Thứ Bảy tuần 34 Thường Niên

Thứ sáu - 25/11/2022 05:29
THỨ BẢY TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
"Các con hãy tỉnh thức, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến".
cn xxxiv tn t7

 
Tin Mừng: Lc 21, 34-36
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"
 
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
1. Phải đề phòng _ Lm Ant. Nguyễn Cao Siêu, SJ.
2. Cầu nguyện và tỉnh thức _ Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
3. Tỉnh thức và cầu nguyện
4. Tinh thần tỉnh thức
5. Phải tỉnh thức và cầu nguyện


Suy niệm 1: Phải đề phòng _ Lm Ant. Nguyễn Cao Siêu, SJ.
Tháng 9-2009, Tổng Thống Nga Medvedev  gọi nạn nghiện rượu là quốc nạn.  Mỗi năm tính bình quân mỗi người dân uống khoảng 18 lít,  gấp đôi lượng rượu được coi là nguy hiểm cho sức khỏe.  Nửa số người Nga chết giữa khoảng 15-54 tuổi là do hậu quả của rượu.  Trẻ em và phụ nữ cũng nghiện.  Tuổi thọ trung bình của đàn ông chỉ còn là 59.  Vì nhiều người chết nên dân số Nga sụt giảm mỗi năm.  Làm gì để cai nghiện cho hơn hai triệu người Nga,  đó là chuyện nhức đầu cho các nhà lãnh đạo.  Nhưng tại sao người ta lại bị nặng nề bởi rượu Vodka?  Bài Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta  về những thứ nặng nề đè trên trái tim người Kitô hữu.  Trong khi chờ đợi Chúa đến vào thời điểm không đoán trước được,  chúng ta có thể bị vướng vào những thú vui buông thả.  Sống bừa bãi, phóng túng, nhậu nhẹt, say sưa,  đó vẫn là cám dỗ muôn thuở của thân xác.  Chỉ cần đi một vòng thành phố hay các vùng quê vào ban đêm,  chúng ta thấy ngay cả một thế giới của ăn uống, hưởng thụ.  Nhưng trái tim con người còn có thể trở nên nặng nề  bởi những lo âu trần thế (x. Lc 8, 14).  Làm sao nhà cửa có thêm tiện nghi? làm sao thêm lương và lên chức?  Những nỗi lo toan về cuộc sống vật chất vắt kiệt con người,  khiến con người không còn khả năng mở ra trước Chúa và tha nhân.  Con người giàu lên, nhưng lại thấy mình bất hạnh và gia đình đổ vỡ.  Mỗi năm ba mươi ngàn người chết vì tự tử ở Nhật.  Trái tim nặng nề nên nhiều người mắc bệnh tim mạch.  Trái tim bị kéo xuống cái thực dụng tầm thường ở trên mặt đất,  nên con người bị còng xuống, không ngước lên được điều trên cao.  Ngày Chúa đến như một bất ngờ, như một cái bẫy sập xuống,  không phải chỉ trên người Do Thái,  nhưng trên mọi dân cư ở khắp mặt địa cầu (c. 35).  Cả thế giới phải chịu phán xét chẳng trừ ai.  Bởi đó thái độ cần có mỗi ngày của người môn đệ  là luôn luôn thức tỉnh và cầu nguyện,  để có sức mà thoát khỏi mọi điều sắp xảy ra (c. 36).  Để chuẩn bị cho cái chung cục, thì phải sống đều đặn cái hàng ngày.  Làm sao để khi Con Người là Đức Giêsu trở lại trên mây trời,  Ngài thấy chúng ta đang ở tư thế đứng thẳng,  không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê,  nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ đợi.  Có những lo âu vẫn chi phối tôi làm tôi nặng lòng.  Có những mê đắm kéo ghì tôi xuống và bắt tôi làm nô lệ.  Mùa Vọng sắp đến mời tôi tỉnh thức và cầu nguyện, để đứng lên.
Lạy Chúa Giêsu,  nếu ngày mai Chúa quang lâm,  chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.  Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,  còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.  Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,  Chúa đâu muốn mất một người nào...  Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa  xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,  vui tươi và hạnh phúc,  để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn  cho mọi người và cho cả vũ trụ.  Xin nuôi dưỡng nơi chúng con  niềm tin vững vàng  và niềm hy vọng nồng cháy,  để tất cả những gì chúng con làm  đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại. Amen.
 MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
 
Suy niệm 2: Cầu nguyện và tỉnh thức _ Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Nếu chúng ta chỉ còn có một ngày cuối cùng để sống, hẳn sẽ có nhiều điều trăn trối được nhắn gửi tới mọi người. Cũng vậy, nếu còn một ngày để làm việc, người ta sẽ làm nhiều chuyện tốt đẹp để lại cho đời và cho người.
Hôm nay, ngày cuối cùng của năm Phụng Vụ, Giáo Hội cũng muốn nhắn gửi chúng ta một thông điệp căn bản và quan trọng khi dùng đoạn Tin Mừng theo thánh Luca để nói về sự tỉnh thức và cầu nguyện.
Tỉnh thức và cầu nguyện là thái độ cần thiết cho ngày Chúa đến, ngày đó là ngày cuối cùng của cuộc đời con người và nhân loại.
Tỉnh thức và cầu nguyện để biết phải làm gì cho xứng hợp với Nước Trời.
Cầu nguyện và tỉnh thức để loại bỏ những thứ không cần thiết như chè chén, say sưa, mê theo khoái lạc....
Nếu còn ngày cuối cùng thì hẳn chúng ta đừng lo lắng điều gì trần thế, mà hãy chuẩn bị cho tâm hồn thật thanh thoát để được vào chung hưởng hạnh phúc Nước Trời: "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức Công chính của Người, còn tất cả những cái khác, Người sẽ thêm cho". (Mt 6,33).
Chiếc lưới bất thần chụp xuống cho chúng ta thấy cái chết và số phận của mọi người: không ai thoát được nó. Tuy nhiên, sau đó được đem đi đâu mới là điều quan trọng. Vì thế, nó sẽ trở nên vui mừng cho những ai được đem vào nơi hạnh phúc và bình an. Ngược lại, sẽ là điều kinh hoàng và bất hạnh cho những ai bị loại ra ngoài.
Muốn được đem vào Nước Trời, thì hẳn phải tỉnh thức như chủ nhà canh trộm ban đêm; như đầy tớ mong ông chủ đi ăn cưới về; như năm cô trinh nữ khôn ngoan có đèn và dầu.
Khi cầu nguyện, chúng ta khỏi sa chước cám dỗ và có sức chiến đấu với ma quỷ; và cuối cùng, cầu nguyện để đón nhận được ơn thánh của Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy trung tín với sứ điệp Lời Chúa. Sống bác ái yêu thương. Không bị vướng bận quá nhiều vào của cải ở đời. Sống vô vị lợi, không đòi hưởng thụ. Không để mình bị ngủ mê trong tội hay chạy theo các chủ trương duy vật, hưởng thụ, mà lãng quên những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày chúng con phải đối diện với cái chết. Xin cho chúng con biết chuẩn bị ngày đó đến với chúng con bằng thái độ tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng. Amen.
 MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM 

 Suy niệm 3: Tỉnh thức và cầu nguyện
Kết thúc diễn từ về ngày tận thế, Chúa Giêsu đưa ra hai thái độ sống cụ thể trong khi chờ ngày của Chúa. Thứ nhất là thái độ sống thanh thoát: “Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình đắm say tửu sắc, đa mang sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc luỡi bất thần chụp xuống đầu các con, vì ngày ấy sẽ ập tới mọi dân cư trên khắp mặt đất”. Nói khác đi, Chúa muốn chúng ta sống sứ điệp và giá trị Tin  mừng, không để mình bị mê hoặc chạy theo các chủ trương duy vật, hưởng thụ, quá lo tu tích của cải như một bảo đảm an toàn cho cuộc sống mà lãng quên những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc sống.
Để khỏi rơi vào tình trạng thiếu chuẩn bị trong ngày của Chúa, Chúa Giêsu nêu ra điều kiện tiên quyết, đó là tỉnh thức và cầu nguyện: “Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có đủ sức thoát khỏi những điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con người”. Cầu nguyện là nhìn nhận Chúa là tất cả, là đặt thánh ý Chúa trên hết. Đồng thời cầu nguyện, chúng ta sẽ có thái độ tỉnh thức trong đời sống thường ngày, sẽ nhạy bén với tiếng gọi của Chúa qua những biến cố cuộc sống để luôn tìm đẹp lòng Chúa.
Ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù mịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, sao cho luôn được Chúa chúc lành và được tình thương Chúa che chở, để ngày Chúa đến sẽ là ngày hạnh phúc cho chúng ta.
  MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
 
Suy niệm 4: Tinh thần tỉnh thức
Một trong những khuôn mặt tiêu biểu cho tinh thần tỉnh thức trong thời đại chúng ta hẳn phải là Đức Cố Giáo Hoàng Gioan XXIII. Óc khôi hài, nụ cười luôn nở trên môi, đó là những thể hiện cụ thể của tinh thần tỉnh thức nơi vị Giáo Hoàng này. Trong những ngày cuối đời, vị bác sĩ riêng của ngài thăm viếng ngài rất thường xuyên, nhưng điều khiến vị bác sĩ này bị đánh động nhiều nhất, đó là mỗi lần ông đến thăm, Đức Gioan XXlll luôn là người đầu tiên thăm hỏi sức khỏe của ông, và khi vị bác sĩ muốn biết về bệnh tình của ngài, thì thay vì trả lời khỏe hay không khỏe, ngài luôn nở nụ cười trên môi và nói : “Thưa bác sĩ, hành lý của tôi đã sẵn sàng", ngài có ý nói ngài sẵn sàng từ giã cõi đời này.
Thái độ của Đức Gioan XXlll có thể là câu trả lời cho thắc mắc của chúng ta về sự tỉnh thức đích thực mà Chúa Giêsu luôn nhắc đến trong Tin mừng. Dùng lối văn quen thuộc của người Do thái, Chúa Giêsu loan báo về ngày của Ngài và kêu gọi hãy tỉnh thức. Phải mất một thời gian lâu dài, các tín hữu tiên khởi mới hiểu được thế nào tà tỉnh thức. Lúc đầu họ nghĩ rằng ngày của Chúa đã gần kề, họ sống trong chờ đợi từng ngày, nhiều người bỏ công ăn việc làm để chờ đợi, một sự chờ đợi như thế gây ra không biết bao nhiêu xáo  trộn trong sinh hoạt thường ngày. Nhưng rồi nhờ sự dẫn giải của các Tông đồ, dần dà các kitô hữu tiên khởi hiểu được rằng sự kề cận của ngày Chúa đến không thuộc trật tự thời gian ; nói khác đi, Chúa không đến vào một thời điểm nhất định nào đó, mà đến trong mỗi biến cố của lịch sử. Như vây, tính thức đích thực là luôn biết nhận ra sự hiện diện của Chúa trong từng biến cố ấy. Đó là sự tỉnh thức mà ngày nay Giáo hội mời gọi chúng ta luôn có. Trong một lá thư mục vụ năm 1993, Hồng Y Martini, Tổng Giám mục Milanô đã giải thích về sự tỉnh thức ấy như sau :
“Người vợ tỉnh thức chờ chồng, người mẹ tỉnh thức chờ đứa con ở xa về, người lính canh tỉnh thức giữa đêm thanh vắng, người y tá tỉnh thức bên cạnh bệnh nhân, người tu sĩ tỉnh thức trong lời cầu nguyện. Có những người đang tỉnh thức để sẵn sàng đón nhận những dấu hiệu yêu cầu được giúp đỡ của người anh em đang gặp khó khăn, có cộng đoàn đang tỉnh thức để sẵn sàng phản ứng trước sự nguội lạnh và mệt mỏi khiến họ đánh mất nhuệ khí ban đầu; có xã hội dân sự đang tỉnh thức để mau chóng nhận ra dấu hiệu của sự xuống cấp, để chống lại tham nhũng, chống lại sự dửng dưng đối với công ích".
Sự tỉnh thức như Hồng Y Martini nêu ra phải là sự tỉnh thức mà các Kitô hữu đang cần đến. Tỉnh thức để nhận thức rằng xã hội hiện nay đang xuống cấp trầm trọng về luân lý, tỉnh thức để can đảm thắng vượt những sức mạnh lôi kéo con người đến chỗ vong thân, tỉnh thức để luôn giữ được một lương tâm bén nhạy và một tâm hồn trong sạch giữa muôn vàn khó khăn của cuộc sống, tỉnh thức để không vì một chút lợi lộc mà đánh mất nhân phẩm bằng những hành động bất chính .
Chúa đang đến trong từng biến cố cuộc sống, chứ không chỉ đến trong cảnh uy nghi của giáo đường ; Ngài đến trong từng sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, chứ không chỉ đến trong những phút cầu kinh nguyện ngắm; Ngài nói qua những biến cố cuộc sống, Ngài hành động ngay cả khi chúng ta không tưởng nhớ đến Ngài, Ngài yêu thương dù chúng ta phản bội Ngài, Ngài tha thứ dù chúng ta quay mặt làm ngơ với Ngài. Ngài luôn có đó trong từng hơi thở của chúng ta. Xin Ngài cho chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra Ngài.
 MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM 

Suy niệm 5: Phải tỉnh thức và cầu nguyện
Lời mời gọi tỉnh thức được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng bằng nhiều dụ ngôn khác nhau: mười người trinh nữ đi đón chàng rể, người đầy tớ tỉnh thức đợi chủ về đêm khuya. . . Tuy nhiên lời căn dặn hôm nay đi vào chi tiết hơn. Đừng để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng chuyện đời.
Chúa đề cập đến hai thái độ cụ thể thường xảy ra nơi người Do Thái: chè chén say sưa và lo lắng chuyện đời. Cũng giống như dân tộc Trung Hoa, người Do Thái lúc bấy giờ thích ăn uống say sưa. Trong những cuộc phim tàu, ta thường thấy cảnh ăn uống nhậu nhẹt; Tin Mừng cũng nói đến việc ăn uống nhiều lần. Đặc biệt trong câu chuyện nhà phú hộ và anh Lazarô: nhà phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình chè chén say sưa, không nghĩ đến người ăn mày Lazarô đang chờ chực ngoài ngõ. Đam mê ăn uống làm ta quên đi những con người nghèo khổ quanh ta. Nhà phú hộ xuống hỏa ngục không phải vì ông ta gìau nhưng vì ông ta không nhớ đến Kẻ khác. Không nghĩ đến kẻ khác. . Lo lắng chuyện đời:
Người Do Thái cũng như người Trung Hoa, nổi tiếng về tài buôn bán. Họ lợi dụng tất cả để kiếm lợi, kể cả lợi dụng Đền Thờ là nơi cầu nguyện.
Áp dụng Lời Chúa vào hoàn cảnh hôm nay thì thật là đúng lúc.  Nhà hàng ăn uống trên vỉa hè đường phố, trên các bãi biển, đâu đâu cũng có nhà hàng. Tối đến, cứ đi dọc theo hè phố thì chúng ta thấy quán ăn uống, quán cà phê ôm, quán bia ôm mọc lên như nấm mùa mưa.
Về việc lo lắng chuyện đời thì cũng thế, hầu như ai ai cũng đang ở trong cơn mê hồn trận. Tứ sáng tinh sương đến lúc đêm về, hồn con thay vì khát khao Chúa, lại khát khao, khát khao tiền bạc. Từ người giàu cho đến người nghèo, ai cũng đau nhau chạy theo công ơn việc làm, làm sao để hái cho được thật nhiều tiền.
Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.
Chính đời sống cầu nguyện giúp người kitô hữu suy nghĩ và tỉnh thức. Ông Jean Guitton, một đại văn hào, một triết gia thuộc Hàn lâm viện Pháp viết trong tờ báo Le Figarô: Xin các Linh Mục là người của Thiên Chúa, cho chúng tôi Thiên Chúa qua các Bí Tích và Lời Chúa vì chúng tôi bị những giá trị trần gian lường gạt quá nhiều rồi.
Biết đồ dổm là để đánh lừa người ta, thế mà nhiều người lại thích làm dổm: mũi dổm, tóc dổm, môi dổm, móng tay dổm. . . Thế đấy; mình không thích người ta đánh lừa mình mà mình lại thích đánh lừa kẻ khác. Sự đời là vậy đó!

 MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây