GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Đức Thánh Cha gặp gỡ chính quyền Maurice

Đức Thánh Cha gặp gỡ chính quyền Maurice
Hoạt động cuối cùng của Đức Thánh Cha tại đảo Maurice là cuộc viếng thăm Tổng thống và gặp gỡ chính quyền cùng với các đại diện xã hội và ngoại giao đoàn.

Đức Thánh Cha gặp gỡ chính quyền Maurice

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ chính quyền cùng với các đại diện xã hội và ngoại giao đoàn Maurice | Vatican Media

Hoạt động cuối cùng của Đức Thánh Cha tại đảo Maurice là cuộc viếng thăm Tổng thống và gặp gỡ chính quyền cùng với các đại diện xã hội và ngoại giao đoàn.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Đức Thánh Cha rời Đền Chân phước Laval về phủ tổng thống lúc gần 5 giờ chiều. Đây là dinh quan toàn quyền trước kia thời Pháp thuộc và về sau cũng được dùng làm trụ sở của chính phủ thời Anh và sau khi Maurice được độc lập.

Đến nơi, Đức Thánh Cha đã được Tổng thống lâm thời Barlen Vyapoory đón tiếp và hội kiến. Ông năm nay 74 tuổi (1945), nguyên là một giáo sư, rồi làm Đại sứ Maurice tại 5 nước ở miền nam Phi châu. Năm 2016, ông đắc cử phó tổng thống và từ ngày 23/03 năm ngoái (2018), Ông làm Tổng thống lâm thời sau khi nữ tổng thống đầu tiên của Maurice là bà Ameenah Gurib-Fakim, một nữ tín hữu đạo Hồi, bị quốc hội truất phế vì xì căng đan tài chánh.

Liền sau cuộc hội kiến với Ông Vyapoory, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ thủ tướng Pravind Kumar của Maurice và chào thăm gia đình ông sau đó.

Sau khi hội kiến riêng với hai vị lãnh đạo, Đức Thánh Cha đã gặp chung các vị cùng với các quan chức khác chính quyền, các đại diện của xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Đại Sảnh Dường ở Phủ Tổng thống.

Diễn từ của Đức Thánh Cha với chính quyền Maurice

Lên tiếng sau lời chào mừng của tổng thống lâm thời Maurice, Đức Thánh Cha ca ngợi dân nước này là “một tiếng nói thế giá, qua chính cuộc sống, chứng tỏ cho thế giới thấy rằng có thể đạt tới một nền hòa bình vững bền đi từ xác tín “sự khác biệt thật là đẹp khi nó liên tục chấp nhận đi vào một tiến trình hòa giải với nhau. Đó là căn bản và là cơ may để xây dựng một tình hiệp thông thực sự giữa lòng một đại gia đình nhân loại, mà không cần phải gạt ai ra ngoài lề, loại trừ hoặc phủ nhận.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến sự kiện: “Maurice đã chứng kiến nhiều đợt di dân, đưa các tiền nhân của quý vị đến đảo này và làm cho họ cởi mở với những khác biệt để hội nhập và thăng tiến chúng để mưu ích cho tất cả mọi người. Vì thế, - Đức Thánh Cha nói - tôi khuyến khích quý vị, trong niềm trung thành với các căn cội của mình, hãy chấp nhận thách đố tiếp đón và bảo vệ những người di dân, ngày nay đến đây để tìm công ăn việc làm, và nhiều người trong số họ, tìm kiếm những điều kiện sống tốt đẹp hơn cho gia đình họ. Quý vị hãy có lòng đón tiếp họ như những tiền nhân của quý vị trước đây đã biết đón nhận nhau, như những người giữ vai chính và bảo vệ một nền văn hóa gặp gỡ đích thực, giúp người di dân được nhìn nhận trong phẩm giá và các quyền của họ.”

Đức Thánh Cha đề cao truyền thống dân chủ của đất nước Maurice từ khi được độc lập và góp phần biến đảo này thành một ốc đảo hòa bình. Ngài nói: “Tôi cầu mong lối sống dân chủ này có thể được vun trồng và phát triển, đặc biệt bài trừ mọi hình thức kỳ thị, Vì đời sống chính trị chân chính dựa trên luật pháp và một cuộc đối thoại chân thành giữa các chủ thể, được canh tân bằng xác tín theo đó mỗi người nam nữ, mỗi thế hệ có chứa đựng một lời hứa có thể làm trổi lên những năng lực mới về tương quan, trí thức, văn hóa và tinh thần. Quý vị là những người dấn thân trong đời sống chính trị của Cộng hòa Maurice, quý vị có thể nêu gương cho những người đang tin cậy vào quý vị, nhất là những người trẻ. Với lối cư xử và ý chí bài trừ mọi hình thức tham những, quý vị có thể biểu lộ giá trị của quyết tâm phục vụ công ích và luôn xứng đáng với lòng tín nhiệm của những người đồng bào của quý vị.”

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhận xét rằng sự tăng trưởng kinh tế hiện nay ở Maurice không luôn mang lại lợi thế cho tất cả mọi người, và bỏ qua một bên một số người khác, đặc biệt là người trẻ, do một số chiến lược hoạt động của mình.

Vì thế tôi muốn khuyến khích quý vị phát triển một chính sách kinh tế hướng về con người và biết dành ưu tiên cho việc phân phối lợi tức tốt đẹp hơn, kiến tạo những cơ may công ăn việc làm và thăng tiến toàn diện những người nghèo nhất. Tôi khuyến khích quý vị đừng chiều theo cám dỗ một kiểu mẫu kinh tế thờ ngẫu tượng để rồi phải hy tế mạng sống con người trên bàn thờ của sự đầu cơ và hoàn toàn theo lợi nhuận, chỉ để ý đến lợi nhuận nhất thời mà gây hại cho sự bảo vệ những người nghèo nhất, bảo vệ môi trường và các tài nguyên thiên nhiên.”

Giã từ

Sau bài diễn văn của Đức Thánh Cha, Tổng thống lâm thời của Maurice đã mời ngài tiến ra vườn của Phủ Tổng thống để làm phép một số cây trồng tại đây. Bấy giờ là quá 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha trở lại phi trường cách đó gần 40 cây số. Tại đây sau nghi thức tiễn biệt đơn sơ với sự hiện diện của Thủ trướng Maurice và đoàn quân danh dự, Đức Thánh Cha đáp máy bay về thủ đô Antananarivo của Madagascar để qua đêm tại tòa Sứ Thần thánh, và sáng 10/09, lúc 9 giờ, giờ địa phương, Tổng thống và các vị lãnh đạo Công Giáo cùng với một số tín hữu sẽ chính thức tiễn biệt Đức Thánh Cha trước khi ngài đáp máy bay trở về Roma, dự kiến vào lúc 7 giờ chiều cùng ngày, giờ Roma.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây