GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Lòng sùng kính Thánh Tâm trong truyền thống Dòng Tên (4)

Lòng sùng kính Thánh Tâm trong truyền thống Dòng Tên (4)
Tỉnh Dòng Phanxicô Xaviê - Dòng Tên Việt Nam - 19 đường 5 - Kp.2 - P.Linh Trung - Thủ Đức - Tp.HCM, thần học, triết học, tâm lý, kinh thánh, cầu nguyện, các vấn đề của cuộc sống, linh đạo, nhóm mục vụ, mục vụ...

Lm. Giuse Đỗ Quang Chính, S.J.

III. TỪ KHI DÒNG ĐƯỢC TÁI LẬP

  1. Ngày 07/08/1814, trong nhà thờ Gesù ở Roma, Đức Piô VII công bố trọng sắc tái lập Dòng Tên trên toàn thế giới.

Trong giai đoạn thứ ba này, có hai sự kiện quan trọng cần ghi nhận:

  • Qua các Tổng Quản và các Tổng Hội, Dòng chính thức nhận sứ mạng đối với Thánh Tâm.
  • Thành lập hội Tông Đồ Cầu Nguyện phong phú kỳ lạ.
  1. Đại Hội II ở Polotsk (Nga) năm 1785 đã có quyết định chính thức đầu tiên. Dòng thật là thận trọng, nhưng cam kết với đầy đủ ý thức và trách nhiệm. Sắc lệnh 8 chỉ thị các anh em trong Dòng hàng năm tĩnh tâm 3 ngày trước lễ Thánh Tâm và mỗi ngày, sau kinh cầu các thánh, cộng đoàn đọc chung lời nguyện với Thánh Tâm.

Thói quen này mãi gần đây Dòng mới bỏ khi cải cách lại việc kinh lễ.

  1. Trong thư ngày 27/12/1839, chuẩn bị kỷ niệm 300 năm lập Dòng, và nhất là trong thư ngày 08/06/1848, khi Dòng gặp thử thách ở nhiều nơi, Tổng Quản Roothaan (1829-1853) thấy phải tìm sự nâng đỡ và nơi ẩn náu nơi việc thực hành và cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm. Chính những lý do nội tại cũng thúc đẩy:
  • Ý Chúa bày tỏ rõ ràng nhiều lần.
  • Danh hiệu Dòng.
  • Cách sống bình thường và rất tông đồ đòi phải có một đời sống thiêng liêng đậm đặc.
  • Chính mục đích Chúa Giêsu đề ra trong khi bày tỏ Thánh Tâm và trong việc thiết lập lòng tôn sùng Thánh Tâm.

Theo ngài, Dòng không chỉ thực hành và phổ biến bên ngoài, nhưng phải chia sẻ sâu xa các tâm tư và bắt chước các đức hạnh của Trái Tim Chúa Giêsu. Nhờ hàng ngày chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cầu nguyện, cuối cùng người ta sẽ sống đời sống của Chúa. Riêng các Giêsu hữu bị xua đuổi có thể tìm được nơi Thánh Tâm sự dịu hiền, kiên nhẫn và sức mạnh.

Cũng trong năm 1848, cha Roothaan gửi một thư khác về lòng tôn sùng trái tim Mẹ Maria. Từ đây, trong các văn kiện của các Tổng Quản, hai việc tôn sùng này gần như luôn luôn được khuyến khích với cùng một giọng tha thiết.

  1. Tổng Quản Beckx (1853-1887) viết thư quan trọng ngày 28/08/1870, và sau đó nhiều thư khác, cho biết giữa những khó khăn và thử thách, Dòng phải tìm chỗ trú ẩn trong Thánh Tâm. Ngài cũng chỉ thị trong suốt năm 1870, mỗi thứ Sáu đầu tháng, anh em phải cầu nguyện với Thánh Tâm trước Thánh Thể. Ngày 01/01/1872, ngài long trọng dâng hiến Dòng cho Thánh Tâm. Sau đó, Tổng Hội 23 nhìn nhận sứ mạng Thánh Tâm trao cho Dòng và ấn định mỗi năm, vào dịp lễ Kitô Vua, mỗi cộng đoàn trong Dòng đọc lại kinh ấy.
  2. Ngày 29/09/1888, nhân kỷ niệm 200 năm ngày Thánh Tâm hiện ra với thánh Margarita Maria và trao sứ mạng cho Dòng, Tổng Quản Anderledy (1887-1892) nhắc anh em: “Sứ mạng cổ võ việc tôn sùng Thánh Tâm là một dấu hiệu của tình yêu nhưng không và ưu ái của Chúa. Ơn ấy phải được đề cao và quý trọng, nhất là bằng nỗ lực làm vui lòng Thánh Tâm nhờ hoàn toàn trung tín với tinh thần của thánh Inhã và các chỉ thị của Dòng.”
  3. Hai Tổng Quản kế tiếp là Martin (1892-1906) và Wernz (1906-1914) cũng nhiều lần khuyến khích việc thực hành và truyền bá lòng tôn sùng Thánh Tâm.
  4. Tổng Hội 26 vào năm 1915 đã chuẩn nhận những gì Dòng đã quyết định về việc tôn sùng Thánh Tâm và khuyến khích đặc biệt hội Tông Đồ Cầu Nguyện, coi đó là phương thế hữu hiệu để truyền bá việc tôn sùng Thánh Tâm.

Ngày lễ Thánh Thể năm 1919, Tổng Quản Ledochowski (1915-1942) đã viết cho Dòng một lá thư về Thánh Tâm. Ngài cho biết thánh bộ Lễ nghi cho phép Dòng dâng lễ kính Thánh Tâm mỗi thứ Sáu đầu tháng. Ngài cũng khuyến khích dùng ngày đó để tĩnh tâm hàng tháng. Lễ Thánh Tâm phải được mừng trong các nhà thờ của Dòng bằng việc chầu Thánh Thể để đền tạ, kiệu Mình Thánh Chúa, và tôn vương gia đình chung, nhằm làm cho người ta nhìn nhận Đức Kitô là Vua nhân loại và vũ trụ. Ngài khuyến khích mừng lễ theo những gì đã quen từ thế kỷ XIX, ít là làm tuần 9 ngày kính Thánh Tâm và nếu được, mỗi ngày thứ Sáu trong tháng làm một việc gì đó đặc biệt. Ngài cũng ca ngợi và khuyến khích hội Tông Đồ Cầu Nguyện. Sau hết, theo ngài, việc tôn sùng Thánh Tâm đưa người ta đến việc kết hiệp với Đức Kitô, coi thường bản thân và thế gian, nhiệt thành cứu rỗi các linh hồn.

  1. Trong 27 năm làm Tổng Quản, cha Ledochowski 24 lần lên tiếng về việc tôn sùng Thánh Tâm. Những lần có tính thực hành và tông đồ như về hội Tông Đồ Cầu Nguyện, phong trào Nghĩa Binh Thánh Thể, tạp chí Sứ Giả Thánh Tâm. Những lần về những người đã cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm như lòng yêu mến thánh Margarita Maria, việc xin phong chân phước cho cha Colombière, rồi mừng cha Colombière được phong chân phước. Có khi ngài đề cập đến bản văn thánh lễ và kinh thần vụ kính Thánh Tâm, hoặc tường thuật một buổi lễ tôn vương trong đó ngài đọc lại kinh dâng hiến Dòng cho Thánh Tâm trước bức tượng Thánh Tâm mới, bằng đồng, vừa được dựng trong vườn trụ sở Trung Ương Dòng. Có khi ngài lại loan báo việc Tòa Thánh ban ân xá cho ai đọc lời nguyện tắt: “Lạy Trái Tim Chúa Giêsu, xin nói với chúng con: ‘ơn cứu độ của chúng con chính là Ta.’” Cuối cùng, ngài xin được Tòa Thánh cho phép Dòng vĩnh viễn dâng lễ kính Thánh Tâm mỗi thứ Sáu đầu tháng.
  2. Cũng dưới thời cha Lodochowski, Tổng Hội 27 (1927) rồi Tổng Hội 28 (1938) đều cổ võ việc tôn sùng Thánh Tâm.
  3. Như vậy, Dòng đã chính thức nhận thực hành và truyền bá việc tôn sùng Thánh Tâm như thánh Colombière hiểu, và theo những hình thức của những người truyền bá sứ điệp Paray.
  4. Tổng Quản Janssens (1946-1965) đặc biệt quý mến hội Tông Đồ Cầu Nguyện. Ngày 28/09/1956, ngài lại dâng hiến bản thân, các giám đốc hội Tông Đồ Cầu Nguyện và toàn thể Dòng cho Thánh Tâm trong một bản kinh cảm động.
  5. Nhân dịp kỷ niệm 400 năm Thánh Tâm hiện ra với thánh Phêrô Kanis, ngày 15/08/1949, ngài viết thư cho thấy lòng tôn sùng Thánh Tâm rất thích hợp với Dòng lúc ấy. Cũng như thời thánh Kanis, thời đại chúng ta cũng đang cưu mang một thế giới mới. Mặc dầu cơn bệnh có trầm trọng đến đâu, Thiên Chúa luôn luôn có thuốc thích hợp. Riêng chúng ta, không gì tốt hơn là tin tưởng chạy đến với Thánh Tâm và cộng tác vào sứ mạng Người trao. Không thể nghĩ đến một Giêsu hữu mà lại không biết giáo thuyết, lịch sử và thực hành việc tôn sùng Thánh Tâm. Ngay cả nếu không kể sứ mạng Thánh Tâm đã trao cho Dòng, các tài liệu của Tòa Thánh cũng đã đủ để làm cho không một Giêsu hữu nào có thể lơ là với việc tôn sùng Thánh Tâm. Tất cả vấn đề là chúng ta phải sống việc tôn sùng Thánh Tâm để truyền bá hữu hiệu.
  6. Như vậy, cần ghi nhận 4 động lực khiến Dòng tha thiết với việc tôn sùng Thánh Tâm:
  • tinh thần Công Giáo,
  • linh đạo Dòng,
  • truyền thống khởi đầu ngay từ thế hệ thứ nhất,
  • mặc khải Paray.
  1. Tổng Hội 30 (1957) đã cám ơn Đức Piô XII về thông điệp Haurietis Aquas In Gaudio (Sẽ Hoan Vui Múc Nước) ngày 15/05/1956 vì đã “vạch đường mới để hiểu hơn về việc tôn sùng Thánh Tâm, và đã chỉ rõ nguồn mạch nơi đó chúng ta phải đến múc lấy tinh thần siêu nhiên”. Rồi Tổng Hội nhắc nhở: con đường thích hợp nhất để cổ võ và truyền bá việc tôn sùng Thánh Tâm là hội Tông Đồ Cầu Nguyện.

Tổng Hội 31 (1964-1965) chuẩn nhận tất cả những gì truyền thống Dòng đã nhận về việc tôn sùng Thánh Tâm.

  1. Với sứ điệp Paray, lúc đầu các nhà hữu trách của Dòng giữ thái độ dè dặt chờ xem. Từ từ nhưng mãnh liệt, nhờ những người nhiệt thành đặc biệt, việc tôn sùng Thánh Tâm chiếm hữu Dòng. Chính khi Dòng thập tử nhất sinh dưới thời Tổng Quản Ricci và lúc sống sót ở Nga là thời điểm Dòng chính thức đón nhận sứ mạng mà Thánh Tâm trao phó. Từ khi được tái lập, Dòng xả thân càng ngày càng rõ ràng và long trọng cho việc tôn sùng Thánh Tâm.
  2. Trong suốt hơn 150 năm kể từ khi Dòng được tái lập, anh em trong Dòng đã hoạt động không biết mệt cho việc cổ võ và truyền bá lòng tôn sùng Thánh Tâm. Danh sách các tác giả của Dòng viết về Thánh Tâm lên tới hàng trăm. Tạp chí Sứ Giả Thánh Tâm, cơ quan ngôn luận của hội Tông Đồ Cầu Nguyện xuất bản bằng 50 thứ tiếng, cùng với những tài liệu đặc biệt dành cho những giới đặc biệt, có thể giúp chúng ta hiểu phần nào việc tông đồ này của Dòng.

Sắc lệnh ngày 28/04/1670 của thánh bộ Lễ nghi nâng lễ Thánh Tâm lên bậc trọng thể cũng cho biết: “Các Giêsu hữu, từ ngày thánh Margarita Maria được Chúa soi sáng nên muốn chiếu tỏa sự giàu sang vô tận của Thánh Tâm, đã hoạt động nhiều bằng sách báo, giảng thuyết, gương sáng, để cổ võ và phổ biến việc tôn sùng Thánh Tâm khắp thế giới.”

  1. Tổng Quản Arrupe (1965-1983) từ nhỏ đã tôn sùng đặc biệt Thánh Tâm từ gia đình. Sau này, trong chức vụ Tổng Quản, ngài lặp lại việc dâng hiến Dòng cho Thánh Tâm với một mẫu kinh mới. Nhiều hình thức tôn sùng Thánh Tâm xuất phát từ truyền thống Paray vào thế kỷ XVII ngày nay ở cuối thế kỷ XX xem ra không còn thích hợp nữa. Não trạng và văn hóa đã thay đổi rất nhiều. Ngài kêu gọi cả Dòng một mặt trung thành với việc tôn sùng Thánh Tâm, một mặt cố gắng tìm ra những biểu tượng và cách diễn tả mới phù hợp hơn với con người thời nay. Có thể những hình thức phải thay đổi, nhưng cốt tủy của việc tôn sùng Thánh Tâm, trái tim bằng thịt và tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu, luôn luôn phải được ghi khắc trong tâm hồn và cuộc sống của mỗi Giêsu hữu cũng như của cả Dòng.

Nguồn tin: dongten.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây