GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Diễn văn của ĐTC Phanxicô với các linh mục, tu sĩ, phó tế, giáo lý viên của Giáo hội Sýp (02-12-2021)

03122021DTCdocdienvan

03122021DTCdocdienvan

Diễn văn của ĐTC Phanxicô với các linh mục, tu sĩ, phó tế, giáo lý viên của Giáo hội Sýp (02-12-2021)

03/12/2021
ĐTC Phanxicô mời gọi các linh mục, tu sĩ, phó tế, giáo lý viên của Giáo hội Sýp, theo gương thánh Barnaba: Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cần sự kiên nhẫn và sống tình huynh đệ.

Tôi rất vui được ở đây giữa anh chị em. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn Đức Hồng y Béchara Boutros Raï về những lời tốt đẹp của ngài dành cho tôi, và gửi lời chào thân ái đến Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa. Cám ơn tất cả anh chị em về thừa tác vụ và sự phục vụ anh chị em đang thực hiện, đặc biệt cám ơn các nữ tu, về hoạt động giáo dục mà các chị đang thực hiện trong các trường học, nơi có nhiều trẻ em trên đảo tham gia. Đây là nơi gặp gỡ, đối thoại và học biết nghệ thuật xây những cây cầu. Cám ơn tất cả anh chị em vì sự gần gũi của anh chị em với mọi người, đặc biệt trong bối cảnh xã hội và công việc có nhiều khó khăn.

Tôi xin chia sẻ với anh chị em niềm vui khi đến thăm vùng đất này và hành trình như một người hành hương theo vết chân vị Tông đồ vĩ đại Barnaba, người con của dân tộc này, môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến và một người loan báo Tin Mừng dũng cảm. Khi đến thăm các cộng đoàn mới được khai sinh, thánh Tông đồ đã thấy ân sủng Chúa đang hoạt động; ngài vui mừng và “khuyên nhủ mọi người bền lòng gắn bó cùng Chúa” (Cv 11, 23). Tôi đến đây cùng với ước muốn đó: thấy ân sủng Chúa đang hoạt động trong Giáo hội và trong vùng đất của anh chị em, để vui mừng với anh chị em về những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện, và mời gọi anh chị em luôn kiên trì, không mệt mỏi hay nản lòng. Thiên Chúa vĩ đại hơn những mâu thuẫn của chúng ta.

Khi nhìn anh chị em, tôi thấy sự đa dạng phong phú của anh chị em. Xin chào Giáo hội Maronite, trong nhiều thế kỷ đã đến đảo nhiều lần và thường trải qua nhiều thử thách, đã kiên vững trong đức tin. Khi nghĩ về Libăng, tôi rất lo ngại cho cuộc khủng hoảng mà đất nước đang phải đối mặt. Tôi cảm nhận những đau khổ của một dân tộc mệt mỏi và bị thử thách bởi bạo lực và đau khổ. Tôi cầu nguyện cho khát vọng hòa bình trỗi dậy từ trái tim của đất nước đó. Cám ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đang làm ở đây tại Sýp. Cây tùng tuyết của Libăng được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh như một ví dụ về vẻ đẹp và sự hùng vĩ. Nhưng ngay cả cây tùng tuyết vĩ đại cũng mọc lên từ rễ và từ từ đâm chồi. Anh chị em là những gốc rễ đó, được bứng trồng ở Sýp để lan tỏa hương thơm và vẻ đẹp Tin Mừng. Cám ơn anh chị em!

Tôi cũng xin chào Giáo hội Latinh, hiện diện ở đây hàng thiên niên kỷ, theo thời gian, đã chứng kiến lòng nhiệt thành đức tin, cùng với sự tăng trưởng của con cái Giáo hội. Ngày nay, nhờ sự hiện diện của nhiều anh chị em di cư, đã thể hiện như một dân tộc “đa sắc”, một nơi gặp gỡ thực sự giữa các dân tộc và nền văn hóa khác nhau. Khuôn mặt Giáo hội này phản ánh vai trò của Sýp trong lục địa châu Âu: một vùng đất của những cánh đồng vàng, một hòn đảo được sóng biển vỗ về, nhưng trên hết là lịch sử của các dân tộc gắn bó nhau, một bức tranh của những cuộc gặp gỡ. Giáo hội cũng vậy, công giáo, nghĩa là phổ quát, là một không gian rộng mở, trong đó tất cả mọi người đều được chào đón và quy tụ bởi lòng thương xót và lời mời gọi yêu thương của Chúa. Trong Giáo hội Công giáo không có những bức tường. Không được quên điều này. Không có ai trong chúng ta được gọi đến đây để lôi kéo như những người thuyết giáo. Lôi kéo người khác là sự khô cằn, không trao ban sự sống. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi bởi lòng thương xót của Chúa, Đấng không bao giờ mệt mỏi kêu gọi, ở gần, tha thứ. Nguồn gốc ơn gọi Kitô của chúng ta ở đâu? Trong lòng thương xót Chúa, đừng bao giờ quên điều đó. Chúa không thất vọng; Lòng thương xót của Người không làm chúng ta thất vọng. Người luôn chờ đợi chúng ta. Xin đừng bao giờ có bức tường trong Giáo hội Công giáo. Giáo hội là ngôi nhà chung, là nơi của những tương quan, là sự chung sống trong đa dạng. Và trong sự đa dạng đó có sự phong phú của hiệp nhất. Và ai làm nên sự hiệp nhất? Chúa Thánh Thần. Và ai làm nên sự đa dạng? Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta hiểu được. Thánh Thần là tác giả của sự đa dạng và là tác giả của sự hài hòa. Thánh Thần là Đấng tạo nên sự đa dạng của các hồng ân và sự hiệp nhất hài hòa của Giáo hội.

Anh chị em thân mến, giờ đây tôi muốn chia sẻ với anh chị em đôi điều về thánh Barnaba, người anh và đấng bảo trợ của anh chị em, bằng những từ mô tả cuộc đời và sứ vụ của ngài.

Đầu tiên là kiên nhẫn. Về thánh Barnaba, chúng ta nói ngài là một người vĩ đại của đức tin và quân bình được chọn bởi Giáo hội ở Giêrusalem – có thể nói Giáo hội Mẹ, là người thích hợp nhất để đến thăm một cộng đoàn mới, cộng đoàn Antiôkhia, được hình thành từ một số người mới trở lại. Thánh Barnaba được cử đi xem chuyện gì đang xảy ra. Ở đó, ngài thấy những người đến từ một thế giới, một nền văn hóa khác, một sự nhạy cảm tôn giáo khác. Họ là những người vừa có một trải nghiệm thay đổi cuộc đời, có một đức tin đầy nhiệt thành, nhưng vẫn còn mong manh. Trong hoàn cảnh này, thái độ của thánh Barnaba là sự kiên nhẫn: đó là sự kiên nhẫn không ngừng lên đường; kiên nhẫn để bước vào cuộc sống của những người cho đến nay chưa được biết đến; kiên nhẫn để chấp nhận những gì là mới, không vội vàng phán xét; kiên nhẫn của sự phân định, biết nắm bắt những dấu hiệu hoạt động của Chúa ở khắp mọi nơi; kiên nhẫn để “nghiên cứu” các nền văn hóa và truyền thống khác. Trên hết, thánh Barnaba có sự kiên nhẫn đồng hành: ngài không áp đặt đức tin mong manh của những người mới đến bằng thái độ khắt khe và thiếu linh hoạt, hoặc bằng cách đưa ra những đòi hỏi quá nhiều về việc tuân thủ các giới luật. Ngài đồng hành cùng họ, cầm tay và đối thoại với họ. Thánh Barnaba không bị tai tiếng, như một người cha và một người mẹ không bị tai tiếng bởi con cái. Cha mẹ đồng hành, giúp những người con lớn lên. Đừng bao giờ có trong tâm trí sự chia rẽ, và trong Giáo hội không được có sự lôi kéo, chiêu dụ. Hãy để Giáo hội phát triển và đồng hành. Nếu anh chị em phải khiển trách một ai đó thì sao? Hãy làm với tình yêu, với bình an. Con người của sự kiên nhẫn.

Chúng ta cần một Giáo hội kiên nhẫn. Một Giáo Hội không để cho mình bị xáo trộn và bối rối trước những thay đổi, nhưng thanh thản đón nhận tính mới lạ và phân định những tình huống dưới ánh sáng Tin Mừng. Trên hòn đảo này, công việc anh chị em làm trong việc chào đón những anh chị em mới đến từ những bờ biển khác của thế giới thật là quý giá. Giống như thánh Barnaba, anh chị em cũng được kêu gọi để vun trồng một cái nhìn kiên nhẫn và chú ý, để trở thành những dấu hiệu dễ thấy và đáng tin cậy của sự kiên nhẫn của Chúa, Đấng không bao giờ để bất cứ ai bên ngoài ngôi nhà, ngoài vòng tay yêu thương của Người. Giáo hội Sýp cũng có những vòng tay rộng mở này: chào đón, hội nhập và đồng hành. Đây cũng là một sứ điệp quan trọng đối với Giáo hội khắp châu Âu, nơi được đánh dấu bằng cuộc khủng hoảng đức tin. Không cần phải bốc đồng và nóng nảy, hoài cổ hoặc than phiền, nhưng tốt hơn hãy tiến về phía trước, đọc các dấu hiệu của thời đại cũng như các dấu hiệu của cuộc khủng hoảng. Cần phải bắt đầu lại việc loan báo Tin Mừng với lòng kiên nhẫn, trên hết là cho thế hệ sau.

Các Giám mục, tôi muốn nói với anh em: hãy là những mục tử kiên nhẫn trong sự gần gũi, không mệt mỏi tìm kiếm Chúa trong cầu nguyện, gặp gỡ các linh mục, các anh chị em của các hệ phái Kitô khác với sự tôn trọng và ân cần, các tín hữu nơi họ đang sinh sống.

Các linh mục thân mến, tôi muốn nói với anh em: hãy kiên nhẫn với các tín hữu, luôn sẵn sàng khuyến khích họ, hãy là những thừa tác viên không biết mệt mỏi về sự tha thứ và lòng thương xót của Chúa. Đừng bao giờ là những quan toà khắt khe, nhưng luôn là những người cha yêu thương. Khi tôi đọc dụ ngôn về người con hoang đàng … Người anh cả là một quan tòa nghiêm khắc, nhưng người cha nhân hậu, là hình ảnh của người Cha luôn tha thứ: luôn chờ đợi để tha thứ cho chúng ta! Năm ngoái, một nhóm bạn trẻ thực hiện một buổi trình diễn, nhạc pop, về câu chuyện dụ ngôn người con hoang đàng … Rất hay! Nhưng hay nhất là cuộc thảo luận cuối cùng, khi người con hoang đàng đến gặp một người bạn và nói: “Tôi không thể tiếp tục như thế này. Tôi muốn quay trở về nhà nhưng tôi sợ cha tôi đóng cửa lại, xua đuổi tôi. Và nỗi sợ hãi này, tôi không biết phải làm thế nào… Hãy viết thư cho cha bạn và nói với ông rằng bạn muốn trở về nhưng bạn sợ cha bạn sẽ không đón nhận bạn. Hãy nói với cha bạn rằng nếu ông muốn đón nhận bạn thì hãy treo một chiếc khăn ở cửa sổ cao nhất của ngôi nhà”. Rồi người con lên đường trở về. Khi gần tới nhà, anh thấy ngôi nhà đầy những chiếc khăn màu trắng.  Đây là Chúa chúng ta. Người không bao giờ mệt mỏi tha thứ. Và khi người con bắt đầu nói, thì người cha đã không để anh nói tiếp. Xin các linh mục đừng khắt khe trong việc xưng tội. Khi anh em thấy một người nào đó đang gặp khó khăn hãy nói: “Tôi hiểu. Tôi hiểu rồi”. Đây là “trái tim của cha”, như trái tim của người cha là Thiên Chúa. Công trình của Chúa hoàn thành nơi mỗi người là một “lịch sử thánh thiêng”: chúng ta hãy say mê hoạt động này. Trong muôn vàn hình thức khác nhau của dân chúng, sự kiên nhẫn cũng có nghĩa là anh em có đôi tai và trái tim rộng mở để đón nhận những nhạy cảm tâm linh khác nhau, những cách thể hiện đức tin, những nền văn hóa khác nhau. Giáo hội không đồng nhất hoá, nhưng hòa nhập với sự kiên nhẫn. Đây là điều với ân sủng Chúa, chúng ta muốn đạt được trên tiến trình hiệp hành: cầu nguyện kiên nhẫn và kiên nhẫn lắng nghe, cho một Giáo hội ngoan nguỳ với Chúa và mở ra với nhân loại.

Trong lịch sử của thánh Barnaba, có một khía cạnh quan trọng thứ hai mà tôi muốn nhấn mạnh: cuộc gặp gỡ giữa ngài với Phaolô thành Tarsô và tình bạn huynh đệ của họ, giúp họ cùng nhau thực hiện sứ vụ. Sau khi Phaolô trở lại, “mọi người đều sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ” (Cv 9,26), vì trước đây ông là kẻ bắt bớ các tín hữu. Ở đây Sách Công Vụ Tông đồ cho chúng ta biết một điều rất hay: “Barnaba đưa Phaolô đi cùng với ông” (c. 27), đưa ông đến với cộng đoàn, thuật lại những gì đã xảy ra với ông và bảo lãnh cho ông. Chúng ta hãy lắng nghe những lời đó, “ông đưa Phaolô đi cùng với ông”. Điều này gợi lên sứ vụ của chính Chúa Giêsu, vì Người đã đưa các môn đệ đi theo Người qua các đường phố của Galilê và mang lấy nhân loại của chúng ta bị thương tích bởi tội lỗi. Đó là thái độ của tình bạn và chia sẻ cuộc sống. Đưa đi cùng có nghĩa là cùng mang lấy lịch sử của người khác, dành thời gian để hiểu biết họ, không dán nhãn, mang họ trên vai khi họ mệt mỏi hoặc bị thương, như người Samari nhân hậu đã làm (Lc 10, 25-37). Đây là tình huynh đệ.

Barnaba và Phaolô, như hai anh em, cùng đi loan báo Tin Mừng, ngay cả khi bị bách hại. Tại Antiôkhia, “trong suốt một năm, họ đã gặp gỡ Giáo hội và giảng dạy cho rất nhiều người” (Cv 11, 26). Sau đó, theo ý muốn Thánh Thần, cả hai được dành riêng cho một sứ vụ lớn lao hơn, và vì vậy “họ đáp tàu đi đảo Sýp” (Cv 13,4). Lời Chúa tăng trưởng và lớn mạnh, không chỉ vì phẩm chất con người của hai ông, nhưng trên hết vì hai ông là anh em trong danh Chúa, và tình huynh đệ của họ làm cho giới răn yêu thương được toả sáng. Anh chị em khác biệt, giống như các ngón tay của một bàn tay, nhưng tất cả đều có cùng phẩm giá. Tất cả đều là anh chị em. Sau đó, như đã xảy ra trong cuộc sống, một sự kiện không mong đợi đã xảy ra: Sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta biết hai người có sự bất hoà và chia tay nhau (Cv 15,39). Giữa anh chị em cũng có những lần tranh luận và cãi nhau. Tuy nhiên, Phaolô và Barnaba không chia tay nhau vì lý do cá nhân, nhưng vì họ đang tranh luận về thừa tác vụ, về cách thi hành sứ vụ của họ, và họ có những cái nhìn khác nhau. Thánh Barnaba muốn đưa thánh Máccô đi loan báo Tin Mừng, nhưng Phaolô thì không muốn. Hai ông tranh luận, nhưng ở một số thư sau này của Phaolô, chúng ta thấy không còn sự oán giận giữa hai ông. Phaolô thậm chí còn viết thư cho Timôthê, người sau đó phải đến theo Phaolô: “Anh hãy mau mau đến với tôi… Anh hãy đem Máccô đi với anh, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi”(2 Tm 4, 9. 11). Đây là tình huynh đệ trong Giáo hội: chúng ta có thể tranh luận về những quan điểm, sự nhạy cảm và những ý tưởng khác nhau. Trong một gia đình, anh em thảo luận, thay đổi quan điểm. Tôi nghi ngờ những người không bao giờ tranh luận, bởi vì họ luôn luôn che giấu các chương trình nghị sự. Tình huynh đệ của Giáo hội là: chúng ta có thể thảo luận về quan điểm, sự nhạy cảm, những ý tưởng khác nhau. Trong một số trường hợp, thẳng thắn nói ra có thể hữu ích, vì đó là cơ hội để trưởng thành và thay đổi. Không nói sau lưng, điều này chẳng đem lại ích lợi gì. Tuy nhiên, chúng ta hãy luôn nhớ rằng: chúng ta tranh luận không phải vì để gây chiến hay áp đặt ý kiến riêng của mình, nhưng để bày tỏ và sống sức sống của Thần Khí, là tình yêu và sự hiệp thông. Chúng ta có thể tranh luận, nhưng chúng ta vẫn là anh chị em. Tôi nhớ khi còn nhỏ. Mỗi ngày, chúng tôi tranh luận gay gắt với nhau, và sau đó chúng tôi cùng ngồi vào bàn ăn. Cuộc thảo luận của một gia đình của một người mẹ: mẹ Giáo hội, những người con tranh luận.

Anh chị em thân mến, chúng ta cần một Giáo hội huynh đệ, một Giáo hội là khí cụ tình huynh đệ cho thế giới. Ở đây, ở Sýp có rất nhiều sự nhạy cảm về tâm linh và Giáo hội, nguồn gốc, lịch sử, các lễ nghi và truyền thống khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta không được coi sự đa dạng như một mối đe dọa đối với căn tính; chúng ta không được ghen tị hoặc bận tâm đối với các vấn đề khác. Nếu chúng ta rơi vào cám dỗ này, thì nỗi sợ hãi sẽ lớn dần lên, và rồi sinh ra sự hoài nghi và rồi sớm muộn gì cũng dẫn đến chiến tranh. Chúng ta là anh chị em, được yêu thương bởi một người Cha duy nhất. Anh chị em hoà mình trong Địa Trung Hải, một vùng biển giàu lịch sử, đã là cái nôi của nhiều nền văn minh, một vùng biển mà ngày nay nhiều người, nhiều dân tộc và nền văn hóa từ mọi nơi trên thế giới vẫn đến. Với tình huynh đệ, anh chị em có thể nhắc nhở mọi người, và toàn thể châu Âu rằng, để xây dựng một tương lai xứng đáng với nhân loại, cần phải cùng nhau làm việc, vượt lên trên những chia rẽ, phá bỏ các bức tường, vun trồng ước mơ hiệp nhất. Chúng ta cần chào đón và hòa nhập, cùng nhau bước đi như những anh chị em!

Xin cám ơn anh chị em về những gì anh chị em là và những gì anh chị em làm, về niềm vui khi anh chị em loan báo Tin Mừng và về những vất vả và hy sinh mà anh chị em gắng chịu và làm cho nó tiến triển. Đây là con đường được các thánh Tông đồ Phaolô và Barnaba chỉ ra. Tôi ước mong anh chị em sẽ luôn là một Giáo hội kiên nhẫn phân định, đồng hành và hội nhập, một Giáo hội huynh đệ dành chỗ cho những người khác, tranh luận nhưng vẫn luôn hiệp nhất. Tôi chúc lành cho anh chị em và tôi xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi! Efcharistó! [Cám ơn!]

ĐTC Phanxicô


 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây