Thứ Năm đầu tháng, tuần 31 thường niên.

Thứ tư - 04/11/2020 07:11

Thứ Năm đầu tháng, tuần 31 thường niên.

"Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".

 

Lời Chúa: Lc 15, 1-10

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng".

Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

"Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: "Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất". Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".

 

 

Suy Niệm 1: Xin chung vui với tôi

Suy niệm:

Nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng cao cả,

nhưng lại xa lạ và lạnh lùng với con người,

vì con người có là gì đâu trước mặt Thiên Chúa.

Thật ra con người là mối bận tâm lớn của Ba Ngôi,

đến độ ta dám nói rằng con người chiếm chỗ trong tâm trí Thiên Chúa.

Trước khi con người hướng về Thiên Chúa

thì Thiên Chúa đã đưa tay ra, hướng về con người.

“Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi.”

Đó là điều chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.

Thiên Chúa Ba Ngôi sống cho nhau,

nhưng cũng sống vì con người và cho con người.

Hai dụ ngôn hôm nay cho thấy Thiên Chúa quý con người.

Mà con người ở đây lại không phải là những người thánh thiện.

Có những động từ được nhắc đến trong cả hai dụ ngôn:

có, mất, tìm, tìm được, chung vui, vui mừng.

Những động từ này nói lên tất cả tình cảm của Thiên Chúa.

Dụ ngôn về người đàn ông hay người phụ nữ

có một trăm con chiên hay mười đồng quan.

Vì lý do nào đó, một con chiên hay một đồng quan bị mất.

Sự mất mát này lớn lao đến nỗi người ta muốn tìm cho kỳ được.

Tìm cho kỳ được là tìm đến khi thấy mới thôi (cc. 4. 8).

Việc tìm kiếm này đòi phải hành động quyết liệt.

Người chăn chiên để chín mươi chín con ngoài đồng hoang,

người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc mọi ngõ ngách.

Trong lo âu, người tìm kiếm chỉ nghĩ đến chuyện làm sao tìm lại được.

Chính vì thế niềm vui bùng lên khi tìm thấy điều đã mất.

Niềm vui không giữ lại cho riêng mình trong lòng.

Niềm vui đòi chia sẻ với bạn bè, với bà con lối xóm.

“Xin ông bà anh chị chung vui với tôi, vì tôi tìm thấy rồi” (cc. 5. 9).

Thiên đàng không cắt đứt với trần thế.

Các thiên thần của Thiên Chúa vui vì một người tội lỗi hối cải (c. 10).

Thiên Chúa mừng vui vì Ngài đã từng lo âu, đau khổ, tìm kiếm.

Mỗi tội nhân hoán cải là một thành tựu của Thiên Chúa.

Ngài quý từng con người được dựng nên theo hình ảnh Ngài.

Thái độ của Đức Giêsu đối với tội nhân cho thấy trái tim Thiên Chúa.

Trái tim ấy nghiêng chiều về những con người đã lạc đường.

Đồng quan không thể tự ý trốn đi, nhưng con người có tự do quay lưng.

Thiên Chúa đi tìm con người quay lưng ấy.

Với sự khiêm hạ, Ngài chinh phục trái tim con người.

Hãy để Ngài đi tìm bạn, và cho Ngài niềm vui khi tìm thấy người đã mất.

Nói cho cùng, Thiên Chúa đi tìm ta suốt đời,

trong một cuộc chơi năm mười kéo dài mà ta chủ yếu là người đi trốn.

Hãy cảm được sự tế nhị của Ngài khi cố tìm ta mà vẫn tôn trọng tự do.

Nếu ta chịu để Ngài tìm thấy, ta sẽ nếm được ngay niềm vui thiên đàng.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin đánh thức con.

Xin đưa con ra khỏi cơn mê

mà tự sức con không sao thoát ra được.

Xin đừng ngại đánh thức con

bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ,

nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ

đang cắt tỉa con vì yêu con.

Ước gì con được tỉnh táo

để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê,

những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.

Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện,

xin cho con thức luôn và sáng luôn,

trước nhan Chúa.Amen

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: TÌNH YÊU LÀ LỀ LUẬT

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đối với người Do thái Lề Luật là tất cả. Là lẽ sống. Là danh dự. Là trật tự. Là ơn cứu độ. Tất cả là Lề Luật. Nên khô cứng. Và không có tình người. Họ không giao du với người thu thuế. Vì người thu thuế không giữ Lề Luật. Giao du với họ là ô uế cũng lỗi Lề Luật. Chúa Giê-su dùng hai dụ ngôn “Con chiên lạc” và “Đồng tiền đánh mất” để cho họ biết rằng nếu Lề Luật là tất cả thì Tình Yêu chính là Lề Luật. Tình Yêu mới là tất cả.

Tình Yêu là Lề Luật vì chỉ có một luật quan trọng nhất là luật yêu thương. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là hãy yêu thương nhau”.

Tình Yêu thì không tính toán. Một con chiên lạc cũng quan trọng như 99 con không lạc. Nên người chăn chiên thao thức đi tìm cho đến khi tìm thấy. Một đồng bạc cũng quan trọng bằng 9 đồng không mất. Nên người phụ nữ phải quét nhà moi móc tìm cho ra. Cũng thế một người tội lỗi cũng quan trọng như tất cả mọi người. Cần cứu chữa đưa về.

Tình Yêu thì không loại trừ. Trái lại vì yêu thương nên những gì bé nhỏ, yếu ớt, kém cỏi lại càng cần được yêu thương hơn. Những tội nhân, những người xa lạc, giống như những người mang thương tích càng cần được chăm sóc, băng bó, chữa lành hơn. Cũng như trong một thân thể, chi thể nào càng đau yếu càng được nâng niu chăm sóc hơn.

Tình Yêu thì không xét đoán. Nếu có xét đoán cũng là trong tình yêu. Chúng ta sẽ bị xét đoán về tình yêu. Chỉ mình Chúa có quyền xét đoán. Vì thế ta đừng xét đoán anh em. Vì chính ta sẽ bị Chúa xét đoán. “Thế mà bạn, sao bạn lại xét đoán người anh em? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em. Quả thế, tất cả chúng ta sẽ phải ra trước toà Thiên Chúa…mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (năm lẻ).

Tình Yêu là Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô là tất cả. Là Tình Yêu. Là Lề Luật. Còn hơn thế nữa. Là Sự Sống. Là Hạnh Phúc. Là Tất Cả Ý Nghĩa Cuộc Đời. Vì thế thánh Phao-lô xưa kia cũng có địa vị trổi vượt, cũng hay xét đoán và tự cho mình quyền xét xử người khác, có nhiều ưu thế trong xã hội. Nhưng từ khi được biết Chúa Ki-tô ngài từ bỏ tất cả. Vì Chúa Ki-tô là tất cả. “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đứuc Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi” (năm chẵn).

 

Suy Niệm 3: Con Chiên Lạc

Có một câu chuyện về cuộc đời của một thiếu nữ tên Liker với nội dung như sau:

Liker phục vụ trong quân đội Anh, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy cô trở thành gái mãi dâm. Lúc thành phố Paris được giải phóng sau thế chiến thứ hai, không lâu sau đó, Liker phục vụ những khách hạng sang tại một trong những nơi ăn chơi nổi tiếng nhất của Paris do Patric làm chủ. Trong lúc tận tình giúp đỡ một thiếu nữ khác để khỏi rơi vào hoàn cảnh éo le của mình, Liker đã bắn chết Patric. Cô bị tống giam, nhưng trong cảnh ngục tù, Liker đã gặp các Nữ tu có tên gọi là các chị Bêtania, là Dòng chuyên nâng đỡ những cô gái sa cơ lỡ bước, những người nghiện ngập, những người sống đầu đường xó chợ. Vài nữ tu này trước kia cũng là nạn nhân của xã hội như những người họ đang phục vụ. Mãn hạn tù, Liker xin gia nhập dòng và trở thành một trong các chị Bêtania.

Nữ tu Liker trong câu truyện trên đây là tiêu biểu cho con chiên lạc mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Nàng đã sa cơ lỡ bước, nhưng Thiên Chúa qua cử chỉ của các chị Bêtania đã đi tìm gặp chị và mời gọi chị trở nên bạn chí thiết của Ngài trong đời sống hiến dâng.

Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay rất đơn sơ, nhưng mang đầy ý nghĩa. Vai chính là người chăn chiên và người phụ nữ. Những người chăn chiên thời Chúa Giêsu thường bị khinh miệt, vì họ là những người nghèo nàn, ít học, bị nghi ngờ gian lận, và vì phải luôn sống với đàn chiên ngoài đồng, nên họ không thể giữ luật ngày Hưu lễ cũng như không thể tham dự các giờ kinh trong Hội đường. Còn các phụ nữ là những công nhân hạng hai, theo tâm thức của Việt Nam ngày xưa: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", nhưng họ được Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để so sánh với chính Thiên Chúa.

Giá trị của những vật bị mất: một con chiên không có giá trị là bao so với đàn chiên; một đồng bạc cũng thế so với số còn lại; nhưng đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.

Công khó đi tìm: không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc; người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.

Niềm vui tìm được những vật đã mất: trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần Chúa sẽ nhảy mừng, tượng trưng cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa vui mừng khi một tội nhân ăn năn hối cải.

Một Thiên Chúa sung sướng khi chúng ta sống đúng theo thánh ý Ngài. Một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, vì tình thương vô biên của Ngài. Nữ tu Liker trong câu truyện trên đã cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa, còn chúng ta, cho đến bao giờ mới có một kinh nghiệm như thế?

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được hiểu thêm lòng thương xót vô biên của Chúa. Xin cho chúng ta mau mắn chỗi dậy mỗi lần sa ngã, với niềm xác tín vào lòng nhân hậu vô bờ của Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Khía Cạnh Sâu Xa Của Tình Yêu

Trọng tâm của đoạn Tin Mừng hôm nay nêu bật khía cạnh sâu xa nhất của tình yêu đó là sự tha thứ, một sự tha thứ được gói trọn trong tình yêu khoan dung vì tình yêu này không đóng khung kẻ mình yêu trong những ngục tù của lỗi lầm, của quá khứ. Tình yêu này cũng không giới hạn kẻ làm ơn trong hiện tại đen tối của người ấy mà còn phóng tầm mắt nhìn về những điều họ có thể trở nên tốt hơn trong tương lai.

Trong cách hành xử của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài sẵn sàng tha thứ để biểu lộ một tình yêu chân thành qua việc Ngài tiếp xúc với những người thu thuế, làm bạn với những người bị xã hội thời bấy giờ gán cho là kẻ tội lỗi. Ngài không ngăn cấm họ năng lui tới nơi Ngài giảng dạy, hơn nữa Ngài còn cùng ăn uống đồng bàn với họ. Những cuộc gặp gỡ giao tế này minh chứng rằng Chúa Giêsu nhìn những kẻ thu thuế và những người tội lỗi trong hai trạng thái: trạng thái hiện tại của họ và trạng thái họ có thể trở nên tốt lành hơn trong tương lai. Trong hiện tại, mặc dù đang sống trong tình trạng tội lỗi nhưng họ biết lắng nghe lời Chúa để khởi sự tiến những bước đầu tiên trên con đường hoán cải, và những điều họ có thể trở nên minh chứng qua những hành động cụ thể sau đó. Thí dụ như hành động dứt khoát với quá khứ tội lỗi để đi theo Chúa của ông Mátthêu. Là một người thu thuế, khi được Chúa gọi, ông đã bỏ bàn thu thuế đứng dậy và đi theo làm môn đệ Chúa. Hay qua sự hoán cải của một người thu thuế khác sau khi gặp gỡ Chúa và nghe Ngài dự định tới trọ nhà mình, ông Zakêu đã hứa là sẽ lấy nửa gia tài của mình mà phân phát cho những người nghèo và bồi thường gấp bốn cho những ai ông đã làm thiệt hại.

Chúa Giêsu ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một Chúa Giêsu duy nhất không bao giờ thay đổi. Lòng nhân hậu vẫn khiến Ngài rảo bước đi tìm những con chiên lạc và khi gặp thấy thì mừng rỡ đặt nó lên vai mang về nhà và bảo người láng giềng: "Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên lạc". Như thế, đối với Chúa Giêsu, Ðấng đầy lòng khoan dung nhân hậu, không ai dại gì mà để cho con người phải chịu đóng dấu vào những vòng tội lỗi và rồi bị xếp loại vào những người bị kết án muôn đời.

Vậy, chúng ta đây còn chần chờ gì nữa. Hãy chỗi dậy kíp hoán cải để thống hối ăn năn thực lòng, để được Ngài âu yếm vỗ về và để cho các thánh trên trời đều reo vui như lời kết thúc của câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu: "Thật vậy, Ta bảo cho các ngươi rõ, các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn trở lại".

Lạy Chúa

Xin cho con được ý thức tình thương của Chúa trong đời sống con và luôn luôn quay trở về mỗi lần lầm lỗi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Thiên Chúa lo cứu kẻ lạc

“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác chiên lên vai.” Cũng thế tôi nói cho các ông hay: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai lấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc. 15, 4-5.10)

Trong đám đông dân chúng có nhiều người thu thuế và tội lỗi. Họ đã thấy việc Đức Giêsu làm và mau mắn đến nghe lời Người. Biệt phái và luật sĩ cậy mình là người công chính, họ rình xét Người và lẩm bẩm kêu: Ôi gương mù quá! Người nói nhân danh Thiên Chúa, lại đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với bọn ô uế.

Sáng kiến tìm chiên lạc:

Luôn luôn Thiên Chúa được giới thiệu như mục tử yêu mọi con chiên. Nếu lạc mất một con, mục tử để lại cả đoàn và đi tìm con chiên lạc với bất cứ giá nào và vác lên vai đưa về. Anh vui mừng biết bao và chia sẻ vui mừng với tất cả mọi người. Cũng vậy, một bà đánh mất một đồng bạc và hết sức quét nhà tìm cho được.

Đức Giêsu muốn chỉ cho thấy Thiên Chúa sáng kiến tìm đưa người tội lỗi về với Ngài trước, khi tìm được, Ngài tỏ lòng rất dịu dàng và thương xót an ủi họ. Trái lại, biệt phái loại họ khỏi cộng đồng hội thánh của Ít-ra-en, còn Thiên Chúa rất cảm động trước sự thống hối và tha thứ cho tội nhân, dẫn đưa họ về gia đình trong vui mừng.

Vui mừng tìm được chiên lạc

Niềm vui này, Thiên Chúa chia sẻ với mọi người, để họ nhận ra lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa, như Thiên Chúa đã nói qua ngôn sứ Ô-sê: “Tim Ta rạo rực trong Ta, cùng với lòng từ bi rung động … Vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải là người, Ta là Đấng Thánh ở giữa ngươi; Ta không đến với ngươi trong cơn thịnh nộ”. Chính vì Thiên Chúa không vứt bỏ những tội nhân, nhưng còn cảm thấy vui mừng lớn lao khi tha thứ cho họ, nên Đức Giêsu chăm lo cho họ và đồng bàn với họ. Những kẻ giả hình công chính phải lo ăn năn trở về, thay vì lẩm bẩm kêu trách. Như thế, họ sẽ không được chia sẻ sự vui mừng do lòng thương xót Chúa ban.

Dù ăn uống với những người tội lỗi, Người luôn luôn kêu gọi phải từ bỏ tội lỗi, ăn năn sám hối trở về, Người chỉ cho thấy ai đáp lại lời kêu gọi này thì không bị cơn giận của Thiên Chúa đổ xuống, nhưng được vui mừng hưởng lòng thương xót và ân phúc cứu độ của Ngài.

RC

 

Suy Niệm 6: THIÊN CHÚA LUÔN HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI (Lc 15,1-10)

Xem CN 24 TN C - Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su năm C - thứ Ba tuần 2 MV và thứ Ba tuần 19 TN

Toàn bộ Tin Mừng của Đức Giêsu, chúng ta thấy từ hành động đến lời rao giảng, Ngài luôn nhấn mạnh đến sự tha thứ và tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

Hai dụ ngôn chiên lạc và đồng bạc bị đánh mất hôm nay là điển hình của đặc tính ấy.

Thật vậy, bản chất Thiên Chúa là tình yêu, vì thế, Người không chấp tội của chúng ta, Người cũng không để ý, hay đóng khung trong quá khứ, nhưng luôn mở ra và hướng tới tương lai.

Với một lối nhìn nhân từ, bao dung, tha thứ, nên Đức Giêsu đã không ngần ngại xếp những người tội lỗi như thu thuế, gái điếm thành bạn hữu của Ngài, trong khi những hạng người này dưới con mắt của người thời đó là đáng bị khinh bỉ và nguyền rủa!

Điều quan trọng mà chúng ta cần khám phá ra và cũng là hành trình đức tin của mỗi người, đó là: khi được Chúa yêu thương, tha thứ và tạo cơ hội cho mình thì điều đầu tiên cần có là tâm tình tạ ơn, rồi đến sám hối, hoán cải và cuối cùng là thực thi Lời Chúa cách trung thành.

Qua hình ảnh vị Mục Tử nhân lành vác con chiên đã đi lạc lên vai sau khi tìm được và niềm vui của bà chủ khi tìm thấy đồng bạc bị đánh mất cho chúng ta thấy rõ ràng một Thiên Chúa luôn hướng tới tương lai, không hề có ý định đóng dấu tội lỗi trong quá khứ cho bất cứ ai, nhưng không ngừng đi tìm kiếm người tội lỗi và mong họ trở về.

Đây là niềm tự hào và an ủi cho người Kitô hữu, bởi chúng ta được thuộc về Thiên Chúa tình thương, đồng thời an ủi là vì mỗi người đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, nhưng được Ngài yêu thương.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hãy biết tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, can đảm quay trở về với Người để được Người yêu thương. Đồng thời, noi gương Chúa, chúng ta không được coi thường, khinh bỉ người tội lỗi, bởi vì thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai. Thế nên, xin cho chúng ta hãy biết tha thứ và đối xử nhân hậu đối với những người tội lỗi như chính Chúa đã đối xử nhân hậu với chúng ta. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

Các tội nhân đến với Đức Giêsu – SN song ngữ 5.11.2020

 

Thursday (November 5): Sinners were drawn to Jesus

 

Scripture: Luke 15:1-10  

1 Now the tax collectors and sinners were all drawing near to hear him.2 And the Pharisees and the scribes murmured, saying, “This man receives sinners and eats with them.” 3 So he told them this parable: 4 “What man of you, having a hundred sheep, if he has lost one of them, does not leave the ninety-nine in the wilderness, and go after the one which is lost, until he finds it? 5 And when he has found it, he lays it on his shoulders, rejoicing. 6 And when he comes home, he calls together his friends and his neighbours, saying to them, `Rejoice with me, for I have found my sheep which was lost.’ 7 Just so, I tell you, there will be more joy in heaven over one sinner who repents than over ninety-nine righteous persons who need no repentance. 8 “Or what woman, having ten silver coins, if she loses one coin, does not light a lamp and sweep the house and seek diligently until she finds it? 9 And when she has found it, she calls together her friends and neighbours, saying, `Rejoice with me, for I have found the coin which I had lost.’ 10 Just so, I tell you, there is joy before the angels of God over one sinner who repents.”

Thứ Năm     5-11                        Các tội nhân đến với Đức Giêsu

 

Lc 15,1-10

1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.8 “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

 

Meditation: 

 

Do you ever feel resentful or get upset when someone else gets treated better than you think they deserve? The scribes and Pharisees took great offence at Jesus because he went out of his way to meet with sinners and he treated them like they were his friends. The Pharisees had strict regulations about how they were to keep away from sinners, lest they incur ritual defilement. They were not to entrust money to sinners or have any business dealings with them, nor trust them with a secret, nor entrust orphans to their care, nor accompany them on a journey, nor give their daughter in marriage to any of their sons, nor invite them as guests or be their guests. 

Do you judge others with mercy or disdain – with kindness or harshness?

The Pharisees were shocked when they saw Jesus freely meeting with sinners and even going to their homes to eat with them. Many sinners and outcasts of society were drawn to Jesus to hear him speak about the mercy of God and the offer of new life and friendship in the kingdom of God. When the Pharisees began to question Jesus’ motive and practice of associating with sinners and outcasts, Jesus responded by giving them two parables about a lost sheep and a lost coin to challenge their way of judging sinners and shunning contact with them. 

Finding and restoring what has been lost

What is the point of Jesus’ story about a lost sheep and a lost coin? In Jesus’ time shepherds normally counted their sheep at the end of the day to make sure all were accounted for. Since sheep by their very nature are very social, an isolated sheep can quickly become bewildered and even neurotic. The shepherd’s grief and anxiety are turned to joy when he finds the lost sheep and restores it to the fold. 

The housewife who lost a coin faced something of an economic disaster since the value of the coin would be equivalent to her husband’s daily wage. What would she say to her husband when he returned home from work? They were poor and would suffer greatly because of the loss. Her grief and anxiety turn to joy when she finds the coin. 

Bringing the lost to the community of faith

Both the shepherd and the housewife “search until what they have lost is found.” Their persistence pays off. They both instinctively share their joy with the whole community. The poor are particularly good at sharing in one another’s sorrows and joys. What was new in Jesus’ teaching was the insistence that sinners must be sought out and not merely mourned for. God does not rejoice in the loss of anyone but desires that all be saved and restored to fellowship with him. That is why the whole community of heaven rejoices when one sinner is found and restored to friendship with God.  Seekers of the lost are much needed today. Do you persistently pray and seek after those you know who have lost their way to God?

 

 

“Lord Jesus, let your light dispel the darkness that what is lost may be found and restored. Let your light shine through me that others may see your love and truth and find hope and peace in you. May I never doubt your love nor take for granted the mercy you have shown to me. Fill me with your transforming love that I may be merciful as you are merciful.”

Suy niệm: 

 

 Bạn có bao giờ cảm thấy oán giận hay khó chịu khi ai đó xem ra được phần thưởng hay phúc lành mà không xứng đáng không? Các kinh sư và người Pharisêu rất khó chịu với Đức Giêsu, bởi vì Người quan hệ với các tội nhân và thân mật với họ. Những người Pharisêu có những luật lệ khắt khe về việc làm thế nào để xa tránh các tội nhân, vì e rằng họ sẽ làm cho mình ra ô uế. Họ không giao tiền bạc hay làm ăn buôn bán với những tội nhân, không tiết lộ bí mật cho họ biết, không giao phó trẻ mồ côi cho họ coi sóc, không đi chung với họ trong lúc đi đường, không gã con trai hay con gái cho gia đình họ, không mời họ như những người khách hay là khách của họ.

 

Bạn có xét đoán người khác với lòng thương xót hay khinh miệt – nhân từ hay gay gắt?

Người Pharisêu bị sốc khi họ nhìn thấy Đức Giêsu thoải mái gặp gỡ các tội nhân và thậm chí về nhà dùng bữa với họ nữa. Nhiều tội nhân và người bị xã hội ruồng bỏ đến với Đức Giêsu để nghe Người nói về lòng thương xót của Thiên Chúa và về sự sống và mối quan hệ mới trong nước Thiên Chúa. Khi người Pharisêu bắt đầu chất vấn về động cơ và cách hành xử thân tình với các tội nhân và người bị bỏ rơi, Đức Giêsu đáp trả bằng việc kể cho họ hai dụ ngôn về con chiên lạc và đồng bạc bị mất để chất vấn cách thức xét đoán và sự xa lánh của họ đối với các tội nhân.

 

Tìm kiếm và phục hồi những gì đã mất

Câu chuyện của Đức Giêsu về con chiên lạc và đồng tiền bị mất nói với chúng ta điều gì về nước Chúa? Thông thường những mục tử đếm chiên của mình vào cuối ngày để chắc rằng tất cả còn đầy đủ. Bởi vì bản tính của chiên là sống theo đàn, một con chiên bị cô lập có thể nhanh chóng trở thành bối rối và thậm chí bị điên loạn. Nỗi buồn và lo lắng của người mục tử trở thành niềm vui khi họ tìm thấy con chiên lạc và đem nó về đàn.

 

Người đàn bà đánh mất đồng bạc đương đầu với cơn khủng hoảng kinh tế, vì giá trị của đồng bạc có thể tương ứng với số lương công nhật của chồng bà. Bà sẽ phải nói gì với chồng khi ông đi làm về? Họ đều nghèo và sẽ đau đớn biết bao vì sự mất mát này. Nỗi buồn và lo lắng của bà sẽ trở thành niềm vui khi bà tìm thấy đồng bạc.

 

Đưa người lầm lạc về với cộng đoàn đức tin

 

Cả hai người mục tử và người đàn bà “tìm kiếm cho tới khi những gì họ mất được tìm thấy.” Lòng kiên nhẫn của họ được đền bù xứng đáng. Theo bản năng tự nhiên, cả hai chia sẻ niềm vui của mình với những người xung quanh. Người nghèo đặc biệt có tính hay chia sẻ cho nhau niềm vui và nỗi buồn. Điều mới lạ trong bài học của Đức Giêsu là sự nhấn mạnh rằng các tội nhân phải được tìm kiếm, chứ không chỉ tiếc thương cho họ. Thiên Chúa không vui vẻ khi có một ai bị hư mất, nhưng Người mong ước rằng tất cả đều được cứu rỗi và phục hồi tình bằng hữu với Người. Đó là lý do tại sao cả triều đình thiên quốc vui mừng khi một người tội lỗi được tìm thấy và trở về cùng Chúa. Những người đi tìm người lầm đường lạc lối rất cần ngày hôm nay. Bạn có kiên trì cầu nguyện và tìm kiếm những ai mà bạn biết họ lạc đường về với Chúa không?

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho ánh sáng của Chúa xua tan bóng tối để những gì bị mất có thể được tìm thấy và phục hồi. Xin cho ánh sáng Chúa chiếu soi qua con để người khác có thể nhìn thấy tình yêu và chân lý của Chúa, và tìm thấy niềm hy vọng và bình an trong Chúa. Chớ gì con không bao giờ nghi ngờ tình yêu của Chúa, hay chối từ lòng thương xót của Chúa đã bày tỏ cho con. Xin lấp đầy lòng con tình yêu biến đổi của Chúa, để con có thể thương xót như Chúa hằng thương xót.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

 SUY NIỆM

1. Khinh chê

Vào thời của Đức Giê-su, có những người bị coi là tội nhân một cách công khai : vì họ có một thứ nghề nghiệp bị mọi người coi là xấu, chẳng hạn nghề thu thuế như ông Gia-kêu, hoặc vì họ có đời sống luân lí không tốt, chẳng hạn người phụ nữ bị mọi người coi là « người tội lỗi trong thành » (Lc 7, 37) hay vì họ không giữ những nghi thức hay quy định đạo đức, chẳng hạn các nghi thức thanh tẩy, ăn chay, ngày sa-bát…. Họ bị mọi người khinh chê, nhất là các người Pha-ri-sêu và luật sĩ.

Ngày nay, người ta không còn tùy tiện dán nhãn tội nhân vào người này người kia nữa, nhưng sự khinh chê vẫn còn nguyên, trong cung cách ứng xử giữa người với người. Thật vậy, chúng ta vẫn còn kinh chê nhau, vì sự yếu kém, nhỏ bé, giới hạn, thiếu khả năng, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình xã hội, ngoại hình… Thân phận làm người tự nó đã nặng nề, nhưng thay vì gánh vác cho nhau hay làm cho nhẹ đi, chúng ta lại luôn tìm cách chồng chất thêm cho nhau hay tự làm cho thân phận của mình nặng thêm. Thánh Phao-lô trong thư Roma chất vấn chúng ta : « Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa… Thế mà bạn, sao bạn lại xét đoán người anh em ? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em ? » (Rm 14, 8.10).

 2. Đức Giê-su và những người tội lỗi

Chúng ta hãy trở lại với Lời Chúa trong bài Tin Mừng để nhìn ngắm cách Đức Giê-su đón tiếp những người tội lỗi, những người yếu kém, những người nhỏ bé : họ đến để lắng nghe Ngài ; và Ngài không chỉ đón tiếp họ, nhưng còn dùng bữa với họ. Đón tiếp và dùng bữa với ai, đó chính là làm bạn, thậm chí trở nên một với người đó. Chúng ta hãy hình dung ra khung cảnh Đức Giê-su ở giữa những người tội lỗi, bởi vì hình ảnh này rất đánh động và an ủi đối với chúng ta.

Trong Thánh Lễ, Đức Giê-su tiếp tục ban lời của Ngài cho chúng ta, vốn là những người tội lỗi, yếu kém và nhỏ bé, và còn hơn cả việc dùng bữa với chúng ta, Ngài tự biến thành lương thực nuôi dưỡng chúng ta cho sự sống hôm nay và sự sống muôn đời.

Kinh nghiệm được đón tiếp bởi Đức Giê-su, khi mà chúng ta vẫn còn là tội nhân, yếu kém và nhỏ bé, chính là động lực để chúng ta cũng có thể đón tiếp người khác, như họ là. Kinh nghiệm này cũng làm cho có thể ra khỏi chính mình để đi vào niềm vui lớn lao của Thiên Chúa và các Thiên Thần của Ngài trên trời.

3. Các dụ ngôn

Để thay đổi hình ảnh lệch lạc của chúng ta về thái độ của Thiên Chúa đối với các tội nhân, và để giải thích tại sao Ngài không chỉ tiếp đón những người tội lỗi, mà còn ăn uống với họ nữa, nghĩa là ngài còn kết bạn với họ, Đức Giê-su kể « một hơi » ba dụ ngôn : dụ ngôn con chiên, dụ ngôn đồng bạc và dụ ngôn người cha có hai người con (Lc 15, 4-32). Và trên Thập Giá, Ngài còn đi xa hơn, khi để cho mình bị bắt và bị lên án như là tội nhân và chịu chết giữa các tội nhân.

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay kể lại hai dụ ngôn đầu tiên, nhưng chúng ta nên hiểu cả ba dụ ngôn cùng nhau, vì các dụ ngôn soi sáng cho nhau và nêu bật khía cạnh đặc biệt của mỗi dụ ngôn. Thật vậy, ba dụ ngôn có một thứ tự đặc biệt khiến chúng ta phải chú ý : 100 con chiên trong đó có một con bị mất ; 10 đồng quan, có một đồng bị mất, và 2 người con, một người bị hư mất. Như thế, xét về con số, sự mất mát càng lúc càng lớn : một trên một trăm, một trên mười và một trên hai ; hơn nữa, xét về điều bị mất, ban đầu là con vật, sau đó là đồng tiền, và trường hợp thứ ba là một người con, mà người con thì vô giá.

Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này, giá trị mất mát càng lớn, thì niềm vui sẽ càng lớn, khi tìm lại được. Chính vì thế, người cha, khi mở rộng vòng tay đón nhận người con hư mất trở về, đã mở tiệc ăn mừng ; trong khi với trường hợp con chiên và đồng tiền tìm lại được, người ta chỉ chia sẻ tin vui thôi, với bạn bè và hàng xóm.

Tuy nhiên, cả ba dụ ngôn có một sứ điệp khác đánh động chúng ta không kém : đó là sự quan tâm của Thiên Chúa đối với từng người trong chúng ta, như thể, chúng ta là duy nhất, là quí nhất là yêu nhất, trong con mắt của Chúa. Và dụ ngôn đầu tiên làm bật lên sự điệp này một cách rạng ngời nhất :

Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất(c. 4)

Dụ ngôn đến từ đời thường, nhưng một khi thốt ra từ miệng Đức Giê-su, lại chứa đựng nhiều điều bất thường (tương tự như các dụ ngôn khác) : (1) Bỏ chín mươi chín con lại nơi đồng hoang ; (2) Vác con chiên lạc trên vai, khi tìm thấy ; (3) và niềm vui quá lớn và lan tỏa, so với con chiên nhỏ bé được tìm lại, như thể đó là con chiên duy nhất, và như thể chín mươi chín con kia không hiện hữu !

Ba điểm bất thường diễn tả cho chúng ta một cách tuyệt vời về tình yêu Thiên Chúa mà Thánh Tâm Chúa Giê-su (đây là bài Tin Mừng của ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, năm C) muốn diễn tả :

  • Thiên Chúa quan tâm đến từng người chúng ta, như thể mỗi người chúng ta là duy nhất. Đó chính là đặc điểm của tình yêu, nghĩa là tương quan giữa một ngôi vị với một ngôi vị. Và chỉ khi, có một con chiên đi lạc, đặc điểm này mới được tỏ lộ ra. Vì thế, kinh nghiệm « đi lạc » sẽ là cơ hội giúp chúng ta nhận ra đặc điểm này của tình yêu Thiên Chúa !
  • Người mục tử không trách móc, la mắng xử phạt, giống như người cha chạy ra ôm người con trở về « hôn lấy hôn để » (x. Lc 15, 20). Bởi vì sự hiện diện của người con « đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy (c. 24), là tất cả và là dư đủ để lấn át tất cả, bù đắp tất cả và làm cho hi vọng[1]. Đó là bởi vì, tình yêu luôn đi đôi với bao dung tha thứ. Đặt vào trong bối cảnh của dụ ngôn, người tội lỗi được tượng trưng bởi hình ảnh con chiên đi lạc. Điều này thật an ủi cho chúng ta, vì dưới mắt Chúa, chúng ta là những con chiên đi lạc, phải đi tìm về cho kì được, và Thiên chúa đi tìm mỗi người chúng ta nơi Đức Giê-su. Chúng ta hãy nhìn mình như là Chúa nhìn ; và chúng ta hãy là con chiên đi lạc mong được tìm thấy và được mang về. Thay vì tự biến mình thành con dê nổi loạn, con sói phá hoại.
  • Tình yêu bao dung tha thứ mang lại niềm vui, và niềm vui lan tỏa sang nhiều người, sang tất cả mọi người, trên trời cũng như dưới đất.

Xin cho chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành đích thân cho từng người chúng ta như là « Đối Tượng Duy Nhất » trong Đức Ki-tô, để chúng ta có thể yêu mến Người như là « Đối Tượng Duy Nhất » của lòng trí chúng ta. Và thực vậy, dù chúng ta là ai, ở trong tình trạng nào, mỗi người chúng ta đều là : « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến », vì chúng ta xác tín cùng với thánh Phao-lô rằng :

Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta(Rm 8, 38-39)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Theo Luật thì người con phải “đền tội”, đó là lựa chọn của người con lớn. Nhưng Người Cha Nhân Hậu lớn hơn Lề Luật! Thánh Phao-lô, trong thư gởi tín hữu Ga-lát, mời gọi chúng ta hãy lựa chọn: ứng xử với mình và với nhau theo Luật hay trong mọi sự dựa vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Ki-tô, để hiểu và sống Lề Luật với tâm tình biết ơn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây