GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Kinh truyền tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 14/07/2019

Kinh truyền tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 14/07/2019
Giuse Trần Đức Anh, O.P. – Roma

Kinh truyền tin với Đức Thánh Cha: Chúa nhật 14/07/2019

Đức Thánh Cha Phanxicô chào các tín hữu trong buổi đọc kinh Truyền tin 14/07/2019 (AFP or licensors)

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 14/07/2019 tại Quảng trường Thánh Phêrô với 15 ngàn tín hữu hành hương, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người noi gương người Samaritano nhân lành, quan tâm săn sóc những người nghèo khổ, lâm cảnh khốn cùng, vượt thắng thái độ thiếu nhạy cảm, ích kỷ, trước đau khổ của tha nhân.


Giuse Trần Đức Anh, O.P. – Roma

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, Tin Mừng trình bày dụ ngôn thời danh về “người Samaritano nhân lành” (Xc Lc 10,25-37). Khi một nhà thông luật hỏi Chúa Giêsu xem cần phải làm gì để được sống đời đời, Chúa mời gọi người ấy hãy tìm câu trả lời trong Kinh Thánh: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết sức và trọn tâm trí, và hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (v.27). Nhưng có nhiều giải thích về “tha nhân” ở đây là ai.

Thực vậy, nhà thông luật ấy lại hỏi Chúa Giêsu: “Vậy ai là tha nhân của tôi?”. Về điểm này, Chúa Giêsu trả lời bằng một dụ ngôn (...). Giữ vai chính trong trình thuật ngắn này là một người Samaritano, dọc đường gặp một người bị cướp bóc lột, đánh đập, và người Samaritano ấy đã săn sóc cho nạn nhân. Chúng ta biết rằng người Do thái đối xử khinh miệt với những người xứ Samaria, coi họ như những người xa lạ với dân Chúa chọn. Vì thế, không phải tình cờ mà Chúa Giêsu chọn một người Samaritano như nhân vật tích cực trong dụ ngôn. Qua cách thức ấy, Chúa muốn vượt thắng thành kiến, và muốn chứng tỏ rằng một người xa lạ, một người không biết Thiên Cháu thực và không lui tới đền thờ của Ngài, cũng có khả năng hành động theo thánh ý Chúa, chứng tỏ lòng cảm thương đối với người anh em khốn cùng và cứu giúp bằng mọi phương thế mình có.

Trên cùng con đường ấy, trước người Samaritano, đã có một tư tế và một thầy Lêvi đi qua, nghĩa là những người chuyên lo việc phụng tự Thiên Chúa. Nhưng khi thấy người bị thương nằm trên mặt đất, họ đi qua mà không dừng lại, có lẽ để khỏi bị ô uế vì máu của người bị thương. Họ đã đặt một luật lệ nhân trần (...) gắn liền với việc phụng tự, lên trên giới răn lớn nhất của Chúa Giêsu, dạy trước tiên về lòng thương xót.

Vì thế, Chúa Giêsu trình bày người Samaritano như một mẫu gương (...), yêu thương anh em như chính mình, chứng tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, người Samaritano yêu mến vị Thiên Chúa mà ông không biết, và đồng thời, qua đó người ấy biểu lộ lòng đạo đức chân chính và tình người trọn vẹn.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Sau khi kể lại dụ ngôn này, Chúa Giêsu lại nói với người thông luật đã hỏi Ngài “ai là người thân cận của tôi?” và Chúa nói với ông: “Ông thấy ai trong 3 người ấy là người thân cận của người bị rơi vào tay bọn cướp?” (v.36). Qua cách thức đó, Chúa thực hiện một sự đảo lộn so với câu hỏi của người đối thoại và cả những tiêu chuẩn hành động của tất cả chúng ta. Chúa làm cho chúng ta hiểu rằng, không phải cứ theo các tiêu chuẩn của mình để xác định ai là người thân cận, và ai không, nhưng chính là con người ở trong tình cảnh túng quẫn có thể nhận ra ai là người thân cận của họ, nghĩa là “ai là người cảm thương họ” (v. 37) (..).

Kết luận này cho thấy lòng thương xót đối với một người đang ở trong tình trạng cần được giúp đỡ chính là khuôn mặt đích thực của tình thương. Chính qua đó mà ta trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu và tôn nhan Chúa Cha được biểu lộ: “Các con hãy có lòng thương xót, như Cha các con trên trời là Đấng xót thương” (Lc 6,36) (..)

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta hiểu và nhất là ngày càng sống trọn vẹn hơn mối liên hệ không thể tách rời giữa tình yêu đối với Thiên Chúa là Cha chúng ta, và tình yêu cụ thể và quảng đại đối với anh chị em chúng ta”.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha tái kêu gọi hòa bình cho dân nước Venezuela từ lâu ở trong tình trạng khủng hoảng. Ngài nói: “Một lần nữa, tôi muốn biểu lộ sự gần gũi của tôi với nhân dân Venezuela yêu quí, bị thử thách cam go vì cuộc khủng hoảng kéo dài. Chúng ta hãy cầu xin Chúa gợi hứng và soi sáng cho các phe liên hệ, để họ sớm có thể đi tới một thỏa thuận chấm dứt những đau khổ của dân chúng, mưu ích cho đất nước và cho toàn vùng”.

Đức Thánh Cha cũng chào thăm các tín hữu hành hương, đặc biệt cức nữ tu dòng Thánh Gia Nazareth đang nhóm Tổng Hội. Ngài cũng chào thăm các tín hữu Ba Lan đang tham dự cuộc hành hương thường niên của Đài phát thanh Radio Maria ở Đền thánh Đức Mẹ Czeschowa và tất cả các tín hữu hành hương người Ba Lan.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây