GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Đức Thánh Cha: Chúa Thánh Linh giữ vai chính trong sứ mạng của Giáo Hội

Đức Thánh Cha: Chúa Thánh Linh giữ vai chính trong sứ mạng của Giáo Hội
Lúc 9 giờ 15 sáng Thứ Tư, ngày 30/10/2019 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp hơn 20 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha: Chúa Thánh Linh giữ vai chính trong sứ mạng của Giáo Hội

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến chung, 30/10/2019 | Vatican Media

Lúc 9 giờ 15 sáng Thứ Tư, ngày 30/10/2019 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp hơn 20 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Như thường lệ, buổi tiếp kiến bắt đầu với phần tôn vinh Lời Chúa, qua bài đọc sách Tông Đồ Công Vụ, đoạn 16 từ câu 9 đến câu 10, thuật lại thị kiến qua đó thánh Phaolô được kêu mời đến miền Macedonia để loan báo Tin Mừng.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài huấn giáo về sách Tông Đồ công vụ. Bài thứ 14 hôm 30/10 này có tựa đề là câu “Xin ngài hãy đến Macedonia và giúp đỡ chúng tôi” (Cv 16,19) - Đức tin Kitô được truyền tới Âu Châu. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Khi đọc Tông đồ công vụ, chúng ta thấy Chúa Thánh Linh là vị giữ vai chính trong sứ mạng của Giáo Hội: chính Ngài hướng dẫn hành trình của những người loan báo Tin Mừng, chỉ cho họ con đường cần theo.

Điều này chúng ta thấy rõ trong lúc Thánh Phaolô Tông đồ đến thành Troade, và nhận được một thị kiến. Một người xứ Macedonia nài xin thánh nhân: “Xin ngài hãy đến xứ Macedonia và giúp đỡ chúng tôi!” (Cv 16,8). Thánh Tông đồ không do dự, lên đường đi Macedonia, với xác tín chính Chúa sai Người đi, và ngài tới thành Philiphê, “nơi định cư của người Roma” (Cv 16,12) trên con đường Egnatia, để rao giảng Tin Mừng. Phaolô dừng lại tại đó nhiều ngày. Có 3 biến cố đánh dấu sự lưu ngụ của ngài tại đó: Trước hết là loan báo Tin Mừng và rửa tội cho bà Lidia và gia đình bà; thứ hai là thánh nhân bị bắt cùng với Sila, sau khi đã trừ quỷ cho một phụ nữ nô lệ bị chủ bóc lột; và thứ ba là hoán cải và rửa tội cho người cai ngục và gia đình ông.

Quyền năng của Thánh Linh biểu lộ cho các phụ nữ

Quyền năng của Tin Mừng được tác động trước tiên nơi các phụ nữ thành Philiphê, đặc biệt là bà Lidia, một thương gia bán vải điều, quê ở Tiatira, và là một người tin Chúa, Chúa mở lòng cho bà đón nhận lời thánh Phaolô (Cv 16,14). Sự cởi mở tâm hồn này chứng tỏ hiệu năng lời rao giảng của Tông Đồ và là hậu quả sự “đánh động” tế nhị nhưng quyết liệt của Chúa Thánh Linh, Đấng cùng hoạt động, và qua người loan báo Tin Mừng. Một khi con tim mở rộng, thì con người có thể đón tiếp Chúa Kitô và những người khác: thực vậy, bà Lidia đã đón nhận Chúa Kitô qua việc chịu phép rửa cùng với gia đình bà và đón nhận những người thuộc về Chúa Kitô, đón tiếp Phaolô và Sila vào nhà bà. Ở đây chúng ta có chứng tá về sự tiến vào Âu Châu của Kitô giáo: khởi đầu một tiến trình hội nhập văn hóa vẫn còn kéo dài đến ngày nay.

Lòng hiếu khách bà Lidia dành cho các Tông Đồ gợi lại ơn đón tiếp và phục vụ vốn là đặc tính của các phụ nữ gắn bó với sứ mạng của chúa Kitô, như bà nhạc của Simon (Xc. Mt 8,14-15), Marta và Maria (Xc. Lc 10,38-42), cũng như những bà cộng tác với thánh Phaolô để loan báo Tin Mừng như Priscilla (Xc. Cv 18,1-3; Rm 16,3-5), Febe (Xc. Rm 16,1-2) và mẹ của ông Rufo (Xc. Rm 16,13). Nhờ sự đón tiếp của các phụ nữ ấy, nảy sinh nhiều nhà Giáo Hội, Giáo Hội tại gia đón tiếp các tín hữu Kitô đầu tiên.

Kinh nghiệm cầm tù

Sau kinh nghiệm nồng nhiệt tại nhà bà Lidia, thánh Phaolô và Sila phải đương đầu với nhà tù cơ cực, nơi hai vị bị giam cầm sau khi nhân danh Chúa Giêsu “giải thoát cho một tớ gái quỷ thần ốp và thuật bói toán của cô mang lại nhiều lợi lộc cho chủ, qua nghề tiên đoán (Cv 16,16). Để trả đũa, những người chủ của cô ấy đã điệu các Tông Đồ đến trước mặt các quan tòa với lời tố cáo các vị làm rối loạn trật tự công cộng.

Ca ngợi Chúa trong tù

Nhưng trong lúc các Tông đồ bị giam cầm, xảy ra một sự kiện lạ thường. Thay vì than trách, Phaolô và Sila ca hát chúc tụng Thiên Chúa và lời chúc tụng ấy tỏa ra một sức mạnh giải thoát các vị: trong khi các tông đồ cầu nguyện, đất chuyển động làm rúng động nền móng nhà tù, các cánh cửa mở toang và xiềng xích trói các vị rơi xuống (Xc. Cv 16,25-26). Như kinh nguyện trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, cả kinh nguyện trong nhà tù cũng tạo nên những công hiệu lạ thường. Giống như 3 thiếu niên trong lò than hồng (Xc. Dn 3,24), các tông đồ chúc tụng Thiên Chúa và “sương mai” của các ngài, là động lực của Chúa Thánh Linh, mở những ổ khóa và mở toang các cổng nhà tù.

Sự hoán cải của người canh ngục

Người canh ngục, tưởng các tù nhân đã tẩu thoát hết, nên toan tự tử, nhưng Phaolô la lớn với ông ta: “Tất cả chúng tôi đều ở đây!” (Cv 16,27-28). Người ấy hỏi: “Vậy tôi phải làm gì để được cứu rỗi?” (v. 30). Câu trả lời là: “Hãy tin nơi Chúa Giêsu và ông sẽ được cứu thoát cùng với gia đình ông” (v. 31). Lúc ấy xảy ra một sự thay đổi giữa đêm khuya, người canh tù lắng nghe Lời Chúa cùng với gia đình ông, đón tiếp các tông đồ, rửa các vết thương của các vị và cùng nhau lãnh nhận bí tích rửa tội; rồi, “lòng đầy vui mừng, tất cả các thân nhân của ông tin nơi Thiên Chúa” (v. 34), họ mở tiệc và mời Phaolô và Sila ở lại với họ. Trong tâm hồn người canh tù vô danh ấy, ánh sáng Chúa Kitô chiếu tỏ rạng người và đánh tan bóng đen; những xiềng xích tâm hồn ông rơi xuống và làm nảy sinh nơi ông và gia đình một niềm vui chưa hề cảm thấy.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Hôm nay chúng ta cũng hãy xin Chúa Thánh Linh một con tim mở rộng, nhạy cảm đối với Thiên Chúa và hiếu khách đối với các anh chị em, như con tim của bà Lidia, một niềm tin táo bạo, như đức tin của Phaolô và Sila, có khả năng phá vỡ xiềng xích, của chúng ta và của những người lân cận.

Chào thăm

Sau bài giáo lý trên đây bằng tiếng Ý đã lần lượt được các linh mục thuộc các cơ quan Tòa Thánh tóm lược bằng một số ngôn ngữ chính, có kèm theo lời chào thăm. Chẳng hạn với nhóm tiếng Pháp, Đức Thánh Cha nhắc đến các tín hữu lữ hành và cả các giới chức chính quyền từ miền Martinique thuộc Pháp, được Đức Tổng giám mục David Macaire dòng Đa Minh tháp tùng, về Roma hành hương.

Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh Cha nhắc nhở họ về lễ các thánh và lễ cầu cho các linh hồn đã qua đời sắp đến gần. Ngài nói: “Như thánh Gioan Phaolô II đã dạy: Những ngày này mời gọi chúng ta hãy hướng nhìn về trời cao, là mục tiêu cuộc lữ hành trần thế của chúng ta. Tại đó có cộng đoàn các thánh hân hoan chờ đợi chúng ta. Tại đó chúng ta sẽ gặp lại những người thân yêu mà chúng ta cầu nguyện cho họ. Chúng ta hãy sống mầu nhiệm các thánh hiệp thông với niềm hy vọng nảy sinh từ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô”.

Lời kêu gọi cho Irak

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến tình hình căng thẳng tại Irak, nhiều người biểu tình bị bắn chết hoặc bị thương. Ngài nói:

“Tôi nghĩ đến Irak yêu quý, nơi các cuộc biểu tình phản đối đã xảy ra trong tháng này đã làm cho nhiều người chết và bị thương. Trong khi tôi chia buồn với các nạn nhân và gia đình họ, và với những người bị thương, tôi mời gọi chính quyền hãy lắng nghe tiếng kêu của dân chúng, họ yêu cầu được một cuộc sống xứng đáng và yên hàn. Tôi khuyên mọi người dân Irak, với sự hỗ trợ của Cộng đồng quốc tế, hay tiến bước trên con đường đối thoại và hòa giải, tìm kiếm những giải pháp công chính cho các thách đố và các vấn đề của đất nước. Tôi cầu nguyện để dân tộc đã chịu đau khổ này có thể tìm lại được hòa bình và ổn định sau những năm chiến tranh và bạo lực”.

Đức Thánh Cha gặp gỡ hai phái đoàn các Giám mục tuyên úy quân đội

Cũng sáng Thứ Tư, 30/10, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng gặp gỡ các Giám mục tuyên úy quân đội Argentina và Anh quốc, và trong dịp này tượng Đức Mẹ Luján lấy từ đảo Falkland được trao trả lại cho Argentina.

Các vị tuyên úy quân đội Anh và Argentina về Roma tham dự khóa bồi dưỡng quốc tế về công pháp quốc tế về nhân đạo trong những ngày này.

Đảo Falkland cũng gọi là Malvivas ở ngoài khơi Argentina nhưng thuộc chủ quyền của Anh quốc. Hồi tháng 4 năm 1982, dưới thời quân phiệt ở Agentina, quân đội nước này chiếm đảo Falkland, nhưng sau đó Anh quốc mang quân hùng hậu đến tái chiếm. Trong dịp đó tượng Đức Mẹ Luján, bản sao tượng Đức Mẹ có từ năm 1630 ở Đền thánh Đức Mẹ Luján ở Argentina, và đặt tại 1 nhà thờ thành phố Port Stanley trên đảo Falkland bị quân đội Anh lấy và đưa về nước, đặt tại Nhà thờ chính tòa thánh Micae và Giorgio ở Aldershot. Từ đó địa điểm này trở thành nơi cầu nguyện cho những binh sĩ ngã gục trong cuộc chiến tại đảo Falkland.

Trong buổi tiếp kiến, Đức Mẹ Luján đã được trả lại cho Argentina, và các Giám mục nước này đã trao tặng một bản sao tượng Đức Mẹ Luján để đặt lại vị trí cũ tại Nhà thờ chính tòa thánh Micae và Giorgio ở Aldershot.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây