Thứ ba tuần 19 thường niên

Thứ hai - 10/08/2020 07:50

Thứ ba tuần 19 thường niên. – Thánh Cơlara, trinh nữ. Lễ nhớ.

 

"Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này".

 

Thánh nữ sinh năm 1193 tại Átxidi. Năm 18 tuổi, chị xin thánh Phanxicô cho được theo nếp sống khó nghèo. Thánh Phanxicô đã cho chị ở trong một căn nhà tồi tàn, gần nhà thờ thánh Đamianô ở cửa ngõ thành Átxidi. Em của thánh nữ tên là Anê và một số thiếu nữ khác gia nhập nếp sống của chị: sống thanh bần triệt để. Đó là những nữ tu Phanxicô tiên khởi. Chị qua đời năm 1253.

 

Lời Chúa: Mt 18, 1-5. 10. 12-14

Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: "Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.

"Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời.

"Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất".

 

 

Suy niệm 1: Em nhỏ và kẻ bé mọn

Suy niệm :

Làm lớn ở trong nhóm hay trong Giáo Hội,

đó vẫn là mối bận tâm gây tranh cãi giữa các môn đệ Thầy Giêsu.

Sau khi Thầy loan báo lần thứ hai về cuộc Khổ nạn (Mt 17, 22-23),

các môn đệ vẫn bị hút vào câu hỏi ai là người lớn nhất (c. 1).

Như một nhà sư phạm khéo léo, Thầy Giêsu đã gọi một em nhỏ lại,

đặt em đứng giữa các ông, và đưa ra câu trả lời.

Câu trả lời của Thầy chắc đã làm các môn đệ bị sốc.

Trong xã hội Do thái thời Đức Giêsu, trẻ em không có vai vế gì,

cũng chẳng có chút quyền hành hay sự độc lập.

Chúng không phải là biểu tượng cho sự trong trắng, ngây thơ,

cho bằng là biểu tượng cho sự tùy thuộc, lệ thuộc vào người lớn.

Khi đặt một em nhỏ bằng xương bằng thịt giữa các ông,

Thầy Giêsu đã đưa ra câu trả lời rồi.

Đối với Thầy, điều kiện để vào Nước Trời mai sau,

là phải trở nên như trẻ em (c. 3).

Muốn trở nên như trẻ em, cần phải trở lại, nghĩa là quay lại, hoán cải.

Chỉ người lớn nào dám đổi hướng sống, mới có thể trở nên trẻ thơ.

Chỉ ai dám rũ bỏ đam mê về quyền lực và tiếng tăm, về địa vị và chỗ đứng,

người ấy mới có thể vào Nước Trời.

Nước Trời là Nước của trẻ thơ,

và những ai trở nên giống trẻ thơ nhờ hoán cải.

Vậy ai là người lớn nhất trong Nước Trời?

Thầy Giêsu trả lời, đó là người tự hạ, thấp kém như một em nhỏ (c. 4).

Để vào được Nước Trời, để làm người lớn nhất trong Nước đó,

cần trở nên như trẻ thơ, tay trắng, không tự hào, tự mãn về mình,

không cậy dựa vào đạo đức của bản thân, nhưng vào tình thương của Chúa.

Như thế người lớn nhất trong Nước Trời lại là người nhỏ bé, khiêm nhu.

Thầy Giêsu không chỉ giúp môn đệ hiểu xem ai là người lớn nhất thực sự,

Ngài còn dạy họ biết quý giá trị của từng con người trong cộng đoàn.

Cộng đoàn tín hữu nào cũng có những môn đệ yếu kém mặt này, mặt khác.

Ở đây họ được gọi là những kẻ bé mọn.

Thầy Giêsu nhấn mạnh đến phẩm giá của những kẻ bé mọn này.

Không ai được phép khinh rẻ một người nào trong nhóm họ.

Họ được bảo trợ bởi các thiên thần riêng,

và các thiên thần của họ vẫn chiêm ngưỡng nhan Cha ở trên trời (c. 10).

Có những môn đệ bé mọn bị sa ngã, lạc lối.

Thái độ của người lãnh đạo là để lại chín mươi chín con chiên

để đi tìm một con chiên lạc.

Cả con chiên lạc cũng vẫn có giá trị khiến ta phải tốn công sức để tìm về.

“Thiên Chúa không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”

Chính vì thế từng con chiên lạc đều đáng chúng ta trân trọng.

Khi nhìn trẻ nhỏ và kẻ bé mọn trong cộng đoàn bằng cặp mắt của Chúa,

chúng ta sẽ biết cư xử tử tế và kính trọng họ hơn.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy niệm 2: TÂM HỒN THƠ TRẺ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

 “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Phải trở lại. Không phải sinh lại như Ni-cô-đê-mô tưởng lầm. Nhưng là có tinh thần trẻ thơ. Tinh thần trẻ thơ là gì? Khiêm nhường? Vâng lời? Ứng trực? Đều đúng cả. Khái quát trong thái độ của đứa con nhỏ đối với cha mẹ. Khi còn nhỏ, cha mẹ là tất cả. Con không là gì. Nên mọi sự đều trông mong vào cha mẹ. Nên một với cha mẹ. Phó thác. Tin cậy. Kết hợp. Yêu mến. Đó là thái độ Chúa Giê-su sống với Chúa Cha. Đó là thái độ Chúa muốn ta có với Thiên Chúa. Chúa là tất cả. Ta là hư vô. Chúa có tất cả. Ta hai bàn tay trắng. Chúa trao ban tất cả. Ta nhận lãnh tất cả. Càng bé nhỏ ở trần gian càng cao trọng trên trời. Càng bé nhỏ càng được Chúa yêu thương.

Nhân loại gặp vấn đề khi muốn chứng tỏ mình là người lớn, trưởng thành trước mặt Chúa. Tự mãn với những thành công, con người tưởng mình ngang hàng với Chúa. Tự do cá nhân quá mức, con người không còn muốn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Tự phụ giải quyết được mọi vấn đề, con người nghĩ rằng thế giới này không còn cần Thiên Chúa. Đó là những thái độ tàn phá con người và thế giới. Cần trở nên như trẻ nhỏ.

Nêu gương cho ta, Mô-sê đã sống tinh thần bé nhỏ. Mô-sê từng là một thủ lĩnh lẫy lừng, từng thi hành bao điềm kỳ phép lạ kinh thiên động địa, gieo kinh hoàng cho người Ai cập. Nhưng giờ đây Mô-sê thú nhận mình già yếu. Ông khiêm tốn thanh thản giã từ quyền lực. Còn hơn thế ông bé nhỏ nên lãnh án phạt của Chúa cách khiêm nhường. Và ông trở nên bé nhỏ đến độ vâng phục lời Chúa dậy ra đi lên núi chết một mình. Đúng là một người con hiếu thảo. Và ông có tâm tình bé thơ khi tôn trọng Gio-suê, người đệ tử theo hầu ông từ khi còn nhỏ. Ông tin tưởng và khích lệ Gio-suê. Ông khuyên nhủ dân chúng vâng phục Gio-suê dù anh còn trẻ. Vì ông biết rằng mọi sự đều bởi Chúa. Chúa sẽ dẫn đưa Ít-ra-en. Chúa sẽ ở với Gio-suê (năm lẻ).

Ê-dê-kiên cũng có tính thần trẻ thơ khi vâng lời Thiên Chúa nuốt trọn cuốn sách có đủ mọi điều đắng cay mà chẳng thắc mắc ngại ngùng. Và sau đó vâng lời Chúa truyền rao Lời Chúa cho dân, dù là những lời không mấy dễ nghe. Ê-dê-kiên quả đã sống tinh thần của người con bé nhỏ và hiếu thảo. Đón nhận tất cả từ Thiên Chúa. Làm tất cả mọi sự theo ý Thiên Chúa. Bất chấp sự gì xảy đến cho mình (năm chẵn).

 

Suy niệm 3: Tinh Thần Trẻ Thơ

Tin Mừng Mátthêu được cấu trúc xoay quanh năm diễn từ dài của Chúa Giêsu, và diễn từ thứ tư bắt đầu với chương 18 nói về nếp sống của người môn đệ trong cộng đoàn. Tin Mừng hôm nay nhắc đến hai đặc điểm của nếp sống người môn đệ trong cộng đoàn.

Trước hết là thái độ sống trẻ thơ.

Một tiểu thuyết gia nọ đã đưa ra nhận định: "Khi người lớn chúng ta không còn giữ liên hệ nào với các trẻ nhỏ, thì chúng ta không còn giữ được tính người nữa, mà đã trở thành như những chiếc máy chỉ biết ăn uống và kiếm tiền".

Lòng tin tưởng của trẻ thơ gợi lên cho chúng ta về sự tin tưởng mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải có đối với Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời. Thái độ trẻ thơ khâm phục trước vũ trụ và thiên nhiên nhắc nhớ sự khâm phục mà chúng ta cần có đối với vũ trụ do Thiên Chúa Cha chúng ta dựng nên. Thái độ đáp trả của trẻ nhỏ trước tình yêu thương nhắc chúng ta phải đáp trả đối với tình yêu thương của Thiên Chúa.

Nhận định trên đây giúp chúng ta hiểu tại sao Chúa Giêsu muốn các môn đệ trong cộng đoàn mà Ngài thiết lập phải trở nên như những trẻ nhỏ: đơn sơ, tin tưởng phó thác, không có thái độ kẻ cả.

Những đức tính tốt của tuổi thơ sẽ giúp cho các thành phần trong cộng đoàn chấp nhận và phục vụ nhau, không kỳ thị phân biệt. Cộng đoàn những con người cụ thể dĩ nhiên có những khuyết điểm, những bất toàn, tội lỗi. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nhưng Ngài không muốn môn đệ Ngài có thái độ sống kỳ thị tách biệt khỏi những người khác, nhất là những người tội lỗi. Trái lại, Chúa Giêsu đã mở ra một viễn tượng mới, Ngài mạc khải thái độ nhân từ thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi, đến nỗi đã bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và vui mừng khi tìm được nó. Chúa Giêsu mời gọi con người ăn năn sám hối trở về với sự thật, với tình thương và với người anh em.

Xin Chúa cho chúng ta sống tinh thần trẻ thơ trước mặt Chúa và trong tương quan với người khác. Xin cho chúng ta sống tin tưởng, yêu thương phục vụ mọi người vì tình yêu Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Những Trẻ Nhỏ Của Tôi.

Lúc ấy các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông mà bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”

Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. (Mt. 18, 1-4)

Người lớn khó có lòng trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa, khó sống trong đức tin.

Giầu có nhờ nghèo khó.

Nghèo khó trong mối phúc thật thứ nhất chính là sự giầu có của tuổi thơ ấu. Trẻ nhỏ không phải là thiên thần. Tuy nhiên thiên thần giống như đứa trẻ má phúng phính, chút vẻ ngây ngô, vô tính, như những bức họa mô tả.

Còn trẻ nhỏ có nhiều lầm lỗi, nhưng có nhiều đức tính, cá tính. Nó tin cậy tất cả, yêu tất cả. Nó biết cha nó không gắt gỏng về tính hay thay đổi của nó. Nếu cha nó sửa lỗi nó, thì luôn luôn vì yêu nó. (tôi nghĩ đến những người cha bình thường chứ không phải hạng người cha đao phủ mà báo chí đăng tin gật gân)

Cha chúng ta ở trên trời tha thứ những lời bậy bạ của chúng ta, khi chúng ta sống chắc chắn trong tình yêu của Ngài, tin cậy hoàn toàn vào Ngài.

Một đứa trẻ tưởng mình qua mặt được Thiên Chúa, cho rằng mình không cần Thiên Chúa để được hạnh phúc, thì nó đã tự coi mình trưởng thành, nó đã mất tâm hồn trẻ thơ, cạn kiệt hạnh phúc và niềm vui rồi.

Những đòi hỏi trở nên trẻ nhỏ.

Khi kêu gọi chúng ta trở nên trẻ nhỏ, Chúa nhắc nhở chúng ta rằng Nước Trời không phải là một phần thưởng dễ được, phải thực hiện một đời sống toàn diện. Phải tìm lại vẻ cao đẹp của tuổi thơ, sự chân thật, sự hết mình và tính vui tươi của chúng. Không lo ngày mai, nhưng lúc này là giây phút đời đời. Không dễ dàng trở nên trẻ nhỏ, tìm lại được nhiệt tình hăng hái trước cuộc đời biết ngạc nhiên trước tình yêu đang bộc lộ ra hằng ngày cho chúng ta. Không dễ dàng trở nên trẻ nhỏ và cuộc sống đầy tràn sức sống mỗi ngày. Nếu mọi việc chúng ta làm trong ngày mà đến cuối ngày chúng ta thấy mệt mỏi tinh thần, thì chắc chắn tất cả nhiệt tình chúng ta đổ vào công việc không còn mang được ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của thánh ý Chúa nữa, như vậy cuộc sống của chúng ta đã trở thành thảm kịch bi đát rồi.

J.M

 

Suy niệm 5: MUỐN LÀM LỚN, PHẢI LÀM GÌ? (Mt 18, 1-5. 10. 12-14)

Xem lại thứ Ba tuần 2 MV, lễ thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su ngày 1/10

và lễ Thiên Thần Bản Mệnh ngày 2/10.

Trong xã hội mọi thời, những chuyện như tranh dành quyền lực luôn diễn ra nhan nhản. Tuy nhiên, sự tiêu cực này không phải không có trong thời Đức Giêsu, vì thế, ta không lạ gì khi thấy các môn đệ lên tiếng hỏi Ngài: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”. Hồi hộp, mong mỏi chờ đợi Đức Giêsu lên tiếng! Nhưng khi Ngài lên tiếng thì các ông té ngửa và chưng hửng, bởi vì mưu ý của các ông đã bị lật đổ.

Nhân đây, Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ bài học:

- Điều kiện cần để được vào Nước Trời là: "Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời".

- Điều kiện đủ để là người lớn nhất trong Nước Trời là: "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời".

Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì nên giống trẻ nhỏ thì: chân thành, không thù oán, không giận giữ, không màng công danh và luôn phó thác mọi sự nơi cha mẹ chúng.

Như vậy, Đức Giêsu muốn các môn đệ của mình phải mặc lấy những tâm tình đó để sẵn sàng hy sinh, tự hạ và chấp nhận mọi sự vì Nước Trời. Trở nên người phục vụ theo gương của chính Ngài là: “Đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cũng mặc lấy tâm tình của trẻ thơ như Đức Giêsu mong muốn. Biết chấp nhận thân phận yếu đuối để cần đến ơn Chúa và biết sống trong sự khiêm tốn, phó thác.

Được như thế, nhân loại này sẽ không còn chiến tranh, hận thù. Các gia đình sẽ ấm êm hạnh phúc vì mọi người biết sống cho nhau và vì nhau.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Chúa tha thiết, luôn sống trong tâm tình phó thác, và sẵn sàng dấn thân phục vụ anh chị em để được hạnh phúc Nước Trời làm gia nghiệp. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM

Trên đường đi theo Đức Giê-su, đến một lúc nào đó, các môn đệ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất, không chỉ lớn nhất trong các ông, như các Tin Mừng theo thánh Mác-cô và Luca thuật lại : « Một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất? » (Lc 9, 46 ; Mc 9, 34), nhưng còn lớn nhất trong Nước Trời !Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu :

Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? (c. 1)

Có thể nói, đó là một « căn bệnh » nghiêm trọng của các môn đệ thời Đức Giê-su, của các môn đệ thuộc mọi thời và của cả loài người. Bệnh nghiêm trọng, vì sẽ phải tức tối tranh cãi với nhau gây mất hiệp nhất, ganh tị nhau, loại trừ nhau dưới mọi hình thức, kể cả bằng bạo lực (x. Mt 20, 17-28).

Thật vậy, con người luôn muốn hơn và muốn đứng đầu trong mọi lãnh vực, thậm chí trong các nhân đức, trong đó có nhân đức khiêm nhường, vì người ta cũng phân chia nhân đức khiêm nhường ra thành bậc! Con người khổ sở vì sự thua thiệt trong thân phận và trong ganh đua; tự xếp loại mình và xếp loại nhau; từ đó không chấp mình không chấp nhận nhau trong trong thâm tâm. Rộng hơn nữa, đó còn là cách sống, cách làm việc và cách tổ chức của con người ngoài đời cũng như trong đạo: thi đua, thi tuyển, phân cấp, xếp bậc, xếp loại…. Kết quả là “những người bé nhỏ” theo nghĩa rộng và ở nhiều bình diện khác nhau, vốn chiếm đa số, bị khinh chê, thậm chí bị loại trừ, hay ít nhất tạo ra nơi họ mặc cảm thua kém rất tai hại và chết chóc.

1. « Nên như trẻ nhỏ »

Cách Đức Giê-su chữa căn bệnh này, và cách các Tin Mừng kể lại càng làm cho chúng ta nhận ra rằng đây là một thứ bệnh khó chữa. Vấn đề quan trọng không phải ai là người lớn nhất trong Nước Trời, nhưng là làm thế nào để vào Nước Trời. Và để vào Nước Trời, Đức Giê-su mời gọi:

Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ,
thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 
(c. 3)

Loài người ham muốn vị trí “lớn nhất”, Đức Giê-su lại đẩy về một cực khác, là “nhỏ nhất”. Như thế, Nước Trời là Nước của “trẻ nhỏ” và chỉ có “trẻ nhỏ” mà thôi. Do đó, ai cũng là người “lớn nhất”: “Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.” Như vậy trong Nước Trời, sẽ không còn sự phân biệt cao thấp hay lớn bé theo kiểu của người đời, như chính Chúa đã sẽ nói rằng, anh em chỉ có một Cha và một Thầy, còn tất cả đều là anh chị em với nhau, ở đời này cũng như ở đời sau (x. Mt 23, 8-12).

Và để các môn đệ đừng hiểu sai khái niệm « trẻ nhỏ », Đức Giê-su đem một em bé tới đặt giữa họ và đồng hóa mình với em nhỏ : « Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ». Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này, theo lời kể của thánh Mác-cô : “Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó” (Mc 9, 36). Và Ngài sẽ thực sự trở nên “em bé” đối với Cha và loài người trên Thập Giá. Vì thế, Chúa chữa lành chúng ta không chỉ bằng lời nói quyền năng, nhưng còn bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá, vốn cũng là một Lời, “Lời Thập Giá” (x. 1Cr 1, 18).

*  *  *

Nhưng tại sao chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời? Lý do Đức Giê-su nêu ra thật lạ lùng và phải làm cho chúng ta kinh ngạc: “Quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Như thế, các em nhỏ ngay ở đời này đã được Thiên Chúa chọn một cách nhưng không để được vào trong Nhà Chúa và chiêm ngưỡng Thánh Nhan Người, ngang qua sự hiện diện của các thiên thần. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, người được “chiêm ngắm Thánh Nhan Thiên Chúa” là người được Thiên Chúa yêu thương, đón nhận và chia sẻ sự sống viên mãn của Người, để yêu mến và ca tụng luôn mãi:

Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan? 
(Tv 42, 3)

Khi lắng nghe và suy niệm lời này của Đức Giê-su, Giáo Hội đã nhận ra ơn huệ Thiên Thần Hộ Thủ, hay Thiên Thần Bản Mệnh mà Chúa thương ban cho mỗi người chúng ta, để luôn luôn bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự dữ, gìn giữ chúng ta trong tương quan ân sủng với Chúa và thay mặt chúng ta chiêm ngắm Nhan Thánh Chúa. Cùng với Giáo Hội chúng ta cùng diễn tả tâm tình tri ân đối với các Thiên Thần Ban Mệnh của chúng ta. Xin các ngài giúp chúng ta trở nên như em bé trong bình an và niềm vui. Bởi vì, như Đức Giê-su đã công bố:

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.  
(Mt 5, 8)

 2. Những người tội lỗi

Dụ ngôn nhỏ « một trăm con chiên », trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu của Thánh Lễ hôm nay, cũng được kể trong Tin Mừng của thánh Luca, nhưng trong một bối cảnh khác, đó là Đức Giê-su đón tiếp những người tội lỗi ; như tất cả chúng ta đều biết, một trong những chương được biết đến nhiều nhất trong Tin Mừng Luca, là chương 15 gồm ba dụ ngôn : dụ ngôn một trăm con chiên, mười đồng bạc và hai người con. Các dụ ngôn này mặc khải cho chúng ta về lòng bao dung của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su, đối với những người tội lỗi.

Cũng cùng dụ ngôn « một trăm con chiên » nhưng được kể ở đây, trong Tin Mừng Mat-thêu, trong bối cảnh một bài giảng dài của Đức Giê-su, gồm những giáo huấn liên quan đến đời sống cộng đoàn, đặc biệt là cung cách ứng xử đối với « những người bé nhỏ », như chính Chúa kết luận, sau khi kể dụ ngôn này :

Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời,
không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này
phải hư mất.  
(c. 14)

Như thế, thái độ yêu thương bao dung của Thiên Chúa, theo Đức Giê-su và nhất là được thể hiện một cách sống động và cụ thể nơi Đức Giê-su (thái độ của Ngài đối với những người tội lỗi và những em bé), được mở rộng hơn nữa, không chỉ dành cho những người tội lỗi, nhưng còn cho tất cả những người bé nhỏ nữa.

*  *  *

Nhưng ai là những người bé nhỏ ? Bé nhỏ ở đây có thể được hiểu theo nhiều nghĩa : tuổi tác, nguyên quán, thân thế, vóc dáng, tài năng, địa vị, sức khỏe, sự trưởng thành, học thức, của cải… Và điều này phải đánh động chúng ta, vì đụng chạm đến chúng ta ở chiều sâu ; bởi lẽ ai trong chúng ta cũng « bé nhỏ » trước mặt Chúa và cả trước mặt nhau nữa về một phương diện nào đó. Nhưng thật ra, con người tự bản chất là bé nhỏ rồi, như lời Thánh Vịnh diễn tả :

Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm ?  
(Tv 8, 5)

Cũng như, ai trong chúng ta cũng là « tội nhân », trước mặt Chúa và trước mặt nhau. Cảm nghiệm được điều này sẽ chữa lành cách bền vững những tương quan lệch lạc giữa chúng ta với nhau, nhất là thái độ tự tôn chính mình và coi thường người khác. Và nếu chúng ta cảm thấy mình « lớn lao », thì Chúa mời gọi chúng ta trở nên « bé nhỏ », hay đúng hơn nhận ra sự thật về mình, là bé nhỏ và sống sự thật này trong tương quan với mình, với Chúa và với nhau. Nếu không, sẽ không được vào Nước Trời !

 3. « Con chiên lạc » và tình yêu Thiên Chúa

Tuy nhiên, dụ ngôn bé nhỏ mà Đức Giê-su kể cho chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, không chỉ có chiều rộng như thế, nghĩa là áp dụng cả cho những người tội lỗi lẫn những người bé nhỏ trong nhóm, gia đình hay cộng đồng, nhưng còn có một chiều sâu khôn dò nữa, vì diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta.

  • Chính người chăn chiên ra đi để tìm con chiên lạc, chứ không phải ngồi chờ cho con chiên lầm lạc tự ý trở về. Chúng ta hãy nhớ lại cách Thiên Chúa đi tìm con người trong Sáng Tạo, trong lịch sử cứu độ, và nhất là nơi Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể.
  • Người mục tử bỏ lại chín mươi chín con kia ở lại trên núi trong tình trạng không an toàn, như thể con chiên lạc là duy nhất, là con chiên yêu thương duy nhất đối với mình. Có lẽ trong thực tế, không người chăn chiên lại hành động như thế. Nhưng điều này lại diễn tả cho chúng ta chính yếu tính của tình yêu, là tương quan duy nhất giữa một ngôi vị và một ngôi vị. Thiên Chúa cũng muốn đi vào tương quan tình yêu với từng người trong chúng ta, dù chúng ta ở trong tình trạng nào, tội lỗi hay bé nhỏ.
  • Và khi Thiên Chúa chọn yêu thương một dân tộc hay một người, đó là để bày tỏ cho mọi dân tộc và mọi người biết thế nào là tình yêu Thiên Chúa, và Người cũng ước ao đi vào tương quan duy nhất với từng dân tộc và từng người như thế. Bởi vì tình yêu chỉ có thể được bày tỏ và được hiểu trong tương quan duy nhất giữa một người và một người.
  • Và niềm vui thật lớn lao, khi người mục tử tìm lại được con chiên lạc của mình. Tin Mừng Luca mở rộng niềm vui này tới tận mức vĩnh hằng : « Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng ».

Chính kinh nghiệm được tìm kiếm, được tha thứ và được tiếp nhận, khi mà chúng ta vẫn là những người tội lỗi, bé nhỏ lạc lối, sẽ giúp chúng ta cũng có thể đi tìm kiếm, tha thứ và tiếp nhận anh em, chị em của chúng ta, dù họ đang trong tình trạng nào. Kinh nghiệm này cũng giúp chúng ta có thể đi vào trong niềm vui lớn lao của Thiên Chúa Cha trên trời và các thiên thần của Người.

Nơi bí tích Thánh Thể, Đức Giê-su vẫn luôn tìm kiếm, tha thứ và tiếp nhận từng người trong chúng ta một cách duy nhất trong tương quan một- một, bằng cách trao ban Lời của Ngài và chính bản thân mình cho chúng ta làm của ăn.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Ai là người lớn nhất trong nước trời? – SN Song ngữ ngày 11.8.2020

 

Tuesday (August 11):  Who is the greatest in the kingdom of heaven

 

Scripture:  Matthew 18:1-5, 10, 12-14

1 At that time the disciples came to Jesus, saying, “Who is the greatest in the kingdom of heaven?” 2 And calling to him a child, he put him in the midst of them, 3 and said, “Truly, I say to you, unless you turn and become like children, you will never enter the kingdom of heaven. 4 Whoever humbles himself like this child, he is the greatest in the kingdom of heaven. 5 “Whoever receives one such child in my name receives me; 10 “See that you do not despise one of these little ones; for I tell you that in heaven their angels always behold the face of my Father who is in heaven.12 What do you think? If a man has a hundred sheep, and one of them has gone astray, does he not leave the ninety-nine on the mountains and go in search of the one that went astray? 13 And if he finds it, truly, I say to you, he rejoices over it more than over the ninety-nine that never went astray. 14 So it is not the will of my Father who is in heaven that one of these little ones should perish.

Thứ Ba  11-8                    Ai là người lớn nhất trong nước trời?

 

Mt 18,1-5.10.12-14

(1) Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” (2) Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông (3) và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.(5) “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy. (10) “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. (12) “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? (13) và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. (14) Cũng vậy, Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

Meditation: 

 

Are you surprised to see the disciples discussing with Jesus who is the greatest? Don’t we do the same thing? The appetite for glory and greatness seems to be inbred in us. Who doesn’t cherish the ambition to be “somebody” whom others admire rather than a “nobody”? Even the Psalms speak about the glory God has destined for us. You have made them a little lower than God, and crowned them with glory and honor (Psalm 8:5).

Whose glory do you seek?

Jesus made a dramatic gesture by placing a child next to himself to show his disciples who really is the greatest in the kingdom of God. What can a little child possibly teach us about greatness? Children in the ancient world had no rights, position, or privileges of their own. They were socially at the “bottom of the rung” and at the service of their parents, much like the household staff and domestic servants. What is the significance of Jesus’ gesture? Jesus elevated a little child in the presence of his disciples by placing the child in a privileged position of honor at his right side. It is customary, even today, to seat the guest of honor at the right side of the host.

The lowly of heart empty themselves of pride

Who is the greatest in God’s kingdom? The one who is humble and lowly of heart – who instead of asserting their rights willingly empty themselves of pride and self-seeking glory by taking the lowly position of a servant and child before God. The simple of heart know that they belong to God – he is their father, teacher, and provider – the one who shows them the way of peace, joy, and life everlasting. They are content to recognize their total dependence on God who is the source of all goodness and every good gift.

Jesus restores us to the people he has made holy

What does Jesus’ story about a lost sheep tell us about God and his kingdom? Shepherds normally counted their sheep at the end of the day to make sure all were accounted for. Since sheep by their very nature are very social, an isolated sheep can quickly become bewildered and even neurotic. The shepherd’s grief and anxiety is turned to joy when he finds the lost sheep and restores it to the fold. What was new in Jesus’ teaching was the insistence that sinners must be sought out and not merely mourned for. God does not rejoice in the loss of anyone, but desires that all be saved and restored to fellowship with him. That is why the whole community of heaven rejoices when one sinner is found and restored to fellowship with God (Luke 15:7). Seekers of the lost are much needed today. Do you pray and seek after those you know who have lost their way to God?

“Lord Jesus, teach me your way of humility and simplicity of heart that I may find perfect joy in you. May your light shine through me that others may see your truth and love and find hope and peace in you.”

Suy niệm

 

Bạn có ngạc nhiên khi thấy các môn đệ Đức Giêsu tranh cãi về chuyện ai là người lớn nhất không? Chẳng phải chúng ta cũng làm chuyện tương tự sao? Lòng ham muốn được nổi tiếng và làm lớn dường như đã có từ bẩm sinh trong chúng ta. Ai lại không có hoài bảo muốn làm “ai đó” được người khác ngưỡng mộ hơn là “không là ai cả” đó sao? Ngay cả các Thánh vịnh cũng nói về vinh quang Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên (Tv 8,5).

Bạn tìm kiếm vinh quang của ai?

Đức Giêsu đã làm một điều thật ấn tượng, qua việc đặt một đứa trẻ bên cạnh Người và tỏ cho các môn đệ biết ai là người lớn nhất trong nước Trời. Một đứa trẻ có thể nói với chúng ta điều gì về chuyện lớn nhỏ? Các trẻ em trong thế giới xưa không có quyền hành, chức vụ, hay quyền lợi riêng tư. Xét về mặt xã hội, chúng chỉ là “hạng chót”, và dưới sự sai khiến của cha mẹ, giống như thể những người tôi tớ làm việc trong nhà. Thái độ của Đức Giêsu mang ý nghĩa gì? Đức Giêsu đề cao trẻ nhỏ trước mặt các môn đệ, bằng việc đặt một em bé trong chỗ vinh dự, là được ngồi bên hữu Chúa. Theo phong tục, thậm chí cả ngày nay, chỗ danh dự dành cho khách là ở bên hữu chủ nhà.

Tâm hồn bé nhỏ thoát khỏi tính kiêu ngạo

Ai là người lớn nhất trong nước Trời? Là người có tấm lòng khiêm nhường và nhỏ bé – những người thay vì đòi hỏi quyền lợi của mình lại sẵn sàng bỏ mình về sự kiêu ngạo, tìm vinh quang cho mình, bằng cách chọn lấy vị trí thấp hèn của một người tôi tớ hay là trẻ nhỏ trước mặt Thiên Chúa. Người có lòng khiêm nhường biết rằng họ thuộc về Thiên Chúa – Đấng là Cha, là Thầy, là Đấng bao che của họ – là Đấng chỉ cho họ con đường bình an, niềm vui, và sự sống vĩnh cửu. Họ vui mừng nhận ra sự lệ thuộc hoàn toàn của mình nơi Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của tất cả sự tốt lành và mọi ân sủng.

Đức Giêsu phục hồi sự thánh thiện cho chúng ta

Câu chuyện của Đức Giêsu về con chiên lạc nói với chúng ta điều gì về Thiên Chúa và nước của Người? Các mục tử thường đếm chiên của họ vào cuối ngày để chắc rằng tất cả bọn chúng được đầy đủ. Theo bản tính tự nhiên, chiên sống thành đàn, một con chiên lạc có thể nhanh chóng trở nên bối rối và thậm chí hoảng sợ đến điên. Nỗi đau khổ và lo lắng của người mục tử biến thành niềm vui khi họ tìm thấy con chiên lạc và đem nó về với đàn. Điều mới mẻ trong giáo huấn của Đức Giêsu là sự nhấn mạnh rằng người ta phải đi tìm người tội lỗi, chứ không chỉ thương khóc mà thôi. Thiên Chúa không vui vẻ khi có một ai bị hư mất, nhưng Người mong ước rằng tất cả đều được cứu rỗi và phục hồi tình bằng hữu với Người. Đó là lý do tại sao cả triều đình thiên quốc vui mừng khi một người tội lỗi được tìm thấy và được phục hồi tình bằng hữu với Chúa (Lc 15,7). Những người đi tìm những kẻ lạc đường ngày hôm nay rất cần thiết. Bạn có cầu nguyện và tìm kiếm những ai bạn biết họ đã lạc đường trở về với Chúa không?

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con đường lối khiêm nhường và đơn sơ trong tâm hồn của Chúa, để con có thể tìm thấy niềm vui tuyệt hảo trong Chúa. Chớ gì ánh sáng của Chúa chiếu soi ngang qua con, để người khác có thể nhìn thấy chân lý và tình yêu của Chúa và tìm được niềm hy vọng và bình an trong Chúa.”

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây