GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Thời Covid, chiêm ngắm ‘Giêsu Nadarét’ qua phim ảnh

Thời Covid, chiêm ngắm ‘Giêsu Nadarét’ qua phim ảnh

Thời Covid, chiêm ngắm ‘Giêsu Nadarét’ qua phim ảnh

 Lm Giuse Vi Hữu
 Ngày 10/09/2021

Thời Covid, chiêm ngắm ‘Giêsu Nadarét’ qua phim ảnh

TGPSG – Một trong những bộ phim xuất sắc nhất mô tả cuộc đời của Đấng Cứu Thế chính là phim ‘Giêsu Nadarét’ của đạo diễn Franco Zeffirelli, phát hành năm 1977.

Cách ly và tự do

Con virus Corona đang trói chân chúng ta lại, khiến ta khó ra khỏi nhà mà thăm viếng nơi này, người kia…

Nhưng nó không thể trói buộc linh hồn của ta, trái lại, còn tạo điều kiện cho linh hồn ta có nhiều cơ hội bay lên, mà gặp được Chúa, và trong Chúa, linh hồn ta có thể gặp gỡ và yêu thương, giúp đỡ tha nhân với tất cả những sáng kiến có thể được trong hoàn cảnh đặc thù của mình.

Sự tàn phá khủng khiếp của Corona khiến ta thấy cuộc đời này thật là phù du, dễ tan biến, để ta tỉnh ngộ mà tháo cởi mọi vướng víu, biết khôn ngoan để cho tấm linh hồn của mình được tự do bay lên, mà bám chặt lấy Chúa là nguồn sự sống vĩnh cửu.

Quả thực, tuy nhỏ xíu đến mức độ mắt thịt bình thường của ta không thể thấy được nó, nhưng chỉ trong hơn 1 năm, con Corona đến nay đã gây khốn khổ trong thân xác của hơn 220 triệu con người, tiêu diệt hơn 4,5 triệu mạng sống. Hiện tại, mỗi ngày nó làm cho vài trăm người ở Sài Gòn trở về với tro bụi. Con người - dù đã rất văn minh tiến bộ như hiện nay - thì cũng vẫn chả là gì so với con Corona nhỏ bé vô tri vô giác đó. Nó khiến con người phải biết khiêm tốn cúi đầu để nhận thức bản chất hư vô của mình. Con người thực chất chỉ là hư vô, một lúc nào đó rồi cũng trở về với tro bụi, và hiện tại có làm được gì thì cũng là do Thiên Chúa ban cho khả năng để làm thôi.

Chỉ khi linh hồn ta trở nên hoàn toàn trống rỗng trong thái độ khiêm tốn đến tận cùng như thế, ta mới có được cõi lòng trống trải rộng mở, để cho Đấng toàn năng, toàn mỹ, toàn thiện, có thể ngự trị trọn vẹn trong linh hồn ta, và ta mới có thể chăm chú chiêm ngắm Ngài vì Ngài là tất cả vẻ đẹp hoàn mỹ và là hạnh phúc vĩnh cửu của con người.

Chiêm ngắm Thiên Chúa

Cần phải chiêm ngắm Thiên Chúa để có thể yêu mến mà sống với Ngài và sống như Ngài. Đây là chân lý cao cả nhất, và là việc cần làm nhất trong suốt cả cuộc đời. Chân lý này trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết, khi con người phải đối diện với những thảm cảnh của đại dịch. Trong khi không ngừng nỗ lực cộng tác với Chúa mà tiêu diệt sự dữ lớn lao là đại dịch Covid hiện nay, hơn bao giờ hết con người được thúc đẩy thể hiện chân lý cao trọng ấy: Luôn cần phải chiêm ngắm Chúa hằng ngày với tất cả ngọn lửa yêu mến nồng nàn tha thiết nhất trong trái tim mình, trước khi mình bất ngờ được Chúa gọi ra khỏi đời này mà trình diện con tim của mình trước dung nhan thánh thiện của Ngài mà chịu phát xét.

Nhưng làm thế nào để chiêm ngắm Đấng tuyệt mỹ, cũng là Đấng vô hình?

Ta có thể chiêm ngắm Ngài nơi vẻ đẹp của vũ trụ, và nhất là nơi một con người cụ thể là Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa. Ta chiêm ngắm Đức Giêsu được mô tả trong Tin Mừng – là cuốn sách ta cần đọc và suy niệm hằng ngày. Và Tin Mừng này trở nên dễ hiểu hơn nhờ nhiều bộ sách thiêng liêng, đồng thời cũng trở nên sống động hơn nhờ những bộ phim truyện diễn tả cuộc đời của Đức Giêsu. Những nhân vật đóng vai Giêsu, tuy có những bất toàn và chỉ là hình ảnh vô cùng mờ nhạt so với chính bản thân Đấng Cứu Thế, nhưng những hành động và bối cảnh cuộc đời Giêsu trên màn ảnh sẽ giúp ta say mê dõi theo Chúa Giêsu trong hành trình cứu độ của Ngài để chiêm ngắm và yêu mến Ngài nhiều hơn.

Một trong những bộ phim xuất sắc nhất mô tả cuộc đời của Đấng Cứu Thế chính là phim ‘Giêsu Nadarét’ của đạo diễn Franco Zeffirelli, phát hành năm 1977. Ta hãy cùng xem bộ phim này trên kênh YouTube dưới đây để thấy nhà đạo diễn nổi tiếng này đã dùng loại phương tiện truyền thông hấp dẫn nhất của nhân loại mà trình bày như thế nào về Đức Giêsu – Đấng mà chúng ta cần phải yêu mến mà chiêm ngưỡng và đồng hành với Ngài trong cuộc sống hằng ngày.

Bộ phim ‘Giêsu Nadarét’ bước vào tuổi 44

Bộ phim ‘Giêsu Nadarét’ của Franco Zeffirelli, cho dù có nhiều bất toàn, vẫn là một bước ngoặt rất quan trọng trong lịch sử phim ảnh Công giáo.

Bộ phim đã ra mắt cách nay gần nửa thế kỷ rồi, thế mà cho đến nay vẫn chưa có bộ phim nào về Giêsu qua mặt được bộ phim ấy về điều này: một cái nhìn rất hiểu biết về toàn bộ câu chuyện Phúc âm từ Giáng sinh đến Phục sinh, rút ​​ra từ cả bốn Phúc âm, và thể hiện rõ nét những truyền thống văn hóa Do Thái của Cựu Ước, đồng thời mang đậm tính nghệ thuật và nét sáng tạo của Công giáo.

Khuôn mặt của diễn viên Robert Powell, mặc dù có hơi cứng cỏi và xa cách, nhưng vẫn mang được nhiều nét giống với hình ảnh truyền thống về Chúa Giêsu, và xem ra đã nghiễm nhiên trở thành khuôn mặt của chính Chúa Giêsu trong nhiều hình ảnh văn hóa đại chúng và trong trí tưởng tượng của nhiều người. Điều này cũng đúng ở một mức độ nào đó đối với diễn viên Olivia Hussey trong vai Đức Trinh Nữ Maria.

Đáng được xem lại nhiều lần

Nhà phê bình phim Steven D. Greydanus tự thú là ông đã xem phim ‘Giêsu Nadarét’ của Franco Zeffirelli từng chi tiết một - cách thường xuyên hơn nhiều - so với việc xem một lúc toàn thể bộ phim này trước đây.

Đó không chỉ là vì phim này dài tới hơn 6 giờ và thường được phát sóng thành 2 phần. Đó còn là bởi vì các đoạn phim đầu tiên và cuối cùng của nó có thể được dùng để xem và suy niệm trong các mùa Phụng vụ tương ứng - mùa Giáng sinh và mùa Phục sinh.

Và đó cũng là bởi vì sự không đồng đều của bộ phim. Các phân cảnh hay nhất về Chúa Giêsu Nadarét thì thật xuất sắc, nhưng chúng lại xen kẽ với các phân cảnh có chất lượng trung bình hoặc thiếu chất lượng. Những khoảnh khắc quan trọng như lời tuyên xưng tuyệt vời của Phêrô về Chúa Giêsu và Bữa Tiệc Ly được dàn dựng một cách rất đáng nể phục, đồng thời, những khoảnh khắc khác như Dụ ngôn về Đứa con hoang đàng và phiên tòa của Chúa Giêsu trước Thượng Hội đồng Do Thái được mô phỏng lại một cách đầy kịch tính - và không hiếm những khoảnh khắc thú vị có giá trị hơn nhiều so với những bộ phim trước đây. Tuy nhiên, một số khoảnh khắc tuyệt vời nhất thì lại là những tình tiết hư cấu, và một số câu chuyện Phúc âm quan trọng thì lại bị lược bỏ một cách khó hiểu.

Bố cục bộ phim

Phim bắt đầu bằng cách đưa câu chuyện Giêsu vào trong bối cảnh dân Do Thái trông chờ Đấng Cứu Thế. Sau khi máy quay thu hình từ trên cao xuống, cho thấy toàn cảnh ngôi làng Nadarét, đạo diễn đã đưa người xem vào trong hội đường Do Thái chật ních người. Thầy rabbi Do Thái, hai tay cầm cuốn sách thánh đang mở, đọc lớn tiếng: “Vào thời điểm Đấng Mêsia đến…”

Những phân cảnh tiếp theo trình bày thời thơ ấu của Chúa Giêsu: Giuse đính hôn với Đức Maria; Đức Maria được truyền tin; Cuộc trò chuyện giữa vua Hêrôđê và tổng trấn Philatô về Đấng Mêsia; Đức Maria thăm viếng bà Isave; Giuse trằn trọc và nhận được lời dạy của Chúa; Đám cưới của Giuse và Maria; Kiểm tra dân số; Cuộc tranh luận với người trẻ Do Thái về Đấng Mêsia; Thánh Giuse và Đức Maria đi về Bêlem; Các đạo sĩ phương Đông đi theo ánh sao và gặp nhau; Đấng Cứu Thế ra đời; Các mục đồng đến bên máng cỏ; Hêrôđê lo âu; Dâng trẻ Giêsu trong đền thờ; Các đạo sĩ phương Đông gặp Hài nhi Giêsu; Hêrôđê tàn sát các trẻ bé tại Bê Lem; Thánh Gia trốn sang Ai Cập; Giêsu trở về Nadarét và lớn lên tại đây; Trẻ Giêsu đọc Lời Chúa trong hội đường Nadarét; Lính Roma xuất hiện cướp bóc; Cậu bé Giêsu 12 tuổi lạc trong đền thờ.

Kế tiếp, khi trình bày cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, bộ phim đã khởi đầu với cảnh Gioan Tẩy Giả rất mạnh mẽ rao giảng và làm phép rửa. Tiếp theo là cảnh Thánh Giuse qua đời; Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả (không có cảnh chịu cám dỗ trong hoang điạ); Chúa rao giảng tại hội đường Nadarét; Các môn đệ đầu tiên; Đức Giêsu giảng dạy; Chữa đứa con bị quỷ ám; Gọi Gioan tông đồ; Mẻ cá lạ nơi thuyền Phêrô; Dân chúng đông đảo tuôn đến với Đức Giêsu; Cảnh Lêvi ngồi thu thuế; Bài giảng các dụ ngôn về Nước Trời; Lêvi gặp Chúa; Chúa chữa người bất toại và nói lời tha tội; Sự dằn vặt trong lòng Phêrô; Chúa ăn uống tại nhà Lêvi và kể dụ ngôn ‘Đứa con hoang đàng’; Phêrô và Matthêu hòa giải với nhau; Gioan Tẩy Giả ở trong tù; Chúa cho con gái ông Giairô sống lại; Chúa gọi Tôma; Lêvi và Phêrô theo Chúa mãi mãi; Gioan Tẩy Giả bị chém đầu; Nhóm của Giuđa Ítcariốt; Mađalêna và ông khách; Dân chúng (có Nicôđêmô) lắng nghe lời giảng về sự phó thác; Chàng thanh niên giàu có không thể theo Chúa; Giuđa theo Chúa; Phép lạ hóa bánh ra nhiều; Nhóm của Giuđa và Simon nhiệt thành; Mađalêna khóc dưới chân Chúa trong bữa tiệc tại nhà Simon biệt phái; Bài giảng về sứ vụ tông đồ; Đức Maria có phúc; Một nhóm nhiệt thành bị Hêrôđê xử tử; Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia; Bài giảng trên núi (Bát Phúc và Kinh Lạy Cha); Phêrô khuyên Chúa không nên đi Giêrusalem; nhưng Chúa vẫn lên đường, và trên đường đi, Chúa cho Ladarô sống lại.

Về tuần lễ cuối cùng của Chúa ở Giêrusalem, bộ phim cho thấy: Giuđa gặp Zerah của Thượng Hội đồng Do Thái; Chúa Giêsu trọng thể vào Thành thánh; Thanh tẩy đền thờ; Giảng dạy trong đền thờ; Giêsu và Baraba gặp nhau; Dạy yêu thương kẻ thù; Đối đáp với giới lãnh đạo Do Thái; Tha tội cho người đàn bà ngoại tình; Chữa đầy tớ của một viên đội trưởng Rôma; Chữa người mù từ thuở mới sinh; Quở mắng giới lãnh đạo; Đàm đạo với Nicôđêmô; Buổi họp của Thượng Hội đồng Do Thái; Giuđa quyết định nộp Chúa; Bữa tiệc ly; Đau đớn và bị bắt ở vườn Cây Dầu; Giuđa hụt hẫng; Caipha xử án; Phêrô chối Chúa; Giuđa tự tử; Philatô xử án; Đường Thánh giá; Chúa chịu treo trên thập giá với 6 lời sau cùng; Ngôi mộ trống; Mađalêna loan tin Phục sinh cho các tông đồ; Các tông đồ tranh luận về việc Chúa sống lại; Giới cầm quyền lo âu; Đấng phục sinh hiện ra với các tông đồ. Và bộ phim đã kết thúc với lời hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Một bộ phim thành công của đạo diễn Zeffirelli

Trước những năm 1970, các bộ phim mang tính sử thi Kinh thánh trên màn ảnh rộng đã bị đánh giá là thất bại nặng nề vì những thất thu tại phòng vé của những bộ phim Phúc âm nghiêm túc do đạo diễn George Stevens thực hiện (phim ‘Câu chuyện tuyệt vời nhất từng được kể’ - 1965), hay bộ phim sử thi Kinh Thánh về sáng thế của đạo diễn John Huston (phim ‘Từ khởi nguyên’-1966)…

Trên màn ảnh nhỏ, bộ phim ‘Môsê - Người Làm Luật’ (1973) của nhà sản xuất Lew Grade - tuy bây giờ đã bị lãng quên, nhưng vào thời điểm đó lại được đón nhận nồng nhiệt. Biến cố này đã mở đường cho bộ phim ‘Giêsu Nadarét’ - theo gợi ý của Đức Giáo hoàng Phaolô VI (nhà sản xuất Grade đã nói như thế). Đạo diễn Zeffirelli đã tuyên bố rằng chính Đức Phaolô VI đã đề nghị anh nên làm một bộ phim về Chúa Giêsu, và thậm chí Đức Giáo hoàng đã ‘vận động hành lang’ cho anh ấy gặp đội làm phim của Grade.

Đối với Zeffirelli, bộ phim ‘Giêsu Nadarét’ là một dự án quan trọng vì một số lý do. Là một người con ương ngạnh nhưng trung thành và thậm chí bảo thủ của Giáo hội, Zeffirelli được cho là đã dùng tài năng dàn dựng và thiết kế phim trường của mình để phục vụ Giáo hội trong một số nghi lễ của Giáo hoàng và đã hơn một lần bày tỏ mối quan tâm về hình ảnh của Giáo hội trong thời đại truyền thông hiện đại.

Nếu bộ phim ‘Giêsu Nadarét’ là cơ hội để Zeffirelli phục vụ Giáo hội và đức tin bằng tài năng của mình, thì đó cũng là cơ hội để anh hồi phục về mặt nghề nghiệp sau những thất thu nghiêm trọng tại phòng vé của bộ phim về Thánh Phanxicô: ‘Anh Mặt Trời & Chị Mặt Trăng (1972)’. Phương pháp làm phim nhằm đáp ứng ‘nhu cầu của thời đại mình đang sống’ đã giúp anh thành công trong bộ phim Romeo và Juliet (1968) thì lại khiến anh thất bại trong bộ phim ‘Anh Mặt Trời’, để từ đó, ‘một Zeffirelli thuần khiết’ đã quyết tâm làm phim ‘Giêsu Nadarét’ không phải chỉ cho thời đại của mình, mà là cho mọi thời đại.

Đạo diễn Zeffirelli và Powell  (trong vai Giêsu)

Bối cảnh văn hóa

‘Nostra Aetate’ là văn kiện của Công đồng Vatican II nói về Giáo hội Công giáo trong tương quan với các tôn giáo khác, đặc biệt là quan hệ Do Thái giáo và Công giáo. Văn kiện này nhìn nhận rằng: Văn hóa Công giáo trong nhiều thế kỷ đã chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bài Do Thái - đặc biệt gắn liền với việc cáo buộc người Do Thái giết người trong cuộc Khổ nạn của Chúa. Để sửa đổi thực trạng đáng buồn này, văn kiện Nostra Aetate đã nhấn mạnh đến di sản chung của Do Thái giáo và Kitô giáo, đồng thời bác bỏ quan niệm về tội lỗi tập thể của người Do Thái trong cái chết của Chúa Giêsu. Đây là quan niệm rất mới của Công đồng Vatican II lúc bấy giờ.

Trong chiều hướng đại kết ấy của Giáo Hội, hơn bất kỳ bộ phim nào về Chúa Giêsu trước đó, phim ‘Giêsu Nadarét’ không những cố gắng nhấn mạnh bản sắc dân tộc của Đức Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Giuse và các môn đệ của Đức Giêsu, mà còn mô tả Do Thái giáo ở thế kỷ thứ nhất như một cấu trúc văn hóa sống động và đa dạng, có khả năng đáp ứng đòi hỏi của Đức Giêsu một cách tinh tế, giúp cho người ta có thể trở thành người môn đệ hoàn hảo của Đức Giêsu khi sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà theo Ngài.

Chúng ta có thể thấy đạo diễn Zeffirelli đã nỗ lực và tài ba như thế nào khi dựng lại cả một bối cảnh vĩ đại, diễn tả toàn bộ xã hội vô cùng sống động và phong phú với đầy đủ y phục và phong tục Do Thái thời Chúa Giêsu.

Những phản ứng mang tính văn hóa dân tộc đã được diễn tả đậm nét trong phim ‘Giêsu Nadarét’. Ví dụ, ấn tượng trước lời Chúa Giêsu mời gọi ngắm nhìn hoa huệ ngoài đồng để nhắn nhủ đừng quá lo lắng về ngày mai, một giáo sĩ Do Thái đã phát biểu: “Lời Ngài dạy thật phi thường, nhưng liệu có đi quá xa không? Đạo (Do Thái) của chúng ta đã dạy phải chuyên cần làm việc cơ mà…"

Trong một cảnh quay khác, Simon biệt phái (do Francis de Wolff thủ vai) - đã nói với Chúa Giêsu: “Chúng tôi tôn trọng những gì Ngài đã làm được”. Nhưng đáp lại lời dạy của Chúa Giêsu `về ngày Sabát được tạo ra cho con người chứ không phải ngược lại, Simon biệt phái nói thêm: “Chúng tôi hiểu điều Ngài đang muốn nói. Nhưng liệu những lời của Ngài có khiến cho nhiều người phải bối rối không (vì đã quá quen với các lề luật nghiêm nhặt của ngày Sabát)?”

Bộ phim ‘Giêsu Nadarét’ đã đặt nền móng thật tốt khi khởi đầu với những cảnh quay nhẹ nhàng mô tả hoàn cảnh văn hóa nơi quê nhà của Chúa Giêsu, cùng với các quan điểm khác nhau về căn tính và phong cách của Đấng Mêsia. Giáo sĩ Do Thái tốt bụng Yehuda (do Cyril Cusack thủ vai), trong chuỗi cảnh quay mở đầu tại giáo đường Do Thái ở Nadarét, đã đưa ra một bản tóm tắt sống động về Đấng Mêsia; những người trẻ thì giận dữ tranh luận với Giuse (Yorgo Voyagis) về niềm hy vọng mang tính cách mạng bao lực; và trong một cảnh vui nhộn khi ăn uống với những người La Mã hiếu kỳ, một Hêrôđê đại đế bá đạo (Peter Ustinov) đã coi Đấng Mêsia như một ‘giấc mơ xấu’.

Bộ phim đã nhấn mạnh những phản ứng khác nhau của người Do Thái đối với Đức Giêsu, trong đó có phản ứng của Nicôđêmô (Laurence Olivier) và Giuse Arimathea (James Mason), của những môn đệ thân tín có đức tin chân chính nhưng nông cạn, của những người ủng hộ vô danh trong đám đông tụ tập trước dinh Philatô vào Thứ Sáu Tuần Thánh, của những người công nhận Chúa Giêsu là một nhà tiên tri hoặc thánh nhân, nhưng không nhất thiết phải là Đấng Mêsia hay Con Thiên Chúa.

Diễn viên xuất sắc

Những phản ứng này được mô tả song song với một loạt các phản ứng đối với Gioan Tẩy Giả ‘bốc lửa’ (do Michael York thủ vai), trong đó có Hêrôđê Antipas yếu đuối và bị tổn thương (Christopher Plummer). Bị cuốn hút bởi lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả và nhận thức tội lỗi của mình, Hêrôđê đã lặp đi lặp lại lời "Hãy ăn năn" nhưng với giọng điệu chế giễu khi đùa cợt người vợ Hêrôđiađê đang giận dữ (Valentina Cortese) bằng những nụ hôn - đây chính là điển hình cho sự phức tạp về tâm lý và tính thuyết phục của các nhân vật đang bị thách thức về mặt đạo đức.

Bộ phim đã mô tả một Philatô (Rod Steiger) rối trí, mất tập trung; một Simon Phêrô (James Farentino) mạnh mẽ mà đau đớn vì ý thức mình bất xứng; một Matthêu người thu thuế (Keith Washington) tỏ ra thờ ơ cách tinh vi đối với tình trạng bị loại trừ của mình để che giấu một nỗi khao khát được xã hội chấp nhận; và một Baraba (Stacy Keach) cách mạng, có cuộc đối thoại hư cấu với Chúa Giêsu - là một trong những khoảnh khắc rất chân thành của Đấng Cứu Độ.

Chúa Giêsu và Philatô

Những hư cấu đáng lo ngại

Tuy nhiên, sự khởi sắc táo bạo theo hướng văn hóa Do Thái có lẽ cũng chính là một khởi hành đáng lo ngại nhất của bộ phim khi thuật lại ​​câu chuyện Kinh Thánh. Bộ phim này đã ‘ân xá’ gần như hoàn toàn cho Giuđa Iscariot (Ian McShane). Giuđa ở đây đã không bị coi như một kẻ phản bội tồi tệ vì hắn đã bị thao túng bởi Zerah (Ian Holm) - một thành viên của Hội đồng tối cao Do Thái chủ mưu tìm cách cho Philatô bắt giữ, xét xử và kết án Đức Giêsu, cùng với việc canh giữ ngôi mộ sau khi Ngài bị đóng đinh.

Ở đây, cũng như ở một số bộ phim khác, Giuđa được tưởng tượng như một người nhiệt thành và một nhà trí thức tinh tế, một người hy vọng rằng Đức Giêsu sẽ giải cứu Dân Israel khỏi tay người Roma, nên sau đó Giuđa đã thất vọng vì viễn tượng thiên sai không mang tính cách mạng dân tộc của Đức Giêsu. Cuối cùng, thay vì mô tả Giuđa phản bội Chúa Giêsu vì ham tiền, bộ phim đã cho thấy hắn chỉ nhắm sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với Caipha, tại đó Giuđa hy vọng Đức Giêsu sẽ làm sáng tỏ đường hướng cứu dân cứu nước của mình. Bộ phim đã mô tả Giuđa khác với sách Tin Mừng.

Chúa Giêsu và Giuđa

Thêm vào đó, Maria Mađalêna (Anne Bancroft), lại bị mô tả như một gái điếm - giống như truyền thống phương Tây thời Trung cổ. Bộ phim trình bày như thế nhằm diễn tả sự khước từ của xã hội đối với tội nhân và những kẻ bên lề xã hội - là đối tượng của lòng Chúa thương xót. Một trong những khoảnh khắc đáng nói đến, đó là cuộc đối thoại giữa Mađalêna với một ông khách - người đã vui vẻ kể cho cô ấy nghe về một nhà tiên tri ăn uống tự nhiên với những tên trộm và gái điếm. "Đàn ông sẽ luôn tha thứ cho đàn ông," Maria cay đắng nói, "nhưng đối với tội lỗi của phụ nữ - thì đó lại là chuyện khác." Ông khách trả lời: "Điều này hẳn là đúng đối với hầu hết mọi người, nhưng không đúng với nhà tiên tri ấy đâu!"

Nhân tính và thần tính của Đức Giêsu

Trước khi bộ phim được phát hành, những người theo chủ nghĩa cực đoan như Bob Jones III đã lo ngại rằng: Bộ phim ‘Giêsu Nadarét’ sẽ kịch hóa nhân tính của Chúa Giêsu một cách báng bổ đến mức loại trừ thần tính của Người. Nhưng điều này hóa ra là không có căn cứ, không đúng.

Hẳn là vì quan tâm đến thần tính của Chúa Giêsu nên Zeffirelli đã bỏ qua một số chi tiết được đặc biệt nhắc đến trong Phúc Âm. Bất chấp thời lượng dài hơn 6 giờ, Zeffirelli đã bỏ qua sự kiện Satan cám dỗ Chúa Giêsu nơi hoang địa, mặc dù chuyện đó được cả ba Phúc âm Nhất lãm kể lại và gắn liền với phép rửa của Gioan. Rồi khi Chúa cho Ladarô sống lại, đạo diễn đã không cho thấy cảnh Chúa Giêsu khóc trước đó (một trong những khoảnh khắc rất nhân văn trong Phúc âm Gioan, và nổi tiếng là câu ngắn nhất trong Kinh thánh). Và trong cuộc khổ nạn, đạo diễn đã không cho thấy Chúa ngã, cũng không cho thấy Simon xứ Xirênê giúp Chúa vác thập giá.

Những nét độc đáo

Phải công nhận rằng: Powell – diễn viên đóng vai Chúa Giêsu – đã có khả năng diễn đạt cảm xúc cách đặc biệt khi kể các dụ ngôn. Trong phân cảnh nổi bật lấy bối cảnh bữa tiệc ồn ào tại nhà Matthêu, Chúa Giêsu đến dự bữa tiệc này của những kẻ thu thuế nên đã gây thất vọng cho Phêrô, là người đã coi Matthêu như kẻ thù của mình. Khi ấy, Chúa Giêsu đã khiến cho khán giả say mê khi chân thành kể dụ ngôn ‘Người con hoang đàng’, để cuối cùng đã giải hòa được giữa Phêrô và Matthêu, giống như hai đứa con trong dụ ngôn đã hòa giải được với nhau.

Trong phân cảnh Truyền tin cho Đức Maria, Zeffirelli đã cho thấy tài năng của ông khi mô tả sự can thiệp của quyền lực siêu nhiên. Thay vì trực tiếp miêu tả quyền lực này, ông đã gợi ý bằng cách cho thấy con người đã phải ‘tê liệt’ trước sức mạnh siêu nhiên. Qua bà Thánh Anna (Regina Bianchi) - mẹ của Đức Maria, chợt thức giấc vào ban đêm, chúng ta chứng kiến được ​​một nửa cuộc đối thoại giữa Đức Maria với một thiên thần - mà chỉ Đức Maria mới nhìn thấy và nghe thấy. Tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là một tia sáng của mặt trăng chiếu qua cửa sổ trên cao; và trong sự im lặng lắng nghe của Đức Maria, chúng ta chỉ nghe thấy tiếng chó sủa ở đằng xa.

Chính nỗi kinh hãi của Đức Maria, sự mất phương hướng ban đầu của Mẹ (được truyền tải qua những cảnh quay diễn tả góc nhìn của Đức Maria khi thức giấc) và sự tuân phục tuyệt vời của Mẹ đã khiến trải nghiệm tôn giáo của Đức Maria trở thành hiện thực. Đó là cách diễn tả đầy nghệ thuật về biến cố Truyền tin.

Những đặc sắc và những bất toàn

Ít phút sau, Zeffirelli đã thể hiện cảnh truyền tin cho Giuse, mô tả Giuse đang ngủ trong ánh sáng ban ngày, sau đó trằn trọc cho đến khi ngã ra khỏi giường - lúc đó chúng ta nghe thấy giọng nói của thiên thần phán bảo với Giuse, khi Giuse đang thức chứ không phải đang ngủ như Tin Mừng đã xác định!

Về cảnh quay Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, Zeffirelli đã không gợi lên được trải nghiệm tôn giáo hoặc cảm giác mạc khải siêu linh khi mô tả Gioan Tẩy Giả (Michael York) chứng giám những lời Chúa Cha dành cho Con yêu dấu của mình.

Nhưng bản năng kịch tính của Zeffirelli đã giúp anh thành công khi mô tả các phép lạ của Chúa Giêsu: những cử động ban đầu của người bại liệt vừa được chữa khỏi; hình ảnh mơ hồ của ánh sáng phản chiếu trên mặt nước khi đôi mắt của người mù (Renato Rascel) bắt đầu mở ra; và tinh tế nhất là chuyển động mắt qua lại dưới đôi mi khép hờ của con gái ông Giairô (Renato Montalbano) được Chúa Giêsu cho sống lại.

Có những khi đạo diễn Zeffirelli dường như kết thúc những cảnh quay không được hiệu quả cho lắm, có lẽ một phần vì thời gian trình chiếu có hạn (phim này ban đầu được thực hiện thành nhiều tập để xem trên TV), nên có nhiều cảnh thần kỳ phải kết thúc cách đột ngột, chẳng hạn cảnh Ladarô tội nghiệp, sống lại từ cõi chết, nhưng lại bị bỏ mặc trong những cuộn vải mai táng, và thậm chí người xem còn không nghe thấy câu: “Hãy cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi…”

Điều thú vị của bộ phim chính là sự hài hòa giữa Ba Phúc âm Nhất lãm và Tin Mừng Gioan. Đạo diễn đã chọn lời tuyên xưng của Phêrô về Chúa Giêsu làm bước ngoặt chuyển đổi – chuyển từ việc giữ bí mật sứ mạng của Chúa Giêsu theo Tin Mừng Nhất Lãm, sang việc bộc lộ công khai sứ mạng này theo Tin Mừng Gioan.

Tuy nhiên, mặc dù truyền thống Phúc Âm nói chung đã được bộ phim xử lý một cách tinh tế, vẫn còn có một số cách diễn đạt không thể giải thích được. Một trong số rất nhiều bí ẩn đáng gây thất vọng của bộ phim, đó là tại sao Zeffirelli lại bỏ qua chuyến viếng thăm triều đình Hêrôđê của các đạo sĩ phương Đông, nhưng lại liên tục miêu tả Hêrôđê giận dữ và lo lắng về việc họ không đến gặp lại ông?

Một trong những đỉnh cao

Tuy nhiên, bất chấp những thiếu sót ấy, sức mạnh của bộ phim ‘Giêsu Nadarét’ vẫn là rất tiêu biểu, khiến cho bộ phim đáng được xem đi xem lại nhiều lần. Một tiếng rưỡi đầu tiên của bộ phim cho đến nay vẫn là đoạn phim tường thuật hay nhất về câu chuyện Giáng sinh và thời thơ ấu của Đấng Cứu Thế. Có những chi tiết hiếm khi được miêu tả trong các bộ phim khác, chẳng hạn như việc tìm thấy Trẻ Giêsu trong Đền thờ, đang say sưa chia sẻ Lời Chúa với những bậc đáng kính trong Dân Do Thái.

Trẻ Giêsu 12 tuổi lên Đền thờ Giêrusalem

Điều quan trọng nhất chính là chiều sâu và sự đồng cảm trong cách trình bày về bản sắc dân tộc của Đức Giêsu, với một toàn cảnh rộng lớn đậm nét văn hóa Do Thái của thời Chúa Giêsu. Đây là một nét đột phá, và sẽ rất khó có bộ phim nào sau này có thể sánh kịp.

Kết luận

Nếu Thiên Chúa dựng nên con người là để họ được ở với Chúa, chia sẻ mọi vinh quang hạnh phúc với Chúa, và đón nhận được chính Chúa là nguồn Chân Thiện Mỹ và là Tình Yêu tinh ròng, thì con người cũng được mời gọi mang lấy tình yêu của Chúa để ở với Chúa trong hành trình cứu độ của Ngài, cụ thể là cuộc đời dương thế của Đức Giêsu.

Và nếu ta không có được diễm phúc như các tông đồ khi xưa - được ở với Đức Giêsu và chính mắt mình trông thấy Ngài sinh sống tại chính những nơi Ngài hoạt động trong cuộc đời dương thế của Ngài, thì những bộ phim truyện về cuộc đời Đức Giêsu - như phim ‘Giêsu Nadarét’ này - sẽ phần nào bù đắp điều ấy cho chúng ta.

Những phim này tạo cơ hội cho mắt ta trông thấy trên màn ảnh: cảnh nhân vật Giêsu được sinh ra, lớn lên, rao giảng, làm phép lạ, chịu chết và sống lại ngay trong chính những địa điểm trên quê hương khi xưa của Đức Giêsu, với những y phục và phong tục Do Thái được dàn dựng lại giống hệt như thuở sinh thời của Đấng Cứu Thế.

Khi có thời gian xem phim cuộc đời của Đức Giêsu với ý thức đồng hành và sống với Đức Giêsu trong hành trình cứu độ của Ngài, ta sẽ được Ngài đổ tràn đầy tình yêu của Ngài vào trong trái tim ta để, mọi nơi mọi lúc, ta đều có thể thông phần vào cuộc thương khó của Đức Giêsu mà góp phần mang ơn cứu độ cho các linh hồn.

Lm Giuse Vi Hữu (TGPSG)

Tham khảo:

- W. Barnes Tatum, Jesus of the movies, Tolebridge Press, 1997.
- Lloyd Baugh, Jesus and Christ-Figure in Film, Sheed & Ward, Kansas City 1997.
- Steven D. Greydanus, ‘Jesus of Nazareth’ Turns 40, NCR 2017.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây