GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


[Radio Người Trẻ]: Người trẻ trước một Thiên Chúa quan phòng

[Radio Người Trẻ]: Người trẻ trước một Thiên Chúa quan phòng
Tỉnh Dòng Phanxicô Xaviê - Dòng Tên Việt Nam - 19 đường 5 - Kp.2 - P.Linh Trung - Thủ Đức - Tp.HCM, thần học, triết học, tâm lý, kinh thánh, cầu nguyện, các vấn đề của cuộc sống, linh đạo, nhóm mục vụ, mục vụ...

Khi nói Thiên Chúa quan phòng, nghĩa là ta trân nhận một Thiên Chúa tốt lành giàu lòng thương xót. Tuy nhiên một câu hỏi nhức nhối kéo theo: Người quan phòng tại sao lại có đau khổ? Không ít người trẻ gào lên trước những đau khổ mà họ hoặc gia đình họ đang gặp phải. Thiên Chúa tốt lành ở đâu? Tại sao Người im lặng? Nếu Người là Đấng Uy Quyền, tại sao không làm phép lạ cho người thân của tôi khỏi bệnh, hay tại sao tai nạn nghiệt ngã lại đến với tôi? Nếu Thiên Chúa Công Bình, tại sao Người lại để cường hào ác bá đè đầu cỡi cổ người dân, sao để cho kẻ xấu tấn công người vô tội? Người trẻ chứng kiến hàng tỷ tình cảnh đau khổ như thế và tiếng vang câu hỏi “tại sao?” luôn được họ đặt ra cho Thiên Chúa – một Thiên Chúa luôn chăm sóc yêu thương con người?

Các bạn trẻ thân mến,

Niềm tin Kitô giáo nói với con người rằng: “Thiên Chúa luôn điều khiển thế giới và chi phối đời sống con người mà chỉ mình Người biết. Không lúc nào Người để cho các tạo vật Người đã dựng nên lại vượt ra khỏi bàn tay Người.” Vậy trong hoàn cảnh đó, con người dường như trở thành bù nhìn, con rối trong tay Thiên Chúa, như nhiều bạn trẻ phát biểu. Thực ra Thiên Chúa luôn mời gọi con người cộng tác trong công cuộc sáng tạo thế giới này. Con người luôn có quyền tự do để chấp nhận hay chối từ lời gọi ấy. Đến nỗi triết gia C.S. Lewis ví von rằng: “Tất cả những ai ở hỏa ngục là do họ tự ý chọn lựa chỉ theo ý mình.” Quả đúng như người ta thường nói, Thiên Chúa bất lực trước tự do của con người! Cần lưu ý rằng “Nhưng nếu họ trở thành dụng cụ của tình yêu Chúa thì tốt hơn cho họ.” Như thế ta chỉ có thể hiểu được điều này nếu đặt trong trong tương quan của tình yêu.

Thế nhưng người trẻ chúng ta thấy trong tương quan tình yêu ấy, đáng lẽ Thiên Chúa phải gìn giữ con người khỏi đau khổ cuộc đời. Đây là vấn đề quá lớn và nhiều người xem đó là một màu nhiệm, khiến không ít người cay độc Thiên Chúa mỗi khi họ gặp đớn đau. Đức Phật chỉ cho người ta cách diệt tham, sân, si để được giải thoát khỏi khổ đau. Trong khi đó, Đức Giêsu đến với thế gian, chúng ta thấy Người không giải thích đau khổ là gì (nếu có thì rất ít). Ngược lại, chính Người là Tôi Tớ Đau Khổ mà tiên tri Isaia tiên báo (Is52, 13 – 53,12), chính người phải chịu nhiều đau khổ, và phải chết trên thập tự. Thực vậy, chính thi sĩ Paul Claudel thốt lên rằng: “Thiên Chúa không đến để làm cho hết đau khổ. Người cũng không đến để giải nghĩa về đau khổ, Người đến để lấp đầy đau khổ bằng sự có mặt của Người.” Không chỉ người trẻ chúng ta hôm nay ngạc nhiên về lối sống của Đức Giêsu, nhưng thời đó nhiều người không chấp nhận một Đấng Mêsia kiểu như thế. Có thể nói, chỉ sau khi Đức Giêsu sống lại, đau khổ thập giá thực sự có ý nghĩa đối với những ai dám chia sẻ khổ giá với Đức Giêsu!

Khi viết tới đây, tôi nhớ đến lời chia sẻ thú vị của giáo sư Stêphanô Nguyễn Khắc Dương, nguyên trưởng Ban Triết học và Quyền Khoa trưởng Văn khoa của Đại học Đà Lạt trước 1975. Khi quyết định trở thành Kitô hữu, thầy gặp sự chống đối rất lớn từ gia đình và dòng họ. Lý giải việc “bỏ” gia đình để theo Đạo, thầy Khắc Dương chia sẻ rằng: “Nho Giáo là một tôn giáo dành cho người trí thức, sống thanh cao và sống “trên” người khác; không dành cho người bình dân. Phật Giáo thì quan niệm rằng Đời Là Bể Khổ, nên phải tránh Đời, tự bản thân tìm sự giải thoát cho riêng mình. Còn Kitô giáo thì ngược lại, Chúa Giêsu vốn là Con Thiên Chúa nhưng đã bước vào đời, sống như một người nghèo, chia sẻ thân phận làm người của con người, vui niềm vui của con người, đau nỗi đau của phận người và yêu con người một cách say đắm đến nỗi sẵn sàng chết vì yêu con người… Đây là một tôn giáo gần với con người, gắn liền với con người, là đạo của tình yêu…”

Thực ra nhiều người hoài ghi về sự quan phòng của Thiên Chúa hoàn toàn có lý do. Trong đêm tối của tột cùng đau khổ, thật khó để giải thích cho họ về một Thiên Chúa yêu thương. Ví dụ, “Thôi chị cố gắng vác thánh giá; hoặc Thiên Chúa lấy đi con của chị, rồi Người sẽ ban đứa khác cho.” Thành thực mà nói, trong đau khổ thử hỏi ai chấp nhận một Thiên Chúa như thế. Chỉ có ai đủ niềm tin và phó thác mọi sự vào Thiên Chúa, họ mới đón nhận đau khổ và tin rằng: “Thiên Chúa cũng muốn viết thẳng trên những đường cong của đời ta.” Chỉ có ai yêu mến Thiên Chúa đủ, họ mới dám chấp nhận mọi thứ, ngay cả án tử vì đạo, họ cũng tin đó là một hồng ân đến từ Thiên Chúa quan phòng!

Thật khó để giải mã đau khổ, nhưng nói như Thánh Tôma Aquinô, “nó vẫn luôn đặt nền tảng trên sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa.” Chúng ta tin Thiên Chúa đã dựng nên một thế giới này thật tốt đẹp, nhưng chưa được hoàn thành. Nó còn nhiều xáo trộn với những khổ đau. Giáo Hội phân biệt sự dữ thể lý (bệnh tật, chết chóc, thiên tai…), và sự dữ luân lý phát xuất do con người sử dụng tự do sai lầm trong thế gian. Dù hoàn cảnh nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn luôn quan phòng và hướng giúp con người đến chỗ thành toàn. Bởi đó thật chí lý khi văn sĩ Clive Staples Lewis viết rằng: Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui, Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới ngủ mê.”

Là người trẻ đang dâng trào sức sống, hẳn nhiên không ai trong chúng ta dễ dàng chấp nhận khổ đau. Mặt khác, chúng ta cũng tin rằng đi theo Chúa Giêsu là chấp nhận một hành trình phưu lưu. Nơi ấy, “Con người không có chỗ tựa đầu”. (Lc9, 57-62). Dầu sao trước đau khổ ấy, thực tế cho thấy nếu ai tin vào Thiên Chúa, đón nhận thực tại như nó là, thì họ tìm được hạnh phúc bình an ngay trong đau khổ. Bởi chính Đức Giêsu của chúng ta cũng cảm thấy Thiên Chúa quan phòng dường như vắng bóng. Lạy Cha, sao Cha bỏ con?” (Mt 27,36). Nhưng dù thế nào, Đức Giêsu chỉ một vâng theo ý Cha! Hôm nay đây, người trẻ hy vọng rằng Thiên Chúa quan phòng vẫn luôn hiện diện nơi khuôn mặt Đức Giêsu chịu đau khổ, “vì cuộc Khổ Nạn của Chúa còn kéo dài cho tới tận thế.” (Thánh Lêô Cả). Hoặc nói như nhà toán học Pascal: “Ðức Kitô còn hấp hối cho đến tận thế.” Nghĩa là, Người vẫn luôn đồng hành với những đau khổ của con người để cứu độ con người.

Chúng ta tạm kết thúc đề tài này với hai phát biểu có lẽ phù hợp với những gì còn khiến chúng ta bối rối:

  • Người ta mất địa đàng, nhưng đã được Thiên đàng, vì vậy được nhiều hơn mất.” Thánh Gioan Kim Khẩu
  • Lạy Chúa, quay đi khỏi Chúa sẽ ngã, quay lại với Chúa sẽ đứng vững, ở lại trong Chúa sẽ chắc chắn được an toàn.” Thánh Augustinô

  Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Nguồn tin: dongten.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây