Thứ Bảy 19/11/2022 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại.

Thứ sáu - 18/11/2022 05:33

Lời Chúa: Lc 20, 27-40

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".

Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.

 

Suy niệm 1: Đời này, đời sau

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Cuộc đời con người có vẻ như chấm dứt bằng cái chết.

Một triết gia Ðức bảo con người sinh ra để chết.

Cái chết là số phận của mỗi người,

nhưng nói chung ai cũng muốn sống.

Kitô giáo cho rằng con người sinh ra là để sống mãi.

Cái chết chỉ là cánh cửa mở vào cõi vĩnh hằng.

Một số tôn giáo tin rằng đời người có nhiều kiếp.

Kitô giáo chỉ nhận có một cuộc đời ta đang sống.

Chính cuộc đời duy nhất này

định đoạt số phận vĩnh cửu của ta.

Không có một cơ hội thứ hai để làm lại.

Chính vì thế phải sống hết mình cho đời này

để đáng hưởng hạnh phúc đời sau.

Ðời sau mãi mãi là một mầu nhiệm.

Chẳng ai chụp hình được thiên đàng hay hỏa ngục.

Người đã khuất cũng không trở lại để kể ta nghe.

Bởi thế, nhiều người không tin có đời sau.

Cả những tín hữu cũng bị cuốn hút bởi vật chất,

và sống như thể chỉ có đời này.

Ðời sau là chuyện ở đâu đó, hoàn toàn xa lạ.

Người thuộc phái Xađốc tin rằng sau cái chết

linh hồn con người vất vưởng như cái bóng nơi âm phủ.

Âm phủ là nơi tối tăm, buồn chán, thiếu sự sống.

Người Pharisêu lạc quan hơn, cho rằng

đời sau là sự kéo dài của đời này.

Người ta sống như trước, nhưng tràn trề hạnh phúc.

Ðức Giêsu vén mở cho ta phần nào bức màn đời sau.

Ðời sau khác hẳn đời này.

Người ta không cưới vợ lấy chồng, không cần con nối dõi,

nhưng sống như các thiên thần,

nghĩa là chỉ lo phụng sự và ca ngợi Thiên Chúa.

Ðời sau là nơi không còn bóng dáng của thần chết.

Người ta thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh.

Toàn bộ con người được sống lại: cả hồn lẫn xác.

Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian,

nhưng sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu

để chung hưởng hạnh phúc với linh hồn.

Trong tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời,

chúng ta nghĩ đến cái chết và đời sau.

Cái chết dạy tôi biết cách sống.

Ðời sau kéo tôi ra khỏi những hạnh phúc giả tạo,

và những nỗi khổ đau do mê lầm.

Tôi đang đi về đời sau

để gặp Ðấng mà tôi đã tin yêu suốt đời.

Tất cả cuộc hành trình đều phải hướng về nguồn cội.

Chúng ta đã được dựng nên cho Thiên Chúa,

và chúng ta còn khắc khoải mãi cho đến khi gặp được Ngài.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

khi ra thăm nghĩa địa,

khi vào viếng phòng hài cốt,

con hiểu rằng mình phải có lòng tin lớn lao

mới dám nghĩ một ngày nào đó

những thân xác hư hoại này sẽ sống lại.

Con người trở về bụi tro,

nhưng bụi tro sẽ trở lại làm người,

vì con người sinh ra là để bất tử như Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,

trần gian này quá đẹp

khiến con mải mê, quên mình là lữ khách;

thiên đàng lại xa xôi, chẳng có chỗ trong con.

Con loay hoay vun vén cho đời sống cá nhân,

như thể con sẽ sống mãi trên mặt đất.

Xin khơi dậy nơi con

niềm khát khao những điều cao cả.

Xin đừng để con

mãn nguyện với những cái tầm thường.

Ước gì Chúa cho con nếm chút vị ngọt ngào của trời cao,

khi con quên mình

để sống cho anh em trên mặt đất. Amen.

 

Suy niệm 2: Đời này – đời sau – đời đời

Con người thật hạn hẹp. Chỉ biết nơi mình ở. Trong một thời gian và một không gian giới hạn. Ngay điều ta biết cũng không trọn vẹn. Ngay trong bản thân vẫn còn nhiều điều ta chưa hiểu. Ví dụ ruột thừa để làm gì. Vì thế nói về đời sau lại càng nông cạn. Phái Xa-đốc đưa ra vấn nạn tưởng là ghê gớm. Nhưng họ chỉ là những kẻ ếch ngồi đáy giếng. Hôm nay Chúa mở ra cho họ một chân trời mênh mông của đời sau. Của Nước Trời. Đời sau là đời đời. Nước Trời là vĩnh cửu. Thiên Chúa là vô thuỷ vô chung. Và con người có đời sống khác đời sống thân xác chóng qua đời này. “Những người sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại”.

Nếu hiểu được đời sau. Nếu biết giới hạn của đời này. Người ta sẽ sống khác. Như vua An-ti-ô-khô. Một đời tung hoành ngang dọc. Tự tung tự tác. Giết người không gớm tay. Xúc phạm cả Thiên Chúa. Coi mình là Thiên Chúa. Bắt mọi người thờ lạy. Chiếm đoạt đồ thờ phượng để sử dụng riêng tư. Nhưng đến cuối đời. Sức lực tàn tạ. Thất bại ê chề. Vua mới hối hận. Biết đời sống có hạn. Biết thế giới này mau qua. Mơ hồ nhìn thấy một chút phán xét đời sau. Bấy giờ vua mới hoảng sợ. Ân hận thì đã muộn: “Tôi tự nhủ: Tại sao giờ đây tôi phải điêu đứng khổ sở như thế này? Trước kia, khi đang cầm quyền, tôi hạnh phúc và được yêu mến biết bao!...Hồi tưởng lại những hành vi tàn bạo đó, tôi biết chắc rằng chính vì thế mà tôi gặp phải bao nhiêu tai biến, và giờ đây sắp phải chết nơi đất khách quê người vì buồn phiền vô hạn” (năm lẻ).

Hiểu biết chân lý về cuộc đời, những người tôi tớ của Chúa chuyên tâm sống theo luật Chúa. Và mạnh dạn làm chứng cho Chúa. Như Mô-sê và Ê-li-a. Thế lực trần gian có vẻ thắng thế. Các ngài bị tiêu diệt. Chịu nhục nhã. “Thi hài của các ngài sẽ nằm ở quảng trường của thành phố vĩ đại; thành phố ấy mang tên tượng trưng là Xơ-đôm và Ai –cập, ở chính nơi Chúa của các ngài đã chịu đóng đinh vào thập giá”. Nhưng chỉ một thời gian sau. Ngày cùng tận của thế giới này. Sẽ khởi đầu thế giới khác. Các ngài sẽ sống lại. Sẽ được Chúa thưởng công vinh quang trên trời. “Rồi các ngài nghe một tiếng lớn từ trời bảo: ‘Hãy lên đây!’ Và các ngài lên trời trong đám mây, trước mắt thù địch của các ngài”(năm chẵn).

Đời này chóng qua. Rồi sẽ tới đời sau. Ở đời sau phúc hay hoạ sẽ là đời đời. Xin cho con hiểu chân lý này. Để biết chuẩn bị cho đời sau. Để được sống đời đời. Và biết rao truyền chân lý này. Đó chính là góp phần xây dựng thế giới.

 

Suy niệm 3: Có sự sống lại

Sự sống, thân xác và tất cả những gì con người có được, đều là những món quà Thiên Chúa ban tặng, do đó, phải được bảo toàn và trân trọng. Chính cung cách sống và hành xử của con người trong cuộc sống hiện tại định đoạt số phận tương lai của họ: được cứu độ hay bị trầm luân đời đời. Bởi vì cuộc sống của con người không kết thúc với cái chết của thân xác trên trần gian này; sau khi chết, thân xác và linh hồn con người mới bắt đầu cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, một cuộc sống phục sinh, một cuộc sống hoàn toàn biến đổi.

Ðó cũng là sự thật Chúa Giêsu khẳng định khi trả lời cho một số người thuộc nhóm Sađốc, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

Vào thời Chúa Giêsu, giới lãnh đạo Do thái chia thành nhiều nhóm khác nhau. Liên quan đến sự sống lại, số người thuộc nhóm Biệt phái thì tin rằng cuộc sống sau khi chết cũng giống như cuộc sống trước đó trên trần gian này, nghĩa là con người cũng ăn uống, buôn bán, sống đời vợ chồng, nhưng chỉ có sung sướng mà thôi; tuy nhiên, một số khác thì tin rằng cuộc sống sau cái chết là cuộc sống hoàn toàn biến đổi. Còn nhóm Sađốc thì không tin vào cuộc sống đời sau: đối với họ, chết là hết; họ dựa trên luật Do thái buộc người em phải lấy chị dâu để đảm bảo cho anh mình có con nối dõi tông đường, nếu người anh chết mà chưa có con. Họ đặt ra trường hợp bảy anh em nhà kia cùng lấy một người đàn bà và hỏi Chúa Giêsu: khi sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu khẳng định cuộc sống phục sinh hoàn toàn được biến đổi và không giống cuộc sống trên trần gian này như một số người Biệt phái tưởng nghĩ; do đó, mọi tương quan giữa con người với nhau cũng sẽ được biến đổi và tan hòa trong tương quan tình yêu thương của Thiên Chúa, cũng như mang sắc thái và chiều kích của tình yêu ấy, vì thế, mọi cách diễn tả và biểu lộ trong các liên hệ cuộc sống trần gian khi đó không còn ý nghĩa nữa.

Chúa Giêsu quả quyết có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích sự việc sẽ xẩy ra thế nào và khi nào sẽ xẩy ra biến cố sống lại, vì điều đó không quan trọng cho ơn cứu rỗi. Chẳng những có lời quả quyết của Chúa, chúng ta còn có một sự kiện cụ thể khác, đó là sự phục sinh của Chúa Kitô, đó là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về sự chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.

Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin vào sự sống lại và kiên trì hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu mai sau.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Chân lý của đời sống đức tin

Vào cuối kinh Tin Kính, những đồ đệ của Chúa Giêsu tuyên xưng: "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen".

Sự sống lại và sự sống đời đời là chân lý quan trọng cho đời sống đức tin. Nếu không có sự sống lại và sự sống đời đời thì đức tin của chúng ta còn có ý nghĩa gì nữa, và công việc nhập thể cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, không còn ý nghĩa nữa. Ðây là chân lý quan trọng nhưng khó tin và có thể có trường hợp xảy ra như đã xảy ra vào thời Chúa Giêsu, và cả những kẻ có niềm tin cũng bị vấp phạm không tin vào sự thật này nữa bởi vì nó không thể nào giải thích cặn kẽ được. Bởi lý trí con người lập luận theo đường lối tự nhiên, con người có thể chất vấn Thiên Chúa như những người Sađốc ngày xưa đã chất vấn Chúa Giêsu.

Có thể nói chúng ta cám ơn những người Sađốc vì nhờ vào vấn nạn của họ, mà chúng ta có được lời xác định rõ ràng của Chúa Giêsu về sự sống lại. Những người theo phái Sađốc là những kẻ thuộc hàng quí tộc và tư tế. Danh gọi Sađốc phát sinh từ tên riêng của vị thượng tế trong đền thờ thời vua Salômôn. Bộ luật duy nhất mà những người thuộc phái Sađốc chấp nhận là bộ Tora của Môisen, được ghi lại trong năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh mà thôi. Trong bộ Ngũ Thư thời Môisen, sự thật về sự sống lại và về sự sống đời đời chưa được mạc khải rõ ràng. Mãi về sau, tức là vào thời của Maccabê và tiên tri Daniel, tức khoảng thứ kỷ thứ 2 trước Chúa giáng sinh, thì sự thật về sự sống lại mới được quả quyết rõ ràng. Một đàng thì chưa được mạc khải rõ ràng, và đàng khác lại có luật nối dòng của Môisen cho trường hợp cưới vợ của anh khi anh mình chết đi mà không có con, nên chúng ta không lạ gì khi thấy các nhà thông luật, trưởng giả và tư tế không tin có sự sống lại, đã dùng luật Môisen chống lại sự sống lại. Trong dòng lịch sử cũng không thiếu những người chối bỏ chân lý về sự sống lại. Vào thời đại của chúng ta hiện nay cũng vậy, cũng có những triết gia và đôi khi tệ hơn nữa, những thần học gia lại tuyên bố không tin hay ít ra là nghi ngờ sự thật về sự sống lại.

Trên bình diện này, mọi lý luận chỉ dựa trên công sức trí khôn con người, thì không thể nào dẫn dắt đến sự nhìn nhận niềm tin vào sự sống lại. Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ về sự thật có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích cho biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào và cũng không nói về thời gian khi nào sẽ xảy ra biến cố sống lại. Có thể là hai câu hỏi: như thế nào và vào lúc nào, là hai điều không quan trọng cho ơn cứu rỗi, nên Chúa Giêsu đã không giải thích, không mạc khải gì thêm. Không phải chỉ có lời quả quyết suông của Chúa Giêsu mà thôi, nhưng chúng ta còn có sự kiện cụ thể khác nữa, đó là chính sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô Phúc sinh là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về cái chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.

Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin này.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 5: Kiếm cớ gây chuyện

Đức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa vì là con cái sự sống lại.” (Lc. 20, 34-36)

Những thượng tế, luật sĩ và các thủ lãnh dân chúng tìm cách tiêu diệt Đức Giêsu. Trước tiên, họ phải làm Người mất tín nhiệm trước mặt dân chúng. Vì Đức Giêsu hay dậy dỗ trong đền thờ, đây là dịp thuận tiện để họ đặt hàng chuỗi câu hỏi nóng bỏng để Người trả lời đưa đến chỗ gây chia rẽ thính giả và làm Người mất tín nhiệm.

Câu hỏi cạm bẫy

Phái Sa-đu-sê đại diện giai cấp quý tộc và chính trị, họ xa cách dân chúng và chỉ dựa vào Ngũ kinh. Họ không tin sự sống lại do sách Đa-ni-en đề xướng ra. Cuộc tranh luận về vấn đề này khá gay gắt. Ba mươi năm sau Đức Giêsu, thánh Phao-lô đã dùng vấn đề sống lại làm tấm bình phong gây hỏa mù giữa biệt phái và Sa-đu-sê.

Đức Giêsu dạy về nước trời và sự khẩn thiết phải ăn năn trở về để được sống đời đời. Giáo huấn này mất giá trị nếu người ta chết là hết. Sa-đu-sê đặt vấn nạn có ý chế nhạo kẻ tin vào sự sống lại và họ hy vọng đánh bại giáo huấn của Đức Giêsu.

Đó chỉ là trái pháo tịt ngòi

Đức Giêsu luôn luôn từ chối lối trả lời theo khôn ngoan thế gian, nhưng Người đứng trên bình diện khác để trả lời. Câu chuyện của Sa-đu-sê đặt ra là giả tưởng, không có thật. Sự sống đời sau khi sống lại không như nhiều người Do thái tưởng là sự nối tiếp sự sống đời này. Nhưng, “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ gả chồng, quả thật họ không thể chết nữa, vì họ được giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa”.

Đức Giêsu còn trưng dẫn sách Ngũ kinh như ông Mô-sê đã gọi: “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-sa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp, Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống”. Thiên Chúa là sự sống, Ngài ban và duy trì sự sống, ngay cả sau khi chết.

Kết luận thật rõ ràng để xác nhận có sự sống lại, vì ngay từ đầu cuộc sống công khai, Đức Giêsu đã lập đi lập lại: “Hãy trở về với Thiên Chúa và hãy ăn năn sám hối để Ngài ban cho anh em sự sống đời đời”.

RC

 

Suy niệm 6: Sống trinh khiết

Xem lại CN 25 TN C

Trong Tin Mừng, chúng ta thường thấy nhắc đến một số nhóm luôn đứng lên để chống đối Đức Giêsu, trong đó có nhóm Sađốc.

Hôm nay, chính nhóm Sađốc này đã đứng lên để bàn mưu tính kế nhằm hãm hại Đức Giêsu. Cái bẫy mà họ đưa ra chính là câu chuyện liên quan đến sự sống lại.

Vấn nạn mà họ đặt ra cho Đức Giêsu và yêu cầu Ngài trả lời là: theo luật Môsê, nếu người anh lấy vợ, khi chết đi mà chưa có con, thì người em phải lấy vợ của anh mình để có con nối dòng.

Vậy cả 7 anh em một nhà kia lấy vợ, nhưng khi chưa có con thì họ đã chết, sau cùng người đàn bà kia cũng chết.

Vấn đề đặt ra là: khi sống lại, người đàn bà kia sẽ là vợ của người nào trong 7 anh em đó?

Một câu hỏi xem ra hóc búa, hòng hy vọng Đức Giêsu sẽ bị mắc hợm. Tuy nhiên, Ngài đã trả lời rất thâm thúy rằng: “Con cái đời này thì dựng vợ gả chồng, còn những ai được xét là xứng đáng dự phần vào đời sau và được sống lại từ cõi chết thì sẽ không còn dựng vợ  gả chồng nữa”.

Qua câu trả lời này, Đức Giêsu không những đã phá vỡ mưu đồ ác nhân của nhóm Sađốc, mà còn mặc khải cho họ một sứ điệp quan trọng trong cuộc sống mai hậu nữa, đó là: khi còn sống trên trần gian, thì chuyện lấy vợ gả chồng có mục đích lưu truyền nòi giống theo lệnh truyền của Chúa: “Hãy sinh sản  đầy mặt đất”. Duy trì nòi giống là vì con người sẽ phải chết, nên cần phải có con nối dõi tông đường.

Nhưng cuộc sống trên Thiên Quốc mai hậu thì hoàn toàn khác, họ sẽ tồn tại mãi mãi trong sự sống muôn đời. Họ không cần phải đặt vấn đề duy trì nòi giống nữa, vì thế, họ không cần phải lấy vợ, gả chồng.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức rằng: cuộc sống trên trần gian này chỉ là tạm bợ mà thôi. Cuộc sống trên Thiên Quốc mai ngày mới là vĩnh viễn. Vì thế, trong cuộc hiện nay, hãy chu toàn bổn phận của mình cách chính đáng. Tuy nhiên, cần phải hướng lòng về quê thật chính là Thiên Đàng, nơi đó là nơi tràn đấy ánh sáng và bình an.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con ý thức rằng: quê hương chúng con ở trên trời. Vì thế, chúng con cần phải biết sống xứng đáng là con cái Chúa, để sau này được chung hưởng hạnh phúc Thiên Quốc với các thánh trên trời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Niềm hy vọng cuộc sống mai sau

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Cuộc sống mai hậu mở ra cho con người một khung trời mới: con người sẽ chan hòa trong một tình yêu thiêng liêng siêu việt, vượt lên trên giới hạn của mọi thứ tình trần thế.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã làm người và đã có những mối giây thân tình của loài người: tình gia đình, tình thầy trò, tình bằng hữu, tình quê hương… Những dịu ngọt của tình yêu thế trần là điều tốt đẹp. Tuy thế, Chúa cũng đã thấy giới hạn của nó: đã có những người đồng hương đòi ném đá Chúa, đã có Giuđa bán Chúa ba mươi đồng bạc. Chúa muốn thăng hoa những mối tình loài người để con người đạt tới niềm vui trọn vẹn. Chúa dạy con cách mặc cho tình yêu nhân loại một chiếc áo siêu nhiên: đó là mến thương nhau vì Chúa.

Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay mở ra cho con niềm hy vọng cuộc sống mai sau. Hôm nay, con đang vui với bao tình cảm trên đời để có được một hạnh phúc tương đối, nhưng mai sau nơi Thiên quốc, con sẽ đạt tới hạnh phúc vững bền trọn vẹn trong mối tình thiêng liêng trường cửu. Nơi cuộc sống mai sau, các giới hạn cha con, vợ chồng, bạn bè thân thích… đều được phá vỡ để con được thưởng nếm tình yêu Chúa và tình bác ái đại đồng.

Lạy Chúa, trong cuộc sống hôm nay, xin Chúa giúp con vì Chúa mà thương cha mẹ, vì Chúa mà thương con cái, vì Chúa mà vợ chồng thương nhau, vì Chúa mà thương cả người xa lạ, thậm chí vì Chúa mà thương cả kẻ thù. Con cố gắng sống như vậy để tập sống cảnh thiên đàng trong tình yêu thương chan hòa. Amen.

Ghi nhớ: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống”.

 

Suy niệm 8: Kẻ chết sống lại

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Nhóm luật sĩ và biệt phái tin có sự sống lại, còn nhóm Sađốc thì không. Mặc dầu nhóm Sađốc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời lẽ của họ, người ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy: ở đời sau người ta cũng cưới vợ lấy chồng sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc thú như ở đời này. Nhưng Đức Giêsu đã mạc khải cho họ có sự sống lại và cách thức sống cuộc sống đời sau. Ngài cho thấy cuộc sống ấy không còn giống như ở đời này, không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian. Trái lại, cuộc sống của người công chính khi phục sinh sẽ được thần thiêng hóa  như đời sống của các thiên thần.

2. Hôm nay, nhóm Sađốc đã đứng lên  để bàn mưu tính kế nhằm hại Đức Giêsu. Cái bẫy mà họ đưa ra chính là câu chuyện liên quan đến sự sống lại. Vấn nạn mà họ đặt ra cho Đức Giêsu và yêu cầu Ngài trả lời: theo luật Maisen, nếu người anh lấy vợ, khi chết đi mà chưa có con, thì người em phải lấy vợ của anh mình để có con nối dõi. Vậy cả 7 anh em nhà kia lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết, sau cùng người đàn bà kia cũng chết. Vấn đề đặt ra là: khi sống lại, người đàn bà kia sẽ là vợ của người nào trong 7 anh em đó?

3. Để trả lời cho họ, Đức Giêsu trưng dẫn sách Ngũ Kinh như ông Maisen đã gọi: “Đức Chúa là Thên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaác và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống”.  Thiên Chúa là sự sống. Ngài ban và duy trì sự sống ngay cả sau khi chết.

Đức Giêsu luôn luôn từ chối trả lời theo khôn ngoan thế gian, nhưng người đứng trên phương diện khác để trả lời. Câu chuyện của Sađốc đặt ra  là giả tưởng, không có thật. Sự sống đời sau khi sống lại không như nhiều người Do thái tưởng là sự nối tiếp sự sống đời này. Nhưng, “những ai được xét là đáng hưởng hạnh phúc đời sau” và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ gả chồng, quả thật họ không thể chết nữa, vì họ được sống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa.

4. Đức Giêsu còn trả lời thêm cho biết trật tự, cách tổ chức, cách thế hiện hữu của cuộc sống mai hậu không giống như cuộc sống đời này. Không thể lấy kinh nghiệm hiện hữu của cuộc sống này để áp dụng vào  việc suy đoán cách hiện hữu của cuộc sống mai hậu. Đời này có lấy vợ gả chồng chỉ là chuyện sinh, lão, bệnh, tử, nên cần phải có người giúp đỡ, phục vụ và nối dõi. Khi con người đã trở thành bất tử, họ không còn sống phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa, vì thế, họ cũng không cần phải cưới vợ gả chồng. Họ sẽ bước vào cuộc sống thần thiêng như các thiên thần, cuộc sống của họ lúc này là trường sinh bất tử, sung mãn, trọn vẹn và tồn tại muôn đời với Đấng Hằng Hữu. Công việc của họ  chính là ca ngợi Chúa trong vinh quang Nước Trời như các thiên thần, được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa (Hiền Lâm).

5. Nói chung, trên mọi bình diện, mọi lý luận chỉ dựa trên công sức trí khôn con người, thì không thể nào  dẫn dắt đến sự nhìn nhận niềm tin vào sự sống lại. Đức Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ vì sự thật có sự sống lại, nhưng Chúa không giải thích cho biết sự việc sẽ xẩy ra như thế nào và cũng không nói về thời gian khi nào sẽ xẩy ra biến cố sống lại.  Có thể là hai câu hỏi như thế nào và vào lúc nào là hai điều không quan trong cho ơn cứu rỗi, nên Đức Giêsu đã không giải thích, không mạc khải gì thêm. Không phải chỉ có lời quả quyết suông của Chúa mà thôi, nhưng chúng ta còn có sự kiện cụ thể khác nữa, đó là chính sự sống lại của Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô Phục sinh là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về cái chết, về sự sống lại và sự sống đời đời (R. Veritas).

6. Tất cả cuộc sống chúng ta đều xây dựng trên niềm tin vào sự sống lại của Đức Giêsu và sự sống mai hậu. Tất cả những nỗ lực xây dựng công bằng bác ái của chúng ta chỉ có ý nghĩa là bởi vì chúng ta tin vào cuộc sống vĩnh cửu và sự sống lại.

7. Truyện: Kinh nghiệm cận tử.

Mấy năm gần đây, một số bác sĩ Đức và Mỹ đã rất chú ý đến  hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience): nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:

- Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.

- Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie Hoffsuemmer).

 

Suy niệm 9: Tin vào cuộc sống đời sau

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Mặc dù nhóm Sađốc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời lẽ của họ, người ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy: ở đời sau người ta cũng cưới vợ lấy chồng sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc thú như đời này.

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu vừa xác nhận có cuộc sống đời sau, vừa cho biết ý nghĩa của cuộc sống ấy:

- Đời sau người ta sẽ bất tử, do đó không cần lưu truyền nói giống, cho nên cũng không cần cưới vợ lấy chồng.

- Hạnh phúc duy nhất và cũng là quan tâm duy nhất của người sống đời sau là được ở gần Chúa để phụng thờ Chúa, như các thiên thần vậy.

B.... nẩy mầm.

1. Linh mục, Tu sĩ là dấu chỉ và chứng nhân cho cuộc sống đời sau, một cuộc sống “như các thiên thần” không bận tâm chi đến việc vợ chồng, chỉ chuyên tâm phụng sự Chúa.

2. Trở nên chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa qua nếp sống vợ chồng (như cha mẹ chúng ta) không phải là chuyện dễ. Nhưng muốn là dấu chỉ và chứng nhân cho cuộc sống đời sau, sống “như các thiên thần”, cũng rất khó khăn; rất cần ân huệ của Chúa. - Muốn đi đến nếp sống yêu thương với một con tim trọn vẹn không chia sẻ dành cho Chúa, ta cần được chuẩn bị để đạt được sự trưởng thành tâm cảm (maturité affective). Dần dần tập làm chủ được 4 trình độ của tâm cảm: - cảm xúc  - tình cảm  - tình yêu  - đam mê.

3. Ta đọc lại lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:

- Trong thông điệp Redemptor Hominis  số 10: ‘ Con người không thể sống khi thiếu vắng tình yêu. Họ sẽ không thể hiểu họ là gì, và sẽ cảm thấy cuộc đời họ là vô nghĩa: nếu họ không đón nhận mặc khải tình yêu, không gặp gỡ tình yêu, không cảm nghiệm tình yêu, không đồng hoá với tình yêu, không mạnh dạn tham dự vào tình yêu.’

- Trong Tông Huấn Pastores Dabo vobis (Đào tạo Lm) số 44: “Tình yêu ở đây là tình yêu bao quát toàn diện cá vị con người với mọi chiều kích và mọi thành phần: vật lý, tâm lý và tinh thần; một tình yêu được diễn đạt nơi “ý nghĩa hôn nhân” của thân thể con người, nhờ đó mà con người tự hiến cho kẻ khác và đón nhận họ.  Việc giáo dục giới tính đúng nghĩa cần phải hướng đến nhận thức và thực hiện chân lý đó về tình yêu nơi con người.”  

4. Mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ đã rất chú ý đến hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience): nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:

- Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.

- Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie Hoffsuemmer).

5. “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài tất cả đều đang sống” (Lc 20,38)

Trong một lần trao đổi với chị bạn cùng lớp, chị cho rằng tuy không có đạo song cũng không hoàn toàn phủ nhận Thiên Chúa. Nhưng có điều, nhìn vào cuộc chiến tàn khốc ở Ruanđa giữa bộ tộc Hutu và Tutsi, đều là những người công giáo với nhau mà giết nhau cách dễ dàng, hoặc như gia đình hàng xóm nhà chị, lễ lạy kinh hạt mỗi ngày nhưng hết “nội chiến” đến “ngoại chiến”. Chị không khỏi tự hỏi: niềm tin kitô giáo có còn khả năng thăng tiến con người như những gì giáo lý dạy không?

Như thế, dẫu tôi tin có Thiên Chúa nhưng lại không sống yêu thương thì cũng có nghĩa là tôi đang “khai tử” cho Thiên Chúa rồi.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, xin ban cho con sự sống của Ngài, sống vì yêu và sống cho tình yêu. (Hosanna)

 

Suy niệm 10: Ý nghĩa của cuộc sống đời sau

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Mặc dù nhóm Sađốc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời lẽ của họ, người ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy: đời sau người ta cũng cưới vợ lấy chồng, sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc thú như đời này.

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu vừa xác nhận có cuộc sống đời sau, vừa cho biết ý nghĩa của cuộc sống ấy:

- Đời sau người ta sẽ bất tử, do đó không cần lưu truyền nòi giống, cho nên cũng không cần cưới vợ lấy chồng.

- Hạnh phúc duy nhất, cũng là quan tâm duy nhất của người sống đời sau là được ở gần Chúa để phụng thờ Chúa, như các thiên thần vậy.

Cuộc sống đời sau đối với Chúa không phải chỉ là sự tiếp nối đời này ở mức cao hơn. Con người sẽ vẫn là chính mình, có thể nhận biết nhau, nhưng sẽ không có sự chết nữa, vì vậy nên không cần có sự cưới gả hay sinh con. Kitô hữu chỉ giống các thiên thần chứ không trở thành các thiên thần. Trong Kinh Thánh các thiên sứ xuất hiện như con người, nhưng họ ở thể Thần Linh và không có bản năng giới tính. Về mặt này, chúng ta sẽ giống họ, không cưới gả và sinh con trong cuộc sống mai sau. Về vấn đề này, Thiên Chúa hoàn toàn có quyền làm như thế. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không đủ quyền năng để khiến kẻ chết sống lại và ban cho họ một thân thể mới phù hợp với môi trường mới sao ? Nếu hôm nay Ngài có thể ban cho mọi tạo vật hình dạng khác nhau, vậy thì tại sao Ngài lại không thể ban cho con người thân thể mới khi họ sống lại ? (1Cr 15,35-44).

Chúa Giêsu còn vượt quá lý lẽ con người khi nhắc họ nhớ lại lời Thiên Chúa, đặc biệt là sự kiện xảy đến với Môisen (Xh 3,1-22). Môisen đã gọi Thiên Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp. Gọi như thế có nghĩa Môisen tin rằng, ba vị thánh tổ này đang sống. Nếu họ đang sống, thì hẳn họ phải ở thể phi vật chất vì họ đã chết trước đó. Và như thế rõ ràng là phải có một thế giới Thần Linh, nếu không thì Môisen, đã chẳng viết những lời như thế.

Thiên Chúa là Chúa của con người toàn vẹn - tâm thần, linh hồn và thân thể. Vì Ngài đã dựng nên con người như thế. Ngài không chỉ cứu linh hồn chúng ta rồi bỏ mặc phần còn lại muốn ra sao thì ra. Bản chất vốn có trong sự sáng tạo của Ngài là quan tâm đến mọi mặt của con người. Vì vậy, Ngài không để chúng ta phải “hồn lìa khỏi xác” mãi mãi, nhưng sẽ ban cho chúng ta một thân thể vinh hiển thích hợp với sự hoàn mỹ ở Thiên Đàng.

Một vấn đề khác, đó là mối liên hệ giữa Thiên Chúa với ba vị thánh tổ này. Ngài hứa ban cho họ và con cháu họ những phước hạnh trên đất, nhưng Ngài không thể làm trọn lời hứa nếu dân Ngài chỉ muốn sống đời đời như những linh hồn không có xác. Chúa Giêsu đã xác nhận những điều mà người Sađuxê chối bỏ: những điều đó là sự tồn tại của các thiên sứ, sự thực hữu của đời sống sau khi chết, sự sống lại ở đời sau. Ngài xác nhận điều này dựa trên sách của Môisen. Dĩ nhiên, Ngài có thể dẫn chứng nhiều đoạn Kinh Thánh khác nói về sự sống lại ở đời sau, nhưng Ngài đã giải đáp cho những kẻ chống nghịch Ngài dựa ngay trên chính những lý lẽ họ đã đưa ra.

2. Mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ đã rất chú ý đến hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience): nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí như sau:

- Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.

- Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie Hoffsuemmer).

Xin được kết thúc bằng lời tâm sự của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII vể cuộc sống mai sau:

“Tám mươi tuổi đã qua nhắc nhủ tôi cũng như anh và bà con chúng ta nhớ: Điều quan hệ hơn hết là lúc nào cũng phải sẵn sàng để ra đi một cách bất ngờ, bởi vì việc tối hệ là bảo đảm đời sống vĩnh cửu trên Thiên Đàng, bằng cách phó thác mình nơi lòng nhân hậu Chúa. Tôi khiêm nhường van xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm và thiếu sót của tôi. Tôi dâng lên Người cái tài sản ít oi mà nhờ ơn Người tôi chiếm hữu, hầu van xin Người tiếp đón tôi như một người cha nhân lành hiền hậu, để tôi được kết đoàn với các thánh trong hạnh phúc trường sinh”.

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây