Thứ Tư tuần 5 thường niên.

Thứ ba - 11/02/2020 06:59

 Thứ Tư tuần 5 thường niên.

"Những gì từ con người ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế".

 

Lời Chúa: Mc 7,14-23

Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: "Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".

Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy.

Người liền bảo các ông: "Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra". Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch.

Người lại phán: "Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho ngươì ta ô uế".

 

 

Suy Niệm 1: Từ trái tim con người

Suy niệm :

Sách Lêvi chương 11 nói đến một số cấm kỵ về ăn uống dành cho người Do thái.

Chỉ được ăn những con vật vừa có móng chẻ hai, vừa nhai lại.

Bởi đó không được ăn thịt lạc đà, thỏ, heo (Lv 11, 3-8).

Chỉ được ăn những con vật ở dưới nước nếu chúng có vây và có vẩy.

Chỉ được ăn các côn trùng có cánh đi bằng bốn chân,

nếu chúng có thêm càng để nhảy trên đất.

Bởi đó được ăn dế, châu chấu, cào cào (Lv 11, 20-23).

Nếu ai ăn những thức ăn bị cấm, người đó sẽ trở nên ô uế,

không được tham dự những nghi lễ ở nơi thờ tự.

Chúng ta không quên chuyện bảy anh em bị vua Antiôkhô ép ăn thịt heo,

và họ đã chấp nhận cái chết hơn là vi phạm luật Chúa (2 Mcb 7).

Ngày nay chúng ta ngạc nhiên về chuyện cấm đoán này,

nhưng vấn đề ăn uống đã từng là chuyện nóng bỏng trong Giáo Hội sơ khai.

Một câu hỏi đã khiến Giáo Hội phải suy nghĩ:

Sau khi trở nên Kitô hữu, dân ngoại có phải giữ những cấm kỵ trên không?

Công đồng đầu tiên chỉ cấm họ không được ăn huyết và thú chết ngạt (Cv 15, 20).

Lập trường của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay rất khác thường.

Ngài nói một nguyên tắc có vẻ như đi ngược với sách Lêvi:

“Không có gì từ ngoài vào trong con người, lại có thể làm nó ra ô uế” (c.15),

“Mọi thứ từ bên ngoài vào trong con người không thể làm nó ra ô uế” (c. 18).

Đối với Đức Giêsu, chính cái xấu xa từ bên trong, từ trái tim con người,

cái ấy mới làm cho con người nên ô uế. (cc. 15, 20, 23).

Con người hôm nay dễ mắc bệnh tim mạch.

Trái tim, một cơ quan nhỏ bé nằm ở bên trái lồng ngực,

thường bị căng thẳng và quá tải, dẫn đến đột quỵ.

Đức Giêsu mời chúng ta đi vào trái tim mình (c.21),

khám phá ra thế giới tối tăm ẩn khuất của nó.

Chúng ta có thể ngỡ ngàng khi thấy ở đó không có tình yêu bác ái vị tha,

mà chỉ có những tình cảm hỗn độn của lòng vị kỷ (cc. 21-22).

Đức Giêsu mời chúng ta nhận ra

những cái ô uế từ ngoài đi vào bên trong trái tim (c. 19),

và những ý định ô uế từ trong trái tim xuất ra ngoài.

Những ý định này có thể biến thành hành động hết sức nguy hiểm.

Vấn đề không phải là khám tim định kỳ hay khi thấy đau ngực.

Vấn đề là thanh lọc trái tim khỏi những đam mê tội lỗi

đang làm nó bị hư hỏng từ bên trong.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin dẫn con vào nhà của con,

căn nhà của trái tim,

căn nhà vừa quen vừa lạ.

Xin hãy cho con thấy

những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,

những mâu thuẫn và vô lý nơi con.

Xin hãy cho con thấy

những nhỏ mọn, ích kỷ,

những yếu đuối, khô khan,

những cứng cỏi và tự ái nơi con.

Xin cho con ý thức

những lo âu, sợ hãi

đang đè nặng làm con ngột ngạt,

những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,

những vết thương không biết bao giờ lành,

những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.

Lạy Chúa Giêsu,

xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.

Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,

hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,

bằng trái tim bao dung của Chúa.

Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,

trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn

để yêu mến mọi người. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Vấn đề sạch dơ

Khi bàn về chế độ ăn uống của các dân tộc và của cá nhân, những nhà văn hóa xã hội phải thú nhận không thể đưa ra một tiêu chuẩn chung để qui định đâu là thức ăn ngon, đâu là thức ăn dở, đâu là thức ăn sạch sẽ bổ dưỡng, đâu là cái bẩn thỉu và độc hại. Bởi vì, đối với dân tộc này, món óc khỉ chẳng hạn là một món ăn bổ dưỡng và sang trọng, nhưng đối với dân tộc khác, đó là một thức ăn của người còn mang nặng thú tính, chưa có nhân tính thuần thục. Người Do thái ngày xưa cũng tự qui định cho mình một số thức ăn được phép và một số thức ăn không được phép. Còn thái độ của Chúa Giêsu đối với vấn đề này như thế nào?

Trước hết, phải nhìn nhận rằng cả Chúa Giêsu lẫn người Do thái đều không đứng trên bình diện sinh học để cứu xét thức ăn sạch hay dơ, tốt hay xấu, nhưng cả hai phê phán giá trị thức ăn theo quan điểm luân lý. Người Do thái qui định một số thức ăn không được phép dùng, ban đầu có thể là do yếu tố vệ sinh, y học, nhưng về sau họ đánh giá theo một góc độ khác. Chẳng hạn người Do thái không ăn máu và những thú vật bị chết ngạt, vì họ cho rằng máu tượng trưng cho sự sống, mà sự sống là độc quyền của Thiên Chúa, do đó con người không được phép đụng tới. Quan niệm này tiếp tục tồn tại trong Giáo Hội Kitô tiên khởi và các tín hữu gốc ngoại giáo được yêu cầu nhượng bộ các Kitô hữu gốc Do thái ở điểm này.

Thắc mắc của các môn đệ và giải đáp của Chúa Giêsu được tác giả Marcô ghi lại ở đây, có lẽ phản ánh bầu khí tranh luận của Giáo Hội tiên khởi lúc ấy và hướng giải quyết vấn đề mà Giáo Hội dần dần phải theo, đó là mọi thức ăn đều thanh sạch; điều quan trọng hơn chính là tâm hồn con người, bởi vì thức ăn sạch, chén đĩa sạch, tay chân sạch có ích gì cho việc mưu cầu ơn cứu độ, nếu con người còn có tâm hồn lừa dối Thiên Chúa và phỉnh gạt người khác.

Có một lần Phêrô đã phản ứng như mọi người Do thái. Trong một thị kiến, Phêrô được lệnh phải giết và ăn các thú vật nằm trên tấm khăn lớn từ trời buông xuống, nhưng Phêrô lập tức từ chối vì cho đó là thức ăn dơ. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã sửa sai quan niệm của ông: những gì Thiên Chúa tuyên bố là thanh sạch, thì con người chớ gọi là ô uế. Thật ra, thị kiến này chỉ có ý nghĩa tượng trưng: Phêrô được lệnh phải tiếp đón lương dân vào Giáo Hội, những người mà Do thái giáo cho là nhơ uế. Như vậy, khi trả lời cho câu hỏi về vấn đề sạch, dơ ở đây, Chúa Giêsu muốn nói rằng người ta không thể đánh giá người khác dựa trên mầu da, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, giai cấp, vì tất cả những điều ấy chỉ là những hình thức phụ thuộc; mỗi người sẽ bị Thiên Chúa đánh giá dựa vào tâm địa tốt hay xấu của mình và những hành vi xuất tự tâm địa ấy.

Từ chỗ không kỳ thị về các sự vật, Kitô giáo tiến tới chỗ không kỳ thị về con người. Bằng chứng là trong giáo lý Công giáo hiện nay, không hề có dị ứng trước các thực tế của nhân loại, cũng không đặt bảng phân loại con người để tiếp nhận và Giáo Hội hay lập thang giá trị để đáng giá các phần tử trong Giáo Hội. Trái lại Kitô giáo mang tinh thần đại đồng và phổ quát, xứng đáng được gọi là đạo Công Giáo.

Xin cho chúng ta là những người mang danh hiệu Kitô, không bao giờ có óc kỳ thị đối với các thực tại cuộc sống cũng như đối với nhau.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Xấu bẩn tự lòng mình

Sau đó Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu rõ cho: không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ trong con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc. 7, 14-15)

Cái gì là dơ bẩn, là cái xấu ở ngoài bản thân ta, ta dễ có một nhận định khách quan và vô tư. Tuy nhiên, nhận định “từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu”, có lẽ ta không dễ vô tư hơn chuyện đả kích những tạp chí, phim ảnh và quảng cáo xấu đâu.

Đâu là cái xấu ẩn ngay trong lòng ta? Bảng liệt kê những cái xấu được Phúc âm hôm nay kể ra không soi sáng chúng ta bao nhiêu. Nó cũng chỉ kê ra sự việc. Thật quá dễ dàng và nguy hiểm.

Lòng dơ bẩn không chỉ là cái chúng ta hiểu là sự dơ bẩn, sự không thanh sạch mà thôi.Tất cả những gì khiến ta đi ngược, chống lại tình yêu đều là dơ bẩn. Xấu bẩn tự lòng ta, có nghĩa là, tất cả những tâm tình đi ngược lại với tâm tình của Chúa, tiếng nói nào bảo ta đó là tám mối phúc mà chủ trương ngược lại, hạnh phúc nào ta đang theo đuổi mà lại ngược chiều với hạnh phúc Chúa ban, thì tất cả đều là dơ bẩn.

Con người Chúa hiền lành và khiêm tốn. Nơi Người không chất chứa điều nham hiểm, ghen tương hay độc ác. Tâm hồn Chúa là biển cả mênh mang ngập tràn an bình thanh thản. Là tinh yêu vô biên không ngừng trao ban và dâng hiến, có khả năng tái tạo lại con người của ta.

Còn trái tim tội nghiệp của ta, nếu có thể tích lũy những điều ghê tởm, chính bởi tại tim ta hằng miệt mài kiếm tìm hạnh phúc và sự thập toàn. Không người và vật nào có thể lấp đầy khát vọng của lòng ta: hoặc là tâm ta từ chối, hoặc là chính người hay sự vật ấy khước từ ta.Đó là một tâm hồn không bao giờ thỏa mãn, chẳng lấy chi làm đủ nên đam ra dồ dại. Con người thường có bệnh “đau tim” rất nặng, thế mà lại chẳng có ai ở gần. Không có ai ở bên, không có lấy cả một hành động dịu hiền. Mà chỉ có trơ trọi một mình.

Lạy Chúa, xin cho phép chúng con được chiêm ngắm trái tim Chúa, được nhận ra vực thẳm vô biên vốn làm chúng con xa cách Chúa, và nỗi khát vọng cháy bỏng mà chỉ minh Chúa mới làm cho chúng con được thỏa mãn mà thôi.

 

Suy Niệm 4: SỐNG ĐẠO THẬT TÂM (Mc 7, 14 – 23)

Ở đời người ta hay nói: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; hay: “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho tường. Lòng người thăm thẳm mù khơi, không bờ không bến biết nơi nào dò”.

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu tuyên bố một sự thật, đó là: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 15).

Thật vậy, chính tận sâu thẳm cõi lòng, người ta mới thấy được cội rễ của sự thiện hay ác!

Khi nói về điều xấu xa xuất phát từ cõi lòng, Kinh Thánh kể ra 12 thứ tội được coi là khởi đi từ trong tâm con người: dâm bôn, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, giảo quyệt, phóng đãng, ghen bì, gièm pha, kiêu hãnh, bất lương.

Thật vậy, tâm của những người Pharisêu chính là tâm ác gian tà, vì thế họ luôn đối đầu với Đức Giêsu. Sự đối đầu của họ với Ngài chính là cuộc đối đầu về: lòng đạo đức đích thực và thái độ giả hình; giữa lương tâm và vụ hình thức; giữa công bằng và bất công; giữa lòng bác ái và sự ích kỷ.

Đức Giêsu thì coi trọng tình huynh đệ, người Pharisêu thì coi trọng hình thức; Đức Giêsu thì nhấn mạnh và tập trung vào chiều sâu nội tâm, trong khi họ lại coi trọng bề ngoài không khác gì cái máy! Đức Giêsu thì coi trọng con người, đặt con người vào trung tâm sứ vụ, còn những người Pharisêu thì coi trọng luật lệ, hình thức, đến nỗi khiến họ trở thành nô lệ cho luật.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết xác định nguyên nhân gây nên điều xấu là cõi lòng, ý hướng từ bên trong; đồng thời biết tập trung vào việc cốt lõi của Đạo Thánh chính là tình yêu thương. Không có tình yêu thương chủ đạo, chúng ta không thể gặp được Thiên Chúa là tình yêu, và gặp được con người là trung tâm của Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một tâm hồn thánh thiện, đạo đức, để từ nơi đó phát xuất ra tình yêu thương chân thành. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Các tư tưởng xấu đều nảy sinh từ trong lòng – SN Song Ngữ ngày 12.02.2020

 

Wednesday (February 12):  “Out of the heart come evil thoughts”

Scripture:  Mark 7:14-23

14 And he called the people to him again, and said to them, “Hear me, all of  you, and understand: 15 there is nothing outside a man which by going into him can defile him; but the things which come out of a man are what defile him.” 17 And when he had entered the house, and left the people, his disciples asked him about the parable. 18 And he said to them, “Then are you also without understanding? Do you not see that whatever goes into a man from outside cannot defile him, 19 since it enters, not his heart but his stomach, and so passes on?” (Thus he declared all foods clean.) 20 And he said, “What comes out of a man is what defiles a man. 21 For from within, out of the heart of man, come evil thoughts, fornication, theft, murder, adultery, 22 coveting, wickedness, deceit, licentiousness, envy, slander, pride, foolishness. 23 All these evil things come from within, and they defile a man.”

Thứ Tư     12-2        Các tư tưởng xấu đều nảy sinh từ trong lòng

 

Mc 7,14-23

14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ:15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.16 Ai có tai nghe thì nghe! “17 Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy.18 Người nói với các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế,19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài? ” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch.20 Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người,22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

Meditation: 

Where does evil come from and how can we eliminate it from our personal lives? Jesus deals with this issue in response to the religious leaders’ concern with ritual defilement (uncleanness) – making oneself unfit to offer acceptable worship and sacrifice to God. The religious leaders were very concerned with avoiding ritual defilement, some no doubt out of reverent fear of God, and others because they wanted to be seen as observant Jews. Jesus points his listeners to the source of true defilement – evil desires which come from inside a person’s innermost being. Sin does not just happen from external forces. It first springs from the innermost recesses of our thoughts and intentions, from the secret desires which only the individual mind and heart can conceive.

God gives us his strength to resist sinful thoughts and desires

When Cain became jealous of his brother Abel, God warned him to guard his own heart: “Sin is couching at the door; it’s desire is for you, but you must master it” (Genesis 4:7). Cain unfortunately did not take God’s warning to heart. He allowed his jealousy to grow into spite and hatred for his brother, and he began to look for an opportunity to eliminate his brother all together. When jealously and other sinful desires come knocking at the door of your heart, how do you respond? Do you entertain them and allow them to overtake you? Fortunately God does not leave us alone in our struggle with hurtful desires and sinful tendencies. He gives us the grace and strength we need to resist and overcome sin when it couches at the door of our heart.

God’s word has power to set us free to chose what is good and reject what is wrong

The Lord Jesus wants to set us free from the burden of guilt and from the destructive force of sin and wrong-doing in our personal lives. He wants to purify our hearts and renew our minds so we can freely choose to love and do what is right, good, just, and wise. The Lord Jesus is ready to change and purify our hearts through the grace and help of the Holy Spirit who dwells within us. Like a physician who probes the wound before treating it, God through his Word and Spirit first brings sin into the light that we may recognize it for what it truly is and call upon his mercy and grace for pardon, healing, and restoration. The Spirit of truth is our Counselor and Helper. His power and grace enables us to choose what is good and to reject what is evil. Do you believe in the power of God’s love to heal, change, and transform your heart and mind?

“Lord Jesus, fill me with your Holy Spirit and make my heart like yours. Strengthen my heart, mind, and my will that I may freely choose to love what is good and to reject what is evil.”

Suy niệm:

Điều xấu đến từ đâu, và chúng ta có thể loại trừ nó khỏi đời sống riêng tư của mình không? Đức Giêsu giải quyết vấn đề này trong câu trả lời câu hỏi của những nhà lãnh đạo tôn giáo về sự ô uế theo nghi thức – làm cho mình bất xứng để tôn thờ và tế lễ cho Thiên Chúa. Những nhà lãnh đạo tôn giáo rất quan tâm tránh xa sự ô uế theo nghi thức, một số rõ ràng do lòng kính sợ Chúa, một số bởi vì họ muốn được người ta biết mình là người Dothái tuân giữ lề luật. Đức Giêsu đưa các thính giả của mình đến nguồn gốc của sự ô uế – những ước muốn xấu xa đến từ bên trong thâm tâm của con người. Tội lỗi không chỉ xảy ra từ những sức mạnh bên ngoài. Trước hết, nó nảy sinh từ những tư tưởng và ý định sâu kín tận bên trong, từ những ước muốn thầm kín mà chỉ có tâm trí người đó mới có thể cưu mang.

 

TC ban cho chúng ta sức mạnh để chống lại những tư tưởng và ước muốn tội lỗi

Khi Cain ghen tị với em mình là Abel, Thiên Chúa đã cảnh báo hắn coi chừng lòng mình: “Tội đang rình ở cửa nhà ngươi. Nó thèm muốn ngươi, nhưng ngươi phải làm chủ nó” (St 4,7). Thật không may, Cain đã không nghe lời cảnh báo của Thiên Chúa. Hắn để cho sự ghen tức của mình lớn lên trong sự thù ghét người em mình, và hắn bắt đầu tìm dịp để loại trừ người em. Khi sự ghen tị và những ước muốn tội lỗi đến gõ cửa tâm hồn bạn, bạn phản ứng thế nào? Bạn có tận hưởng nó và để nó chiếm hữu bạn không? Thật may mắn, Thiên Chúa không để chúng ta một mình trong cuộc chiến đấu với những ước muốn nguy hại và những xu hướng tội lỗi. Người ban cho chúng ta ơn sủng và sức mạnh cần thiết để chống trả và chế ngự tội lỗi khi nó đến cửa tâm hồn chúng ta.

Lời Chúa  có sức mạnh để giúp chúng ta tự do chọn lựa điều tốt và loại trừ điều xấu

Chúa muốn giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng tội lỗi và khỏi sức phá hủy của tội lỗi trong đời sống riêng tư của mình. Người muốn thanh tẩy tâm hồn và đổi mới lòng trí chúng ta, để chúng ta có thể yêu mến và hành động trong mọi tình huống như Người sẽ yêu mến và hành động. Thiên Chúa luôn sẵn sàng biến đổi và thanh tẩy tâm hồn chúng ta qua ơn sủng và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong chúng ta. Như một lương y khám xét vết thương trước khi chữa trị nó, Thiên Chúa qua Lời và Thần Khí trước hết chiếu soi vào tình trạng tội lỗi của chúng ta để chúng ta có thể nhận ra tội lỗi thật sự là gì và cầu xin lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thần chân lý là Đấng an ủi và Trợ giúp của chúng ta. Quyền năng và ơn sủng của Người giúp chúng ta chọn lựa những gì là tốt lành và chống lại những gì là xấu xa. Bạn có tin tưởng vào sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa để biến đổi và thánh hóa tâm hồn của bạn không?

Lạy Chúa Giêsu, xin đổ đầy trên con Thánh Thần của Chúa, và biến đổi trái tim con nên giống trái tim Chúa. Xin Chúa ban sức mạnh cho linh hồn và tâm trí con để con có thể quyết tâm yêu mến những gì là tốt lành, và loại bỏ những gì là xấu xa tội lỗi.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

SUY NIỆM:

1. « Các môn đệ hỏi Người »

Khi nghe Đức Giê-su giảng dạy, và nhất là khi Ngài giảng bằng các dụ ngôn, không chỉ đám đông không hiểu, nhưng cả các môn đệ nữa:

Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà,
các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy
(c. 17 ; x. Mc 4, 10).

Cũng giống như chúng ta hôm nay, chúng ta nghe Lời Chúa mỗi ngày, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu, thậm chí có những lúc chúng ta cũng chẳng chú ý lắng nghe. Chính vì thế, Đức Giê-su hay kết thúc bài giảng bằng câu nói này : « Ai có tai để nghe, thì hãy nghe ! » Vậy, xin Thánh Thần làm cho đôi tai của chúng ta biết nghe Lời Chúa.

Các môn đệ không hiểu, nhưng thay vì bỏ qua hay bỏ đi, các môn đệ theo Đức Giê-su về nhà và hỏi Ngài về các dụ ngôn trong bầu khí thân mật. Đúng là Đức Giê-su có trách các môn đệ:

Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao?
Anh em không hiểu sao? (c. 18)

Nhưng Ngài vẫn luôn kiên nhẫn giải thích (x. Mc 4, 13-20). Vì thế, trong việc lắng Lời Chúa, và nhất là khi cầu nguyện với Lời Chúa, chúng ta cũng cần kiên nhẫn lưu lại với Chúa để nghe Ngài giải thích. Và Lời Chúa, khi được hiểu, sẽ giải thoát chúng ta khỏi những khuynh hướng lệch lạc, những hình ảnh sai lầm về Chúa, về mình và về người khác, khỏi chính sự dữ và mang lại kết quả gấp trăm, như Người đã nói : “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13, 23).

2. Ơn huệ lương thực

Thật vậy, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay giải thoát chúng ta khỏi quan niệm lệch lạc về lương thực, đó là coi khinh lương thực, nhìn lương thực như một thứ cám dỗ, như dịp tội, hay như cạm bẫy. Vì thế, để đền tội hay trở nên thánh thiện, phải ăn chay, nhịn ăn nhịn uống[1]. Tuy nhiên, Đức Giê-su tuyên bố:

Mọi thức ăn đều thanh sạch.

Mọi thức ăn đều thanh sạch, bởi vì đó là ơn huệ Thiên Chúa ban từ thuở tạo thiên lập địa, như các trình thuật sáng tạo mạc khải (x. St 1 và 2), nhất là Thánh Vịnh 136:

Chúa ban lương thực cho tất cả chúng sinh.
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. 
(Tv 136, 25)

Và ơn huệ lương thực nhắc nhớ những ơn huệ khác : trời đất, sự sống muôn loài, sự sống con người… Thật vậy, trong trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày”, hành động ban lương thực của Thiên Chúa, là điểm tới, là mục đích, hay ít nhất là hành động cuối cùng trong quá trình sáng tạo, vì thế sau đó, Thiên Chúa nói: “Rất tốt đẹp” (c. 31). Có thể nói, Thiên Chúa dựng nên muôn loài và con người là để “cho ăn”! Nghĩa là để làm cho sống. Và trong ơn huệ sự sống, đã chất chứa lời hứa trao ban sự sống, sự sống dồi dào rồi, “sự sống dồi dào”, không phải là sự sống “ăn no mặc ấm” và “êm trôi êm trôi”, nhưng là sự sống mạnh hơn sự chết. Đức Ki-tô đến để làm rõ và thực hiện lời hứa này (x. Ga 10, 10).

Chúng ta hãy dành nhiều thời giờ để suy niệm, chiêm ngắm và cảm nếm ơn huệ lương thực. Của ăn của uống hằng ngày, nhất là các bữa ăn: chúng ta có đón nhận như ơn huệ của Thiên Chúa không? Và qua ơn huệ lương thực, chúng ta có đón nhận sự sống mỗi ngày ở mức độ căn bản nhất như là hồng ân, như lời diễn tả tình yêu và lòng bao dung của Chúa không, để cho mỗi ngày sống của chúng ta trở thành lời tạ ơn và ca tụng Chúa? Như lời mở đầu Giờ Kinh Sáng (trích Tv 51, 17), mời gọi:

Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Người.

Và Bánh Thánh Thể chính là điểm tới của ơn huệ lương thực, được Thiên Chúa ban cho loài người từ thuở tạo thiên địa và được hiện tại hóa mỗi ngày; bởi lẽ khi chúng ta cầu nguyện: “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày” trong kinh Lạy Cha, Chúa không chỉ ban cho chúng ta lương thực làm cho chúng ta sống mỗi ngày, nhưng còn ban Lương Thực mang lại sự sống đích thực hôm nay và mãi mãi: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).

Lương thực chỉ trở nên cạm bẫy, khi chúng ta sử dụng như những sự vật nhằm thỏa mãn nhu cầu và lòng ham muốn; và lòng ham muốn thì không cùng, không cần tương quan tình thương và mù quáng với tương quan tình thương.

3. Giải thoát khỏi lòng ham muốn

Chính tình yêu Thiên Chúa, tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, nhất là tình yêu đến cùng của Người được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, và tình yêu đến cùng chúng ta ước ao dành cho Chúa, chứ không thể là bất cứ điều gì khác, giúp mỗi người chúng ta giữ được lệnh truyền, nghĩa là làm chủ được lòng ham muốn. Bởi vì, theo thánh Phao-lô, lệnh truyền đặc trưng là « ngươi không được ham muốn » (Rm 7, 7).

Thế mà, ham muốn chính là đặc điểm của thú tính và là nguồn phát sinh ra mọi ý định xấu, như Đức Giê-su kể ra trong bài Tin Mừng : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.

Chính việc ghi nhớ ơn huệ sẽ làm phát sinh nơi con tim của chúng ta tình yêu và lòng ước ao đáp trả trong tâm tình tạ ơn, ca tụng và dâng hiến (x. Tv 104 và Tv 139).

Suốt cuộc đời tôi sẽ ca tụng Chúa,
sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi. 
(Tv 104, 33)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

…………………………………………………………………

[1] Một Cha Giáo nói với các tập sinh: “Các anh cứ tưởng là khi ăn chay, các anh sẽ thánh thiện hơn; nhưng thật ra các anh chỉ gầy đi hơn thôi!”

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây