Thứ Sáu tuần 29 thường niên.

Thứ năm - 22/10/2020 08:33

Thứ Sáu tuần 29 thường niên.

"Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?"

 

 

Lời Chúa: Lc 12, 54-59

Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: "Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế.

Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng".

 

 

Suy Niệm 1: Nhận xét thời đại này

Suy niệm:

Tục ngữ ca dao nước ta không thiếu những câu nói về thời tiết.

Kinh nghiệm dân gian cho phép dự đoán những gì sắp xảy ra.

Có những dấu hiệu báo trước cơn mưa hay dông bão.

“Sấm đàng đông vừa trông vừa chạy, sấm đàng nam vừa làm vừa chơi.”

Người dân nước Paléttin cũng có những kinh nghiệm tương tự.

“Mây kéo lên ở phía tây” là mây đến từ biển Địa Trung Hải.

Khi thấy mây từ biển tiến vào, người ta đoán mưa đến nơi rồi (c. 54).

Khi thấy gió từ phương nam thổi đến,

luồng gió nóng từ vùng núi Ả-rập,

người ta biết ngay thời tiết sẽ hết sức oi bức (c. 55).

“Và xảy ra đúng như vậy”, Đức Giêsu nhắc lại câu này hai lần.

Ngài cho thấy dự đoán của dân chúng về thời tiết ít khi sai.

Họ khá bén nhạy trước những dấu hiệu thay đổi nhỏ của trời đất.

Tiếc là dân chúng thời Đức Giêsu lại không đủ bén nhạy

để có thể nhận biết được ý nghĩa của những dấu chỉ

đang diễn ra trước mắt họ.

Đức Giêsu ngạc nhiên vì những người cùng thời với Ngài

không thấy được cái độc nhất vô nhị của thời đại họ đang sống.

Họ không cảm thấy hạnh phúc khi được Thiên Chúa đến viếng thăm.

Chính vì thế ơn cứu độ của Thiên Chúa có thể bị quên lãng.

“Hỡi những kẻ đạo đức giả!” Đức Giêsu đã gọi họ như thế (c. 56).

Tại sao các anh nhạy bén trước điều này, mà lại thờ ơ trước điều kia?

Thiếu bén nhạy về mặt tôn giáo cũng là cơn bệnh của con người thời nay.

Thiên Chúa vẫn nói với con người hôm nay qua các dấu chỉ.

Vấn đề là làm sao đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ đó.

Thiên Chúa không hiện ra để dạy con người biết tôn trọng trái đất.

Nhưng những hậu quả mà con người phải chịu là lời nhắc nhở của Ngài.

Khi trái đất ấm dần lên, khi băng tan ra và mực nước biển dâng cao,

một số phần đất của quê hương ta sẽ bị chìm dưới nước.

Khi người dân chặt phá rừng, thì lụt lội và hạn hán là chuyện dĩ nhiên.

Cơn bệnh của thế kỷ cũng có thể là một lời nhắc nhở.

Thiên Chúa mời gọi vợ chồng sống chung thủy trong hôn nhân,

và mời các bạn trẻ sống trong sạch trước khi lập hôn ước.

Ngay cả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng là một dấu chỉ.

Con người được mời gọi tìm ra những cơ cấu kinh tế vững vàng hơn,

để không bị một số ít nhà tư bản hay nước tư bản thao túng.

Mở mắt to để thấy, mở tai to để nghe, đó phải là thái độ của Kitô hữu,

vì hôm nay Thiên Chúa vẫn nói, vẫn làm nơi Đức Kitô, Con của Ngài.

Ngài vẫn nói với chúng ta qua hơn 90% người Việt Nam chưa biết Chúa.

Ngài vẫn nói với ta khi có những bạn trẻ Kitô hữu nghiện ngập, hư hỏng.

Ngài vẫn mời chúng ta làm một điều gì đó cho bao người nghèo khó,

cho trẻ em thất học, cho những phụ nữ lỡ làng, cho những người neo đơn.

Chỉ xin cho ta cảm được chút gió nhẹ của Chúa trong đời ta.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:

Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này

là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.

Con mơ ước

không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,

bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.

Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,

không còn những cô gái đứng đường

hay những người ăn xin.

Con mơ ước

những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,

các ông chủ coi công nhân như anh em.

Con mơ ước

tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,

các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.

Lạy Chúa của con,

con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,

xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,

và xanh của bao niềm hy vọng

nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.

Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,

thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: DẤU CHỈ GIÊ-SU    

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Biết nhìn ra dấu chỉ thật quan trọng. Biết nhìn thời tiết sẽ sắp xếp công việc hợp lý. Đặc biệt là công việc đồng áng. Để cầy cấy cho đúng thời vụ. Đem lại lương thực cho đời sống thân xác. Nhưng biết nhìn dấu chỉ thiêng liêng còn quan trọng hơn. Vì giúp lo liệu công việc cung cấp lương thực thiêng liêng. Cho sự sống đời đời.

Chúa mắng những người Do thái là giả hình. Vì họ không thể không biết những dấu chỉ về Đấng Cứu Thế: kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người nghèo được nghe Tin Mừng. Chính Chúa đã thực hiện những điều các tiên tri loan báo từ ngàn xưa. Họ giả hình. Vì biết mà không tin. Có lẽ họ sợ phải thay đổi đời sống. Hay là sợ mất quyền lợi khi phải tin theo Chúa. Giả dối. Tâm thần phân liệt.

Chúa cảnh báo họ. Nếu không có phán đoán chính xác. Nếu không thay đổi thái độ để có hành xử đúng đắn. Họ sẽ lãnh lấy hậu quả tai hại. Sẽ bị trừng phạt vì sự thiếu khôn ngoan đó: “Kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục”.

Chứng tâm thần phân liệt được thánh Phao-lô nhận biết ngay trong bản thân mình. Ngài nhận thấy sự bất lực của mình trong đời sống thiêng liêng: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”. Và ngài nhận biết mình bị tội lỗi trói buộc. Không sao thoát ra được. Ngài nhận biết chỉ mình Chúa Ki-tô mới có thể cứu ngài thoát sự nô lệ tội lỗi đó: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (năm lẻ).

Ngài nhận biết thế giới này xung đột chia rẽ. Và sự chia rẽ xuất phát ngay từ nội tâm con người. Đó là do tội lỗi. Cần thống nhất đời sống. Cần thống nhất thế giới. Chỉ có một phương thế: Chịu phép rửa nhân danh Chúa Ki-tô. Như thế “chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hi vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người”. Chỉ Thiên Chúa mới có thể giải cứu thế giới. Chỉ Thiên Chúa mới có thể giải thoát con người. Chỉ Thiên Chúa mới có thể duy nhất đời sống. Nhờ Chúa Giê-su Ki-tô (năm chẵn).

 

Suy Niệm 3: Lạc Quan, Tin Tưởng

"Sinh ngày mùng 4 tháng 7", và "Bàn chân trái của tôi", đó là tựa đề của hai cuốn phim Mỹ hay nhất năm 1990. "Sinh ngày mùng 4 tháng 7" kể truyện một thanh niên Mỹ bị động viên sang VN và trở thành kẻ tàn tật suốt đời. Bất mãn, hận đời, người thanh niên gia nhập phong trào phản chiến ở Mỹ. Còn cuốn phim "Bàn chân trái của tôi" cho thấy hình ảnh một con người phấn đấu với những bất hạnh của mình để đạt thành công. "Bàn chân trái của tôi" nêu bật bài học về lạc quan tin tưởng trong cuộc sống.

Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc con người. Ngay cả khi con người tưởng chừng như mất tất cả, thì đó chính là lúc Thiên Chúa ban ơn dồi dào hơn; từ những mất mát, Thiên Chúa biến thành khởi điểm của những điều kỳ diệu.

Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta mặc lấy cái nhìn lạc quan và tin tưởng. Chúng ta dễ cảm tạ Thiên Chúa khi gặp may mắn, thịnh đạt, thành công; nhưng chúng ta lại dễ bị cám dỗ để không nhận ra sự hiện diện và tác động của Ngài trong những mất mát, thua thiệt. Nhìn vào điềm báo thời tiết, chúng ta biết được trời sắp mưa hay sắp nóng nực; cũng thế, nhìn vào những may mắn và cả những thất bại, chúng ta hãy nhận ra lời mời gọi tin tưởng và dâng lời cảm tạ Chúa. Mỗi gặp gỡ, mỗi biến cố đều là dấu chỉ thời gian, vừa bày tỏ sự hiện diện và tác động yêu thương của Chúa, vừa mời gọi chúng ta tín thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

Chỉ với một bàn chân trái, một người tàn tật có thể vươn lên. Chúng ta hãy tự nhủ: những mất mát, khổ đau, thử thách là cơ may Thiên Chúa ban để giúp chúng ta vươn cao trong niềm tin. Chúng ta hãy nói lên niềm tin vào Ðấng luôn có mặt trong cuộc sống chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta, ngay cả khi chúng ta yếu hèn tội lỗi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Dấu Chỉ Của Thời Ðại

Chúng ta rất quen với những thời tiết trong một năm và quen như vậy thì chúng ta mới biết tính toán trong công việc làm ăn, canh tác. Thiên Chúa, Cha chúng ta, Người là Ðấng vô hình và Người tạo dựng nên chúng ta hữu hình. Vì thế, Người nói chuyện với chúng ta về tình yêu của Người bằng dấu chỉ. Mục đích Người muốn cho chúng ta nhận ra được ý muốn của Người và phục vụ ý muốn đó với tất cả tấm lòng của người con hiếu thảo. Chỉ tiếc một điều là chúng ta quen thuộc với những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa để rồi thành công trong công việc làm ăn và nuôi sống cho thân xác, nhưng lại không muốn quan tâm đến những dấu chỉ tình yêu vô cùng cần thiết cho đời sống chúng ta. Chúng ta có vẻ lo lắng cho của cải vật chất của mình mà quên rằng chúng ta còn cuộc sống làm con cái của Thiên Chúa, con cái của Ðấng Tạo Hóa. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta biết nhận ra dấu chỉ ngôn sứ để có thể có được một đời sống đời đời. Những dấu chỉ ấy, Thiên Chúa Cha đặt để khắp mọi nơi, mọi chốn trong cuộc sống mỗi người qua giáo huấn của Kinh Thánh, qua giáo huấn của Giáo Hội, qua những cơ cấu tổ chức của xã hội, những khoản lề luật để đảm bảo trật tự trong cộng đồng, những biến cố lớn nhỏ trong lịch sử của một đời người, một dân tộc và toàn thế giới. Vấn đề là chúng ta biết nhìn ngắm, biết nhận ra và biết vâng phục yêu mến Thiên Chúa khi Người cho chúng ta những dấu chỉ và những dấu chứng ấy.

Dấu chỉ, dấu chứng lớn nhất là chúng ta có một Thiên Chúa là Cha. Người đã làm được tất cả những gì làm được cho chúng ta, kể cả việc trao ban cho chúng ta Người Con yêu dấu duy nhất của Người, để chúng ta được hòa giải với Người và hòa giải với nhau trong tình anh chị em. Vì thế, chúng ta phải xử với nhau như anh chị em. Hơn nữa đối với Chúa Giêsu, trần gian này chẳng qua là nơi Thiên Chúa giáo huấn cho chúng ta, làm cho chúng ta nên cao cả qua những việc mình làm mỗi ngày để mang lại hạnh phúc cho nhau. Một mai đây khi đến thời đến buổi chúng ta cũng sẽ cùng nhau về với Cha. Sống ở đời này với ưu tiên một là Thiên Chúa thì chúng ta mới có thể mong được về hưởng hạnh phúc với Người.

Lạy Cha yêu thương,

Cha thật là tuyệt vời khi nói với chúng con về tình yêu bằng dấu chỉ và bằng ngôn ngữ. Cha muốn cho chúng con đọc được những dấu chỉ ấy, những hình thức ngôn ngữ ấy để chúng con cảm nghiệm được tình Cha, sống tình Cha và chia sẻ tình Cha với anh chị em chúng con, khi chúng con cùng nhau hành trình về nhà Cha. Thật ra thì dấu chỉ Cha dùng, ngôn ngữ Cha sử dụng rất rõ ràng, hiển nhiên và dễ hiểu, có chăng là tại chúng con cố tình làm như không hiểu. Dưới sự nhắc nhở của Chúa Giêsu, chúng con cố đào sâu hơn nữa những dấu chỉ và chúng con cũng biết tôn thờ Cha bằng những dấu chỉ nghiêm túc của phụng vụ, của các hoạt động tông đồ giáo dân, để dẫn đưa tất cả anh chị em chúng con về với Cha.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Thứ Điếc Bất Trị

Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét? (Lc. 12, 56-57)

Một trong những ơn Chúa Thánh Thần cần thiết nhất cho con người suy xét và biết rõ, phân biệt rõ, bản dịch xưa kia gọi là ơn suy biết, nay gọi là ơn minh luận. Đối với việc đời, người ta tự khoe mình có cảm thức rất rõ, giúp người ta phán đoán mọi tình cảnh, lượng định đánh giá để hành động thích hợp, như Đức Giêsu đã nói với đám đông: “Các ngươi biết nhận xét bộ mặt trời đất”.

Thế mà “thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét”. Thời đại nước trời đã đến, được Gio-an loan báo và được Chúa tuyên bố với những dấu chỉ toàn năng của Thiên Chúa?

Thứ điếc nhất là không muốn nghe

Khi Người nói phải biết phân biệt lấy điều phải để theo, người ta lại không muốn nghe, họ không muốn nhận xét tự mình, vì lương tâm họ có thể sẽ chỉ cho họ phải theo con đường mà họ không thích. Ăn năn trở lại là nói đến thay đổi hướng đi, từ bỏ những thói quen xấu đã gắn bó với mình, nhận ra tội lỗi mình, chấp nhận mình đã bất trung, họ cự tuyệt với hành động hạ mình xuống, quả quyết từ chối nghe tiếng lương tâm của họ. Họ hoàn toàn điếc không sợ súng.

Mỗi thế hệ ở một thời điểm nhất định và tương lai tùy thuộc vào phán đoán của mình về thời đại đang sống. Ngày nay Thiên Chúa vẫn hoạt động trong đời sống chúng ta, Ngài nói với chúng ta qua những biến cố, qua những người mà chúng ta gặp. Hãy lắng nghe lời Ngài, Ngài khẩn thiết gọi ta trở về với tình yêu của Ngài. Rất nhiều khi chúng ta quay lỗ tai điếc ra nghe. Chúng ta từ chối bồi đắp cho cuộc đời mình. Chúng ta sống quá thoải mái bởi những tiện nghi.

Cố chấp hay ngu đần

Thủ tục tố tụng của đế quốc La-mã xưa rất khắc nghiệt. Một khi khởi tố phải theo những thủ tục rất bất nhân. Cho nên Đức Kitô nhắc nhở và khuyên cố gắng giải quyết với đối phương trước khi phải ra tòa án xét xử. Ngày phán xét cũng sẽ không khoan nhượng và rất khắc nghiệt. Chúng ta hãy lo ăn năn trở lại trước đi, kẻo quá trễ. Người ta lầm tưởng rằng Thiên Chúa rất tốt lành, Ngài không thể để ai bị kết án và Ngài sẽ bãi bỏ công lý. Sự cố chấp, ngoan cố làm chúng ta không muốn nghe lời Chúa, chẳng những là thứ ngu đần mà còn là một trọng tội đẩy ta đến chỗ chết đời đời.

RC

 

Suy Niệm 6: NHẬN RA DẤU CHỈ ... VÀ SÁM HỐI, CANH TÂN (Lc 12,54-59)

Khi nói về dấu chỉ của thời tiết, ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:

“Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy,

Cơn đàng Nam vừa làm vừa chơi”.

Hay:

“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã khen ngợi những người Dothái về khả năng tiên đoán điềm trời của họ. Tuy nhiên, Ngài lại khiển trách họ chỉ biết dự báo về điềm trời, còn không biết dùng khả năng vốn có của mình để sử dụng vào lãnh vực cao hơn là những dấu chỉ ơn cứu độ. Ngài trách: “Hỡi những kẻ giả hình, các người biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi lại không tìm hiểu?”.

Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn xác định rằng: sự xuất hiện của Ngài ngang qua các hành động và những lời giáo huấn cho thấy: Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, đến để cứu thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi chết phần hồn và đem lại cho nhân loại hạnh phúc thật. Đây chính là một điềm lạ vĩ đại, cả thể, nhằm loan báo Triều Đại Thiên Chúa đã đến và đang hiện diện giữa nhân loại thì họ lại không tin, không nhận ra.

Tại sao vậy? Thưa! Họ mong đợi nơi Đấng Cứu Thế phải là một người hùng, đánh đông dẹp bắc bằng vũ lực; phải là Đấng giải phóng dân tộc Dothái khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma. Phải là người giỏi giang về binh đao và xuất xứ của Đấng ấy phải là quyền quý, cao sang.

Tuy nhiên, điều họ mong chờ ấy đã không phù hợp với bản chất của Đấng Thiên Sai, nên họ đã bị tối mắt và lu mờ lương tâm khi Đức Giêsu xuất hiện trong một gia đình nghèo, tầm thường. Hơn nữa, Ngài đến trong thân phận là người tôi tớ của Giavê, để phục vụ và đứng về phía người nghèo, tội lỗi, người không có tiếng nói... Đường lối cứu độ của Ngài lại là con đường khổ giá, khiêm nhường và hiền hậu. Sự nghiệp giải phóng của Ngài không chỉ dành riêng cho một quốc gia, dân tộc nào, mà là cho hết mọi người. Tất cả những điều đó họ đã không nhận ra, nên họ đâu màng chi đến những dấu chỉ về sự hiện diện của Đức Giêsu! Vì thế, họ không sám hối cũng chẳng cần thay đổi đời sống...!!!

Nơi xã hội hay trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng chẳng khác gì những người Dothái khi xưa khi phỏng chiếu một vị Thiên Chúa phải đứng về phe mình, mặc cho điều mình làm có đúng hay sai? Cũng vẫn còn đó những người luôn có khái niệm: “Tự nhiên có”, mà không hề nhận ra rằng: Chúa đang yêu thương, bao bọc ta và những thứ ta có là do lòng nhân từ của Chúa ban. Đôi khi có những bất chắc trong cuộc sống như tai nạn, bệnh tật, ốm đau... chúng ta đã được Chúa thương cứu sống cách nhiệm mầu. Ấy vậy mà khi chúng ta được chữa lành, thay vì tạ ơn Chúa, cải hóa đời sống và trung thành với Chúa, thì lại vui vẻ cho rằng mình gặp may... Rồi cũng không thiếu những lúc ta ích kỷ đến độ không hài lòng với người anh chị em của mình khi họ gặp điều thuận lợi hơn ta...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy nhạy bén với ơn Chúa để nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi chính Lời của Ngài trong Tin Mừng. Đồng thời, luôn nhận ra tình thương của Chúa qua sự quan phòng kỳ diệu trong cuộc sống nơi các biến cố vui buồn, sướng khổ, thành công hay thất bại của chúng ta. Mặt khác, hãy lo sám hối, cải thiện đời sống và quay trở về với Thiên Chúa một khi đã nhận ra tình thương của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã yêu thương chúng con vô bờ. Xin cho chúng con nhận ra tình thương của Chúa và biết sám hối, ăn năn, cải thiện đời sống để xứng đáng trở thành con Chúa và anh chị em của nhau. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói trực tiếp đến khả năng nhận định của những người đương thời, qua đó nói với chính chúng ta hôm nay. Và nhận định là một trong những đặc nét làm nên chân dung của người môn đệ.

1. Khả năng nhận định

Đức Giê-su khởi đi từ khả năng nhận định về thời tiết, để nói về khả năng nhận định về thời gian hiện tại. Với so sánh này, Đức Giê-su muốn nói rằng thời gian hiện tại (kairos) cũng là một dấu chỉ rất rõ ràng, rất hiển nhiên cho những gì thực sự đang ngấm ngầm diễn ra và sẽ tỏ hiện: “Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?”

Không biết nhận định sẽ bị Đức Giê-su khiển trách là “đạo đức giả”! Vậy “Thời gian hiện tại” của tôi là gì? của chúng ta, của Giáo Hội, của xã hội và của nhân loại là gì? Chúng ta được mời gọi xác định, bởi vì đó là một dấu chỉ cần phải nhận định.

2. Hòa giải hay tòa án

Sau đó, Đức Giê-su còn đưa ra một tình huống đặc biệt của “thời gian hiện tại” và mời gọi người nghe xem xét, phán đoán, nghĩa là nhận định. Tình huống này đặc biệt thích hợp với vấn đề của xã hội chúng ta, và với tương quan thường ngày với người khác, nhất là với người anh em.

Hai người đưa nhau ra tòa: nếu mình phạm lỗi, thì mình cố làm hòa là điều hợp lí (xin bãi nại); nhưng cả khi mình là nguyên cáo, thì giải quyết nội bộ với nhau thay vì đưa nhau ra tòa vẫn là điều hợp lí hơn. Vì khi đưa nhau ra tòa, người vô tội có chắc chắn là mình thắng kiện không? Luật thì về phía người vô tội, nhưng Luật đâu có phán quyết, quan tòa mới phán quyết; và phán quyết của quan tòa lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố (liêm khiết, vô tư, nhưng cả tiền bạc nữa, và chưa kể thư kí, luật sư…). Nếu đưa nhau ra tòa, để không bị kết án, cả hai đều sẽ phải cố tự biện hộ cho mình; và khi tự biện hộ mình vô tội, thì mặc nhiên tố cáo người kia có tội, và đôi khi phải tố cáo người kia bằng mọi giá! Kết cục không thể tránh khỏi theo luật, đó là một trong hai sẽ bị xử phạt theo luật. Và đó là ai? Là người thân cận, người anh em, là đồng loại của tôi.

Không áp dụng luật với nhau, không phải chỉ là vấn đề tình cảm đạo đức (khiêm tốn, nhẫn nhục, chịu thương chịu khó…), nhưng còn là vấn đề của lí trí, của phán đoán, của nhận định. Không áp dụng luật với nhau là điều hoàn toàn hợp lí, vì luật là một hệ thống vô hồn và trong thực tế trở thành phương tiện của Sự Dữ, của Tội (x. Rm 7, 7-13).

Nhưng còn một lí do nữa, lí do cội nguồn, nền tảng và cứu cánh: Thiên Chúa không áp dụng luật với chúng ta, bởi vì Người là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi. Tin Mừng này được bày tỏ quá hiển nhiên nơi Thập Giá Đức Giê-su Ki-tô, vậy mà nhiều khi chúng ta vẫn không nhận định ra. Và thánh Phao-lô đã nói thật rõ về điều này: “Nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích” (Gal 2, 21). Hơn nữa, khi mời gọi chúng ta tha thứ cho nhau đến bảy mươi lần bảy, thì chính Ngài đã không thể không tha thứ trước cho chúng ta như thế.

3. Nhận ra và sống “ý muốn của Thiên Chúa”

Tuy vậy, ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong nhận định: làm sao nhận ra Chúa và ý muốn của Người? Và khi nhận ra, chúng ta lại cảm thấy bất lực trong việc thực hiện; như thánh Phaolô diễn tả trong trong thư Roma: “Điều tôi muốn tôi không làm, điều tôi không muốn tôi lại làm; như thế, tôi không còn là tôi, nhưng tội ở trong tôi… Vậy ai sẽ giải thoát tội tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 19-25).

Để có khả năng nhận định ý Chúa và sống theo ý Chúa, chúng ta được mời gọi đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, để hiểu biết và yêu mến Chúa; và dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta đọc và cầu nguyện với đời mình, để nhận ra sự hiện diện yêu thương và đầy lòng thương xót của Chúa trong cuộc đời và trong từng ngày sống; và như thế, chúng ta sẽ nhận ra rằng, chính Chúa cuốn hút, lôi kéo chúng ta, chứ không phải nhờ nỗ lực của chúng ta mà chúng ta có thể hướng về Chúa và yêu mến Người trên hết mọi sự.

Bởi lẽ, không hiểu Chúa, làm sao chúng ta nhận ra Chúa, làm sao nhạy cảm với lời Chúa, với ý Chúa, với Tin Mừng của Chúa, và nếu không yêu mến, động lực ở đâu để chúng ta thực hiện?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Hãy chú ý những dấu hiệu cảnh báo trước khi quá trễ – SN song ngữ ngày 23.10.2020

 

Friday (October 23): Heed the warning signs before it is too late

 

Scripture:  Luke 12:54-59

54 He also said to the multitudes, “When you see a cloud rising in the west, you say at once, `A shower is coming’; and so it happens. 55 And when you see the south wind blowing, you say, `There will be scorching heat’; and it happens. 56 You hypocrites! You know how to interpret the appearance of earth and sky; but why do you not know how to interpret the present time? 57 “And why do you not judge for yourselves what is right?58 As you go with your accuser before the magistrate, make an effort to settle with him on the way, lest he drag you to the judge, and the judge hand you over to the officer, and the officer put you in prison. 59 I tell you, you will never get out till you have paid the very last copper.”

Thứ Sáu     23-10           Hãy chú ý những dấu hiệu cảnh báo trước khi quá trễ

 

Lc 12,54-59

(54) Ðức Giêsu cũng nói với đám đông rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy. (55) Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: “Trời sẽ oi bức”, và xảy ra đúng như vậy. (56) Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?(57) “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? (58) Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy có gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. (59) Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng”.

Meditation: 

 

How good are you at reading warning signs? Jesus expects his disciples to accurately read the signs of the times! Seafarers and farmers know the importance of spotting weather conditions for safe travel and planting. A lot of effort is made today, with the help of science and technology, to discern potential natural dangers, such as tropical storms, hurricanes, floods, tornadoes, earth quakes, and erupting volcanoes, so that people can be warned to take shelter before disaster hits. 

Don’t miss God’s kingdom and power to transform your life

Our need for accurately discerning the spiritual condition and moral climate around us is vital if we want to avert spiritual crisis and moral disaster. The Lord is ready to transform our lives by offering us his kingdom of righteousness (moral goodness), peace, and joy in the Holy Spirit (Romans 14:17). – But we can miss it if we allow a permissive attitude that takes sin lightly or puts off repairing wrongdoing before it is too late to get reconciled with God. 

Jesus used a very vivid illustration of a threatening lawsuit to show the urgency of settling a bad case outside of court before a worse sentence could be passed against us. Why did the neighbor in Jesus’ story make an effort to come to an agreement with his adversary before the matter was sent to court for judgment? The accused knew that he had a bad case which would likely go against him in court. He quickly tried to come to an agreement with his adversary to avoid receiving a worse sentence of being thrown into prison and given a costly fine as well. 

Jesus will set us free and fill us with the Holy Spirit

We all stand in need of God’s mercy, grace, and protection. The Lord Jesus is our physician and healer and he is ready to set us free from any sinful patterns of thinking, acting, and speaking. If we give our lives over to him he will fill us with his Holy Spirit and give us a new heart and a transformed mind that is filled with his truth, love, and goodness. If you want lasting peace and joy with God, then allow the Lord Jesus to transform every area of your life, your home, your work, your relationships, and possessions so that he may truly be the Lord and Giver of abundant life and righteousness. Are you ready to surrender all to him – and to receive all from him?

“Lord Jesus, flood my heart with your love and free me from all that would keep me from doing your will. Transform my mind that I may discern what is right and choose what is good and pleasing to you.”

Suy niệm:

 

Bạn giỏi đọc những dấu chỉ cảnh báo ra sao? Đức Giêsu mong đợi các môn đệ đọc các dấu chỉ thời đại cách chính xác! Các nông dân và các thủy thủ biết sự quan trọng của những tình trạng dấu hiệu thời tiết cho chuyến đi và kế hoạch an toàn. Nhiều cố gắng ngày nay được thực hiện, với sự giúp đỡ của khoa học và kỹ thuật, để nhận biết những nguy hiểm ẩn tàng của thiên nhiên, chẳng hạn như giông bão, lũ lụt, lốc xoáy, động đất, và núi lửa, để người ta có thể được cảnh báo và di tản trước khi tai họa xảy đến.

 

Đừng đánh mất nước Thiên Chúa và sức mạnh để biến đổi đời bạn

Chúng ta cần nhận biết chính xác tiêu chuẩn thiêng liêng và hoàn cảnh luân lý quanh mình, nếu chúng ta muốn tránh sự khủng hoảng thiêng liêng hay tai họa về luân lý. Chúa biến đổi cuộc đời chúng ta bằng việc ban cho chúng ta nước công chính, bình an, và niềm vui của Người trong Chúa Thánh Thần (Rm 14,17). Nhưng chúng ta có thể mất điều này nếu chúng ta để cho thái độ dễ dãi, dễ dàng phạm tội hay không chịu sửa đổi điều sai trái trước khi quá trễ để hòa giải với Thiên Chúa.

 

Đức Giêsu sử dụng một minh họa sống động về sự tố tụng nhằm cảnh báo để chỉ ra sự khẩn cấp của việc dàn xếp vụ bê bối bên ngoài tòa án trước khi lời tuyên án tệ hại xảy đến với chúng ta. Tại sao người hàng xóm trong câu chuyện của Đức Giêsu cố gắng đến thỏa thuận với thù địch mình trước khi vấn đề được đưa ra tòa xét xử? Người bị cáo biết rằng y có chuyện bê bối xem ra chống lại hắn nơi tòa án. Anh ta nhanh chóng cố đi tới thỏa thuận với thù địch của mình để tránh việc lãnh nhận lời tuyên án tệ hại là bị ném vào ngục tù và phải trả hết đồng xu cuối cùng nữa.

 

ĐG sẽ giải thoát và ban cho chúng ta tràn đầy Chúa Thánh Thần

Tất cả chúng ta đều cần tới lòng thương xót, ơn sủng, và sự bảo vệ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là lương y và người chữa lành của chúng ta và Người sẵn sàng giải thoát chúng ta khỏi mọi thói quen tội lỗi trong suy nghĩ, hành động và lời nói. Nếu chúng ta dâng hiến đời mình cho Người, Người sẽ đỗ đầy Thánh Thần của Người cho chúng ta và ban cho chúng ta một trái tim mới và tâm trí được biến đổi với đầy ắp sự thật, tình yêu, và nhân hậu của Người. Nếu bạn muốn có sự bình an và niềm vui lâu dài với Thiên Chúa, thì hãy để cho Chúa Giêsu biến đổi mọi lãnh vực của cuộc đời, gia đình, công việc, các mối quan hệ, và tài sản của bạn để Người có thể thật sự là Chúa và Đấng ban phát sự sống sung mãn. Bạn có sẵn sàng từ bỏ mọi sự vì Người để đón nhận mọi sự từ Người không?

 

Lạy Chúa Giêsu, xin lấp đầy tâm hồn con với tình yêu của Chúa và giải thoát con khỏi tất cả những gì có thể ngăn cản con khỏi thực thi thánh ý Chúa. Xin biến đổi tâm trí con, để con có thể nhận biết những gì đúng đắn, và có can đảm để chọn lựa những gì tốt lành và đẹp lòng Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây