Thứ Bảy đầu tháng, tuần 9 thường niên.  

Thứ sáu - 05/06/2020 07:45

Thứ Bảy đầu tháng, tuần 9 thường niên.  

"Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".

 

Lời Chúa: Mc 12, 38-44

Khi ấy, Chúa Giêsu nói cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn".

Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền.

Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bá goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống".

 

 

Suy Niệm 1: Tất cả những gì bà có

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay đặt bên nhau hai hình ảnh trái ngược.

Một bên là các kinh sư, một bên là một bà góa.

Chúng ta được mời gọi nhìn cách hành xử bên ngoài của họ,

từ đó thấy được thái độ nội tâm của mỗi bên.

Các kinh sư thuộc về giới lãnh đạo cấp cao của Do-thái giáo.

Trong một xã hội được chi phối toàn diện bởi Luật Môsê,

thì những người giỏi Luật như các kinh sư đóng vai trò rất quan trọng.

Họ có nhiều uy tín và ảnh hưởng trên đời sống tinh thần của dân.

Chính vì thế không lạ gì nếu có một số kinh sư đã vấp ngã.

Một người vừa có tri thức, vừa có quyền lực, dễ bị vấp vào thói háo danh.

Đức Giêsu nêu lên một vài nét chấm phá về họ.

Trong hội đường, nơi công cộng hay đám tiệc,

họ thích mặc áo thụng, thích được chào, thích chỗ cao.

Nói chung, họ thích mình trở nên trung tâm chú ý của người khác.

Hiểu biết của họ về Lời Chúa sau bao năm học tập

lại trở nên phương tiện để họ tìm vinh danh cho mình thay vì cho Chúa.

Tệ hơn nữa, họ lại mang bộ mặt đạo đức khi giả vờ đọc kinh dài.

Với uy tín và sự giả hình khéo léo, họ nuốt chửng nhà của các bà góa.

Ngược với hình ảnh của một vị kinh sư cao trọng, quyền uy

là chuyện một bà góa nghèo bỏ tiền vào hòm dâng cúng.

Đức Giêsu cố ý ngồi gần để quan sát người giàu kẻ nghèo bỏ tiền.

Ngài muốn dạy các môn đệ một bài học lớn khi gọi họ lại

và khẳng định rằng bà góa này đã bỏ nhiều hơn mọi người khác,

mặc dù bà chỉ bỏ vào thùng số tiền rất nhỏ.

Nhưng cái rất nhỏ này lại là tất cả những gì bà có, tất cả của nuôi thân.

Hẳn các môn đệ ngỡ ngàng vì cách đánh giá ấy của Thầy,

cũng là cách đánh giá con người của Thiên Chúa.

Ngài đánh giá theo tấm lòng, chứ không theo lễ vật.

Ngài không mãn nguyện với của dư thừa, nhưng Ngài đòi tất cả.

Tất cả của bà góa là hai đồng kẽm, thuộc đơn vị tiền tệ thấp nhất.

Hóa ra người túng thiếu cũng có thể dâng chính cái nghèo của mình.

Một kinh sư có học thức, có vai vế và bề ngoài có vẻ đạo đức

khác với bà góa cô thân cô thế và túng nghèo,

ở chỗ ông quay vào mình, loay hoay với tiếng tăm và lợi nhuận của mình.

Còn bà thì quay về phía Thiên Chúa,

với thái độ quảng đại, tin tưởng, phó thác và liều lĩnh.

Chúng ta ai cũng có hai đồng kẽm.

Đừng mặc cảm khi phải bỏ đồng tiền nhỏ nhoi vào hòm tiền,

nếu quả thực chúng ta chỉ có hai đồng kẽm.

 

Lời nguyện:

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Suy Niệm 2: Tín thác vào Chúa

Một văn sĩ Mỹ kể lại giai thoại như sau:

Hôm đó là Chúa Nhật, ông đi tham dự buổi nói chuyện của một nhà truyền giáo. Nhà truyền giáo nói năng rất hùng hồn, những nỗi thống khổ của người dân bản xứ mà nhà truyền giáo kể lại đã khiến cử tọa cảm động sâu xa. Văn sĩ kể về mình thế này: Khi nhà truyền giáo kêu gọi sự giúp đỡ, tôi định bỏ vào giỏ một đôla; nhưng giọng nói của ông cảm động đến độ tôi định tăng lên năm đôla, và ngay cả ký một chi phiếu. Thế rồi, nhà truyền giáo tiếp tục phóng đại nỗi thống khổ của người bản xứ; ông cứ nói mãi, nói mãi, đến nỗi mọi người không còn muốn nghe nữa. Tự nhiên tôi có ý định rút lại việc ký ngân phiếu, rồi từ từ giảm xuống năm rồi còn một đôla, và cuối cùng khi nhà truyền giáo chấm dứt bài thuyết trình và cái giỏ tiền được chuyền đến tay tôi, thì tôi chỉ bỏ vào đó có mười xu.

Giai thoại trên đây có thể gợi cho chúng ta thái độ cầu nguyện của các luật sĩ và biệt phái mà Chúa Giêsu đã không ngừng lên án. Họ nới rộng thẻ kinh và làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Thái độ cầu nguyện này phát xuất từ một quan niệm có tính cách bùa chú về Thiên Chúa. Họ tưởng rằng Thiên Chúa là một vị Thần mà người ta có thể hối lộ hoặc kích thích lòng quảng đại bằng những việc đạo đức của họ. Họ áp dụng cho Thiên Chúa sự tính toán hơn thiệt dựa trên sự công bình: có vay có trả, có qua có lại của con người. Chính quan niệm ấy đã khiến nhiều người xem sự giàu sang phú quý là một chúc lành của Thiên Chúa, còn tai họa rủi ro là một trừng phạt vì tội lỗi; từ đó người ta tự phụ về những công đức của mình và khinh bỉ những người nghèo hèn và những người tội lỗi.

Chúa Giêsu đến để mạc khải cho con người một Thiên Chúa khác biệt. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa yêu thương mọi người, ngay cả và nhất là những người kém may mắn nhất trong xã hội. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà người ta không thể giới hạn vào một số công thức bùa chú. Thiên Chúa mà lòng quảng đại vượt trên mọi tính toán cân lường của con người.

Mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa như thế, Chúa Giêsu muốn chỉ cho chúng ta một thái độ đúng đắn phải có, đó là lòng tín thác tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Lòng tín thác ấy luôn luôn mời gọi chúng ta nhìn vào mọi biến cố cuộc sống với tất cả tin tưởng lạc quan. Khi có một cánh cửa nào đó trong căn nhà của cuộc sống chúng ta bị đóng lại, thì Thiên Chúa lại mở ra những cánh cửa khác. Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc và bỏ rơi chúng ta; ngay cả khi đứng trước tội lỗi chúng ta, Ngài cũng không thất vọng, nhưng vẫn luôn luôn tìm một lối thoát tốt đẹp hơn cho chúng ta.

Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu không thể đo lường, tính toán. Xin cho từng tâm tư và suy nghĩ của chúng ta là một lời tri ân cảm tạ Chúa vì xác tín rằng bàn tay quan phòng của Chúa đang làm những điều kỳ diệu cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Những đồng xu nhỏ của bà góa nghèo

Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho đền thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giầu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.” (Mc. 12, 41-43)

Chính sau khi đã nặng lời chỉ trích các ông kinh sư luật sĩ vì họ kiêu ngạo và bất công, mà Chúa Giêsu tán dương lòng quảng đại của một bà góa nghèo. Rõ ràng là ý Chúa muốn dùng câu chuyện nhỏ này để tạo nên một nét tương phản hùng hồn với tính phô trương giả hình của các kinh sư, luật sĩ. Tuy nhiên sẽ là lầm lạc khi đưa ra kết luận rằng, trong tâm trí của Đức Kitô, những người nghèo nhất thiết là những người quảng đại, còn những người giầu có thì không thiếu những kẻ bủn xỉn; ta có thể đưa ra biết bao nhiêu gương tốt xấu về phía này cũng như về phía kia. Người ta không phân chia thế giới thành hai loại người: những người nghèo tốt và những kẻ giầu xấu; xác định lập trường quá đơn giản như vậy quả là một sự trái lẽ và nếu ta lại gán cho Chúa cũng có lập trường như vậy thì quá bất công.

Những kẻ bênh vực cho cảnh bần hàn đã hoài công xử dụng những lý chứng trên đây. Giả như có ai cho họ nhiều đồ, thì họ vẫn cứ thích nhận, hơn là nhận món quà ít oi bé nhỏ của những người túng thiếu, mặc dầu họ đã rào trước đón sau khi nói với bạn rằng của cho không quan trọng cho bằng tấm lòng người cho. Dầu sao, ai mà không cảm động khi thấy một người nghèo đã chắt chiu bòn hết tiền nhà để nâng đỡ một người khốn khổ hơn mình..

Đàng sau cái dư thừa  

Vượt qua bức tường của cái dư thừa, khó hơn là vượt qua bức tường âm thanh. Khi cho cái bạn thừa rồi, cái bạn không cần đến, bạn vẫn được xếp vào hàng người lương thiện; Chắc hẳn, người ta không thể trách móc bạn điều gì, nhưng bạn đừng hy vọng người ta khen bạn. Bạn chỉ bước vào lãnh vực của tình yêu, chỉ chiếm được con tim khi bạn đi xa hơn, khi cho cái thiết thân của bạn, khi cho chính bản thân mình, khi bạn dấn thân. Vì thế bạn có nhiều hay chẳng có gì, điều ấy chẳng mấy quan trọng; điều quan trọng là bạn có một trái tim biết yêu.

Điều Chúa Giêsu lặp đi lặp lại cho chúng ta bằng vô vàn thí dụ, chính là Nước Trời là của những ai hiến mạng sống mình cho tha nhân, chứ không phải là của những ai quăng đi những miếng bánh thừa.

Khi đạt tới việc chia sẻ cái cần thiết, con người không còn phân chia thành kẻ giầu, người nghèo nữa; họ bình đẳng với nhau. Thực ra những trái tim của con người, tim nào cũng đập, chỉ có môi trường là thay đổi thôi. Khi trần trụi, đó chính là lúc con người tỏ ra ích kỷ hay quảng đại đấy.

 

Suy Niệm 4: ĐÂU LÀ GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA? (Mc 12, 38-44)

Sống giả hình trong sự hào nhoáng bề ngoài là thứ mà con người luôn sử dụng và không ngừng trang điểm cho nó. Bởi xuất phát từ lối suy nghĩ rằng: nhờ những chuyện hình thức bên ngoài, nó sẽ che lấp sự xấu xa bên trong. Tuy nhiên, đây chỉ là điều vô lý và hão huyền khi đối diện với những chân lý Tin Mừng.

Hôm nay thánh Máccô trình thuật việc được Đức Giêsu vạch trần sự giả tạo của những Kinh Sư khi kể cho họ nghe câu chuyện lên đền thờ cầu nguyện.

Những người Kinh Sư luôn coi họ là người đạo đức, thánh thiện hơn mọi người khác. Sự tốt lành của họ được biểu hiện qua việc: nới rộng thẻ kinh và làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Không những thế, họ còn mong muốn người ta thưởng cho mình những tiếng tốt và kính trọng khi đi ra đường bằng việc chào hỏi nơi công cộng...

Như thế, đối tượng bị họ khinh bỉ chính là người nghèo và tội lỗi... Thế nhưng, Đức Giêsu đã chỉnh sửa quan niệm sai lầm đó bằng việc khen ngợi một bà góa nghèo bỏ có hai xu vào đền thờ. Trong khi đó chê bác việc người giàu bỏ nhiều tiền nhưng lại là tiền dư thừa của họ chứ không phải như bà góa bỏ trọn vẹn những gì bà có.

Trong xã hội hôm nay, người giàu thường được tôn trọng. Chân lý thuộc về kẻ có quyền, có tiền. Người nghèo luôn nắm phần thua thiệt! Tuy nhiên, trước mặt Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Người giàu trước mặt Thiên Chúa là sự khiêm nhường thẳm sâu. Kẻ nghèo chính là người kiêu ngạo.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết sống đạo thực tâm. Luôn có một cái tâm sáng, để những việc làm của mình được trong sạch. Cần có một kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời sống trong tình yêu đó nơi những mối tương quan thì tốt hơn là những hình thức phô trương bên ngoài.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết yêu mến Chúa bằng tình yêu chân thành. Xin cho chúng con biết sống đạo với tâm hồn đơn sơ, tin tưởng, phó thác và yêu mến thay cho những sự giả tạo, man trá bề ngoài. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

  • Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Có hai hình ảnh rất đối chọi nhau trong đoạn Tin Mừng này:

- Hình ảnh của các luật sĩ: rất cao sang, vinh dự với áo thụng, chức quyền, được người ta bái chào, được ngồi những chỗ nhất. Thế nhưng đó chỉ là cái vỏ, che đậy bên trong là một tâm hồn kiêu căng, tham lam, ức hiếp kẻ yếu đuối.

- Hình ảnh một bà goá: nghèo tiền nhưng rất giàu lòng. Chúa Giêsu coi đây là hình ảnh đẹp nên “gọi các môn đệ đến” chỉ cho họ thấy và bảo họ noi gương.

B. Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Được vinh dự, được ngợi khen, được tôn trọng, được coi là đạo đức… Ai mà không muốn được những thứ đó. Tôi cũng thế thôi. Nhưng Chúa bảo tôi “hãy coi chừng”: coi chừng đừng chỉ lo tô vẻ bề ngoài, coi chừng kẻo bề trong tương phản với bề ngoài ấy. Điều quan trọng hơn là phải bồi dưỡng bề trong trước.

2. Bà goá này làm tôi giật mình. Tôi chỉ bố thí khi tôi có tiền dư. Còn khi không dư thì thật vô phúc cho ai tới xin tôi lúc đó. Chẳng những tôi không cho, mà còn nói nặng nói nhẹ người ta nữa.

3. Bà lại nhắc tôi bổn phận đóng góp cho Giáo Hội: Tôi đã hưởng nhờ của Giáo Hội biết bao nhiêu thứ, thế nhưng tôi có ý thức góp một phần nào về tinh thần hoặc vật chất cho Giáo Hội không  ?

4. Chúa Giêsu dạy một điều rất lạ mà rất hay: có khi nhiều mà là ít, như số tiền dư thừa mà những người giàu có bỏ ra; có khi ít mà là nhiều, như một phần tư xu của bà goá nghèo. Nhiều không phải ở của bỏ ra mà là ở tấm lòng và sự hy sinh.

5. “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng”. (Mc 12,38)

Chuyện kể rằng: một người được mời đến dự buổi tiệc lớn. Ông vui vẻ nhận lời và khoác bộ áo xấu nhất. Đến nơi, không ai thèm cười và để ý đến ông. Ông quay về khoác bộ áo đẹp có đính kim cương và các hạt nút bằng vàng. Trong khi ấy yến tiệc vẫn tiếp tục. Ông quay trở lại, lập tức bao lời mời đẹp nhất, danh dự nhất đều dành cho ông. Thịt béo rượu thơm lúc này được bày ra trước mắt ông và ông ngồi chỗ nhất.

Ông liền đứng lên, cởi áo khoác lên ghế, đoạn lấy thức ăn đưa cho cái áo và nói: “Mày ăn uống đi, người ta mời mày đó !” Mọi người hết sức ngạc nhiên, nhưng đều hiểu ý ông này. Ông muốn nói với mọi người rằng giá trị của con người không ở bộ áo xúng xính hay cái mã bên ngoài nhưng đó là tấm lòng bên trong; không ở những cái mình có nhưng ở cái mình là. Vậy tôi là ai  ?

Lời Chúa hôm nay đối với tôi không chỉ là cảnh giác nhưng còn là lời tra vấn.

Lạy Chúa, xin giúp con biết con; xin giúp con biết nhìn nhận phẩm giá của những người quanh con. Nhờ đó, con yêu thương nhiều hơn. (Hosanna)

 

  • Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Đồng xu của bà goá nghèo (Mc 12,38-44)

  1. Trong bài Tin mừng hôm có hai hình ảnh đối chọi nhau:

          - Hình ảnh của các luật sĩ: rất cao trọng, vinh dự với áo thụng, chức quyền, được người ta bái chào, được ngồi những chỗ nhất. Thế nhưng đó chỉ là cái vỏ, che đậy bên trong là một tâm hồn kiêu căng, tham lam, ức hiếp kẻ yếu đuối.

          - Hình ảnh một bà goá nghèo: nghèo tiền nhưng rất giàu lòng. Bà đã dâng số tiền nhỏ mọn với thái độ âm thầm và quảng đại. Như thế, giá trị của việc dâng cúng hay bất cứ việc gì khác không tuỳ thuộc số lượng, hay kết quả bên ngoài, nhưng hệ tại ở lòng thành và cách sống của mỗi người.

  1. Hôm ấy Chúa Giêsu cùng với các môn đệ vào đền thờ Giêrusalem, và ngồi nghỉ chân ở khu vực dành cho phụ nữ. Tại đây Chúa gặp một tấm lòng tốt của một góa phụ dâng cúng hai đồng Lenta vào hòm tiền đền thờ. Đồng Lenta là đồng tiền nhỏ nhất của những người nghèo thời ấy thường có. Bà ta bỏ vào hòm tiền với cả tấm lòng, vì bà đã hy sinh cả phần cuối cùng để sinh sống.

          Chúa Giêsu ca tụng lòng tốt của bà, vì bà đã cho trong yêu thương. Càng cho nhiều thì là dấu càng thương yêu nhiều. Cho tất cả là dấu tình yêu thương không bờ bến. Người đàn bà goá không phải chỉ cho phần dư thừa đã dành dụm được, mà cho chính nguồn sống ít ỏi của bà. Như vậy, người đàn bà này vừa cho một cách quảng đại vừa một cách vui vẻ tận đáy lòng nữa.

  1. Một tác giả nào đó đã nói: “Trái tim không phải là một món hàng để mua bán, mà là một món quà để trao tặng”. Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết.

          Sự giàu có và nghèo nàn có thể phân biệt con người thành giai cấp thứ bậc. Có người tiền rừng bạc biển, có người nghèo rớt mồng tơi. Nhưng mỗi người chỉ có một quả tim, và quả tim đó lẽ ra phải giống nhau, bởi vì người ta không thể cần lường được quả tim. Do đó, quà tặng xuất phát từ quả tim đều vô giá. Giá trị của món quà không hệ tại ở số lượng tiền của, mà ở quả tim được gói ghém trong món quà. Chúa Giêsu hôm nay đã nhìn thấy quả tim mà bà goá đã gói ghém trong món quà ấy.

  1. Người Kitô hữu được tham dự chức tư tế vương giả của Đức Kitô, và cung cách vương giả của Đức Kitô chính là lòng quảng đại, biểu hiệu một tâm hồn liên kết với tình yêu Thiên Chúa.

          Hôm nay Đức Giêsu dạy một điều rất lạ mà rất hay: có khi nhiều mà là ít, như số tiền dư thừa mà những người giàu có bỏ ra; có khi ít mà là nhiều, như một phần tư xu của bà goá nghèo. Nhiều không phải ở của bỏ ra mà là ở tấm lòng và hy sinh.

  1. Câu chuyện Tin mừng hôm nay cho ta biết: lòng yêu thương có giá trị cao là do tấm lòng, chứ không phải là hình thức bên ngoài. Giá trị của đồ vật trao tặng không quí bằng tấm lòng, tức là giá trị của quà tặng không tùy thuộc ở số lượng của vật chất, mà chính là tấm lòng của con người. Hiểu như thế chúng ta mới thấy dù nghèo hèn đến đâu, ai cũng có một cái gì đó để trao ban: một nụ cười nhân ái, một lời nói cảm thông, một cử chỉ tha thứ, một chút quà nhỏ chia sẻ… đều có giá trị to lớn trước Thiên Chúa và trong tình yêu thương đối với nhau.
  2. Truyện: Vật khinh nhưng hình trọng

          Tổng thống Wilson Hoa Kỳ người đã đưa nước Mỹ can thiệp vào thế chiến thứ nhất, và là người rất trân trọng đối với những kỷ niệm nhỏ bé của mình.

     Một lần kia, ông và phu nhân cùng nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ dừng lại tại một thành phố tiểu bang Montana. Cảnh sát làm hàng rào không cho bất cứ ai đến gần vị tổng thống. Thế nhưng không hiểu thế nào mà có hai cậu bé đã chui lọt hàng rào, để đến gần chỗ ngồi của tổng thống. Hai cậu bé ngắm nhìn một cách say sưa vị nguyên thuỷ quốc gia.

     Một cậu đã tặng cho ông lá cờ nhỏ bé của nước Mỹ đang cầm trong tay. Cảnh sát cố tình ngăn cản, nhưng bà Wilson, phu nhân của tổng thống đã đưa tay đón lấy lá cờ và nhiệt tình cám ơn em. Cậu bé kia cảm thấy buồn vì không có gì dâng tặng tổng thống. Em cố moi trong túi quần và cuối cùng lôi ra được một đồng xu nhỏ, em sung sướng vô cùng, vì chính tổng thống đã chìa tay đón nhận món quà của em.

     Năm năm sau, tổng thống Wilson qua đời. Khi bà Wilson xếp lại các đồ quen thuộc của chồng, mở chiếc ví, bà nhận ra ngay đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng chồng bà cách đây 5 năm. Ông Wilson quí đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu ông cũng mang nó trong mình.

 

  • Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Bà góa ở Sarépta chỉ còn một chút bột, một chút dầu để mẹ con cùng ăn một bữa ăn cuối cùng cho đỡ đói, rồi cùng nhau chấp nhận chết đói. Thế nhưng, bà đã quảng đại sẵn sàng nhường và chia phần ăn của mẹ con bà cho ngôn sứ Êliangười của Thiên Chúa. Cử chỉ yêu thương, rộng lượng của bà đã gặp được lòng thương xót, quảng đại của Thiên Chúa. Suốt mùa hạn hán ở xứ sở, quê nhà, hũ bột của bà không bao giờ cạn và dầu trong bình nhà bà không bao giờ vơi (x. 1V 17,10-16).

Suy niệm

Ðức Giêsu đưa ra hai hình ảnh đối nghịch: Các kinh sư, biệt phái với sự mưu mô xảo quyệt được che đậy bằng một lớp vỏ bọc đạo đức bên ngoài. Bà góa nghèo với sự chân thành.

Trong xã hội Do Thái, người góa sống như những chiếc bóng giữa lòng xã hội: Yên lặng và nghèo đói. Người góa thì hay bị bóc lột, bị các kinh sư nuốt hết gia tài như Chúa Giêsu đã từng nói trong Tin Mừng Maccô (x. Mc 12,40)

Bà goá trong đoạn Tin Mừng Marcô hôm nay cũng giống như bà góa Sarépta. Bà nghèo của, nhưng giàu lòng, bà ít tiền, nhưng quảng đại. “Chỉ có hai xu” nhưng chất chứa một sự cố gắng và lòng quảng đại. Do vậy, tuy lễ vật của bà nhỏ bé nhưng được Chúa ngợi khen đó là của lễ trên hết vì bà đã bỏ hai đồng xu nhỏ là cả gia tài để bà sống và nó có giá trị hơn vàng bạc, ngọc ngà, châu báu của những người giàu có dư tiền, lắm của.

Chiêm ngưỡng thái độ và tấm lòng quảng đại của hai bà góa, tôi cùng bạn soi chiếu vào cuộc đời của mình. Các bà góa đã chân thành, đã hết mình trong tương giao với Thiên Chúa và tha nhân. Bà góa ở Sarépta đã hết lòng chia sẻ với ngôn sứ Êlia cho chúng ta thấy một hình ảnh mẫu mực về mối tương quan nhân văn với tha nhân, chúng ta có chân thành và cư xử hết mình với tha nhân hay chỉ “bánh ít đi, bánh quy lại”, hoặc chỉ giữ vẻ thân thiện bề ngoài, nhưng trong lòng chất chứa một sự tính toán thiệt hơn…, và trong mọi mối quan hệ, chúng ta chỉ đánh giá qua bề ngoài, dựa vào tiền của để xác định tiêu chuẩn ngôi thứ trong xã hội như chúng ta đã từng nghe: “Tiền là Tiên, là Phật… Tiền là hết ý” mà quên đi tính chân thành, chia sẻ mộc mạc với nhau.

Bà góa bỏ hai xu vào đền thờ gợi cho tôi và bạn suy xét lại một tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa: Tôn thờ Ngài với một con tim chân thành. Mỗi khi dâng lễ vật qua thánh lễ, chúng ta có đến vì lòng thành hay chỉ vì câu nệ giữ luật. Chúng ta luôn tâm niệm rằng mọi lễ vật tuy nhỏ bé, bất xứng như việc đóng góp vào nhà Chúa, xây dựng cộng đoàn, chia sẻ với người nghèo… nhưng chúng ta làm với tất cả sự chân thành, phó thác thì tấm lòng vàng đó của chúng ta sẽ gặp được lòng yêu thương vô biên của Thiên Chúa, dù thân phận thế nào, ngay cả trong thân phận bất xứng với cả tấm lòng thành, chúng ta sẽ thành của lễ vô giá.

Thật thế, mọi lễ vật dâng lên cho Thiên Chúa cũng đều xuất phát từ con tim đơn sơ, chân thành.

Ý lực sống

“Sự chân thành như là viên kim cương được hình thành trong trái tim” (Ngạn ngữ cổ).

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây