GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Đức Thánh cha: Ông Môsê khích lệ chúng ta cầu nguyện và chuyển cầu cho thế giới

Đức Thánh cha: Ông Môsê khích lệ chúng ta cầu nguyện và chuyển cầu cho thế giới
Lúc gần 9 giờ 30 phút, sáng thứ Tư, 17/6/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến trực tuyến lần thứ 14, từ thư viện Giáo hoàng trong dinh Tông tòa.

Đức Thánh cha: Ông Môsê khích lệ chúng ta cầu nguyện và chuyển cầu cho thế giới

Đức Thánh cha Phanxicô tiếp kiến trực tuyến | Vatican Media

Lúc gần 9 giờ 30 phút, sáng thứ Tư, 17/6/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến trực tuyến lần thứ 14, từ thư viện Giáo hoàng trong dinh Tông tòa.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Số du khách và tín hữu hành hương tại Roma vẫn chưa đáng kể, hai ngày sau khi biên giới giữa các nước trong Liên hiệp Âu châu được mở lại từ ngày 15/6 vừa qua, vì thế Đức Thánh cha vẫn duy trì hình thức tiếp kiến trực tuyến, nghĩa là chỉ có tám linh mục thuộc phủ Quốc Vụ Khanh thông dịch viên và hai giám chức phụ giúp Đức Thánh cha, cũng như một vài nhân viên kỹ thuật thu hình, hiện diện tại thư viện.

Mở đầu là phần tôn vinh Lời Chúa, qua đoạn sách trích từ đoạn 32 sách Xuất hành (32,11-14), kể lại lời ngôn sứ Môsê thưa với Chúa: “Lạy Chúa, sao Chúa nổi cơn thịnh nộ chống lại dân mà Chúa đã đưa ra khỏi Ai Cập với sức mạnh hùng vĩ và cánh tay uy quyền? [...]. Xin Chúa dừng cơn hung nộ và từ bỏ ý định giáng tai ương xuống dân Chúa. Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac, Israel tôi tớ Chúa [..]. Lạy Chúa, xin hãy hối hận vì bất hạnh Chúa đã đe dọa gây ra cho dân Chúa”.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Tiếp đến, Đức Thánh cha đã trình bày bài giáo lý thứ bảy về cầu nguyện, và diễn giải kinh nguyện ông Môsê. Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình của chúng ta về đề tài cầu nguyện, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không bao giờ thích “có chuyện” với những người cầu nguyện “dễ dàng”. Và cả ông Môsê cũng không phải là người đối thoại “yếu”, ngay từ ngày đầu tiên khi ông được kêu gọi.

Tình cảnh tiêu cực của Môsê

Khi Chúa gọi ông, Môsê là một người “thất bại”, xét về mặt con người. Sách Xuất hành mô tả cho chúng ta ông Môsê đang ở đất Madian như một người chạy trốn. Từ nhỏ ông đã cảm thương dân ông, và chọn lựa bênh vực những người bị áp bức. Nhưng chẳng bao lâu sau ông khám phá thấy rằng, mặc dù có những ý hướng tốt, nhưng từ đôi bàn tay của ông, không nảy sinh công lý, mà chỉ có bạo lực. Thế là những giấc mơ vinh quang của ông bị tan vỡ: Môsê không còn là một quan chức đầy triển vọng với một sự nghiệp mau lẹ nữa, nhưng là một người đùa giỡn với cơ hội, và giờ đây ông chăn một đoàn vật chẳng phải là của ông. Và chính trong thinh lặng ấy của hoang địa Madian mà Thiên Chúa gọi Môsê đến mạc khải bụi gai cháy đỏ: “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacop”. Bấy giờ Môsê che mặt, vì ông sợ nhìn về Thiên Chúa” (Xh 3,6).

Môsê sợ hãi và thiếu tin tưởng

Trước Thiên Chúa, Đấng lên tiếng và mời gọi ông hãy tái chăm sóc dân Israel, Môsê đáp lại bằng sự sợ hãi và nêu những vấn nạn: mình không xứng đáng với sứ mạng ấy, không biết danh Thiên Chúa, không được người Israel tín nhiệm, mình nói cà lăm…., lời nói thường nở tươi nở nhất trên môi của Môsê, trong mỗi kinh nguyện của ông với Thiên Chúa, là câu hỏi: “tại sao?”. Tại sao Chúa sai con? Tại sao Chúa muốn giải thoát dân tộc này? Trong Ngũ Thư, thậm chí có cả một đoạn bi thảm, trong đó Thiên Chúa khiển trách Môsê vì thiếu tin tưởng, sự thiếu sót ấy đã khiến ông không được vào Đất Hứa (Xc. Ds 20,12).

Môsê gắn bó chặt chẽ với dân

“Với những lo sợ ấy, với con tim nhiều khi do dự, Môsê có vẻ là người phàm như chúng ta. Và chúng ta có ấn tượng mạnh, không những về sự mạnh mẽ của ông, nhưng cả sự yếu đuối ấy. Được Thiên Chúa ủy thác nhiệm vụ thông truyền Luật cho dân Chúa, Môsê là người thiết lập việc phụng tự Chúa, người trung gian các mầu nhiệm cao cả nhất, nhưng không vì lý do đó mà ông không duy trì những liên hệ liên đới chặt chẽ với dân của ông, nhất là trong lúc bị cám dỗ và phạm tội. Môsê nghĩa thiết với Thiên Chúa đến độ có thể nói với Chúa diện đối diện (Xc. Xh 33,11); và ông cũng là bạn hữu của con người, đến độ cảm thấy lòng thương xót đối với tội lỗi của họ, những cám dỗ, và những nhớ nhung bất chợt mà những người lưu vong cảm thấy đối với quá khứ, nghĩ lại khi còn ở Ai Cập.

Môsê khiêm tốn và dịu dàng

Vì thế, Môsê không phải là nhà lãnh đạo độc đoán và chuyên chế; trái lại, sách Dân số mô tả ông là “người khiêm tốn và hiền dịu nhất nơi loài người” (Xc. 12,3). Mặc dù vị thế ưu tiên, Môsê không ngừng thuộc về hàng ngũ những người có tinh thần thanh bần, sống và biến lòng tín thác nơi Thiên Chúa làm lương thực cho hành trình của họ.

Môsê cầu nguyện chuyển cầu

Vì thế, cách thức cầu nguyện riêng của Môsê là sự chuyển cầu (Xc. Sách GLCG, 2574). Niềm tin của ông nơi Thiên Chúa trở nên một với cảm thức hiền phụ mà ông cảm thấy đối với dân. Kinh thánh thường trình bày ông với đôi tay hướng lên cao, hướng về Thiên Chúa, như thể bắc cầu bằng chính con người của ông giữa trời và đất. Thậm chí giữa những lúc khó khăn trong ngày mà dân chối bỏ Thiên Chúa, chính Môsê, như người hướng đạo, để làm một con bò vàng, Môsê không ngại đứng về phía dân. Ông thưa với Thiên Chúa: “Dân này đã phạm tội tày đình: đã làm cho mình một thần bằng vàng. Nhưng giờ đây, nếu Chúa tha thứ tội lỗi cho họ... nếu không, xin xóa bỏ con khỏi sách mà Chúa đã viết ra!” (Xh 32,31-32)

Kinh nguyện của các thánh: chuyển cầu cho tha nhân

Đó là kinh nguyện mà các tín hữu chân chính thực hiện trong cuộc sống thiêng liêng của họ. Cho dù họ cảm nghiệm những thiếu sót của tha nhân và sự xa cách của họ đối với Thiên Chúa, những người cầu nguyện ấy không lên án, không phủ nhận tha nhân. Thái độ chuyển cầu là đặc điểm các thánh, noi gương Chúa Giêsu, các vị là những nhịp cầu giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Theo nghĩa đó, Môsê là vị ngôn sứ lớn nhất của Chúa Giêsu, là trạng sư và là người chuyển cầu cho chúng ta (Xc. Sách GLCG 2577).

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Môsê khích lệ chúng ta hãy cầu nguyện với cùng lòng nhiệt thành của Chúa Giêsu, chuyển cầu cho thế giới, và nhớ rằng, mặc dù với tất cả mong manh yếu đuối, thế giới luôn thuộc về Thiên Chúa. Và thế giới sống và thịnh vượng được là nhờ phúc lành của người công chính, nhờ kinh nguyện đạo đức mà vị thánh không ngừng dâng lên cho con người, tại mọi nơi và mọi thời trong lịch sử”.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc đến lễ kính thánh tu huynh Albert Chmielowski, người bảo vệ dân nghèo. Thánh nhân đã giúp đỡ những người vô gia cư và những người ở ngoài lề xã hội tìm lại một chỗ xứng đáng trong xã hội. Thánh nhân noi gương thánh Phanxicô Assisi, nên cũng được gọi là thánh “Phanxicô Ba Lan”. Khẩu hiệu sống của ngài là “Tốt lành như bánh”. “Chúng ta hãy noi gương thánh nhân trong tình thương huynh đệ, trợ giúp những người đói, những người bị thất bại trong cuộc sống, những người nghèo khổ, túng thiếu, nhất là những người vô gia cư”.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Thứ Sáu tới đây là lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu: một lễ rất được các tín hữu Kitô kính mến. Tôi mời gọi anh chị em hãy khám phá những phong phú tiềm ẩn trong Trái Tim Chúa Giêsu để học cách yêu thương tha nhân.”

“Tôi nghĩ đến những người già, các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hồn. Anh chị em hãy nhìn lên Thánh Tâm Chúa Giêsu và sẽ tìm được an bình, an ủi và hy vọng.”

Buổi tiếp kiến trực tuyến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh cha cho mọi người.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây