Thứ Bảy đầu tháng, tuần 22 thường niên.

Thứ sáu - 04/09/2020 07:54

Thứ Bảy đầu tháng, tuần 22 thường niên.

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”

 

Lời Chúa: Lc 6, 1-5

Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”

Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các ông chưa đọc điều Đavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi”. Và Người bảo họ rằng: “Con Người làm chủ cả ngày Sabbat”.

 

 

Suy Niệm 1: Điều không được phép làm

Suy niệm

“Tại sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”

“Tại sao môn đệ ông lại không ăn chay?”

“Tại sao môn đệ ông không chịu rửa tay khi dùng bữa?”

Mấy người Pharisêu có vẻ thích đặt những câu hỏi tại sao.

Và trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại đặt một câu hỏi nữa :

“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày sabát?”

Câu chuyện đơn giản như sau.

Thầy Giêsu và các trò đi ngang qua một cánh đồng lúa chín.

Các môn đệ đói nên bứt những bông lúa, vò trong tay cho vỏ tróc ra mà ăn.

Hành vi này được phép làm, dựa theo sách Đệ nhị luật (23, 26).

Nhưng vì đó là ngày sa-bát, nên lại không được phép làm.

Thật ra sách Xuất hành chỉ cấm gặt lúa vào ngày sa-bát thôi (34, 21).

Nhưng truyền thống đã dựng thêm một hàng rào bảo vệ,

bằng cách coi bứt lúa cũng là một hình thức gặt lúa.

Bởi thế các môn đệ bị coi là đã vi phạm luật giữ ngày sa-bát.

Thầy Giêsu lại một lần nữa bênh vực học trò của mình.

Ngài bắt đầu câu trả lời bằng việc đưa các ông Pharisêu về với Kinh Thánh.

Chẳng lẽ những người trí thức như họ mà đã không đọc chuyện này rồi sao.

Đó là chuyện vua Đa-vít và thuộc hạ đói bụng, đã được ăn “bánh thánh”,

khi họ đến đền thờ Nốp, gặp tư tế Akhimêléc (1 Sm 21, 2-7).

Vị tư tế này đã cho họ ăn thứ bánh đặt trước nhan Đức Chúa (Xh 25, 30)

mà chỉ tư tế mới được phép ăn (c. 4; Lv 24, 9),

khi 12 bánh cũ của tuần trước được thay bằng bánh mới vào ngày sa-bát.

Akhimêléc đã làm điều không được phép, vì bánh thường không còn.

Đứng trước cơn đói của Đavít, ông đã không quay đi vì nệ luật.

Đức Giêsu dùng câu chuyện này để bênh các môn đệ đang đói của Ngài,

dù nó không liên quan gì đến chuyện giữ ngày sabát.

Như tư tế Akhimêléc, Ngài cũng không quay đi vì nệ luật.

Hơn nữa, Ngài khẳng định mình là chủ ngày sa-bát (c. 5).

Đức Giêsu không dẹp bỏ ngày sa-bát, nhưng đặt nó ở dưới quyền của Ngài.

Chính Ngài cho ta biết cách giữ ngày sa-bát theo đúng ý Thiên Chúa.

Tội nghiệp các môn đệ bị đói, vì họ đã bỏ mọi sự mà theo Thầy Giêsu.

Họ chấp nhận bữa đói bữa no với một vị Thầy lang thang đây đó,

sống hoàn toàn nhờ lòng tốt của người nghe.

Mấy bông lúa có là gì để tránh cái cồn cào trong ruột.

Thầy Giêsu đã từng nếm cái đói, và thèm một trái vả (Mc 11, 13).

Thầy đã từng khát và xin nước của người phụ nữ (Ga 4, 7).

Bởi đó Thầy hiểu được cái đói khát hành hạ con người mọi thời.

Mọi luật lệ được đặt ra để phục vụ con người và thăng tiến nó.

Đôi khi chúng ta phải nhìn lại những luật đã quen giữ từ lâu

để điều chỉnh lại cho phù hợp với những nhu cầu mới của con người.

Làm sao để luật không đè bẹp, nhưng nâng đỡ con người sống tốt hơn?

Làm sao để khi áp dụng luật, tôi vẫn giữ được sự mềm mại của tình yêu?

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

con được no nê mà vẫn thiếu ăn,

vì bên con còn có người đói lã

Con uống nước mát mà lòng vẫn khô ran

vì bên con còn có người đang khát

Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi

vì bên con còn có người phiền muộn.

Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm

vì bên con còn có người mù tối

Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi.

vì bên con còn có người trần trụi

Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,

vì bên con còn có bao nhiêu người thiếu thốn.

(Myrtle Householder)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Suy Niệm 2: PHỤC VỤ TIN MỪNG

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Phục vụ Tin Mừng là nhiệm vụ cao quí. Tin Mừng giúp phát triển bản thân và thế giới. Nhưng việc phục vụ Tin Mừng không phải dễ dàng. Người phục vụ Tin Mừng phải vất vả gieo trồng để có được mùa gặt phong phú.

Thánh Phao-lô cho tín hữu Cô-rin-tô biết những vất vả mà ngài phải chịu vì phục vụ Tin Mừng: “Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng”. Ngoài vất vả về thể xác, còn có những đau đớn trong tâm hồn: bị nguyền rủa, bị bắt bớ, bị vu khống, bị loại trừ: “Cho đến giờ này, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người” (năm chẵn).

Các tông đồ đói đến nỗi phải tuốt lúa xanh ngoài ruộng mà ăn. Thế mà không yên thân. Vẫn còn bị người Pha-ri-sêu hoạnh hoẹ vì lỗi luật ngày sa-bát. Nhưng Chúa đã lên tiếng bênh vực các ngài bằng trích dẫn trường hợp Đa-vít. Đa-vít cho thuộc hạ ăn bánh tiến trong đền thờ mà không phạm tội. Nhưng đây còn hơn Đa-vít. Là Chúa Thượng của Đa-vít. Vì thế có thể cho các môn đệ tuốt lúa ăn trong ngày sa-bát. Tư tế được ăn bánh tiến trong đền thờ mà không phạm tội. Nhưng Chúa Giê-su mới là Thầy Cả Thượng Phẩm. Người cũng là đền thờ mới. Vì thế có thể cho các môn đệ được tuốt lúa ăn trong ngày lễ nghỉ.

Khi trưng dẫn Đa-vít, Chúa có ý cho biết Người chính là Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi. Từ xưa dân Ít-ra-en luôn mong chờ Đấng Cứu Thế thuộc dòng tộc Đa-vít ra đời. Giải phóng dân khỏi nô lệ. Đưa đất nước đến phồn thịnh, vinh quang. Chúa Giê-su thuộc dòng tộc Đa-vít. Nhưng lại là Chúa của Đa-vít. Là niềm hi vọng của Dân Chúa. Các môn đệ đã gặp được niềm hi vọng ngàn đời. Đã được thấy ơn cứu độ. Nên các ngài theo Chúa, phục vụ Chúa, dù gian nan vất vả.

Chính vì thế, thánh Phao-lô khuyên nhủ tín hữu Cô-lô-xê phải kiên trì giữ vững đức tin: “Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hi vọng anh em đã nhận được”. Chúa là Tin Mừng. Là niềm hi vọng. Chính vì thế Phao-lô sẵn sàng chịu đau khổ. Hãnh diện vì được phục vụ Tin Mừng (năm lẻ).

 

Suy Niệm 3: Ý nghĩa đích thực của lề luật

Một trong những sợi chỉ chạy xuyên suốt các sách Tin Mừng là cuộc đối đầu giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo tôn giáo, tức là những người đứng ra bảo đảm cho việc thi hành Lề Luật. Thật ra, như Chúa Giêsu đã từng khẳng định Ngài đến không phải để hủy bỏ Lề Luật mà để hoàn thành nó.

Với Chúa Giêsu, sống tốt lành, thánh thiện không hệ tại ở chỗ thi hành Lề Luật mà chính là sống theo tinh thần Lề Luật. Một người có thể giữ hết mọi Lề Luật nhưng có thể chưa phải là một người thánh thiện. Lề Luật tự nó là tiêu cực, Lề Luật thường đưa ra những điều cấm đoán. Chúa Giêsu thì trái lại, luôn tích cực. Ngài công bố Lề Luật mới xây dựng trên tình yêu. Con người phải nên thánh thiện như Cha trên trời. Thiên Chúa thánh thiện không phải do tuân giữ Lề Luật. Thiên Chúa thánh thiện bởi vì Ngài là tình yêu và vì Thiên Chúa là tình yêu cho nên ai sống trong tình yêu thì thuộc về Thiên Chúa và nên thánh thiện. Trong bài diễn văn chung luận về ngày sau hết, Chúa Giêsu sẽ không dùng Lề Luật để phán xét con người mà chỉ hỏi con người có yêu thương tha nhân không mà thôi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay sự kiện các môn đệ đi qua cánh đồng lúa và bứt lúa ăn trong ngày sabát làm nổi bật sứ điệp của Chúa Giêsu. Cuộc chạm trán ngắn ngủi giữa Chúa Giêsu và các biệt phái cho thấy ý nghĩa đích thực của Lề Luật. Bánh thánh là biểu hiện sự hiện diện của Thiên Chúa giữa cộng đồng. Bánh Thánh của người Do Thái cũng mầu nhiệm như bánh thánh của Chúa Kitô, nó biểu hiện phép Thánh Thể. Không người Do Thái nào dám sờ đến bánh thánh cũng như không một người công giáo nào dám mở nhà chầu lấy bánh thánh để ăn trưa. Thật là trái tai khi nghe Chúa Giêsu biện hộ cho hành vi của vua Ðavít. Tuy nhiên, qua lời biện hộ này chúng ta hiểu được quan niệm của Chúa Giêsu về Lề Luật. Lề Luật là chỉ để hướng dẫn và hỗ trợ cho con cái của Thiên Chúa, không nên biến nó thành một gánh nặng, nó phải đáp lại nhu cầu của con người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu tuyên bố: "Lề Luật được lập ra cho con người chứ không phải con người cho Lề Luật, ngày sabát được lập ra cho con người chứ không phải con người cho ngày sabát". Con cái của Thiên Chúa là thánh thiện chứ không phải Lề Luật.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta, có khi chúng ta giữ đạo một cách chi ly nhưng chưa thực sự sống đạo, chúng ta tuân giữ mọi Lề Luật nhưng chưa sống tinh thần của Lề Luật. Cốt lõi của Lề Luật chính là tình yêu. Tất cả mọi Lề Luật đều thu tóm về giới răn yêu thương, sống yêu thương là chu toàn Lề Luật. Lời của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô đoạn 13 cần được chúng ta đem ra suy niệm và thực hành:

"Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác nào thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi chuyện bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu hay có được tất cả những đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giá như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi".

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Vì con người hay vì ngày sa-bát

Vào ngày sa-bát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói: “Tại sao các ông lại làm điều không được phép làm trong ngày sa-bát?” (Lc. 6, 1-2)

Không quá đáng khi nói trên trái đất này luôn luôn xảy ra cuộc tranh đấu quyết liệt giữa con người và luật lệ. Có thể nói: rút cuộc con người hình như bị bại trận.

Suốt thời gian thi hành chức vụ công khai, Đức Kitô chống lại óc pháp trị không ngừng áp đặt luật sa-bát trên con người. Thà phải chịu chết đói hơn là phạm tới luật thánh để tôn trọng ngày của Chúa. Đức Giêsu muốn cho biệt phái hiểu rằng họ đã khắt khe vô lý đến tột độ. Người kể trường hợp của vua Đa-vít đã cứu đoàn tùy của mình, ông không ngần ngại vào đền thờ lấy bánh hiến tế dành riêng cho tư tế đưa cho họ ăn. Sự bó buộc của biệt phái thật vô nhân đạo, và Người kết luận: luật lệ vì con người chứ không phải con người nô lệ luật pháp.

Người không thành công cũng như bao nhiêu người khác trước và sau Người, họ đã thử bảo vệ sứ điệp này. Kẻ thù không tha cho ai muốn lãnh đạo hay phục vụ như Người. Một ngày nào đó, họ sẽ lên án Người. Kể từ lúc đó, trong thế giới lương cũng như giáo, xuyên suốt dòng lịch sử, có hàng ngàn đàn ông, đàn bà bị loại trừ và thanh lọc vì đòi quyền ưu tiên cho người trên pháp luật bất chính.

Đức Kitô không phải là con Người ngây ngô. Người biết rất rõ cần thiết phải có luật pháp. Người không ngừng nhắc đi nhắc lại: Người đến không phải để phá hủy luật lệ, nhưng để kiện toàn. Tuy nhiên, Người không chấp nhận luật đặt ra để đè bẹp con người, nhưng luật là để giúp con người thăng tiến. Luật không để giết hại mà để phục vụ. Nhiều người công giáo ngày nay chưa ý thức được bài học này. Họ sẵn sàng chia rẽ, xé lẻ để bảo vệ hình thức luật lệ. Có những luật tốt cho xưa kia, nhưng không còn thích hợp với những yêu cầu nhân loại ngày nay. Thế giới đã có những cuộc cách mạng tiến bộ rõ rệt, không còn nữa những hạng quá bảo thủ và quá cấp tiến nếu bài học của Chúa được đón nhận.

GF

 

Suy Niệm 5: Ý nghĩa của lề luật

Về triết gia Ðavít Hume của Anh vào thế kỷ 18, người ta kể một giai thoại như sau:

Một hôm, có một quận công hỏi ông: - Theo ông thì đối tượng của luật pháp là gì?

Ðavít Hume trả lời: - Ðó là để phục vụ cho lợi ích lớn nhất của số lớn nhất.

Quận công hỏi lại: - Thế thì theo ông số lớn nhất là gì?

Triết gia đáp: - Số lớn nhất là số một.

Ðây là thực tế thường xảy ra trong luật pháp của nhiều quốc gia: số lớn nhất thường chỉ là một thiểu số. Luật pháp được làm ra không phải là để phục vụ mọi người, mà chỉ nhắm đến quyền lợi của thiểu số mà thôi.

Vào thời Chúa Giêsu, không thiếu những người nhân danh luật pháp để triệt hạ và chối bỏ người khác. Truyện được ghi trong Tin Mừng hôm nay là một điển hình cho biết bao trường hợp nhân danh pháp luật để đè bẹp con người. Chúa Giêsu đã thách thức cho đến cùng thái độ như thế. Thật ra, Chúa Giêsu không phải là một con người sống ngoài luật pháp, Ngài đến để kiện toàn lề luật. Nhưng sở dĩ Chúa Giêsu chống lại luật pháp là bởi vì luật pháp đó phi nhân hoặc chối bỏ con người. Các môn đệ vì đói nên bứt bông lúa mà ăn, thật ra không phải là vi phạm ngày Hưu lễ. Không có khoản luật nào trong các sách luật xem một hành động như thế là vi phạm ngày Hưu lễ; nếu có thì chỉ là vi phạm một trong 39 hành động mà các nhà chú giải Do thái đã thêm vào qui định của ngày Hưu lễ mà thôi. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã dẫn chứng hành động của Vua Ðavít và Ngài khẳng định: hành động của các môn đệ không hề vi phạm ngày Hưu lễ. Lề luật vì con người, chứ không phải con người vì lề luật. Ðó là ý nghĩa của luật pháp mà Chúa Giêsu nêu bật trong cuộc tranh luận với những Biệt phái. Khi luật pháp chống lại con người, nghĩa là chối bỏ phẩm giá và quyền lợi cơ bản của con người, thì luật pháp đánh mất ý nghĩa và không còn lý do để hiện hữu nữa; trong trường hợp đó, dĩ nhiên không tuân hành luật pháp là một thái độ thích đáng.

Thật ra, khi luật pháp chối bỏ hoặc chà đạp những quyền cơ bản của con người, thì luật pháp đó cũng xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Thánh Phêrô và thánh Gioan đã hành động một cách cương quyết khi dõng dạc tuyên bố trước Công nghị Do thái: "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". Chẳng hạn, khi luật pháp một quốc gia cho phép phá thai, nghĩa là tước đoạt quyền sống của con người, thì chống lại luật pháp đó là một nghĩa vụ. "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". đó là nguyên tắc nền tảng hướng dẫn người Kitô hữu trong các quan hệ xã hội của họ. Chúa Giêsu luôn đòi hỏi các môn đệ của Ngài một thái độ dứt khoát tận căn: không thể vừa vâng lời Thiên Chúa, vừa chạy theo những gì chống lại Thiên Chúa.

Nguyện xin Chúa cho chúng ta ơn can đảm để luôn biết nói không với những gì loại trừ con người và xúc phạm đến Thiên Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm xác tín và vâng phục cho đến cùng, để trong mọi sự, chúng ta chỉ tìm thánh ý Chúa và xây dựng những giá trị Nước Trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 6: LUẬT VÌ CON NGƯỜI (Lc 6,1-5)

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc môn đệ Đức Giêsu bứt lúa và ăn trong ngày Sabát. Thời điểm này vào khoảng tháng tư trong năm và rơi vào cuối mùa hạ.

Câu chuyện những người Pharisêu hôm nay lên tiếng khiển trách thầy trò đã đến mức căng thẳng. Họ cảnh cáo Đức Giêsu và các môn đệ không giữ Luật. Lý do:

1) Một là đi qua đồng lúa, tức vi phạm luật chỉ được đi 100 mét ngoài thành vào ngày hưu lễ;

2) Hai là bứt lúa rồi chà trấu trong tay để ăn, một hành vi tương đương với viêc gặt lúa, vậy là vi phạm luật cấm việc xác.

Khi cảnh cáo như thế, ngầm hiểu rằng họ đã ra “tối hậu thư” cho thầy trò Đức Giêsu, nếu còn vi phạm thì sự việc sẽ bị coi là cố tình trước mặt các nhân chứng và đáng chịu tử hình, vì coi thường ngày hưu lễ.

Đáp lại, Đức Giêsu đã lật ngược vấn đề và đặt ra cho họ câu hỏi: "Các ông chưa đọc điều Ðavít đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi". Hay như các tư tế trong đền thờ. Khi hưu lễ trùng với một đại lễ, các tư tế và các phụ tá phục dịch phải giết chiên nhiều hơn, thế mà vẫn không bị buộc tội vi phạm hưu lễ!

Khi nói như thế, Đức Giêsu mặc khải cho họ rằng: Ngài chính là đền thờ mới, là Con Thiên Chúa, có một quyền bính tự Trời ban cho. Vì thế, Ngài đến để lập lại trật tự nguyên thủy của Lề luật. Lề luật không thể có vai trò tuyệt đối. Nó chỉ được lập ra vì con người, chứ không được trở thành gánh nặng áp bức con người. Ngài đến với tư cách là Chủ của Lề Luật, có quyền ngang với Thiên Chúa, để hoàn chỉnh Lề Luật hoặc sửa đổi nó, một khi không còn thích hợp với ý định của Thiên Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy giải thoát khỏi tâm trí chúng ta một thứ ý thức hệ vụ hình thức, chuộng cơ cấu, cứng nhắc làm tê liệt tình yêu đối với Chúa và lòng nhân ái đối với tha nhân. Nếu cứ bán vào Luật thuần túy, hẳn không thể có một trái tim biết yêu thương nhạy bén với ơn Chúa và sứ vụ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống cốt lõi của Luật. Biết dùng Luật như là phương tiện để giúp nhau sống tốt hơn chứ không phải dùng Luật để cưỡng ép nhau. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

Con Người là Chủ của ngày Sabat – SN song ngữ 05.9.2020

 

Saturday (September 5): “The Son of man is lord of the Sabbath”

 

Scripture: Luke 6:1-5

1 On a Sabbath, while he was going through the grain fields, his disciples plucked and ate some heads of grain, rubbing them in their hands. 2 But some of the Pharisees said, “Why are you doing what is not lawful to do on the Sabbath?” 3 And Jesus answered, “Have you not read what David did when he was hungry, he and those who were with him: 4 how he entered the house of God, and took and ate the bread of the Presence, which it is not lawful for any but the priests to eat, and also gave it to those with him?” 5 And he said to them, “The Son of man is lord of the Sabbath.”

Thứ Bảy     5-9                        Con Người là Chủ của ngày Sabat

 

Lc 6,1-5

1 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn.2 Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát? “3 Đức Giê-su trả lời: “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng?4 Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.”5 Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

Meditation: 

 

What does the commandment “keep holy the Sabbath” require of us? Or better yet, what is the primary intention behind this command? The religious leaders confronted Jesus on this issue. The “Sabbath rest” was meant to be a time to remember and celebrate God’s goodness and the goodness of his work, both in creation and redemption. It was a day set apart for the praise of God, his work of creation, and his saving actions on our behalf. It was intended to bring everyday work to a halt and to provide needed rest and refreshment.

The Lord of the Sabbath feeds and nourishes us

Jesus’ disciples are scolded by the scribes and Pharisees, not for plucking and eating corn from the fields, but for doing so on the Sabbath. In defending his disciples, Jesus argues from the Scriptures that human need has precedence over ritual custom. In their hunger, David and his men ate of the holy bread offered in the Temple (1 Samuel 21:2-7). On every Sabbath morning twelves loaves were laid before God on a golden table in the Holy Place. Each loaf represented one of the twelve tribes of Israel. No one was allowed to eat this bread except the priests because it represented the very presence of God. David understood that human need took precedence over rules and ritual regulations.

Seek the Lord’s rest and refreshment

Why didn’t the Pharisees recognize the claims of mercy over rules and regulations? Their zeal for ritual observance blinded them from the demands of charity. Jesus’ reference to the bread of the Presencealludes to the true bread from heaven which he offers to all who believe in him. Jesus, the Son of David, and the Son of Man, a title for the Messiah, declares that he is “Lord of the Sabbath.” Jesus healed on the Sabbath and he showed mercy to those in need. All who are burdened can find true rest and refreshment in him. Do you seek rest and refreshment in the Lord and in the celebration of the Lord’s Day?

 

 

“Lord Jesus, you refresh us with your presence and you sustain us with your life-giving word. Show me how to lift the burden of others, especially those who lack the basic necessities of life, and to refresh them with humble care and service.”

 

Suy niệm:

 

Điều răn “giữ ngày Sabbath” đòi hỏi chúng ta điều gì? Nói đúng hơn là mục đích chính đằng sau mệnh lệnh này là gì? Các nhà lãnh đạo tôn giáo đối đầu với Đức Giêsu về vấn đề này. “Việc nghỉ ngày Sabbath” được xem là thời gian để tưởng nhớ và tôn kính lòng nhân từ của Chúa và những kỳ công của Người, bao gồm công trình tạo dựng lẫn công trình cứu chuộc. Đó là ngày người ta nghỉ việc để ca tụng Chúa, ca tụng sự tạo dựng của Người, và những hành động cứu chuộc của Người thay cho chúng ta. Nó có ý nghĩa tạm dừng công việc hằng ngày để cho thân xác được nghỉ ngơi và bồi dưỡng.

Chúa của ngày Sabat nuôi dưỡng và cho chúng ta ăn

Các môn đệ của Đức Giêsu bị những người luật sĩ và Pharisêu quở trách không phải vì đã bứt bông lúa ăn, nhưng là vì đã làm việc trong ngày Sabbath. Để bênh vực các môn đệ, Đức Giêsu đã trích dẫn từ Kinh thánh để nói rằng nhu cầu con người có quyền ưu tiên hơn phong tục tập quán. Trong lúc đói, vua Đavít và đoàn tùy tùng đã ăn bánh dâng tiến trong Đền thờ (1Sm 21,2-7). Mỗi sáng vào ngày Sabbath, mười hai ổ bánh được đặt trước Chúa trên một cái bàn bằng vàng trong thánh điện. Mỗi ổ bánh tượng trưng cho mỗi chi tộc của dân Israel. Không ai được phép ăn bánh này ngoại trừ các tư tế, bởi vì nó biểu thị sự hiện diện của Thiên Chúa. Đavít hiểu được nhu cầu của con người vượt trên các lề luật và những phong tục tập quán.

 

Hãy tìm sự nghỉ ngơi và bồi dưỡng của Chúa

Tại sao những người Pharisêu không nhận ra những yêu sách của lòng thương xót vượt trên các luật lệ? Lòng nhiệt thành của họ về việc tuân giữ luật lệ đã làm mù quáng họ trước những đòi buộc của đức ái. Việc ám chỉ của Đức Giêsu về bánh tiến muốn nói đến bánh đích thật từ Trời mà Người ban cho tất cả những ai tin tưởng nơi Người. Đức Giêsu, Con vua Đavít, Con Người, danh xưng của Đấng Mêsia, tuyên bố rằng Người là “Chủ của ngày Sabbath.” Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbath, và Người bày tỏ lòng thương xót đối với những ai đang trong cảnh túng thiếu. Tất cả những người mang gánh nặng đều có thể tìm được sự nghỉ ngơi và bồi dưỡng thật sự nơi Người. Bạn có tìm kiếm sự nghỉ ngơi và bồi dưỡng nơi Thiên Chúa và trong việc tôn kính ngày của Chúa không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa bổ sức cho chúng con bằng sự hiện diện của Chúa và duy trì chúng con bằng lời ban sự sống của Chúa. Xin tỏ cho con biết làm thế nào để nâng đỡ gánh nặng của tha nhân, đặc biệt với những người thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống và bồi dưỡng họ với sự quan tâm và phục vụ khiêm tốn.”

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

SUY NIỆM

1. « Tại sao các ông làm điều không được phép…»

« Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn ». Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu chất vấn : « Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát? » Thánh Luca không nói rõ lí do tại sao các môn đệ bứt lúa, nhưng khi nghe lời giải thích của Đức Giê-su, chúng ta có thể đoán ra, đó là vì các ông đói bụng :

Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao?
Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? 
(c. 3)

Trước hết, chúng ta cần cảm thương Đức Giê-su, vì trò phạm lỗi, nhưng chính Thầy lên tiếng bảo vệ, nghĩa là đứng ra chịu trách nhiệm. Sau này, Đức Giê-su sẽ nhận vào mình tất cả mọi tội lỗi, nhân danh Lề Luật, không chỉ của các môn đệ, nhưng là của cả loài người chúng ta.

Xét về luật, những người Pha-ri-sêu thật có lý để lên án các môn đệ, vì, để ăn hạt lúa, họ phải gặt và xay cây lúa. Như thế, họ đã phạm luật cấm lao động trong ngày sa-bát ! Tuy nhiên, lỗi này là chuyện nhỏ, không nghiêm trọng gì mấy ; có lẽ Chúa chỉ cần nhắc nhở các môn đệ là xong chuyện. Nhưng có điều gì đó thật nghiêm trọng và không hề là chuyện nhỏ ; Đức Giê-su sẽ mặc khải cho chúng ta điều này.

 2. Dò xét và tố cáo

Thật vậy, chúng ta cần tự hỏi : làm sao, ở ngoài đồng bao la như thế, những người Pha-ri-sêu lại biết được việc này ? Chắc họ đã phải kín đáo đi theo, rình mò, theo dõi và quan sát thật kĩ nhóm của Đức Giê-su. Hành động này hàm chứa thái độ không tin tưởng, thậm chí thái độ lên án, và chỉ cần chờ dịp thôi. Và, như chúng ta thấy, khi không có dịp, chính họ sẽ tạo ra dịp để Đức Giê-su và các môn đệ phạm luật ; các Tin Mừng gọi hành động này là thử hay giăng bẫy. Thế mà, hành động này là hành động đặc trưng của ma quỉ :

Vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài. (Kh 12, 10)

Thế mà, một cách rất chắc chắn, « Kẻ Tố Cáo » là một tên gọi được thêm vào những tên gọi có sẵn của Satan (x. Kh 12, 9). Cách gọi này có nguồn gốc xa xưa hơn. Thật vậy, trong một thị kiến được ban cho ngôn sứ Dacaria, vị thượng tế đứng trước thiên thần của Đức Chúa, “còn Xa-tan đứng bên phải ông để tố cáo ông” (Dcr 3, 1). Hành động dò xét và tố cáo dựa vào lề luật không phải là hiếm thấy trong cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng ta lại không nhận ra, đó là hành vi đặc trưng của Sa-tan !

Hơn nữa, và điều này còn nghiêm trọng hơn, ngày sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ sự sống được cứu khỏi sự chết, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Đnl 5, 12.15). Nhưng trong thực tế, ngày sa-bát đã biến thành một bộ luật phức tạp bao gồm những quy định chi li, dùng để dò xét và lên án. Ngày sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ sự sống, nhưng đã biến thành phương tiện để lên án và giết chết chính Đấng Ban Sự Sống, là Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa. Điều này sẽ được khởi động rất sớm : « Họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không » (Lc 6, 11 ; là bài Tin Mừng của ngày thứ hai tuần tới). Khi kể lại chuyện này, thánh Mác-cô nói rõ ra ý định giết người : « Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su » (Mc 3, 6). Và ý định này sẽ đi đến cùng trong cuộc thương khó, khi người ta nhân danh Lề Luật để giết Đấng Vô Tội tuyệt đối.

 3. « Con Người làm chủ ngày sa-bát »

Như các môn đệ, không ai trong chúng ta không vi phạm luật ; và như những người Pha-ri-sêu, không ai trong chúng ta tránh được sức mạnh của Sự Dữ thúc đẩy chúng ta dùng lề luật để dò xét và tố cáo bản thân mình và người khác. Vì vậy, thánh Phao-lô tuyên xưng : « Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! » (Rm 7, 24-25). Thật vậy, Đức Giê-su đã đứng về phía các môn đệ, những « bị cáo », và qua các môn đệ, Ngài đứng về phía chúng ta. Ngài biện minh cho họ bằng những lời mạc khải có tầm mức hết sức rộng lớn.

Trước hết, Ngài dựa vào Lời Chúa trong Sách Thánh. Trong sách Samuel quyển 1, chương 21, kể lại chuyện vua Đa-vít và những người tùy tùng của ông, lúc đói đã vào nhà Thiên Chúa ăn bánh dùng để dâng tiến, thứ bánh chỉ có tư tế mới được ăn. Khi nêu ra một biến cố lịch sử, được kể lại trong Sách Thánh, Đức Giêsu muốn nói cho người Pha-ri-sêu, và qua họ, cho chúng ta về chính khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa :

  • Sự sống là nguồn gốc, vì Thiên Chúa là nguồn sống và Người thông truyền sự sống trước khi ban lề luật (x. St 2-3). Do đó, sự sống ưu tiên hơn lề luật.
  • Sự sống là cùng đích, vì xét cho tận cùng, mọi lề luật được đặt ra để phục vụ cho sự sống. Sự sống chính là « tinh thần » và là điểm tới của mọi lề luật.
  • Luật đúng là thánh, như thánh Phao-lô nói trong thư Roma (x. Rm 7, 12). Nhưng ngôi vị cũng là thánh, vì vốn được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, trong hành vi phạm luật, phải chú ý đến hoàn cảnh, quá khứ, giáo dục, môi trường, những vấn đề và vết thương của nội tâm… Như Đức Chúa nói với ngôn sứ Samuen : « Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng » (1Sm 16, 1)

Và hơn thế nữa, Thiên Chúa ban lề luật, nhưng đồng thời, Người cũng là Đấng thương xót, bao dung, không lên án, nhưng cứu vớt (x. Tv 19 ; Mt 20, 1-16). Chính vì thế, Đức Giê-su tuyên bố :

Con Người là chủ ngày sa-bát. (c. 5)

Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể, là nguồn sự sống, là chủ ngày sa-bát, vốn là trung tâm của Lề Luật (x. Xh 20; Đnl 5). Mặc khải này của Đức Giê-su phải làm cho chúng ta tin tưởng và bình an. Không phải Chúa bao che chúng ta, nhưng đó là vì kết án không phải là cùng đích của lề luật, vì dùng luật để kết án và hủy diệt là hành vi đặc trưng của Sa-tan, và nhất là vì tha thứ và tin tưởng mới có sức mạnh biến đổi và chữa lành tận căn con tim của chúng ta. Vẫn còn một lý do nữa, lý do tuyệt đối : Thiên Chúa là Tình Yêu. Chính vì thế :

« Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương » (Tv 136)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây