GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Đức Thánh Cha: Luôn bắc những nhịp cầu và không bao giờ gây hấn

Đức Thánh Cha: Luôn bắc những nhịp cầu và không bao giờ gây hấn
Lúc 9 giờ 15 sáng Thứ Tư, 06/11/2019 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp khoảng 20 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô dưới trời mưa. Hàng ngàn chiếc dù che mưa đủ màu được trương lên.

Đức Thánh Cha: Luôn bắc những nhịp cầu và không bao giờ gây hấn

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung, 06/11/2019 | Vatican Media

Lúc 9 giờ 15 sáng Thứ Tư, 06/11/2019 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp khoảng 20 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô dưới trời mưa. Hàng ngàn chiếc dù che mưa đủ màu được trương lên.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Như thường lệ, buổi tiếp kiến bắt đầu với phần tôn vinh Lời Chúa, qua bài đọc sách Tông Đồ công vụ, đoạn 17 câu 22 và 23, thuật lại lời Thánh Phaolô nói tại Diễn trường thành Athènes, Hy Lạp.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài huấn giáo về sách Tông Đồ công vụ. Bài thứ 15 này có tựa đề là câu “Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị” (Cv 17,23). Thánh Phaolô tại Diễn trường: một mẫu gương về sự hội nhập đức tin vào văn hóa ở Athènes. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục cuộc “hành trình” với sách Tông đồ công vụ. Sau những thử thách trải qua tại thành Philiphê, Tessalonica và Berea, thánh Phaolô đến thành Athènes, trung tâm của Hy Lạp (Xc. Cv 17,15). Thành này, vốn sống dưới bóng những vinh hiển cổ thời mặc dù bị suy đồi về chính trị, nhưng vẫn còn giữ vị thế hàng đầu về văn hóa. Tại đây, Thánh Tông Đồ “rùng mình trong tâm hồn khi thấy phố xá đầy những thần tượng” (Cv 17,16). Nhưng sự tiếp xúc này với ngoại giáo thay vì làm cho Phaolô bỏ chạy, thì càng thúc đẩy thánh nhân kiến tạo một nhịp cầu đối thoại với thứ văn hóa ấy.

Thánh Phaolô tìm hiểu về dân thành Athènes

Thánh Phaolô quyết định làm quen với thành này và bắt đầu lui tới những nơi chốn và những nhân vật ý nghĩa hơn. Ngài đến Hội đường Do thái, biểu tượng của đời sống đức tin; ngài ra quảng trường, biểu tượng của đời sống của dân chúng; đến Diễn trường, biểu tượng đời sống chính trị và văn hóa. Thánh nhân gặp những người Do thái, các triết gia theo phái duy khoái lạc (epicurismo) và những người theo phái khắc kỷ, cũng như nhiều người khác nữa. Qua đó thánh Phaolô quan sát văn hóa và môi trường thành Athènes “đi từ cái nhìn chiêm ngắm” khám phá thấy “Vị Thiện Chúa ở trong các gia cư, các đường phố và các quảng trường” (Ev. Gaud. 71). Thánh Phaolô không nhìn thành Athènes và thế giới dân ngoại với tâm tình đố kỵ nhưng với đôi mắt đức tin. Và điều này làm cho chúng ta tự hỏi về cách thức chúng ta nhìn các thành thị của mình; chúng ta có quan sát chúng trong sự dửng dưng hay không? hoặc với thái độ khinh rẻ? hay với niềm tin nhận ra các con cái Thiên Chúa giữa những đám đông vô danh?

Thái độ cởi mở của thánh Phaolô

Thánh Phaolô chọn quan niệm thúc đẩy ngài mở một lối đi giữa Tin Mừng và thế giới dân ngoại. Giữa lòng một trong những tổ chức thời danh nhất hồi ấy là Aeropago, Diễn trường, thánh nhân thực hiện một mẫu gương ngoại thường về sự hội nhập sứ điệp đức tin vào văn hóa: loan báo Chúa Giêsu Kitô cho những người thờ thần tượng, và ngài thi hành điều đó, không phải bằng cách tấn kích họ, nhưng trở thành “người liên kết, kiến tạo những cây cầu” (Bài giảng ở Santa Marta 8-5-2013).

Thánh Phaolô lấy khởi điểm là bàn thờ trong thành phố dâng kính “một vị thần vô danh” (Cv 17,23) và ngài đi từ lòng sùng mộ ấy để gây thiện cảm với các thính giả của mình, công bố rằng Thiên Chúa “sống giữa dân” (E.G 71) và “không ẩn nấp đối với những người tìm kiếm Chúa với tâm hồn chân thành, mặc dù họ mò mẫm kiếm tìm” (ibid.). Chính sự hiện diện ấy là điều thánh Phaolô tìm cách diễn giải: “Vị mà quí vị tôn thờ dù không biết Người, tôi loan báo cho quí vị” (Cv 17,23).

Diễn giải của thánh Phaolô

Để biểu lộ căn tính của vị thần mà dân Athènes thờ lạy, Thánh Tông đồ đã đi từ việc sáng tạo, nghĩa là từ niềm tin trong Kinh Thánh nơi Thiên Chúa của mạc khải, để đi tới sự cứu chuộc, và phán xét, nghĩa là sứ điệp hoàn toàn là Kitô giáo. Thánh nhân chứng tỏ sự không cân xứng giữa sự cao cả của Đấng Tạo Hóa và các đền thờ do con người làm ra, và ngài giải thích rằng Đấng Tạo Hóa luôn để cho người ta tìm kiếm để mỗi người có thể tìm thấy Ngài. Qua cách thức đó Thánh Phaolô “loan báo Đấng mà con người không biết, dù họ biết: Đấng Vô Danh - Được nhận biết” (Biển Đức XVI, Gặp gỡ với thế giới văn hóa tại Học viện Bernardins, Paris, 12-9-2008). Rồi thánh Phaolô mời gọi tất cả hãy đi xa hơn “những thời kỳ u mê” và hãy quyết định hoán cải trước sự phán xét gần kề. Thánh Phaolô tiến đến bài huấn giáo và ám chỉ đến Chúa Kitô mà không trưng dẫn đích danh Chúa, định nghĩa Chúa là “vị mà Thiên Chúa đã chỉ định, và thánh nhân nêu cho tất cả bằng chứng chắn chắn là đã Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết” (Cv 17,31).

Phản ứng của thính giả ở Diễn trường

Lời rao giảng của Thánh Phaolô, cho đến lúc ấy đã làm cho những người đối thoại hồi hộp, nay gặp phải một cản trở: đó là cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô đối với thính giả là “điều điên rồ” (1 Cr 1,23) và khiến cho họ nhạo cười, chế giễu. Thế là thánh Phaolô ra đi: cố gắng của ngài có vẻ là thất bại, nhưng có vài người tin nhận lời thánh nhân và đón nhận đức tin. Trong số những người ấy có ông Dionigi, thành viên của Diễn trường, và một phụ nữ là bà Damaris. Cả tại Athènes, Tin Mừng có thể bén rễ và có thể lan tỏa bằng hai giọng: giọng nam và giọng nữ!

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Ngày nay chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa Thánh Linh dạy chúng ta bắc những nhịp cầu với văn hóa, với những người không tin và những người có tín ngưỡng khác chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho ta khả năng hội nhập sứ điệp đức tin vào văn hóa một cách tế nhị, nhìn những người chưa biết Chúa Kitô trong thái độ chiêm ngắm, được thúc đẩy nhờ một tình thương sưởi ấm những con tim chai đá nhất”.

Chào thăm các tín hữu

Bài giáo lý trên đây bằng tiếng Ý đã lần lượt được các linh mục thuộc các cơ quan Tòa Thánh tóm lược bằng một số ngôn ngữ chính, có kèm theo lời chào thăm.

Đặc biệt bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng Chúa nhật 10/11/2019 tới đây, Giáo Hội tại Ba Lan cử hành Ngày Liên Đới lần thứ 11 với Giáo Hội bị bách hại. Ngày nay do Hội Giáo Hoàng “Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ” cùng với Hội đồng Giám mục Ba Lan tổ chức. Năm nay, sự trợ giúp tinh thần và vật chất được dành cho các tín hữu Kitô tại Nam Sudan. Đức Thánh Cha nói: “Ước gì lời cầu nguyện và những công việc liên đới cụ thể của anh chị em mang lại an ủi và trợ giúp các anh chị em đang đau khổ vì Chúa Kitô ở nhiều nơi khác trên thế giới. Tôi thành tâm ban phép lành cho anh chị em.”

Sau cùng bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha chào thăm 88 nữ tu dòng Đa minh Đức Mẹ Vô Nhiễm, 33 nữ tu Tông đồ Thánh Tâm Chúa Giêsu và nhiều nhóm hành hương khác. Ngài cũng nhắc nhở rằng tháng 11 là tháng dành để tưởng niệm và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, “ước gì tháng này là dịp để chúng ta xét lại ý nghĩa cuộc sống nhân trần và đời sống vĩnh cửu, mùa này cũng là một sự khích lệ chúng ta hãy hiểu rằng cuộc sống có giá trị lớn nếu nó được sống như một hồng ân, không phải cho bản thân ta, nhưng cho Thiên Chúa và tha nhân.”

Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây