Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên.

Thứ sáu - 02/10/2020 08:50

Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên.

"Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".

 

Lời Chúa: Lc 10, 17-24

Khi ấy, bảy mươi hai ông trở về vui mừng và nói rằng: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Người bảo: "Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".

Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. - Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Đấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết". Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều các con xem thấy, vì chưng, Thầy bảo các con: Có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều các con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe".

 

 

SUY NIỆM 1: Hớn hở vui mừng

Suy niệm:

Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã sai nhóm Mười Hai

đi rao giảng về Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh tật (ch. 9).

Họ là những tông đồ thân tín, sống gần gũi bên Thầy Giêsu.

Nhưng vì thấy lúa chín đầy đồng, và thợ gặt thì ít,

Đức Giêsu lại sai thêm bảy mươi hai môn đệ lên đường.

Đây là một số người khá đông mà Đức Giêsu quy tụ được.

Chắc họ không luôn luôn ở với Ngài và gần gũi như nhóm Mười Hai,

vì họ còn phải vất vả lo chuyện gia đình, làm ăn,

nhưng họ vẫn được Ngài chỉ định và trao phó nhiệm vụ đi tiền trạm.

Ngày trở về của nhóm Bảy Mươi Hai là một ngày rất vui.

Họ thi nhau khoe với Thầy về chuyện họ trừ được quỷ dữ,

Họ đã có kinh nghiệm về Tên của Thầy mình.

“Nhân danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải lụy phục chúng con” (c. 17).

Những môn đệ bình thường bắt đầu vui sướng nhận thấy

họ có thể dũng cảm đối đầu với những mãnh lực đáng sợ

chỉ nhờ đặt nơi Thầy một lòng tin phó thác đơn sơ.

Đúng là Xatan đã đến ngày tàn khi Đức Giêsu xuất hiện (c. 18).

Nó bị sa xuống từ trời, và nước của nó bị đổ nhào bởi Nước Thiên Chúa.

Trước niềm vui chiến thắng của nhóm Bảy Mươi Hai,

Thầy Giêsu muốn nhắc họ về một niềm vui khác, lớn hơn nhiều.

Đó là vui vì tên họ đã được ghi trên trời (c. 20).

Khi Xatan bị tống khỏi trời, thì các môn đệ có chỗ vững vàng ở đó.

Phúc cho họ vì được ơn có tên trong sách sự sống (Pl 4,3).

Đây mới là hạnh phúc và niềm vui đích thật.

Bài Tin Mừng hôm nay đầy ắp niềm vui.

Niềm vui từ số đông môn đệ tỏa lan sang Thầy Giêsu.

Vào ngay giờ ấy, Thầy cũng bất ngờ cảm nếm niềm vui do Thánh Thần,

và môi Thầy bật lên lời cầu nguyện tự phát.

Vừa thân thiết, vừa cung kính, Thầy dâng Cha lời tạ ơn:

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha.”

Thầy Giêsu ngây ngất trước những việc Cha làm cho các môn đệ.

Tuy chỉ là những kẻ bé mọn, bình dân,

chẳng phải là những nhà khôn ngoan thông thái,

nhưng họ lại được Cha mặc khải những điều mầu nhiệm.

Cha đã vén mở cho họ tin vàoThầy Giêsu là Con của Cha.

Họ có niềm tin mà những người kiêu căng tự mãn không có được.

Thầy Giêsu khâm phục sự sắp đặt kỳ diệu của Cha:

“Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (c. 21).

Chúng ta có quyền tin rằng,

vào giây phút cầu nguyện linh thiêng này,

không phải chỉ các môn đệ và Thầy Giêsu mới đầy ắp niềm vui.

Cả Chúa Cha trên trời cũng vui, cùng với Chúa Thánh Thần.

Qua lời cầu nguyện, Thầy Giêsu cho thấy Cha đang mặc khải cho môn đệ.

Và chính Thầy cũng đang mặc khải về Cha cho họ.

Đây là giây phút Cha-Con mặc khải về nhau.

Giáo Hội hôm nay cần Mười Hai tông đồ,

Nhưng cũng rất cần Bảy Mươi Hai môn đệ đi tiền trạm cho Chúa Giêsu.

Giáo Hội cần những giáo dân được sai đi để xây dựng Nước Thiên Chúa.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

những hạt cải Chúa gieo vãi cách đây hai ngàn năm

nay đã trở thành cây cao

cho chim trời rủ nhau trú ngụ.

Nhúm men nhỏ bé được Chúa vùi vào khối bột,

đã làm bột dậy lên,

để trở nên tấm bánh thơm ngon cho thế giới.

Sau hai mươi thế kỷ,

các môn đệ Chúa không còn là nhóm Mười Hai bé nhỏ.

Hôm nay, các kitô hữu chiếm gần một phần ba,

người công giáo chiếm hơn một phần sáu dân số thế giới.

Chúng con được mời gọi xây dựng Nước Chúa trên trần gian,

cho đến khi tất cả mọi người nhận biết và tin yêu Chúa.

Xin cho chúng con đừng mặc cảm

vì người công giáo chỉ là thiểu số trên quê hương Việt Nam,

nhưng xin cho chúng con mạnh dạn làm chứng cho Chúa

trong việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ.

Hôm nay chúng con phải tiếp tục làm việc như Chúa,

gieo hạt giống để làm nên những cánh rừng,

trở nên chất xúc tác để biến đổi môi trường mình sống.

Và chúng con biết rằng sớm muộn cũng sẽ thành công

vì tin Chúa vẫn cần cù làm việc với chúng con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: NIỀM VUI ĐÍCH THỰC

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Niềm vui chỉ có trong Chúa. Đó là sứ điệp Lời Chúa hôm nay.

Ba-rúc tràn đầy nỗi buồn. Vì con cái Ít-ra-en thờ lạy ma quỉ. Ma quỉ thiêu đốt dục vọng. Khiến người ta mê mải đuổi bắt hạnh phúc. Càng đuổi càng xa. Càng chiếm đoạt càng buồn bã. Buồn cho bản thân. Buồn cho những người thân. Buồn cho cả Thiên Chúa. Buồn cho cả thiên đàng. “Xưa tôi vui mừng nuôi dưỡng chúng, nay đành phải buồn sầu ứa lệ để cho chúng ra đi. Chớ ai vui mừng vì thấy tôi goá bụa, bị mọi người bỏ rơi; tôi phải sốn đơn đôc như thế này chỉ vì con cái tôi phạm tội, lìa bỏ Lề Luật của Thiên Chúa”. Vì thế tiên tri không ngừng kêu gọi con cái trở về để được Chúa xót thương. Để được hưởng niềm vui. Niềm vui vĩnh cửu (năm lẻ).

Bài Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui. Các môn đệ hớn hở sau một đợt sứ vụ. Về tường trình với Chúa những chiến thắng lẫy lừng. Ma quỉ phải chịu khuất phục vì các ngài kêu Danh Cực Thánh Giê-su. Chúa Giê-su tràn đầy niềm vui. Vì Chúa Cha đã ban cho các môn đệ được biết mầu nhiệm Nước Trời. Các ngài vốn là những người bé nhỏ nghèo hèn. Thất học. Chính vì không có gì. Không ham hố gì. Không hi vọng gì nơi trần gian. Tâm hồn các ngài hoàn toàn trong trắng. Thuộc trọn về Chúa. Nên Chúa ngự trong các ngài. Có Chúa các ngài khuất phục được ma quỉ. Có Chúa các ngài có tất cả. Đó là thiên đàng. Là thuộc trọn về Chúa. Chúa là niềm vui. Nên khi không có gì. Chỉ có Chúa. Các ngài tràn đầy niềm vui. Các ngài đã tới cõi phúc. Được gặp chính Chúa. Đó là điều mọi người mơ ước mà không được. Đó chính là niềm vui đích thực, Chúa Giê-su mặc khải cho các ngài: “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.

Thánh Gióp nêu gương cho ta. Dù trong thịnh vượng. Dù trong thử thách. Lúc nào cũng gắn bó với Chúa. Rồi Chúa lại ban thưởng niềm vui. Niềm vui trong đời sống sung túc. Niềm vui trong con cái đông đúc. Niềm vui được sống tới tuổi thọ hiếm có. Tất cả những niềm vui đó chỉ là hình ảnh diễn tả niềm vui có Chúa. Có Chúa là có tất cả. Khi thánh Gióp hoàn toàn từ bỏ mình. Trở nên người nghèo khổ nhất. Không có gì. Kể cả danh dự. Kể cả niềm an ủi. Nhưng ngài có Chúa. Nên ngài có tất cả. Ngài có niềm vui. Làm cho những người chung quanh được vui. Và nhất là Thiên Chúa vui tươi. Thiên đàng cũng mừng vui (năm chẵn).

 

SUY NIỆM 3: Niềm vui đích thực

Chúa Giêsu chọn 72 môn đệ và sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng; họ gặp nhiều chống đối, nhưng cũng gặt hái được nhiều thành công. Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng sau một thời gian ra đi rao giảng, các ông hớn hở trở về nói lên niềm vui của mình, vì đã nhờ quyền năng của Chúa mà xua trừ được ma quỉ, nhưng Chúa Giêsu muốn cho các ông thấy rằng Ngài đến là để giải phóng con người nô lệ và đưa họ tới tự do đích thực.

Giải phóng con người khỏi ách nô lệ và đưa con người vào tự do đích thực, đó là sứ mệnh mà Giáo Hội tiếp tục thực thi trong thế giới này. Chúng ta có thể nhận ra sứ mệnh ấy qua diễn văn Ðức Gioan Phaolô II đọc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc vào ngày 5/10/1995. Ðức Thánh Cha ghi nhận rằng con người càng ngày càng tìm kiếm tự do và đây chính là điểm nổi bật của thời đại chúng ta. Sự tìm kiếm tự do ấy đặt nền tảng trên các quyền phổ quát của con người. Chính vì phản ứng lại những hành vi man rợ đối với phẩm giá con người, mà chỉ ba năm sau khi thành lập, Liên Hiệp Quốc đã công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Ðây là một gia sản chung của nhân loại, nó bắt nguồn từ chính bản tính của con người, trong đó có phản ánh những đòi hỏi khách quan và không thể hủy bỏ được của một luật luân lý phổ quát.

Sống theo những khát vọng cao thượng nhất của mình, con người có thể làm được những điều xem ra vượt quá khả năng của nó. Ðó là sứ điệp chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay: các môn đệ ra đi với hai bàn tay trắng, họ không có một khí giới nào khác ngoài sự siêu thoát và niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Vậy mà khi nói về những thành quả của họ, chính Chúa Giêsu đã thốt lên: "Ta đã thấy Satan như tia chớp từ trời rơi xuống". Ðó chính là sức mạnh của những người mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ bé mọn.

Ngày nay, người Kitô hữu cũng có thể thực hiện được những điều cả thể ấy nếu họ cũng biết trang bị cho mình một niềm tin vào quyền năng của Chúa, nhất là nếu họ biết sống theo những khát vọng cao thượng nhất của con người. Những khát vọng đó là gì, nếu không phải là tự do, công bằng, bác ái, liên đới. Nếu họ thực sự sống theo những khát vọng thâm sâu ấy và sống tín thác nơi Thiên Chúa ngay cả khi gặp thất bại khổ đau, lúc đó họ mới có thể hưởng được niềm vui đích thực mà các môn đệ Chúa Giêsu đã bày tỏ khi gặp lại Ngài.

Ước gì mỗi người chúng ta luôn nếm được niềm vui đích thực ấy trong cuộc sống hằng ngày.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Vui mừng theo Thầy

Ngay giờ ấy được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết ngững điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, đó là điều đẹp ý Cha.” (Lc. 10, 21)

Mặc dầu gặp những thất bại trên đường truyền giáo, các ông được Đức Kitô sai đi, đã trở về vui mừng vì tổng kết những kết quả không thể bỏ qua. Như những cậu bé sung sướng, các ông kể lại với Thầy: “Nhân danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”. Điều đó làm các ông xúc động mạnh. Đức Giêsu đã cho các ông hiểu chính Người đã hành động trong lúc các ông truyền giáo. Trong cầu nguyện Người đã thấy Sa-tan, kẻ thù, đã từ trời rơi xuống như chớp. “Đây Thầy đã ban cho anh em quyền năng giày đạp rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng Thầy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.

Như vậy, Đức Giêsu đã làm lắng dịu niềm vui của các môn đệ đi một chút. Điều quan trọng không phải khuất phục được quỷ thần và những thành công khác, nhưng chính là nhiều người đã đón nhận lời Chúa và được ơn cứu độ nhờ các ông, đây mới là điều đáng kể trước mặt Thiên Chúa. Các Tông Đồ đã được đẹp lòng Chúa Cha, Đấng ngự trên trời cao.

Trước công việc tốt lành các bạn hữu đã làm, Đức Kitô không thể ngăn cản được niềm hoan lạc trong Thánh Thần. Và Người đã cảm tạ Chúa Cha đã tỏ những mầu nhiệm cho những kẻ bé mọn mà không tỏ cho những người khôn ngoan thông thái.

Những nhà truyền giáo của Người là những kẻ nghèo khó và khiêm tốn hèn mọn. Người đã chọn các ông từ một giai cấp tầm thường họ không có bằng cấp gì, không phải hạng trí thức, không phải hạng danh tiếng, phần lớn là những người ngư dân chất phát. Vậy không phải kiến thức của họ có thể làm choáng mắt thính giả, nhưng chính đức tin sống động của họ và chân lý của sứ điệp Tin Mừng mà Đức Kitô đã trao phó cho họ.

Giáo Hội sơ khai được đặc ân thay Chúa, như là những dụng cụ truyền giáo, nhưng tất cả những thứ đó đều không thích hợp, không tương xứng với lý trí loài người. Những tiêu chuẩn đánh giá trị của Thiên Chúa không như chúng ta tưởng. Để nhận biết Chúa Cha cũng như nhận biết Chúa Con, những bằng cấp tiến sĩ không cần thiết, dù đôi khi có giúp ích. Chiều dài lịch sư Giáo Hội đã chứng tỏ điều đó. Những cái đầu nhồi nhét đầy, nhưng quá chắc không nhất thiết đạt tới ánh sáng Thiên Chúa. Chúng không có một ki-lô nào đối với những đầu óc bé nhỏ.

GF

 

SUY NIỆM 5: ƠN CHÚA PHÙ TRỢ KẺ BÉ MỌN (Lc 10, 17-24)

Xem lại CN 14 TN C, thứ Ba tuần 1 MV, thứ Tư và thứ Năm tuần 15 TN và lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su năm A

Hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật việc các môn đệ tập kết quanh Đức Giêsu để báo cáo thành tích mà các ông đã đạt được trong lần đi truyền giáo vừa qua. Các ông khoe với Chúa: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Tuy nhiên, Đức Giêsu thay vì khen ngợi các ông, Ngài lại tạ ơn Thiên Chúa vì đã làm những điều kỳ diệu nơi các ông, mặc dù bản thân và khả năng các ông không xứng đáng. Nhân đây, Đức Giêsu cũng mặc khải và hướng các ông về niềm vui siêu nhiên. Vì thế, sự chiến thắng không nằm ở chỗ khuất phục được thiên nhiên, bệnh tật, ma quỷ, mà là tên các ông đã được nghi dấu trên trời.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta, cần phải ý thức rằng: sứ mạng truyền giáo không chỉ dành riêng cho ai, mà cho hết mọi người. Qua Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, sứ mạng đó thuộc về chúng ta, và chúng ta phải có bổn phận thi hành.

Khi thành công đến, chúng ta cần cảm nghiệm niềm vui siêu nhiên hơn là tự nhiên. Được cứu độ hơn là chiến thắng bề ngoài, vì giá trị tinh thần thì cao trọng và có sức biến đổi chứ không phải hình thức hay số lượng bên ngoài. Để đạt được điều đó, chúng ta luôn sống trong tâm tình đơn sơ, khiêm nhường, tín thác của kẻ bé mọn.

Lạy Chúa Giêsu, trong hành trình loan báo Tin Mừng, xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn, nghèo khó và tín thác nơi Chúa trọn vẹn. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

 SUY NIỆM

Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng vừa được công bố, vừa bày tỏ cho chúng ta những điều sâu kín nhất của mối tương quan giữa Ngài và Chúa Cha, và vừa bày tỏ cho chúng ta những điều sâu kín nhất của mối tương quan giữa Ngài và chúng ta. Đó là những điều sâu kín nhất, nhưng đồng thời cũng là những điều an ủi nhất đối với chúng ta.

1. « Tên anh em đã được ghi ở trên trời »

Ước ao phục vụ, có khả năng phục vụ và làm được cái gì đó cho người khác, Giáo Hội, hay Hội Dòng, đó là điều mọi người thao thức, và việc tuyển lựa ơn gọi và huấn luyện cũng dựa vào những tiêu chuẩn này. Điều đó thật đáng vui, như kinh nghiệm của các môn đệ cho thấy:

Khi ấy nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ hớn hở nói với Đức Giêsu:“Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”! (c. 17)

Tuy nhiên, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hướng tới một niềm vui lớn hơn, đó là “tên anh em đã được ghi trên trời”:

Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.(c. 20)

Lời Đức Giê-su muốn nói rằng, các môn đệ của Ngài, xưa kia cũng như hôm nay, hiện diện trong cung lòng Thiên Chúa từ muôn thuở và mãi về sau cách nhưng không. Đây không chỉ là niềm vui lớn hơn, mà còn là nguồn hành động và làm cho hành động trở nên đích thực và đi đúng hướng. Hơn nữa, đó chính là lẽ sống, khi chúng ta không còn phục vụ được gì nữa, không còn sức lực nữa. Không chỉ sau này về già, hay những lúc đau bệnh, nhưng ngay những lúc thất bại, bị coi thường, chê bỏ…

2. « Con người được dựng nên để ca tụng Thiên Chúa »

Nhưng bài Tin Mừng còn mời gọi chúng ta hãy ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui với Đức Giê-su, chia sẻ mỗi ngày, vì đây là « niềm vui vĩnh cửu » của Người. Và niềm vui của Người đến từ việc nhận ra cách hành động của Chúa Cha và hoàn toàn được chinh phục. Tương tự như Đức Maria, Mẹ của chúng ta, đã thốt lên trong Thánh Thần : « Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa » vì đã nhận ra « những điều cao cả » Người làm cho Mẹ, là « Nữ Tì hèn mọn » và tương tự như vậy, cho « những ai kính sợ Người », cho « mọi kẻ khiêm nhường », cho « kẻ đói nghèo », cho tôi tớ đau khổ của Người là Israen :

Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”. (c. 21)

Và chuyển động ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui ca tụng Chúa Cha của Đức Giê-su, chỉ trọn vẹn, khi chính ta cũng được Thánh Thần tác động, để nhận ra cùng một cung cách hành động của Chúa Cha được thể hiện trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta, và ca tụng Người trong niềm vui. Đó chính là con đường, là « linh đạo », làm cho chúng ta trở nên giống Đức Ki-tô. Và đây là linh đạo của mọi linh đạo, vì đến từ Kinh Thánh được hoàn tất nơi Đức Ki-tô.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói với Chúa Cha : « Lạy Cha là Chúa Tể trời đất… » (c. 21), sau đó với mọi người : « Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi… » (c. 22), và sau cùng với riêng các môn đệ đang hiện diện bên cạnh Người : « Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy… » (c. 23-24). Như thế, « những người bé mọn » mà Chúa Cha tuyển chọn để mặc khải là chính các môn đệ ; và chính khi chúng ta biết khiêm tốn trở thành môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta sẽ là « những kẻ bé mọn » mà Chúa Cha ưa thích. Bởi vì, chính Đức Giê-su cũng trở nên « bé mọn » ở giữa chúng ta trong mầu nhiệm Giáng Sinh, trong mầu nhiệm Thánh Thể và trong mầu nhiệm Thương Khó ; và Chúa Cha nói về Người : « Đây là Con ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người ».

Trong cả ba lời nói này, Đức Giê-su đều nói về mặc khải (trái với mặc khải là dấu kín) và hệ quả của mặc khải : « Cha đã dấu kín…, nhưng lại mặc khải… » ; « và những kẻ Người Con muốn mặc khải cho » ; « phúc thay mắt nào được thấy », « muốn nghe điều anh em nghe ». Nhưng Chúa Cha và Người Con mặc khải những gì, để cho các môn đệ, là « những người bé mọn » thấy và nghe ? Điều các môn đệ thấy và nghe là chính Đức Giê-su : Đức Giê-su là mặc khải của Chúa Cha và cũng chính Đức Giê-su mặc khải về Chúa Cha cho những người bé mọn.

3. Mối phúc thấy và nghe Đức Giê-su

Đức Giê-su là mặc khải lớn nhất của Chúa Cha và Chúa Cha là mặc khải lớn nhất của Đức Giê-su cho các môn đệ, là « những người bé mọn ». Vì thế, được « thấy và nghe » Người là một mối phúc. Phúc cho các môn đệ đang vây quanh Đức Giê-su, và cũng phúc cho chúng ta hôm nay, bởi vì chúng ta cũng được mời gọi mỗi ngày nhận ra, lắng nghe, hiểu biết, yêu mến và đi theo Người. Bởi vì, Người hiện diện và lên tiếng trong sáng tạo, trong lịch sử nhân loại và lịch sử đời tôi, và một cách trọn vẹn nơi Lời Kinh Thánh, Bánh Thánh Thể, được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua.

Chúng ta vẫn có thể sống mối phúc « thấy và nghe » Đấng Vô Hình, bởi đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có ơn gọi không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng là nhận ra những thực tại vô hình : ngôi vị, tình yêu, tình bạn, sự hiện diện qua các dấu chỉ, quà tặng, ân huệ Thiên Chúa, sự hiện diện sáng tạo của Thiên Chúa nơi mọi sự :

Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu 
(Tv 8, 2)

Và đôi tai của chúng ta được ban cho, có ơn gọi không phải là nghe âm thanh, nhưng là nghe ra ý nghĩa, sự hài hòa của âm thanh, giai điệu, kết cấu của âm thanh, nghe ra Ngôi Lời trong mọi sự, vì « Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành » (Ga 1, 3 và St 1) :

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm
. (Tv 19, 2)

Tương tự như với thánh Phê-rô, sau khi vượt qua sự chết để đi vào sự sống vĩnh hằng, Đấng Phục Sinh vẫn mời gọi thánh nhân :

« Hãy theo Thầy » (Ga 21, 19)

Và ngang qua thánh nhân, Người vẫn tiếp tục mời gọi từng người chúng ta hôm nay và đặc biệt thánh Phan-xi-cô mà chúng ta vừa mừng kính, vào ngày 4 tháng 10, trong niềm hiệp thông với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, các tu sĩ nam nữ và mọi người sống theo linh đạo thánh Phan-xi-cô.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Tên anh em đã được ghi trên trời – SN song ngữ 3.10.2020

Saturday (October 3): “Your names are written in heaven”

 

Scripture: Luke 10:17-24

17 The seventy returned with joy, saying, “Lord, even the demons are subject to us in your name!” 18 And he said to them, “I saw Satan fall like lightning from heaven.19 Behold, I have given you authority to tread upon serpents and scorpions, and over all the power of the enemy; and nothing shall hurt you. 20 Nevertheless do not rejoice in this, that the spirits are subject to you; but rejoice that your names are written in heaven.” 21 In that same hour he rejoiced in the Holy Spirit and said, “I thank you, Father, Lord of heaven and earth, that you have hidden these things from the wise and understanding and revealed them to babes; yes, Father, for such was your gracious will. 22 All things have been delivered to me by my Father; and no one knows who the Son is except the Father, or who the Father is except the Son and any one to whom the Son chooses to reveal him.” 23 Then turning to the disciples he said privately, “Blessed are the eyes which see what you see! 24 For I tell you that many prophets and kings desired to see what you see, and did not see it, and to hear what you hear, and did not hear it.”

Thứ Bảy  3-10             Tên anh em đã được ghi trên trời

 

Lc 10,17-24

17 Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.”18 Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống.19 Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em.20 Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”21 Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.22 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

Meditation:

 

Do you know and experience in your personal life the joy of the Lord? The Scriptures tell us that “the joy of the Lord is our strength” (Nehemiah 8:10). Why does Jesus tell his disciples to not take joy in their own successes, even spiritual ones? Jesus makes clear that the true source of our joy is God himself, and God alone. Regardless of the circumstances, in good times and bad times, in success or loss, God always assures us of victory in the Lord Jesus Christ.

Jesus assures his disciples that he has all power over all evil, including the power of Satan and the evil spirits (demons) – the fallen angels who rebelled against God and who hate men and women who have been created in God’s image and likeness (Genesis 1:29). Jesus told his disciples that he came into the world to overthrow the evil one (John 12:31). That is why Jesus gave his disciples power over Satan and his legion of demons (rebellious angels). We, too, as disciples of Jesus have been given spiritual authority and power for overcoming the works of darkness and evil (1 John 2:13-14).

Self-centered pride closes the mind to God’s revelation and wisdom

Jesus thanks the Father in heaven for revealing to his disciples the wisdom and knowledge of God. What does Jesus’ prayer tell us about God and about ourselves? First, it tells us that God is both Father and Lord of earth as well as heaven. He is both Creator and Author of all that he has made, the first origin of everything and transcendent authority, and at the same time, goodness and loving care for all his children. All fatherhood and motherhood is derived from him (Ephesians 3:14-15). 

Jesus’ prayer also contains a warning that pride can keep us from the love and knowledge of God. What makes us ignorant and blind to the things of God? Sinful pride springs from being self-centered and holding an exaggerated view of oneself. Pride closes the mind to God’s truth and wisdom for our lives. Lucifer, who was once the prince of angels, fell into pride because he did not want to serve God but wanted to be equal with God. Through his arrogant pride he led a whole host of angels to rebel against God. That is why the rebellious angels (whom Scripture calls evil spiritsdevils, and demons) were cast out of heaven and thrown down to the earth. They seek to lead us away from God through pride and rebellion.

How can we guard our hearts from sinful pride and rebellion? The virtue of humility teaches us to put our trust in God and not in ourselves. God gives strength and help to those who put their trust in him. Humility is the only true remedy against sinful pride. True humility, which is very different from the feelings of inferiority or low self-esteem, leads us to a true recognition of who we are in the sight of God and of our dependence on God.

 

Humility is the only soil where God’s grace and truth can take root

Jesus contrasts intellectual pride with child-like simplicity and humility. The simple of heart are like “babes” or “little children” in the sense that they see purely without pretense or falsehood and acknowledge their dependence and trust in one who is greater, wiser, and more trustworthy. They seek one thing – the “summum bonum” or “greatest good” who is God himself. Simplicity of heart is wedded with humility, the queen of virtues, because humility inclines the heart towards grace and truth. 

Just as pride is the root of every sin and evil inclination, so humility is the only soil in which the grace of God can take root. It alone takes the right attitude before God and allows him as God to do all. God opposes the proud, but gives grace to the humble (Proverbs 3:34, James 4:6). The grace of Christ-like humility inclines us towards God and disposes us to receive God’s wisdom and help. Allow the Lord Jesus to heal the wounds of pride in your heart and to fill you with the joy of the Holy Spirit who transforms us into the likeness of Christ himself – who is meek and humble of heart (Matthew 11:29).

Nothing can give us greater joy than the knowledge that we are God’s beloved and that our names are written in heaven. The Lord Jesus has ransomed us from slavery to sin, Satan, and death and has adopted us as God’s beloved sons and daughters. That is why we no longer belong to ourselves – but to God alone. Do you seek to be like Jesus Christ in humility and simplicity of heart?

 

The Lord Jesus wants us to know him personally – experientially

Jesus makes a claim which no one would have dared to make: He is the perfect revelation of God – he and the Father are perfectly united in a bond of unbreakable love and fidelity. One of the greatest truths of the Christian faith is that we can know the living God. Our knowledge of God is not simply limited to knowing something about God, but we can know God personally. The essence of Christianity, and what makes it distinct from Judaism and other religions, is the knowledge of God as our Father. Jesus makes it possible for each of us to personally know God as our Father. Saint Augustine of Hippo wrote: “God loves each of us as if there were only one of us to love.”

Seek God with expectant faith and trust

To see Jesus is to see what God is like. In Jesus we see the perfect love of God – a God who yearns over men and women, who cares intensely for them and who shows them unceasing kindness, mercy, and forgiveness. That is why the Father sent his only begotten Son who laid down his life for us on the cross. Jesus taught his followers to confidently pray to the Father with expectant faith, “Our Father who art in heaven …give us this day our daily bread.” Do you believe in your heavenly Father’s care and love for you and do you pray with confident trust and hope that he will give you what you need to live as his son or daughter?

“Most High and glorious God, enlighten the darkness of our hearts and give us a true faith, a certain hope and a perfect love. Give us a sense of the divine and knowledge of yourself, so that we may do everything in fulfillment of your holy will; through Jesus Christ our Lord.” (Prayer of Francis of Assisi, 1182-1226)

Suy niệm:

 

Bạn có biết và cảm nghiệm trong đời mình niềm vui của Chúa không? Kinh thánh nói với chúng ta rằng “niềm vui của Chúa là sức mạnh của chúng ta” (Nkm 8,10). Tại sao Đức Giêsu nói với các môn đệ đừng vui mừng về thành công của họ, kể cả những thành công về mặt thiêng liêng? Đức Giêsu nói rõ ràng rằng nguồn vui đích thật của chúng ta chính là Chúa, và chỉ một mình Chúa. Hãy coi nhẹ những tình huống, lúc thuận tiện hay không thuận tiện, lúc thành công hay thất bại, Thiên Chúa luôn luôn bảo đảm với chúng ta về sự chiến thắng trong Đức Giêsu Kitô.

Đức Giêsu đoan chắc với các môn đệ rằng Người có toàn quyền trên ma quỷ, kể cả quyền lực của Satan và các thần dữ hay các thiên thần sa ngã chống lại Thiên Chúa và kẻ ghen ghét con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,29). Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng Người đến thế gian để lật đổ thần dữ (Ga 12,31). Đó là lý do tại sao Đức Giêsu ban cho các môn đệ quyền lực trên Satan và đạo binh ma quỷ của hắn (các thiên thần nổi loạn). Chúng ta, là những môn đệ của Đức Giêsu, đã được ban quyền lực và sức mạnh thiêng liêng để chế ngự những việc làm đen tối và ma quỷ (1Ga 2,13-14).

Sự kiêu ngạo tự tôn mình đóng kín tâm trí trước sự mặc khải và khôn ngoan của Thiên Chúa

Đức Giêsu tạ ơn Cha trên trời vì đã mặc khải cho các môn đệ sự khôn ngoan và hiểu biết về Thiên Chúa. Tại sao lời cầu nguyện của Đức Giêsu nói với chúng ta về Thiên Chúa và về chính chúng ta? Người vừa là Đấng tạo hóa vừa là Tác giả của tất cả những gì Người đã tạo dựng, là nguồn gốc đầu tiên của vạn vật và quyền năng siêu việt, đồng thời là sự tốt lành và sự săn sóc yêu thương dành cho tất cả con cái của Người. Tất cả người cha và người mẹ đều xuất phát từ Người (Ep 3,14-15).

Lời cầu nguyện của Đức Giêsu cũng chứa đựng lời cảnh báo rằng kiêu ngạo có thể ngăn cản chúng ta không yêu mến và hiểu biết Thiên Chúa. Điều gì làm cho chúng ta dốt nát và mù quáng với những sự của Thiên Chúa? Tính kiêu ngạo tội lỗi phát sinh từ tính quy hướng về mình và có cái nhìn quá đáng về mình. Kiêu ngạo đóng kín tâm trí trước chân lý và sự khôn ngoan của Thiên Chúa dành cho cuộc đời chúng ta. Luxiphe, xưa đã từng là chỉ huy của các thiên thần, đã phạm tội kiêu ngạo bởi vì hắn không muốn phụng sự Thiên Chúa nhưng muốn ngang hàng với Thiên Chúa. Qua sự kiêu ngạo mù quáng, hắn đã lôi kéo vô số các thiên thần chống lại Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao các thiên thần nổi loạn (mà Kinh thánh gọi là thần dữ, ma quỷ) bị đuổi ra khỏi Thiên đàng và bị ném xuống thế gian. Chúng tìm cách lôi kéo chúng ta xa cách Thiên Chúa qua sự kiêu ngạo và chống đối.

Làm thế nào chúng ta có thể canh giữ lòng mình khỏi tính kiêu ngạo tội lỗi và sự nổi loạn? Nhân đức khiêm nhường dạy chúng ta đặt niềm tin cậy nơi Thiên Chúa chứ không phải nơi mình. Thiên Chúa ban sức mạnh và sự trợ giúp cho những ai đặt niềm tin cậy nơi Người. Nhân đức khiêm nhường là giải pháp duy nhất đích thật chống lại tính kiêu ngạo tội lỗi. Khiêm nhường đích thật, khác biệt với những cảm giác hèn hạ và lòng tự trọng nhỏ nhen, dẫn dắt chúng ta tới sự nhìn nhận đích thật về chúng ta là ai trong mắt Thiên Chúa, và về sự lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa.

Khiêm nhường là mảnh đất duy nhất nơi ơn sủng và chân lý của Thiên Chúa có thể đâm rễ

Đức Giêsu đối chiếu tính kiêu ngạo với tính đơn sơ và khiêm nhường như con trẻ. Tâm hồn đơn sơ giống như “những trẻ thơ” với ý nghĩa là chúng nhìn mọi sự một cách đơn sơ, không giả bộ và biết sự lệ thuộc của mình và tin tưởng vào Chúa, Đấng là nguồn mạch của tất cả sự khôn ngoan và sức mạnh. Chúng chỉ tìm kiếm một điều – “summum bonum” tức là “điều lợi ích lớn nhất” tức là chính Thiên Chúa. Tính đơn sơ của tâm hồn được gắn liền với đức khiêm nhường, nữ hoàng của mọi nhân đức, bởi vì khiêm nhường lôi kéo tâm hồn hướng về ơn sủng và sự thật.

Chỉ có kiêu ngạo là gốc rễ của mọi tội lỗi và xấu xa chúng ta có thể cưu mang, cho nên khiêm nhường là mảnh đất duy nhất trong đó ơn sủng của Chúa có thể đâm rễ. Chỉ có nó mới có thái độ đúng đắn trước nhan Chúa và cho phép Người, với tư cách là Thiên Chúa, làm tất cả mọi sự. “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Cn 3,34; Gc 4,6). Ơn khiêm nhường như Đức Kitô lôi kéo chúng ta hướng về Thiên Chúa và chuẩn bị chúng ta sẵn sàng đón nhận sự khôn ngoan và sự trợ giúp của Thiên Chúa. Hãy để cho Chúa Giêsu chữa các vết thương kiêu ngạo trong lòng bạn và đỗ vào bạn niềm vui của Chúa Thánh Thần, Đấng biến đổi chúng ta nên giống Đức Kitô – Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11,29).

Không có gì có thể ban cho chúng ta niềm vui lớn hơn sự hiểu biết rằng chúng ta là những người đáng yêu của Chúa, và tên của chúng ta được ghi trên trời. Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, Satan, và sự chết và được làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta không còn thuộc về chính mình nữa – nhưng chỉ thuộc về TC mà thôi. Bạn có tìm kiếm để nên giống Đức Giêsu Kitô trong sự khiêm tốn và đơn sơ không?

Chúa Giêsu muốn chúng ta biết Người cách cá vị và cảm nghiệm

Đức Giêsu đưa ra lời tuyên bố mà không ai dám làm: Người chính là mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa – Người và Cha hợp nhất cách hoàn hảo trong một mối dây tình yêu và trung tín không chia lìa. Một trong những chân lý cao cả nhất của đức tin Kitô giáo là chúng ta có thể hiểu biết Thiên Chúa hằng sống. Sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa không chỉ đơn giản giới hạn để biết điều gì đó về Thiên Chúa – nhưng chúng ta có thể hiểu biết chính Thiên Chúa. Bản chất của đạo Công giáo và những gì làm cho nó khác biệt với đạo Dothái và những tôn giáo khác, là sự hiểu biết Thiên Chúa, là Cha chúng ta. Thánh Augustine thành Hippo đã viết: “Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta như thể chỉ có một người để yêu”.

 

Tìm kiếm TC với lòng tin cậy kiên vững

Xem thấy Đức Giêsu tức là xem thấy Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu, chúng ta nhìn thấy tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa – một Thiên Chúa yêu thương mọi người, hết lòng quan tâm cho họ và bày tỏ cho họ lòng nhân hậu, thương xót, và sự tha thứ liên lỉ. Đó là lý do tại sao Chúa Cha sai con một yêu dấu của mình đến hiến mạng sống mình cho chúng ta trên thập giá. Đức Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện với Cha với lòng xác tín, “Lạy Cha chúng con ở trên trời… xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Bạn có tin vào sự quan tâm và tình yêu của Cha trên trời dành cho bạn không và bạn có cầu nguyện với niềm xác tín và hy vọng rằng Người sẽ ban cho bạn những gì bạn cần để sống như con cái của Người không?

Lạy Thiên Chúa Tối Cao và vinh hiển, xin soi sáng bóng tối tâm hồn chúng con và ban cho chúng con đức tin chân thật, đức cậy vững vàng, và đức mến tuyệt hảo. Xin ban cho chúng con cảm thức về sự linh thánh và sự hiểu biết về chính Chúa, để chúng con có thể làm mọi việc trong sự hoàn thành thánh ý Chúa; nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con (Lời nguyện của thánh Phanxicô Assisi, 1182-1226).

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây