Thứ Bảy sau lễ Hiển Linh.

Thứ sáu - 07/01/2022 07:34

Thứ Bảy sau lễ Hiển Linh.

"Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân lang".

 

LỜI CHÚA: Ga 3, 22-30

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gioan chưa bị tống ngục.

Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: "Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!"

Gioan trả lời rằng: "Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Ðấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại".

 

Suy Niệm 1: Mọi người đều đến với ông

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình

tại một nơi nào đó thuộc vùng đất Giuđê.

Nơi đây Đức Giêsu và các môn đệ ở với nhau, và Ngài đã làm phép rửa.

Tại một nơi khác có tên là Ênôn, gần Salim, có lẽ thuộc vùng Samaria,

Gioan Tây Giả cũng đang làm phép rửa

cho những người đến với ông.

Như thế ở hai nơi khác nhau, có hai phép rửa khác nhau,

được làm bởi hai người khác nhau.

Ta không thấy có gì khác biệt về bản chất giữa hai phép rửa này.

Chỉ có điều là phép rửa của Đức Giêsu thu hút được nhiều người hơn.

Các môn đệ của ông Gioan đã nhận thấy điều đó

và họ đi báo cho Thầy Gioan của mình một tin không vui:

“Mọi người đều đến với ông ấy!” (c. 26).

Họ khó chịu vì Đức Giêsu, người đã từng được Thầy của họ làm chứng,

người đã sống bên Thầy ở bên kia sông Giođan (c. 26),

bây giờ lại nổi tiếng hơn Thầy.

Ông Gioan lại chẳng hề khó chịu chút nào.

Ông chưa bao giờ quên sứ mạng của mình là làm chứng cho Đức Giêsu,

Đấng mà ông đã thấy Thần Khí ngự xuống khi chịu phép rửa. .

Gioan biết sự cao trọng của mình nằm ở đâu:

Ông là người được Thiên Chúa sai đến trước Đức Kitô (c. 28).

Ông không phải là chú rể, ông chỉ là bạn của chú rể,

vì thế ông không có quyền “có cô dâu” (c. 29).

Cựu Ước coi dân Ítraen là cô dâu (Is 62, 4-5; Gr 2, 2; Hs 2, 21).

Tân Ước coi Giáo Hội Kitô là cô dâu (2 Cr 11, 2; Ep5, 25-27. 31-32).

Ông Gioan coi Đức Giêsu là chú rể, và ông đứng đó nghe chàng.

Ông vui mừng hớn hở khi nghe được tiếng nói của chàng.

Khi người ta kéo đến với Đức Giêsu để chịu phép rửa,

thì ông Gioan biết rằng mình đã thành công trong sứ vụ của mình,

sứ vụ làm nhịp cầu cho Dân Chúa và Đức Giêsu Kitô gặp nhau.

Ông như reo lên vì mãn nguyện: “Đó là niềm vui của Thầy,

niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (c. 29).

Chúng ta không quên ơn Gioan, không quên sự xóa mình của ông.

Đức Giêsu được hiển linh, được nổi bật, chính vì Gioan đã chịu lu mờ đi.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,

để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,

để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,

để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,

xin làm cho con thật mạnh mẽ,

để không nỗi thất vọng nào

còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật đầy ắp,

để ngay cả một ước muốn nhỏ

cũng không còn có chỗ trong con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,

để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,

để không phải là con,

mà là chính Ngài đang sống.

 

Suy Niệm 2: Chiến thắng ác thần

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đã có tranh luận và tranh chấp. Vì đòi quyền lợi, đòi uy tín. Các môn đệ Gioan muốn kéo Gio-an vào cuộc. Thánh Gioan Tẩy giả đã vượt qua cuộc tranh chấp bằng một chiến thắng bản thân.

Ngài đã chiến thắng vì Ngài đã biết phân định. Đúng như lời thánh Gioan Tông đồ: “Thiên Chúa ban cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật”. Cuộc phân định của Thánh Gioan Tẩy giả thật minh bạch khi Ngài xác định: “Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người… Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn”.

Ngài đã chiến thắng vì Ngài luôn ở trong Thiên Chúa. Nhận biết mọi việc của mình đều bởi Thiên Chúa ban cho, nên Ngài đã khuyến cáo môn đệ: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban”. Biết mọi sự mình có đều là của Chúa. Xác tín mình thuộc về Thiên Chúa chứ không thuộc về trần gian, Ngài đã thoát được thói tranh đua của trần gian. Luôn qui phục Thiên Chúa.

Ngài đã chiến thắng vì Ngài luôn thực hiện chương trình của Thiên Chúa. Ngài có bổn phận làm chứng cho Chúa Giêsu. Ngài tự nguyện chìm vào bóng tối để Chúa Giêsu càng được nhận biết: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi”. Chấp nhận lu mờ đến tự hủy mình chịu chết trong cung điện vua Hê-rô-đê.

Chúa Giêsu đến tiến hành cuộc chiến giữa Nước Trời và thế gian. Thánh Gio-an Tẩy giả xứng đáng là người mở đường khi can đảm tự nguyện hi sinh để Nước Trời có cuộc chiến thắng thế gian ngay trong chính bản thân Ngài. Xin cho con biết noi gương thánh Gioan Tẩy giả luôn biết quên mình để chương trình của Chúa được thực hiện.

 

Suy Niệm 3: Gioan làm chứng lần cuối

“Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Đó là tâm tình của thánh Gioan Tẩy Giả mà Giáo hội muốn gửi đến chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.

Thật vậy, ảnh hưởng của Chúa Giêsu càng lớn, thì vai trò của Gioan càng lu mờ. Ba Phúc âm Nhất lãm đã làm nổi bật sự kiện ấy khi đặt sứ vụ công khai của Chúa Giêsu chấm dứt vai trò của Gioan Tẩy Giả.

Gioan đã diễn tả vai trò tiền hô của mình qua câu nói bất hủ: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Thay vì ghen tức, buồn phiền, Gioan đã vui mừng đóng trọn vai phụ của mình. Như một quản trò trong tiệc cưới, Gioan đã khơi dậy niềm vui và hướng mọi người đến với Tan Lang là Đức Kitô.

Ngày nay, người Kitô hữu cũng tiếp tục vai trò của Gioan Tẩy Giả. Phương châm hành động của họ là: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Nhỏ lại trong những khuynh hướng xấu lôi kéo chúng ta vào tội lỗi, nhỏ lại trong những đam mê, ích kỷ của chúng ta, để nhờ đó Chúa Kitô đước lớn lên trong chúng ta.

Nguyện cho ánh sáng và sức sống của Đức Kitô tràn ngập tâm hồn và cuộc sống chúng ta, để chúng ta đạt tới tầm mức viên mãn của chính Ngài.

 

Suy Niệm 4: Lớn lên và nhỏ lại như thế nào?

Đoạn kết Tin Mừng hôm nay được khép lại với câu nói có hậu của Gioan Tiền Hô: “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”. Nói là kết, nhưng nó lại mở ra cho một tương lai và hy vọng mới.

 “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”, đã trở thành một phương châm sống cho vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế.

Giữa lúc uy tín của Gioan lên như diều, mọi người từ khắp nơi ai ai nghe thấy tên của ông cũng đều nghiêng mình kính cẩn, đến nỗi nhiều người muốn tôn ông là ngôn sứ vĩ đại, là Đấng Mêsia. Tuy nhiên, ông đã đứng đúng vị trí của mình là tiền hô, kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế, vì vậy, ông đã thẳng thắn tuyên bố: tôi không phải là Đấng Kitô, Đấng ấy đến sau tôi, tôi không đáng cởi giây dép cho Người! Khi Đấng ấy đến, Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần. . . và “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại” vì "Tôi là tiếng kêu trong sa mạc, hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối người đi" (x. Mt 3,3).

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở thành tiền hô cho Chúa trong xã hội hôm nay. Đồng thời sống đúng tư cách của người tiền hô, để “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại”.

Để cho Chúa lớn lên, ấy là khi chúng ta biết sống quảng đại, mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Biết cảm thông, yêu thương và tha thứ, bao dung và nhân hậu. Sẵn sàng sống cho người khác.

Tôi phải nhỏ lại, tức là nhỏ lại cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ, khoe khoang. . .

Tuy nhiên, trong xã hội hôm nay, vẫn còn đó những tiền hô không đứng đúng vị trí của mình! Họ đã đứng lên vị trí của Đấng Cứu Thế, còn Đấng Cứu Thế thì lại bị đẩy ra bên lề. Vì vậy, thay vì dọn đường thì lại hưởng lợi, thay vì làm vinh danh Chúa thì họ lại tìm vinh danh mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi theo gương sáng của Gioan Tiền Hô khi xưa, luôn sống theo tinh thần đến để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ, để Chúa được lướn lên, còn chúng con thì nhỏ lại. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5Chúa phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Đó là tâm tình của thánh Gioan Tẩy Giả mà Giáo Hội muốn gởi đến chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khởi sự sứ mệnh tông đồ bằng việc đến sông Gio-đan xin Thánh Gioan làm phép rửa cho mình như một người môn đệ. Và từ vị thế của một môn đệ, Chúa đã từ từ thu hút một số các môn đệ, và cuối cùng trở thành một bậc thầy hơn cả Thánh Gioan. Ảnh hưởng của Chúa càng lớn thì vai trò của Thánh Gioan Tẩy Giả càng mờ nhạt. Thánh Gioan Tẩy Giả đã không ghen tức và buồn phiền vì Chúa thành công, nhưng ngài đã vui mừng vì đã đóng trọn vai phụ của mình. Đặc biệt thánh Gioan đã khơi dậy niềm vui và quy hướng mọi người về với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, con cũng cần tiếp tục vai trò của Thánh Gioan Tẩy Giả: Chúa phải lớn lên, còn con phải nhỏ lại: nhỏ lại trong muôn vàn những khuynh hướng xấu đang lôi kéo con vào vòng tội lỗi. Con cần nhỏ lại trong sự tham lam ích kỷ của mình để người khác được lớn lên bằng tấm lòng quảng đại của con. Con cần nhỏ lại trong hận thù, ghen ghét, để tha nhân được lớn lên bằng sự cảm thông và tha thứ. Và khi người khác được lớn lên thì cũng chính là lúc Chúa được lớn lên trong tâm hồn con.

Lạy Chúa Giêsu, xin ánh sáng Lời Chúa soi dẫn để con biết khám phá những nét đẹp nơi người khác. Xin sức sống của Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng tâm hồn con mỗi ngày, để con biết hy sinh chính mình, cho Chúa lớn lên trong anh chị em con. Amen.

Ghi nhớ: “Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân lang”.

 

Suy Niệm 6Lời chứng cuối cùng của Gioan Tẩy giả

(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống. . . )

Lời chứng cuối cùng của Gioan Tiền hô:

- Chúa Giêsu và Gioan cùng làm phép rửa, mỗi người một nơi, mỗi người có quần chúng ngưỡng mộ riêng.

- Việc làm phép rửa ấy gây nên một cuộc tranh luận và khiến các môn đệ Gioan ganh tức. Họ đến mách với Gioan, ngầm xin ông tỏ một thái độ ngăn cản hay chống đối nào đó với Chúa Giêsu.

- Nhưng Gioan chẳng những không chống đối Chúa Giêsu, mà còn làm chứng về Ngài và đề cao Ngài: “Tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. . . , Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.

B- Suy gẫm (. . . nẩy mầm)

1. Thánh Gioan Tiền hô dạy ta bài học phải biết đóng vai phụ. Ai mà không thích đóng vai chính. Nhưng trong một vở tuồng, vai chính chỉ cần một hai người, còn vai phụ thì rất nhiều. Nhiều khi nhờ các vai phụ đóng khéo mà vai chính được nổi bật lên.

2. “Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải nhỏ đi” còn có nghĩa phải làm cho trong con người tôi phần của Chúa càng ngày càng lớn lên, và phần của xác thịt, của tội lỗi và của khuynh hướng xấu dần dần nhỏ bớt.

3. Trên một chuyến tàu xuyên đại dương, vị giám mục kể cho một giáo sĩ trẻ mới ra trường về cuộc đời gian khổ của mình, rồi xin anh nói về ơn gọi của mình. Anh tự mãn trả lời: “Dễ thôi. Tất cả là Thiên Chúa cần con”.

Vị giám mục nói: “Này bạn trẻ, quả là trùng hợp! Như tôi nhớ, trong Thánh Kinh, chỉ có một lần Thiên Chúa nói Ngài cần một điều gì đó. Trong Lc 19, 34 trên đường vinh thắng vào Giêrusalem, Ngài nói Ngài cần một con lừa” (Góp nhặt).

4. “Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. ” (Ga 3,29)

‘‘Từ các hàng ghế đại biểu, chúng tôi chứng kiến những đôi mắt thấm đẫm niềm vui của hàng trăm thầy cô giáo, ban giám hiệu các trường dõi theo bước chân học trò mình lên nhận thưởng…” Bài báo khiến tôi lâng lâng một cảm giác khó tả. “Phía sau chùm hoa ấy… là dấu chân lặng thầm”. Thật vậy, phía sau những thành công và niềm vui của học trò là những đêm thức trắng, những tháng ngày lo lắng vun đắp của các thầy cô giáo. Quý thầy cô là những người tiên phong dọn đường cho thế hệ trẻ tiến bước, vươn cao và vươn lên mãi.

Ông Gioan Tẩy giả cũng là người đi trước dọn đường cho Chúa đến. Ngài lặng lẽ dâng trọn cuộc đời mình mở đường cho Chúa đến, để mọi người được phúc chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế.

Xin cho con luôn tìm được niềm vui và hạnh phúc khi phục vụ tha nhân, khi dọn đường cho Chúa đến với các tâm hồn. (Epphata)

 

Suy Niệm 7Gioan làm chứng về Đức Kitô

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa Giêsu cùng với môn đệ đến Galilê. Người làm phép rửa tại đó. Thánh Gioan cũng làm phép rửa gần bên. Nhưng dân chúng kéo theo Chúa Giêsu đông hơn, nên môn đệ Gioan ghen tức. Họ phàn nàn với ông: “Thưa Thầy, Người Thầy ca tụng đang làm phép rửa bên kia và dân chúng kéo theo ông ta. . . ”. Thánh Gioan liền trấn an họ và nói cho họ biết: Đó chính là Chúa Giêsu, là Đấng Thiên Sai. . . Tôi chỉ là người được sai đi trước để dọn đường cho Người. Một khi tôi đã làm xong sứ mạng đó thì tôi phải rút lui để cho Người được tôn vinh.

Trong lúc Chúa Giêsu và Gioan đang làm phép rửa, mỗi người một nơi và mỗi người có một số quần chúng ngưỡng mộ riêng, thì xảy ra một sự việc là việc Chúa Giêsu cùng làm phép rửa đã đưa đến một cuộc tranh luận và khiến các môn đệ Gioan ganh tức. Họ đến mách với ông Gioan, ngầm xin ông tỏ một thái độ ngăn cản hay chống đối nào đó với Chúa Giêsu.

Nhưng Gioan chẳng những không chống đối Chúa Giêsu, mà còn làm chứng về Ngài và đề cao Ngài: “Tôi đây không phải là Đức Kitô mà chỉ là kẻ được sai đi trước mặt Ngài. . . Ngài phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi”.

Đúng thế Gioan tự thú trước đây ông chưa biết Đấng Cứu Thế, mặc dầu ông là bà con với Chúa Giêsu. Nói như vậy chỉ có nghĩa là ông không biết hoặc biết không chắc chắn Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai. Ông chỉ được biết điều đó từ trên mạc khai cho, khi Đức Giêsu đến xin ông làm phép rửa cho, và chính Thiên Chúa đã báo cho ông biết qua tiếng nói từ trời: “Ngươi thấy Thần khí xuống và ngự trên ai, thì người ấy chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Khi đã biết đích xác Đức Giêsu là ai, ông bắt đầu làm chứng và khẳng định rằng: “Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.

Gioan biết đóng đúng vai trò của mình: ngài chỉ đóng vai phụ, còn Chúa Giêsu mới đóng vai chính. Khi vai chính xuất hiện thì vai phụ rút lui. Theo kinh nghiệm trên đời ai mà không muốn đóng vai chính. Nhưng trong một vở tuồng, vai chính chỉ cần một hai người, còn vai phụ thì cần rất nhiều. Nếu trong cuộc sống, người nào cũng đòi đóng vai chính thì ai sẽ làm vai phụ. Và kinh nghiệm cho chúng ta thấy trong một vở tuồng nhiều khi nhờ các vai phụ đóng khéo mà vai chính được nổi bật lên. Gioan đã làm như thế trong sứ vụ của mình. Tất cả đều để cho Chúa được lớn lên.

Gương khiêm nhường của thánh Gioan Tẩy giả.

Ông là người khiêm tốn vì khi người ta hiểu lầm nên đã tôn ông lên làm Đấng Cứu Thế, nhưng ông xác nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế mà chỉ là người dọn đường cho Ngài, Đấng ấy cao trọng hơn ông đến nỗi ông không đáng cởi dây giày cho Ngài. Ông chỉ là là người đóng vai phụ, còn Đức Giêsu mới đóng vai chính. Bây giờ Đức Giêsu đến thì ngài phải rút đi cho vai trò của Đức Giêsu được tôn vinh. Vì thế Ngài đã nói: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”.

Truyện: Một gương khiêm nhường khác

Mục sư tiến sĩ Spencer, nổi tiếng một thời, nhà thờ của ông chật ních những người, nhưng thời gian trôi qua, tín hữu của ông ít dần. Một vị mục sư trẻ đến ngôi nhà thờ bên kia đường, và ông đã thu hút hết đám đông dân chúng của ông mục sư Spencer.

Đêm nọ, trong ngôi nhà thờ của tiến sĩ Spencer chỉ có ít số người họp lại, ông nhìn xuống bầy chiên ít ỏi của mình và hỏi xem những người khác đi đâu hết rồi ?

Mọi người im lặng, ngượng ngùng, rồi một viên chức tế nhị đáp: “Tôi nghĩ rằng họ đã đến ngôi nhà thờ bên kia đường để nghe ông mục sư trẻ bên đó”.

Tiến sĩ Spencer im lặng trong phút chốc rồi mỉm cười nói: “Tốt lắm, vậy tôi nghĩ rằng chúng ta nên đi theo họ”. Rồi ông bước xuống toà giảng, dẫn số tín hữu qua bên kia đường.

 

Suy Niệm 8Gioan Tẩy giả biết đóng vai phụ

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Vâng! Một lần nữa chúng ta lại gặp ông Gioan. Ngày mai Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu Phép Rửa chúng ta gặp lại ông một lần nữa. Có thể nói mỗi lần ông xuất hiện là mỗi lần ông để lại những dấu ấn rất đậm đà và đẹp đẽ nơi những người đến với ông. Ông quả là người xứng đáng với vai trò Tiền Hô của Chúa Cứu Thế.

Thực vậy, đang lúc mà tiếng tăm của ông lẫy lừng, người ta lũ lượt đến với ông, để xin ông làm Phép Rửa cho họ, rồi lại còn muốn suy tôn ông lên làm Đấng Messia, thì chính lúc đó ông đã không ngần ngại tuyên bố: “Tôi là tiếng kêu trong sa mạc, hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi” (Mt 3,3tt).

Gioan cũng không quên xác định thật rõ chỗ đứng của mình bên cạnh Đấng Messia: “Có một Đấng đến sau tôi, nhưng Ngài có trước tôi và tôi không đáng cởi dây giày cho Ngài” (Lc 3,16).

Ông làm tất cả những điều ấy với một mục đích duy nhất đó là để cho “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi”. (Ga 3,30)

2. Thánh Gioan Tiền Hô dạy cho chúng ta bài học phải biết đóng vai phụ. Trên đời ai mà không thích đóng vai chính. Nhưng trong một vở tuồng, vai chính chỉ cần một hai người, còn vai phụ thì cần rất nhiều. Nếu trong cuộc sống người nào cũng đòi đóng vai chính thì ai sẽ làm vai phụ. Và kinh nghiệm cho chúng ta thấy trong một vở tuồng nhiều khi nhờ các vai phụ đóng khéo mà vai chính được nổi bật lên. Gioan đã làm như thế trong sứ vụ của mình. Tất cả là để cho Chúa được lớn lên.

Làm được như thế không phải là điều dễ dàng. Phải có một lòng khiêm nhường thẳm sâu mới có thể làm được như thế. Thế nhưng, để có được một tấm lòng khiêm nhường thì đâu phải là ai cũng làm được.

Trên một chuyến tàu xuyên đại dương, vị giám mục kể cho một giáo sĩ trẻ mới ra trường về cuộc đời gian khổ của mình. Sau đó, ngài xin anh nói về ơn gọi của mình cho ngài nghe. Người giáo sĩ trẻ tự mãn trả lời: “Dễ thôi. Tất cả là Thiên Chúa cần con”.

Vị giám mục nói: “Này bạn trẻ, quả là trùng hợp! Hình như tôi nhớ không sai là trong Thánh Kinh, chỉ có một lần Thiên Chúa nói Ngài cần một điều gì đó. À tôi nhớ ra rồi trong Tin Mừng của Luca (Lc 19,34) trên đường vinh thắng vào Jêrusalem, Ngài nói Ngài cần một con lừa” (Góp nhặt).

3. Đoạn Tin Mừng hôm nay là do chính Gioan Tông Đồ ghi lại. Gioan Tông đồ đã từng là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, được chính thầy mình giới thiệu nên đã đi theo Chúa Giêsu. Chính vì thế mà khi viết Tin Mừng, ông đã viết với một mục đích rất rõ ràng. Mục đích ấy là nhằm xác định vị trí của Gioan Tẩy Giả như là một người dọn đường cho Chúa Giêsu, chứ không có vị trí cao hơn. Nhiều người muốn tôn xưng Gioan Tẩy Giả là thầy, là Chúa, nhưng tác giả Gioan đã chứng minh Gioan Tẩy Giả mặc dù có một địa vị rất cao, rất trọng nhưng địa vị cao trọng nhất vẫn phải dành cho Chúa Giêsu. Điều này chính Gioan Tẩy Giả cũng khẳng định. Gioan Tẩy Giả khẳng định rằng, địa vị của ông không phải là đứng đầu mà ông chỉ được phái đến như người loan tin, đi trước dọn đường cho một Đấng cao trọng sắp đến. Gioan làm thế bởi vì ông luôn ý thức rằng, dù có làm một công tác thứ yếu cho Chúa thì công tác ấy đối với Chúa cũng hết sức quan trọng. Về vấn đề này thì Browning đã nói rất hay: “Với Thiên Chúa thì mọi công tác đều đồng hạng”. Bất cứ việc gì chúng ta làm cho Thiên Chúa cũng đều nhất thiết quan trọng.

Mục sư tiến sĩ Spencer, nổi tiếng một thời, nhà thờ của ông chật ních những người, nhưng thời gian trôi qua, tín hữu của ông ít dần. Một vị mục sư trẻ đến ngôi nhà thờ bên kia đường thu hút hết đám đông của ông. Đêm nọ, trong ngôi nhà thờ của tiến sĩ Spencer chỉ có số ít người họp lại, ông nhìn xuống bầy chiên ít ỏi của mình và hỏi:

- Những người khác đi đâu hết rồi?

Mọi người im lặng, ngượng ngùng, rồi một viên chức đáp:

- Tôi nghĩ rằng, họ đã đến ngôi nhà thờ bên kia đường để nghe ông mục sư trẻ bên đó.

Tiến sĩ Spencer im lặng trong phút chốc rồi mỉm cười nói:

- Tốt lắm, vậy tôi nghĩ rằng, chúng ta nên đi theo họ.

Rồi ông bước xuống tòa giảng, dẫn số tín hữu của mình qua bên kia đường.

Cuộc sống của chúng ta chắc sẽ thoát được rất nhiều điều xấu như ghen tị, bực tức, đố kỵ, bất mãn, nếu chúng ta nhớ rằng, sự thành công của người ta là do Thiên Chúa ban cho họ. Phần chúng ta, chúng ta hãy biết chấp nhận những giới hạn của mình, biết tôn trọng những cái hay cái đẹp Chúa ban cho người khác và cố gắng sống như lời Thánh Phaolô đã nói: “Ai cũng được miễn là Chúa Giêsu được vinh danh”.

Nếu tất cả mọi người trong chúng ta đều biết sống như thế, tôi tin là Thiên Đàng sẽ xuất hiện giữa chúng ta. Amen.
 

This joy of mine has been made complete – Suy niệm song ngữ theo The WAU, ngày 8.1.2022
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – January, 2022

Saturday January 8.2022
Meditation: John 3, 22-30

 

This joy of mine has been made complete. (John 3:29)

John the Baptist may not be someone we associate with joy. The Scriptures tell us that he lived in the desert, wore camel hair, and ate locusts and wild honey (Matthew 3:4). He preached boldly and didn’t pull any punches. So we might think of him as exactly the opposite of joyful: a gruff man who seldom cracked a smile. But here John says he is joyful—and not only that, but that his joy is “complete” (John 3:29).

How could that be? John had left his home, family, and the chance to serve in the Temple like his father. He spent his whole life preparing for the Messiah—never knowing when he would actually arrive. So when John finally saw that the Messiah had come, he had the joy of knowing that he had not labored in vain.

We can take comfort from John’s example. Many of us are also waiting for some kind of fulfillment. We may be at a difficult stage in raising a child. We may be going through a rough patch in our marriage or in a relationship with a close family member. Or we may have a challenging ministry as a priest or religious brother or sister. It might be difficult to feel much joy at these times. But whatever our situation is, we can still have hope. Because we know that if we stay faithful to our call, we will be rewarded in the end.

Jesus will fulfill every one of his promises. He’s promised that if we deny ourselves and follow him, we will find eternal life (Luke 9:24). He’s promised that whatever we give up for him, we will get back a hundredfold (Mark 10:29-30). And he’s promised that if we obey his commandments, our joy will be complete (John 15:11).

So take heart and rejoice today. Like John the Baptist, you can rejoice that Jesus, the Messiah, has come. You can rejoice that you will see him when he comes again. And you can trust that in the end, Jesus will make your joy complete.

“Lord, I trust that as I remain faithful to your call in my life, you will be faithful to your promises and will bring me joy.”

Thứ bảy ngày 8.1.2022
Suy niệm: Ga 3, 22-30

 

Niềm vui của thầy bây giờ đã trọn vẹn (Ga 3, 29)

Gioan tẩy giả có thể không phải là người mà chúng ta liên kết với niềm vui. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng ông sống trong sa mạc, mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và uống mật ong rừng (Mt 3, 4). Ông đã thuyết giảng một cách mạnh mẽ và không có bất kỳ sự dè dặt nào. Vì vậy, chúng ta có thể nghĩ về ông hoàn toàn ngược lại với niềm vui: một người cộc cằn và hiếm khi nở một nụ cười. Nhưng ở đây, Gioan nói rằng ông rất vui – và không chỉ vậy, mà niềm vui của ông đã “trọn vẹn” (Ga 3, 29).

Làm thế nào mà có thể được? Gioan đã rời bỏ nhà cửa, gia đình và cơ hội để phục vụ trong Đền thờ như cha mình. Ông đã dành cả cuộc đời để chuẩn bị cho Đấng Mêsia – không bao giờ biết khi nào Ngài sẽ thực sự đến. Vì vậy, cuối cùng khi Gioan thấy Đấng Mêsia đã đến, ông vui mừng vì biết rằng mình đã không phải làm việc một cách vô ích.

Chúng ta có thể cảm thấy an ủi từ ví dụ của Gioan. Nhiều người trong chúng ta cũng đang chờ đợi một sự hoàn thiện nào đó. Chúng ta có thể đang ở một giai đoạn khó khăn trong việc nuôi dạy một đứa trẻ. Chúng ta có thể đang trải qua một giai đoạn khó khăn trong hôn nhân của mình hoặc trong mối quan hệ với một thành viên thân thiết trong gia đình. Hoặc chúng ta có thể có một sứ vụ đầy thử thách với tư cách là Linh mục hoặc anh chị em Tu sĩ. Có thể rất khó để cảm thấy nhiều niềm vui vào những lúc này. Nhưng dù hoàn cảnh của chúng ta là gì, chúng ta vẫn có thể có hy vọng. Bởi vì chúng ta biết rằng nếu chúng ta trung thành với ơn gọi của mình, cuối cùng chúng ta sẽ được đền đáp.

Chúa Giêsu sẽ thực hiện mọi lời hứa của Ngài. Ngài đã hứa rằng nếu chúng ta từ bỏ chính mình và đi theo Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy sự sống đời đời (Lc 9, 24). Ngài đã hứa rằng bất cứ điều gì chúng ta từ bỏ vì Ngài, chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm lần (Mc 10, 29-30). Và Ngài đã hứa rằng nếu chúng ta tuân theo các điều răn của Ngài, thì niềm vui của chúng ta sẽ trọn vẹn (Ga 15, 11).

Vì vậy, hãy an tâm và vui mừng ngay hôm nay. Giống như Gioan tẩy giả, bạn có thể vui mừng vì Chúa Giêsu, Đấng Mêsia, đã đến. Bạn có thể vui mừng vì bạn sẽ gặp lại Ngài khi Ngài trở lại. Và bạn có thể tin tưởng rằng cuối cùng, Chúa Giêsu sẽ làm cho niềm vui của bạn được trọn vẹn.

Lạy Chúa, con tin tưởng rằng khi con luôn trung thành với tiếng gọi của Chúa trong cuộc sống của con, thì Chúa sẽ trung thành với những lời hứa của mình và sẽ mang lại cho con niềm vui.

 

This joy of mine is now full – Suy niệm song ngữ Anh – Việt ngày 8.1.2022
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Saturday January 8.2022
“This joy of mine is now full”

Scripture: John 3:22-30

22 After this Jesus and his disciples went into the land of Judea; there he remained with them and baptized. 23 John also was baptizing at Aenon near Salim, because there was much water there; and people came and were baptized. 24 For John had not yet been put in prison. 25 Now a discussion arose between John’s disciples and a Jew over purifying. 26 And they came to John, and said to him, “Rabbi, he who was with you beyond the Jordan, to whom you bore witness, here he is, baptizing, and all are going to him.” 27 John answered, “No one can receive anything except what is given him from heaven. 28 You yourselves bear me witness, that I said, I am not the Christ, but I have been sent before him. 29 He who has the bride is the bridegroom; the friend of the bridegroom, who stands and hears him, rejoices greatly at the bridegroom’s voice; therefore this joy of mine is now full. 30 He must increase, but I must decrease.”

 

Thứ Bảy ngày 8.1.2022
Niềm vui của tôi giờ đây được trọn vẹn

Ga 3,22-30

22 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa.23 Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa.24 Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.25 Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy.26 Họ đến gặp ông Gio-an và nói: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.”27 Ông Gio-an trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.28 Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: “Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.29 Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn.30 Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.

Meditation: Do you know the joy of the Lord? When some friends of John the Baptist complain that all the people are now going to Jesus, John in his characteristic humility exclaimed that he was not the Messiah but only the messenger sent to prepare his way. John describes the Messiah as the Bridegroom and himself as the friend of the Bridegroom. The image of the groom delighting in his bride and the joy of the wedding feast is used in the Bible as a sign or symbol of God’s covenant love and joy in being united with his people, whom he calls his bride. As the bridegroom rejoices over the bride, so shall your God rejoice over you (Isaiah 62:5).

Through the gift of the Holy Spirit John recognized that Jesus was the anointed Messiah, sent from the Father in heaven to reunite his people to himself. John acted as the groom’s best man in arranging the marriage and in making preparations for the marriage feast. John and his disciples now rejoice that the Bridegroom has come to make his bride, the people of God, ready for the marriage feast. The New Testament tells us that Christ’s blood which was shed upon the cross as the atoning sacrifice for our sins, seals us in a new covenant between God and his people. The Book of Revelation depicts the final fulfillment and consummation of this new covenant relationship at the marriage feast of the “Lamb and his Bride”  in the New Jerusalem (see Revelations 21-22). Do you look with joyful anticipation to the consummation of God’s plan for his people at the end of the ages?

“Lord Jesus, may I never forget the love you have poured out for me when you shed your blood upon the Cross of Calvary for my sins and for my salvation. May your love always grow in me and your hope fill me with joy as I wait for your return in glory when all of your people will be fully united with you at your heavenly banquet feast in the New Jerusalem.”

Suy niệm: Bạn có biết niềm vui của Chúa không? Khi vài người bạn của Gioan tẩy giả phàn nàn về tất cả mọi người giờ đây đến với Ðức Giêsu, Gioan trong sự khiêm tốn đặc biệt của mình đã tuyên bố rằng ông không phải là Đấng Mêsia, nhưng chỉ là sứ giả được sai tới để dọn đường cho Ngài. Gioan mô tả Đấng Mêsia là Chàng rể và ông là bạn của Chàng rể. Hình ảnh chàng rể vui sướng về cô dâu và niềm vui của tiệc cưới được dùng trong Kinh thánh như một biểu tượng về tình yêu giao ước và niềm vui của Thiên Chúa trong sự hiệp nhất với dân của Người, những người mà Người gọi là nàng dâu của mình. Như chàng rể vui mừng về nàng dâu thế nào, thì Thiên Chúa cũng vui mừng trên các ngươi như vậy (Is 62,5).

Ngang qua hồng ân của Chúa Thánh Thần, Gioan đã nhận ra rằng Ðức Giêsu là Ðấng Mêsia được xức dầu, được Cha trên trời sai tới để tái hiệp dân của Người với chính mình. Gioan hành xử như người phụ rể trong việc chuẩn bị đám cưới và tiệc cưới. Gioan và các môn đệ của ông giờ đây vui mừng vì Chàng rể đã đến đón cô dâu, dân của Thiên Chúa, sẵn sàng cho bữa tiệc cưới. Tân ước nói với chúng ta rằng máu của Ðức Kitô đã đỗ ra trên thập giá làm của lễ đền bù cho những tội lỗi của chúng ta, nhìn nhận chúng ta trong giao ước mới giữa Thiên Chúa và dân Người. Sách Khải Huyền mô tả sự hoàn thành cuối cùng và đích điểm của mối quan hệ giao ước mới này nơi bữa tiệc cưới của “Con Chiên và Nàng Dâu” của Người trong thành Giêrusalem mới (Kh 21,22). Bạn có mong đợi sự hoàn thành phấn khởi tới đích điểm của kế hoạch Thiên Chúa dành cho dân Người ở ngày tận thế không?

 

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì con không bao giờ quên tình yêu Chúa đã đỗ trên con khi Chúa đỗ máu mình ra trên thập giá ở đồi Canvê vì những tội lỗi của con và vì phần rỗi của con. Xin cho tình yêu của Chúa luôn luôn lớn lên trong con và niềm hy vọng của Chúa lấp đầy con với niềm vui khi con chờ đợi ngày trở lại của Chúa trong vinh quang, khi tất cả dân Chúa sẽ hiệp nhất trọn vẹn với Chúa nơi bàn tiệc nước trời trong thành Giêrusalem mới.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây