Thứ Bảy tuần 10 thường niên.

Thứ sáu - 14/06/2019 08:20

Thứ Bảy tuần 10 thường niên.

"Thầy bảo các con: đừng thề chi cả".

 

Lời Chúa: Mt 5, 33-37

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: "Ðừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa". Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ðừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được.

Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Có thì nói có

Trong một xã hội mà sự dối trá lừa đảo đã trở thành luật sống, thì sự trung thực quả là vàng. Phải chăng nhiều người Kitô hữu chúng ta lại không cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, giới răn thứ tám không còn ràng buộc nữa? Người người dối trá, tại sao tôi không dối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi người khác thì thôi!

Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới răn này: "Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ mà ra". Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá của con người. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Ðấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của con người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất muôn vật, không có quãng cách giữa lời và hành động của Thiên Chúa. Người tôn trọng phẩm giá cao cả của minh đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình, đó là đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào.

Ðón nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa về con người, người Kitô hữu phải ý thức hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trung thực của họ. Bản sắc của người Kitô hữu có được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trong suốt của cuộc sống của họ. Niềm tin của người Kitô hữu có khả tín hay không là tùy họ có can đảm để lội ngược dòng giữa một xã hội mà dối trá đã trở thành luật sống.

Những vần thơ sau đây của thi sĩ Phùng Quán quả thật đáng cho chúng ta suy nghĩ:

Yêu ai cứ bảo rằng yêu

Ghét ai cứ bảo rằng ghét.

Dù ai ngon ngọt nuông chiều,

Cũng không nói yêu thành ghét.

Dù ai cầm dao dọa giết,

Cũng không nói ghét thành yêu.

Chúa Giêsu đã sống cho đến cùng những lời Ngài rao giảng. Dù cái chết cũng không khóa được những lời sự thật của Ngài và cái chết của Ngài trên Thập giá cuối cùng cũng trở thành lời. Biết bao người đang chờ được nghe những lời chân thật của các Kitô hữu, không chỉ những lời thốt ra từ môi miệng, mà còn là những lời từ một cuộc sống ngay thẳng, thanh liêm.

Nguyện xin Chúa gìn giữ và ban cho chúng ta can đảm để làm chứng cho lời chân lý của Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Ai là người nói thật

Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: “Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa, còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. (Mt. 5, 33-34)

Mọi người đều dối trá

Mỗi ngày ta đều có được những kinh nghiệm sống tuy nhỏ bé nhưng rất có ý nghĩa. Chẳng hạn mấy đứa con chúng ta cãi lộn nhau. Đứa này bảo đứa kia đã gây sự trước. Đứa kia cũng nói lại như vậy. Đứa nào đúng? Một tin lớn đăng tải trên trang đầu của tờ báo. Hôm sau lại nói ngược lại. Tin nào đúng? Chính quyền tỉnh cho công bố những bảng thống kê. Mười ngày sau chính quyền liên bang lại đưa ra bảng thống kê của mình. Phải tin ai đây?

Trong xã hội ta hôm nay, những thông tin quả là phong phú, những phương pháp truy cứu lại rất khoa học, những bản điều tra thật tường tận, vậy mà chúng ta vẫn luôn phải tự hỏi rằng: “Ai đúng?” Ta thường xuyên liên hệ với những người mà ta tin là liêm chính và ngay thẳng. Ta tin cậy họ, thậm chí có thể yêu mến họ. Nhưng biết bao lần ta phải tự hỏi: “Không biết lần này ông ta có nói đúng sự thật cho mình không?”. Ta có cảm tưởng như chung quanh ta mọi người đều dối trá cả

Cho đến giờ, ta đã chỉ nói đến những người nói dối ta. Thiết tưởng cũng nên nhìn vào mình một chút. Ai trong ta, xưa rày chỉ nói sự thật? Chúng ta chắc cũng không lạ gì với những cách nói nửa vời, những câu trả lời lấp lửng, những kiểu thêm thắt, bịa điều đặt chuyện, nói quanh co điều ta nghĩ và biết, chung quy gọi là dối trá, lươn lẹo.

Hãy vun trồng sự thật

Chúa Giêsu yêu cầu ta vun trồng sự thật. Nói “có” khi phải nói “có”, nói “không” khi phải nói “không”. Nói “có” hay “không” dều phải rõ ràng dứt khoát. Đạt được như vậy, không phải là chuyện đơn giản. Ta thường phải khó chịu, đôi khi phải nhượng bộ nữa. Để biết nói sự thật, tâm hồn ta phải thật trong sáng, ngay thẳng và trong một vài trường hợp, phải có nhiều can đảm. Thế nhưng ta phải tập cho quen biết nói sự thật, và phải tập ngay từ bây giờ, bằng không sẽ chẳng bao giờ biết nói sự thật cả.

 

Suy Niệm 3: KHÔNG ĐƯỢC THỀ! (Mt 5, 33-37)

Có những lần chúng ta đã nghe thấy những câu thề thốt đáng sợ như: "Tôi thề có đất trời chứng dám, sự việc xảy ra đúng như vậy, nếu không thì cho tôi bị chết bất đắc kỳ tử”. Như vậy, theo quan niệm của con người, lời thề thông thường là nối liền với sự tự rủa bản thân mình để chứng thực điều quả quyết. Khi đã thề, đòi buộc người thề không được bội ước.

Tuy nhiên, hôm nay, Đức Giêsu lại dạy các môn đệ rằng: “Đừng thề chi cả [...]. Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.

Thực ra, thề có độc địa đến đâu, thì lời thề đó cũng khó có thể thành hiện thực. Như một lời nhắc nhở, Đức Giêsu cho biết, những lời thề đó là những điều phạm thánh, nếu cố tình vi phạm, không ăn năn hối cải sẽ bị Chúa phán xét nặng trong ngày diện kiến với Chúa.

Trên thực tế, con người ta có nhiều điều bất hảo. Thử hỏi có ai làm cho tóc hóa đen, hay kéo dài tuổi thọ của mình trên trần gian? Nếu điều đó cũng không làm được, thì nói chi đến những chuyện động địa như trong lời thề!

Hôm nay, Lời Chúa dạy cho chúng ta bài học về sự chân thật. “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ".

Chúng ta không được phép thêm bớt để rồi làm cho người khác bất hạnh. Hãy sống thật với lòng mình thì sẽ được Chúa chúc phúc. Đừng sống kiểu: “Khẩu Phật, tâm xà”; hay: “Lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo”.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý đến với mỗi người chúng con, để chúng con biết sống ngay thẳng, công tâm, hầu xứng đáng là con cái Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Có thì nói có

Suy niệm:

Việc thề vẫn có trong các nền văn hóa nhân loại.

Người ta thề để người khác tin lời của mình hơn,

vì nếu không giữ lời thề sẽ bị các thần minh nguyền rủa.

Người Do thái từ xa xưa cũng đã có thói quen thề.

Thề là nại đến Thiên Chúa để làm chứng cho điều mình nói.

Hêrôđê Antipas đã thề hứa với cô bé con bà Hêrôđia (Mt 14, 7).

Lời thề của một người lãnh đạo như ông đã khiến ông bị kẹt.

Phêrô đã chối Thầy kèm theo những lời thề thốt (Mt 26, 72. 74),

vì ông sợ người ta không tin lời ông nói.

Đức Giêsu biết chuyện Luật Môsê cấm bội thề,

và phải giữ trọn điều đã hứa với Đức Chúa (c. 33).

Nhưng quan điểm của Ngài trong Bài Giảng trên núi là không thề gì cả.

Không cần thề để xin Đức Chúa làm chứng cho lời ta nói,

vì mọi lời ta nói, Ngài đều biết và làm chứng.

Vì những sơ xuất trong việc giữ lời thề

có thể làm Thánh Danh Đức Chúa bị xúc phạm, nên khi thề,

người Do thái thường thay Danh Chúa bằng một vật gì đó (Mt 23, 16-22).

Tương tự như ở Việt Nam, họ dùng trời hay đất để thề.

Họ cũng thề nhân danh Đền thờ Giêrusalem hay chính đầu của mình

Đối với Đức Giêsu, điều đó cũng chẳng làm nhẹ tội chút nào,

vì trời, đất, Đền Thờ, hay đầu của chúng ta cũng đều thuộc về Chúa.

Trời quan trọng vì là ngai của Thiên Chúa.

Đất quan trọng vì là bệ dưới chân Người.

Đền thờ quan trọng vì là thành của Đức Vua cao cả.

Đầu cũng chẳng thuộc quyền con người,

vì màu trắng hay đen của sợi tóc nằm ngoài tầm chi phối của họ (cc. 34-36).

Khi kêu gọi chúng ta đừng thề chi cả,

Đức Giêsu muốn lời nói của ta tự nó phải mang sức mạnh của sự thật,

tự nó chắc chắn, đáng được mọi người tin cậy.

Thánh Giacôbê đã nhắc lại giáo huấn của Đức Giêsu khi viết:

“Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không,

như thế anh em sẽ không bị xét xử” (Gc 5, 12).

Mọi thêm thắt đều do ác thần (c. 37).

Giáo hội sơ khai đã giữ lệnh truyền này một cách nghiêm túc.

Nhưng từ đầu thời Trung cổ, Giáo hội đã dùng các hình thức tuyên thệ.

Giáo sư trong các chủng viện vào đầu năm học, phải tuyên thệ

trung thành giảng dạy giáo lý chính thống của Giáo hội.

Các lời khấn của tu sĩ cũng là những lời thề hứa sống như Giêsu.

Dù sao chúng ta cũng là những con người mong manh, hay thay đổi.

Thề, hứa, khấn, tuyên thệ trọn đời, đều là những việc vượt sức con người.

Trung tín với điều mình đoan nguyện là bắt đầu đi vào vĩnh cửu.

Chỉ xin sự trung tín của Thiên Chúa nâng đỡ sự trung tín của chúng ta.

 

Cầu nguyện :

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:

Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi

mọi biển lận tầm thường.

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên

để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang

để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường

để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,

hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai

để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho tôi sức mạnh tràn trề

để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. Amen.

R. Tagore (Đỗ Khánh Hoan dịch)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM

Đức Ki-tô đến là để cho con người được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10); thế mà con người không thể sống mà không có Lề Luật: Lề Luật cần thiết cho sự sống con người, nhưng cũng có thể gây ra bầu khí chết chóc và chính sự chết, khi trở thành phương tiện, thậm chí “vũ khí” của sự dữ. Vì thế, Đức Ki-tô không thể nào không có lập trường đối với Lề Luật. Và cái chết của Ngài trên Thập Giá, cũng là một cái chết được mệnh danh là công lí của Lề Luật.

 1. Đức Ki-tô và Lề Luật

Trong “Bài Giảng trên Núi”, sau khi công bố các mối phúc, Đức Giê-su trình bày lập trường của mình đối với Lề Luật: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là hoàn tất lề luật”. Để giải thích cách Ngài hoàn tất Lề Luật, Đức Giêsu đặt mình đối diện với Mười Điều Răn, vốn là trung tâm của toàn bộ Lề Luật: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng…Còn thầy, thầy nói…”. Ngày nay, Mười Điều Răn vẫn còn hiện diện như bộ luật căn bản của Giáo Hội. Dĩ nhiên, ngoài Mười Điều Răn ra, còn vô số những luật lệ khác mà người giáo dân vẫn đọc lại vào ngày Chúa Nhật. Tuy nhiên, Đó không phải là những điều luật thêm vào, nhưng là một giải thích hay chi tiết hóa Mười Điều Răn. Mười Điều Răn chi phối tất cả các lề luật khác như ngọn núi vượt trên đồng bằng, hay đúng hơn, chứa đựng tất cả những lề luật này. Chúng xuất phát từ Mười Điều Răn và trở về với Mười Điều Răn. Chính vì thế, lề luật được Đức Giê-su hoàn tất không chỉ là “luật cũ” của Cựu Ước, nhưng là mọi lề luật của loài người, thuộc mọi thời.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Luật Lề khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”. Hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

Khởi đầu

Thiên Chúa, là Cha nhân hậu

↑↓

Con người, là con Thiên Chúa,
là anh chị của nhau

↑↓

Hình ảnh Thiên Chúa
được ghi khắc ở trong tim

LỀ LUẬT
ở mức độ chữ viết
(Mười Điều Răn
và mọi Lề Luật ở mọi nơi và mọi thời)

Cùng đích:

sự sống/sự sống chung/
sự sống trong
Giao Ước

Theo Đức Giê-su, hoàn tất Lề Luật đẩy Lề Luật đi đến cùng đích của nó và để đi đến cùng, phải khởi đi từ đầu: đó là một chuyển động của Thần Khí vượt qua Lề Luật, từ khởi đầu đến cùng đích. Như thế, sự công chính đích thực mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống, không hệ ở việc giữ luật thật chi li, bởi vì nơi của sự công chính đúng hơn nằm ở trung tâm vô hình sâu thẳm của con người. Chính con người cũng chẳng đạt tới đó được nếu chỉ với nỗ lực riêng của mình. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới “thanh tẩy” được chốn thâm sâu đó của con người mà thôi, như lời Thánh Vịnh diễn tả: “Nhưng nào ai nhận định được các lầm lỗi của mình? Xin thanh tẩy con khỏi những lầm lỗi vuột khỏi con” (Tv 19, 13). Như thế, sống theo lời của Đức Giêsu sẽ dẫn chúng ta đến đến tâm tình khiêm tốn đích thật.

 2. Luật “chớ bội thề”

Luật “chớ bội thề” giả định lời thề, như Đức Giê-su nói: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được”. Vậy tại sao Đức Giê-su thay vì nói về cách “hoàn tất” lời thề Người đề nghị chúng ta thực hành, Người lại mời gọi chúng ta trở về tận gốc rễ của lời nói, để rốt cuộc: “Đừng thề chi cả”?

Đó là bởi vì, lời thề là một khu vực dành riêng (tương tự như khu vực thánh thiêng dành riêng), trong lãnh vực lời nói của con người, ở đó người ta buộc phải nói sự thật. Như thế, ở bên ngoài khu vực dành riêng này (tương tự như khu vực không thánh thiêng, đời thường), tôi có quyền nói ít nhiều không đúng với sự thật! Vậy, với cơ chế lời thề, người ta không nhận ra rằng, để cứu sự thật, người ta lại mặc nhiên nhìn nhận chỗ dành cho gian dối!

Cơ chế lời thề có chức năng ngăn chặn người ta nói dối, nhưng trong thực tế có thể xẩy ra là, một người bị buộc phải chọn lựa nói sự thật, trong khi người này trong thâm tâm vẫn chưa sẵn sàng, vì thế chọn lựa là “không chọn lựa nói sự thật” và nói “không có cũng chẳng không”. Như thế, cơ chế lời thề không chỉ không loại trừ được gian dối, vì mặc nhiên cho phép nói ít sự thật ở bên ngoài phạm vi lời thề, nhưng còn đẩy người ta đến chỗ chọn lựa giải pháp “không có cũng chẳng không”, khi bị ép phải đưa ra lời thề. Và gian dối nhiều nhất không phải là người ta nói có thay vì không hay nói không thay vì có, nhưng người ta lại chọn giải pháp “không có và cũng chẳng không”, hay không phải điều này và cũng không phải điều kia (tiếng La-tinh là neutrum, trung tính). Về phương diện ngôn ngữ, đó là khoảng trống giữa có và không, như trong thực tế, khoảng trống này được lấp đầy bởi “mọi thứ thêm thắt”!

3. Hoàn tất luật chớ bội thề

Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta: “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không” nhưng không phải chỉ trong khu vực được bảo vệ của ngôn ngữ là lời thể, nhưng mọi nơi mọi lúc. Ngài giải phóng lời nói của chúng ta, bằng cách mời gọi chúng ta mọi nơi mọi lúc từ bỏ giải pháp “trung tính” và khởi đi từ đầu. Và “điểm khởi đầu” ở đây là sự chọn lựa của con tim, nơi mà tôi nói lên chính mình, nghĩa là tôi liều lĩnh phô bày mình ra cho “nguy cơ” của cái đúng. Lựa chọn này cũng mời gọi tôi không buộc người khác phải thề, để tránh thái độ tiên thiên coi người khác như kẻ nói dối tiềm ẩn!

Điều này cũng đúng, khi chúng ta được mời gọi, đến một lúc nào đó, liều lĩnh làm cuộc lựa chọn và sống theo lựa chọn, chẳng hạn lựa chọn ơn gọi, để thoát ra khỏi tình trạng “không có và cũng chẳng không”.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Hãy để những gì anh em nói nên đơn giản “Có” hay “Không”

Saturday (June 15): Let what you say be simply Yes or No

 

Scripture:  Matthew 5:33-37  

33 “Again you have heard that it was said to the men of old, `You shall not swear falsely, but shall perform to the Lord what you have sworn.’  34 But I say to you, Do not swear at all, either by heaven, for it is the throne of God, 35 or by the earth, for it is his footstool, or by Jerusalem, for it is the city of the great King. 36 And do not swear by your head, for you cannot make one hair white or black. 37 Let what you say be simply `Yes’ or `No’; anything more than this comes from evil.

Thứ Bảy  15-6            Hãy để những gì anh em nói nên đơn giản “Có” hay “Không”

Mt 5,33-37

33 “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa.34 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa.35 Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả.36 Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được.37 Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

Meditation:

 

How forceful are honest words! (Job 6:25) Jesus addressed the issue of honesty and truthfulness in one’s conduct and speech. What does it mean to be true to one’s word? To be true to oneself and to others requires character. Unfortunately many people today miserably fail here. No wonder we don’t trust many in positions of leadership and influence. God is the source of all truth and there is nothing false or deceitful in him. His word is truth and his law is the truth. His truth liberates us from illusion, deceit, and hypocrisy.  Jesus told his disciples that the truth will make you free (John 8:32).

 

 

We can count on God’s word because he is faithful and true to his word and promises

Why is it so hard to be true and to speak the truth? Truth demands commitment – that we live our lives according to it and be faithful witnesses of the truth. Jesus teaches his disciples the unconditional love of truth. He speaks against bearing false witness and all forms of untruthfulness and swearing unnecessary oaths to God. A disciple’s word should be capable of being trusted without verbal rituals to give it validity. Christ’s disciple must speak truthfully without “stretching” the truth by adding to it or by compromising the truth by speaking untruth or by leaving out what is necessary to convey what is truthful.

 

Do you allow God’s word of truth to rule your mind and heart?

Thomas Aquinas said: People could not live with one another if there were not mutual confidence that they were being truthful to one another… (Injustice) as a matter of honour, one person owes it to another to manifest the truth. Are you true to God, to yourself, and to others? And do you allow God’s word of truth to penetrate your mind and heart and to form your conscience – the way you think, judge, act, and speak?

 

 

“Set a watch, Lord, upon my tongue, that I may never speak the cruel word which is not true; or being true, is not the whole truth; or being wholly true, is merciless; for the love of Jesus Christ our Lord.”

Suy niệm:

Lời ngay lẽ thẳng dễ thuyết phục biết bao! (G 6,25) Ðức Giêsu đã nói về vấn đề thật thà và thành thật trong cách cư xử và lời nói. Thành thật với lời nói có nghĩa là gì? Ðể thành thật với chính mình và người khác đòi hỏi có chí khí. Thật không may, nhiều người ngày nay thất bại tại chỗ này cách thảm bại. Không lạ gì chúng ta không tin tưởng nhiều người trong những chức vụ lãnh đạo và uy thế. Thiên Chúa là nguồn mạch của tất cả sự thật và không có gì sai trái hay lừa dối nơi Người. Lời Người là sự thật và lề luật của Người là sự thật. Sự thật của Người giải thoát chúng ta khỏi ảo tưởng, lừa dối, và giả hình. Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng sự thật sẽ giải thoát anh em (Ga 8,32).

Ch. ta có thể tin tưởng vào lời Chúa vì Người trung tín và chân thật với lời nói và lời hứa của Người

Tại sao lại quá khó để trở nên thành thật và nói sự thật? Sự thật đòi hỏi giao ước – là chúng ta sống đời sống của mình phù hợp với nó và trở nên những chứng nhân trung thành cho sự thật. Ðức Giêsu dạy các môn đệ yêu mến sự thật vô điều kiện. Người chống lại việc làm chứng dối và tất cả những hình thức giả dối và việc thề thốt không cần thiết với Thiên Chúa. Lời nói của người môn đệ phải đáng được tin cậy mà không cần tới những nghi thức để làm cho nó có giá trị. Người môn đệ của Ðức Kitô phải nói thành thật mà không “bóp méo” sự thật bằng việc thêm thắt vào đó hay bằng việc làm tổn thương tới sự thật bằng việc nói dối hay bỏ sót những điều cần thiết để truyền đạt những gì là sự thật.

Bạn có để cho lời sự thật của Chúa làm chủ tâm trí của bạn không?

Thánh Tôma Aquinô nói: Người ta không thể sống với người khác nếu không có sự tin cậy với nhau đến nỗi họ trở nên thành thật với nhau… (Trong sự công bình) như vấn đề kính trọng, người này mắc nợ điều đó với người kia để bày tỏ sự thật. Bạn có thành thật – đối với Thiên Chúa, với bản thân, và với người khác không? Và bạn có để cho lời chân lý của Thiên Chúa thấm nhập vào tâm trí mình và uốn đúc lương tâm của mình – cách bạn suy nghĩ, phán đoán, hành xử, và nói năng không?

Lạy Chúa, xin xem chừng miệng lưỡi con để con có thể không bao giờ nói lời xấu xa không đúng sự thật, hay là sự thật lại không hoàn toàn là sự thật, hay là toàn bộ sự thật lại không có chút khoan dung, vì tình yêu Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây