức này đi cùng với sự cắt bì và chuộc lại người con đầu lòng theo sự kiện con cái là hồng ân của Thiên Chúa. Đức Giêsu được sinh ra trong một gia đình bình thường, không có gì sang trọng. Giống như các cha mẹ đạo đức khác, Maria và Giuse nuôi dưỡng con mình trong sự kính sợ và khôn ngoan của TC. Phần mình, Người vâng phục cha mẹ và lớn lên trong sự khôn ngoan và ơn sủng. Ân sủng của Chúa ở cùng những ai lắng nghe lời Người với sự tin cậy và vâng phục. Bạn có biết niềm vui vâng phục TC không? Và bạn có tìm cách thông đạt niềm tin và giúp người trẻ lớn lên trong sự khôn ngoan và trưởng thành không?

Chúa Thánh Thần mặc khải sự hiện diện của Đấng Cứu thế

Ý nghĩa của cuộc gặp gỡ giữa cụ già Simêon với hài nhi Giêsu và mẹ Người trong đền thờ là gì? Cụ Simêon là người công chính và đạo đức, rất hòa hợp với Chúa Thánh Thần. Ông tin rằng Chúa sẽ trở lại đền thờ và canh tân dân tuyển chọn của Người. Chúa Thánh Thần cũng mặc khải cho ông rằng Đấng Mêsia và Vua dân Israel cũng sẽ đem ơn cứu độ đến cho mọi dân tộc. Khi Giuse và Maria dâng con trẻ Giêsu trong đền thờ, cụ Simêon ngay lập tức nhận ra trẻ thơ ở Bêlem khiêm tốn này là sự hoàn thành tất cả lời ngôn sứ, hy vọng, và cầu nguyện. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, ông đã nói tiên tri rằng Đức Giêsu sẽ là “ánh sáng chiếu soi cho dân ngoại”. Chúa Thánh Thần mặc khải sự hiện diện của Thiên Chúa cho những ai sẵn sàng và tha thiết đón nhận Người. Bạn có nhận ra sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn bạn không?

 

Đền thờ mới của sự hiện diện Thiên Chúa trong thế giới

Đức Giêsu là đền thờ mới (Ga 1,14; 2,19-22). Trong Cựu ước, Thiên Chúa tỏ lộ sự hiện diện của Người trong “cột mây” lúc ban ngày, và “cột lửa” lúc ban đêm khi Người dẫn dắt họ đi qua hoang địa. Vinh quang của Thiên Chúa đến rõ ràng trên hòm bia và nhà lều (Xh 40,34-38). Khi đền thờ thứ nhất được xây dựng ở Giêrusalem, vinh quang của Thiên Chúa đã ngự xuống đền thờ (1V 8). Sau khi đền thờ bị phá hủy, ngôn sứ Ezekiel nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa rời khỏi đền thờ (Ed 10). Nhưng Thiên Chúa đã hứa sẽ có một ngày để lập lại vinh quang của Người, thậm chí còn lớn lao hơn thế nữa (Kg 2,1-9; Dcr 9-8). Lời hứa ấy được thực hiện khi “Vua Vinh quang” đến đền thờ của Người (Tv 24,7-10; Ml 3,1). Ngang qua việc Đức Giêsu đến trong thân xác và qua cái chết, sự sống lại, và lên trời cứu độ của Người, chúng ta được xây dựng làm những ngôi đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần (1Cor 3,16-17). Bạn có nhận ra rằng bạn là đền thờ của Thiên Chúa và Thần Khí của Người ở trong bạn không?

 

Maria đón nhận cả triều thiên của niềm vui và thánh giá của đau khổ

Simêon chúc phúc cho Maria và Giuse, và ông tiên báo với Maria về số phận của con trẻ này, và sự đau đớn bà phải chịu vì Người. Có một sự nghịch lý nào đó về những chúc lành kia của Thiên Chúa. Đức Maria được “chúc phúc” vì được làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Sự diễm phúc đó cũng trở nên lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn bà khi Con của bà chết trên thập giá. Đức Maria đón nhận cả hai, triều thiên của vui mừng và thập giá của đau khổ. Niềm vui của bà không bị tan biến bởi sự thống khổ, bởi vì nó được đốt cháy bởi đức tin, đức cậy, và đức mến nơi Thiên Chúa và những lời hứa của Người. Đức Giêsu hứa với các môn đệ rằng “Không ai có thể lấy mất niềm vui của anh em” (Ga 16,22). Thiên Chúa ban cho chúng ta một niềm vui siêu nhiên, giúp chúng ta mang lấy đau khổ và nổi đau đớn, mà cho dù cuộc sống hay cái chết có thể lấy mất được. Bạn có biết sự bình an và niềm vui của cuộc đời dâng hiến cho Chúa trong niềm tin tưởng và trông cậy không?

Hy vọng của chúng ta bám chặt vào vương quốc công chính, bình an, và niềm vui của TC

Bạn hy vọng điều gì? Niềm hy vọng mà Thiên Chúa đặt để trong lòng chúng ta là sự khao khát nước trời và sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc với Cha trên trời của chúng ta. Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta vương quốc công chính, bình an, và niềm vui trong Chúa Thánh Thần (Rm 14,17). Chúa Thánh Thần ban niềm hy vọng cho tất cả những ai đặt niềm trông cậy vào những lời hứa của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ quên bởi vì lời hứa của Người là thật và Người hằng trung tín. Niềm hy vọng mà Thiên Chúa đặt trong lòng chúng ta qua hồng ân của Thánh Thần giúp chúng ta kiên vững với sự tin cậy kiên vững nơi Thiên Chúa cho dù đối đầu với những con đường, những nghịch cảnh,và những thách đố xảy ra trên con đường của chúng ta đi.

Có bất cứ điều gì ngăn cản bạn không cho bạn dâng cho TC lòng tin cậy và suy phục hoàn toàn trước ý Người dành cho đời bạn không? Hãy để cho Chúa Giêsu lấp đầy lòng bạn với sự bình an, niềm vui, và tình yêu. Và hãy dâng cho Thiên Chúa mọi sự bạn có và ước muốn – cuộc sống, gia đình, bạn bè, sức khỏe, danh dự, tài sản, và tương lai của bạn. Nếu bạn tìm kiếm nước của Người trước, Người sẽ ban cho bạn mọi thứ bạn cần để biết, để yêu, và để phục vụ Người bây giờ và được ở bên Người mãi mãi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là hy vọng và là sự sống của con. Xin cho con không bao giờ ngừng đặt tất cả sự tin cậy nơi Chúa. Xin ban cho con niềm vui và sức mạnh của Chúa Thánh Thần để con có thể can đảm chỉ cho người khác biết sự hiện diện cứu độ và lời ban sự sống vĩnh cửu của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây