Thứ Ba tuần 12 thường niên.

Thứ hai - 24/06/2019 09:00

Thứ Ba tuần 12 thường niên.

"Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta".

 

Lời Chúa: Mt. 7, 6. 12-14

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Đừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con.

"Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Đấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy.

"Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Hãy qua cửa hẹp

Một cuốn phim Mỹ với nội dung như sau: Có đôi vợ chồng trẻ mới thành hôn đưa nhau đi nghỉ cuối tuần tại Las Vegas, một thành phố cờ bạc nổi tiếng nhất nước Mỹ. Ðang lúc thuận thời vận, hai người chia sẻ cho nhau ước muốn có được một căn nhà. Một nhà tỷ phú tình cờ theo dõi câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ. Với tất cả nghiêm chỉnh, ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng cho họ một triệu Mỹ kim. Chỉ sau một đêm họ có thể trở thành triệu phú. Nghĩ thế, họ ra phòng luật sư để ký giao kèo. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỷ phú, người chồng cũng bắt đầu nghĩ lại, viễn ảnh mất vợ bỗng làm anh lo sợ. Thế nhưng đã quá muộn, sau một đêm để có được tất cả cũng chính là lúc họ mất nhau để rồi đi đến tan vỡ.

Câu chuyện phim trên đây có thể là một dụ ngôn cho chúng ta hiểu được giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay: con đường dễ dãi là con đường dẫn đến hư mất, đó là định luật chung của cuộc sống. "Hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường rộng đưa đến diệt vong". Thái độ hững hờ không thể đi đôi với những đòi hỏi của Tin Mừng; cuộc sống dễ dãi, buông thả không có chỗ đứng trong nếp sống của những người theo Chúa. Ðã một thời cùng ăn, cùng uống, cùng nghe giảng dạy, chưa phải là giấy thông hành để vào Nước Trời: "Ai nghe những lời Ta dạy mà không đem ra thực hành, thì ví được như người ngu xây nhà trên cát". Nếu viện lý do mình là con dòng cháu giống, cũng chưa phải là lý do để được thâu nhận vào Nước Trời.

Trong lúc huấn đức cho đồ đệ, một người mới nhập viện lên tiếng hỏi vị Thiền sư:

- Thưa Thầy, con quyết chí tu cho đắc đạo dễ hay khó?

Thiên sư trả lời:

- Không dễ cũng không khó.

Người đồ đệ ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao lại không dễ cũng không khó? Con thật không hiểu, xin thầy giải thích.

Thiền sư dõng dạc trả lời:

- Vì tu đắc đạo không ở đó.

Người đồ đệ càng sửng sốt hơn:

- Con không thể nào hiểu được. Vậy làm sao để đạt đích?

Thiền sư trả lời:

- Vì đường tu không khoảng cách. Khi con ngưng bước là lúc con tới đích.

Xin Chúa cho chúng ta thực thi những gì Chúa đòi hỏi. Xin cho chúng ta luôn đi sát Chúa và hướng thẳng tới đích cao vời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Cửa hẹp

“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng là đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua cửa đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt. 7, 13-14)

Những cánh cửa khép kín

Ta nghĩ đến cái gì khi nghe Phúc âm nói về cửa hẹp? Có lẽ ta cho đó là chuyện chẳng có gì đáng “tếu”, đáng phấn khởi cả. Trong đầu óc ta, đó là những tiếng gợi nên cảnh nhiệm nhặt, khổ chế, những điều răn, thập giá và đau khổ. Trong tất cả những điều này, chẳng có gì làm cho ta ham sống cả. Một phần nào đó cũng giống như muốn qua cửa hẹp, thì trước tiên là phải lo đóng chặt các cửa chung quanh, phải bận tâm nhiều đến những điều cấm đoán, phải thường xuyên ở thế phòng thủ, phải luôn luôn canh chừng để khỏi rơi xuống hố sâu vực thẳm.

Như vậy thiết tưởng cửa hẹp là một cái vòng xiềng cổ, là cái áo bó chặt vào người, là con đường khúc khuỷu gập ghềnh chẳng có nhiều ánh sáng, niềm vui sống và tự do.

Những cánh cửa mở rộng

Nghĩ tưởng như vậy đúng là không biết đánh giá cao điều Chúa Giêsu đề nghị cho ta. Để tỏ ra công bằng đối với Chúa, khĩ nghĩ đến cửa hẹp, thiết tưởng ta phải nghĩ nhiều đến những cánh cửa rộng mở hơn là những cánh cửa khép kín. Chúa Giêsu chẳng phải là con người dập tắt niềm vui, sự sống và tự do. Và chính cửa hẹp Chúa nói đến ở đây, sẽ đưa ta tới đó.

Nếu Chúa Giêsu có mời gọi ta sống nhiệm nhặt khắc khổ, chính là để nếp sống ấy đưa ta tới nguồn vui. Chúng ta sẽ phải đau khổ, nếu Chúa không giấu ta điều đó, chính là để nói với ta rằng hạnh phúc đang chờ ta ở cuối đoạn đường. Nếu Người thúc ép ta vác thập giá mình, chính la để dẫn ta đến sự sống.

Thế nên cửa hẹp được gọi là tình yêu thương, sự hiến thân, đức công bình, sự tha thứ lỗi lầm, lòng quảng đại, nhân từ, dịu hiền. Cửa hẹp này mở rất rộng rãi hướng về một thế giới tuyệt vời; thế giới chan hòa tự do và hoan lạc này chỉ mình Thiên Chúa mới có thể vun trồng ở thâm sâu của lòng ta.

 

SUY NIỆM 3: KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC (Mt 7, 6. 12-14)

"Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta".

Đây là khuôn vàng thước ngọc để ta thi hành đức ái theo thánh ý Chúa.

Thật vậy, chẳng ai muốn điều xấu đến với mình bao giờ. Vì thế, không có lẽ gì lại mong muốn điều xấu đến với anh chị em mình. Chỉ có ai nuôi lòng hận thù, hay vì ích kỷ thì mới làm điều bất chính cho tha nhân và muốn điều tốt cho riêng mình mà thôi.

Hôm nay, Đức Giêsu đã đưa ra kim chỉ nam cho các môn đệ và cũng cho mỗi người chúng ta là: hãy muốn và làm điều tốt cho tha nhân trước khi thi hành điều tốt cho chính mình. Phải quên đi bản thân để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân trước. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của anh chị em và hãy đối xử với họ như chính mình muốn được đối xử khi ở địa vị của họ.

Lời Chúa hôm nay không chỉ kêu mời chúng ta “hãy làm cho người khác những điều mình muốn họ làm cho mình” mà Ngài muốn chúng ta đi xa hơn nữa là hãy cư xử với tha nhân tốt hơn là họ đáng được cư xử. Không chỉ “yêu tha nhân như chính mình” mà hãy “yêu tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta”. Đó là yêu vô điều kiện, yêu đến mức hy sinh cả mạng sống.

Khi yêu như thế, ấy là lúc chúng ta đang đi trên con đường hẹp, con đường của hy sinh, từ bỏ, của yêu thương, quảng đại và vô vị lợi. Sẵn sàng từ bỏ con đường thênh thang là con đường của kiêu ngạo, ích kỷ, nhỏ nhen, trục lợi cho cá nhân mình.

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay vạch ra cho chúng con con đường về trời. Con đường đó là hy sinh, yêu thương và bác ái vô vị lợi.

Xin cho chúng con biết chọn con đường hẹp ấy để tiến bước trên hành trình sứ vụ của chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 4: Cửa hẹp và đường chật

Suy niệm :

Bài Tin Mừng hôm nay gồm những câu rời rạc.

Câu đầu tiên là một câu khó hiểu đối với chúng ta ngày nay (c.6),

tuy có thể rất dễ hiểu đối với những người trực tiếp nghe Đức Giêsu.

“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo…”

Heo là con vật nhơ uế, chó thường được dùng để chỉ dân ngoại.

Vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai,

sách Điđakhê coi của thánh ở đây là Mình Thánh Chúa,

từ đó xác định rằng chỉ tín hữu mới được rước lễ (9, 5).

Tuy nhiên, có thể hiểu của thánh hay ngọc trai là Tin Mừng Nước Trời.

Tin Mừng này có thể được đón nhận hay bị từ chối một cách thô bạo.

Không hẳn chỉ dân ngoại mới có người từ chối và chà đạp viên ngọc quý.

Cả người Do thái cũng có kẻ bách hại những ai rao giảng (Mt 10, 17).

Thái độ của người môn đệ là không dừng lại, nản lòng khi bị chối từ.

nhưng là tiếp tục mang sứ điệp ấy đến cho người khác.

Câu 12 thường được coi là khuôn vàng thước ngọc.

Nó xuất hiện trong nhiều tôn giáo và văn hóa từ xưa.

“Làm cho người khác mọi điều mình muốn họ làm cho mình.”

Đây là một thái độ tích cực đòi chúng ta một chút tưởng tượng.

Tôi thử nghĩ xem mình muốn gì nơi người khác.

Cảm thông, bao dung, yêu mến, kính nể, trung thành, nâng đỡ…

Rồi tôi tìm cách trao cho họ những điều tốt lành mà tôi ước mong,

vì giữa con người với nhau, vẫn có chung những khát vọng.

Trong một thế giới mà người ta chỉ tìm làm điều tốt cho nhau,

thì thế giới đó là địa đàng, nơi sự dữ không còn đất đứng.

Như thế người Kitô hữu không chỉ yêu anh chị em trong cộng đoàn,

yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 39),

mà còn yêu mọi người đau khổ cơ nhỡ (Mt 25, 31-46),

thậm chí yêu cả kẻ thù (Mt 5, 44).

Cộng đoàn Kitô hữu là cộng đoàn yêu bằng hành động tích cực :

“chính anh em hãy làm cho người ta” (c. 12).

Người ta ở đây là mọi người, vượt quá mọi thứ biên giới.

Con đường mà Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp, khó đi.

Nó hẹp vì nó là con đường tình yêu, mà yêu thì không dễ.

Ít ai tìm thấy con đường này, mà cũng ít người muốn đi (c. 14).

Chúng ta được mời chọn đi con đường Giêsu,

con đường tình yêu đòi hy sinh mạng sống,

con đường đòi ra khỏi mình để sống cho và sống với tha nhân.

Và chúng ta tin mình sẽ gặp được hạnh phúc.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,

nếu Hội Thánh được ví như một thân thể

gồm nhiều chi thể khác nhau,

thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu

một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.

Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.

Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.

Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,

thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,

các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...

Lạy Chúa Giêsu,

cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,

ơn gọi của con chính là tình yêu.

Con đã tìm thấy

chỗ đứng của con trong Hội Thánh:

nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,

và như thế con sẽ là tất cả,

vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.

Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,

mọi ước mơ của con được thực hiện. Amen.

(dựa theo lời của thánh Têrêxa)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY SONG NGỮ

Tuesday (June 25):  “Do not throw your pearls before swine”

Scripture: Matthew 7:6,12-14   

6 “Do not give dogs what is holy; and do not throw your pearls before swine, lest they trample them under foot and turn to attack you. 12 So whatever you wish that men would do to you, do so to them; for this is the law and the prophets. 13 “Enter by the narrow gate; for the gate is wide and the way is easy, that leads to destruction, and those who enter by it are many. 14 For the gate is narrow and the way is hard, that leads to life, and those who find it are few.

 

Thứ Ba     25-6          Đừng ném ngọc trai cho heo

Mt 7,6. 12-14

6 “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em. 12“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.13 “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó.14 Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.

Meditation:

 What can pearls and narrow gates teach us about God’s truth and holiness? In the ancient world, pearls were of very great value and were even considered priceless. They were worn as prized jewels to make a person appear more beautiful and magnificent to behold. Holiness, likewise, is a very precious jewel that radiates the beauty of God’s truth, goodness, and glory. God offers us the precious gift of his holiness so that we may radiate the splendour of his truth and goodness in the way we think, speak, act, and treat others. We can reject or ignore this great gift, or worse yet, we can drag it through the mud of sinful behaviour or throw it away completely.

Pearls before dogs and swine 

Why does Jesus contrast holiness and pearls with dogs and swine (Matthew 7:6)? Some things don’t seem to mix or go together, like fire and water, heat and ice, sweat and perfume, pure air and poisonous vapours, freshly cleaned clothes and filthy waste. The Talmud, a rabbinic commentary on the Jewish Scriptures, uses a proverbial saying for something which appears incongruous or out of place: an ear-ring in a swine’s snout. Jesus’ expression about “pearls before swine” and “not giving dogs what is holy” is very similar in thought (Matthew 7:6). Jewish law regarded swine as unclean. Wild dogs were also treated as unfit for close human contact, very likely because they were dirty, unkept, lice-infested, and prone to attack or cause trouble.

What is the point of avoiding what is considered unclean? Jesus’ concern here is not with exclusivity or the shunning of others (excluding people from our love, care, and concern for them). His concern is with keeping spiritual and moral purity – the purity of the faith and way of life which has been entrusted to us by an all-holy, all-loving, and all-wise God. The early church referenced this expression with the Eucharist or the Lord’s Table. In the liturgy of the early church, a proclamation was given shortly before communion: Holy things to the holy. The Didache, a first-century church manual stated: Let no one eat or drink of your Eucharist except those baptised into the name of the Lord; for, as regards this, the Lord has said, ‘Do not give what is holy to dogs.’ The Lord Jesus invites us to feast at his banquet table, but we must approach worthily.

The law of perfect love seeks the highest good and best interests of one another

Jesus summed up the teaching of the Old Testament law and prophets with the expression, So whatever you wish that men would do to you, do so to them (Matthew 7:12) – and in the same breath, he raised the moral law to a new level of fulfilment and perfection. God’s law of love requires more than simply avoiding injury or harm to one’s neighbour. Perfect love – a love which is unconditional and which reaches out to all – always seeks the good of others for their sake and gives the best we can offer for their welfare. When we love our neighbours and treat them in the same way we wish to be treated by God, then we fulfil the law and the prophets, namely what God requires of us – loving God with all that we have and are and loving our neighbour as ourselves.

 

How can we love our neighbour selflessly, with kindness, and genuine concern for their welfare? If we empty our hearts of all that is unkind, unloving, and unforgiving, then there will only be room for kindness, goodness, mercy, and charity. Paul the Apostle reminds us that “God’s love has been poured into our hearts through the Holy Spirit which has been given to us” (Romans 5:5). It is the love of God that fuels our unconditional love for others. Are you ready to let the Holy Spirit transform your life with the purifying fire of God’s love?

 

 

The narrow gate and way of life

Jesus used the second illustration of a narrow gate which opens the way that leads to a life of security and happiness (Matthew 7:13-14) to reinforce his lesson about choosing the one true way which leads to peace with God rather than separation and destruction. The Book of Psalms begins with an image of a person who has chosen to follow the way of those who are wise and obedient to God’s word and who refuse to follow the way of those who think and act contrary to God’s law : Blessed is the man who walks not in the counsel of the wicked, nor stands in the way of sinners, nor sits in the seat of scoffers; but his delight is in the law of the Lord, and on his law he meditates day and night  (Psalm 1:1-2). When a path diverges, such as a fork in the road, each way leads to a different destination. This is especially true when we encounter life’s crossroads where we must make a choice that will affect how we will live our lives. Do the choices you make help you move towards the goal of loving God and obeying his will?

The Lord Jesus gives us the freedom to choose which way we will go. Ask him for the wisdom to know which way will lead to life rather than to harm and destruction. See, I have set before you this day life and good, death and evil… Therefore choose a life that you and your descendants may live (Deuteronomy 3:15-20). Choose this day whom you will serve (Joshua 24:15). Behold I set before you the way of life and the way of death (Jeremiah 21:8). If we allow God’s love and wisdom to rule our hearts, then we can trust in his guidance and help to follow his path of love, truth, and holiness.

 

 

“Let me love you, my Lord and my God, and see myself as I really am – a pilgrim in this world, a Christian called to respect and love all whose lives I touch, those in authority over me or those under my authority, my friends and my enemies. Help me to conquer anger with gentleness, greed by generosity, apathy by fervor. Help me to forget myself and reach out towards others.” (Prayer attributed to Clement XI of Rome)

Suy niệm:

Ngọc trai và cửa hẹp có thể dạy chúng ta điều gì về chân lý và thánh thiện của Thiên Chúa? Trong thế giới cổ xưa, ngọc trai có giá trị rất lớn và thậm chí được coi là vô giá. Chúng được đeo như đồ trang sức để tăng thêm vẻ đẹp và lộng lẫy. Tương tự, sự thánh thiện  là viên ngọc quý tỏa rạng vẻ đẹp chân lý, lòng nhân từ, và vinh quang của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho chúng ta ân huệ thánh thiện quý giá của Người để chúng ta có thể tỏa rạng chân lý và sự tốt lành của Người trong cách chúng ta suy nghĩ, nói năng, hành động, và đối xử với người khác. Chúng ta có thể khước từ hay bỏ qua ân huệ lớn lao này, hay tệ hơn, chúng ta có thể chà đạp nó qua đống bùn của hành vi tội lỗi hay vất bỏ nó đi cho khuất mắt.

Ngọc trai trước mõm chó và heo

Tại sao Đức Giêsu đối chiếu sự thánh thiện và ngọc trai với chó và heo (Mt 7,6)? Có một số điều xem ra không ăn khớp hay hợp với nhau, như lửa với nước, sức nóng và băng đá, mồ hôi và nước hoa, không khí trong lành và quần áo sạch sẽ thơm tho và rác rưới bẩn thỉu. Sách Talmud, một sách chú giải của các thầy Rabbi về Kinh thánh Dothái, có một câu ngạn ngữ cho điều gì đó không thích hợp:Đừng để bông tai trước mõm heo. Sự diễn tả của Đức Giêsu về “những viên ngọc trước con heo” và “đừng lấy của thánh cho chó” là lối suy nghĩ rất quen thuộc (Mt 7,6). Luật Dothái coi heo là ô uế. Chó dại cũng được coi là không thích hợp gần gũi con người, bởi vì chúng dơ dáy, không được chăm sóc, ve rận nguy hiểm, và có khuynh hướng tấn công hay gây ra phiền toái.

 

Quan điểm của việc xa tránh những gì là ô uế được nói tới là gì? Mối quan tâm của Đức Giêsu ở đây không phải là sự loại trừ  hoặc xa lánh người khác (việc loại trừ người khác khỏi tình yêu, sự lo lắng, và quan tâm của chúng ta) cho bằng sự thanh khiết – sự thanh khiết của đức tin đã được trao ban cho chúng ta bởi một Thiên Chúa toàn thiện và toàn tri. Giáo hội sơ khai quy chiếu sự bày tỏ này với Bí tích Thánh Thể hay Bàn tiệc của Chúa. Trong Phụng vụ của Giáo hội sơ khai, lời tuyên xưng thốt ra thật ngắn gọn trước khi rước lễ: Của thánh dành cho người thánh. Sách Didache, một quyển sách viết bằng tay ở thế kỷ thứ 1 viết rằng: Đừng để ai ăn hay uống Thánh Thể Chúa, ngoại trừ người đã được rửa tội nhân danh Chúa; vì, đối với vấn đề này, Chúa đã nói: Đừng quăng của thánh cho chó. ĐG mời gọi chúng ta đến bàn tiệc của Người, nhưng chúng ta phải đến với sự xứng đáng.

Luật yêu thương hoàn hảo tìm kiếm lợi ích cao nhất cho người khác

Đức Giêsu đã tóm tắt giáo huấn của lề luật Cựu ước và các ngôn sứ – Bất cứ điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm cho họ (Mt 7,12) – và tiếp lời Người đã nâng nó lên một mức độ mới của sự toàn thiện và trọn hảo. Luật yêu thương đòi hỏi nhiều hơn việc đơn giản tránh gây tổn thương hay làm hại đến người khác. Tình yêu tuyệt hảo – một tình yêu vô điều kiện và vượt trên tất cả – luôn luôn tìm kiếm lợi ích cho người khác vì họ và cho họ những gì tốt nhất chúng ta có thể cho vì lợi ích của họ. Khi chúng ta yêu thương tha nhân và đối xử với họ trong cùng một cách thức chúng ta muốn được Thiên Chúa và người khác đối xử, thì chúng ta chu toàn lề luật và các ngôn sứ, tức là những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta – yêu mến Thiên Chúa với tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là, và yêu thương tha nhân như chính mình.

Làm thế nào chúng ta có thể yêu thương tha nhân cách quảng đại và bày tỏ với họ lòng nhân hậu và quan tâm vì lợi ích của họ? Nếu chúng ta làm cạn lòng mình khỏi tất cả những tư tưởng và cảm xúc không tốt và ghen ghét , và chỉ có chỗ cho lòng nhân hậu, tốt lành, bác ái, và thương xót. Thánh Phaolô Tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng “Tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đỗ vào lòng chúng ta ngang qua Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Chính tình yêu của Thiên Chúa nhóm lên tình yêu thương vô điều kiện của chúng ta đối với người khác. Bạn có sẵn sàng để cho Chúa Thánh Thần biến đổi cuộc đời mình với ngọn lửa thanh tẩy của tình yêu Thiên Chúa không?

Cửa hẹp và con đường sự sống

Đức Giêsu dùng minh họa thứ hai về cửa hẹpmà mở ra con đường dẫn tới sự sống an toàn và hạnh phúc (Mt 7,13-14) để củng cố bài học về việc chọn lựa con đường đích thật dẫn tới sự bình an với Thiên Chúa hơn là dẫn tới sự chia cắt và hủy diệt. Sách Thánh vịnh khởi đầu bằng một hình ảnh của một người đã chọn đi theo con đường của những người khôn ngoan và vâng phục lời Thiên Chúa, và là người khước từ đi theo con đường của những ai suy nghĩ và hành động trái ngược với lề luật của Thiên Chúa: Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, và nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày (Tv 1,1-2). Khi một con đường rẽ ra, giống như một cái nĩa trên đường, mỗi con đường dẫn tới một điểm đến khác nhau. Điều này đặc biệt là sự thật khi chúng ta đứng trước ngã tư cuộc đời, nơi chúng ta phải có sự lựa chọn mà sẽ tác động tới cách thức chúng ta sống cuộc đời của mình. Những chọn lựa của bạn có giúp bạn tiến tới mục đích yêu mến Thiên Chúa và vâng phục ý Người không?

Chúa Giêsu ban cho chúng ta tự do để chọn lựa con đường nào chúng ta sẽ đi. Hãy cầu xin Người cho sự khôn ngoan để biết được con đường nào sẽ dẫn tới sự sống hơn là sự chết và sự hủy diệt. Nhìn xem, ngày hôm nay, Ta đặt trước mặt ngươi sự sống và điều tốt, sự chết và điều xấu… Do đó, hãy chọn cuộc đời mà anh em và con cháu anh em có thể được sống (Đnl 30,15-20). Hôm nay, anh em cứ tùy ý chọn phụng sự ai (Gs 24,15). Đây, Ta đưa ra cho các ngươi chọn: hoặc con đường đưa tới sự sống, hoặc con đường đưa tới sự chết (Gr 21,8). Nếu chúng ta để cho tình yêu và sự khôn ngoan của Thiên Chúa cai trị tâm hồn mình, thì chúng ta có thể tin cậy vào sự hướng dẫn của Người và ơn sủng để đi theo con đường tình yêu và thánh thiện.

Lạy Chúa và là Thiên Chúa của con, xin cho con yêu mến Chúa, và nhìn mình như con thật sự là – một người lữ hành trong trần gian này, một tín hữu được kêu gọi để tôn trọng và yêu mến tất cả cuộc đời của những ai con chạm tới, những ai có quyền bính trên con, hay những ai dưới quyền của con, bạn bè con và kẻ thù con. Xin giúp con chế ngự nóng giận với hiền lành, tham lam với quảng đại, thờ ơ với nhiệt tình. Xin giúp con quên mình và hướng tới người khác. (Lời cầu nguyện được coi là của Giáo hoàng Clement XI thành Rôma)

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây