Thứ hai tuần 3 Mùa Chay.

Chủ nhật - 15/03/2020 08:34

Thứ hai tuần 3 Mùa Chay.

“Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu”.

 

Lời Chúa: Lc 4, 24-30

(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.

 

 

SUY NIỆM 1: Băng qua giữa họ mà đi

Suy niệm :

Trong Mùa Chay Giáo Hội cho chúng ta nghe

về kết cục khá bất ngờ và đau đớn của Đức Giêsu

khi Ngài trở về với hội đường của làng Nazareth thân quen.

Nơi đây Ngài gặp lại những người đồng hương.

Họ ngỡ ngàng trước những lời Ngài giảng.

Họ muốn Ngài làm những điều Ngài đã làm ở Caphácnaum (Lc 4, 23).

Nhưng Đức Giêsu đã đáp lại bằng câu tục ngữ:

“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê nhà của mình” (c. 24).

Đức Giêsu tự nhận mình là một ngôn sứ.

Như những ngôn sứ khác trong lịch sử Israel,

Ngài cũng không được đón nhận và tin tưởng bởi những người cùng quê.

Họ nghĩ mình đã quá biết Ngài, biết gia tộc, biết nghề nghiệp,

biết quá khứ từ ấu thơ đến lúc trưởng thành.

Chính cái biết ấy, đúng nhưng không đủ,

lại trở thành một chướng ngại cho việc họ nhận ra Ngài thật sự là ai.

“Ông này không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4, 22).

Đúng Ngài là con ông Giuse, một người thợ mộc.

Đúng ngài là ông thợ mộc độc thân người làng Nazareth.

Giêsu Nazareth là tên được ghi trên thập tự,

Nazareth sẽ mãi mãi đi với tên Ngài để phân biệt ngài với những Giêsu khác.

Đức Giêsu chẳng bao giờ coi thường Nazareth, quê nhà của mình.

Ngài quen biết những khuôn mặt trong hội đường này và yêu mến họ.

Nhưng sứ mạng của Ngài trải rộng hơn Nazareth nhiều.

Ngài cho thấy mình không bị trói buộc bởi mối dây làng xã,

cũng không bị giữ chân bởi những người đồng bào cùng tôn giáo.

Để biện minh cho thái độ rộng mở của mình,

Đức Giêsu đã nhắc đến hành động của hai vị ngôn sứ thời Cựu Ước.

Êlia, vị ngôn sứ đầy quyền năng, được Thiên Chúa sai đến với một bà góa.

Bà này là một người dân ngoại sống ở Siđôn vùng dân ngoại.

Êlisa, vị ngôn sứ học trò của Êlia, đã chữa bệnh phong cho Naaman.

Ông này là người dân ngoại, chỉ huy đạo quân của Syria.

Như thế các vị ngôn sứ nổi tiếng đã không bị bó hẹp trong dân Do thái.

Họ đã mở ra với dân ngoại.

Đức Giêsu cũng chẳng bị giới hạn bởi bất cứ biên cương nào.

Ngài chẳng dành cho quê nhà Nazareth một ưu tiên nào.

Phải chăng vì thế mà Ngài làm họ phẫn nộ đến độ muốn xô Ngài xuống vực?

Nỗi đe dọa lại đến từ chính những người đồng hương.

Làm sao chúng ta nhận ra và chấp nhận những ngôn sứ bề ngoài rất bình thường

đang sống trong cộng đoàn chúng ta hôm nay?

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nazareth đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Đời sống đức tin thật.

Trong cuốn phim Mỹ do tài tử Marcel Marso thủ diễn có kể câu chuyện sau:

Một thanh niên đang lim dim đôi mắt tận hưởng ánh nắng tuyệt vời vào một ngày đẹp trời. Nhưng bỗng nhiên niềm vui của anh bị quấy rầy do tiếng ồn ào của đám trẻ, tiếng chó sủa, tiếng chim hót, tiếng người qua lại. Mỗi tiếng động đều có nguyên do và niềm vui riêng của nó, nhưng đối với chàng, tất cả đều trở thành cực hình. Để chống lại sự phiền nhiễu ấy, anh xây quanh mình một bức tường ngăn cách âm thanh. Mỗi tiếng động vọng tới là mỗi lần anh gắng sức xây. Cứ như thế bức tường lớn cao dần, cho đến lúc ngăn cản được hết mọi tiếng động, thì bức tường cũng che mất ánh nắng tuyệt vời, bức tường trở thành chiếc mộ khổng lồ giam hãm anh trong đó.

Dân Do Thái cũng đã được tắm gội ánh sáng. Đó là niềm tin được trao ban từ Tổ phụ Abraham. Tuy nhiên, vì tự mãn, ích kỷ, họ đã hành động chẳng khác gì chàng thanh niên trên. Không chịu mở lòng đón nhận khiến niềm tin của họ trở nên khô cằn mất sức sống. Xây lên bức tường để bảo vệ mình hoá ra lại tự hại chính mình.

Chúa Giêsu đã chỉ trích thái độ đó trong bài Tin mừng hôm nay. Người Do Thái trong Hội đường Nazaret đã tìm cách hãm hại Chúa Giêsu khi Ngài lên tiếng chê trách niềm tin của họ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng bất bình về việc làm của nhóm người này, nhưng kỳ thực nhiều khi trong cuộc sống chúng ta đã sao chép nguyên bản việc làm ấy. Tự hào là Kitô hữu, là người nắm giữ niềm tin nhưng niềm tin trong chúng ta chỉ còn là ngọn đèn leo lét, chỉ là thân cây mất nhựa sống chờ ngày gẫy đổ. Đó là thứ niềm tin mà tác giả cuốn sách “Đường Hy Vọng” đã nhắc nhở: “Nhiều người nói tôi có đức tin, tôi còn đức tin, có lẽ đức tin của giấy khai sinh, không phải đức tin của đời sống. Ít người sống theo đức tin. Đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin lý thuyết, hình thức, nhưng phải sống một đức tin chân thực, thiết ái, trung thành”.

Tự mãn với chính mình mà không chịu mở lòng đón nhận khiến người Do Thái đã mất đi Chúa Giêsu –nền tảng của niềm tin. Cũng vậy, nếu Kitô hữu chỉ đóng khung trong một nghi thức, luật lệ, thì sớm muộn gì họ cũng xa cội nguồn sự sống, vì sống là gì nếu không phải là một luân lưu trao đổi. Con người sẽ chết khi hệ tuần hoà không lưu chuyển, hệ thần kinh không vận động. Đời sống đức tin cũng đòi hỏi một sự luân lưu trao đổi với Thiên Chúa và với anh em.

Đối với người Kitô hữu, tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương, Chúa không phải là Đấng bắt con người ta phải kính mến, nói đúng hơn Thiên Chúa là Đấng mà con người phải để cho Ngài yêu thương vô hạn. Tin là chấp nhận Đức Kitô và quyết tâm sống chết cho Ngài.

Trong Mùa Chay này, xin cho chúng ta biết trở về, trở về trước hết trên căn bản của một đức tin không co cụm trong lý thuyết, trong nghi lễ, nhưng là biết mở rộng lòng đón nhận để tìm được ý nghĩa đích thực của đời sống đức tin.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Không một tiên tri nào

Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. (Lc. 4, 24)

Lại thêm một lần đòi dấu lạ. Con người nổi dậy chống Thiên Chúa, họ đòi Ngài phải chứng tỏ sứ vụ tiên tri của Ngài bằng cách làm hài lòng và thỏa mãn họ. Nhưng Thiên Chúa phải cúi phục trước con người sao? Thiên Chúa ban ơn cứu độ, nhưng Ngài chỉ ban cho kẻ tin kính vâng lời Ngài, cho kẻ trông chờ trong kiên nhẫn âm thầm. Ngài đòi có đức tin, vâng lời nhận lãnh biết ơn đối với tất cả tâm tình của họ.

Dân làng Na-gia-rét không nhận biết Đức Giê-su, vì họ phán đoán hoàn toàn theo sở thích loài người. Đức Giê-su là ngôn sứ, Người hành động theo sứ mạng Thiên Chúa.

Không phải những đòi hỏi của người trần ấn định cho hành động của các ngôn sứ, của Đức Ki-tô, các ngài không hành động vì lợi riêng cho mình. Các ngài chỉ hành động theo ý Thiên Chúa. Ngôn sứ không được hành động theo quyết định bản thân mình, nhưng luôn luôn theo quyết định của Thiên Chúa, Đấng đã sai mình.

Thiên Chúa quyết định cho hai ngôn sứ: Ê-li-a và Ê-li-sê đến làm phép lạ cứu giúp những người lương dân, chứ không cứu người đồng hương. Đức Giê-su không hoàn toàn đến thực hiện ơn cứu độ cao cả cho quê hương mình, Người phải đi cứu độ những người dân xa lạ. Thiên Chúa dành cho mình có quyền tự do phân phát ơn cứu độ.

Không ai có thể đòi quyền được ơn cứu độ. Quả thật như vậy, không ai được phép đòi có quyền đó, phải tin ơn cứu độ mình được là nhưng không. Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su rao giảng và thực hiện ơn cứu độ cho những người Thiên Chúa yêu thương. Ơn cứu độ là một ân huệ chứ không do công lao mình làm. Nhưng đó là ân huệ chúng ta được quyền hưởng vì Đức Giê-su đã chết cho chúng ta, và chúng ta phải sống hoàn toàn theo ý Cha của Người, đó là điều kiện căn bản, còn chúng ta vẫn có tự do đón nhận hay từ chối ơn cứu độ.

Nhờ Đức Giê-su, Thiên Chúa đến viếng thăm dân Ngài và ban các ân huệ dồi dào, xưa kia Ngài cũng ban cho dân như vậy qua các ngôn sứ, số phận các ngôn sứ thế nào thì số phận Đức Giê-su cũng vậy.

J.M

 

SUY NIỆM 4: KHÔNG CHỪNG SẼ MẤT ƠN CỨU ĐỘ VÌ KIÊU NGẠO! (Lc 4,24-30)

Quê hương đã trở nên máu thịt cho mỗi người. Nó chẳng khác gì tâm tư của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

Với nhà thơ Đỗ Trung Quân thì: “Quê hương là chùm khế ngọt, nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Vì thế, trong dân gian, người ta không ngớt khen ngợi quê hương và tự hào: “Không nơi đâu đẹp bằng quê hương mình”; hay để nói về tình nghĩa quê hương, người ta cũng thường nhắc nhở nhau: “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Những tâm tình ấy cho chúng ta thấy một điều là: nơi mà mình đã từng chôn nhau cắt rốn sẽ theo ta suốt cuộc đời, và dù có đi muôn phương ngàn lối, nhưng ai cũng chỉ có một chốn để về, đó là quê hương.

Có lẽ mang trong mình tâm tình ấy, nên Đức Giêsu cũng đã trở về quê hương của Ngài, nhưng điều oái oăm thay, dân làng đã không đón nhận Ngài, ngược lại, họ tìm cách để hãm hại Ngài. Vì thế, Đức Giêsu đã nói một câu bất hủ mang tính tiên tri: “Không tiên tri nào được sùng mộ nơi quê hương”.

Thật thế, người đương thời với Đức Giêsu, họ không thể chấp nhận một con người bình dân học vụ như thế mà lại là Đấng Cứu Thế! Dưới mắt họ, Ngài chỉ là con của ông thợ mộc Giuse và bà Maria, bản thân Ngài không hơn không kém một thanh niên như mọi thanh niên khác trong làng.

Chính sự coi thường, khinh khi, nên lòng họ ra chai cứng, không còn khiêm nhường, nhạy bén để nhận ra Đấng Uy Quyền, là Chúa Tể trời đất đang ở giữa họ, vì thế, họ đã khước từ chân tính đích thực của Đức Giêsu. Thấy vậy, Đức Giêsu mặc khải cho họ biết: họ sẽ không được bằng dân ngoại, và ơn cứu độ lẽ ra đến với họ trước tiên và phong phú, nhưng khi đã từ chối thì ơn đó sẽ đến với dân ngoại.

Xuyên suốt câu chuyện Tin Mừng cho chúng ta thấy, người Dothái "thích sự thật khi sự thật tán tụng họ, nhưng họ căm ghét sự thật khi sự thật lên án họ" (thánh Augutstinô).

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn của mình để cần đến ơn cứu độ. Cần tránh thói hư là: “Gần Chùa gọi Bụt bằng anh”; hay  “bụt nhà không thiêng”. Hãy biết tôn trọng anh chị em mình trong sự thật, đừng vì ghen ghét, hiềm khích hay sợ người anh em trổi trang hơn mình mà ra tay làm hại hay nói năng những lời nguy hại đến thanh danh tiếng tốt của họ! Làm như thế, ấy là chúng ta đang đi vào vết xe đổ của những người đồng hương với Đức Giêsu, và như một lẽ tất yếu, chúng ta sẽ mất ơn cứu độ vì không thuộc về Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết tôn trọng và yêu mến mọi người. Nhất là những người cùng sống và làm việc trên quê hương với chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

SUY NIỆM:

1. Biết và tin

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là phần kết của trình thuật kể về biến cố Đức Giê-su trở về Nazareth, là nơi Ngài sinh trưởng. Những người cùng quê với Đức Giê-su, khi nghe Ngài giảng giải Lời Chúa, lúc đầu họ đã tỏ ra rất thán phục, như thánh Luca kể lại : « mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người » (c. 22). Nhưng ngay sau đó, họ nêu vấn nạn, khởi đi từ những gì họ biết về Đức Giê-su : « Ông này không phải là con ông Giuse đó sao ? ». Khi kể lại chuyện này, Tin Mừng theo thánh Mác-cô nói chi tiết hơn : « Ông ta không phải là người thợ mộc, con bà Maria, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xét, Giu-đa và Simon sao ? Chị em của ông phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ? » (Mc 6, 3).

Điều làm cho chúng ta phải kinh ngạc đó là, thay vì qua việc đích thân biết rõ thân thế Đức Giêsu, họ sẽ dễ dàng tin nơi căn tính thần linh của Ngài, thì chính sự hiểu biết này lại ngăn cản họ tin vào Đức Giêsu. Chính vì thế, trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su nói :

Không một ngôn sứ nào
được chấp nhận tại quê hương mình.

Và điều này vẫn còn xảy ra hôm nay, vì có những người nghiên cứu cuộc đời Đức Giê-su ; nhưng nghiên cứu một hồi thì mất đức tin ! Tại sao lại như vậy ? Đó là vì họ giản lược căn tính thần linh của Đức Giê-su vào bình diện của những điều họ đã biết, nghĩa là bình diện kiến thức lịch sử, mà phần lớn chỉ dựa trên suy đoán hay bị chi phối nặng nề bởi thái độ nghi hoặc. Trong khi đó, căn tính thần linh của Ngài chỉ có thể là đối tượng của lòng tin, là hoa trái của gặp gỡ đích thân, của đón nhận, của hành trình đi theo và trở nên một, đến từ lòng khao khát Thiên Chúa, nhận ra, cảm nếm dấu vết Thiên Chúa nơi ngôi vị lạ lùng của Ngài trong tương quan với sáng tạo và lịch sử, với cuộc đời cụ thể của mỗi người chúng ta.

– Thiên Chúa sáng tạo con người để thông truyền sự sống, ơn huệ sự sống được diễn tả và cụ thể hóa bởi ơn lương thực, được ban cho chúng ta mỗi ngày (St 1, 29 ; Tv 136, 25). Và nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa trao ban chính mình làm lương thực, để cho con người được sống và sống dồi dào : « Này là mình Thầy, anh em hãy cầm lấy mà ăn ».

– Tuy nhiên, lịch sử cứu độ, lịch sử của loài người, lịch sử của mỗi người chúng ta đầy những thăng trầm thuộc phận người, đầy tội lỗi vì bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ và sự chết. Vậy Thiên Chúa còn trung tín với ý muốn thông truyền sự sống cho con người không ? Nơi Đức Ki-tô, nhất là trong mầu nhiệm Vượt Qua của Người, Thiên Chúa mang lấy « mọi bệnh hoạn tật nguyền » của loài người chúng ta, của từng người chúng ta, để nói chúng ta rằng, Thiên Chúa yêu thương con người, yêu thương từng người chúng ta đến cùng, và tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh hơn Sự Dữ và sự chết.

Như thế, căn tính thần linh của Đức Giê-su sẽ rạng ngời nhất nơi mầu nhiệm Vượt Qua, như viên Đại Đội Trường Roma đã tuyên xưng khi chứng kiến cách Đức Giê-su chịu thương khó : « Quả thật, người này là Con Thiên Chúa » (Mc 15, 39).

2. Ghen tị

Còn một lý do khác nữa, khiến cho họ không thể đón nhận Đức Giêsu, đó là lòng ghen tị. Người ghen tị là người không chấp nhận sự khác biệt ; họ ham muốn và muốn sở hữu tất cả những điều tốt mà người khác có. Nhưng điều này là không thể được ; và thay vì bình an đón nhận sự khác biệt, họ tìm cách phá hủy những điều tốt nơi người khác ; hay ít nhất, cảm thấy vui mừng và hả hê khi người khác bị tai họa. Và đó chính là thái độ ghen tị của những người lắng nghe Đức Giê-su trong Tin Mừng.

Trước hết, họ lắng nghe Đức Giê-su với lòng thán phục ; nhưng sau đó, họ muốn Đức Giê-su cũng làm những gì mà Ngài đã làm ở những nơi khác : « Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! » Và dường như Đức Giê-su cố ý làm cho lòng ghen tị này phải lộ ra với tất cả sức mạnh hủy diệt của nó, khi kể lại chuyện của các ngôn sứ Ê-lia và Ê-lisa. Hơn nữa, Đức Giê-su đã so sánh số phận của mình với số phận của các ngôn sứ : « Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. “Quả thực, khi nghe Đức Giê-su nhắc lại chuyện cũ xong, và vì họ không có ngay được điều họ đòi hỏi, họ quay ra phẫn nộ ; sự phẫn nộ này tất yếu dẫn đến bạo lực : « Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực ». Như thế, hành vi phá hủy là điểm tới tất yếu của lòng ghen tị. Và những gì xẩy ra ở Nazareth đã loan báo cuộc Thương Khó của Đức Giê-su rồi.

3. « Cung cách Vượt Qua »

Nhưng thay vì trả đũa bạo lực bằng bạo lực, Đức Giê-su « băng qua giữa họ mà đi. » Trong mầu nhiệm Thương Khó cũng vậy, Đức Giê-su thinh lặng vượt qua giữa cơn lốc phản bội, ghen tị, sỉ nhục, gian dối, bạo lực để đi qua bờ bên kia của sự sống mới. Vì thế, trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giêsu dạy, chứ không chỉ báo trước mầu nhiệm Thương Khó ; điều này có nghĩa là, những gì sẽ xảy ra cho Ngài không phải để làm gương, đền bù hay kiểm chứng, nhưng là một lựa chọn, một kế hoạch hoàn tất, một mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Thật vậy, cuộc Thương Khó và Thập Giá Đức Ki-tô :

– Mặc khải sự dữ đang hoành hành nơi con người và cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ.

– Mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi và ban ơn chữa lành.

– Mặc khải sự thương cảm của Thiên Chúa đối với thân phận con người.

– Mặc khải thân phận con người không phải là hình phạt và cũng không phải là con đường dẫn đến sự chết, nhưng là đến sự sống, ngang qua sự chết.

Đó là « cung cách của Vượt Qua » mà Đức Giê-su đã hoàn tất cách trọn vẹn trong cuộc Thương Khó ; và « cung cách Vượt Qua » cũng chính là cung cách của tình yêu, như Thánh Phao-lô nói : « Tình yêu chịu đựng tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, kiên nhẫn tất cả » (1Cor 13, 7). Đó cũng là chính là « dấu vết thần linh » được tỏ hiện nơi ngôi vị của Đức Giê-su Nazareth, dành cho những ai khao khát Thiên Chúa và để dẫn họ đến sự sống, sự sống viên mãn ngay hôm nay.

* * *

Tin nơi Đức Ki-tô, chết và phục sinh, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Người mỗi ngày và nhất là trong Tuần Thánh, đón nhận ơn tái sinh Người ban và sống cung cách Vượt Qua của Người, tất cả làm nên một hành trình, hành trình đức tin của người môn đệ đi theo Đức Ki-tô và thuộc về Đức Ki-tô, ở mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Năng lực chữa lành và thanh tẩy của Đức Giêsu – SN song ngữ ngày 16.3.2020

 

Monday (Mrach 16):  Jesus’ power to heal and cleanse

 

Gospel Reading:  Luke 4:24-30  

21 And he began to say to them, “Today this scripture has been fulfilled in your hearing.  22 And all spoke well of him, and wondered at the gracious words which proceeded out of his mouth; and they said, “Is this not Joseph’s son?” 23 And he said to them, “Doubtless you will quote to me this proverb, `Physician, heal yourself; what we have heard you did at Capernaum, do here also in your own country.'” 24 And he said, “Truly, I say to you, no prophet is acceptable in his own country. 25 But in truth, I tell you, there were many widows in Israel in the days of Elijah, when the heaven was shut up three years and six months, when there came a great famine over all the land; 26 and Elijah was sent to none of them but only to Zarephath, in the land of Sidon, to a woman who was a widow. 27 And there were many lepers in Israel in the time of the prophet Elisha; and none of them was cleansed, but only Naaman the Syrian.” 28 When they heard this, all in the synagogue were filled with wrath. 29 And they rose up and put him out of the city, and led him to the brow of the hill on which their city was built, that they might throw him down headlong. 30 But passing through the midst of them he went away.

Thứ Hai     16-3              Năng lực chữa lành và thanh tẩy của Đức Giêsu

 

Lc 4,24-30

21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.23 Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! “24 Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Meditation: 

 

Do you believe that God wants to act with power in your life today? Power to set you free from sin and hurtful desires, fear and oppression. Throughout the Scriptures we see God performing mighty acts to save his people from death and destruction – from Noah’s ark that spared his family from the flood of wickedness that had spread across the land to Moses and the Israelites who crossed through the parting waters of the Red Sea as they fled the armies of Pharoah their slave Master and oppressor.

Throughout the Gospel accounts Jesus praised individuals who put their faith in God as they remembered the great and wonderful deeds he had performed time and again. Jesus even praised outsiders – non-Jews and pagans from other lands who had heard about the mighty deeds of the God of Israel. One example Jesus mentioned was Naaman the pagan army commander from Syria who was afflicted with leprosy – a debilitating skin disease that slowly ate away the flesh (2 Kings 5:1-15). Naaman’s slave-girl was a young Jewish woman who had faith in God and compassion for Naaman her master. She urged him to seek healing from Elisha, the great prophet of Israel.When Naaman went to the land of Israel to seek a cure for his leprosy, the prophet Elisha instructed him to bathe seven times in the Jordan river. Namaan was indignant at first, but then repented and followed the prophet’s instructions. In doing so he was immediately restored in body and spirit.

Healing the leprosy of soul and body

What is the significance of Naaman’s healing for us? Ephrem the Syrian (306-373 AD), an early Christian teacher from Edessa, tells us that Naaman’s miraculous healing at the River Jordan, prefigures the mystery of the healing which is freely granted to all nations of the earth by our Lord Jesus through the regenerating waters of baptism and renewal in the Holy Spirit (Titus 3:5).

“Therefore Naaman was sent to the Jordan as to the remedy capable to heal a human being. Indeed, sin is the leprosy of the soul, which is not perceived by the senses, but intelligence has the proof of it, and human nature must be delivered from this disease by Christ’s power which is hidden in baptism. It was necessary that Naaman, in order to be purified from two diseases, that of the soul and that of the body, might represent in his own person the purification of all the nations through the bath of regeneration, whose beginning was in the river Jordan, the mother and originator of baptism.” (commentary ON THE SECOND BOOK OF KINGS 5.10-1)

 Jesus told Nicodemus, “unless one is born of water and the Spirit, he cannot enter the kingdom of God” (John 3:5). The Lord Jesus wants to renew in each one of us the gift of faith and the regenerating power of baptism and the Holy Spirit (Titus 3:5) which cleanses us of the leprosy of sin and makes us “newborn” sons and daughters of God.

Confronting the sin of indifference and unbelief 

When Jesus first proclaimed the good news of God’s kingdom to his own townspeople at Nazareth (Luke 4:23-27), he did not hesitate to confront them with their sin of indifference and unbelief. He startled his listeners in the synagogue at Nazareth with a seeming rebuke that no prophet or servant of God could receive honor among his own people. He then angered them when he complimented Gentiles who had shown more faith in God than the “chosen ones” of Israel. Some who despised the Gentiles (non-Jews) even spoke of them as “fuel for the fires of hell.” Jesus’ praise for “outsiders” offended the ears of his own people because they were blind-sighted to God’s merciful plan of redemption for all the nations. The word of rebuke spoken by Jesus was met with indignation and hostility. The Nazarenes forcibly threw him out of their town and would have done him physical harm had he not stopped them.

The Lord brings healing and pardon to all who humbly seek him with faith and trust

We all stand in need of God’s grace and merciful help every day and every moment of our lives. Scripture tells us that “the steadfast love of the Lord never ceases, his mercies never come to an end; they are new every morning” (Lamentations 3:22-23). God gives grace to the humble who seek him with expectant faith and with a repentant heart that wants to be made whole and clean again.

 

The Lord Jesus will set us free from every sinful habit and every harmful way of relating to our neighbor, if we allow him to cleanse and heal us. If we want to walk in freedom and grow in love and holiness, then we must humbly renounce our sinful ways and submit to Christ’s instruction and healing discipline in our lives. Scripture tells us that the Lord disciplines us for our good that we may share his holiness(Hebrews 12:10). Do you want the Lord Jesus to set you free and make you whole again? Ask him to show you the way to walk in his healing love and truth.

 

“Lord Jesus, teach me to love your ways that I may be quick to renounce sin and wilfulness in my life. Make me whole and clean again that I may delight to do your will.”

Suy niệm:

 

Bạn có tin rằng Thiên Chúa muốn thực hiện quyền năng trong cuộc đời của bạn hôm nay không? Sức mạnh giải thoát bạn khỏi tội lỗi và những ước muốn tai hại, sự sợ hãi và lo lắng. Qua Kinh Thánh, chúng ta thấy Thiên Chúa thể hiện quyền năng để cứu dân Người khỏi cái chết và tiêu diệt – từ con tàu Noê đã cứu sống gia đình ông khỏi nạn lụt khốc liệt lan tràn khắp mặt đất, cho tới Môisen và dân Israen đã vượt qua dòng nước tách đôi của Biển Đỏ khi họ chạy trốn quân đội của vua Pharaô, là chủ nhân sự nô lệ của họ và gánh nặng của họ.

Qua các câu chuyện Tin mừng, Đức Giêsu đã khen ngợi những ai đặt niềm tin của họ nơi Thiên Chúa khi họ nhớ tới những việc làm lạ lùng và kỳ diệu mà Người đã thực hiện qua thời gian. Đức Giêsu thậm chí khen ngợi người ngoài – không phải là Dothái và dân ngoại từ những vùng đất khác, những người đã nghe nói về những việc lạ lùng của Thiên Chúa Israen. Một ví dụ khi Đức Giêsu nói tới ông Naaman, tướng lãnh quân đội người ngoại đạo xứ Siria bị bệnh cùi – 1 căn bệnh yếu da thịt bị ăn dần ăn mòn (2K 5,1-15). Bé gái nô lệ của Naaman là đứa bé người Dothái có niềm tin vào Thiên Chúa, trắc ẩn cho Naaman, ông chủ của mình. Cô khích lệ ông đi tìm sự chữa lành từ ngôn sứ Êlisa, ngôn sứ vĩ đại của Israen. Khi Naaman đi tới vùng đất Israen để tìm sự chữa lành cho bệnh phong của mình, ngôn sứ Êlisa đã dạy ông đi tắm bảy lần ở sông Giođan. Naaman lúc đầu đầy căm phẫn, nhưng rồi hối hận và nghe theo lời dạy của ngôn sứ. Khi thực hiện như thế, lập tức ông được phục hồi về thể lý lẫn tâm hồn.

 

Chữa lành bệnh cùi của tâm hồn và thân xác

Ý nghĩa việc chữa lành của Naaman dành cho chúng ta là gì? Ephrem người Syria (306-373 AD), là một giáo phụ xa xưa từ Edesa, nói với chúng ta rằng việc chữa lành kỳ diệu của Naaman ở sông Giođan tiên báo mầu nhiệm chữa lành được ban cho mọi dân tộc trên thế giới cách tự do bởi Chúa Giêsu ngang qua dòng nước rửa tội tái sinh và đổi mới trong Chúa Thánh Thần (Tt 3,5).

“Do đó, Naaman được sai tới dòng sông Giođan như phương thuốc để chữa lành cho con người. Thật vậy, tội lỗi là bệnh phong của linh hồn, nó không được hiểu theo cảm thức nhưng trí khôn chứng thật về nó, và bản tính con người phải được giải thoát khỏi căn bệnh này bởi quyền năng của Đức Kitô, được ẩn giấu trong phép Rửa tội. Điều cần thiết là Naaman để được thanh tẩy khỏi hai căn bệnh, căn bệnh của linh hồn và thể xác, diễn tả nơi chính con người ông sự thanh tẩy của tất cả mọi dân tộc ngang qua sự tái sinh, sự khởi đầu từ dòng sông Giođan, là mẹ và người khởi đầu của Bí tích Rửa tội” (chú giải sách các Vua quyển 2: 5.10-1).

 

Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô “Trừ khi người ta được sinh ra trong nước và Thánh Thần, họ sẽ không thể vào vương quốc của Thiên Chúa” (Ga 3,5). Chúa Giêsu muốn canh tân nơi mỗi người chúng ta hồng ân đức tin và sức mạnh tái sinh của phép rửa tội và Chúa Thánh Thần (Tt 3,5) thanh tẩy chúng ta khỏi bệnh phong tội lỗi và biến chúng ta nên những người con được “tái sinh” của Thiên Chúa.

Đương đầu với tội thờ ơ và vô tín

Khi Đức Giêsu lần đầu công bố Tin mừng về Vương quốc Thiên Chúa cho dân làng Nagiarét của mình (Lc 4,23-27), Người đã không do dự đương đầu với tội thờ ơ và vô tín của họ. Người đã làm cho các thính giả phải sững sốt với lời xem ra như khiển trách rằng không một ngôn sứ hay tôi tớ nào của Thiên Chúa được đón tiếp bởi người đồng hương của mình. Rồi Người đã làm cho họ giận dữ khi Người khen ngợi những kẻ ngoại bang đã bày tỏ niềm tin của họ vào Thiên Chúa hơn “những người được tuyển chọn” của Israen. Một số người coi thường dân ngoại (không phải là Dothái) thậm chí nói về họ như “chất đốt cho lửa Hỏa ngục”. Lời khen ngợi của Đức Giêsu dành cho “người ngoài” đã làm chói tai dân làng của Người bởi vì họ bị mù quáng trước kế hoạch cứu độ thương xót của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi dân tộc. Lời khiển trách của Đức Giêsu đã gặp phải sự căm phẫn và thù ghét. Lập tức người dân Nagiarét đã lôi kéo Người ra khỏi làng và muốn hãm hại Người nếu như Người đã không ngăn chận họ lại.

Chúa mang lại sự chữa lành và tha thứ cho tất cả những ai khiêm tốn tìm kiếm Người với lòng tin cậy

Tất cả chúng ta đều cần tới ân sủng và sự trợ giúp thương xót của Thiên Chúa mỗi ngày và mọi giây phút của cuộc đời. Kinh thánh nói với chúng ta rằng “Lượng từ bi ĐỨC CHÚA đâu đã cạn, lòng thương xót của Người mãi không vơi. Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới” (Ac 3,22-23). Thiên Chúa ban ơn sủng cho người khiêm nhường, những ai tìm kiếm Người với đức tin kiên vững và với tâm hồn thống hối, muốn được chữa lành và trong sạch lần nữa.

Chúa Giêsu sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi thói quen tội lỗi và mọi đường lối nguy hại liên hệ đến tha nhân, nếu chúng ta cho phép Ngài thanh tẩy và chữa lành chúng ta. Nếu chúng ta muốn bước đi trong sự tự do và lớn lên trong tình yêu và sự thánh thiện, thì chúng ta phải khiêm tốn từ bỏ những đường lối tội lỗi và quy phục sự hướng dẫn của Đức Kitô và nguyên tắc chữa lành cho cuộc đời mình. Kinh thánh nói với chúng ta rằng Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người (Hr 12,10). Bạn có muốn Chúa Giêsu giải thoát và chữa lành bạn hoàn toàn không? Hãy cầu xin Ngài tỏ cho bạn biết cách thức để bước đi trong tình yêu và chân lý của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết yêu thích những đường lối của Chúa, để con có thể nhanh chóng từ bỏ tội lỗi và tính bướng bỉnh trong đời con. Xin thanh tẩy và cho con mạnh sức để con có thể vui sướng thực thi thánh ý Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây