Thứ tư tuần 15 thường niên

Thứ ba - 14/07/2020 09:25

Thứ tư tuần 15 thường niên. – Thánh Bônaventura, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Chúa đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn".

 

* Chào đời khoảng năm 1218 ở Ba-nho-rê-gi-ô, tỉnh Vitécbô, Bônaventura theo học triết lý rồi thần học ở Paris, sau đó dạy các tu sĩ dòng Anh Em Hèn Mọn.

Khi được chọn làm tổng phục vụ, người đã chu toàn nhiệm vụ một cách khôn ngoan, đã soạn thảo hiến chương nhằm giúp anh em sống luật dòng thánh Phanxicô. Là một nhà thần học sâu sắc, theo trường phái thánh Augustinô, người nghiên cứu và giảng dạy lộ trình đưa linh hồn về với Thiên Chúa. Được đặt làm hồng y giám mục Anbanô.

Người qua đời năm 1274 giữa lúc Công Đồng Lyon đang họp.

 

Lời Chúa: Mt 11, 25-27

Khi ấy, Chúa Giêsu thưa rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con trừ ra Cha; và cũng không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho".

 

 

Suy Niệm 1: Cha mặc khải

Suy niệm :

Bài Tin Mừng hôm nay là một lời nguyện tự phát của Đức Giêsu.

Đó là một lời tạ ơn, một lời ngợi khen của Con dâng lên Cha.

Đức Giêsu gọi Thiên Chúa bằng từ Abba thân thương gần gũi,

nhưng Thiên Chúa ấy cũng là Đấng siêu việt ngàn trùng,

Đấng quyền uy tối thượng, Chúa Tể cả trời đất (c. 25).

Đức Giêsu ca ngợi Cha vì hành vi mặc khải của Cha cho con người.

Cha có một kế hoạch cứu độ nhân loại qua Con của Cha là Đức Giêsu.

Và Cha muốn vén mở kế hoạch đó cho con người biết.

Có những người đã thành tâm đón nhận, và có những người cố ý từ chối.

Nhưng tất cả đều không nằm ngoài chương trình của Cha (c. 26).

Lối nói kiểu Do thái của Đức Giêsu có thể khó hiểu đối với ta ngày nay:

“Cha đã giấu các điều này trước những người khôn ngoan thông thái.”

Thật ra, chẳng phải Thiên Chúa ghét bỏ hay phân biệt đối xử,

vì Ngài muốn cho mọi người được cứu độ (1 Tm 2, 4).

Chẳng phải Cha ghét bỏ các người khôn ngoan và cổ võ sự ngu dốt.

Ngài cũng không che giấu mầu nhiệm Nước Trời trước một ai.

Nhưng quả thật ai tự hào, tự mãn với hiểu biết khôn ngoan của mình,

và khép lại trước những gì vượt quá trí hiểu nông cạn của họ,

người ấy sẽ không có cơ may đón nhận được mặc khải của Thiên Chúa.

Một số kinh sư và người Pharisêu giỏi giang về Sách Thánh và truyền thống,

đã không thể đón nhận được cái hoàn toàn mới mẻ nơi giáo lý Đức Kitô,

vì họ quá bám víu vào cái biết cũ mà họ coi là tuyệt đối.

Nhưng các người bé mọn, ít tri thức và sách vở, lại dễ dàng đón nhận hơn.

Họ hồn nhiên mở ra trước mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.

Chính vì thế họ biết được những điều sức người không thể nào đạt tới.

Câu cuối (c. 27) là một mặc khải lớn của Đức Giêsu trong tư cách là Con.

Ngài cho thấy giữa Cha và Con có sự hiểu biết nhau cách độc nhất vô nhị.

“Không ai biết rõ Con trừ ra Cha và không ai biết rõ Cha trừ ra Con…”

Sự hiểu biết nhau thân tình và sâu xa này

như thể tạo ra một thế giới riêng giữa Cha và Con.

Muốn biết Cha phải nhờ Con, Đấng duy nhất có đủ thẩm quyền mặc khải.

Hơn nữa, muốn biết Con cũng phải nhờ Cha mặc khải.

Phêrô phải nhờ Cha mới biết được Đức Giêsu là ai (Mt 16, 17).

Nói chung Cha và Con làm nên một thế giới riêng tư, nồng ấm.

Nhưng thế giới ấy lại không khép kín, mà mở ra để mời con người vào.

Cha và Con đều muốn mặc khải thế giới ấy cho con người.

Cha đưa ta gặp Con, Con đưa ta gặp Cha.

Chỉ cần gặp Con hay Cha là có thể bước vào thế giới đó, để gặp cả Cha và Con.

Chị Edit Stein là một phụ nữ Do thái được coi là thông thái, trí tuệ.

Chị đậu tiến sĩ triết học với hạng tối danh dự tại Đức.

và là người cộng tác với ông tổ của Hiện tượng luận là triết gia Husserl.

Việc tìm kiếm Chân Lý đã dẫn chị đến với đạo Công giáo.

Chị đã đi tu Dòng Kín Cát Minh và đã bị giết tại trại giam của Đức quốc xã.

Chị Bênêđícta Thánh Giá được phong thánh năm 1998 bởi Đức Gioan Phaolô II.

Sự thông thái khiêm tốn đã giúp Chị gặp được Nước Trời như một kẻ bé mọn.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: TÂM TÌNH KHIÊM NHƯỜNG

Lạy Cha là Chúa Tể trời đất”. Chúa Giê-su dùng lời kinh long trọng này để cho ta hiểu biết một chân lý: Thiên Chúa là chủ tất cả. Mọi sự ta có đều là của Người ban cho. Chính vì thế tâm tình ta phải có là tâm tình khiêm nhường bé nhỏ. Đó chính là tâm tình của công dân Nước Trời. Những thái độ tự cao tự đại hoàn toàn trái ngược, không thích hợp, và sẽ không được đón nhận vào Nước Trời.

Những ai tự hào mình khôn ngoan thông thái hãy cẩn thận. Ngay trí khôn họ không thể tự mình có được. Trí khôn là do Thiên Chúa ban cho. Vì thế có gì mà đáng tự hào. Và nếu trí khôn không đưa đến Nước Trời thì cũng vô ích. Hiểu biết về Nước Trời là sự khôn ngoan vượt trên mọi sự khôn ngoan. Nhưng mầu nhiệm Nước Trời chỉ có Thiên Chúa nắm giữ. Và Người muốn mặc khải cho ai tùy ý. Và Người lại mặc khải cho những kẻ bé mọn. Vì thế bé mọn chính là thái độ khôn ngoan thông thái nhất.

Hai bài đọc Cựu Ước minh họa chân lý này. Át-sua hùng mạnh chính là do Thiên Chúa ban. Để làm cây roi của Chúa mà trừng phạt những sai lỗi của các nước nhỏ. Nhưng Át-sua không ý thức điều đó. Tưởng là cường thịnh do sức riêng. Nên Thiên Chúa sẽ hạ bệ nó xuống, tước bỏ hết sức mạnh mà nó tự hào. Chúa sẽ hạch tội nó: “Cái rìu lại tự cao với kẻ cầm rìu mà chặt hay cái cưa tự đại với người kéo cưa sao? Như thể ngọn roi kéo được kẻ giơ nó lên, cây gậy nhấc được kẻ không phải là gỗ vậy” (năm chẵn).

Mô-sê dù đã được học hết mọi sự khôn ngoan trong cung điện vua Ai cập. Dù đã kiên trì thanh luyện 40 năm trong sa mạc. Vẫn phải có thái độ khiêm nhường. Cởi bỏ dép. Khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa trong bụi gai cháy đỏ. Chính với thái độ khiêm nhường, dễ dậy đó nói lên tâm tình khiêm nhường của Mô-sê. Tâm tình khiêm nhường nói lên lòng khao khát đón nhận mầu nhiệm. Nhờ đó Mô-sê đã được Thiên Chúa bày tỏ mầu nhiệm. Cho ông biết tên Thiên Chúa. Cho ông biết chương trình của Người. Và cho ông được tham dự vào chương trình đó. Và vì ông khiêm nhường đón nhận, ông trở thành người lãnh đạo thiết lập Dân Thiên Chúa, ban lề luật cho Dân Thiên Chúa (năm lẻ).

Lạy Chúa con chỉ là hư vô. Mọi sự con có đều là của Chúa. Mọi sự con là cũng là bởi Chúa. Xin dạy con biết khiêm nhường để xứng đáng được Chúa dậy bảo.

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Suy niệm 3: Cần Trở Nên Bé Mọn

Con người có thể khước từ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người; Ngài luôn mời gọi con người trở về để lãnh nhận ân sủng và sự thật của Ngài. Thiên Chúa mời gọi mọi người, không phân biệt, nhưng từ phía con người có thể có một trong hai thái độ: thái độ của những kẻ bé mọn khiêm tốn để cho Chúa dạy dỗ; và thái độ của những kẻ thông thái, tự cao, cho mình thuộc một nhóm nhỏ tách rời khỏi đại đa số dân chúng.

Những kẻ thông thái được Chúa Giêsu trực tiếp nhắm đến trong Tin Mừng hôm nay là nhóm Biệt Phái đang đứng trong hành lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo và chống đối Chúa. Họ đến với Chúa bằng con đường của sự thông hiểu về luật Môsê; họ cho rằng chỉ cần am tường lề luật Môsê trong Kinh Thánh cũng như trong truyền khẩu là con người có thể đến với Chúa: họ tự phụ mình biết Thiên Chúa, nhưng thực ra họ lìa xa Ngài.

Con đường Chúa Giêsu mạc khải để giúp con người đến với Thiên Chúa chính là Ngài, mà mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". Nếu cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, con người sẽ không gặp được Thiên Chúa, nhưng nếu để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, con người có thể đạt tới sự thông hiệp với Thiên Chúa và được cứu rỗi: "Lạy Cha, con chúc tụng Cha, vì điều Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mạc khải cho những người bé mọn".

Chúng ta cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc Âm, để cảm nếm và sống hòa hiệp với Thiên Chúa. Ðức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đến một con người cụ thể, một vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu. Một con người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái. Ðức tin là một hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả của sưu tầm trí thức của con người.

Thánh Têrêsa Avila, tuy không học hành nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách tốt đẹp, đến nỗi đã được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quý báu giúp mọi thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không có ý loại bỏ những bậc thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh những ai cậy dựa vào sự thông thái rằng họ sẽ không đến được với Chúa, không có đủ điều kiện để lãnh nhận mạc khải của Chúa. Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp có sự hòa hợp giữa thông thái và đức tin Kitô giáo. Thánh Tôma Tiến sĩ là một điển hình. Nói chung, thái độ khiêm tốn để Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.

Xin Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta để lắng nghe Lời Chúa với tâm hồn khiêm tốn, mến yêu. Xin cho chúng ta biết sống theo sự soi sáng của Thánh Thần để đến với Chúa và anh em.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Kinh Nghiệm Thiêng Liêng (Mt 11,25-27)

Con người có thể khước từ Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người, không bao giờ ngưng mời gọi con người trở về lãnh nhận ân sủng và sự thật Người ban cho nhưng không: "Hết thảy những ai mệt mỏi và vất vả hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ, ủi an". Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người, không phân biệt một ai, nhưng từ phiá con người, khi đáp lại lời mời gọi của Chúa, mỗi người chúng ta có thể có một trong hai thái độ: thái độ đơn sơ, khiêm tốn đón nhận Chúa để cho Ngài hướng dẫn dạy dỗ; hoặc ngược lại, thái độ tự cao của kẻ cho mình là khôn ngoan, không cần đến Thiên Chúa.

Những kẻ khôn ngoan thông thái mà Chúa Giêsu nhắm đến trong đoạn Tin Mừng trên đây là những người biệt phái tinh thông Lề Luật và lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo của dân Israel. Có thể nói, những kẻ khôn ngoan thông thái này đến với Chúa bằng con đường hiểu biết, nhất là sự thông thái Lề Luật Môsê. Họ nghĩ rằng chỉ cần am tường những Lề Luật của Môsê là họ có thể đến với Thiên Chúa. Họ ỷ lại vào sự hiểu biết và sự tự phụ cho mình biết rõ Thiên Chúa, nhưng thật ra, họ đang xa lìa Ngài.

"Lạy Cha, con chúc tụng Cha là Chúa trời đất, vì Cha đã giấu những điều đó ngoài những kẻ khôn ngoan thông thái, nhưng lại mạc khải cho chúng con, những kẻ bé mọn". Mỗi người chúng ta cần trở nên bé nhỏ đơn sơ theo tinh thần Phúc Âm để cảm mến và sống mầu nhiệm Thiên Chúa. Ðức tin Kitô hướng ta đến gặp một con người cụ thể, một vì Thiên Chúa chấp nhận đến với con người. Ðức tin Kitô không dựa trên những lý lẽ thần học cao siêu. Ðức tin là một hồng ân cần được khiêm tốn đón nhận hơn là kết quả của cuộc sống sưu tầm trí thức.

Thánh Têrêsa Avila tuy không được học hành nhiều nhưng có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa. Thánh nữ đã trình bày những kinh nghiệm thiêng liêng của mình cách tốt đẹp đến độ Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố thánh nữ là tiến sĩ của Giáo Hội, bởi vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quý báu giúp các thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, đoạn Tin Mừng hôm nay không có ý nói là Chúa Giêsu hoàn toàn loại bỏ những nhà thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh rằng những ai ỷ lại vào sự hiểu biết thông thái của mình, thì sẽ không đến được với Thiên Chúa. Không thiếu những trường hợp có sự hài hòa giữa sự thông thái và đức tin Kitô như thánh Thomaso thành Aquino. Trong mọi trường hợp, thái độ khiêm tốn chấp nhận để cho Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.

Lạy Chúa,

Xin thương mở rộng tâm hồn cho con được lắng nghe Lời Chúa với hết lòng khiêm tốn và biết ơn. Xin thương giúp con sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để đến với Chúa và anh chị em một cách dễ dàng và sâu xa hơn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 5: Đường Lối Cư Xử Của Chúa

Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết điều này, nhưng lại mắc khải cho những người bé mọn.” (Mt. 11, 25)

Không giống như mọi người

Thiên Chúa không hành động như phần đông người ta, không suy nghĩ như họ, không xét đoán theo cùng tiêu chuẩn như họ.

Đối với phần đông, quy luật chung vẫn là: “Mạnh được yếu thua.” Người giầu có nhiều cơ may thăng tiến, kẻ nghèo thì họa chăng mới được, người khôn ngoan thông thái được mọi người kính trọng, hạng thứ dân ít học vốn bị coi thường. Kẻ có tiền, có quyền giống như: “Miệng quan có gang có thép.” Kẻ trắng tay lý lẽ cũng không. Ai có địa vị, người ấy có quyền ăn quyền nói, kẻ thấp hèn lên tiếng chẳng ai nghe.

Nhưng đối với Chúa lại khác hẳn, kẻ làm đầu phải trở lên người rốt hết, người rốt hết sẽ lên kẻ đứng đầu. Người mạnh trở lên yếu, kẻ yếu được lên mạnh, những bậc khôn ngoan thông thái đã bị giấú không cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, trong khi những kẻ bé mọn lại được Chúa mặc khải cho những thực tại tuyệt vời ấy.

Lời tiên báo cho những kẻ bé mọn.

Khi thấy những người khôn ngoan thông thái bịt tai không nghe những lời giáo huấn của Chúa, còn những kẻ bé mọn lại dễ dàng tiếp nhận, Chúa Giêsu trong trạng thái hứng khởi, liền cất tiếng ngợi khen Cha.

Những kẻ bé mọn mà Phúc Âm nói đến ở đây, ta có thể gặp họ ở khắp nơi. Đó là những con người ít được học hành. Những người chẳng có địa vị cao trong xã hội, những người không thành đạt mấy trong cuộc đời, những người sống khiêm tốn. Họ có được sự nhạy bén để mở lòng ra đón nhận những sự thuộc về Chúa, một sự nhạy bén mà những người khác không có.

Nhưng những kẻ bé mọn của Phúc Âm cũng có thể là những người khôn ngoan và thông thái chân thật. Tuy nhiên không phải bất cứ người khôn ngoan thông thái nào cũng là chân thật cả. Mà chỉ có những ai không vênh vang kiêu hãnh về sự hiểu biết và khôn ngoan của mình mới là những người khôn ngoan thông thái chân thật. Chỉ có những người ấy mới có được tâm hồn của những kẻ bé mọn vậy.

J.Y.G

 

Suy Niệm 6: KHIÊM TỐN ĐỂ ĐÓN NHẬN MẶC KHẢI (Mt 11, 25-27)

Xem lại CN 24 TN A // lễ Thánh Tâm A //và lễ thánh Phan-xi-cô At-si-di ngày 4/10.

Để cảnh báo tác hại của rượu, một nhà khoa học đã làm một thí nghiệm trong một cuộc hội thảo. Ông bỏ mấy con sâu vào trong hai cái lọ: một lọ nước và một lọ rượu. Kết quả là sâu trong lọ rượu chết nhanh chóng, còn sâu trong lọ nước thì vẫn sống.

Tuy nhiên, trước kết quả đó, một thanh niên cuối phòng hội thảo giơ tay phát biểu: “Thưa mọi người, con sâu không sống được trong rượu, vì vậy, phải uống thật nhiều rượu để diệt trừ sâu trong người!”. Tuyên bố như thế là dại dột, thiếu hiểu biết. Nếu cứ uống rượu để diệt sâu thì có lẽ người chết trước khi sâu sinh thì!

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy: sự kiêu ngạo của con người khiến cho họ trở nên chai lỳ, cứng cỏi. Một khi họ đã đeo cặp kính râm, thì trước mắt họ mọi sự đều là màu đen hết!

Hôm nay, Đức Giêsu đã tạ ơn Chúa Cha vì Người không cho những người thông thái và khôn ngoan biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn.

Trong thực tế chúng ta vẫn thấy có nhiều người rất bình dân, học hành chẳng tới đâu, họ là những người khiêm tốn, nên đời sống đức tin của họ sâu xa và sống động! Ngược lại, những người tài giỏi, uyên thâm thì đức tin lại leo lét. Tại sao vậy? Thưa vì đức tin là một quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho những ai biết khiêm tốn đón nhận chứ không phải là kết quả của cuộc sưu tầm trí thức nơi con người.

Ơn cứu độ sẽ được dành cho những ai khiêm tốn và cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không đến được với những người kiêu căng, ngạo nghễ và cậy dựa thuần túy vào khoa học. Hạng người này, Thiên Chúa sẽ loại trừ, hay nói đúng hơn vì họ không chịu đón nhận tình thương và mạc khải của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con đức tin. Xin Chúa cho chúng con được trở nên đơn sơ để đức tin nơi chúng con ngày càng được lớn lên trong ân sủng của Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Những điều trên trời được mặc khải cho những kẻ bé mọn – SN song ngữ ngày 15.7.2020

 

Wednesday (July 15):  “Heavenly things revealed to infants”

Scripture:  Matthew 11:25-27

25 At that time Jesus declared, “I thank you, Father, Lord of heaven and earth, that you have hidden these things from the wise and understanding and revealed them to infants; 26 yes, Father, for such was your gracious will. 27 All things have been delivered to me by my Father, and no one knows the Son except the Father, and no one knows the Father except the Son and anyone to whom the Son chooses to reveal him.”

Thứ Tư  15-7          Những điều trên trời được mặc khải cho những kẻ bé mọn

 

Mt 11,25-27

25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

 

Meditation: 

Do you want to know the mind and thoughts of God? Jesus thanks the Father in heaven for revealing to his disciples the wisdom and knowledge of God. What does Jesus’ prayer tell us about God and about ourselves? First, it tells us that God is both Father and Lord of the earth as well as heaven. He is both Creator and Author of all that he has made, the first origin of everything and transcendent authority, and at the same time, he shows loving care and goodness toward all his children. All fatherhood and motherhood are derived from him (Ephesians 3:14-15).

 

Pride and inordinate love of self 

Jesus’ prayer also contains a warning that pride can keep us from the love and knowledge of God. What makes us ignorant and blind to the things of God? Certainly, intellectual pride, the coldness of heart, and stubbornness of will shut out God and his kingdom of peace, joy, and righteousness. Pride is the root of all vice and the strongest influence propelling us to sin. It first vanquishes the heart, making it cold and indifferent towards God. It also closes the mind to God’s truth and wisdom for our lives. What is pride? It is the inordinate love of oneself at the expense of others and the exaggerated estimation of one’s own learning and importance.

 

 

 

Simplicity of heart

Jesus contrasts intellectual pride with child-like simplicity and humility. The simple of heart are like “infants” in the sense that they see purely without pretence and acknowledge their dependence and trust in the one who is greater, wiser, and more trustworthy. They seek one thing – the “summum bonum” or “greatest good,” who is God himself. The simplicity of heart is wedded with humility, the queen of virtues because humility inclines the heart towards grace and truth. Just as pride is the root of every sin and evil, so humility is the only soil in which the grace of God can take root. It alone takes the right attitude before God and allows him, as God, to do all. God opposes the proud but gives grace to the humble (Proverbs 3:34, James 4:6). Only the humble in the heart can receive true wisdom and understanding of God and his ways. Do you submit to God’s word with simple trust and humility?

 

 

 

 

Jesus reveals the Father to us 

Jesus makes a claim which no one would have dared to make – he is the perfect revelation of God. One of the greatest truths of the Christian faith is that we can know the living God. Our knowledge of God is not simply limited to knowing something about God, but we can know God personally. The essence of Christianity, and what makes it distinct from Judaism and other religions, is the knowledge of God as our Father. Jesus makes it possible for each of us to personally know God as our Father. To see Jesus is to see what God is like.

 

In Jesus we see the perfect love of God – a God who cares intensely and who yearns over men and women, loving them to the point of laying down his life for them upon the Cross. Jesus is the perfect revelation of God – a God who loves us completely, unconditionally, and perfectly. Jesus also promises that God the Father will hear our prayers when we pray in his name. That is why Jesus taught his followers to pray with confidence, Our Father who art in heaven ..give us this day our daily bread.  Do you pray to your Father in heaven with joy and confidence in his love and care for you?

 

 

 

“Lord Jesus, give me the child-like simplicity and purity of faith to gaze upon your face with joy and confidence in your all-merciful love. Remove every doubt, fear, and proud thought which would hinder me from receiving your word with trust and humble submission.”

 

Suy niệm:

Bạn muốn biết tâm trí và những tư tưởng của Thiên Chúa không? Ðức Giêsu tạ ơn Cha trên trời về việc mặc khải cho các môn đệ sự khôn ngoan và hiểu biết của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của Ðức Giêsu nói với chúng ta điều gì về Thiên Chúa và về chúng ta? Trước hết, nó nói với chúng ta rằng Thiên Chúa vừa là Cha vừa là Chúa của trời và đất. Người là Đấng tạo hóa và là Tác giả của tất cả những gì Người đã dựng nên, là căn nguyên đầu tiên của mọi sự và uy quyền siêu việt, và đồng thời, sự quan phòng tốt lành và yêu thương dành cho tất cả con cái của Người. Tất cả tình cha con và mẹ con đều xuất phát từ Người (Ep 3,14-15).

Kiêu ngạo và yêu mình quá đáng 

Lời kinh của Ðức Giêsu cũng kèm theo lời cảnh báo rằng kiêu ngạo có thể ngăn chúng ta không yêu mến và hiểu biết về Thiên Chúa. Điều gì khiến chúng ta ra dốt nát và mù quáng với những gì của Thiên Chúa? Chắc chắn sự kiêu ngạo về trí tuệ, sự lạnh nhạt của tâm hồn, và sự bướng bỉnh của ý chí khép kín trước Thiên Chúa và vương quốc của Người. Kiêu ngạo là cội rễ của tất cả mọi tính hư nết xấu và là tác động mạnh mẽ nhất thúc đẩy chúng ta phạm tội. Trước hết, nó chế ngự tâm hồn, làm cho nó ra lạnh lùng và thờ ơ với Thiên Chúa. Nó cũng che lấp tâm trí trước sự thật và khôn ngoan của Thiên Chúa cho cuộc đời chúng ta. Kiêu ngạo là gì? Đó là sự tự ái quá đáng mà người khác phải trả giá, và sự đánh giá quá mức về kiến thức và sự quan trọng của mình.

Tâm hồn đơn sơ

Ðức Giêsu đối chiếu kiêu ngạo về trí óc với tính đơn sơ khiêm nhường như con trẻ. Tâm hồn đơn sơ giống như “những trẻ thơ” với ý nghĩa là chúng nhìn mọi sự một cách đơn sơ, không giả bộ và biết sự lệ thuộc của mình và tin tưởng vào người lớn hơn, khôn ngoan hơn, và đáng tin cậy hơn. Chúng chỉ tìm kiếm một điều – “lợi ích lớn nhất” là chính Thiên Chúa. Tính đơn sơ của tâm hồn được gắn kết với đức khiêm nhường, nữ hoàng của mọi nhân đức, bởi vì khiêm nhường lôi kéo tâm hồn hướng về ơn sủng và sự thật. Giống như kiêu ngạo là gốc rễ của mọi tội lỗi và xấu xa, chúng ta có thể cưu mang, thì khiêm nhường là mảnh đất duy nhất trong đó ơn sủng của Thiên Chúa có thể đâm rễ. Chỉ có nó mới có thái độ đúng đắn trước nhan Thiên Chúa và cho phép Người, với tư cách là Thiên Chúa, làm tất cả mọi sự. Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường (Cn 3,34; Gc 4,6). Chỉ có những ai khiêm nhường trong lòng mới có thể đón nhận sự khôn ngoan và hiểu biết đích thật về Thiên Chúa và những đường lối Người. Bạn có vâng phục lời TC với lòng tin tưởng và khiêm tốn đơn sơ không?

Đức Giêsu mặc khải Cha cho chúng ta

Ðức Giêsu đưa ra lời tuyên bố mà không ai dám làm: Người chính là mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa. Một trong những chân lý lớn nhất của niềm tin Kitô giáo là chúng ta có thể hiểu biết Thiên Chúa hằng sống. Sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa không chỉ đơn giản giới hạn để biết điều gì đó về Thiên Chúa, nhưng chúng ta có thể hiểu biết chính Thiên Chúa. Bản chất của Kitô giáo, và những gì làm cho nó khác với đạo Dothái và những tôn giáo khác, là sự nhận biết Thiên Chúa là Cha chúng ta. Ðức Giêsu cho phép chính mỗi người chúng ta được biết Thiên Chúa là Cha của mình. Xem thấy Ðức Giêsu là xem thấy Thiên Chúa ra sao.

Nơi Ðức Giêsu, chúng ta nhìn thấy tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa – một Thiên Chúa quan tâm săn sóc và yêu thương mọi người nam nữ, yêu thương họ đến nỗi hiến mạng sống mình vì họ trên thập giá. Ðức Giêsu là sự mặc khải của Thiên Chúa – một Thiên Chúa yêu thương chúng ta trọn vẹn, không điều kiện, và hoàn hảo. Ðức Giêsu cũng hứa rằng Chúa Cha sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta, khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Người. Đó là lý do tại sao Ðức Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện với lòng tin cậy: Lạy Cha chúng con ở trên trời… xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Bạn có cầu nguyện cùng Cha trên trời với niềm vui và tin tưởng trong tình yêu và sự quan tâm của Người dành cho bạn không?

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con đức tin đơn sơ và lòng trong sạch như trẻ thơ, để chiêm ngắm thánh nhan Chúa với lòng hân hoan và tin tưởng trong tình yêu khoan dung của Chúa. Xin cất khỏi lòng con mọi nghi ngờ, sợ hãi, và tư tưởng kiêu căng có thể ngăn cản con không đón nhận lời Chúa với sự vâng phục phó thác và khiêm nhu.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây