Thứ Tư tuần 14 thường niên.

Thứ ba - 09/07/2019 10:01

Thứ Tư tuần 14 thường niên.

"Các con hãy đến cùng chiên lạc nhà Israel".

 

Lời Chúa: Mt 10, 1-7

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.

Đây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: "Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: 'Nước Trời đã gần đến'".

 

 

 

Suy Niệm 1: Chọn các Tông Ðồ

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.

Chúa Kitô quả thật đã thành lập một Giáo Hội hữu hình có phẩm trật, phẩm trật ấy hiện hữu không ngoài mục đích tiếp tục sứ mệnh Ngài đã ủy thác cho các Tông Ðồ. Do đó, tiếp nhận quyền bính trong Giáo Hội cũng chính là chấp nhận quyền bính mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Ðồ. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội tông truyền, điều đó không chỉ có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, mà còn có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quyền bính mà các Tông Ðồ đã truyền lại cho các đấng kế vị, tức Giám mục đoàn mà thủ lãnh là Ðức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô. Ðây chính là nền tảng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không thể nói đến hiệp thông khi một Giám mục đứng riêng rẽ bên ngoài Giám mục đoàn để truyền dạy những điều nghịch đức tin và luân lý của Giáo Hội, và cũng không còn là hiệp thông khi một tín hữu không tuân giữ quyền giáo huấn của Giám mục đoàn và của thủ lãnh Giám mục đoàn là Ðức Giáo Hoàng.

Dân chủ vốn là một phạm trù dễ bị lạm dụng. Ngay tại những nước có dân chủ thực sự, thì hai chữ "dân chủ" cũng bị lạm dụng không kém. Khi một luật pháp bất công như luật cho phép phá thai chẳng hạn được số đông bỏ phiếu tán thành, phải chăng đây không phải là một lạm dụng của trò chơi dân chủ. Giáo Hội luôn đề cao tinh thần dân chủ đích thực, nhưng Giáo Hội không hề là một chế độ dân chủ, trong đó các thành phần có thể bỏ phiếu chọn người lãnh đạo hoặc tán thành một khoản luật. Giáo Hội cũng chẳng là một tổ chức mà người ta có thể xếp vào bất cứ chế độ nào. Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa Kitô, chân lý chúng ta phải tuyên xưng là do Chúa Kitô mạc khải và ủy thác cho các Tông Ðồ, và truyền lại cho các đấng kế vị các ngài. Luật phải giữ cũng chính là luật của Chúa Kitô đã ủy thác cho các Tông Ðồ và các đấng kế vị các ngài. Tiêu chuẩn cho biết một thành phần Giáo Hội có hiệp thông với Giáo Hội hay không, là tinh thần tuân phục đối với quyền bính của những đấng kế vị các Tông Ðồ.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta tinh thần khiêm tốn, để luôn luôn biết đón nhận và tuân phục giáo huấn của Ngài được ủy thác cho các Tông Ðồ và Giáo Hội. Xin Chúa gìn giữ Giáo Hội được hiệp thông quanh đấng kế vị thánh Phêrô mà Chúa đã đặt làm thủ lãnh Giáo Hội.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Một Hội Thánh bên ngoài Hội Thánh

Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Dọc đường hãy rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần.”(Mt. 10, 1. 7)

Sai đi truyền giáo

Khi Chúa sai các Tông đồ đi truyền giáo, Chúa cho các ông một chỉ thị rất rõ ràng: “Tốt hơn là anh em hãy đến với các con chiên lạc nhà It-ra-en”. Vậy là có những người mà các tông đồ phải ưu tiên đến với họ. Họ không phải là dân ngoại, cũng không phải là những người xa xăm chưa biết Chúa. Những người đầu tiên mà các môn đệ phải đi tới, đó là những đồng bào của các ông đang sống bất trung và tội lỗi. Các ông phải đến với họ. Các ông phải ra đi tiếp xúc gặp gỡ để loan báo cho họ biết rằng Nước Trời đã đến gần.

Hãy đi ra bên ngoài giáo hội

Chỉ thị trên đây của Chúa, ta hãy đem ra áp dụng đúng vào hoàn cảnh hôm nay của ta. Những người mà ta phải nói cho họ biết về Chúa, lại đang ở rất gần ta. Họ là những người đồng hương với ta. Họ là những người bà con lối xóm của ta. Họ là những người cùn nghề cùng sở làm với ta. Nhưng ta phải đến với họ nhân danh Chúa Giêsu, có nghĩa là vì hạnh phúc đời đời của họ mà ta phải đi bước trước, phải tới gõ cửa nhà họ để giới thiệu cho họ biết có một đấng luôn yêu thương họ, và quan tâm đến vận mệnh đời đời của họ. Bởi vì rất có thể là họ sẽ không đến với ta và Giáo hội.

Có một thời Giáo hội đã quá quen với nếp sống ù lì là thích tiếp nhận những kẻ đến với mình hơn là ra đi đến với họ. Thời đó nay đã qua rồi. Giáo hội không thể là một biệt khu khép kín. Các linh mục không thể chỉ luẩn quẩn làm việc trong nhà xứ. Các tín hữu không thể chỉ coi mình là những nhà truyền giáo cho những người đang sống trong lòng Giáo hội mà thôi. Đã đến lúc phải vượt ra bên ngoài Giáo hội, phải ra khỏi các phòng hội họp của giáo xứ để đi đến những nơi công cộng, để thâm nhập vào mọi nơi, mọi tầng lớp xã hội. Để chu toàn sứ mệnh của mình, Giáo hội phải tỏ mình ra và hành động ở bên ngoài các nhà thờ. Nếu chỉ có ở tại nhà thờ, ta mới biết làm chứng lòng tin của mình, thì thiết tưởng ta vẫn chưa phải là những chứng nhân theo như Chúa muốn.

 

Suy Niệm 3: “PHẢI TRUYỀN GIÁO” (Mt 10, 1-7)

Xem lại CN 11 TN A, thứ Sáu tuần 2 TN và thứ Tư tuần 25 TN

Truyền Giáo là bản chất của Giáo Hội. Nếu không truyền giáo, chúng ta đánh mất bản chất của mình. Vì thế, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định “Giáo Hội vẫn sẽ tiếp tục là một Giáo Hội truyền giáo trong tương lai, bởi vì đặc tính truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội” (Thông điệp Tertio Millennio Adveniente, số 57). Bởi vì Giáo Hội coi: “Truyền giáo là một ân sủng, ơn gọi xứng hợp, và là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 14).

Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ chung chia sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha. Sứ mạng ấy là: hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi hầu cho “muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).

Cùng một sứ mạng, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta, những Kitô hữu, mỗi người một cách, hãy loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi bằng nhiều cách thế khác nhau để cho muôn dân được nhận biết Đức Giêsu và ơn cứu độ của Ngài mang lại.

Mong sao, lệnh truyền của Đức Giêsu “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15), và thái độ, ý thức về truyền giáo của thánh Phaolô cũng là của chính chúng ta: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9, 16).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn trợ lực cho các nhà thừa sai trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, để các ngài chu toàn bổn phận đã được trao phó, đồng thời, xin cho chúng con được trở nên môn đệ và được tiếp bước với Chúa trên cánh đồng mênh mông bao la hiện nay. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Mười hai tông đồ

Suy niệm :

Đức Giêsu đã cần mười hai bạn trẻ cộng tác với mình,

để làm mục tử cho đàn chiên, làm thợ gặt cho mùa lúa chín vàng,

làm tông đồ cho một nước Paléttin nhỏ bé.

Ngài chia sẻ cho họ uy quyền mình có và sứ vụ mình làm (c. 1).

Con số mười hai gợi nhớ mười hai chi tộc Israel ngày xưa.

Giáo Hội Ngài thiết lập sẽ là Israel mới, đặt nền trên mười hai bạn trẻ.

Chúng ta khó hình dung khuôn mặt riêng của mỗi vị tông đồ,

nhưng ta biết tên của họ qua các sách Tin Mừng, dù có chút dị biệt.

Họ có cá tính và cuộc đời riêng, nhưng đều được gọi bởi Thầy Giêsu,

và được Thầy sai đến với dân tộc mình là Israel (c. 6).

Tin Mừng Mátthêu kể tên nhóm Mười Hai theo từng cặp.

Simôn Phêrô đứng đầu danh sách, còn Giuđa Ítcariốt thì đứng cuối.

Chỉ sau này ta mới biết Simôn sẽ chối Thầy và Giuđa sẽ phản bội.

Có những cặp anh em ruột: Simon và Anrê, Gioan và Giacôbê.

Có người làm nghề thu thuế cho quân đô hộ: Mátthêu.

Có người lại muốn dùng vũ trang giải phóng đất nước: Simôn nhiệt thành.

Có ba người được coi là môn đệ thân tín: Phêrô, Gioan và Giacôbê.

Nói chung đa số là những người ít học thức, làm nghề đánh cá.

Được sai đi thật là một thách đố đối với họ.

Họ có làm nổi những việc Thầy giao không?

Vào thời Đức Giêsu, rao giảng “Nước Trời đã đến gần” là điều không dễ.

Để người ta tin chuyện đó, cần phải minh chứng bằng hành động cụ thể,

như chữa lành bệnh hoạn và khử trừ thần ô uế.

Vào thời nay, rao giảng Tin Mừng Nước Trời lại càng không dễ.

Rao giảng vẫn phải đi kèm với các việc phục vụ con người.

Lập một bệnh xá, bắc một cây cầu, đào một giếng nước,

giúp trẻ em nghèo đến trường, đưa người cai nghiện về lại với cộng đoàn,

cho các cô gái lầm lỡ có chỗ sinh con và nuôi con…

Giáo Hội đã làm nhiều việc và vẫn còn bao nhu cầu mới mẻ.

Nhưng có một việc mà xã hội hôm nay không biết là mình đang cần,

đó là được giải phóng khỏi những thần ô uế mới đang ám ảnh con người.

Mười Hai tông đồ ngày xưa đã đi khắp mảnh đất Paléttin,

và đã đặt chân đến những vùng đất mới.

Thế giới hôm nay rộng hơn và phẳng hơn xưa.

Chúng ta được Đấng Phục sinh sai đến mọi dân tộc (Mt 28, 20).

Các phương tiện truyền thông ngày nay giúp ta dễ dàng làm chuyện đó.

Nhưng chúng ta vẫn không được quên, trên quê hương Việt Nam

gần 80 triệu đồng bào chưa đón nhận Tin Mừng.

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha,

Cha muốn cho mọi người được cứu độ

và nhận biết chân lý,

chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.

Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người

chưa nhận biết Đức Giêsu,

họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con

khát vọng truyền giáo,

khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,

niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,

và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực

trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất

để loan báo Tin Mừng.

Chúng con chỉ xin đến

với những người bạn gần bên,

giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,

qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện

cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

Xin Cha cho những cố gắng của chúng con

sinh nhiều hoa trái. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy niệm

Chúa Giêsu xuống thế làm người, vì yêu thương chúng ta, đã chết trên thập giá cho chúng ta được sống muôn đời.

Để thực hiện kế hoạch cứu độ, Chúa Giêsu đã rảo bước khắp các làng mạc, chữa lành bệnh tật, cảm thương dân chúng và thi ân giáng phúc cho nhân loại. Ngài rao giảng và biểu tỏ tình thương và lòng thương xót của Chúa Cha.

Để tiếp tục sứ mệnh của mình, Chúa Giêsu chọn gọi 12 Tông Đồ. Các ông sống sát với Chúa, cùng đồng bàn với Ngài, trung thành với giáo huấn của Ngài và Ngài ban cho các ông những quyền trên những thần ô uế cũng như quyền chữa lành bệnh tật và xoa dịu nỗi đau của nhân loại. Ngày nay Thiên Chúa vẫn thi ân giáng phúc cho con người qua Giáo Hội với các bí tích, nhờ đó con người đón nhận ân sủng, và được chữa lành những căn bệnh thiêng liêng.

Từng người chúng ta cũng được Thiên Chúa kêu gọi trở thành Kitô hữu, rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng, cho Chân Lý và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Xin cho từng người chúng ta ý thức được ơn gọi làm cho Thiên Chúa và sống chứng nhân xứng đáng của Kitô giáo.

Fx. Đình Phước SDB

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây