Thứ bảy tuần thánh – Ðêm Thánh Vọng Chúa Phục Sinh.

Thứ sáu - 10/04/2020 03:02

Thứ bảy tuần thánh – Ðêm Thánh Vọng Chúa Phục Sinh.

"Ngài đã sống lại và sẽ đến xứ Galilêa".

 

Lời Chúa: Mt 28, 1-10

Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ. Bỗng chốc đất chuyển mạnh vì Thiên Thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Vì thế những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết. Nhưng Thiên Thần lên tiếng và bảo các người nữ rằng: "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Ðây Ta đã báo trước cho các bà hay".

Hai bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta".

 

 

SUY NIỆM 1: Chào chị em!

Suy niệm:

Thật lạ lùng khi vào thời Đức Giêsu,

thời người ta không coi lời chứng của phụ nữ là có giá trị pháp lý,

Mátthêu lại kể cho chúng ta chuyện hai phụ nữ làm chứng về Chúa phục sinh.

Nếu chuyện ấy không có thật,

chẳng ai bịa đặt ra một chuyện vô bổ như thế.

Hai bà Maria này đã chứng kiến cái chết của Thầy Giêsu (Mt 27, 56),

đã dự việc chôn cất Thầy và biết rõ vị trí ngôi mộ (27, 61).

Suốt ngày sabát, trong đau đớn và nhớ nhung,

hai bà như sống trong một cuộc canh thức dài.

Họ chỉ mong cho chóng sáng để ra viếng mộ.

Các bà là những người đến mộ đầu tiên,

nên được diễm phúc chứng kiến những điều kỳ diệu.

Đất rung chuyển dữ dội, một thiên thần chói ngời từ trời xuống,

lăn tảng đá che cửa mộ ra và ngồi lên trên.

Quyền năng uy nghi của Thiên Chúa đè bẹp sức mạnh của tử thần.

Tảng đá nặng nề chẳng cầm giữ được Đấng bị đóng đinh.

Các bà đi tìm Đấng đã chết nơi nấm mộ.

Nhưng Đấng ấy đâu có ở đây, vì Đấng ấy đã trỗi dậy rồi (v. 6).

Thiên thần mời các bà đến xem chỗ Người nằm để kiểm chứng.

Quả thực, chẳng còn thân xác Người ở đó, ngôi mộ trống trơn.

Nhưng sự trống trơn này lại thật là một tin mừng.

Vì nếu Người còn nằm đó thì ai dám nói Người đã sống lại.

Ngôi mộ trở nên trống là do bàn tay quyền năng của Thiên Chúa Cha.

Cha đã nâng con trỗi dậy và cho con được phục sinh.

Đấng bị đóng đinh đã chết và đã nằm xuống.

Đấng nằm xuống đã được nâng dậy và sẽ đi gặp môn đệ ở Galilê (c. 7).

Lòng vui như mở hội, các bà vội vã chạy về báo tin cho các môn đệ.

Đang khi chạy về thì chính Đấng phục sinh hiện ra đón gặp họ.

Ngây ngất vì cuộc gặp gỡ quá đỗi bất ngờ,

các bà chỉ biết phủ phục dưới chân Người mà thờ lạy (c. 9).

Thầy Giêsu không dặn điều gì khác với vị thiên thần ngoài mộ.

Chỉ có điều Thầy vẫn gọi các môn đệ là anh em (c. 10),

dù họ đã bỏ rơi Thầy trong lúc Thầy cần đến họ nhất.

Rõ ràng Thầy Giêsu phục sinh muốn tha thứ và làm hòa với họ.

Các phụ nữ đã trở nên những chứng nhân đầu tiên của sự phục sinh.

Họ đã thấy ngôi mộ trống, hơn nữa, họ còn được gặp Đấng sống lại.

Nhờ họ mà có cuộc gặp gỡ giữa Thầy Giêsu và các môn đệ ở Galilê.

Giáo Hội hôm nay cần những người có kinh nghiệm gặp Chúa,

để loan báo Tin Mừng và giúp người khác gặp Chúa.

Lúc nào Giáo Hội cũng cần những Maria cháy bỏng một tình yêu.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu phục sinh

Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,

xin cho con biết sống

cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.

Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.

Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.

Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.

Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.

Vượt qua những thành kiến con có về người khác...

Chính vì Chúa đã phục sinh

nên con vui sướng và can đảm vượt qua,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh

gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,

tin tưởng và niềm vui.

Ước gì ai gặp con

cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của ,,,

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Người đã sống lại thật

1- Một phi thuyền đang du hành trong vũ trụ từ ngày 20/08/1977 để tìm xem có sự sống loài người nào trên các hành tinh không? Phi thuyền bắt đấu thăm dò từ hỏa tinh, mộc tinh, thổ tinh, thiên vương tinh, hải tinh, diêm tinh và phải vượt qua thái dương hệ 40.000 năm nữa mới tới một hành tinh gần nhất. Sau đó phi thuyền phải bay 100 triệu năm nữa mới tới một hành tinh xa hơn. Phi thuyền đem theo một đĩa vàng có thể tồn tại hơn 100 triệu năm để phát ra 106 tín hiệu diễn tả văn hóa loài người đi thăm dò xem có thế giới loài người nào khác đáp lại chăng? Thật là một kỳ công đi tìm sự sống loài người khác, ngoài thế giới loài người trên trái đất này.

2- Đêm Phục sinh này, Đức Giêsu đang đáp lại tín hiệu của loài người đi tìm sự sống xa lạ đó, một sự sống không còn đau khổ, không còn thập giá, không còn mạo gai đinh đóng, lưỡi đòng, không còn nếm dấm chua mật đắng, không còn bị chôn trong mồ, không còn phải chết ở đâu nữa. Đó là sự sống lại của Đức Giêsu. Sự sống lại của Đức Giêsu làm cho thập giá trở nên Thánh giá cứu độ, làm cho mạo gai trở nên triều thiên, lưỡi đòng trở nên lò lửa yêu mến của Thánh Tâm, dấm chua trở nên mật ngọt, cửa mồ phải bật tung ra, chỗ nằm u tối trở nên sáng ngời, sự chết đời đời trở nên sự sống trường sinh.

Bài đọc một sách Sáng Thế cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã biến đổi tối tăm mù mịt, u ám mông quạnh, ra sáng láng chan hòa sức sống tươi mát, rực rỡ như buổi bình minh, thông thoáng như cảnh chiều dương, vạn vật sinh động, vui thỏa, nhuộm muôn mầu ngàn sắc. Đó là cảnh Phục sinh mà Thiên Chúa đã sáng tạo thuở ban đầu. Thiên Chúa đã cho con người sống vương giả trong cảnh trời đất huyền diệu đó như trong vườn thượng uyển của vua nước Trời.

3- Con người được sống vương giả, chính ra càng ngày càng trở nên xứng đáng với sứ mệnh cao cả của Thiên Chúa đã ban cho mình. Trái lại, con người: nhân dục vô nhai, dục vọng vô bờ, lòng tham không đáy, no bụng đói con mắt, thèm thuồng đủ thứ nên đã nếm phải nọc độc của rắn quỷ. Tham thực cực thân, ăn no tức bụng. Nọc độc đã cướp đi sự sống vương giả của con người. Lịch sử đã cho thấy bao nhiêu triều đại đế vương sụp đổ chỉ vì những ông hoàng bà chúa sống vương giả, được voi đòi tiên, ăn chơi trác táng, tranh bá đồ vương, chém giết lẫn nhau. Đức Giêsu nhiều lần đã nói những dụ ngôn về các ông bá hộ như thế, chẳng bao lâu họ phải bỏ mạng: “Đồ ngốc đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi” (Lc. 12, 20). Tổ tiên loài người đã sống mất mạng vì lối sống phú hộ đó. Cain đã giết em, Evà đã kinh hoàng ôm lấy xác con vào lòng đầy đau xót chỉ vì bà đã ham mê nuốt trái cấm đầy quyến rũ ngon ngọt. “Chỉ vì một người đã sa ngã mà sự chết đã thống trị, thì Thiên Chúa làm qua một Người là Đức Giêsu Kitô sự sống lại được ban dồi dào” (Rm. 5, 12, 17-19).

4- Đêm nay, Đức Giêsu đã phục sinh sự sống dồi dào cho con người, cho chúng ta. Đêm nay Đức Giêsu đã giải phóng con người chúng ta khỏi thần chết như Mosê đã giải phóng cho dân Israel khỏi nô lệ khốn cùng của Ai cập. Israel đã dứt bỏ mọi quyến luyến Ai cập, chỗi dậy theo lệnh Mosê, vâng lời Thiên Chúa vượt qua biển máu, nên Thiên Chúa đã ra tay chôn vùi quân địch đeo bám họ dưới đáy biển máu và đã dẫn đưa họ về sống trong miền đất tự do chảy sữa và mật (Bài đọc 3). Đêm nay, chúng ta cũng phải dứt bỏ mọi quyến luyến tội lỗi, chỗi dậy theo lệnh Giáo hội, vâng lời Thiên Chúa vượt biển chết tội lỗi, thì sẽ được Đức Giêsu giải phóng ta khỏi tà thần, tiêu diệt quỷ dữ, dẫn đưa ta về miền đất phục sinh vinh quang muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu, con đã chết và qua phép Rửa tội, Chúa đã cho con được chỗi dậy từ cõi chết. Con xin hết lòng cảm tạ Chúa vì Chúa hảo tâm vì đức từ bi Người muôn thuở. Xin Chúa gìn giữ con, ấp ủ con trong nguồn Phục sinh muôn đời của Chúa (2Cr. 3, 1-4; Tv. 117).

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)

 

SUY NIỆM 3: Niềm hy vọng Phục Sinh

Lối xóm gọi anh là Tư còm vì thân hình gầy còm, lại sáng xỉn, chiều say, tối lăn quay, ngày mai nhậu tiếp và khi nhậu say, anh chửi bới tất cả xóm làng không trừ ai. Người ta tìm hiểu được biết anh có một vợ năm con, đạp xích lô suốt ngày không đủ nuôi mấy miệng ăn. Các con anh lần lượt bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí, nhà anh nằm trên vũng sình lấy và dột nát. Sống trong hoàn cảnh kéo dài tháng này qua năm khác như thế, anh đâm ra thất vọng nên mượn chén rượu giải sầu, nhưng chén rượu càng vơi, thì chén sầu càng đầy ắp.

Hiểu được hoàn cảnh của anh, lối xóm kẻ công người của cất lại cho anh căn nhà trên đất liền chắc chắn và kín đáo; lối xóm lại tiếp tục đem đến lon gạo, bó củi, cái nồi, cái dao, cái chén, cái tô. Thế là anh có đủ vật dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày và một căn nhà đàng hoàng bảo đảm cho sức khỏe; các con anh cũng được các bà mẹ nhận đỡ đầu và đài thọ học phí, tất cả đều được đi học trở lại. Quá cảm động trước lòng ưu ái của bà con lối xóm, anh Tư còm đã bỏ rượu hẳn và bắt đầu giữ đạo sốt sắng cùng với gia đình anh.

Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói: anh Tư còm được phục sinh từ cõi chết của những ngày say sưa và bê trễ. Anh đã chết cho tính nghiện ngập của mình và sống lại trong tình yêu thương của Chúa và của mọi người.

Chúng ta đã trải qua 40 ngày của Mùa Chay là thời gian chuẩn bị cho Phục Sinh bằng ăn năn sám hối, hãm mình đền tội, thực thi bác ái. Giờ đây chúng ta sắp mừng lễ Phục Sinh. Chúng ta vui mừng vì Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, chúng ta cũng hân hoan vì Ngài đã hứa cho chúng ta được Phục Sinh với Ngài. “Cùng chết với Ngài, chúng ta sẽ được sống lại với Ngài”. Qua việc lặp lại lời tuyên hứa sau khi chịu phép thanh tẩy trong nghi thức Vọng Phục Sinh, chúng ta khẳng định lại chân lý này và cố gắng mỗi ngày chết cho tội nhiều hơn để sống lại với Chúa trọn vẹn hơn.

Trong biến cố Phục Sinh, với quyền năng Thiên Chúa, ngôi mộ chôn cất Chúa Giêsu đã mở ra và Ngài đã bước ra khỏi mồ. Cũng với quyền năng Thiên Chúa, những hòn đá chôn vùi cuộc đời chúng ta sẽ bị lăn đi. Đó có thể là hòn đá của ích kỷ chỉ biết đến lợi riêng của mình. Đức Kitô Phục Sinh sẽ giúp chúng ta lăn hòn đá ấy đi để biết dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân. Đó có thể là hòn đá tham lam, mê ăn uống đã từng đè nặng tâm hồn và thân xác chúng ta. Đó có thể là hòn đá lãnh đạm, thiếu tình thương đã ngăn cản chúng ta phục vụ Chúa và anh em. Đó có thể là hòn đá an phận, nhút nhát khiến chúng ta chỉ giữ đạo ngày Chúa Nhật qua việc đọc kinh, xem lễ. Đức Kitô Phục Sinh sẽ giúp chúng ta sống đạo, sống niềm tin, thực thi bác ái tích cực hơn.

Mỗi năm khi mừng lễ Phục Sinh, chúng ta chiêm ngưỡn tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và chúng ta đón nhận sức mạnh của Đức Kitô để phá vỡ những hòn đá chôn vùi cuộc đời mình. Để thực sự sống lại với Đức Kitô, trong ngày hôm nay, chúng ta hãy tìm thời giờ sống những giây phút thinh lặng để tìm xem những hòn đá nào cần phải lăn đi, như thiếu trong sạch, lười biếng, không lương thiện, kiêu căng, giận hờn, ghen tương. Cùng với Đức Kitô, chúng ta hãy ném nó ra khỏi cuộc đời chúng ta, để tận hưởng niềm vui Phục Sinh trọn vẹn hơn. Nhưng Phục Sinh cuộc đời mình mà thôi chưa đủ, mỗi người chúng ta còn có bổn phận giúp thân nhân, bạn hữu và đồng loại cùng hưởng ơn Phục Sinh.

Chúa đã chết cho chúng ta được sống, chúng ta quyết tâm tiếp tục cuộc sống của Chúa: dám sống cho một niềm tin và dám chết cho một cuộc tình. Tin vào tình thương của Chúa, chúng ta xin tận hiến cuộc đời để sống trọn luật yêu thương: yêu Chúa và thương anh em.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Niềm Hy Vọng Phục Sinh

Bài Giảng của ÐTC Gioan Phaolô II

trong Ðêm Vọng Phục Sinh năm 2002

1. "Thiên Chúa phán: "Hãy có ánh sáng"; và có ánh sáng" (St 1,3).

Một sự bùng nổ của ánh sáng, mà Lời Chúa mang đến từ hư vô, xé toạc màn đêm đầu tiên, đêm của Tạo Dựng.

Thánh Tông Ðồ Gioan viết: "Thiên Chúa là ánh sáng, và trong Ngài, chẳng hề có tối tăm" (1Ga 1,5). Thiên Chúa đã không tạo nên bóng tối nhưng là ánh sáng! Và sách Khôn Ngoan, tiết lộ rõ ràng rằng công việc Thiên Chúa luôn có mục đích tích cực, thế nên: "Ngài tạo ra muôn vật để chúng hiện hữu, và các loài trên thế giới loài nào cũng lành mạnh. Và giữa chúng, không thấy loại nào mang nọc độc phá hoại, và dương thế thì tương khắc với cõi âm" (Khôn ngoan 1,14).

Trong đêm đầu tiên, đêm của Tạo Dựng, đâm rễ Mầu Nhiệm Phục Sinh, mầu nhiệm mà theo sau thảm kịch của tội lỗi, tiêu biểu cho sự phục hồi và đăng quang của sự bắt đầu tiên khởi ấy. Ngôi Lời chí thánh tạo ra muôn vật và, trong Chúa Giêsu, đã hóa thành nhục thể cho sự cứu độ chúng ta. Và nếu thân phận của Ađam đầu tiên là trở lại với đất từ nơi đã được tạo thành (x. St 3,19), Ađam cuối cùng đã đến từ trời cao để quay lại đó trong vinh quang, hoa quả đầu mùa của nhân loại mới (x. Ga 3,13; 1Cor 15,47).

2. Một đêm khác nữa thiết lập biến cố nền tảng trong lịch sử Israel: đó là cuộc Xuất Hành kỳ diệu từ Ai Cập, câu chuyện được đọc mỗi năm trong đêm Vọng Phục Sinh long trọng.

"Chúa khiến gió đông thổi lên thật mạnh càn quét mặt biển suốt đêm, làm cho biển cạn hết. Nước rẽ đôi như vậy đã giúp con dân Israel đi thẳng vào lòng biển như đi trên đất khô, với nước dựng như bờ tường hai bên tả hữu họ" (Xuất hành 14,21-22). Dân Chúa được sinh ra trong "phép rửa tội này" nơi Biển Ðỏ, khi họ chứng kiến cánh tay quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng cứu họ khỏi nô lệ để dẫn đưa họ đến miền đất hứa của tự do, công lý và hòa bình.

Ðây là đêm thứ hai, đêm của Xuất Hành.

Lời tiên tri của Sách Xuất Hành ngày hôm nay, cũng được thực hiện cho chúng ta, những người là Dân Israel theo Thần Khí, hậu duệ của Abraham do bởi đức tin (x. Rm 4,16). Trong cuộc Vượt Qua của Ngài, như Môisen mới, Ðức Kitô đã cho chúng ta vượt qua sự nô lệ của tội lỗi để đến với sự tự do của con cái Thiên Chúa. Nếu chúng ta cùng chết với Ðức Giêsu, chúng ta sẽ vươn tới cuộc sống mới, nhờ vào quyền năng của Thánh Thần của Ngài. Phép Rửa của Ngài đã trở nên phép rửa của chúng ta.

3. Cả anh chị em cũng sẽ nhận được phép Rửa này, phép Rửa đưa chúng ta vào trong cuộc sống mới, những tân tòng thân mến từ nhiều quốc gia: từ Albania, Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Ba Lan, và Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Hai người trong số anh chị em, một bà mẹ Nhật Bản và một bà mẹ Trung Quốc, mỗi người mang theo với mình một cháu bé, như thế, trong cùng một nghi thức này, cả mẹ lẫn con đều cùng được rửa tội.

"Trong đêm cực thánh này", khi Ðức Kitô trỗi dậy từ kẻ chết, anh chị em cũng sẽ cảm nhận một cuộc "xuất hành" thiêng liêng: hãy bỏ lại phía sau cuộc đời trước đây của anh chị em và tiến vào "miền đất của sự sống". Ðây là đêm thứ ba, đêm của sự Phục Sinh.  4. "Ðêm diễm phúc của tất cả các đêm, được Thiên Chúa chọn để thấy Ðức Kitô trỗi dậy từ kẻ chết!" Chúng ta hát lên những lời này trong lời Công Bố Phục Sinh vào đầu buổi Canh Thức long trọng, Mẹ của mọi đêm Canh Thức.

Sau đêm thảm kịch của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi "quyền lực của tối tăm" (Lc 22,53) dường như thắng thế trên Ðấng là "ánh sáng thế gian" (Ga 8,12), sau cái yên lặng bao trùm của Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, trong đó Ðức Kitô, sau khi hoàn tất công việc của Ngài trên trần gian, nghỉ ngơi trong mầu nhiệm của Chúa Cha và mang sứ điệp của sự sống vào trong cõi âm, cuối cùng chiêm ngắm đêm trước "ngày thứ ba", mà theo Thánh Kinh, Ðấng Mêsia sẽ trỗi dậy, như chính Ngài thường báo trước cho các môn đệ của Ngài.

"Ðêm thật hồng phúc, khi thiên đàng giao duyên cùng thế gian và con người được hòa giải với Thiên Chúa!" (Công Bố Phục Sinh).

5. Ðây là đêm của các đêm, đêm của đức tin và hy vọng. Trong khi tất cả đang chìm trong bóng đêm, Thiên Chúa - Ánh Sáng - vẫn chiêm ngắm. Cùng với Ngài, những người hy vọng và tín thác nơi Ngài cũng chiêm ngắm.

Lạy Ðức Mẹ, đây thật là đêm của Mẹ! Khi những ánh sánf cuối cùng của ngày Sabát tắt dần, và hoa quả của lòng Mẹ nằm trong lòng đất, trái tim của Mẹ cũng chiêm ngắm! Ðức tin của Mẹ và hy vọng của Mẹ nhìn tới trước. Ðàng sau tảng đá nặng nề, đức tin và hy vọng của Mẹ đã thấy trước ngôi mộ trống không; đàng sau màn đêm dày đặc, đức tin và hy vọng của Mẹ đã le lói buổi ban mai của sự Phục Sinh.

Lạy Mẹ, xin cho chúng con cũng chiêm ngắm trong sự yên lặng của đêm nay, tin tưởng và hy vọng vào Lời Thiên Chúa. Như thế chúng con sẽ gặp, trong sự viên mãn của ánh sáng và cuộc sống, Ðức Kitô, hoa quả đầu mùa của sự sống lại, đấng hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cho đến muôn đời. Allêluia!

+ Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng

(Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Ðặng Minh An)

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây