Thứ Tư tuần 1 thường niên.

Thứ ba - 11/01/2022 06:48

Thứ Tư tuần 1 thường niên.

"Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau".

 

LỜI CHÚA: Mc 1, 29-39

Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài. Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.

Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy". Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

 

Suy Niệm 1: Bà phục vụ các ngài

(Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

Sau khi chữa người bị quỷ ám tại hội đường Caphácnaum,

Đức Giê su trở về một căn nhà của một gia đình quen biết,

gia đình của hai anh Simon và Anrê, những người mới bỏ nhà để theo ngài.

Không may bà mẹ vợ của Simon lại đang lên cơn sốt.

Đức Giêsu đã lại gần giường bà nằm, cầm lấy tay bà và nâng bà dậy.

Lập tức cơn sốt lui khỏi bà và bà phục vụ các ngài.

Đây là phép lạ chữa bệnh đầu tiên của Đức Giêsu

cho một phụ nữ, tại một ngôi nhà.

Sốt chẳng phải là một bệnh quá nặng và nguy hiểm,

nhưng cũng đủ để làm người bệnh không hoạt động được,

gây cản trở những sinh hoạt bình thường trong gia đình.

Đức Giêsu đến đem lại sự chữa lành, niềm vui và sức sống.

Khi người phụ nữ được khỏi bệnh, mọi sự như sống lại.

Bếp lại có lửa, bàn lại có thức ăn, và người ta ngồi quanh cười nói rôm rả.

Hạnh phúc gia đình có khi chỉ tùy thuộc vào những điều be bé.

Hạnh phúc bị sứt mẻ lắm khi chỉ vì những chuyện không đâu.

Hãy nhìn cách Đức Giêsu chữa bệnh cho người phụ nữ này.

Thật gần gũi và thân tình, ngài chẳng nói lời nào để đuổi cơn sốt.

Khi nắm tay người bệnh nặng, ngài chấp nhận nguy cơ bị nhiễm nhơ uế.

Nhưng Đức Giêsu chẳng hề bị nhiễm gì, trái lại ngài đem đến bình an.

Ngài đã nâng bà dậy (êgeiren), có nghĩa là ngài làm bà phục sinh.

Sau khi được phục sinh thì bà đi phục vụ các vị khách.

Phục vụ hiểu theo nghĩa đơn sơ nhất là đi chuẩn bị bữa ăn.

Các thiên thần cũng đã phục vụ Đức Giê su

sau khi ngài thắng các cơn cám dỗ (Mc 1, 13).

Tuy nhiên có thể hiểu phục vụ theo nghĩa rộng hơn nhiều.

Sau khi Đức Giêsu chết trên thập giá, chỉ còn các phụ nữ ở lại đến cùng.

“Họ đã đi theo ngài và phục vụ ngài từ hồi ngài còn ở Galilê

và họ đã cùng ngài lên Giêrusalem” (Mc 15, 40-41).

Như vậy không phải chỉ các ông môn đệ mới là người phục vụ (Mc 10, 43).

Các bà cũng đã trung tín phục vụ đến cùng,

phục vụ như Thầy Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ” (Mc 10, 45).

Chúng ta cần nhìn nhận

vai trò quý báu của người vợ, người mẹ trong nhà,

và vai trò của người phụ nữ trong giáo xứ cũng như ngoài xã hội.

 

Cầu nguyện:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ.

 

Suy Niệm 2: Mầu nhiệm hiệp thông

Chúa Giês-su hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”. Kết hợp trọn vẹn với Chúa Cha nên việc cầu nguyện là một việc vừa tự nhiên vừa là nhu cầu thiết yếu của Chúa Giê-su. Bắt đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện, Người múc lấy sức mạnh và tìm những chỉ dẫn cho mọi hoạt động từ nơi Chúa Cha. Không chỉ hiệp thông trong tâm tình mà còn trong hành động. Nên Người đã xuống thế làm người theo chương trình của Thiên Chúa. Trong suốt cuộc đời Người không làm gì tự ý mình, nhưng hoàn toàn làm theo thánh ý Chúa Cha. Vâng lời Chúa Cha cho đến bằng lòng chịu chết trên cây thánh giá. Đó là cuộc hiệp thông trọn vẹn. Hoàn toàn từ bỏ bản thân. Để thánh ý Chúa Cha được thể hiện.

Người cũng hoàn toàn hiệp thông với nhân loại. Hiệp thông trọn vẹn với nhân loại nên Người trở nên đồng huyết nhục, trở thành anh em của mọi người. Người đã sống hoàn toàn như một con người. Sống cuộc sống vất vả của người thợ mộc. Lang thang đây đó, “không có nơi tựa đầu”. Chịu đói chịu khát. Trải qua biết bao thử thách và đau khổ. Chịu cám dỗ. Bị phản bội. Bị trao nộp. Chịu hành hình và chịu chết. Người luôn ở gần những người nghèo khổ bệnh tật để giúp đỡ họ. Hãy chiêm ngắm cảnh tượng Người cầm tay bà nhạc mẫu của Phêrô, ân cần nâng dậy và chữa khỏi bệnh tật. Hãy chiêm ngắm cảnh tượng lớp lớp trùng điệp người bệnh vây quanh Người. Tất cả trở nên một cơ thể đau khổ vì Người hoàn toàn hòa nhập với con người. Hiệp thông trọn vẹn với con người, Người trở thành người đại diện, người trung gian, trở thành vị Thượng Tế nhân từ và trung tín dâng tâm tình thờ phượng lên Đức Chúa Cha. Và lời cầu nguyện của Người được đẹp lòng Thiên Chúa. Hiệp thông trọn vẹn với con người nên Người đã dùng cái chết mà giải phóng con người khỏi nô lệ sợ hãi cái chết. Và vì đã trải qua thử thách đau khổ Người có thể cứu những ai bị thử thách (năm lẻ).

Sa-mu-en phần nào giống Chúa Giêsu. Kết hợp mật thiết với Thiên Chúa nên “không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu”. Kết hợp mật thiết với toàn dân. Ông quên bản thân mà lo cho việc dân việc nước. Ông đã sống mầu nhiệm hiệp thông (năm chẵn).

Để hiệp thông phải từ bỏ chính mình. Chúa Giê-su đã từ bỏ chính mình. Hoàn toàn sống cho Thiên Chúa. Hoàn toàn hiến mình vì nhân loại. Từ mầu nhiệm hiệp thông phát sinh nguồn ân phúc bao la cho nhân loại. Xin cho chúng ta hiểu điều này. Biết sống mầu nhiệm hiệp thông. Để thế giới được chứa chan ân sủng của Chúa.

 

Suy Niệm 3: Ðộng lực của việc tông đồ

Tin Mừng rất nhiều lần nhắc đến Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha Ngài, đó là những giây phút gặp gỡ thân tình với Chúa Cha mà Ngài không bao giờ bỏ. Về phương diện thiên tính, Chúa Giêsu là Chúa Con, đồng bản tính với Chúa Cha, cho nên Ngài luôn kết hiệp với Chúa Cha. Nhưng như một con người, Chúa Giêsu đã nêu bật thái độ sống của Ngài, đó là sống mối tương quan thân tình với Chúa Cha qua lời cầu nguyện.

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô ghi nhận: "Sáng sớm, lúc trời còn tối, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, đi đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện". Mặc dù bận rộn với rất nhiều công việc trong ngày, Chúa Giêsu vẫn không quên cầu nguyện. Nhưng đây không phải là lần duy nhất, Tin Mừng còn cho thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, và chính Ngài đã dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Ngài lấy hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của cầu nguyện: "Thầy là cây nho, các con là cành nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì".

Chúng ta hãy noi gương Chúa, dành thời giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như Ngài đang hiện diện trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng ta cần phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với người cha. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: "Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha mình".

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có những giờ phút thuận lợi để bắt đầu một ngày sống tốt đẹp hơn. Xin cho chúng ta biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, nhờ đó chúng ta có thể chu toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu hơn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Một ngày chồng chất công việc

Chiều đến khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói vì chúng biết Người là ai (Mc. 1, 32-34)

Khi liệt kê tất cả những công việc Chúa Giêsu đã thực hiện trong hai ngày, thánh Maccô cho ta cảm tưởng là Chúa Giêsu không cà kê công việc, mà Người đã phải đầu tắt mặt tối, nào là giảng dạy ở hội đường, đi đến nhà ông bà nhạc của Phêrô, chiều đến lại dành thời giờ chữa nhiều kẻ bệnh tật. Ngày hôm sau Người thức dậy thật sớm, đi cầu nguyện ở một nơi thanh vắng, rồi lại lên đường đi rao giảng và phục vụ những người đau ốm tật nguyền.

Mô tả trên đây giúp chúng ta nhìn ra ba nét tính nơi con người Đức Giêsu.

Một con người hoạt động

Thánh Maccô cho ta thấy Chúa Giêsu mang hình ảnh khá giống với những con người nam nữ thời nay: họ bận bịu với trăm công nghìn việc, lúc nào cũng tất bật và đa đoan đủ chuyện.

Một con người biết dừng lại

Thế nhưng, dù phải đảm đang công kia việc nọ, vậy mà Chúa Giêsu vẫn có thời giờ dừng lại để làm những công chuyện quan trọng như đáp lại tình nghĩa bạn bè và cầu nguyện.

Khoảng thời giờ giữa hai lần giảng dạy cho dân chúng, Người dành cho việc đi thăm tình nghĩa và bao lâu kẻ tiếp đón còn cần đến Người thì Người không vội ra đi.

Chúa Giêsu cũng không cắt xén những thời giờ quý báu dành cho việc cầu nguyện của Người. Người thà cắt bớt giờ ngủ và có lẽ cả giờ nghỉ ngơi giải trí nữa: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy…”.

Một con người thấy rõ việc phải làm

Đây là nét tính nổi bật nơi con người Đức Giêsu mà ta thường gặp thấy trong sách Phúc âm. Người biết rõ việc Người phải làm. Nếu đã tổ chức chuyến đi truyền giáo lần đầu tiên ở Galilê rồi thì Người lại trở về miền Samari. Nếu đã kết nạp xong mấy môn đệ, thì Người vẫn không quên “những con chiên lạc”. Người không nghỉ ngơi sau một vài thành công. Người biết rõ mình còn phải làm gì và lần lượt tới viếng thăm và giảng dạy ở các hội đường theo một lịch trình rõ rệt.

Còn một ngày của chúng ta thì sao?

Khi phác họa một ngày làm việc của ta, ngày ấy có sẽ đầy đủ công việc như ngày làm việc của Chúa Giêsu không? Ta có biết làm cho ngày đó đầy tràn hiệu quả tốt không? Ta có biết dừng chân để đáp lại tình nghĩa bạn bè, tình nghĩa với Chúa, tình nghĩa với bà con lân cận không? Và mặc dầu đã mệt mỏi rã rời và đã chu toàn bổn phận rồi, ta có dám nhìn trước ngày hôm sau để hoạch định công việc mà không ai sẽ làm thay cho ta?

 

Suy Niệm 5: Sống tinh thần liên đới

Chúng ta đã nghe đây đó lời của một bài hát, trong đó có đoạn: “Sống trong cuộc sống, cần có một tấm lòng”. Thật vậy, trong một xã hội ngày càng giàu có, tiện nghi sang trọng, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên; điện, đường, trường, trạm được mọi người quan tâm... Tuy nhiên, về tinh thần liên đới, trách nhiệm, đạo đức... thì e rằng đang xuống cấp hơn bao giờ hết! Những chuyện vô lương tâm, tàn nhẫn, bất trung diễn ra nhan nhản đến mức báo động! Lại có những chuyện tưởng chừng chỉ trong tiểu thuyết, thì giờ đây nó lại xảy ra như cơm bữa trong đời sống hằng ngày...!

Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu chữa bệnh cho mẹ vợ ông Simon. Mẹ vợ ông Simon được Đức Giêsu biết đến là nhờ vào sự liên đới của mọi người, họ kể cho Ngài nghe về bệnh tình của bà.

Phải chăng Đức Giêsu cần sự thông báo của người ta? hay Ngài buộc họ phải nói thì Ngài mới ra tay cứu giúp? Không! Tuy nhiên, cứ theo cảm tính tự nhiên, thì việc quan tâm này rất cần thiết vì nó thể hiện sự yêu thương, liên đới tới nhau.

Sứ điệp Lời Chúa hôn nay mời gọi mỗi chúng ta hãy sống tinh thần yêu thương, liên đới, để cho ý Chúa được thể hiện trong cuộc sống thường ngày của mình, và để cho mọi người nhận ra chúng ta là con cái của Chúa khi mỗi người sống bác ái, xây dựng tình huynh đệ trong cuộc sống thường ngày.

Lạy Chúa Giêsu, chắc chắn Chúa sẽ không vui khi chúng con sống mà chỉ biết mình. Nhưng Chúa sẽ vui biết bao khi chúng con sống liên đới với tha nhân, nhất là biết giúp đỡ những người khổ đau, nghèo đói.

Xin Chúa ban cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con yêu với tình yêu không phân biệt. Amen.

Ngọc Biển

 

Suy Niệm 6: Tin tưởng đến với Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Mọi hoạt động của Chúa đều nhằm cứu độ con người khỏi sự dữ phần hồn cũng như phần xác. Ta hãy tin tưởng đến với Chúa là Đấng Cứu Độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay gợi lên cho con thực trạng đau khổ của cuộc sống nhân loại. Khi xưa cũng như ngày nay, loài người phải mang lấy biết bao bệnh hoạn, tật nguyền. Đặc biệt con nghĩ đến những chứng bệnh nan y mới phát sinh, đang đe dọa tính mạng của nhiều người. Con nghĩ tới những nạn nhân chiến tranh, những kẻ tàn phế. Con nhớ tới những nạn nhân tâm thần càng ngày càng nhiều. Con nhớ tới những kẻ đang sống nô lệ cho ma quỷ, tội lỗi, sự ác và bất công. Con nhớ tới những đau khổ hồn xác của mọi người trên thế giới, của những người trong gia đình con và của chính con.

Lạy Chúa, những đau khổ ấy thật là khó hiểu và dễ làm con nổi loạn. Nhưng lạy Chúa, con tin Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Trái tim Chúa đã và vẫn mãi ôm ấp và chữa lành những đau khổ của chúng con. Hằng ngày con chạy đến với Chúa trong thánh lễ. Xin Chúa cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Lạy Chúa, ngày nay Chúa vẫn đang hiện diện giữa chúng con và đang biểu lộ quyền năng cứu độ chúng con. Chúa đã lại gần cầm tay bà mẹ vợ ông Simon và đỡ dậy. Con tin rằng trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, Chúa đang lại gần con, cầm tay và đỡ con lên. Chúa có đủ quyền năng và muôn vàn phương thế để phục hồi và tái tạo cuộc đời chúng con cả hồn lẫn xác. Xin Chúa ra tay thực hiện và xin Chúa dạy con biết góp phần xóa bớt những đau khổ của anh chị em, để họ được sống trong niềm vui và hạnh phúc. Amen.

Ghi nhớ: “Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu nhạc mẫu của Phêrô

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Bác sĩ Tissot là một bác sĩ rất nổi tiếng người Thuỵ Sĩ. Tissot theo đạo Tin Lành nhưng luôn tôn trọng nếp sống của người Công giáo.

Một hôm ông tới chữa bệnh cho phụ nữ ngoại quốc, bà đang sốt nặng và tỏ ra hoảng hốt cáu kỉnh. Là người Công giáo, bà đòi gặp một Lm trước rồi mới chịu để bác sĩ chích thuốc chữa bệnh. Sau khi được giải tội và xức dầu, bác sĩ Tissot thấy bệnh nhân bình tĩnh dịu dàng khác thường.

Sáng hôm sau, bác sĩ Tissot trở lại, thấy bà giảm sốt và bắt đầu bình phục. Bác sĩ Tissot thường nói chân thành như là một chứng nhân cho bí tích bệnh nhân: “Nhiều bệnh nhân Công giáo đã lành bệnh nhờ bí tích xức dầu”.

Trong Đức tin Công giáo, bí tích xức dầu trợ giúp người tín hữu trong cơn đau yếu, giúp họ không nao núng trước thử thách bệnh tật cả về thể xác lẫn tinh thần. Người được lãnh bí tích thánh này được giữ vững lòng trung thành với niềm tin. Bí tích xức dầu như là bàn tay của Thiên Chúa thể hiện tình thương của Ngài chăm sóc trên bệnh nhân. Hình ảnh bí tích xức dầu chăm sóc, chữa lành bệnh nhân đưa chúng ta đến hình ảnh Chúa Giêsu đặt tay trên bà nhạc mẫu của Phêrô, bà liền được bình phục.

Suy niệm

Đức Giêsu đã “cầm tay” nhạc mẫu của Phêrô đang cơn bệnh và làm cho bà trỗi dậy. Người cũng đưa tay ra chữa lành tất cả bệnh tật, đau khổ nơi chúng ta như Ngài đã làm cho những kẻ tin được đưa đến bên Ngài (x. Mc 1,29-39).

Trong sự đau khổ bệnh tật của con người, Chúa Giêsu luôn luôn mang trong chính thân thể Ngài những đau khổ của nhân loại qua mọi thời đại. Ngài chăm sóc và chữa lành họ qua các bí tích, chính Ngài đi vào trung tâm lịch sử cứu độ mang tất cả đau thương trong thân xác Ngài trên thập tự để mọi đau thương được chữa lành như Phêrô đã tuyên tín: “Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1Pr 2,24). 

Ngài vẫn ở với nhân loại và đưa cánh tay cứu chữa cho những người tin. Tác giả F. Deleclos suy niệm về hình ảnh bà nhạc mẫu của Phêrô được chữa lành trong tương quan với chúng ta trong thế giới hôm nay: “Là những kẻ tội lỗi, chúng ta được quy tụ bởi đức tin, làm nên cộng đoàn Hội Thánh tìm kiếm Đức Kitô và kêu cầu Người. Giống như bà mẹ vợ của ông Phêrô, chúng ta bị nằm liệt giường và lên cơn sốt, chẳng được vui hưởng cuộc sống đích thực” (F. Deleclos, Prends ét mang La Parole, Centurion – Duculot tr. 137-138). Ngài đến và mang niềm vui được chữa lành cho chúng ta và như nhạc mẫu của Phêrô, được chữa lành, đứng lên tiến bước với niềm vui phục vụ.

Chúng ta hãy để Chúa Giêsu đụng vào trái tim nhỏ bé của mình, dù nhỏ bé nhưng vương vấn tội lỗi, để chúng ta được thanh sạch như Lời Chúa trong sách ngôn sứ Êdêkien nói: “Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi” (Ed 36,25-26).

Tất cả những yếu đuối, lo âu, bệnh tật, khiếm khuyết tâm thể lý được chữa lành. Ước chi Ngài cũng vào nhà tâm hồn của tôi, nhà tâm hồn bạn và “nâng chúng ta dậy” để chúng ta không nằm bất toàn trong sự yếu đuối, mất sức lực trong sự dữ, trong cơn u mê tội lỗi… Nhưng nhờ Ngài, chúng ta “đứng lên” như Chúa Giêsu muốn những người chạy đến với Ngài trong cơn đau bệnh.

Ý lực sống: “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành” (Tv 147,3).

 

Suy Niệm 8: Làm việc và cầu nguyện

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Một ngày ở Capharnaum, Chúa Giêsu bận bịu với biết bao nhiêu công việc. Ngài giảng dạy trong hội đường, chữa mẹ vợ ông Simon khỏi cơn sốt nặng; chiều đến, Ngài lại chữa mọi  người bệnh tật được người ta mang tới.  Được thúc đẩy vì tình yêu Cha và yêu con người, Chúa Giêsu tất bật với sứ vụ được trao phó. Ngài con dành thời giờ cầu nguyện vào ban sáng sớm trước khi bắt đầu một ngày mới.  Ngài vẫn còn thao thức bồn chồn cho đến khi sứ vụ được hoàn tất.

2. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài rất bận rộn: giảng ở hội đường; giảng xong, chữa một người bị quỉ ám; rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của ông Simon Phêrô. Chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi, người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa họ. Sáng sớm hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài đã thức dậy sớm đi đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện, và bắt đầu một ngày mới. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời giờ để cầu nguyện. Dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu cũng có cách  tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.

3. Chúa yêu thương, nâng đỡ và thông cảm với con người, nhất là những con người đang gặp đau khổ. Ngài đến thăm nhà, chữa bệnh cho người ta cũng là cách làm cho người ta được hạnh phúc vì vừa được chữa khỏi bệnh, vừa có dịp được giãi bầu tâm sự.

Người ta kể: Vị linh mục dừng lại ghé thăm một gia đình nghèo ở Kentucky. Vừa khi linh mục chào bà mẹ, bà ứa nước mắt kêu lên:”Ôi thưa cha, con vừa được biết  cha đến thăm hôm nay. Con tin cha có thể giúp con”. Bà dốc hết bầu tâm sự, bao lo âu, bao rắc rối. Thỉnh thoảng vị linh mục chen vào một vài lời khích lệ,  nhưng ngài cảm thấy hoàn toàn bất lực trước nỗi khổ tâm của bà. Kể xong, bà ngưng một lát rồi kêu lên:”Ôi thưa cha, cha giúp con nhiều quá. Cha đã giải quyết cho con mọi vấn đề”. Vị linh mục bối rối, ngài chẳng giải quyết được vần đề nào cả. Rồi ngài bắt đầu hiểu ra: bà chỉ cần mong được thông cảm.

4. Chúa Giêsu là thầy dạy của sự cầu nguyện.

Chúng ta không muốn định nghĩa sự cầu nguyện như các nhà tu đức học mà chỉ nói đơn sơ như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói:”Con đã ở như một đứa trẻ không biết chữ: con cứ đơn sơ thật thà  than thở cùng Chúa những điều con ước muốn, bao giờ con cũng được Chúa hiểu thấu tình”.

Cầu nguyện có thể ví như tình yêu. Chúng ta không thể học yêu qua sách vở được. Phải có phần thực hành. Cầu nguyện ví như học bơi lội, muốn biết bơi thì phải nhảyxuống nước, không thể vừa khô ráo trên bờ lại biết bơi. Cầu nguyện cũng như học gia chánh, muốn thực tập làm các món ăn thì phải lăn vào bếp. Cầu nguyện cũng giống như việc chăm sóc mảnh vườn, muốn có hoa đẹp thì phải trồng, phải vun xới, phải có nắng, phải tưới nước và phải chăm làm cỏ. Cầu nguyện không phải là một đề tài để bàn luận, nhưng là một thực tại để sống. Chúa Kitô là thầy dạy chúng ta, và tất cả chúng ta đều là học trò trong “lớp cầu nguyện”. Muốn có một đời sống sung mãn trong Chúa Kitô, chúng ta phải cầu nguyện (Thanh Thủy, Con đường tình yêu, tr 197).

5. Chiêm ngắm một ngày sống của Chúa, chúng ta được mời gọi sống như Ngài. Cuộc sống người Kitô hữu không thể chỉ có những khoảnh khắc dành cho Chúa trong Thánh lễ hay kinh nguyện, mà còn phải trải dài qua những sinh hoạt và gặp gỡ hằng ngày trong cuộc sống. Người Kitô hữu phải biết thống nhất đời sống bằng cách biến những giây phút hoạt động thành một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa.

Thường người ta quan niệm rằng làm việc và cầu nguyện là hai việc khác nhau, có khi đối chọi nhau. Thực ra, với lòng yêu mến, chúng ta có thể biến tất cả công việc làm của chúng ta thành kinh nguyện. Như thế, suốt ngày làm việc của chúng ta là một lời kinh nguyện dâng lên Chúa. Cần nhất ban sáng khi thức dậy, chúng ta đã dâng lên Chúa mọi công việc trong ngày, thì mọi việc trong một ngày có thể trở thành kinh nguyện liên miên.

6. Truyện: Cầu nguyện và làm việc.

Một ông cụ già dẫn một thanh niên xuống thuyền của mình. Thuyền này có hai mái chèo đề chữ “cầu nguyện”, một chiếc khác có đề hai chữ “làm việc”.

Người thanh niên nói kháy cụ già:

- Ông cụ ơi, chèo thế này chậm lắm. Người đã làm việc thì không cần cầu nguyện nữa (có ý nói: chỉ cần chèo một chiếc chèo có chữ “làm việc” thôi).

Ông cụ không nói gì, chỉ buông chiếc chèo có hai chữ “cầu nguyện” ra thôi, rồi cứ chèo chèo một chiếc có hai chữ “làm việc” kia.

Ông cụ cứ cố sức chèo nhưng thuyền không đi được bước nào, chỉ quay tròn đi thôi.

Thấy thế người thanh niên kia mới hiểu rằng, ngoài chiếc chèo làm việc ra, còn cần phải có chiếc chèo cầu nguyện nữa, thuyền mới đi được.

 

Suy Niệm 9: Một ngày của Chúa Giêsu ở Capharnaum

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Chuyện này cũng diễn ra trong khung cảnh một ngày ở Capharnaum và tiếp liền chuyện hôm qua. Sau khi làm một cuộc trừ tà ở Hội đường, Chúa Giêsu đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon. Chúa Giêsu không nói lời nào, chỉ làm một cử chỉ nhỏ là đến gần cầm tay bà nâng dậy. Việc khỏi bệnh xảy ra tức thì. Bà hết bệnh và lo tiếp đãi các ngài.

Người Do thái quen coi bệnh tật là do ma quỷ gây nên. Đặc biệt bệnh sốt là dấu chỉ Thiên Chúa trừng phạt tội bất trung (x. Lv 26,15-16 Đnl 28,22). Vì người ta coi bệnh này là do ma quỷ gây nên, do đó việc Chúa Giêsu cứu chữa bệnh này cũng là một việc trừ tà (Lc 4,39), cho thấy Chúa Giêsu là Đấng đến giải thoát con người khỏi xiềng xích của sự dữ và sự chết.

Kết thúc một ngày làm việc: "Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy, đi ra một nơi hoàng vắng và cầu nguyện".

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài rất bận: giảng ở Hội đường (câu 21); giảng xong, chữa một người bị quỷ ám (cc 23-28); rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon Phêrô (cc 29-32); chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa (cc 32-34); Sáng sớm hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài thức dậy sớm đi đến một nơi hoàng vắng để cầu nguyện (c 35), và bắt đầu một ngày mới cũng rất bận rộn. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời giờ đề cầu nguyện; dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu vẫn có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.

2. Nhìn lại cuộc sống đã qua, một nhà hiền triết thú nhận: Lúc thiếu thời tôi là một kẻ hiếu động. Trong sự hăng hái của tuổi trẻ, tôi thường xin Chúa cho tôi sức mạnh biến đổi thế giới này nên tốt hơn. Khi được nửa đời người, tôi ý thức mình chưa làm gì được cả, chưa thay đổi được bất cứ người nào, tôi liền đổi lại lời cầu nguyện cho thiết thực hơn: Lạy Chúa, giờ đây con chỉ xin Chúa cho con khả năng thay đổi cuộc sống của những người con tiếp xúc hằng ngày thôi". Nhưng rồi khi tuổi đời sắp hết, tôi thấy rằng mình quá cao vọng và ảo tưởng, tôi lại thay đổi lời cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính đời sống của con". Nếu từ tuổi thanh xuân tôi đã cầu nguyện như thế thì có lẻ tôi không phải hối tiếc vì đã sống một cuộc đời vô ích" (Trích "Mỗi ngày một tin vui")

3. "Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ. Nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai" (Mc 1,34)

"Tại sao Con Thiên Chúa không muốn làm vua Do thái hở mẹ ? Những điều kỳ diệu của Người khiến con kinh ngạc. Chỉ cần một hơi thở của Người đủ huỷ diệt sức mạnh của Rôma. Thế mà Người lại từ chối sự trợ giúp của các binh đoàn, khiến bao gian lao khó nhọc đã trở thành vô ích ? Chúng ta lại phải rên siết dưới sự bảo hộ của Rôma và để vũ khí mà ta khổ công đúc rèn phải rỉ sét ư ?"

Ben Hur đã thốt lên lời ấy trong thất vọng, chán chường. Anh cũng như những người do thái khác đã thất vọng về Con Thiên Chúa. Họ chờ đợi Đấng Messia như một người có thể đem lại cho họ phồn vinh và công lý trong trần thế. Họ chỉ muốn thấy vinh quang Thiên Chúa trừng phạt đế quốc Lamã.

Phải chăng vì thế mà Chúa Giêsu không cho quỷ nói Người là ai ? Con đường cứu độ không dẫn Người đến ngai vàng và vương miện trần gian. Người đến để mặc khải tình yêu của Cha, và để mặc khải được trọn vẹn, Người đã chết thay cho mọi người, những kẻ đã dửng dưng để cho máu của Người đổ trên đầu mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, giờ đây công cuộc cứu chuộc của Người đã hoàn tất. Xin cho con luôn biết đón nhận con đường của Người, con đường đưa đến sự sống đời đời. (Epphata)

 

Suy Niệm 10: Một ngày làm việc và cầu nguyện của Chúa Giêsu

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài rất bận: giảng ở Hội đường (câu 21) ; giảng xong, chữa một người bị quỷ ám (cc 23-28); rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon Phêrô (cc 29-32) ; chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa (cc 32-34) ; Sáng sớm hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài thức dậy sớm đi đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện (c 35), rồi lại bắt đầu một ngày mới cũng hết sức bận rộn. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời giờ để cầu nguyện; dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu vẫn có cách  tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện. Tại sao Chúa làm thế ? Thưa vì cầu nguyện là việc hết sức cần thiết.

Hôm ấy chàng sinh viên Ozanam, bước vào một nhà thờ cổ ở thủ đô Paris để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn. Đứng ở cuối nhà thờ nhìn lên, anh thấy một bóng đen đang quì cầu nguyên nơi hàng ghế đầu.

Đến gần, Ozanam mới nhận ra đó chính là nhà bác học André Marie Ampère (1775-1836). Chàng sinh viên không ngừng theo dõi cử chỉ cầu nguyện của vị giáo sư vật lý và hóa học nói trên. Khi ông đứng dậy ra về, chàng liền đi theo cho tới phòng làm việc của ông. Thấy chàng thanh niên đứng trước cửa phòng dáng vẻ rụt rè, giáo sư Ampère  liền cất tiếng hỏi

- Này, người bạn trẻ, anh cần gì đó ? Tôi có thể giúp anh giải bài toàn vật lý nào không ?

Chàng sinh viên nhỏ nhẹ trả lời:

- Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin giáo sư cho phép con được hỏi một chút về vấn đề đức tin mà thôi.

Giáo sư Ampère khiêm tốn đáp lại:

- Đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp ích cho anh về điều gì, tôi sẽ lấy làm hân hạnh.

Chàng sinh viên lại hỏi:

- Thưa giáo sư, người ta có thể vừa là nhà bác học vĩ đại vừa là một tín hữu cầu nguyên bình thường được chăng ?

Giáo sư Ampère ngỡ ngàng trước câu hỏi vừa nêu. Với cặp môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:

-  Chúng ta chỉ vĩ đại khi cầu nguyện mà thôi!

2. Tác giả cuốn “Đường Hy Vọng” viết: “Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa” (ĐHV 118).

Có lẽ chúng ta sẽ không tìm ra được mẫu gương nào, về việc liên kết giữa cầu nguyện và hoạt động hoàn hảo hơn là mẫu gương Giêsu.

Thánh sử Marcô đã cho biết: “Chiều đến, lúc mặt trời lặn, người ta dẫn đến cho Người, tất cả những bệnh nhân, những người bị quỉ ám... Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều ma quỉ” (Mc 1,32-35). Chúa rất bận rộn. Chính Chúa đã quả quyết: “Cha Ta và Ta hằng làm việc luôn” (Ga.5,17). Thế nhưng, không bao giờ vì công việc mà Chúa Giêsu đã bỏ qua việc cầu nguyện.

“Từ sáng sớm tinh sương, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, ra khỏi nhà, tìm đến nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó” (Mc 1,35).

Chúa Giêsu đã thực sự hoà nhập hai việc cầu nguyện và hoạt động trong đời sống của Ngài. Với hồn tông đồ đầy nhiệt huyết này, Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mệnh và hoạt động cho Nước Trời Chúa Cha trao phó cho Ngài.

Còn chúng ta thì sao ? Chúng ta đã dành bao nhiêu thời giờ trong ngày cho việc cầu nguyện ? Đời sống hạnh phúc thực sự của chúng ta ở đâu ? Nhờ Lời Chúa, nhờ sự khát khao đời sống tâm linh, hay nhờ sự cuốn hút của tiền bạc và danh lợi ?

Một linh mục kia muốn làm một cuộc thống kê về tình hình của xứ đạo, ngài hỏi gia đình kia một câu hỏi thường lệ:

- Các con có thường cầu nguyện chung cả gia đình không ?

Ông gia trưởng trả lời:

- Thưa cha, chúng con không có thời giờ.

- Giả như con biết một đứa con sẽ bị bệnh nếu không cầu nguyện, gia đình con có cầu nguyện không ?

- Ồ con đoán chúng con sẽ cầu nguyện.

- Giả sử con biết ngày nào đó khi gia đình lơ là việc cầu nguyện, một đứa con sẽ gặp tai nạn. Con có cùng cầu nguyện không ?

Tất nhiên chúng con sẽ cầu nguyện.

- Giả sử mỗi ngày con quên cầu nguyện, giáo luật phạt 5 đô la. Con có dám sao lãng việc cầu nguyện không ?

Chắc chúng con sẽ cầu nguyện. Nhưng cha hỏi như thế để làm gì ?

- Vấn đề của con là không có thời giờ. Con có thể tìm được thời giờ. Con không nghĩ cầu nguyện chung gia đình là quan trọng như nộp phạt hay giữ sức khỏe cho con. Ơn Chúa ban qua lời cầu nguyện quan trọng hơn bất cứ những gì con có thể nghĩ tới.

Bao nhiêu tấm gương của biết bao nhiêu người vẫn còn đó. Bỏ đạo, bỏ Chúa! Người ta nại ra đủ mọi thứ lý do để lý giải cho những hành vi xuống dốc về đời sống tâm linh đạo đức của mình. Nào là bận công ăn việc làm, nào là không có giờ v.v và v.v. Thế nhưng, thử hỏi, kết cục cuộc đời rồi sẽ đi về đâu?

He could not see – Suy niệm theo The WAU ngày 12.01.2022
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – January. 2022

Wednesday January 12.2022
Meditation: 1Sm 3, 1-10. 19-20

He could not see. (1Sm 3: 2)

If Samuel’s calling were made into a film, an overhead camera might pan across the land of Israel and zoom in on the shrine at Shiloh, where the priest Eli lay asleep in an exterior room. Meanwhile, a voice-over would say that spiritual visions had become rare in the land and that Eli’s own vision had grown weak (1 Samuel 3:2). The movie’s hero, a boy named Samuel, would lie in another room, close to the ark of the covenant.

In this scene, the director would be portraying two “sleepers.” One, Samuel, dwells intimately close to God’s presence, unaware that he will soon be called to be Israel’s next prophet. The other, Eli, is farther away from God but familiar with his ways from a lifetime of study and service. By placing these two together, God ensures that Eli will help Samuel recognize God’s call and respond to him.

The calling of Samuel reminds us that we aren’t alone in our efforts to understand God’s call. He gives us brothers and sisters in Christ who can use their different gifts to help us hear and accept it. That means that none of us individually needs to try and discern God’s will for our lives on our own. God has united us as a body of believers, some of whom are meant to accompany and guide us on our faith journey. The Lord works through these friends, spiritual directors, and confessors to help us to “see” so that we can know and follow his will for every season of our lives.

So if you are trying to discover what God might be saying to you, you may get clarity through the help and prayers of another believer. Sometimes God wants us to rely on others just so that we can have more confidence in his direction and guidance. Not only that, but he uses these opportunities to knit us closer to one another.

Of course, we all experience some degree of trial and error in this. It took three tries before Samuel and Eli finally recognized God’s voice! But with the help of a fellow disciple, you too will be able to hear the Lord’s call and say to him, “Speak, for your servant is listening” (1 Samuel 3:10).

“Lord, send me trusted friends who can help me to follow you more closely.”

Thứ Tư ngày 12.01.2022
Suy niệm: 1Sm 3, 1-10. 19-20

 

Ông không còn thấy nữa (1Sm 3,2)

Nếu ơn gọi của Samuel được dựng thành phim, thì một chiếc máy quay trên cao có thể quay khắp vùng đất Israel và phóng to ngay đền thờ ở Silô, nơi tư tế Êli đang ngủ trong một căn phòng bên ngoài. Trong khi đó, một lời thuyết minh sẽ nói rằng những thị kiến thần linh đã trở nên hiếm hoi trong nước Israel và rằng thị kiến của Êli đã trở nên ít ỏi (1Sm 3,2). Anh hùng của bộ phim chính là một cậu bé tên Samuel, sẽ nằm trong một căn phòng khác, gần hòm bia giao ước.

Trong cảnh này, đạo diễn sẽ dàn dựng cảnh hai “người ngủ”. Một người tên là Samuel, sống gần gũi với sự hiện diện của Thiên Chúa mà không biết rằng mình sẽ sớm được kêu gọi trở thành nhà tiên tri tiếp theo của Israel. Người còn lại là Êli, ở xa Thiên Chúa hơn nhưng đã quen thuộc với đường lối của Ngài từ suốt cuộc đời học tập và phục vụ. Bằng cách đặt hai điều này lại với nhau, Thiên Chúa bảo đảm rằng Êli sẽ giúp Samuel nhận ra tiếng kêu gọi của Thiên Chúa và cách đáp trả lại Ngài.

Ơn gọi của Samuel nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không đơn độc trong nỗ lực hiểu biết lời mời gọi của Thiên Chúa. Ngài ban cho chúng ta những anh chị em trong Đức Kitô, những người có thể sử dụng những ân sủng khác nhau của họ để giúp chúng ta lắng nghe và chấp nhận điều đó. Điều đó có nghĩa là không ai trong chúng ta cần phải tự mình cố gắng và phân biệt ý muốn của Thiên Chúa đối với cuộc sống của chúng ta. Thiên Chúa đã kết hợp chúng ta như một thân thể của các tín hữu, một số người trong số họ có ý định đồng hành và hướng dẫn chúng ta trên hành trình đức tin của mình. Chúa làm việc qua những người bạn, những người linh hướng và những người giải tội này để giúp chúng ta “nhìn thấy” để chúng ta có thể biết và làm theo ý muốn của Ngài trong mọi lúc của cuộc đời chúng ta.

Vì vậy, nếu bạn đang cố gắng khám phá những gì Thiên Chúa có thể đang nói với bạn, bạn có thể nhận được sự rõ ràng thông qua sự giúp đỡ và lời cầu nguyện của một tín hữu khác. Đôi khi Thiên Chúa muốn chúng ta dựa vào người khác để chúng ta có thể tin tưởng hơn vào sự chỉ dẫn và hướng dẫn của Ngài. Không chỉ vậy, Ngài còn sử dụng những cơ hội này để gắn kết chúng ta lại gần nhau hơn.

Tất nhiên, tất cả chúng ta đều trải qua một số mức độ thử nghiệm và sai sót trong việc này. Phải mất ba lần thử trước khi Samuel và Êli cuối cùng nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa! Nhưng với sự giúp đỡ của một người cùng là môn đệ, bạn cũng sẽ có thể nghe thấy tiếng Chúa gọi và nói với Ngài: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe” (1Sm 3,10).

Lạy Chúa, hãy gửi tới cho con những người bạn đáng tin cậy, những người có thể giúp con đi theo Chúa chặt chẽ hơn.

 

Jesus healed many who were sick – Suy niệm song ngữ Anh – Việt ngày 12.01.2022
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Wednesday January 12.2022
Jesus healed many who were sick


Scripture: Mark 1:29-39

29 And immediately he left the synagogue, and entered the house of Simon and Andrew, with James and John. 30 Now Simon’s mother-in-law lay sick with a fever, and immediately they told him of her. 31 And he came and took her by the hand and lifted her up, and the fever left her; and she served them. 32 That evening, at sundown, they brought to him all who were sick or possessed with demons. 33 And the whole city was gathered together about the door. 34 And he healed many who were sick with various diseases, and cast out many demons; and he would not permit the demons to speak, because they knew him. 35 And in the morning, a great while before day, he rose and went out to a lonely place, and there he prayed. 36 And Simon and those who were with him pursued him, 37 and they found him and said to him, “Every one is searching for you.” 38 And he said to them, “Let us go on to the next towns, that I may preach there also; for that is why I came out.” 39 And he went throughout all Galilee, preaching in their synagogues and casting out demons.

Thứ Tư ngày 12.01.2022
Đức Giêsu chữa lành nhiều người bệnh tật

 Mc 1,29-39

29 Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà.31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người.33 Cả thành xúm lại trước cửa.34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm.37 Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy! “38 Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

Meditation: Who do you take your troubles to? Jesus’ disciples freely brought their troubles to him because they found him ready and able to deal with any difficulty, affliction, or sickness which they encountered. When Simon brought Jesus to his home, his mother-in-law was instantly healed because Jesus heard Simon’s prayer. Jerome, an early church bible scholar and translator (c. 347-420), reflects on this passage:

“Can you imagine Jesus standing before your bed and you continue sleeping? It is absurd that you would remain in bed in his presence. Where is Jesus? He is already here offering himself to us. ‘In the middle,’ he says, ‘among you he stands, whom you do not recognize’ (Cf. John 1:26) ‘The kingdom of God is in your midst’ (Mark 1:15). Faith beholds Jesus among us. If we are unable to seize his hand, let us prostrate ourselves at his feet. If we are unable to reach his head, let us wash his feet with our tears. Our repentance is the perfume of the Savior. See how costly is the compassion of the Savior.”

Do you allow Jesus to be the Lord and healer in your personal life, family, and community? Approach the Lord with expectant faith. God’s healing power restores us not only to health but to active service and care of others. There is no trouble he does not want to help us with and there is no bondage he can’t set us free from. Do you take your troubles to him with expectant faith that he will help you?

 

“Lord Jesus Christ, you have all power to heal and to deliver from harm. There is no trouble nor bondage you cannot overcome. Set me free to serve you joyfully and to love and serve others generously. May nothing hinder me from giving myself wholly to you and to your service.”

Suy niệm: Bạn thường đem các vấn nạn của mình đến với ai? Các môn đệ của Ðức Giêsu đã mang những vấn nạn của họ đến với Người một cách thoải mái bởi vì họ luôn thấy Người sẵn sàng và có khả năng giải quyết mọi khó khăn, buồn phiền, hay bệnh tật mà họ gặp phải. Khi ông Simon đem Ðức Giêsu về nhà mình, mẹ vợ ông lập tức được chữa lành bởi vì Ðức Giêsu đã nghe lời cầu xin của Simon. Thánh Giêrom, một nhà thông thái và dịch thuật về Kinh thánh của Giáo hội thời sơ khai (347-420), suy gẫm về đoạn này như sau:

“Bạn có thể nào hình dung Ðức Giêsu đang đứng bên giường ngủ của bạn mà bạn vẫn tiếp tục ngủ được chăng? Thật là lố bịch khi bạn vẫn ngủ trước sự hiện diện của Người. Ðức Giêsu ở đâu? Người đang ở đây ban phát chính mình cho chúng ta. ‘Người đứng giữa họ, nhưng không ai nhận ra Người’ (Ga 1,26) ‘Nước Thiên Chúa đang ở giữa ngươi’ (Mc 1,15). Đức tin nhìn thấy Ðức Giêsu ở giữa chúng ta. Nếu chúng ta không thể nắm được tay Người, chúng ta hãy phủ phục dưới chân Người. Nếu chúng ta không thể chạm đến đầu Người, chúng ta hãy rửa chân Người bằng nước mắt của chúng ta. Lòng thống hối của chúng ta là thuốc thơm của Đấng cứu thế. Hãy nhìn xem lòng trắc ẩn của Đấng cứu thế quý giá biết chừng nào.”

Bạn có cho phép Ðức Giêsu làm Chúa và là Đấng chữa lành trong cuộc đời, gia đình, và cộng đoàn của bạn không? Hãy đến gần Người với niềm tin kiên vững. Uy lực chữa lành của Thiên Chúa phục hồi chúng ta không chỉ về sức khỏe mà còn sự phục vụ và quan tâm tích cực đối với người khác. Không một vấn đề nào mà Người không muốn giúp đỡ chúng ta, và không một cản trở nào mà Người không thể giải thoát chúng ta ra khỏi nó. Bạn có đem những vấn nạn của mình đến cho Người với lòng tin kiên vững rằng Người sẽ cứu giúp bạn không?

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa có tất cả mọi quyền lực để chữa lành và giải thoát khỏi sự nguy hại. Không một vấn đề hay cản trở nào mà Chúa không thể chế ngự được. Xin giúp con được tự do phụng sự Chúa một cách vui mừng và yêu thương và phục vụ mọi người một cách quảng đại. Chớ gì không có điều gì cản trở con hiến toàn thân con cho Chúa và cho việc phụng sự Người. 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây