GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Linh hồn thai nhi ở đâu?

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm Việt Nam có 300 – 350 nghìn ca phá thai, trong đó cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi từ 15-49 có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn (theo thống kê KHHGĐ – Bộ Y tế 2020). Một thực tế đáng báo động là Việt Nam đang xếp hàng đầu trong khu vực và thứ 5 trên thế giới về tỉ lệ nạo phá thai.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm Việt Nam có 300 – 350 nghìn ca phá thai, trong đó cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi từ 15-49 có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn (theo thống kê KHHGĐ – Bộ Y tế 2020). Một thực tế đáng báo động là Việt Nam đang xếp hàng đầu trong khu vực và thứ 5 trên thế giới về tỉ lệ nạo phá thai.

Gần một năm trên thế giới, đại dịch COVID-19 có 47.580.602 mắc bệnh và 1.215.106 tử vong (thông tin cập nhật của WORLDOMETER, ngày 03 .11. 2020). Còn nạo phá thai hàng năm có khoảng 56 triệu thai nhi trên thế giới bị giết, gấp 56 lần dịch COVID-19.

Như vậy với hơn 56 triệu linh hồn thai nhi, nếu tính ngoài thống kê và chết tự nhiên do bệnh tật nữa thì hàng trăm triệu linh hồn thai nhi chết mỗi năm đang ở đâu?

Vì vậy ngày nay nhiều người nghĩ rằng cần xin lễ cầu cho các linh hồn thai nhi. Như vậy có đúng không?

Có tác giả “đao to búa lớn” lý giải (mà chẳng lý giải), nào là “Cứu Độ Học” rồi “Giáo Hội Học”, đến “Cánh Chung Học”, còn nại vào “Thần Học thần bí”… Rồi kết luận suy diễn chủ quan: “việc cầu nguyện, hy sinh của chúng ta, cùng với việc xin lễ cho các LINH HỒN THAI NHI là điều rất nên làm. Bạn cứ làm hết lòng những gì có thể để giúp các linh hồn ấy, cũng như bạn đang sống hiệp thông với Hội Thánh Thanh Luyện (Luyện ngục) và Lữ Hành này”. Không thấy tác giả dựa vào Đức tin và giáo lý về đời sau của Giáo hội, cũng như Thánh truyền.

Có tác giả còn suy đoán cảm tính hơn nữa, cho rằng các thai nhi (trong trường hợp bị phá thai) cũng phạm tội vì “em có thể nhận biết rằng cha mẹ và những người khác đang muốn loại trừ em, tiêu diệt em và em bất lực trước hành động tàn ác của họ. Em đau buồn, sợ hãi và có thể oán hận họ”, do đó cần xin lễ cầu nguyện cho LINH HỒN THAI NHI.

Như người Kytô hữu, ai cũng được học về cánh chung (bốn sự sau), đời sau của các linh hồn, một là trên Thiên Đàng, hai là dưới Hỏa Ngục. Những người còn vướng mắc do TỘI RIÊNG khi còn sống, trước khi về Thiên đàng còn phải thanh luyện cho thanh sạch, gọi là luyện tội (GH thanh luyện). Những linh hồn này, trong “Mầu Nhiệm Các Thánh Thông Công”, người còn sống hy sinh, cầu nguyện và xin lễ cho các ngài mau được hưởng Nhan Thánh Chúa. Những linh hồn trong luyện tội sống trong tình yêu Chúa, nên họ rất vui mừng được đền tội, họ được nung nấu, đau khổ do khát khao được hưởng Nhan Thánh Chúa trong lửa yêu mến, như người dơ bẩn cần cọ rửa sạch sẽ để xứng đáng vào dự tiệc cưới, chứ không phải họ bị nhốt tù như thế gian (tinh thần họ tự do, tự nguyện) rên xiết đau đớn trong lò than lửa như hình vẽ do con người tưởng tượng ra. Các ngài không thể lập công cho chính mình được, nhưng có thể cầu nguyện cho người còn sống trên trần gian.

Riêng các thai nhi chết trong lòng mẹ hoặc bị giết (pha thai), họ chỉ nhiễm tội Tổ Tông, chứ không hề có tội riêng, nên không thể ở luyện tội. Điều này Giáo hội chỉ trông cậy vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa và ơn Cứu Độ Phổ Quát của Đức Kitô, chứ không đưa ra một phán quyết nào. Cũng như Kinh Thánh nhấn mạnh đến lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa (Tv 136; 145, 8-9; Ep 2, 4-5), còn trong Tin Mừng, Chúa Giêsu ưu ái mời gọi tất cả trẻ em đến với Người (x. Mt 19, 14; Mc 10, 14; Lc 18, 16). Một số thần học gia, kể cả thánh Tôma Aquinô, đã đưa ra lý thuyết về LÂM BÔ (ngục tổ tông) như là một nơi chốn, tình trạng cho những trẻ em đó nằm giữa vương quốc của Thiên Chúa và kiếp bị trầm luân. Nhưng ý kiến thần học này chỉ là một suy đoán và giả thuyết thần học, nó chưa bao giờ là chân lý Đức tin được Hội Thánh xác nhận, nghĩa là chưa bao giờ thuộc về đạo lý chính thức của Hội Thánh.

Vì vậy Giáo lý Công giáo viết: “Về phần các trẻ em chết mà chưa được rửa tội, Hội Thánh chỉ còn biết trao phó các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa từ bi, như Hội Thánh đã làm trong nghi lễ an táng dành cho các em. Thực vậy, Thiên Chúa giàu lòng thương xót muốn mọi người được cứu rỗi (x. 1Tm 2,4) và Chúa Giêsu đã trìu mến các em nên đã nói: “Hãy để trẻ em đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng” (Mc 10,14). Vì thế, chúng ta hy vọng có một con đường cứu độ dành cho những trẻ em chết mà chưa được rửa tội”. (GLCG 1261). Cậy dựa vào Tình Yêu và Lòng Chúa Thương Xót, cũng như Ơn Cứu Độ Phổ Quát của Đức Kitô, tín hữu có quyền hy vọng rằng, các thai nhi bị giết là do tội ác của con người, giống như các thánh Anh Hài bị giết bởi cái ác của Hêrôđê, nên linh hồn các thai nhi cũng được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Như vậy xin lễ cầu nguyện cho các THAI NHI là sai với Đức tin và Giáo lý Công giáo dạy, nhưng nhiều người lại cho rằng Chúa biết hết, xin cho chắc ăn, chẳng đi đâu mà thiệt. Đây là sự tùy tiện tai hại cho Đức tin của Kytô hữu, bởi chính đức tin, cái sự tin mới quan trọng và cần thiết cho sự cứu rỗi của tâm linh trong đời sống đạo. Ơn cứu độ do Đức tin Tông truyền, lòng tin chân chính, do Giáo hội nắm giữ và bảo vệ, mà Đức Kitô đã ủy thác cho Hội Thánh, là “thân thể” của Người (Nhiệm Thể Đức Kitô). Việc xin lễ chỉ có giá trị xin tha các hình phạt hữu hạn cho các linh hồn đang được thanh lọc trong Luyên Tội, chứ không có giá trị tha tội Tổ Tông cho người còn sống hay đã qua đời, không có lý do gì để xin lễ cầu cho các thai nhi.

Thiết nghĩ các linh mục cần phải giải thích cho giáo dân và đừng nhận tiền xin lễ cầu cho các thai nhi như người ta đã và đang làm ở nhiều nơi.Thực hành này hoàn toàn không hợp theo Đức tin, Giáo lý và Thần học của Giáo Hội, nó còn làm cho nhiều người lệch lạc về đức tin, dẫn tới những điều mê tín, đồng bóng tai hại cho đời sống tâm linh. Như hiện nay nhiều nơi có những người tin vào thai nhi nhập, thai nói điều lạ, thai lang thang đó đây…

Như trong số 3 thư HĐGMVN gửi Cộng Đồng Dân Chúa 2020 viết: “Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi cũng rất quan tâm đến những lệch lạc trong đời sống đức tin nơi một vài phong trào đạo đức, có thể do thiếu hiểu biết giáo lý, hoặc do những bất cập trong các hoạt động mục vụ tại một số giáo xứ. Vì thế, xin anh em linh mục, với đức ái mục tử, hãy nỗ lực đồng hành với anh chị em trong các giáo xứ nhằm giúp họ trở thành những môn đệ và tông đồ thực thụ của Đức Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống của tất cả mọi người” (x. Ga 14,6).

Tháng cầu cho các linh hồn.

Hàn Cư Sĩ

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Nguồn tin: dongten.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây