GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Yêu hay “chiếm đoạt” người mình yêu?

yêu hay chiếm đoạt 1078x516

yêu hay chiếm đoạt 1078x516

Yêu hay “chiếm đoạt” người mình yêu?

 

 

Trước hết, xin độc giả đừng ngạc nhiên khi đọc hai chữ “chiếm đoạt”. Động từ nghe rất khiếm nhã nhưng chủ đích là để gây chú ý người đọc về một đề tài cũ như trái đất, với cái nhìn thực tế và nghiêm túc hơn đề tựa. Chúng tôi muốn tận dụng những nhận xét mắt thấy tai nghe hơn 40 năm hành nghề tâm lý lâm sàng và bác sĩ gia đình để trao gửi đến các bạn trẻ chưa lập gia đình một số những kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến tình yêu, hôn nhân, và gia đình với hy vọng các bạn không cảm thấy mình bị hối hận khi bước vào khu vườn tình yêu nhiều hoa thơm cỏ lạ, nhưng cũng nhiều gai góc. Đây là những suy tư chân thành, như những người anh nói với các em, gái cũng như trai, vì thế rất thực tế. Chúng chính là những viên đá đầu tiên xây nền móng kiến tạo một gia đình yêu thương hạnh phúc bền vững.

Tình yêu là một tặng vật cho và nhận giữa hai người yêu nhau. Nhưng ở một nghĩa nào đó, để “chiếm hữu” được tình yêu, chúng ta phải “tranh dành”, phải nỗ lực, phải dùng đến lý trí.

Muốn “chiếm đoạt ”? Vâng, sẽ thành công nhưng phải từ từ, đốt giai đoạn như những cặp yêu nhau “sét đánh”, vừa gặp nhau là đã yêu nhau đắm đuối, rồi cưới nhau sống hạnh phúc cả đời. Đó là những trường hợp chỉ có trong tiểu thuyết hay phim ảnh, có lẽ cũng có thật nhưng tính khả thi như trúng vé số tự chọn Hoa Kỳ.

Về mặt tâm lý, mỗi người đều mang hội chứng tự mê (Narcissisme), nếu trong trạng thái nhẹ, ta xem là bình thường, tự nhiên, nhưng nếu trở nên nghiêm trọng, hội chứng này có mầm mống dẫn đến tâm lý chiếm đoạt, vì ta tự cho mình nổi trội, phi thường, đẹp, hấp dẫn và có khả năng thu hút, chinh phục, khiến người khác phải lệ thuộc, phải đi theo mình. Người mang hội chứng này, ngoại trừ suốt ngày tất cả chú ý đều phục vụ cho tự mê, người đó còn chú tâm vào việc chăm sóc bản thân, yêu mình, nói về mình, về sự thông minh, tài giỏi và thành đạt của mình.  

Tóm lại, tình yêu, hôn nhân, và hạnh phúc gia đình không lệ thuộc nhiều ở sự thu hút hoặc cái nhìn đầu tiên, ở những háo hức và cảm tình ban đầu. Và ý tưởng chiếm đoạt đúng nhất, trưởng thành nhất là ý tưởng làm sao để mình có thể chinh phục, và thu hút được con tim người mình yêu. 

Trước hết xin đề nghị bỏ vĩnh viễn chữ chiếm đoạt theo nghĩa tiêu cực như bạo lực, mưu mánh, và dối gạt. Vội vàng, nôn nóng muốn có nhau, muốn thuộc trọn về nhau cả thân xác và tâm hồn đều rất nguy hiểm vì nó sẽ dẫn chúng ta đi vào những cạm bẫy của bản năng, của tình cảm, của dục vọng hơn là tình yêu và sự chờ đợi trong yêu thương.

Nhưng làm thế nào để xây dựng một tình yêu tốt đẹp, để kiến tạo một gia đình hạnh phúc từ khi mới gặp nhau? Thông thường có thể chia làm 6 giai đoạn :

– Gặp gỡ.
– Tìm hiểu.
– Hẹn hò.
– Yêu nhau.
– Hôn nhân.
– Xây dựng gia đình yêu thương, hạnh phúc.

Tất cả 6 giai đoạn đều có một mẫu số chung, có thể xem như một nguyên tắc nhất quán sống suốt đời, vì thế bài viết có thể áp dụng cho một cô gái hay một chàng trai muốn chủ động : YÊU LÀ CHO ĐI, LÀ HY SINH, LÀ CHẤP NHẬN.

1. Gặp gỡ

Ngày nay nam nữ quen nhau không do mai mối. Họ gặp nhau do công ăn việc làm, do sinh hoạt chung, do môi trường học đường, do giao tiếp xã hội. Hai bên đều có dịp quan sát nhau trong tình huống tự nhiên nhất. Ngoài ra cũng có khi do gia đình hay người thân giới thiệu.

 Xã hội đổi thay đến chóng mặt. Phương tiện truyền thông đang rất phát triển cách đa dạng và phong phú, bài viết không đề cập trực tiếp các cuộc gặp gỡ qua mạng (internet). Cũng không khuyến khích việc tìm người yêu trên mạng, vì rất nhiều yếu tố bao gồm kỹ thuật, tâm lý, và sự lừa đảo với chủ ý “chiếm đoạt”.   

 Giai đoạn này không nên kéo dài và bên chủ động hãy kiềm chế không tỏ ra quá chú tâm. Kinh nghiệm người xưa đã nói: “Cưới vợ thì cưới liền tay. Chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha”. Sự chê bai, dèm pha có thể xảy ra từ chính thái độ do dự, thiếu quyết tâm của mình, và dĩ nhiên cũng đến từ lòng ghen tỵ hoặc chê bai của người khác.  

2. Tìm hiểu 

Khi hai người bắt đầu để ý đến nhau, cảm thấy phần nào bị thu hút bởi nhau, điều gì họ cần tìm hiểu thêm để có thể dẫn đến một tình yêu tốt đẹp?

Có nhiều điều hai bên cần tìm hiểu như tính tình, học thức, nghề nghiệp, tuổi tác, quan điểm sống, và hoàn cảnh gia đình. Không thể nói: “Yêu nhau đi và mình yêu nhau nhé”, rồi không quan tâm đến những điểm này. Nhiều người cũng thường nói “tình yêu không phân biệt tuổi tác, giầu nghèo, sang hèn, có kiến thức hay không có kiến thức”. Thật ra, đó chỉ là những lời biện minh cho những cảm tình mù quáng và những thôi thúc dục vọng khi hai người nghĩ rằng mình đang yêu nhau và dành cho nhau một tình yêu trân quí.

Một trong những điểm thực tế khác nữa nhưng ít người để ý theo quan niệm của người Á Đông nhưng cũng phản ảnh tâm lý sống, đó là vai thứ trong gia đình của một người. Mỗi trường hợp, khi là người cả, út hay thứ giữa, hoặc con một, thường mỗi vai thứ có một tâm lý khác nhau. Ở đây chúng tôi chỉ đưa ra một vài nhận định tổng quát.

Tại sao vai thứ anh em trong nhà quan trọng? Đây là một điều chính yếu hướng cho mọi hành động kế tiếp trong quan niệm hôn nhân và đời sống chung sau này.

 – Anh / chị cảNhững người con cả thường có tâm lý được cưng chiều, được hưởng trọn vẹn tình thương cha mẹ dành cho đứa con thứ nhất. Theo truyền thống văn hóa Việt, những người con cả mà lại là con trai thường được trao cho sứ mệnh là người sẽ nối dõi tông đường. Trong vai này, nếu đứa thứ hai cách khoảng xa, thì thời gian được nuông chiều càng nhiều, đôi khi quá mức. Nếu chỉ 1-2 năm, “con một” ít ảnh hưởng hơn.

Tâm lý thứ hai, người con cả trong gia đình đông con thường phải gánh vác nhiều trách nhiệm, theo quan niệm “quyền huynh thế phụ” của người Việt Nam. Trong vai trò này người anh/chị cả cần gì ?

Phải chăng vừa được nuông chiều, vừa chia sẻ, gánh vác trách nhiệm, đối với các em và gia đình!

Đặc tính con trưởng, trong ảnh hưởng văn hóa Á Đông ít nhiều phản ảnh cung cách và lối sống sau này khi kết hôn. Nó cũng là điểm tích cực nếu sau này người chồng tỏ ra là người có thể chiều chuộng và cũng là một bờ vai vững chắc hầu chia sẻ gánh nặng trong gia đình. Nhiều cuộc hôn nhân đã đi đến chỗ đổ vỡ vì người chồng một mặt phải lo toan cho gia đình nhỏ bé của mình, mặt khác lại phải gánh vác trách nhiệm của đại gia đình, đặc biệt, phải bao bọc, che chở cho những người em hư hỏng, lười biếng, và sống thiếu trách nhiệm.

  Con út:  Thường được nuông chiều, nhất là được sinh ra khi cha mẹ ở tuổi già. Tuy nhiên, sự cưng chiều của cha mẹ có khi lại đem đến hậu quả từ những tỵ hiềm, ích kỷ của anh chị qua câu ca dao: “Giầu con út, khốn khó con út!” Câu nói được hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Do đó, người con út, thường có tâm lý ỷ lại, thiếu cố gắng, và trong một khía cạnh nào đó dễ bị anh chị em bỏ rơi, nhất là trong gia đình có nhiều anh chị em.   

  Con giữa: Trong gia đình, những người con giữa thường bị thiệt thòi nhất, cô đơn, có khuynh hướng thích tự lập, ưa tò mò, tìm hiểu những thú vui ngoài gia đình. Đây là những con người có nhiều kinh nghiệm sống và dễ dàng lăn lộn với đời. Tuy nhiên, lại là những con người có nhiều cá tính và khó thuyết phục.   

 – Con một: Tâm lý những người này bao gồm vừa được cưng chiều, vừa được bao bọc.  Con một trong gia đình nghèo cũng như gia đình giầu có thường có mẫu số chung là “Có nhiều mà tốt, có một mà hư”, nên thường là ươn lười, sống tình cảm, ưa dựa dẫm, thiếu sáng kiến, thiếu kiên nhẫn và chịu đựng. 

3. Hẹn hò 

Hẹn hò là thời gian đẹp nhất, lãng mạn nhất, và dễ yêu nhất trong tiến trình tìm hiểu, tiến tới hôn nhân. Hồ Dzếnh đã diễn tả rất hay những thẹn thùng, e ấp, chờ mong, nhung nhớ của thời gian này :

 Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần…
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!
[….]
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách – cố nhiên! – nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở

……

 Nhưng xin chậm chậm ! Hãy để tình yêu và tình cảm phát triển một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Khi đã sẵn sàng thì việc tìm hiểu, hẹn hò, sẽ hoàn toàn tích cực theo hướng của tình yêu. Khó ai cưỡng lại vì gần như một phản xạ được ân ban từ nhỏ. Từ hai tháng tuổi đứa bé bình thường nào cũng mỉm cười trả lời khi có người nào cười với nó.

4. Yêu nhau 

Nếu đôi trai gái hợp nhau qua những bước như trên thì gần như lẽ tự nhiên, tình yêu sẽ đem họ lại với nhau.

Họ sẽ đến với nhau bằng một tình yêu tự nhiên, tình yêu của hai trái tim biết đập cùng một nhịp. Nó đến từ hai phía như hai người bước tới với nhau từ hai điểm của một đường thẳng. Anh bước lại với em một bước, và em bước lại với anh một bước. Không mù lòa, bốc cháy, và bị thiêu đốt do tình cảm dục vọng. Cũng không phải một thứ tình một chiều, chạy trốn mà một người phải dùng đến những mưu kế để chiếm đoạt !

“Đố ai định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.” (Xuân Diệu)

Một tình yêu trong sáng, nhẹ nhàng, nhưng bền bỉ và thủy chung.

5. Hôn nhân  

Chuyện gì đến sẽ đến. Hôn nhân là kết quả của tình yêu mà hai người yêu nhau chân thành muốn có. Nó nối buộc, nó hòa quyện, nó đem hai tâm hồn và hai thân xác của những kẻ yêu nhau lại với nhau, và một tương lai hạnh phúc sẽ mở rộng trước mặt. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Đây không phải là một nối buộc gò bó, chiếm đoạt, và cưỡng bức. Một cuộc hôn nhân mà kẻ chiếm đoạt và người bị chiếm đoạt đều không hạnh phúc. 

6. Xây dựng gia đình yêu thương, hạnh phúc 

Nhưng hôn nhân chỉ là khởi đầu một cuộc sống gia đình, sẽ có bao nhiêu thử thách, hy sinh đang chờ đợi hai người.

Cưới nhau không phải tự nhiên để có một gia đình đầm ấm như một cái cúp thưởng, hay cái bình pha lê cho dù tốt đẹp bấy nhiêu đi nữa. Mái ấm gia đình không phải là “ túp lều lý tưởng với hai quả tim vàng”. Sau khi kết hôn đôi lứa chỉ có đủ nguyên liệu để xây dựng một gia đình hạnh phúc, rồi sẽ có con, lập một tổ ấm. Tất cả là một con đường dài, đầy chông gai nhưng cũng đầy niềm vui như dự án Đấng Tạo Dựng cho con người trên thế gian.

Kết luận

Sẽ có những bạn trẻ và độc giả nói với chúng tôi: “Các người sống ở thế hệ trước, thế hệ già nua và lễ nghĩa, phiền phức. Yêu là đắm đuối, là say mê, là cuống quýt, là nhớ thương chất ngất. Ai có giờ đâu mà phải tìm hiểu, phải đắn đo, phải cân nhắc. Như vậy không phải là yêu. Yêu là cho đi tất cả, là hưởng thụ tất cả.”

Rất tiếc yêu theo kiểu “mì ăn liền” ấy không phải là yêu. Và hôn nhân xây dựng trên những yếu tố ấy sẽ là một cuộc hôn nhân bệnh hoạn, sẽ đi đến đổ vỡ và đem lại rất nhiều hệ lụy cho cuộc sống. Các bạn hãy tin chúng tôi đi. Những điều chúng tôi chia sẻ với các bạn không chỉ là những lý thuyết, những bài học luân lý mà chúng tôi đã học từ các thế hệ trước, nhưng còn là những kinh nghiệm mà chúng tôi đã phải mua bằng những giọt mồ hôi, nước mắt, và những giọt máu con tim.  

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây