GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, 09/10/2019

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, 09/10/2019
Lúc quá 9 giờ sáng, Thứ Tư ngày 09/10/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp gần 30 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, 09/10/2019

Đức Thánh Cha Phanxicô chúc lành cho các em bé trong buổi tiếp kiến chung | Vatican Media

Lúc quá 9 giờ sáng, Thứ Tư ngày 09/10/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp gần 30 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Như thường lệ, buổi tiếp kiến bắt đầu với phần tôn vinh Lời Chúa, qua bài đọc sách Tông Đồ công vụ, đoạn 9 từ câu 3 đến câu 6, thuật lại sự tích Saulô ngã ngựa trên đường Damasco trong lúc đi bách hại các tín hữu Kitô, và đã được Chúa Giêsu hoán cải, trở thành Tông đồ nhiệt thành của Ngài.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài huấn giáo về sách Tông Đồ công vụ. Bài thứ 11 này có tựa đề là: “Dụng cụ mà Ta đã chọn cho Ta” (Cv 9,15): Saolo từ người bách hại trở thành người loan báo Tin Mừng. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong trình thuật về vụ ném đá Stephano, có xuất hiện một nhân vật sẽ hiện diện nhiều nhất và quan trọng nhất cạnh thánh Phêrô trong sách Tông Đồ công vụ: đó là hình ảnh một “người trẻ, tên là Saulô” (Cv 7,58). Nhân vật ấy được mô tả ban đầu như một người ủng hộ việc kết án tử hình Stephano và muốn “tiêu diệt Giáo Hội” (Xc Cv 8,3); nhưng sau đó trở thành dụng cụ được Thiên Chúa chọn để loan báo Tin Mừng cho dân ngoại (Xc Cv 9,15; 22,21; 26,17).

Với phép của vị Thượng Tế, Saulô truy nã các tín hữu Kitô và bắt giam họ. Saulô thi hành điều này và nghĩ rằng mình đang phục vụ Luật của Chúa. Thánh Luca nói rằng Saulô “hằm hằm” những đe dọa và giết hại chống các môn đệ của Chúa” (Cv 9,1): nơi ông có một hơi thở đượm mùi chết chóc, chứ không phải sự sống.

Tính khí của Saulô

Thanh niên Saulô được mô tả như người ngoan cố, nghĩa là một người tỏ ra bất bao dung đối với những người nghĩ khác mình, tuyệt đối hoá căn tính chính trị hoặc tôn giáo và biến người khác thành một kẻ thù cần loại trừ. Chỉ sau khi được Chúa Kitô biến đổi, về sau thánh nhân mới dạy rằng cuộc chiến đích thực không phải là “chống xác thịt và máu mủ, nhưng là [...] chống lại những kẻ thống trị thế gian tăm tối này, chống lại ác thần” (Ep 6,12). Thánh nhân sẽ dạy rằng ta không phải chống lại con người, nhưng là chống sự ác xúi giục những hành động của họ.”

Tính khí dễ nổi giận và xung khắc của Saulô mời gọi mỗi người chúng ta hãy tự hỏi: “Tôi sống đời sống đức tin của tôi như thế nào? Tôi đi gặp gỡ người khác hay là chống lại họ? Niềm tin nơi Thiên Chúa mà tôi tuyên xưng có làm cho tôi dễ mến hay là thù nghịch đố kỵ đối với người khác biệt tôi?”

Chúa đánh động và hoán cải

Thánh Luca kể rằng, trong khi Saulô quan tâm loại bỏ cộng đoàn Kitô, Chúa theo vết của Saulô để đánh động tâm hồn và hoán cải Saulô về với Ngài. Chúa Phục Sinh đã đề ra sáng kiến và tỏ mình cho Saulô trên đường Damasco, một biến cố được kể lại 3 lần trong sách Tông Đồ công vụ (Xc Cv 9,3-19; 22,3-21; 26.4-23). Qua hai từ “ánh sáng” và “tiếng nói” tiêu biểu trong các cuộc hiện ra của Thiên Chúa, Chúa Phục Sinh hiện ra với Saulô và đòi ông trả lẽ về cơn giận dữ giết hại những người anh em: “Saulô, Saulô, sao ngươi bách hại Ta?” (Cv 9,4). Ở đây Chúa Phục Sinh tỏ cho thấy Ngài đồng hóa với những người tin nơi Ngài: đánh vào một phần tử của Giáo Hội là đánh vào chính Chúa Kitô!”

Tiếng Chúa Giêsu nói với Saulô: “Hãy trỗi dậy và vào thành, ngươi sẽ được chỉ dẫn phải làm gì?” (Cv 9,6). Nhưng khi đứng lên, Saulô không thấy gì nữa, từ một người mạnh mẽ, có thế giá và độc lập, Saulô trở thành người yếu nhược, cần giúp đỡ và lệ thuộc người khác. Ánh sáng của Chúa Kitô đã làm ông chóa mắt và mù: “Và thế là xuất hiện ra bên ngoài thực chất nội tâm của ông, sự mù quáng của ông đối với chân lý, đối với ánh sáng là Chúa Kitô” (Biển Đức 16, tiếp kiến chung 3-9-2008).

Cuộc “Vượt qua” của Saulô

Từ cuộc đọ sức “giáp lá cà” giữa Saulô và Chúa Phục Sinh nảy sinh con đường biến đổi, biểu lộ “cuộc vượt qua” của Saulô, tiến trình đi từ sự chết đến sự sống: điều trước kia là vinh quang nay trở thành “rác rưởi” cần vứt bỏ để đạt được mối lợi thực sự là Chúa Kitô và sự sống nơi Chúa (Xc Pl 3,7-8). Trong “tam nhật phục sinh”, Saulô bắt đầu được giải thoát khỏi chính mình, và nhờ Anania, một thành phần của cộng đoàn Kitô ở Damasco, ông chịu phép rửa. Chính Anania đã kinh hãi khi tiếp xúc với người từng là kẻ thù truyền kiếp của Giáo Hội, nhưng ông được Chúa mạc khải cho: “Ngươi hãy đi, vì người này là dụng cụ Ta chọn cho Ta, để mang danh Ta đến các dân nước, các vua chúa và con cái Israel” (Cv 9,15-16), và Ta sẽ tỏ cho người ấy thấy sẽ phải chịu đau khổ dường nào vì danh Ta” (Cv 9,15-16). Anania đặt tay trên người anh em mới ấy, Saulô được khỏi mù và nhận được ơn soi sáng, một danh xưng mới để chỉ phép rửa tội.

Phép rửa đánh dấu sự khởi đầu mới

Đức Thánh Cha nói:

“Như thế, phép rửa đối với Saulô và mỗi người chúng ta đánh dấu khởi đầu một cuộc sống mới và được một cái nhìn mới về Thiên chúa, về bản thân và tha nhân, từ kẻ thù nay trở thành anh chị em trong Chúa Kitô. Sự cứng lòng đã được khắc phục, con tim đập theo nhịp tình thương mới và con người mới ấy loan báo ngay Chúa Kitô (Xc Cv 9,20). Lòng nhiệt thành của kẻ bách hại cứng lòng nay trở nên sự hăng say loan báo Tin Mừng tình thương, qua đó lửa Phúc Âm của Chúa Kitô tỏa lan, khơi dậy niềm tin nơi tâm hồn nhiều người.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha làm cho chúng ta cũng được cảm nghiệm như Saulô, cảm nghiệm sự đánh động của tình thương Chúa, là điều duy nhất có thể biến một con tim chai đá thành con tim bằng thịt (Xc Ez 11,15), có khả năng đón nhận vào tâm hồn mình cùng những tâm tình của Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2,5).

Chào thăm

Sau bài giáo lý trên đây bằng tiếng Ý, 8 linh mục thuộc các cơ quan Tòa Thánh đã lần lượt tóm lược bài giáo lý của Đức Thánh Cha trong các thứ tiếng khác nhau cùng với lời chào thăm của ngài.

Với các tín hữu nói tiếng Đức, Đức Thánh Cha đặc biệt chào thăm những thanh niên đang tham dự tuần lễ thông tin về Vệ Binh Thụy sĩ diễn ra tại Vatican, với mục đích đón nhận những bạn trẻ đến tìm hiểu để họ có thể chọn con đường phục vụ này tại Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha cũng chào thăm các sinh viên khoa thần học Công Giáo thuộc Đại học ở thành phố Split bên Croatia, và nhắn nhủ họ: Trong tháng Truyền Giáo đặc biệt hiện nay, tôi mời gọi anh em và các tín hữu hành hương người Croát hãy can đảm đáp lại tiếng Chúa gọi để, - nhờ học hành và cầu nguyện, - anh chị em tăng trưởng trong các hồng ân tin, cậy, mến, hầu mưu ích cho các anh chị em mình.

Với các tín hữu hành hương người Ba Lan, Đức Thánh Cha chào thăm và nhắn nhủ rằng: Thứ Hai 07/10 vừa qua, chúng ta đã mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi. Trong lần hiện ra tại Gietrzwald bên Ba Lan, Đức Mẹ đã nhắc nhở rằng: “Ước muốn của Mẹ là các con hãy đọc kinh Mân Côi hằng ngày”. Đức Mẹ cam đoan rằng những ơn lành từ kinh nguyện này sẽ cứu độ và dẫn đưa con người đến hạnh phúc thiên quốc. Đức Thánh Cha nói:

“Xin anh chị em hãy nhớ những lời ấy của Đức Mẹ, nhất là trong tháng 10, tháng Mân Côi hiện nay. Nhờ sự chuyển cầu của Mẹ - Mẹ Trung gian ơn thánh, anh chị em hãy cầu xin ơn hòa bình cho thế giới, ơn khôn ngoan cho các vị lãnh đạo chính quyền, niền tin và hiệp nhất cho các gia đình.”

Sau cùng bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha chào Ủy ban hành hương của các quân nhân quốc tế, và hàng trăm quân nhân thuộc lữ đoàn Julia của Italia, các nữ tu thuộc Hiệp Hội các Bề trên thượng cấp các dòng nữ Italia, và ngài nhắn nhủ mọi người trong thánh 10 này hãy noi gương lòng nhiệt thành truyền giáo của Mẹ Maria, để trở thành những người loan báo Chúa Kitô trong mọi môi trường của cuộc sống.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây