Thứ sáu tuần 32 thường niên

Thứ năm - 14/11/2019 07:45

Thứ sáu tuần 32 thường niên  – Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Cũng xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện".

 

* Thánh nhân sinh khoảng năm 1206 tại Lau-in-gân, nước Đức. Sau khi theo học ở Pa-đô-va và Pa-ri, người nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo, đảm nhận công việc giảng dạy ở nhiều nơi. Đặc biệt, tại đại học Pa-ri (1245-1248). Tại đây, trong số các học trò, có một người sau thành nổi danh, đó là thánh Tôma Aquinô.

Được chọn làm giám mục Ra-tít-bon, nhưng thánh An-be-tô chỉ làm công việc lãnh đạo vỏn vẹn có hai năm so với cả một đời làm giáo sư và nhà khảo cứu, chuyên lo khám phá những quy luật của khoa vật lý để tìm ra sự can thiệp của Đấng Sáng Tạo. Người qua đời ở Cô-lô-nhơ năm 1280.

 

Lời Chúa: Lc 17, 26-37

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người.

"Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện.

"Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó.

"Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Hai phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại. Hai người ở ngoài đồng, thì một người bị đem đi, và người kia được để lại".

Các môn đệ thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, chuyện đó ở đâu vậy?" Người phán bảo các ông: "Xác ở đâu thì diều hâu tựu lại đó".

 

 

 

Suy Niệm 1: Được đem đi, bị bỏ lại

Suy niệm:

Gần đây trong y học, người ta nói đến hội chứng Brugada.

Hội chứng này thường gặp ở nơi nam giới vùng Đông Nam Á.

Nó có thể gây tử vong bất thình lình và nhanh chóng,

cho một người khi ngủ vào ban đêm, dù trước đó anh vẫn khỏe mạnh.

Số người mắc hội chứng có tính di truyền này hiện đang gia tăng.

Đến nay người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân gây bệnh.

Sống làm người ở đời, con người phải đương đầu với bao bất ngờ.

Những điều tưởng như không thể nào xảy ra được, lại xảy ra.

Những điều đã tính toán rất cẩn thận, lại xảy ra không như ý.

Bệnh tật, rủi ro, tai nạn, và sau cùng là cái chết.

Những cái bất ngờ đến nhanh quá khiến con người không kịp trở tay.

Làm sao ta có đủ bình tĩnh để đón lấy mọi cái bất ngờ trong cuộc sống?

Kitô giáo chờ đợi một bất ngờ,

vì biết bất ngờ đó thế nào cũng đến, chỉ không biết rõ khi nào thôi.

Đó là Ngày Chúa Giêsu trở lại trái đất này

trong tư cách là Vua xét xử cả nhân loại.

Vào buổi đầu, nhiều Kitô hữu tưởng là Ngài sẽ trở lại ngay lập tức.

Nhưng dần dần họ thấy rằng Giáo Hội phải kiên nhẫn chờ đợi.

Chỉ khi chờ đợi điều chắc chắn sẽ xảy ra, tuy không rõ khi nào,

người ta mới không bị hụt hẫng khi biến cố xảy đến.

Giáo Hội đã chờ hai ngàn năm và hôm nay vẫn đang chờ.

Chờ và chuẩn bị cho Ngày Quang Lâm làm nên sức sống của Giáo Hội.

Nhưng chờ đợi lâu dài cũng có thể làm người ta mỏi mòn.

Cuộc sống hàng ngày với nhịp điệu bình thường, đều đặn, êm ả,

có thể cuốn hút ta vào một vòng xoáy khó có lối ra.

Cơn hồng thủy đã bất ngờ ập xuống vào thời ông Nôê,

khi “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang cưới vợ, họ đang lấy chồng.”

Dòng chảy tự nhiên ấy bị cắt đứt đột ngột bởi cơn hồng thủy.

Khi Thiên Chúa tiêu diệt thành Xơđôm bằng lửa bởi trời,

thì “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang mua, họ đang bán,

họ đang trồng, họ đang xây” (c. 28).

Cuộc sống tưởng như cứ trôi đều, ai ngờ nó phải dừng lại.

Chuyện ăn uống, mua bán, lập gia đình, trồng trọt, xây cất

chẳng phải là điều xấu, cần phải tránh xa hay coi thường.

Nhưng chúng ta không để mình bị ru ngủ

bởi cái nhịp tự nhiên và quyến rũ của chúng.

Người Kitô hữu sống đời thường như mọi người một cách tỉnh táo.

Tận tụy nhưng lại không bị mất hút, hết mình nhưng lại còn chút e dè.

Sống tưng bừng giây phút hiện tại nhưng vẫn nhớ đến điểm tới.

Hai người nằm một giường, hai phụ nữ xay một cối (cc. 34-35),

nhưng số phận chung cuộc của họ lại khác nhau.

Có người được đem đi, có người bị bỏ lại.

Làm sao tôi đừng tiếc đồ đạc mà xuống lấy hay quay trở lại nhà (c. 31)?

Làm sao tôi đừng như vợ ông Lót quay nhìn lại và hóa thành cột muối?

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu trái đất này,

và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết

nỗi khổ đau và hạnh phúc,

sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,

nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,

chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

để xây dựng trái đất này,

và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,

xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời

không làm chúng con quên trời cao;

và những vẻ đẹp của trần gian

không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,

mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.Amen

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ

 

Suy Niệm 2: Thực tại cánh chung

Trong những cuốn phim giả tưởng do trung tâm điện ảnh Holywood sản xuất trong thời gian gần đây, gây nhiều ấn tượng nhất có lẽ là cuốn phim: "Ngày Tận Cùng Của Trái Ðất". Cũng giống như thời Noê, chỉ có 50 người chuẩn bị kịp, họ đã đi vào trong một phi thuyền đặc biệt và tránh được thiên tai xẩy ra cho trái đất, họ đã đi đến một hành tinh khác, và như vậy bảo đảm cho sự trường tồn của nhân loại. Với những xảo thuật tân tiến, cuốn phim đã có thể tạo ra những ấn tượng mạnh trên người xem.

Tuy nhiên, cũng như tất cả những lời đe dọa do nhiều giáo phái tung ra, những hình ảnh của cuốn phim dù khủng khiếp đến đâu, cũng chỉ là những hình ảnh, nghĩa là mời gọi người xem, suy nghĩ về một thực tại khác sâu xa hơn, thường được gọi là thực tại cánh chung. Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa nói với con người. Thiên Chúa không những nói về con người, mà còn nói với con người về chính con người. Kinh Thánh nói với con người: nó từ đâu đến? sẽ đi về đâu? Cứu cánh hay cùng đích của con người là một trong những mạc khải nền tảng của Kinh Thánh. Do đó, bằng một lối văn đặc biệt, Kinh Thánh thường dùng rất nhiều hình ảnh để nói về những thực tại cánh chung ấy.

Cũng theo truyền thống ấy, khi nói về những thực tại cánh chung, Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh vốn quen thuộc với người Do thái, nhưng tựu trung chính cái bất ngờ vượt khỏi mọi phạm trù và trí tưởng tượng của con người vẫn là những nét chính của thực tại cánh chung ấy. Tất cả những hình ảnh và thí dụ được Chúa Giêsu sử dụng trong Tin Mừng hôm nay cho thấy rằng thực tại cánh chung, ngày tận thế, ngày của Chúa, vốn là một thực tại mà không ai biết trước được. Bằng nhiều hình ảnh và cách diễn tả khác nhau, Kinh Thánh luôn khẳng định tính bất ngờ của ngày thế mạt; do tính bất ngờ này, các Kitô hữu luôn được mời gọi để sống tỉnh thức.

Thật ra, ngày của Chúa hay thời cánh chung đã thực sự khởi đầu với chính cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta đang thực sự đi vào trong ngày ấy, nếu chúng ta sống kết hiệp với Ngài và trở thành nhân chứng của Ngài trong lịch sử. Chúa Giêsu đã đến để đổi mới mọi sự như thánh Gioan Tông đồ đã viết trong sách Khải huyền, hoặc như thánh Phaolô đã viết trong thư 2Cor: "Ai ở trong Chúa Kitô cũng đều trở thành một tạo vật mới, cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi". Chúa Kitô Phục sinh đang có mặt và tác động trong lịch sử loài người; chính Ngài đang phơi bày sức mạnh của tội lỗi là hận thù, ích kỷ, bạo động, và khơi dậy cũng như nâng đỡ những sức mạnh của chân lý, công bằng, liên đới, yêu thương. Bất cứ ai sống theo Ngài, người đó sẽ cảm thấy mình là tạo vật mới có sức thắng vượt quyền lực của sự dữ và tăm tối.

Giáo Hội đang làm chứng cho thế giới thấy rằng Giáo Hội đang làm chứng cho thời cánh chung, nghĩa là sống trong ngày của Chúa. Dấu chứng ấy khả tín hay không là tùy ở cuộc sống có khả tín hay không của các Kitô hữu. Cuộc sống lương thiện, công bằng, yêu thương, phục vụ, quảng đại của các Kitô hữu chắc chắn sẽ tạo một dấu cho mọi người thấy rằng họ là những tạo vật mới, rằng Chúa Kitô Phục sinh đang sống trong họ.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục sinh sống trong chúng ta và hướng dẫn mọi tâm tư hành động của chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Ngày Của Con Người

Ngay từ lúc chiếc phi cơ của hãng hàng không Singapore bắt đầu lăn bánh từ phi đạo của phi trường Tưởng Giới Thạch, Ðài Loan, vào một buổi tối thứ Ba trong tháng 11 năm 2000, bà Sally Walker đã có một cảm giác không ổn. Hai tay nắm chặt vào chỗ dựa tay của ghế ngồi trong phần đuôi của chiếc phi cơ chỉ có phân nữa hành khách, người phụ nữ Hoa Kỳ bốn mươi sáu tuổi này lo lắng nhìn giông tố đang thổi ào ào bên ngoài cửa sổ phi cơ. Vào lúc 11h48' tối, chiếc phi cơ di chuyển ra phi đạo để bay về Los Angeles, Hoa Kỳ, bà Walker, một giáo sư tại đại học Giorgie đã lầm thầm cầu nguyện khi nhìn thấy hai cánh phi cơ bị nghiêng ngả và thân phi cơ bị lắc mạnh. Khi chiếc phi cơ di chuyển ở vận tốc cất cánh với một cú sốc thật mạnh và rồi thêm một lần nữa, chiếc phi cơ bị giật dữ dội sang bên trái và nổ tung. Các quả cầu lửa bắn ra khi chiếc phi cơ bị bể làm ba phần, bay rít trên mặt đường nhựa của sân bay. Sau này, ngồi trên chiếc xe lăn bà Walker kể lại sự thoát chết từ chiếc phi cơ ngập lửa rằng: "Mọi thứ đều bị đốt cháy. Thật là một cơn ác mộng khủng khiếp". Bà Walker bị thương nhẹ ở chân là một trong những người rất may mắn. Hơn tám mươi người trong số một trăm bảy mươi chín hành khách của chuyến bay định mệnh đã chết trong tai nạn này. Một số người bị đốt cháy đến độ không còn có thể nhận diện được.

Tai nạn thảm khốc này xảy ra đúng một năm sau khi chiếc phi cơ của hãng hàng không Ai Cập bị rớt trên đường bay từ thủ đô Cairô đến New York, Hoa Kỳ, gây thiệt mạng cho hai trăm bảy mươi người. Nó xảy ra tại một trong những phi trường được xem là an toàn nhất thế giới, và được hoạt động bởi một trong những công ty an toàn nhất thế giới.

Dĩ nhiên, sau bất cứ một tai nạn nào, người ta cũng cố gắng tìm ra cho bằng được nguyên nhân, bởi vì không có tai nạn nào mà không có nguyên nhân, dù nguyên nhân ấy vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn. Tựu trung, nguyên nhân nào cũng gắn liền với những giới hạn của con người. Khoa học, kỹ thuật dù có tiến bộ đến đâu cũng không thể xóa bỏ được những hàng rào dựng lên bởi chính thân phận bất toàn của con người. Ðây hẳn phải là chân lý có thể nuôi dưỡng những suy tư và cầu nguyện của các tín hữu Kitô chúng ta trong tháng cầu cho các đẳng linh hồn này.

Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe trong những ngày cuối năm phụng vụ dường như cũng hướng tâm tư chúng ta về ý tưởng ấy và trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến ngày của Con Người. Ngày ấy có thể là ngày tận thế khi Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang. Ngày ấy có thể là ngày từ giã cõi đời của mỗi người chúng ta. Nhớ đến những người quá cố, suy tưởng về sự chết không hề là một thái độ bệnh hoạn hay bi quan mà là tư thế tỉnh thức tích cực của người môn đệ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói đến tính cách bất ngờ của ngày của Con Người để kêu gọi các môn đệ mặc lấy thái độ tỉnh thức. Thời ông Nôê, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng mà không màng đến lời cảnh cáo của ông, đến khi đại nạn hồng thủy đến thì đã quá muộn.

Ý nghĩ về sự chết hướng con người đến cùng đích của mình để tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống. Ý nghĩa ấy luôn gợi lên cho con người ý thức về thân phận mong manh bất toàn của kiếp người và mời gọi con người tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời. Với ý thức ấy, con người hướng về cùng đích của cuộc sống và tỉnh thức không những để chờ đợi Chúa đến vào ngày sau hết, hay để được đợi mong Ngài mau đến trong những khoảnh khắc của cuộc sống.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta lẽ khôn ngoan và tinh thần tỉnh thức đích thực ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Luôn xảy ra như tàu Titanic

Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng xảy ra như vậy, thiên hạ ăn uống cưới vợ lấy chồng, mãi cho đên ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả. (Lc. 17, 26-27)

Biết chắc phải chết, nhưng người ta vẫn thích ăn chơi cho đã đời. Ăn uống, cưới hỏi, mua bán, gieo gặt, xây cất … cuồng nhiệt hoạt động đến mức sống tràn trề thỏa mãn trước khi tận diệt.

Phải lo tiên liệu

Ngày Con Người đến không chỉ là ngày ân thưởng, mà còn là ngày đe dọa xao xuyến sợ hãi. Người ta không thấy hạn kỳ ấn định, không ai biết được mình còn sống, không biết được đời sống tương lai. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào sự ăn năn sám hối và mong đợi Chúa đến hàng ngày của mình.

Vậy phải coi chừng lo chuẩn bị trước: lịch sử cứu độ để lại cho chúng ta ít nhất là hai biến cố đầy ấn tượng mạnh mẽ. Đại hồng thủy thời ông No-e và lửa sinh diêm đốt thành Sô-đô-ma. Nước và lửa ai cũng biết là sức mạnh tàn phá kinh khủng. Biết bao lần nước và lửa tiêu hủy một cách tàn bạo bất ngờ. Vậy phải luôn luôn tỉnh thức phòng cháy, thoát lụt.

Ai có thể được cứu thoát?

Ngày ấy, phải bỏ lại tất cả bất cứ cái gì dù cần thiết cho đời sống. Vợ ông Lót miễn cưỡng đi theo chồng, nhưng lòng luôn luyến tiếc những cái phải bỏ lại. Bà là thứ tâm hồn không có lòng tin. Bất cứ lúc nào, ai không có thể từ bỏ của cải vật chất đời này, chắc chắn hư mất đời đời.

Chỉ có một điều cần thiết cho ngày ấy để có thể đứng trước mặt Chúa trong ngày phán xét là những ai làm việc hàng ngày với con mắt hướng nhìn lên Chúa, “không nhìn lại đàng sau” như vợ ông Lót, mới “thích hợp với nước Thiên Chúa”. Kẻ ru ngủ mình trong chè chén say sưa, chỉ nghĩ tìm những điều theo dục vọng “thì sẽ mất”. Cũng vậy, người đàn bà xay bột chỉ nghĩ đến tấm bánh ngon, thì sẽ bị thiêu đốt.

Các môn đệ hỏi: “Lạy Chúa, ở đâu vậy?”, cũng giống như câu hỏi của biệt phái hỏi bao giờ triều đại nước Thiên Chúa đến. Đức Giêsu cũng trả lời các môn đệ tương tự như trả lời biệt phái.

Ngày đó sẽ là ngày phán xét tất cả. Tất cả vũ trụ sẽ bị phán xét và người ta không thể trốn đi bất cứ đâu được. Không còn phao, xuồng cấp cứu nữa!

RC

 

Suy Niệm 5: TỈNH THỨC TRONG NIỀM VUI (Lc 17, 26-37)

Xem CN 1 MV A

Mỗi khi nói đến ngày chung thẩm, ngày Chúa đến với mọi người, ngày phán xét, hẳn đã làm cho nhiều người lo sợ. Lo sợ vì họ đang sống trong cảnh sa đọa, nên ngày đó đến, họ sẽ gặp phải sự bất hạnh. Nhưng ngược lại, nhiều người lại hân hoan vui mừng. Tại sao vậy? Thưa những người vui mừng chính là họ đang sống hết mình với Chúa, với tha nhân: dám hy sinh tất cả dù phải mất cả mạng sống mình vì Nước Trời.

Tuy nhiên, muốn có được niềm vui thực sự, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa đến. Giờ của Chúa có thể đến như kẻ trộm, như ông chủ đi xa về, như tia chớp từ trời xuống, như trận lụt thời ông Noe...

Ngày hôm nay, con người ưa sống trong cảnh nhung lụa, ăn chơi, trần tục. Họ luôn bám vào những giá trị trần gian mà quên đi thực tại Nước Trời với những giá trị của Nước này. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi con người trong xã hội hôm nay vẫn nhởn nhơ và ung dung sống trong tội. Không màng chi đến công bằng, nhân ái và tình thương...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy luôn sẵn sàng, hãy tỉnh thức trong tâm tình cầu nguyện và làm những việc lành, hy sinh và bác ái.

Luôn biết gắn bó cuộc đời của mình trong sự an bài quan phòng của Thiên Chúa. Thực thi Lời Chúa dạy trong cuộc sống hằng ngày. Nhất là luôn biết tỉnh thức trong đời sống cầu nguyện.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết gắn bó cuộc sống của chúng con với Chúa. Luôn sống trong tâm tình cầu nguyện để tìm gặp Chúa trong cõi sâu thẳm của lòng chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

 SUY NIỆM

1. Ngày của Con Người

Trong những tuần cuối của năm Phụng Vụ, Giáo Hội cho chúng ta nghe Lời Chúa nói về “Ngày của Con Người” (c. 26 và 30). Lời của Đức Giêsu nói về “Ngày của Con người” có thể làm cho chúng ta khiếp sợ. Bởi vì Ngài so sánh ngày này với Trận Đại Lụt thời ông Nô-ê; khi đó, cả nhân loại bị hủy diệt, đúng hơn là sự sống trên mặt đất bị hủy diệt. Khi Thiên Chúa sáng tạo, Ngài đã tách nước ra, ở trên và ở dưới để cho sự sống phát sinh. Tuy nhiên, nước phía trên và nước phía dưới cứ chực ập lại để phá hủy sự sống. Trong sáng tạo, Thiên Chúa đã tách đất ra khỏi nước phía dưới, nhưng biển cả cứ muốn trào lên nuốt chửng mặt đất. Khối nước hung dữ, chính là hình ảnh của sự dữ!

Trong những năm vừa qua, và cả trong những ngày này ở Việt Nam và ở một số nơi trên thế giới, chúng ta như chứng kiến những dấu chỉ loan báo “Ngày của Con Người”: núi lửa hoạt động, những đợt sóng thần, những cơn động đất, nước từ trời trút xuống, nước từ sông biển dâng lên, gió bão hung hãn…

Những gì xảy ra trong thiên nhiên hoàn toàn khớp với những gì con người đang làm cho con người: đó là khủng bố, đó là bạo động, đó là giết hại mầm sống và chính sự sống nhân linh từ trong giai đoạn hình thành kì diệu nhất, tham lam, làm ăn gian dối khắp nơi và trong mọi lãnh vực, đó là làm thiệt hại và hãm hại người khác, đó là dò xét và lên án, đó là cấm cản giam hãm, đó là áp đặt bằng quyền bính bất chấp ngôi vị, đó là nghi ngờ, không tin tưởng và thiếu tôn trọng người khác.

Xét cho cùng, như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những thái độ và cách hành xử như thế, cho dù là nhân danh sự sống, nhân danh lợi ích của tập thể, nhưng thực ra là phá hủy sự sống một cách nghiêm trọng nhất, bởi lẽ đó là cách hành xử của chính Sự Dữ.

2. “Ai liều mạng sống mình…”

Nhưng Thiên Chúa vẫn tin tưởng chúng ta, Thiên Chúa vẫn tôn trọng chúng ta. Dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa bao dung vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày. Đó chính là sự sống hằng ngày:

Con nằm xuống và con thiếp ngủ,
rồi thức dậy vì Chúa đỡ nâng con. 
(Tv 3, 6)

Và nhất là ơn huệ Lời và Mình Đức Kitô, được ban cho chúng ta mỗi ngày. Chúng ta là ai, là gì để được Chúa ban cách quảng đại và nhưng không như vậy? Chúng ta hãy cảm nghiệm thật sâu xa và trong máu thịt điều này, vì chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới chữa lành mỗi người và cả loài người khỏi nọc độc của Sự Dữ.

Lời của Đức Giêsu còn nêu ra nhiều chuyện nữa rất khủng khiếp: lửa từ trời thiêu đốt tất cả như trường hợp thành Xơ-đôm (vừa nãy là nước, bây giờ là lửa; cả hai đều có sức tàn phá vô địch); cứ hai người, thì một được đem đi (như vậy là bị mất 50%, nghĩa là rất nhiều). Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng chỉ cho chúng ta con đường để vượt qua những biến cố như thế:

Ai liều mạng sống mình
sẽ bảo tồn được mạng sống.

                                                           (c. 33)

Ơn gọi Ki-tô hữu và nhất là ơn gọi dâng hiến của chúng ta hôm nay, một cách chính xác và chính yếu, được mời gọi sống con đường này và làm chứng về con đường này: con đường đánh liều sự sống mình, đánh liều đời mình (qua ba lời khấn), đánh liều chính mình, con đường của hạt lúa mì, con đường của tấm bánh, con đường “Vượt Qua”.

3. Con đường “Vượt Qua”

Khi nghe những lời này, các môn đệ hốt hoảng hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy ở đâu vậy?”; Ngài trả lời: “xác nằm đâu, diều hâu tụ đó”. Chắc chắn, câu trả lời như thế này đã làm cho các môn đệ càng “hoảng hốt” thêm nữa.

Tuy nhiên, dưới ánh sáng của lời hứa: “Ai liều mạng sống mình, sẽ bảo tồn được mạng sống”, lời nói của Đức Giê-su về sự chết sẽ làm cho chúng ta bình an hơn; bởi lẽ, ai lựa chọn sự chết, sống cho sự chết, tin tưởng nơi sự chết và đồng hòa mình với sự chết, sẽ thuộc về sự chết.

Đức Giê-su chỉ cho chúng ta con đường liều mạng sống để đi đến sự sống; Ngài không chỉ vạch ra con đường, nhưng chính Ngài đã đi con đường Ngài chỉ cho chúng ta, vì đó là Con Đường của “Em Bé sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 1-20) trong mầu nhiệm Nhập Thể, và của Người Con Vô Tội chịu đóng đinh trong mầu nhiệm Vượt Qua.

Đó là con đường duy nhất làm cho chúng ta vui mừng chờ đón Ngày của Con Người, thay vì sợ hãi.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Một người sẽ bị đưa đi và một người ở lại – SN song ngữ 15.11.2019

Friday (November 15):  “One will be taken and the other left”

 

Scripture:  Luke 17:26-37

26 As it was in the days of Noah, so will it be in the days of the Son of man.  27 They ate, they drank, they married, they were given in marriage, until the day when Noah entered the ark, and the flood came and destroyed  them all. 28 Likewise as it was in the days of Lot — they ate, they drank, they bought, they sold, they planted, they built, 29 but on the day when Lot went out from Sodom fire and sulphur rained from heaven and destroyed them all — 30 so will it be on the day when the Son of man is revealed. 31 On that day, let him who is on the housetop, with his goods in the house, not come down to take them away; and likewise let him who is in the field not turn back. 32 Remember Lot’s wife. 33 Whoever seeks to gain his life will lose it, but whoever loses his life will preserve it. 34 I tell you, in that night there will be two in one bed; one will be taken and the other left. 35 There will be two women grinding together; one will be taken and the other left.” 37 And they said to him, “Where, Lord?” He said to them, “Where the body is, there the eagles will be gathered together.”

Thứ Sáu     15-11                Một người sẽ bị đưa đi và một người ở lại

 

Lc 17,26-37

26 “Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy.27 Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả.28 Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất.29 Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả.30 Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.31 “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại.32 Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót.33 Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.34 Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.35 Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.36 Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.”37 Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ở đâu vậy? ” Người nói với các ông: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”

Meditation: 

 

What can nature teach us about the return of the Lord Jesus on the day of final judgment at the end of the world? Jesus quoted a familiar proverb to his audience: Where the body is, there the eagles (or vultures) will be gathered together (Luke 17:37). Eagles, like vultures, are attracted to carrion – the carcass of dying or dead animals. The Book of Job describes the eagle spying out its prey from afar (Job 39:29). The eagles swoop to catch their prey when the conditions are right, especially if the prey is exposed and vulnerable to a surprise attack. Severely weakened or dying prey have no chance of warding off forces that can destroy and kill. 

Sign of the gathering eagles and vultures

What’s the point of this analogy? When the day of God’s final judgment and vindication comes, the scene and location will be obvious to all.  Those who have rejected God and refused to believe in his Son the Lord Jesus Christ will perish on the day of judgment – just like the beasts of prey who are cut off from the land of the living. The Lord Jesus will vindicate those who have believed in him and he will reward them with everlasting joy and happiness in his kingdom. The return of the Lord Jesus at the close of this present age is certain, but the time is unknown. The Day of the Lord’s judgment and final verdict will come swiftly and unexpectedly. Jesus warns his listeners to not be caught off guard when that day arrives. It will surely come in God’s good time!

Those who accept Jesus Christ as Lord will enter his everlasting kingdom

What does Jesus mean when he says that one person will be taken and another left? God judges everyone individually on how each person has  responded to his gracious mercy and invitation to accept his Son as Lord and Ruler over all. The Lord Jesus gives us personal freedom to accept or reject him as Lord and Savior. We are free to live as citizens of his kingdom or to choose for the kingdom of darkness that stands in opposition to God and his rule. No one can pass off their personal responsibility to someone else – no matter how close the ties may be in this present life. We will each have to give an account to the Judge of All for how we have accepted or rejected him as our lord and savior. 

The good news is that the Lord Jesus freely offers each one of us the grace, strength, and help we need to turn to him to receive pardon for our sins and healing for our minds and hearts so we can embrace his good will for our lives and find the way to our heavenly Father’s home. The Lord Jesus gives us his Holy Spirit to lead and guide us in his wisdom, truth, and love. The Holy Spirit helps us to turn away from sin and rebellion and to embrace God’s way of love, righteousness (moral goodness), and holiness. 

The Lord’s warning of judgment is motivated by his love for each one of us. He does not desire the death of any one (Ezekiel 18:23 and 33:11). He bids us to choose for life rather than death – for goodness and righteousness rather than sin and evil (Deuteronomy 30:19). The Lord’s ‘Day of Judgment’ will bring terror and disaster for those who have not heeded his warning or who have refused his gracious help. The Day of the Lord’s Return will be a cause for great joy and vindication for those who have put their trust in the Lord Jesus.

The choices we make now – for or against Christ – will either lead us on the path of life or death – heaven or hell

God’s Day of Judgment is a cause for great joy and reward for those who have waited with patient hope and longing for the Lord Jesus to return again in glory and power. The people in Noah’s time ignored the Lord’s warning of judgment because their hearts were hardened and they were rebellious towards God. When the great flood swept over the earth, they missed the boat, literally! Whose boat or safety net are you staking your life on – the world’s life-raft to short-lived success and happiness or to the indestructible Ark of God whose foundation is Jesus Christ and his victorious cross? Those whose hope is firmly anchored in heaven will not be disappointed when the day of final judgment comes. They rejoice even now that their names are written in heaven (Luke 10:20) and they look with eager longing for the day when they will see the Lord face to face (Revelation 22:4). Is your hope firmly placed in the Lord Jesus and his return in glory?

“Lord Jesus Christ, I place all my hope in you because you have redeemed the world by your death on the cross and by your victory over the grave. Help me to never lose sight of the goal of heaven that I may live each day in joyful anticipation of your return in glory.”

Suy niệm:

 

Thiên nhiên có thể dạy cho chúng ta điều gì về việc trở lại của Đức Giêsu vào ngày phán xét chung lúc tận thế? Đức Giêsu trích dẫn một câu tục ngữ quen thuộc với thính giả của mình: Xác chết ở đâu, thì diều hâu ở đó (Lc 17,37). Diều dâu, giống như chim kền kền, rất thích xác chết – người chết hoặc động vật chết. Sách ông Gióp mô tả diều hâu theo dõi con mồi của nó từ xa (G 39,29). Diều hâu đột kích để bắt con mồi khi các điều kiện thuận lợi, đặc biệt nếu con mồi xuất hiện và có yếu điểm trước cuộc tấn công bất ngờ. Ác liệt nhất là con mồi suy yếu hay sắp chết không có cơ hội tránh né sức mạnh có thể tiêu diệt và giết chết.

 

Dấu chỉ thu hút diều hâu

Điểm chính của phép loại suy (sự tương tự) này là gì? Khi ngày xét xử và lời bào chữa cuối cùng của Thiên Chúa đến, quang cảnh và nơi chốn sẽ rõ ràng với mọi người. Những ai đã loại bỏ Thiên Chúa và từ chối tin vào người Con là Chúa Giêsu Kitô sẽ bị diệt vong vào ngày phán xét – giống như thú săn mồi, kẻ bị bắt đi khỏi vùng đất của người sống. Chúa Giêsu sẽ bào chữa cho những ai đã tin vào Người và Người sẽ thưởng cho họ với niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu trong nước trời. Sự trở lại của Chúa Giêsu vào ngày tận thế là chắc chắn, nhưng thời gian thì chưa biết. Ngày phán xét và bào chữa cuối cùng của Chúa đến nhanh chóng và bất ngờ. Đức Giêsu cảnh báo những người nghe không mất cảnh giác khi ngày đó chợt đến. Nó sẽ đến một cách chắc chắn theo đúng thời gian của Thiên Chúa!

Những ai đón nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa sẽ vào nước vĩnh cửu của Người

Đức Giêsu có ý gì khi nói rằng một người sẽ bị đem đi và một người sẽ ở lại? Thiên Chúa phán xét mỗi người cách riêng rẽ về cách họ đã đáp lại lòng thương xót nhân hậu và lời mời gọi của Người để tiếp nhận người Con là Chúa và Chủ tể trên tất cả mọi người. Chúa Giêsu ban cho chúng ta tự do cá nhân để đón nhận hay khước từ Người là Chúa và là Đấng cứu độ. Chúng ta tự do để sống như những công dân nước trời hay chọn vương quốc của tối tăm để chống đối Thiên Chúa và vương quyền của Người. Không ai có thể đỗ trách nhiệm cá nhân cho người khác – cho dù thân thiết mấy ở đời này đi nữa. Mỗi người chúng ta phải trả lẽ với Đấng xét xử mọi người về cách thức chúng ta đã đón nhận hay khước từ Người là Chúa và là Đấng cứu độ như thế nào.

Tin mừng là Chúa Giêsu rộng rãi ban cho mỗi người chúng ta ơn sủng, sức mạnh, và trợ giúp mà chúng ta cần để quay về với Người đón nhận ơn tha thứ tội lỗi và sự chữa lành tâm trí chúng ta để chúng ta có thể đón nhận ý Người cho cuộc đời mình và tìm ra con đường về nhà Cha. Đức Giêsu ban Thánh Thần cho chúng ta để dẫn dắt và hướng dẫn chúng ta trong sự khôn ngoan, sự thật, và tình yêu của Người. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta từ bỏ tội lỗi và sự chống đối để đón nhận con đường yêu thương, công chính, và thánh thiện của Thiên Chúa.

Lời cảnh báo của Chúa về sự phán xét là do tình yêu của Người dành cho mỗi người chúng ta. Người không muốn ai phải chết (Ed 18,23; 33,11). Người kêu gọi chúng ta chọn lựa sự sống hơn là sự chết – cho sự tốt lành và công chính hơn là tội lỗi và sự dữ (Đnl 30,19). Ngày phán xét của Chúa sẽ đem tới sự sợ hãi và tai họa cho những ai không lắng nghe lời cảnh báo của Người hay từ chối ơn sủng và sự trợ giúp của Người. Ngày trở lại của Chúa sẽ là nguyên cớ cho niềm vui và sự bào chữa tuyệt vời cho những ai đặt tin cậy nơi Chúa Giêsu.

Những chọn lựa chúng ta làm bây giờ – theo hay chống Đức Kitô – sẽ dẫn chúng ta tới con đường sống hay chết – Thiên đàng hay hỏa ngục

Ngày phán xét của Chúa là cớ cho niềm vui và phần thưởng lớn lao cho những ai chờ đợi với niềm hy vọng và ao ước kiên nhẫn cho sự trở lại của Chúa trong vinh quang. Người sống ở thời ông Noê phớt lờ lời cảnh báo xét xử của Chúa vì lòng họ chai đá và chống đối Thiên Chúa. Khi cơn lụt ập xuống trái đất, họ mất con thuyền, theo nghĩa đen! Con thuyền hay sự bảo đảm của ai mà bạn đang dựa đời mình trên đó – con thuyền của thế gian dẫn tới sự thành công và hạnh phúc tạm bợ hay con thuyền của Chúa mà nền tảng của nó là Đức Giêsu Kitô và thập giá chiến thắng của Người? Những ai có niềm hy vọng vững chắc vào Thiên đàng sẽ không bị thất vọng, khi ngày phán xét cuối cùng đến. Thậm chí bây giờ họ sẽ vui mừng vì tên họ được ghi trên trời (Lc 10,20) và họ nóng lòng mong đợi ngày họ sẽ được nhìn thấy Chúa mặt đối mặt (Kh 22,4). Niềm hy vọng của bạn có đặt vững chắc vào Chúa Giêsu và ngày trở lại vinh quang của Người không?

Lạy Đức Giêsu Kitô, con đặt tất cả hy vọng của con trong Chúa, bởi vì Chúa đã cứu độ trần gian bằng cái chết trên thập giá, và bằng sự sống lại vinh quang của Người. Xin Chúa giúp con đừng bao giờ đánh mất mục đích Thiên đàng, để con có thể sống mỗi ngày trong sự tham dự niềm vui của ngày giáng lâm của Chúa trong vinh quang.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây