Thứ năm tuần 5 Mùa Chay.

Thứ tư - 10/04/2019 09:18

Thứ năm tuần 5 Mùa Chay.

"Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta".

 

Lời Chúa: Ga 8, 51-59

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do-thái rằng: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết". Người Do-thái lại nói: "Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: "Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết". Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?"

Chúa Giêsu trả lời: "Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Ðấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng".

Người Do-thái liền nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?" Chúa Giêsu trả lời: "Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi".

Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ.

 

 

SUY NIỆM 1: Niềm tin và lý trí

Trong cuốn tiểu thuyết được dịch sang tiếng Việt với nhan đề Chàng Hải Âu Kỳ Diệu, tác giả kể về một chàng hải âu kiên cường đã thực hiện được ước mơ lướt cánh tung trời. Chàng bay tới những vùng mà các con chim khác trong bầy chưa bao giờ biết tới. Sau chuyến bay mở rộng chân trời đó, chàng hải âu trở lại với bầy, chàng kể cho bầy chim nghe về những gì mình đã tai nghe mắt thấy. Cả bầy chim từ già đến trẻ đều chế nhạo chàng, họ kết án chàng là con chim khoác lác. Chàng vẫn không nản lòng, cứ tiếp tục nói về vùng trời rộng mở. Có một số chim nghe chàng nói, lòng chợt dậy lên khát vọng bay xa. Họ bắt đầu kiên trì luyện tập để thực hiện ước mơ mà chàng hải âu kỳ diệu đã gợi lên cho họ.

Khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái về thế giới của Thiên Chúa, họ đã chế nhạo Người, cho rằng Người bị quỉ ám nên mới ăn nói lung tung như thế. Chúa Giêsu vẫn không nản lòng, và vẫn tiếp tục nói về nguồn gốc thần linh của mình, một lần nữa. Người dùng danh xưng Hằng Hữu để khẳng định rằng mình từ Thiên Chúa mà đến. Câu nói ấy đã khiến người Do Thái phẫn nộ và định ném đá Người.

Ðược sống mãi không phải chết là ước mơ muôn thuở của con người, thế nhưng khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng nếu họ tuân giữ Lời Người dạy bảo thì họ sẽ khỏi phải chết, họ lại chế nhạo Người là bị quỉ ám. Nếu xét thêm mặt ngoài của sự kiện thì quả thật họ là người có lý. Họ lý luận như sau: "Bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỉ ám. Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy. Thế mà ông lại nói: ai tuân giữ lời tôi thì sẽ không bao giờ phải chết. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Abraham hay sao?" Họ lý luận rất chặt chẽ, nhưng chính cái chặt chẽ ấy lại là một sợi xích cột chặt họ lại khiến họ không thể cất cánh bay cao. Họ có lý nhưng tổ phụ Abraham ngày xưa đã chẳng lý luận gì khi nghe theo lời Giavê Thiên Chúa kêu gọi mà từ bỏ quê cha đất tổ để ra đi. Những người Do Thái có lý nhưng theo lối lý luận của con người. Thiên Chúa thì không dựa theo lý lẽ của con người để thực hiện công việc của mình, Thiên Chúa làm theo cách của Ngài. Những ai muốn nhận ra chương trình của Thiên Chúa thì cũng phải tập nhìn mọi sự theo cách nhìn của Ngài. Những người Do Thái không muốn nhìn như thế, họ nhìn vào Chúa Giêsu và họ chỉ thấy đó là một con người tuổi chưa đầy năm mươi mà dám khoác lác nói rằng mình đã thấy tổ phụ Abraham, lại còn dám xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa nữa. Họ không thể chấp nhận thái độ cao ngạo và phạm thượng ấy. Họ phải ném đá kẻ ngông cuồng này. Quả đúng như lời mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan: "Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có nhưng lại không nhận biết Người. Người đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận" (Ga 1, 9-11).

Cũng như tình yêu, đức tin không dựa trên lý lẽ. Lý trí có thể đưa chúng ta đến bên bờ của đức tin, rồi để mặc chúng ta ở đấy. Không phải lý trí bỏ rơi chúng ta nhưng lý trí không thể giúp chúng ta vượt qua được mép bờ huyền nhiệm của đức tin. Ðứng trên mép bờ huyền nhiệm ấy, tác động thích hợp duy nhất là yêu mến và phó thác. Tổ phụ Abraham đã yêu mến Thiên Chúa và đã phó thác mọi sự cho Ngài và đã được toại nguyện. Ðức Maria cũng đã khẳng định tương tự. Các thánh cũng hành động như thế; còn chúng ta, chúng ta hành động ra sao?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói: "Ai tuân giữ Lời Ta thì sẽ không bao giờ phải chết". Con không thể hiểu được lời này bằng lý luận mà chỉ có thể và sống lời ấy với tâm tình yêu mến và hoàn toàn phó thác vào Chúa mà thôi.

Lạy Chúa, xin hãy gia tăng đức tin cho con. Con tin nhưng xin Chúa thương trợ giúp cho sự cứng lòng kém tin của con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Xét đoán mù quáng.

Khi mới về xứ Ars chỉ vỏn vẹn 300 người, cha Vianney đã khởi sự xây dựng giáo xứ bằng cầu nguyện, hy sinh, hãm mình. Dần dần giáo dân từ nhiều xứ tuôn đến để nghe Ngài dạy giáo lý và để xưng tội với Ngài.

Các linh mục đồng nghiệp đều biết cha Vianney trước đây rất tầm thường và học hành rất dốt, cho nên vì ghen tương đã trình lên Đức cha địa phận rằng nhiều lần cha Vianney đã giải sai các nguyên tắc thần học luân lý.

Nghe thế, Đức cha cho gọi cha Vianney đến và giao cho cha một số trường hợp tội khó giải để cha giải trên giấy tờ rồi nộp lại cho Đức cha. Vài ngày sau, cha làm xong đem nộp và được các nhà chuyên môn khen là giải đáp đúng và khôn ngoan.

Các linh mục đồng nghiệp của cha Ars đã xét đoán theo tiêu chuẩn tự nhiên của lý trí, cộng thêm lòng ghen tỵ. Những xét đoán sai lầm đó càng làm cho các ngài mù quáng tinh thần nhiều hơn. Đó cũng là thái độ của những người Do Thái, không tin Chúa, không chấp nhận chân lý mạc khải như được kể lại trong Tin Mừng hôm nay.

Trong cuộc đối thoại với người Do Thái, Chúa Giêsu càng lúc càng mạc khải thêm về thân thế của Ngài, về nếp sống của những ai tin nhận Ngài: “Ai giữ lời Ta thì muôn đời sẽ không phải chết”. Với cái nhín và kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân, người Do Thái không thể nhận biết thân thế của Chúa: “Ông là ai? Ông chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham sao? Bây giờ chúng tôi mới biết rõ ông bị quỷ ám”. Một vị Thiên Chúa đã bị con người bôi nhọ, chụp mũ. Con người dễ tin theo những sự thật khác hơn sự thật của Chúa. Vả lại, sự thật của Chúa đòi hỏi con người phải từ bỏ nếp sống cũ tội lỗi, những mưu tính vụ lợi, những ganh tỵ hám danh.

Tác giả tập sách Đường Hy vọng đã viết: “Đức Kitô là Sự thật, không phải báo chí là sự thật, không phải truyền thanh, truyền hình là sự thật, con theo loại sự thật nào? Giàu hay nghèo, sang hay hèn, khen hay chê, không sao cả. Chấp nhận tiến trên đường hy vọng hồng phúc về ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Không nhượng bộ xác thịt, không nhượng bộ lười biếng, không nhượng bộ ích kỷ. Con không thể gọi đen là trằng, xấu là tốt, gian là ngay được”.

Trên con đường canh tân của Mùa chay, mỗi người chúng ta hãy dừng lại xét mình về thái độ của chúng ta trước những chân lý mạc khải và trước chính Đức Kitô, Đấng đang thôi thúc chúng ta tiến trên đường tin, cậy, mến.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Trí nhớ hạn hẹp

Đức Giêsu đáp:

“Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả.

Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông.

Các ông không biết Người; Còn tôi, tôi biết Người.

Nếu tôi nói là tôi không biết Người, Thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông

Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. (Ga. 8, 54-55)

Trong một xã hội có cơ cấu tổ chức như xã hội chúng ta, mọi thứ trôi theo cuộc sống buộc chúng ta phải giữ trọn nhiều giao kèo, khế ước, hợp đồng. Chúng có nhiều loại, nhiều kiểu khác nhau. Thứ này thì lâu dài như khế ước kết hôn. Thứ khác thì ngắn hạn, như giao kèo mua bán. Dù là thứ nào, hai bên hợp đồng phải tự ràng buộc mình giữ đúng lời nói hay ký kết và tôn trọng sự cam kết của mình. Được như thế, người ta gọi là trung tín. Rất đáng trách kẻ bê trễ hay quên tôn trọng những lời cam kết của mình đối với phía cho vay mượn. Sự quên lãng hay bê trễ luôn là một sức nặng đè lên đời sống cá nhân.

Có thể chúng ta cũng có thứ trí nhớ hạn hẹp đó chăng? Có thể lòng trung thành của chúng ta đối với Thiên Chúa cũng hạn hẹp như vậy! Đã có lần trong lịch sử đời ta, Thiên Chúa đã can thiệp để ấn ký một giao ước đời đời giữa Ngài với chúng ta, như Thiên Chúa đã nói với Áp-ra-ham: “Và ngươi, ngươi sẽ giữ giao ước của Ta, ngươi và dòng dõi ngươi từ đời này tới đời kia”. Mỗi người chúng ta nhờ bí tích Rửa tội, đã ký kết một bản giao kèo với Thiên Chúa, một giao ước được ấn ký long trọng tuyên thệ dứt khoát và đời đời trong máu thánh Đức Giêsu Kitô.

“Chúa đã luôn nhớ lời minh ước của Ngài”. Thánh vịnh đã ca tụng Chúa như vậy. Vâng, Thiên Chúa luôn luôn trung thành và không bao giờ quên lời cam kết của Ngài đối với chúng ta. Còn chúng ta thì sao?

Noi gương Thiên Chúa, chúng ta phải trung thành nhắc nhở chúng ta nhớ đến minh ước tình yêu đã nối kết chúng ta với Thiên Chúa. Bội ước, bất trung, nếu chúng ta không tôn trọng lời đã cam kết.

Đức Giêsu Kitô dạy chúng ta hôm nay: người nhận biết Thiên Chúa phải sống lời minh ước. “Tôi biết Ngài và giữ lời Ngài” (c. 55). Sống lời Chúa mỗi ngày, chúng ta sẽ được lời Chúa soi sáng, đó là dấu chỉ bảo đảm chắc chắn nhất về lòng trung thành của chúng ta đối với minh ước của Chúa. Lúc đó Thiên Chúa sẽ rất gần gũi với chúng ta. Chúng ta sẽ không còn sợ có một trí nhớ hạn hẹp chóng quên lời giao ước.

C.G

 

SUY NIỆM 4: ƠN CỨU ĐỘ CỦA TÔI NHỜ HY VỌNG VÀO CHÚA (Ga 8, 51-59)

Trong tông huấn Thiên Chúa là Tình yêu, Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã viết: “Chúng ta được cứu độ là nhờ vào hy vọng”. Thật vậy, sống mà không hy vọng thì thật bi đát, nhưng điều quan trọng là chúng ta hy vọng vào ai và vào cái gì mới là điều đáng nói!

Là người Kitô hữu, niềm hy vọng chúng ta đặt ở nơi Đức Giêsu và những lời giáo huấn của Ngài. Tại sao vậy? Thưa bởi vì nơi Ngài là nguồn mạch sự sống đời đời. Ngài thông truyền sự sống ấy cho những ai tin và thuộc về Ngài.

Chân lý này chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng hôm nay khi Đức Giêsu nói Ngài là: “Đấng Hằng Hữu”.

Khi tuyên bố như thế, Đức Giêsu muốn mặc khải Thiên tính của Ngài xuất phát từ Thiên Chúa.

Tuy nhiên, thay vì vui mừng và tạ ơn, những người Dothái cùng thời đã không thể chịu nổi những tuyên bố này của Đức Giêsu, nên sự đối đầu của họ với Ngài ngày càng quyết liệt, khiến họ quyết định lượm đá ném Ngài.

Ngày nay, trong xã hội thiên về thực dụng, coi trọng vật chất và thượng tôn chủ thuyết tương đối, nhiều người cũng không thể chấp nhận những sự thật của Tin Mừng, ngược lại, họ luôn đi tìm những điểm tựa mang tính nhất thời, những lời tuyên bố hão huyền và những chân lý nửa vời!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng và hy vọng nơi Chúa, chỉ có Ngài mới tồn tại vĩnh viễn, bởi vì Ngài Hằng Hữu. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi sống niềm tin và hy vọng ấy ngay trong những lựa chọn và hành động của mình để được thuộc Chúa và chung hưởng hạnh phúc cùng với những người thuộc về Nước Hằng Sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con trung kiên theo Chúa đến cùng, ngõ hầu chúng con trở nên môn đệ đích thực của Chúa trong thời đại hôm nay. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Tôi hằng hữu

Suy niệm :

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng việc Đức Giêsu bị ném đá.

Nhưng Ngài đã ẩn mình đi và ra khỏi Đền thờ (c. 59).

Ném đá là hình phạt của người Do thái chủ yếu dành cho kẻ phạm thượng.

Đức Giêsu đã làm gì để bị coi là mắc tội phạm thượng,

nghĩa là tội coi thường quyền tối thượng của Thiên Chúa?

Trước hết Đức Giêsu đặt mình lên trên tổ phụ đáng kính Abraham.

Ngài biết ông Abraham vui sướng mừng rỡ

vì hy vọng được thấy ngày của Ngài, thấy những việc Ngài làm đây (c. 56).

Abraham mừng vì chính Đức Giêsu, chứ không phải cá nhân mình,

mới là Đấng đem phúc lành cho mọi dân tộc trên thế giới.

Dù chưa tới năm mươi tuổi, Đức Giêsu dám coi mình là có trước ông Abraham.

“Trước khi có Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (c. 58).

Ta là Đấng Hằng Hữu là câu trả lời của Thiên Chúa cho ông Môsê

khi ông hỏi tên của Ngài bên bụi cây bốc cháy (Xh 3, 14).

Đức Giêsu cũng muốn trả lời câu hỏi về mình (c. 53) bằng lối nói đó.

Vì trước khi được sinh ra ở đời làm người, thì Ngài đã hiện hữu rồi.

Ngài là một với Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga 1, 14-18),

bởi đó Ngài có trước Abraham, người đã sống trước Ngài gần hai ngàn năm.

Chính khẳng định bị coi là phạm thượng này đã khiến Ngài bị ném đá.

Đức Giêsu thường bị coi là ngạo mạn, tự tôn vì những lời như vậy.

Thật ra Ngài chẳng tự tôn vinh mình.

Chúa Cha mới là Đấng tôn vinh Ngài qua cái chết tủi nhục (c. 54).

Đức Giêsu cũng chẳng coi thường Thiên Chúa bao giờ.

Ngài gọi Thiên Chúa là Cha một cách thân thương,

và nhìn nhận: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28).

Có một sự phân biệt rất rõ giữa Chúa Cha và Đức Giêsu:

Chúa Cha là người sai đi; Đức Giêsu là Con, là người được sai đi.

Đức Giêsu chỉ làm điều Ngài thấy Cha làm (Ga 5, 19-20; 8, 28-29),

và nói điều Ngài nghe Cha nói (Ga 8, 26. 40; 12, 49-50).

Triệt để vâng phục và tùy thuộc là nét đặc trưng của Đức Giêsu.

Trong Tin Mừng Gioan, bao lần ta gặp cụm từ không tự mình.

Đức Giêsu không tự mình nói, cũng chẳng tự mình làm.

Ngài đòi chúng ta tuân giữ lời Ngài (c. 51)

chỉ vì chính Ngài cũng đã tuân giữ lời của Thiên Chúa (c. 55).

Trong tuần lễ này, tại nhà thờ các ảnh tượng có thể được che lại.

Khi bị ném đá, Đức Giêsu đã tránh đi vì giờ của Ngài chưa đến.

Đức Giêsu vẫn cương trực nói điều phải nói và làm điều phải làm.

Chúng ta xin có được sự cương trực đó khi phải làm chứng cho Chúa.

 

Cầu nguyện :

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:

Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi

mọi biển lận tầm thường.

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên

để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang

để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường

để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,

hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai

để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho tôi sức mạnh tràn trề

để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. Amen.

R. Tagore (Đỗ Khánh Hoan dịch)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ



 

SUY NIỆM

1. Lời Hằng Sống

Chúng ta chỉ cần ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng, theo gương Đức Maria, một lời này thôi của Đức Giê-su:

Ai tuân giữ lời tôi,
thì sẽ không bao giờ phải chết[1] 
(c. 51)

Lời này của Đức Giê-su gợi lại cho chúng ta một lời khác, được Người nói khi kết thúc Bài Giảng Trên Núi: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá… Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát” (Mt 7, 24-26).

Khi nghe lời này của Đức Giê-su, người Do thái đã hiểu sự sống con người theo nghĩa thể lí, nghĩa là sự sống theo quy luật “sinh lão bệnh tử”; vì thế, họ nêu vấn nạn: các đấng thánh lớn nhất của họ, là Abraham và các ngôn sứ, hằng tuân giữ Lời Thiên Chúa, vậy mà vẫn chết hết! Theo người Do thái, khi Đức Giê-su nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết”, Ngài đã tự coi mình là ai? Lời của Ngài có sức mạnh nào? Phải chăng Ngài bị quỉ ám? (c. 52-53)

Khi suy nghĩ như thế, người Do Thái lại vô tình nhắc lại lời của Đức Giê-su một lần nữa, làm cho đoạn văn rất ngắn: “51 Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” 52 Người Do-thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (c. 51-52) có một cấu trúc hoàn hảo:

(a) Lời của Đức Giê-su – Sự Sống (không bao giờ phải chết)
     (c. 51)

(b) Sự Chết (Abraham và các ngôn sứ đã chết)-(c. 52a)

(a’) Lời của Đức Giê-su – Sự Sống (không bao giờ phải chết)
      (c. 52b)

Còn chúng ta, nếu chúng ta chỉ hiểu sự sống của chúng ta ở bình diện thể lí, chúng ta cũng sẽ nêu những vấn nạn tương tự như người Do thái, chúng ta cũng sẽ tất yếu khinh chê lời của Đức Giê-su và không tin nơi Ngài. Bởi vì, ở bình diện thân phận con người, dù chúng ta có cố gắng tuân giữ lời của Đức Giê-su đến mấy đi nữa, chúng ta cũng sẽ phải trải qua những thử thách, đau khổ của cuộc đời, của ơn gọi và cuối cùng là phải chết. Hơn nữa, chính Đức Giê-su cũng chết, cái chết bi đát trong cuộc Thương Khó và trên Thập Giá, mà chúng ta sẽ tưởng niệm trong Tuần Thánh sắp đến.

Nhưng sự sống mà Đức Giê-su nói tới, là sự sống “không bao giờ phải chết”; mà sự sống “không bao giờ phải chết” không thể là sự sống hiện tại của chúng ta. Bất tử trên đời này có vẻ là điều thú vị; và loài người chúng ta ở mọi thời và ở khắp nơi luôn đi tìm quả trường sinh hay một thứ thần dược trường sinh. Nhưng chúng ta hãy suy nghĩ kĩ lại mà xem, nếu ai cũng sống mãi trên đời này, không chịu chết, thì sẽ ra làm sao? Chắc chắn sẽ có rất nhiều phiền phức nhất là khi đã lớn tuổi: người già làm sao chịu đựng được người trẻ, và người trẻ làm sao chịu đựng người già, khi mà những khác biệt thế hệ càng ngày càng lớn? Và nhất là làm sao đi vào vĩnh cửu, nếu không rời bỏ thời gian? Nhưng xét cho cùng, cuộc sống này có đáng cho chúng ta sống mãi không?

Đúng là Đức Ki-tô đã chết, như tất cả chúng ta sẽ phải chết, nhưng Ngài đã phục sinh, đã chiến thắng sự chết để đi vào sự sống vĩnh cửu. Vì thế, ai tuân giữ lời của Người, sẽ không bao giờ phải chết, bởi vì Lời của Người, giống như và đồng nhất với Ngôi Vị của Người, và Người là Ngôi Lời hằng sống, đi ngang qua sự chết nhưng vẫn sống, nghĩa là mạnh hơn sự chết!

 2. Sự sống hôm nay

Lời của Đức Giê-su là Lời hằng sống, mạnh hơn sự chết. Vì thế, Lời của Người cũng phục vụ cho sự sống của chúng ta ngay hôm nay nữa. Bởi vì, chúng ta đâu chỉ sống bằng sự sống thể lí, đâu chỉ sống bằng việc thỏa mãn các nhu cầu: ăn, mặc, ở, đi lại và các tiện nghi khác; nhưng còn bằng tương quan nữa, tương quan tình thương, và những tương quan khác, phát xuất từ tình thương, đó là: tình bạn, chăm sóc, quan tâm, đón nhận, lắng nghe, cảm thông, chia sẻ, tương trợ, liên đới, bao dung, tha thứ… Thiếu những tương quan này, chúng ta không thể sống được; và nếu có sống, thì cũng như chết; như chúng ta thường nói: “như cái địa ngục”. Một em bé, dù còn phụ thuộc nhiều vào việc thỏa mãn các nhu cầu thể lí, cũng rất cần sự hiện diện, hơi ấm và những lời nói âu yếm, vỗ về, yêu thương của cha mẹ và những người thân yêu.

Con người không chỉ sống bằng sự sống thể lí, nhưng còn sống bằng tương quan tình yêu nữa, tình yêu của Chúa và tình yêu của nhau. Và Lời Chúa là Lời tình yêu và tác tạo tình yêu. Vì thế Lời Chúa là lời mang lại sự sống, cho dù thân xác này có tiều tụy và qua đi, sự sống bằng tương quan tình yêu cũng không bao giờ bị mai một, đôi mắt của chúng ta vẫn nhìn ra sự sống ngay trong sự chết đang đến và đã đến. Đó là “kinh nghiệm thiêng liêng” mà Đức Giê-su sẽ sống một cách viên mãn trên Thập Giá.

Và Lời Chúa không tác tạo ra của cải, nhưng tác tạo nên tương quan, tương quan tình thương, tình bạn, đón nhận, bao dung và tha thứ. Và trong cuộc sống hiện tại và hằng ngày của chúng ta trong hoàn cảnh ngày nay, chúng ta cần biết bao những tương quan này, nhất là trong đời sống gia đình, đời sống cộng đoàn và cả trong môi trường làm việc và trong đời sống xã hội nữa. Lời Chúa là Lời ban sự sống, sự sống sau sự chết và cả sự sống hằng ngày của chúng ta.

3. Mầu nhiệm Vượt Qua

Thập Giá là “bằng chứng” khách quan, cho thấy Người Do Thái đã đúng: trong cuộc Thương Khó, họ sẽ giết Đức Giê-su, để cho thấy lời Người không những không làm cho ai sống, mà chính sự sống của mình cũng không giữ được! Nhưng chính khi họ giết Chúa, họ làm cho lời Chúa được ứng nghiệm: họ làm việc cho sự chết, còn Đức Giê-su hướng về sự sống, đi về sự sống, trao ban sự sống, ngay khi Ngài đi vào sự chết và băng ngang qua sự chết.

Bởi vì, lời của Ngài là Lời Hằng Sống, có trước Abraham, tác tạo nên mọi sự và là ánh sáng và cùng đích của mọi sự. Nơi Người, Lời, Sự Sống và Ánh Sáng là một:

Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành
ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

(Ga 1, 3)

Vậy, lời của ai là chân thực, của người Do Thái hay của Đức Giê-su? Hình ảnh sau đây mang lại cho chúng ta tiêu chuẩn để phân định:

Họ liền lượm đá để ném Người.
Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ. 
(c. 59)

Một bên là sự giận giữ, với hành động ném đá toan giết chết, một bên là Đức Giê-su bình an, lánh đi để đi con đường sự sống và trao ban sự sống. Đó chính là hình ảnh diễn tả cách tuyệt vời mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô mà chúng ta tưởng niệm mỗi ngày trong Thánh Lễ và đặc biệt trong Tuần Thánh sắp đến; và như lời nguyện Thánh Vịnh đã loan báo:

Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài,
còn con đây thì được thoát khỏi. 
(Tv 141, 10)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Dịch sát bản văn Hi-lạp: “chắc chắn mãi mãi sẽ không thấy sự chết”.

 

Trước khi Abraham hiện hữu thì Ta đã hiện hữu

Thursday: (April 11): “Before Abraham was, I am”

 

Gospel Reading:  John 8:51-59

51 Truly, truly, I say to you, if any one keeps my word, he will never see death.” 52 The Jews said to him, “Now we know that you have a demon. Abraham died, as did the prophets; and you say, `If any one keeps my word, he will never taste death.’ 53 Are you greater than our father Abraham, who died? And the prophets died! Who do you claim to be?” 54 Jesus answered, “If I glorify myself, my glory is nothing; it is my Father who glorifies me, of whom you say that he is your God. 55 But you have not known him; I know  him. If I said, I do not know him, I should be a liar like you; but I do know him and I keep his word.  56 Your father Abraham rejoiced that he was to see my day; he saw it and was glad.” 57 The Jews then said to him, “You are not yet fifty years old, and have you seen Abraham?” 58 Jesus said to them, “Truly, truly, I say to you, before Abraham was, I am.” 59 So they took up stones to throw at him; but Jesus hid himself, and went out of the temple.

Thứ Năm  11-4           Trước khi Abraham hiện hữu thì Ta đã hiện hữu

 

Ga 8,51-59

51 Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.”52 Người Do-thái liền nói: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.53Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai? “54 Đức Giê-su đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông.55 Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người.56Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.”57 Người Do-thái nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham! “58 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu! “59 Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

Meditation: 

 

Do you listen to Jesus’ words as if your life depended on it? Jesus made a claim which only God can make – “if any one keeps my word, he will never see death.” St. Augustine of Hippo (354-430 AD), explains this verse from John 8:51:

 

“It means nothing less than he saw another death from which he came to free us – the second death, eternal death, the death of hell, the death of the damned, which is shared with the devil and his angels! This is the real death; the other kind of death is only a passage” (Tractates on the Gospel of John 43.10-11).

Through Christ God offers us an unbreakable covenant of love

When God established a relationship with Abraham, he offered him an unbreakable “everlasting covenant” (Genesis 17:7). Jesus came to fulfill that covenant so that we could know the living God and be united with him both now and for all eternity. God made us to know him and to be united with him and he gives us the gift of faith and understanding so that we may grow in the knowledge of what he has accomplished for us through his Son, Jesus Christ.

Jesus challenged the people of Israel to accept his word as the very revelation of God himself. His claim challenged the very foundation of their belief and understanding of God. Jesus made a series of claims which are the very foundation of his life and mission. What are these claims? First, Jesus claims unique knowledge of God as the only begotten Son of the Father in heaven. Since he claims to be in direct personal communion with his Father in heaven, he knows everything about the Father. Jesus claims that the only way to full knowledge of the mind and heart of God is through himself. Jesus also claims unique obedience to God the Father. He thinks, lives and acts in the knowledge of his Father’s word. To look at his life is to “see how God wishes me to live.” In Jesus alone we see what God wants us to know and what he wants us to be.

Jesus, the Word of God, was one with the Father before time existed

When the Jewish authorities asked Jesus who do you claim to be? he answered, “before Abraham was, I am.” Jesus claims to be timeless and there is only one in the universe who is timeless, namely God. Scripture tells us that “Jesus Christ is the same yesterday and today and forever” (Hebrews 13:8). Jesus was not just a man who came, lived, died, and then rose again. He is the immortal timeless One, who always was and always will be. In Jesus we see the eternal God in visible flesh. He is God who became a man for our sake and for our salvation. His death and resurrection make it possible for us to share in his immortality. Do you believe the words of Jesus and obey them with all your heart, mind, and strength?

“Lord Jesus, let your word be on my lips and in my heart that I may walk in the freedom of your everlasting love, truth and goodness.”

Suy niệm:

 

Bạn có lắng nghe lời của Ðức Giêsu như thể cuộc sống của bạn tùy thuộc vào nó không? Ðức Giêsu tuyên bố lời chỉ có Thiên Chúa mới có thể tuyên bố – “Nếu ai giữ lời Thầy, họ sẽ không bao giờ thấy sự chết”. Thánh Augustine thành Hippo (354-430 AD) giải thích câu Gioan 8,51 như sau:

“Nó không gì khác hơn là Người đã thấy cái chết khác mà vì nó Người đã đến để giải thoát chúng ta – cái chết thứ hai, cái chết đời đời, cái chết của Hỏa ngục, cái chết của người bị đày đọa, cái chết cùng với ma quỷ và các thần của nó! Ðây chính là cái chết thật sự; còn loại chết khác chỉ là sự chóng qua” (Khảo luận về Tin mừng Gioan 43,10-11).

Ngang qua Đức Kitô, Thiên Chúa ban cho chúng ta giao ước tình yêu vĩnh cửu

Khi Thiên Chúa thiết lập mối quan hệ với Abraham, Người ban cho ông một “giao ước vĩnh cửu” không thể phá vỡ (St 17,7). Ðức Giêsu đến để hoàn thành giao ước đó để chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa hằng sống và được kết hiệp với Người đời này lẫn đời sau. Thiên Chúa làm cho chúng ta nhận biết Người và kết hiệp với Người và Người ban cho chúng ta ơn đức tin và sự hiểu biết để chúng ta có thể lớn lên trong sự hiểu biết về những gì Người đã hoàn thành cho chúng ta ngang qua Con của Người là Ðức Giêsu Kitô.

Ðức Giêsu thách đố dân Israel đón nhận lời Người như sự mặc khải đích thật của chính Thiên Chúa. Lời tuyên bố của Người thách đố nền tảng đức tin và sự hiểu biết thật sự của họ về Thiên Chúa. Ðức Giêsu đưa ra một loạt lời tuyên bố dựa trên cuộc sống và sứ mạng của Người. Những lời tuyên bố này là gì? Trước hết, Ðức Giêsu tuyên bố sự hiểu biết duy nhất về Thiên Chúa như Con một yêu dấu của Cha trên trời. Bởi vì Người tuyên bố ở trong mối tương quan cá vị trực tiếp với Cha trên trời, Người biết mọi sự về Cha. Ðức Giêsu tuyên bố rằng con đường duy nhất để hiểu biết trọn vẹn về tâm trí Thiên Chúa phải ngang qua chính Người. Ðức Giêsu cũng tuyên bố sự vâng phục duy nhất trước Chúa Cha. Người suy nghĩ, sống, và hành động trong sự hiểu biết của Lời Cha. Nhìn vào cuộc sống của Người là để “xem Thiên Chúa muốn ta sống thế nào”. Chỉ trong Ðức Giêsu chúng ta mới thấy được những gì Thiên Chúa muốn chúng ta nhận biết và những gì Người muốn chúng ta là.

Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, là một với Cha từ thuở đời đời

Khi những nhà cầm quyền Dothái hỏi Ðức Giêsuông tuyên bố mình là ai? Người trả lời: trước khi có Abraham, Ta đã hiện hữu. Ðức Giêsu nói tớisự vô tận và chỉ có Đấng duy nhất trong vũ trụ này là vô tận, đó là Thiên Chúa. Kinh thánh nói với chúng ta rằng “Ðức Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay, và mãi mãi vẫn là một” (Hr 13,8). Ðức Giêsu không chỉ là người đã đến, sống, chết, và sống lại. Người còn là Đấng mãi mãi bất diệt, Đấng luôn luôn hiện hữu và mãi mãi hiện hữu. Trong Ðức Giêsu, chúng ta thấy Thiên Chúa hằng hữu trong thân xác hữu hình. Người là Thiên Chúa, Ðấng đã trở nên con người vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Cái chết và sự sống lại của Người giúp chúng ta chia sẻ sự sống đời đời của Người. Bạn có sống trong niềm hy vọng và niềm vui của sự sống lại không?

Lạy Chúa Giêsu, xin Lời Chúa ở trên môi miệng và trong trái tim con để con có thể bước đi trong sự tự do của tình yêu, sự thật, và tốt lành vĩnh cửu của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây