Thứ Sáu tuần 4 mùa vọng.

Thứ năm - 23/12/2021 05:16

Thứ Sáu tuần 4 mùa vọng.

"Vầng đông từ cao thẳm tới viếng thăm chúng ta".

 

LỜI CHÚA: Lc 1, 67-79

Khi ấy, Giacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:

"Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Ðavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế? để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: Sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham: rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.

"Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên.

Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".

 

Suy Niệm 1: Thiên Chúa viếng thăm

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Sau hơn chín tháng bị câm, khi Gioan đã sinh được tám ngày,

lời nói đầu tiên của ông Dacaria là một bài ca chúc tụng.

Ông chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel

vì Ngài đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (c. 68).

Mọi việc Thiên Chúa sắp làm cho đoàn dân riêng

được gói gọn trong một động từ rất đơn sơ: viếng thăm.

Thiên Chúa đi thăm dân Ngài để cứu độ và ban ơn tha tội (c. 77).

Gioan, con của ông, được hân hạnh là người đi trước mở đường (c. 76).

Dacaria vui vì niềm vui của cả dân tộc và của riêng gia đình ông.

Thiên Chúa đi thăm dân qua Đức Giêsu, Người Con Một.

Đó là Vị Cứu Tinh quyền thế đến từ dòng dõi Đavít (c. 69).

Do lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa,

Đấng Mêsia đã được sai đến như Vừng Đông tự chốn cao vời (c. 78).

Vừng sáng này đến thăm những ai ngồi trong bóng tối sự chết

và đưa dắt dân Ngài vào con đường bình an (c. 79).

Bình an là được giải thoát khỏi tay kẻ thù (c. 71), khỏi tội lỗi (c. 77),

là được tự do phụng thờ Thiên Chúa trên quê hương (cc. 74-75).

Cả đời sống Đức Giêsu là một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.

Đây là cuộc viếng thăm độc nhất vô nhị,

vì là cuộc viếng thăm của đích thân Con Thiên Chúa.

Ngài không chỉ thăm như người khách ghé qua.

Ngài đã thăm và ở lại, dựng lều cư ngụ với loài người (Ga 1, 14).

Khi Đức Giêsu hoàn sinh người con của bà góa thành Nain,

đám đông reo lên: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài (Lc 7, 16).

Nhưng trong thực tế dân Ngài đã khước từ cuộc thăm viếng ấy.

Ngôi Lời đã đến nhà mình,

nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1, 11).

Mãi mãi con người có tự do để ở lại trong bóng tối và sự chết,

và cũng có quyền khước từ bình an thật của trời cao (Lc 19, 42).

Giêrusalem đã bị sụp đổ vào năm 70 dưới tay kẻ thù,

vì đã từ khước sự thăm viếng chở che của Thiên Chúa (Lc 19, 44).

Đó là một bi kịch và hơn nữa, là một thảm kịch.

Tiếc thay thảm kịch ấy vẫn tiếp diễn trên thế giới.

Hôm nay Thiên Chúa từ ái, bao dung vẫn đến thăm con người,

và nhiều người trong chúng ta vẫn giữ thái độ chối từ, khép kín.

Ơn cứu độ, ơn giải phóng, ánh sáng, và bình an của trời cao,

là những điều còn xa lạ với bao người, kể cả các Kitô hữu.

Bóng tối của sự chết, của hận thù ghét ghen vẫn thống trị địa cầu.

Mừng lễ Giáng Sinh là mừng cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.

Cách duy nhất để mừng là mở cửa lòng cho Con Thiên Chúa vào.

Hãy tiếp đón Ngài đến với ta dưới những hình thái bất ngờ:

một trẻ thơ nghèo hèn, yếu đuối; một Mêsia không tấc sắt trong tay;

một ông thợ mộc ở vùng quê Nadarét; một tử tội bị đóng đinh thập tự.

Hãy thắp lên một ngọn nến trong đêm Noel để chào mừng Ánh Sáng.

 

Cầu nguyện:

Giữa giá rét của mùa đông,

xin cho con gặp Chúa.

Giữa những long đong

và bấp bênh của phận người,

xin cho con gần Chúa.

Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,

xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.

Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,

xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,

ngay giữa những âu lo hằng ngày.

Xin cho con đón lấy cuộc đời con

với bao điều không như ý.

Và cuối cùng,

xin cho con dám sống như Chúa

vì Chúa đã dám sống như con. Amen.

 

Suy Niệm 2: Kế hoạch yêu thương

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đa-vít, thánh vương, được Chúa sủng ái, được dân yêu mến, muốn xây cho Chúa ngôi nhà xứng đáng. Nhưng Chúa đã cho ông biết không phải ông xây nhà cho Chúa. Chính Chúa xây nhà cho ông. Không phải ngôi nhà vật chất. Nhưng là một dòng tộc. Không phải chỉ cho một đời. Nhưng cho muôn thế hệ. Chúa sẽ cho ông có người con kế vị. Nhờ vị đó triều đại nhà ông sẽ tồn tại muôn đời. Từ một cậu bé chăn chiên tầm thường, Chúa đã nâng Đa-vít lên hàng quân vương. Còn hơn nữa, Chúa có kế hoạch làm cho vương quyền không bao giờ rời khỏi nhà Đa-vít.

Khi truyền tin cho Đức Mẹ, thiên sứ nhắc lại lời hứa của Chúa: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,31-33). Đây chính là thời điểm lời Chúa hứa được thực hiện. Chúa Giê-su vừa thuộc dòng tộc Đa-vít, vừa là Chúa Thượng của Đa-vít. Và một triều đại mới khởi đầu.

Gia-ca-ri-a là người đã sờ thấy triều đại mới với việc hạ sinh kỳ diệu của Gio-an Tẩy giả. Là nhân chứng. Là tội nhân. Là người cha hạnh phúc. Ông cảm nhận được kế hoạch đã đến hồi thực hiện của Thiên Chúa: “Từ dòng dõi trung thần Đa-vít, người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa”.

Trong kế hoạch đó người con của ông được diễm phúc đi mở đường cho Chúa: “Hài Nhi hỡi con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người”.

Vầng Đông xuất hiện. Đêm đen lui bước. Cả một bình minh rạng rỡ cho nhân loại. Bóng tối tử thần bị phá tan. Nhân loại được vị vua mới đón vào sự sống vĩnh cửu. “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.

Ta hãy vui mừng mạnh dạn bước ra khỏi bóng tối tội lỗi. Ngước mắt đón chào Vầng Đông đến chiếu soi cuộc đời mới của ta. Cuộc đời sống trong ánh sáng, ngay thẳng, minh chính, giữa ban ngày.

 

Suy Niệm 3: Lời Ca Ngợi Thiên Chúa Của Zacharia

Trong bài trích sách Samuel quyển thứ II, chúng ta thấy: "Khi ấy vua David ngự trong đền và khi Thiên Chúa cho ông được bình an tư bề, khỏi mọi quân thù chung quanh thì David nói với tiên tri Nathan rằng: Ông thấy không, ta ở trong nhà làm bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Chúa thì để ở trong lều bằng da ư? Và xảy ra đêm ấy có lời Chúa phán cùng Nathan rằng: "Hãy đi nói với David tôi tớ của Ta rằng, có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi đền để ở chăng? Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ lúc ngươi còn theo sau đàn chiên để trở nên thủ lãnh Israel dân Ta, và Ta đã ở cùng ngươi mọi nơi ngươi đi, Ta sẽ làm cho ngươi nên cao trọng như danh các bậc vĩ nhân trên mặt đất. Nhà của ngươi và triều đại của người sẽ vững bền đến muôn đời".

Sau khi đem David ra khỏi nghề chăn chiên để lên làm vua Israel, dẹp yên mọi quân thù thì ý Thiên Chúa muốn David làm một ngôi Ðền Thờ để thờ phượng Thiên Chúa. Vua David cũng muốn thế và ông đã thực hiện. Con người không thể cầu nguyện ở những nơi đông đúc giữa ngã tư đường phố, nơi chợ búa ồn ào được, nhưng cầu nguyện ở nơi yên tĩnh để tâm sự nói chuyện với Chúa. Chúa Giêsu đã nổi cơn thịnh nộ khi thấy dân Do Thái biến nơi tôn nghiêm thành nơi buôn bán đổi chác tiền bạc: "Các ngươi đã biến nhà Ta thành nơi trộm cắp. Nhà Ta là nhà cầu nguyện".

Thiên Chúa hằng vẫn ở với chúng ta trong Nhà Tạm, Ngài luôn kêu mời mỗi người chúng ta đến với Ngài, đến để tìm nguồn an ủi trong cuộc sống, đến để tim nguồn nghị lực và sức mạnh để lướt thắng mọi trở ngại ngăn lối về nhà Cha. Nhưng mấy ai đã tìm đến với Ngài hay chỉ có ngọn đèn dầu màu đỏ leo lét hẩm hiu vô tri làm bạn với Chúa hằng ngày mà thôi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Zacharia được đầy tràn Chúa Thánh Thần, ông nói tiên tri về Chúa Kitô là Ðấng cứu rỗi sẽ đến. Không phải ai cũng có thể nói tiên tri được, chỉ những người thánh thiện, sống đẹp lòng Chúa, Chúa mới cho họ quyền nói tiên tri, làm phép lạ, nói được các thứ tiếng loài người như trong ngày lễ ngũ tuần các tông đồ chỉ giảng bằng tiếng của mình mà những người nghe đều hiểu theo tiếng bản xứ của họ.

Nhưng Thiên Chúa yêu thích hơn nếu chúng ta có tâm tình mến Chúa thực sự: "Nếu tôi được ơn nói tiên tri mà tôi không có đức mến Chúa thì cũng chẳng có ích gì. Nếu làm được nhiều phép lạ mà tôi không có lòng mến Chúa thì cũng ích gì cho tôi". Ðức tin và đức cậy sẽ mất khi con người nhắm mắt, chỉ còn lòng mến Chúa là tồn tại mãi trong Nước Trời. Cho nên Thập Giới của đạo Công Giáo chỉ tóm gọn trong đức "Mến Chúa - Yêu Người", vì thế mà đạo Công Giáo còn được gọi là đạo của "Yêu Thương".

Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: "Nhà Ta là nhà cầu nguyện", xin Chúa cho chúng con luôn nhớ điều đó để chúng con luôn tìm đến với Chúa trong những lúc âu lo chán nản, đau khổ và thất vọng để chính lúc đó chúng con biết cầu nguyện cách thật sốt sắng và chỉ biết bám chặt, tin tưởng trọn vẹn vào Ngài.

Lạy Chúa, luật của Chúa thật ngắn gọn và đơn sơ, đó là "Mến Chúa và Yêu Người" nhưng không dễ áp dụng, xin Chúa cho chúng con nhìn thấy Chúa qua mọi người chung quanh để chúng con dễ yêu mến họ hơn.

Lạy Chúa, hôm nay là ngày cuối của Mùa Vọng, xin Chúa cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồn và thể xác, bên trong lẫn bên ngoài để chúng con hiệp ý với Giáo Hội hân hoan mừng đón Chúa Giáng Sinh, vì Ngài đến để đem ơn cứu rỗi và sự bình an cho mọi người. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 4: Nhìn cuối mùa vọng

Bấy giờ người cha của em, tức ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:

“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en

đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.

Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,

Người đã cho xuất hiện

Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta”. (Lc. 1, 67-69)

Một mùa vọng nữa chấm dứt, mỗi người chúng ta đã thêm được gì? Chúng ta có thể chân thành hát lên bài ca của ông Gia-ca-ri-a, có thể cùng với ông và với mọi người chờ đợi Đấng Cứu thế đến với chúng ta được chưa? Con tim của bạn hướng về đêm Noel thế nào? Có phải là một thửa đất đã được chuẩn bị tốt, phì nhiêu, sẵn sàng không? Bạn đã đổi mới nhờ lời Chúa chưa? Đã tái ký kết giao ước với Chúa chưa? Ông Gia-ca-ri-a đã tóm tắt kinh nghiệm của ông về Thiên Chúa và Đức Kitô như thế này:

“Thiên Chúa ta đầy lòng thương xót,

Cho vầng đông chốn cao vời viếng thăm ta,

Soi sáng những ai ngồi nơi tối tăm,

Và trong bóng tối tử thần,

Dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.

Lòng thương xót Chúa vẫn tiếp tục công trình cứu độ cho đến chúng ta. Bạn có lẽ đã biến đổi chút ít rồi nhờ Thiên Chúa đầy lòng yêu dấu, đầy lòng thương xót, đầy lòng quảng đại tha thứ. Hôm nay nhìn lại những việc Chúa làm cho chúng ta để cảm tạ Ngài là rất tốt, rất hữu ích. Công trình lòng thương xót của Chúa vẫn tiếp tục tuôn chảy với sự hiện diện của Đức Giêsu giữa lòng xác phàm nhân loại. Với sự gần sát của Thiên Chúa, công trình Ngài đang hoàn thành cho chúng ta.

Ngày mai, chưa cứu độ hết, chưa giải thoát hết, nhưng chúng ta hy vọng một sức mạnh dẫn đưa chúng ta tới sự sống lại.

Ngày mai, vẫn chưa bày tỏ đầy đủ về Đức Kitô. Nhưng bây giờ chúng ta biết chắc rằng con người mới của Đức Kitô chính là con người mới của chúng ta và của mọi người.

Ngày mai, chúng ta cử hành đại lễ mừng hoàng tử hòa bình đến, chúng ta mừng đại lễ với hy vọng hòa bình sẽ chan hòa trên trái đất. Ngày mai, chúng ta được chung sống hòa bình với mọi người chung quanh, với tất cả những ai chúc mừng nhau nhân dịp Noel hân hoan này.

C. G.

 

Suy Niệm 5: Thiên Chúa viếng thăm

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe được thốt lên từ chính miệng ông Giacaria trong ngày lễ cắt bì cho Gioan Tẩy Giả. Lời kinh này được gợi hứng từ trong thời Cựu Ước, và người ta nhận thấy nó bắt nguồn từ Thánh Vịnh vua Đavít và nơi các tiên tri.

Kinh tạ ơn này được chia làm hai phần:

Phần thứ nhất nói lên lời cầu nguyện trực tiếp của ông với Thiên Chúa là Đấng Cứu độ Israel và cụ thể là gia đình ông qua việc cho Gioan xuất hiện.

Phần thứ hai là những lời tiên tri về trẻ nhỏ Gioan.

Khi cất cao lời kinh tạ ơn như vậy, Giacaria là hiện thân đại diện cho cả dân tộc Israel để ca khen, tán tụng hồng ân, lòng từ bi và thương xót của Thiên Chúa. Ông thấu hiểu nỗi chờ mong của dân tộc mình trong việc mong đợi Đấng Cứu Thế, nay niềm tin đó đã đem lại cho ông và cả dân tộc ông niền hy vọng khi Thiên Chúa đã cho Gioan xuất hiện để đi trước dọn đường.

Sự xuất hiện của Gioan đã xóa đi nỗi niềm chờ mong, và dân không còn phải đi trong tối tăm của đêm dài nữa. Niềm hy vọng này đem lại cho dân một sự đảm bảo vì Thiên Chúa đã chọn Gioan đi trước dọn đường cho Đấng Tối Cao đến để cứu độ dân Ngài.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa vì Người hằng yêu thương chăm sóc chúng ta như xưa Người đã từng chăm sóc dân Israel trong thời Cựu Ước. Chỉ có điều, chúng ta có đủ niềm tin vào Chúa hay không mà thôi!

Lạy Thiên Chúa là Cha yêu thương, chúng con cảm tạ Cha đã gìn giữ, yêu thương và ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin ban cho chúng con sống sứng đáng là con Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6Vầng đông tới viếng thăm

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Ông Da-ca-ri-a chúc tụng Thiên Chúa là Đấng trung thành thực hiện lời hứa cứu độ. Thiên Chúa kêu gọi Thánh Gio-an Tẩy Giả ra đời là để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Mỗi người khi chào đời có một sứ mệnh trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày Con Chúa giáng sinh làm người đã trở thành ngày lễ hội lớn cho toàn thể nhân loại. Hôm nay là đích điểm của hơn 2000 năm Chúa âm thầm chuẩn bị.

Vâng, khi con chiêm ngưỡng Hài Nhi bé bỏng trong hang đá Be-lem con thấy được bàn tay uy quyền của Chúa trải ra bao thế hệ. Chúa tuyển chọn Áp-ra-ham, Mô-sen, Đa-vít, Mẹ Maria, Gio-an Tẩy Giả... Tất cả là những chặng đường Chúa thực hiện lời hứa cứu độ. Lịch sử có những lúc thăng trầm, nhân loại có những lúc phản bội, nhưng phần Chúa, Chúa vẫn luôn trung tín với lời hứa. Chúa trung thành với giao ước ngay cả lúc chúng con bất trung. Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa và tin cậy vào lòng trung tín của Chúa. Xin Chúa giúp con đáp lại bằng sự trung thành phụng sự Chúa.

Trong lịch sử cứu độ, mỗi người khi sinh ra đều được Chúa trao cho một sứ mạng. Thánh Gio-an Tẩy Giả được Chúa cho ra đời chính là để làm ngôn sứ đi trước mở lối cho Chúa. Con được làm người cũng là vì Chúa muốn gọi con cộng tác vào chương trình cứu độ. Con cảm tạ Chúa đã cho con nhận lãnh bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, để nhờ đó con trở thành chứng nhân cho Chúa. Sứ mạng ấy vừa cao cả vừa khó khăn. Xin Chúa giúp con trung thành với hồng ân đã lãnh nhận. Amen.

Ghi nhớ: “Vầng đông từ cao thẳm tới viếng thăm chúng ta”.

 

Suy Niệm 7Bài ca chúc tụng Chúa-Benedictus

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống... )

Những ý lớn trong bài ca của Dacaria:

1. Thiên Chúa đã thực hiện Lời hứa cứu rỗi mà Ngài đã hứa từ ngàn xưa với các tổ phụ và qua miệng các ngôn sứ.

2. Hôm nay Con Thiên Chúa là “Vầng Đông” đã xuất hiện, mở màn một kỷ nguyên mới.

3. Gioan sẽ là vị tiền hô cho Ngài: mở lối cho Ngài đi, và báo tin vui cứu rỗi cho nhân loại.

B. Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Bài ca này được Phụng vụ chọn cho chúng ta đọc buổi sáng lúc bắt đầu một ngày mới, nhằm nhắc chúng ta:

Hãy sống một ngày trong ánh sáng của “Vầng đông” Chúa Cứu Thế;

Hãy sống như Gioan: mở lối cho Chúa đến thăm anh chị em mình; loan báo tin vui cứu rỗi cho họ.

2. Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng đến nỗi Chúa đã làm ra nó trước cà trời và đất. Khi đã có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo. Hãy nhìn quanh ta, ta sẽ thấy ánh sáng giúp ta rất nhiều cách: ánh sáng mặt trời làm cho sinh vật lớn lên, sưởi ấm con người và hong khô quấn áo. Nhờ có ánh sáng, ta mới thấy được sự vật quanh ta. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại; Hãy nghĩ tới ánh sáng của các ngọn đèn: ta dùng chúng để trang hoàng nhà cửa, nhờ chúng ta mới thấy đường mà đi trong đêm tối; Nếu không có ánh sáng, sinh vật không lớn lên được và sẽ chết dần mòn... Bởi thế người ta sợ bóng tối và vui mừng vì ánh sáng (Frank Mihalic).

Chúng ta hãy bắt đầu mỗi ngày mới với tâm tình của Dacaria trong bài ca Benedictus “Chúc tụng Thiên Chúa... cho Vầng đông từ chốn cao vời viếng thăm ta”.

 

Suy Niệm 8Bài thánh ca Benedictus

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Khi Gioan được sinh ra, ông Giacaria rất vui mừng, và nhờ Thánh Thần soi sáng, ông cất tiếng cảm ta ngợi khen Chúa là Đấng từ bi và thành tín. Người đã ban Đấng cứu dân Người, để họ an tâm phụng thờ Người, và sống thánh thiện công chính... Và ông cũng nói trước về vai trò của Gioan là Tiền Hô, được Chúa sai đến dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

Nhờ Gioan Tiền hô dọn đường, Chúa Cứu Thế đã đến cứu chuộc Dân Người và Mùa Vọng là Mùa chúng ta dọn đường cho Chúa đến với chúng ta; đặc biệt đến với những người đã biết Chúa mà bỏ Chúa. Chúng ta nối tiếp sứ mạng của thánh Gioan, dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến với dân mới Người là Hội thánh.

2. Khi ông Giacaria cho biết tên con trẻ là Gioan thì ông hết bị câm, ông đã mở miệng chúc tụng hồng ân Thiên Chúa đối vối ông và toàn dân. Bài thánh ca Benedictus mở đầu bằng lời “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel” là một bài thánh ca tuyệt vời, đầy ắp những hình ảnh Thánh Kinh và lời tiên tri trong Cựu Ước, được đặt vào miệng ông Giacaria, thực sự là một lời tiên tri vừa đúc kết lại cả một lịch sử ơn cứu độ, vừa chuyển tiếp báo tin sự xuất hiện của “Vị Cứu tinh quyền thế” của “Vầng Đông từ chốn cao vời đến viếng thăm”. Bài Thánh ca làm dậy lên niềm vui và hy vọng của những ai cảm nghiệm mình có Chúa, được cứu độ, được tự do và bình an.

Bài Thánh ca Benedictus có những ý lớn này:

- Thiên Chúa đã thực hiện Lời hứa ơn cứu độ mà Ngài đã hứa từ ngàn xưa với các tổ phụ và qua miệng các tiên tri.

- Hôm nay Con Thiên Chúa là “Vầng Đông” đã xuất hiện mở màn một kỷ nguyên mới.

- Gioan sẽ là Tiền Hô cho Ngài: mở lối cho Ngài đi, và báo tin vui cứu độ cho nhân loại.

3. Hôm nay Con Thiên Chúa là “Vầng Đông” đã xuất hiện, mở màn cho một kỷ nguyên mới.  Ngài là ánh sáng chiếu soi cho trần gian còn ở trong bóng tối của tội lỗi và sự chết.

Nói đến vai trò ánh sáng, Frank Mihalic đã mô tả ánh sáng với những lời thật súc tích như sau: ”Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng đến nỗi Chúa đã làm ra nó trước cả trời và đất. Khi đã có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo.  Hãy nhìn quanh ta, ta sẽ thấy ánh sáng giúp ta rất nhiều cách: ánh sáng mặt trời làm cho sinh vật lớn lên, sưởi ấm con người và hong khô quần áo. Nhờ có ánh sáng, ta mới thấy được sự vật quanh ta. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại. Hãy nghĩ tới ánh sáng của các ngọn đèn: ta dùng chúng để trang hoàng nhà cửa,  nhờ chúng ta mới thấy đường mà đi trong đêm tối. Nếu không có ánh sáng, sinh vật không thể lớn lên được và sẽ chết dần chết mòn... Bởi thế người ta sợ bóng tối và vui mừng vì ánh sáng”.

4. Nhờ Đức Giêsu đến, Ngài mới mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa vì trước đây loài người chỉ có vài ý niệm mơ hồ hoặc lệch lạc về Thiên Chúa, thậm chí còn vật chất hóa Thiên Chúa.

Người Hy lạp nghĩ đến một Thiên Chúa không tình cảm, vượt quá mọi nỗi buồn vui, nhìn xuống loài người với vẻ lạnh lùng xa cách, không tìm được một sự trợ giúp nào ở đó.  Còn người Do thái thì nghĩ đến một Thiên Chúa khắt khe chỉ lo ban bố luật pháp, đóng vai quan tòa và chỉ lo gieo rắc các mối đe dọa thôi.  Đức Giêsu đã đến nói rằng:Thiên Chúa là Tình yêu và trong sự kinh ngạc sâu xa, con người chỉ có thể thốt lên rằng: “Chúng tôi chưa hề biết một Thiên Chúa như thế bao giờ”. Một trong những chức năng lớn của mầu nhiệm Nhập Thể là đem loài người đến sự hiểu biết Thiên Chúa (R. Veritas).

5. Khi Thiên Chúa giáng trần, Ngài sẽ đem lại cho dân ơn tha thứ và bình an. Vậy ơn đầu tiên mà thánh ca Benedictus nói đến là ơn tha thứ mà Thiên Chúa ban cho dân Người: “Người sẽ cứu độ, là tha cho hết mọi tội khiên... ”. Chỉ khi lãnh nhận được ơn tha thứ này chúng ta mới cảm nghiệm được Niềm Vui của Tin Mừng mà Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến ngay từ  những câu đầu trong tông huấn của Ngài: “ Những ai chấp nhận quà tặng ơn cứu độ của Đức Giêsu sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, buôn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn (Evangelii gaudium, số 1).

6. Truyện: Hồng ân tha thứ.

Bà già 104 tuổi sống trong một căn hộ nhỏ tại Croydon. Khi bà được 100 tuổi, một nhà truyền giáo đến thăm và giải thích cho bà nghe đoạn Tin Mừng Gioan 3,16: Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để ai tin Người Con đó, thì khỏi chết và được sống đời đời.

Bà đáp: - Thật là tuyệt vời. Thiên Chúa thật tốt lành khi Ngài tha thứ cho tôi đã bỏ cả trăm năm không biết Ngài.

Cuộc trở lại của bà được tạp chí London City Mission thuật lại và kết thúc bằng câu:

“Sinh 1825, sinh lại 1925”.

 

Suy Niệm 9,,,,

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Bài ca của Giacaria gồm những ý lớn sau đây:

* Thiên Chúa đã thực hiện Lời hứa Cứu độ mà Ngài đã hứa từ ngàn xưa với các tổ phụ và qua miệng các ngôn sứ.

* Hôm nay, Con Thiên Chúa là “Vầng Đông” đã xuất hiện, mở màn một kỷ nguyên mới.

* Gioan sẽ là Tiền Hô cho Ngài: mở lối cho Ngài đi, và báo tin vui cứu độ cho nhân loại.

Trong lời kinh trên đây, Giacaria như đại diện gia tộc và dân Israel tán tụng lòng từ bi của Thiên Chúa bắt đầu từ việc cứu rỗi muôn dân. Đối với dân Do Thái đã hơn ngàn năm trông đợi qua các tiên tri, giờ đây họ cảm thấy nỗi khát mong tột độ đã chín mùi. Đối với nhân loại phải trải qua những chuỗi thế kỷ dài đằng đẵng đến tuyệt vọng vì tội lỗi, thì lòng họ như những thửa đất ruộng nứt nẻ hạn hán chờ mùa mưa, họ như bệnh nhân ung thư chờ ngày được giải phẫu. Và đã tới thời gian viên mãn (Ga 14,4), Thiên Chúa đã biểu lộ lòng yêu thương bao la hải hà của Ngài.

2. Đây là bài ca được Phụng vụ chọn cho chúng ta đọc buổi sáng lúc bắt đầu một ngày mới. Việc chọn lựa này nhằm nhắc chúng ta:

a/ Hãy sống một ngày trong ánh sáng của “Vầng đông” Chúa Cứu Thế.

b/ Hãy sống như Gioan: mở lối cho Chúa đến thăm anh chị em mình và loan báo tin vui cứu độ cho họ.

3. Bài ca cũng cho chúng ta thấy một bức tranh lớn về những chặng đường mà mỗi người Kitô hữu phải trải qua.

a. Phải có một sự sửa soạn: cả cuộc sống là một sự chuẩn bị đưa ta đến với Chúa Cứu Thế.

Khi Ignatiô còn trẻ, chàng chỉ mong trở thành một quân nhân, nhưng một tai nạn xảy ra, chàng bị thương phải nằm dưỡng bệnh lâu ngày. Chàng đọc sách, hết sách đời đến sách đạo, cuối cùng, chàng đổi thay và trở nên một bậc thánh. Có người đã nhận định về chàng: “Anh ta đã muốn kiến tạo mình trước thời gian, nhưng chàng không thể hoàn thành chương trình cho đến khi năm tháng đã trôi qua”. Trong cuộc sống, Thiên Chúa vẫn khiến mọi sự hiệp lại để đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu.

b. Phải có sự hiểu biết: Một sự thật đơn giản là loài người không biết Thiên Chúa ra sao cho đến khi Chúa Giêsu đến. Người Hi-Lạp nghĩ đến một Thiên Chúa không tình cảm, vượt quá mọi nỗi buồn vui, nhìn xuống loài người với vẻ lạnh lùng xa cách, không tìm được một sự trợ giúp nào ở đó. Người Do Thái nghĩ đến một Thiên Chúa khắt khe chỉ lo ban bố luật pháp, đóng vai quan tòa và chỉ lo gieo rắc các mối đe dọa thôi. Chúa Giêsu đã đến nói rằng: Thiên Chúa là tình yêu và trong kinh ngạc sâu xa, con người chỉ có thể thốt lên rằng: “Chúng tôi chưa hề biết một Thiên Chúa như thế bao giờ”. Một trong những chức năng lớn của mầu nhiệm Nhập thể là đem loài người đến sự hiểu biết Thiên Chúa.

c. Có sự tha thứ: chúng ta cần biết rõ, tha thứ không chỉ là tha hình phạt, mà còn tái lập mối quan hệ. Chúng ta không thể tránh thoát khỏi hậu quả của tội lỗi. Chiếc đồng hồ không thể quay ngược lại, nhưng ơn tha thứ của Thiên Chúa đem chúng ta ra khỏi hậu quả của tội lỗi, khỏi sự thù nghịch và được bước vào mối tương giao thân mật với Ngài. Thiên Chúa không là Đấng khiến chúng ta sợ hãi, nhưng là Đấng yêu thương mọi người.

d. Có sự bước đi trong bình an. Bình an trong tiếng Do Thái không chỉ là thoát khỏi cảnh rối loạn mà còn bao gồm những gì tạo nên hạnh phúc cao quý nhất cho con người. Nhờ Chúa Cứu Thế, con người mới có khả năng bước đi trong những nẻo đường dẫn đến sự sống và không bao giờ còn đi trên những lối dẫn đến sự chết. Nhờ Chúa Cứu Thế con người tìm lại được sự sống đích thực của mình.

4. Và cuối cùng, bài ca cũng cho chúng ta thấy vai trò rất quan trọng của ánh sáng.

Frank Mihalic đã mô tả về ánh sáng với những lời thật súc tích như sau: “Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng đến nỗi Chúa đã làm ra nó trước cả trời và đất. Khi đã có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo. Hãy nhìn quanh ta, ta sẽ thấy ánh sáng giúp ta rất nhiều cách: ánh sáng mặt trời làm cho sinh vật lớn lên, sưởi ấm con người và hong khô quần áo. Nhờ có ánh sáng, ta mới thấy được sự vật quanh ta. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại. Hãy nghĩ tới ánh sáng của các ngọn đèn: ta dùng chúng để trang hoàng nhà cửa, nhờ chúng ta mới thấy đường mà đi trong đêm tối. Nếu không có ánh sáng, sinh vật không lớn lên được và sẽ chết dần chết mòn... Bởi thế, người ta sợ bóng tối và vui mừng vì ánh sáng”.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con toả lan hương thơm của Chúa nơi con sống. Xin ánh sáng Chúa dọi sáng qua con và ở lại nơi con, để mọi tâm hồn con tiếp xúc sẽ nhận ra Chúa đang hiện diện nơi con. Amen.
 

The dawn from on high shall break upon us – Suy niệm song ngữ theo WAU, ngày 24.12.2021
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – December, 2021

 

Cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta (Lc 1, 78)

Giacaria biết mình đang đứng trên đỉnh cao của kỷ nguyên mới. Sự chờ đợi sự cứu chuộc kéo dài hàng thế kỷ của Israel sắp kết thúc, và con trai của Giacaria đã được chọn để thông báo về sự rạng rỡ của ngày mới này. Tâm hồn ông chắc hẳn đã dâng trào niềm tự hào và biết ơn biết bao khi ôm đứa con trai mới sinh của mình!

Ngày nay chúng ta cũng đang đứng trên đỉnh của một kỷ nguyên mới. Ngày mai “Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm chúng ta” khi chúng ta mừng Chúa Giêsu đến ở với chúng ta (Lc 1, 78). Triều đại của tội lỗi sẽ bị phá vỡ bởi đời sống vâng phục hoàn hảo của Ngài. Sự chết sẽ mất đi sự nhức nhối khi Ngài tiết lộ cho chúng ta ý nghĩa của sự phục sinh của Ngài. Sự chia rẽ sẽ giảm xuống khi Ngài dạy chúng ta phải tha thứ như Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Và sự bất công sẽ nhường chỗ cho luật yêu thương và Tin mừng bình an của Ngài.

Tất nhiên, ngay cả khi nhìn lướt qua một tờ báo cũng sẽ cho bạn biết rằng điều này chưa xảy ra, mặc dù sự ra đời của Chúa Giêsu. Tội lỗi, cái chết, sự chia rẽ và bất công tiếp tục ám ảnh loài người, ngay cả khi chúng ám ảnh những nơi trong tâm hồn chúng ta mà chúng ta luôn giấu kín. Giống như Giacaria, chúng ta vẫn đang mong chờ ngày được cứu chuộc hoàn toàn, “ngày mai” thực sự khi Chúa Giêsu cuối cùng trở lại trong vinh quang. Cho đến lúc đó, chúng ta vẫn ở trong không gian xen kẽ này khi đã nếm trải sự cứu rỗi của Ngài nhưng chưa trải nghiệm nó một cách trọn vẹn.

Giáng sinh là một thời gian của niềm vui. Đây là thời điểm để vui mừng việc Chúa Giêsu đến để giải thoát chúng ta. Nhưng khi bạn chuẩn bị cử hành, hãy nhớ rằng sự đến của Chúa Giêsu cũng là một lời mời. Đó là lời mời tham gia cùng Ngài trong công việc chuẩn bị cho thế giới để Ngài trở lại trong vinh quang và chiến thắng cuối cùng của Ngài trước tất cả tội ác. Đó là một lời mời để nói không với tội lỗi và vâng với ân sủng của Ngài. Đó cũng là lời mời chia sẻ Tin mừng về sự xuất hiện của Ngài với những người xung quanh bạn để họ cũng có thể vui mừng trong sự cứu rỗi của Ngài.

Và vì vậy, chúng ta chờ đợi, giống như Giacaria đã làm, cho “Vầng Đông từ chốn cao vời” viếng thăm chúng ta và toàn thế giới. Và khi chúng ta chờ đợi, chúng ta trông đợi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng sẽ giải thoát chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã đến để phá vỡ sức mạnh của tội lỗi và sự chết. Xin lấp đầy lòng con với sự kỳ vọng lớn lao về ngày mà chiến thắng của Chúa sẽ được bày tỏ hoàn toàn.

***

DAILY MEDITATION: LUKE 1:67-79

The dawn from on high shall break upon us. (Luke 1:78)

Zechariah knew he was standing on the cusp of a new era. Israel’s centuries-long wait for redemption was coming to an end, and Zechariah’s own son had been chosen to announce the dawning of this new day. How his heart must have swelled with pride and gratitude as he held his newborn son!

Today we too stand on the cusp of a new era. Tomorrow “the dawn from on high shall break upon us” as we celebrate Jesus’ coming to live with us (Luke 1:78). The reign of sin will be broken by his life of perfect obedience. Death will lose its sting as he reveals to us the meaning of his resurrection. Divisions will fall as he teaches us to forgive as he has forgiven us. And injustice will give way to his law of love and his gospel of peace.

Of course, even a quick glance at a newspaper will tell you that none of this has happened yet, despite Jesus’ birth. Sin, death, division, and injustice continue to haunt the human race, even as they haunt those places in our hearts that we keep hidden. Like Zechariah, we are still looking forward to the day of our full redemption, the real “tomorrow” when Jesus finally returns in glory. Until then, we remain in this in-between space of having already tasted his salvation but not yet experiencing it in fullness.

Christmas is a time of rejoicing. It’s a time to celebrate Jesus’ coming to set us free. But as you prepare to celebrate, remember that Jesus’ coming is an invitation as well. It’s an invitation to join him in the work of preparing the world for his return in glory and his final victory over all evil. It’s an invitation to say no to sin and yes to his grace. It’s also an invitation to share the good news of his coming with the people around you so that they too can rejoice in his salvation.

And so we wait, just as Zechariah did, for the “dawn from on high” to break upon us and upon the whole world. And as we wait, we watch for Jesus, the Son of God who will set us free.

“Jesus, thank you for coming to break the power of sin and death. Fill me with great expectation for the day when your victory will be fully revealed.”

Nothing is impossible with God – Suy niệm song ngữ Anh – Việt ngày 24.12.2021

 Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Friday (December 24.2021)
Nothing is impossible with God

Scripture: Luke 1:67-79 

67 And his father Zechariah was filled with the Holy Spirit, and prophesied, saying, 68 “Blessed be the Lord God of Israel, for he has visited and redeemed his people, 69 and has raised up a horn of salvation for us in the house of his servant David, 70 as he spoke by the mouth of his holy prophets from of old, 71 that we should be saved from our enemies, and from the hand of all who hate us; 72 to perform the mercy promised to our fathers, and to remember his holy covenant, 73 the oath which he swore to our father Abraham, 74 to grant us that we, being delivered from the hand of our enemies, might serve him without fear, 75 in holiness and righteousness before him all the days of our life. 76 And you, child, will be called the prophet of the Most High; for you will go before the Lord to prepare his ways, 77 to give knowledge of salvation to his people in the forgiveness of their sins, 78 through the tender mercy of our God, when the day shall dawn upon us from on high 79 to give light to those who sit in darkness and in the shadow of death, to guide our feet into the way of peace.”

Thứ Sáu ngày 24.12.2021
Với Thiên Chúa mọi sự đều có thể

Lc 1,67-79

 67 Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:68 “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.69 Từ dòng dõi trung thần Đa-vít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,70 như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa:71 sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;72 sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước;73 Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, 74 và cho ta chẳng còn sợ hãi,75 để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta. 76 Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,77 bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên.78 Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, 79soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.

Meditation: Does the proclamation of the Gospel fill you with joy and hope? When the Lord comes to redeem us he fills us with his Holy Spirit, the source of our joy and hope in the promises of God. 

Filled with the Holy Spirit and the inspired Word of God

John the Baptist was born shortly before Mary delivered her son, Jesus. When John was circumcised on the eighth day according to the Jewish rite, his father Zechariah was “filled with the Holy Spirit” and with great joy. Inspired by the Holy Spirit he spoke out a prophetic word and hymn of blessing for the work of redemption which God was about to accomplish in Christ. He foresaw the fulfillment of God’s promise to David and his descendants that David’s dynasty would endure forever through the coming of the Messianic King (2 Samuel 7:16). This King would establish peace and security for his people.  We often think of peace as the absence of trouble. The peace which the Messiah brings cancels the debt of sin and restores our broken relationship with God.

Do you know the tender mercy and forgiveness of the Savior?

The Holy Spirit gave Zechariah a vision for his own son as a prophet and forerunner who would prepare the way for the Messiah. Every devout Jew longed for the day when the Messiah would come. Now Zechariah knows beyond a doubt that that day is very near. Like Zechariah, the Holy Spirit wants to give us vision, joy, and confidence in the knowledge of God’s merciful love, protection, and care which he offers us through his Son Jesus Christ. Like the Baptist, we too are called to prepare the way that leads to Christ. Life is a journey and we are either moving towards the Lord or away from the Lord. The Lord comes to visit us each day with his  life-giving Word and Spirit. Those who hunger for the Lord will not be disappointed.  He will draw them to himself and show them his love and mercy.

In sending the Messiah God has made a gracious visit to his people to redeem them. This was the mission for which Jesus Christ was sent into the world – to redeem those sold for sin and sold under sin. In the feast of the Incarnation we celebrate the gracious gift of God in sending his only begotten Son to redeem us. Let us pray that the Holy Spirit may inspire us and fill us with joy and boldness to proclaim the message of the Lord’s visitation and redemption.

 

“Lord Jesus, you have been gracious and merciful towards your people. Fill me with your Holy Spirit that I may bear witness to the joy of the Gospel to those around me.”

Suy niệm:  Lời công bố Tin mừng có lấp đầy lòng bạn niềm vui và hy vọng không? Khi Ðức Chúa đến cứu chuộc chúng ta, Người đổ tràn đầy Thánh Thần của Người trên chúng ta, là nguồn gốc của niềm vui và sự hy vọng của chúng ta trong những lời hứa của Thiên Chúa.

Được tràn đầy Chúa Thánh Thần và được Lời Chúa thúc đẩy

Gioan tẩy giả được sinh ra không lâu trước khi Đức Maria sinh Ðức Giêsu. Khi Gioan chịu cắt bì vào ngày thứ tám theo nghi thức người Dothái, cha của ông là Giacaria được “tràn đầy Chúa Thánh Thần” và tràn đầy niềm vui. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, ông đã nói lời tiên tri và ca tụng công cuộc cứu chuộc mà Thiên Chúa sắp sửa hoàn thành trong Đức Kitô. Ông thấy trước sự hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa với vua Đavít và con cháu rằng vương quyền Đavít sẽ bền vững đến muôn đời, qua việc Vua Mêsia ngự đến (2Sm 17,16). Vị Vua này sẽ thiết lập sự bình an và trật tự cho dân Người. Chúng ta thường nghĩ về sự bình an như sự vắng bóng những phiền muộn. Sự bình an mà Đấng Mêsia mang đến hủy bỏ món nợ tội lỗi và phục hồi mối quan hệ đã bị đỗ vỡ của chúng ta với Thiên Chúa.

Bạn có biết lòng thương xót tế nhị và ơn tha thứ của Đấng Cứu Thế không?

Chúa Thánh Thần ban cho ông Giacaria một thị kiến về người con của mình là vị ngôn sứ và là người tiên phong sẽ dọn đường cho Đấng Mêsia. Mọi người Dothái đạo đức đều mong chờ ngày Đấng Mêsia xuất hiện. Giờ đây, Giacaria biết chắc rằng ngày đó đã đến gần. Giống như ông Giacaria, Chúa Thánh Thần muốn ban cho chúng ta thị kiến, niềm vui, và lòng tin tưởng vào sự hiểu biết tình yêu thương xót, sự bảo vệ, và quan phòng của Thiên Chúa, ban cho chúng ta ngang qua người Con của Người là Ðức Giêsu Kitô. Giống như Gioan tẩy giả, chúng ta cũng được kêu gọi để dọn đường dẫn tới Đức Kitô. Cuộc đời là cuộc hành trình và chúng ta một là đi tới Ðức Chúa hay xa cách Người. Ðức Chúa đến viếng thăm chúng ta mỗi ngày nơi Lời ban sự sống và Thần Khí. Những ai đói khát Ðức Chúa sẽ không bị thất vọng. Người sẽ lôi kéo họ đến với Người và tỏ cho họ tình yêu và lòng thương xót của Người.

Trong việc gởi Đấng Mêsia đến, Thiên Chúa đã thực hiện cuộc viếng thăm hồng phúc đối với dân Người để cứu chuộc họ. Đây là sứ mạng mà Ðức Giêsu Kitô được sai đến trần gian – để cứu chuộc những ai đã thất vọng vì tội lỗi và thất vọng dưới ách tội lỗi. Trong ngày lễ Giáng sinh, chúng ta mừng kính món quà hồng phúc của Thiên Chúa trong việc sai Con một của mình đến cứu chuộc chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin để Chúa Thánh Thần có thể thúc đẩy chúng ta và lấp đầy chúng ta niềm vui và lòng can đảm tuyên xưng sứ điệp viếng thăm và cứu chuộc của Ðức Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã độ lượng và thương xót đối với đoàn dân của Chúa. Xin lấp đầy lòng con Thánh Thần của Chúa để con có thể làm chứng cho niềm vui của Tin mừng cho những người xung quanh con.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây