GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


 Suy Tôn Thánh Giá. Lễ kính.

 Suy Tôn Thánh Giá. Lễ kính.

 Suy Tôn Thánh Giá. Lễ kính.

“Con Người phải bị treo lên”.

 

* Lễ Suy Tôn Thánh Giá được cử hành sau lễ Cung Hiến Thánh Đường Phục Sinh, được xây ở Giê-ru-sa-lem trên mồ thánh (335). Từ cõi chết phục sinh, Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết.

Thánh giá của Người tiêu biểu cho cuộc chiến thắng này. Truyền thống còn thấy ở đây dấu chỉ của Con Người, Đấng sẽ xuất hiện trên trời để loan báo ngày Người trở lại.

 

Lời Chúa: Ga 3, 13-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.

“Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”.

 

 

 

Suy Niệm 1: Phải được giương cao

(‘Manna’)

Nhiều người ngoài Kitô giáo cảm thấy sợ khi vào nhà thờ,

nhìn lên thánh giá, thấy một người bị đóng đinh, máu chảy đầm đìa.

Tại sao lại thờ một người khủng khiếp như vậy?

Một số nơi đã đặt tượng Chúa Phục Sinh trên thánh giá.

Hẳn nhà thờ sẽ tươi hơn, ít gây sốc hơn, mầu nhiệm phục sinh được nổi bật hơn...

Nhưng chúng ta vẫn không được quên Chúa chịu đóng đinh.

Không có cái chết ấy thì cũng chẳng có ơn cứu độ.

Không có thánh giá thì cũng chẳng có phục sinh.

Khi suy tôn thánh giá, chúng ta không suy tôn hai thanh gỗ xếp hình chữ thập.

Chúng ta suy tôn chính Đấng đi đóng đinh vào thánh giá.

Ngài là Đấng vô tội, là Con Thiên Chúa làm người,

là "Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gl 2, 20).

Chúng ta cũng không suy tôn đau khổ và cái chết,

nhưng chúng ta suy tôn Tình Yêu:

Tình Yêu của Cha dám trao cho thế gian người Con Một,

Tình Yêu của Con dám sống hết mình cho Cha và anh em.

Đau khổ và cái chết là cái giá phải trả cho một tình yêu.

Tình yêu lớn nhất là tình yêu hiến mạng.

Thập giá là một thất bại của Tình Yêu.

Quà tặng của Cha bị loài người từ khước:

Người Con yêu dấu bị làm nhục và đóng đinh.

Quà tặng của Con bị loài người rẻ rúng:

Con chẳng đáng giá bằng tên sát nhân Baraba.

Thiên Chúa thất bại vì Ngài khiêm tốn.

Ngài để cho con người có tự do chối từ.

Ngài đau đớn lặng thinh khi Con Ngài hấp hối...

Nhưng thập giá lại là một thành công của Tình Yêu.

Nơi thập giá, tội ác con người lên đến cao điểm.

Cũng nơi thập giá, Tình Yêu Thiên Chúa lên đến tột cùng.

Và Tình Yêu đã thắng tội ác, sự sống thắng sự chết,

ánh sáng thắng bóng tối, tha thứ thắng hận thù.

Cha không đưa Đức Giêsu xuống khỏi thập giá,

nhưng đưa Ngài ra khỏi nấm mồ hiu quạnh.

Thất bại của thập giá đã biến thành chiến thắng.

Thập giá trở thành Thánh Giá đem lại sự sống đời đời.

Thánh Giá đã trở nên biểu tượng của Kitô giáo.

Thánh Giá có mặt cả trên nến phục sinh.

Thánh Giá ở trên thân xác ta, mỗi lần ta làm dấu,

nhưng Thánh Giá còn ở với người Kitô hữu suốt đời:

"Ai muốn theo Tôi hãy vác thánh giá mình mà theo Tôi".

Đừng sợ hãi tránh né dù đau đớn xót xa.

Đừng kéo lê, bạn sẽ thấy thánh giá nhẹ hơn và sinh trái.

Hãy hôn kính Thánh Giá của mình, của quê hương, của Giáo Hội,

dù chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết được mầu nhiệm.

Ước gì chúng ta thấy được ý nghĩa của khổ đau nhờ tin tưởng nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu.

 

Gợi Ý Chia Sẻ

Đứng trước những thất bại và khổ đau trong cuộc sống, bạn thường có thái độ nào (chán nản, bực tức, nổi loạn, đón nhận, phấn đấu vượt qua...)? Có khi nào nhờ thất bại và khổ đau mà bạn thấy mình lớn lên không?

Có khi nào bạn chấp nhận một chút hy sinh, một chút đau khổ, để người khác được hạnh phúc không?

 

Cầu Nguyện

Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,

đó là ơn nhận ra Thánh Giá của Con Cha trong mọi nỗi khổ đau của đời con,

và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh Giá, bao lâu tuỳ ý Cha định liệu.

Xin đừng để con trở nên chua chát

nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ

và lòng khát khao nóng bỏng có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.

Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ của những người đã yêu mến Cha,

đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ, tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.

Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con nói lên lòng tin của con vào những lời hứa của Cha,

lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha, và lòng mến mà con dành cho Cha.

Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân, và yêu Cha chỉ vì Cha,

chứ không mong phần thưởng.

Ước gì Thánh Giá trở nên mẫu gương cho con, là ánh sáng cho đêm tăm tối,

nhờ đó con không còn coi khổ đau như một tai họa hay một điều vô lý,

nhưng như một dấu chỉ cho thấy con đang thuộc về Cha mãi mãi. (Karl Rahner)

 

Suy Niệm 2: Ba cuộc đời - ba cách chết

(Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Trên đồi Golgotha cách đây hơn hai ngàn năm, có 3 tử tội trên thập giá. Ba con người đều chết trên thập giá với ba thái độ khác nhau. Đó chính là Thầy Giêsu ở giữa. Một người bên hữu được gọi là trộm lành. Một người bên tả truyền thống vẫn gọi là trộm dữ. Tại sao cùng một hoàn cảnh mà cách thức đón nhận lại khác nhau? Đâu là điểm khác biệt giữa ba con người?

Trước hết đó là Thầy Giêsu, một con người đã tự nguyện vác thập giá để cứu độ chúng sinh. Ngài chấp nhận đi vào cái chết không phải do tội của mình mà vì tội của nhân gian. Ngài đã chết để thí mạng vì bạn hữu. Cả cuộc đời của Ngài đã sống vì người khác. Ngài đã sống một cuộc đời để yêu thương và yêu thương cho đến cùng. Ngài đã đi đến tận cùng của yêu thương là thí mạng mình vì bạn hữu. Cái chết của Ngài là bằng chứng cho tình yêu. Đau khổ Ngài chịu cũng vì yêu thương nên Ngài không than vãn, không uất hận vì đời đen bạc. Không nguyền rủa cuộc đời vì những gánh nặng đang đè trên vai. Vì yêu đối với ngài không chỉ là tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, mà còn dám chết cho người mình yêu được sống và sống dồi dào. Thế nên, đau khổ đối với Ngài là niềm vui. Và ngài đã đi vào cái chết trong thanh thản vì đã hoàn thành sứ mạng đời mình: "yêu thương và phục vụ cho" người mình yêu. Ngài không hối tiếc về cuộc sống đã qua. Ngài không hối hận vì việc mình đã làm. Ngài rất vui vì đã đi trọn con đường của tình yêu. Ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong an bình khi Ngài nói cùng nhân loại "mọi sự đã hoàn tất" và nói cùng Chúa Cha "Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn trong tay Cha".

Người thứ hai là anh trộm lành. Anh là một tội nhân. Anh đón nhận hình phạt và cái chết vì chính tội của mình. Nhưng anh là một con người biết phải trái. Anh biết việc mình làm là đáng tội, là đáng phải chịu hình phạt. Cuộc đời anh chưa làm điều gì tốt cho tha nhân. Anh đã sống một cuộc đời chỉ làm hại người khác. Thế nên, anh đã nói với Chúa: "Tôi đã bị như thế này là xứng đáng với tội của tôi". Anh đón nhận thập giá để đền bù những lầm lỗi đã qua. Anh chấp nhận cái chết nhục nhã như là hình phạt đích đáng vì tội của mình. Anh đã tìm được bình an trong giờ phút cuối cùng của đời người. Anh cũng biết rằng anh không xứng đáng chung phần hạnh phúc thiên đàng với Thầy Giêsu, anh chỉ mơ ước Thầy Giêsu nhớ tới anh khi Thầy về thiên đàng. Đối với anh thập giá là cơ hội để anh để anh đền bù lầm lỗi. Thập giá là nhịp cầu đưa anh vào thiên đàng. Thế nên, anh đón nhận thập giá với lời xin vâng theo mệnh trời. Anh không oán trời, oán đất. Anh đi vào cái chết với tâm hồn thanh thản vì anh đã đền bù những lầm lỗi của quá khứ cuộc đời.

Người thứ ba là anh trộm dữ. Anh lao vào cuộc đời như con thú đang tìm mồi. Cuộc đời anh chỉ tìm hưởng thụ cho bản thân. Vì ham muốn danh lợi thú anh đã sẵn sàng hạ thấp nhân phẩm mình và chà đạp phẩm giá của tha nhân. Anh đang có nhiều toan tính để hưởng thụ. Thế nên, anh không chấp nhận thập giá trên vai anh. Anh không chấp nhận kết thúc cuộc đời bằng cái chết bi thảm trên thập giá. Anh đòi quyền sống. Sống để hưởng thụ. Anh nổi loạn vì đời anh còn quá trẻ, còn quá nhiều tham vọng nên anh không thể chấp nhận cái chết đến với mình. Thế nhưng, anh vẫn phải chịu hình phạt vì tội của mình. Công lý đòi buộc anh phải thi hành, dầu anh không muốn. Thập giá làm cho anh đau khổ. Cái chết làm cho anh nổi loạn. Anh nguyền rủa trời, nguyền rủa đất và xúc phạm cả đến Thầy Giêsu, một con người đang phải chịu cái chết vì đã liên đới với anh. Anh đã chết trong sự hoảng loạn và khổ đau.

Mỗi người chúng ta đang sống một cuộc đời cho chính mình. Mỗi người chúng ta đang đón nhận thập giá với thái độ khác nhau. Có người chấp nhận thập giá để đền tội. Có người chấp nhận thập giá vì lòng yêu mến tha nhân. Và cũng có người đang từ chối thập gía trong cuộc đời. Hạnh phúc hay đau khổ tuỳ thuộc vào việc chọn lựa sống của chúng ta. Nhưng dù con người có muốn hay không? Thập giá vẫn hiện diện. Thập giá của bổn phận. Thập giá của hy sinh từ bỏ những tham lam bất chính, những ham muốn tội lỗi, những ích kỷ tầm thường. Đón nhận thập giá sẽ mang lại cho ta tâm hồn bình an vì đã sống đúng với bổn phận làm người. Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta đền bù những thiếu sót trong cuộc sống của mình và của tha nhân. Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta tiến tới vinh quang phục sinh với Chúa trên thiên đàng.

Nguyện xin Chúa là Đấng đã vui lòng đón nhận thập giá vì chúng ta, nâng đỡ và giúp chúng ta vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Xin giúp chúng ta biết sống một cuộc đời hy sinh cao thượng để chúng ta không hối hận vì quá khứ, nhưng luôn bình an vì đã sống chu toàn bổn phận của mình với lòng mến Chúa, yêu người. Amen.

 

Suy Niệm 3: Suy tôn Thánh Giá

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ – Radio Veritas Asia)

Tuần báo Thế Kỷ Kitô, xuất bản bên Hoa Kỳ có kể lại kinh nghiệm sau đây của một vị linh mục công giáo tại bang Carolina vào Tuần Thánh.

Để giúp các tín hữu trong giáo xứ suy niệm về mầu nhiệm thập giá, linh mục này cho dựng một cây thập giá cao to, bằng gỗ sơn đen ngay trong sân nhà thờ. Chẳng may trong ngày hôm đó, có người xưng mình là đại diện cho hãng du lịch trong vùng gọi điện thoại đến khiếu nại. Lý do như sau: khách du lịch đi qua trước nhà thờ không thích nhìn thấy cây thập giá đen thui này, họ muốn xem những gì vui tươi hơn. Đó là câu chuyện của đời này ở bên Hoa Kỳ. Nhiều người đã quên hay cố quên mầu nhiệm thập giá trong đời sống đức tin, nhưng không phải chỉ là chuyện đời này mà thôi, ngay từ thời xa xưa, thời các thánh tông đồ cũng đã xảy ra như thế. Thánh Phaolô đã thốt lên rằng: "Nhiều người sống nghịch lại thập giá Chúa. Họ chỉ sống theo cái bụng, chạy theo lợi lộc, ham vui". Thập giá Chúa còn có ý nghĩa gì đối với người Kitô hôm nay chăng?

Trước khi mạc khải về ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá, Chúa Giêsu nhắc lại cho ông Nicôđêmô về nguồn gốc thần linh từ trời xuống của chính mình như là Con Thiên Chúa: "Không ai đã lên trời, ngoài trừ Con Người, Đấng từ trời xuống". Tự nó, thập giá là chặng dưới đất và thực tại đau buồn do con người tạo ra, nhưng để hiểu trọn vẹn ý nghĩa của nó thì cần phải đóng đinh Con Thiên Chúa vào đó, cần phải hiểu mầu nhiệm thập giá trong cái nhìn từ trên cao, trong cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng muốn và đã sai Con Một mình xuống trần gian và chịu chết treo trên thập giá, để biến dấu chỉ của sự trừng phạt trở thành dấu chỉ của tình yêu cứu rỗi. "Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, như con rắn đồng của Môsê, để ai tin vào Con Người thì được sống muôn đời". Chúa muốn ông Nicôđêmô nhìn về thập giá từ trên cao theo cái nhìn của chính Chúa, và lúc đó con người sẽ khám phá ra rằng Thiên Chúa dùng thập giá để mạc khải tình yêu thần linh, để hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau.

Như lời mời gọi của Chúa cho ông Nicôđêmô, cần phải đặt Con Thiên Chúa vào thập giá, cần phải treo Con Thiên Chúa lên thập giá, con người chúng ta có hiểu được ý nghĩa của thập giá? Thập giá mạc khải cho con người biết tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ của sự khước từ của con người đối với Thiên Chúa, là dấu chỉ của sự thù ghét của con người đối với con người, của con người say mê quyền hành và danh vọng, muốn làm mọi cách để loại bỏ đối thủ của mình như những người biệt phái Pharisiêu ngày xưa đã dùng thập giá để loại bỏ Chúa Giêsu, Đấng đang lôi kéo dân chúng bỏ họ mà theo Chúa.

Mỗi người Kitô chúng ta hôm nay, nhân ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, hãy kiểm điểm lại thái độ của mình đối với thập giá Chúa. Phải chăng thập giá Chúa đã bị tục hóa, bị chúng ta biến trở thành món trang sức để khoe của, để củng cố địa vị, để lường gạt anh chị em? Chúng ta làm dấu thánh giá trên mình, chúng ta mang dấu thánh giá trên áo, trên cổ nhưng chúng ta đã sống ý nghĩa của thập giá như Chúa đã mạc khải như thế nào?

Lạy Chúa,

Xin thương dạy con hiểu biết, đón nhận và sống mầu nhiệm thập giá trong chính đời sống của con. Xin cho con một tâm hồn quảng đại, không chạy trốn trước lời mời gọi của thập giá Chúa, nhưng sẵn sàng để cho cuộc đời con được đóng đinh vào thập giá với Chúa, trở thành của lễ hy sinh, giúp anh chị em nhận ra tình yêu Chúa.

 

Suy Niệm 4: Học yêu Thánh Giá

(Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

Tình cờ tôi nghe bài hát “học yêu Thánh Giá”, từ web: mp3.zing.vn/bai-hat/Hoc-yeu-Thanh-Gia.

Lời ca ngắn gọn mà sâu sắc, giai điệu nhẹ nhàng cho tôi cảm nhận sâu lắng về tình yêu Thánh Giá Chúa Giêsu.

Thánh Giá là chữ T.

Người nằm giang tay chữ Y.

Là tình yêu, yêu đến tận cùng.

Yêu nhân gian chiều ngang.

Yêu đời mình chiều sâu.

Yêu Chúa là chiều cao.

Để tình yêu luôn mãi nhiệm mầu.

Thập giá là chữ T được tạo nên do hai thanh gỗ. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Trên thập giá, Chúa Kitô chịu đóng đinh dang tay thành chữ Y. Tình yêu là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống. Cả ba chiều kích ngang, sâu, cao của thập giá đều quy tụ nơi tình yêu của Đấng chịu đóng đinh. Chúa Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh. Tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha “đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá. Sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11).

Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.

Ca nhập lễ ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá đã mượn lời của Thánh Phaolô trong thư Galat 6,14 để hân hoan hát lên: “Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta”.

Kinh Tiền Tụng đã chú giải: “Thật vậy, xưa vì cây trái cấm, loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời; và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Đức Kitô, Chúa chúng con”.

Thánh Bonaventura viết: “Thánh Giá là cây tòan hảo, được thánh hóa bởi Máu Chúa Kitô, mang đầy trái thơm ngon“. Cây Thánh giá còn được phong phú hóa như là một loài cây quý hiếm và tươi thắm diễm lệ, hoa trái tràn đầy trong lời trong kinh ‘A Rất Thánh Giá’: “Khen cây thánh giá ở giữa rừng phàm, nên giống báu lành, nên cây sang trọng, nên đơn linh nghiệm, nên tàu vượt qua biển hiểm thế nầy….Cây thánh giá tốt lành rất mực dìm dà êm mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình. Cội rễ, nhành lá, búp bông, hoa quả. Từ xưa đến nay, cây nào dám ví bằng cây thánh giá, từ cây thánh giá chở mình Chúa Cả đóng đinh trên cây thánh giá”.

Tại bãi biển Copacabana tối thứ sáu 26-7-2013 đi Đàng Thánh Giá, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giảng Thập giá là: “Một tình yêu tuyệt vời khi đi vào tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho nó, đi vào đau khổ của chúng ta và cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Đó là một tình yêu đi vào cái chết để chiến thắng nó và cứu vớt chúng ta. Thập giá của Chúa Kitô chất chứa tất cả tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót vô biên của Ngài. Đây là một tình yêu mà chúng ta có thể đặt vào đó tất cả niềm tin của chúng ta, nơi chúng ta có thể tin tưởng. Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy phó thác vào Người một cách trọn vẹn! (x. Ánh Sáng Đức Tin, 16). Chỉ trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, chúng ta mới có thể tìm thấy phần rỗi và ơn cứu độ. Với Ngài, sự dữ sự đau khổ và cái chết không còn quyền thế, bởi vì Ngài cho chúng ta hy vọng và sự sống: Ngài đã biến Thập giá từ một công cụ của sự thù ghét, sự thất bại và sự chết thành một dấu chứng của tình yêu, sự khải hoàn và sự sống”.

Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện vào cuối Năm Thánh Cứu Độ 1984, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã muốn tín thác Thập Giá Chúa cho người trẻ và ngài nói: “Các con hãy đem Thánh Giá vào trong thế giới như dấu chỉ tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và loan báo cho tất cả mọi người rằng chỉ nơi Chúa Kitô chết và phục sinh, mới có sự cứu rỗi và ơn cứu độ” (Diễn văn với giới trẻ, 22 tháng 4 năm 1984). Kể từ đó, Thập Giá đã rong ruổi qua mọi đại lục, và đi qua các thế giới khác nhau nhất của cuộc sống con người, hầu như được thấm nhập bởi các tình trạng sống của biết bao nhiêu người trẻ đã trông thấy và đã mang Thập Giá đó. Không có ai đụng tới Thập Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính mình, và không đem một cái gì đó của Thập Giá Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của mình.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25). Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu.Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Chúa Giêsu chết trên thập giá, muốn minh chứng rằng Người yêu thế gian hơn yêu chính mình. Nơi thập giá, Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là một tình yêu ở dạng thức cao nhất: Tình Yêu đến mức tận cùng, một Tình Yêu tự hiến trọn vẹn của Thiên Chúa. Yêu là hiến tế, là hy sinh chính mình. Hiến dâng chính mình vì thiện ích của kẻ khác. Chúa Giêsu hiến dâng chính mình trên thập giá như là sự đền bù vì ơn cứu độ nhân loại.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Chúng ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thánh Giá.Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Đức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.

 

Suy Niệm 5: Suy niệm của ĐGM. Phaolô M. Cao Đình Thuyên

Một nhà thông thái nằm mơ thấy mình để cả cuộc đời đi tìm một cuốn sách hay nhất gồm tóm mọi sự trên đời, cuốn sách đó chỉ tóm gọn trong một trang hay nhất, rồi trang ấy gồm trong một dòng hay nhất, rồi dòng ấy trong một chữ hay nhất. Ông giật mình tỉnh dậy, trên bàn ông có một chữ to tướng: Crux, Thánh Giá.

Phải, Thánh Giá là chữ hay nhất gồm tóm những bài học hay nhất, của một dòng chữ hay nhất, của một trang hay nhất, của một cuốn sách hay nhất. Vậy Thánh Giá là gì? Chắc chắn ta không nhìn và giải thích về mặt thể lý: 2 thanh gỗ, sắt, đồng, chì, vàng, bạc đóng vào nhau thành hình chữ thập, dù có gắn ảnh chuộc tội hay không.

Thánh Giá là tình thương vô biên của Thiên Chúa qua Chúa Kitô, đã tỏ cho loài người bằng cách hứng chịu mọi đau khổ trên thập giá để cứu độ chúng ta, và ngược lại, Chúa muốn chúng ta cũng qua Thánh Giá đóng góp phần mình vào ơn cứu độ để cứu mình và anh em, để tất cả được sống lại vinh quang với Chúa. Chỉ một vài dòng đơn sơ, nhưng nói đến Thánh Giá là động chạm đến bao vấn đề hết sức quan trọng và sâu sắc.

Trước hết, Thánh Giá là tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Thánh Gioan viết: “Tình yêu Thiên Chúa cốt tại điều này là không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước nhưng chính là Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước. Tình yêu của Thiên Chúa biểu hiện qua việc Ngài đã sai Con Một Ngài vào trong thế gian để làm của lễ đền tội chúng ta”. Như thế, tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu nhưng không, vô vị lợi. Chúa yêu chúng ta không phải vì chúng ta tốt hay vì Ngài cần chúng ta, nhưng chỉ vì Chúa tốt lành vô song. Tiên tri Giêrêmia đã nói rất cảm động: “Ta đã yêu con bằng tình yêu muôn đời, bởi thế Ta đã giữ bền ân nghĩa với con” (Giêrêmia 31,3). Thánh Augustin cũng nói: “Nguồn nước có được lợi gì khi kẻ khát nước đến uống ở đó, mặt trời có lợi gì khi con mắt được ánh sáng chiếu tới”. Nhà thần học Don Scot dòng Phanxicô, vào thế kỷ 14 còn nói mạnh hơn: “Giả thiết loài người không phạm tội thì vì yêu ta Chúa cũng có thể làm người và chịu nạn chịu chết”. Giả thiết vậy để kích thích ta thêm lòng đạo đức, đào sâu thêm huyền nhiệm tình yêu, chứ thực tế loài người đã phạm tội và Chúa đã sai con Ngài xuống thế gian thật để cứu chúng ta bằng cả cuộc sống của Ngài, mà cao điểm là cuộc khổ nạn và chết trên thập giá. Trước một tình yêu cao cả và vô vị lợi như thế sao ta lại dễ thất vọng chán nản mỗi khi gặp thử thách? Là con cái Chúa, là tu sỹ, nhất là tu sỹ Mến Thánh Giá lại ngã lòng mỗi khi Chúa muốn chúng ta chia sẻ Thánh Giá với Ngài? Phải chăng ta còn quá ích kỷ trong việc mến yêu Chúa? Ta yêu Ngài chỉ vì ta cần đến Ngài chẳng khác gì coi Ngài như cái vòi nước, khi cần thì đến vặn dùng, xong lại đóng sập lại ngay.

Một nhà mục sư Tin Lành giảng về câu Kinh Thánh của Thánh Gioan trên rất hay: 2 gia đình, 1 Công giáo, 1 Tin lành đi lại với nhau rất thân, gia đình Công giáo có 5 người con, ông bà Tin lành đã già mà không có con. Họ quý mến nhau lắm và mọi sự thông cảm chia sẻ với nhau rất quảng đại. Một hôm ông bà Tin lành mạnh dạn nói với ông bà Công giáo: Cả 2 ta cùng thờ một Chúa Giavê, một Chúa Kitô, tuy là 2 Hội Thánh nhưng chúng ta vẫn quý mến nhau vì cũng gặp ở một Chúa. Chúa cho gia đình bác nhiều cô cậu, còn tôi trong cảnh già nua buồn bã, tôi muốn xin bác cho chúng tôi 1 cô hoặc 1 cậu để ông bà làm vui. Tôi hứa sẽ yêu thương giáo dục cháu hết sức! Ông bà Công giáo cảm động quá về bàn với nhau xem nên cho đứa nào.

- Con cả là một cậu trai tuấn tú, thông minh, ngoan ngoãn, nhất định không được. Vả ai lại cho trưởng nam đi.

- Con thứ là một cô gái xinh đẹp đạo đức lại vừa đính hôn với một thanh niên xứ bạn, ai lại cho đi đứa con chỉ vài ba tháng nữa sẽ về nhà chồng.

- Con thứ ba là cậu trai tàn tật, què chân. Hai vợ chồng buồn bã cho số phận hẩm hiu của con nên càng đem lòng ưu ái con để bù thiệt cho nó, thì sao có thể cho nó đi và lại cho bạn một đứa con tàn tật, làm sao coi được.

- Con thứ tư là một cô thiếu nữ 10 tuổi. Vừa nói tới bà đã khóc tru trếu vì bà coi cô như hòn ngọc. Bà coi cô là hình ảnh sống động của mình vì lời ăn tiếng nói, nụ cười, cả dáng đi đều giống hệt như bà.

- Con thứ 5 là cậu trai út, 4 tuổi, suốt ngày nói nói cười cười, khi ngồi trên gối mẹ, lúc lại nằm trên tay cha. Đi nhà thờ, đi dạo chơi luôn kèm theo mẹ cha sao có thể rời được. Rút cuộc đành phải báo lại cho ông bạn Tin lành là không thể cho ông bạn được đứa nào cả

Nhà mục sư cao giọng: Con người thân thiết nhau đến thế mà người có 5 con không thể cho ông bạn 1 đứa. Thế mà Thiên Chúa và nhân loại có thân thiết nhau được như thế không? Tội lỗi đã làm con người nên tử thần với Chúa, Chúa Cha lại chỉ có 1 người con vô cùng quý hóa, ấy mà Ngài lại cho con mình xuống trần gian tội lỗi chịu trăm ngàn đau khổ mà cao điểm là Thánh Giá để loài người được an vui.

Chúng ta nghĩ sao về tình yêu Chúa đối với ta và tình mến ta với Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ cho nỗi vong ân bội nghĩa của chúng con!

Cũng vì thế mà đứng trước Thánh Giá chúng con vẫn không một chút mủi lòng. Vì không cảm hết được tình yêu Chúa đã tự triệt tiêu mình vì chúng con. Chúng con mang Thánh Giá trong mình mà chúng con lại mau mắn xua đuổi Thánh Giá đi xa dù chỉ là một Thánh Giá nhỏ nhẹ – một chút nhức đầu sổ mũi, một lời nói đùa cợt, một sự góp ý xây dựng đã đủ làm con phản ứng gay gắt, đỏ mày đỏ mặt, cử chỉ thô bạo, lắm lúc còn ấm ức tìm cách báo thù.

Ôi thật là lạ lùng! Thế mà con còn dám hãnh diện vì mình là người yêu Thánh Giá. Lạy Chúa, nghĩ lại chúng con thật đáng xấu hổ thẹn thùng. Thật đáng Chúa quở trách: Bọn này thờ ta bằng môi bằng miệng. Chúng con thật đáng liệt vào hạng ngoại giáo, thu thuế và bọn Biệt phái trong Phúc Âm.

Cũng vì không cảm hết được tình Chúa yêu con đến triệt tiêu mình cho con, nên con thường mắc bệnh chủ quan và luôn nhìn và phóng đại đau khổ mình mà không biết nhìn đến những thánh giá kẻ khác. Đau khổ mình thì dùng kính hiển vi mà phóng đại để tủi thân, để phàn nàn, để than trách. Còn đau khổ kẻ khác thì lại coi nhẹ, cho là việc nhà giàu đứt tay, không đáng kể. Ôi thật là ích kỷ! Sao con không nhìn lên Thánh Giá với những đau khổ dữ dằn hồn xác của Chúa đã gánh chịu cho con và cho tha nhân con. Tự hào là những người yêu Thánh Giá hơn ai, mến Chúa hơn ai mà con lại không biến cải những Thánh Giá chúng con thành những cây Thánh Giá để nên giống Chúa, để biểu lộ tình yêu Chúa yêu tha nhân? Thánh Têrêxa Avila thì nói: “Hoặc đau khổ hoặc chết”. Thánh Mađalêna de Passi: “Không chết nhưng xin đau khổ mãi mãi”. Thánh Rosa Lima: “Lấy vòng gai có mũi nhọn đội lên đầu, vác cây khổ giá nặng lâu giờ trong một ngày, ban đêm tự treo 2 tay lên khổ giá để kết hợp với Chúa hấp hối trên thánh giá xưa. Thế mà con, tu sỹ Thánh Giá thì lại khiếp sợ Thánh Giá, chê chối tránh né Thánh Giá. Thật dân này chỉ mến ta bằng môi bằng miệng. Nhà văn Montalenebat viết trong cuốn “Các đan sỹ Phơng Tây” miêu tả lời than của cây gỗ Thánh Giá rất cảm động như sau: Từ năm xửa năm xưa, lâu lắm rồi, tôi không còn nhớ nữa, lúc đó tôi mọc ở khu rừng, họ đã hạ tôi xuống đất, cưa chặt và mang tôi đi. Những kẻ thù thô lỗ đã chiếm lấy tôi để thành một trò hề. Họ đem tôi lên một ngọn núi và chôn tôi xuống đất. Ở đó tôi thấy Chúa tể loài người trong uy quyền đi tới trèo lên tôi. Để khỏi bất tuân với người tôi không dám gẫy cũng không dám cong, tôi cảm thấy đất run rẩy dưới chân tôi. Tôi cũng run khi thấy vị anh hùng ôm lên lấy tôi, nhưng tôi không dám cúi mình xuống, cũng không dám lún sâu xuống đất. Dù sao tôi cũng phải đứng thẳng và vươn lên để dương cao trên dân chúng Đấng là vua cao cả, là Chúa trời đất. Họ xuyên thủng tôi bằng những cái đinh màu xám, những vết thương còn biểu hiện trên mình tôi ngày nay. Cả Ngài lẫn tôi đều bị chửi rủa. Máu từ cạnh sườn Ngài loang đổ trên mình tôi. Mặt trời tối sẫm, cả vũ trụ than khóc vua họ bị ngã xuống. Trong cuộc thương khó trên Núi Sọ, cây gỗ giá đã đồng hóa mình với Chúa Giêsu, đã góp phần vào ơn cứu chuộc – Cây gỗ giá đã tuyên bố không dám gãy không dám cong mà cứ đứng thẳng và vươn lên. Còn ta, những người tự hào mình là kẻ hợp tác với ơn cứu độ, chuyền thông ơn cứu độ lại không dám đồng hóa với Chúa Kitô, không dám vươn lên, không dám vươn cao cho thế giới biết Đấng chịu đóng đinh là Chúa Trời Đất yêu thương ta vô cùng sao? Lạy Chúa, xin cho con can đảm như Cha Charle de Foucauld: Khi tôi ôm lấy Thánh Giá thì một trật tôi ôm lấy Chúa Kitô chịu đóng đinh vào đó.

 

Suy Niệm 6: Sùng kính hay là vác thập giá

Tôi không rõ việc sùng kính thập giá Đức Kitô khởi sự từ đâu và vào thời gian nào, nhưng chắc chắn việc đó phải có từ thời hoàng đế Constantin, hay nói rõ hơn từ năm 335 là năm mà truyền thuyết cho rằng đã tìm lại được thập giá Đức Kitô; và nhân biến cố đó, hoàng đế đã cho xây một thánh đường ngay chính nơi mộ Đức Kitô, ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá 14 tháng 9 là để kỷ niệm ngày cung hiến ngôi thánh đường này.

Như vậy, việc sùng kính thập giá quả đã có từ lâu đời, nhưng cũng không phải là một truyền thống có từ ban đầu. Vậy thì từ ban đầu thập giá có ý nghĩa gì?

Tôi xin thưa, ngay từ ban đầu thập giá đã là dấu chỉ của hồng ân cứu độ:

- Như Maisen treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Ngài thì được sống đời đời.

Đồng thời thập giá còn là dấu chỉ của một tình yêu to lớn mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại:

- Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.

Cũng như thập giá là dấu chỉ của người môn đệ Chúa:

- Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.

Đối với người môn đệ Đức Kitô thì không có gì là vinh dự ngoài thập giá, bởi vì nhờ thập giá mà chúng ta được giải thoát, được cứu độ. Nhưng vinh dự vì thập giá nghĩa là gì? Phải chăng, là vì chúng ta có thập giá như là một kỷ vật châu báu, quí giá hơn vàng bạc. Nếu thế thì chẳng lẽ Đức Kitô lại làm giàu cho chúng ta với cây thập giá của Ngài sao?

Hẳn là không. Nhưng phải nhìn nhận rằng, chúng ta nhiều khi đã lợi dụng thập giá Chúa để làm giàu. Thánh giá trở nên một đồ vật cho người ta buôn bán: Nào thánh giá vàng, thánh giá bạc và như thế thánh giá trở thành phương tiện để người ta khoe khoang, vinh dự khi ấy không còn là vinh dự được Đức Kitô cứu chuộc bằng giá máu của Ngài. Làm như thế thánh giá trở nên một đồ vật quí giá chứ không phải là một kỷ vật nhắc nhở cái chết của Chúa. Và kẻ đeo thánh giá đó không cần phải tin Đức Kitô, lại càng không thể làm môn đệ của Ngài vì người môn đệ chân chính của Ngài là phải luôn vác thập giá trên vai, và nhất là phải chịu đóng đinh vào đó vì yêu thương và yêu thương cho đến cùng.

Đã hơn hai ngàn năm nay, người ta đã tạo ra biết bao kiểu thánh giá, to có nhỏ có và thánh giá đã có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng càng ngày càng ít người chịu vác thánh giá trên vai và càng ít người hơn nữa chịu đóng đinh vào đó. Đáng buồn nhất là có những kẻ không ngần ngại đóng đinh người khác hay bắt kẻ khác vác những thánh giá nặng nề, đang khi chính mình vẫn đưa miệng hôn kính thánh giá.

Đức Kitô mời gọi chúng ta tình nguyện vác thập giá đi theo Ngài, nhưng chính Ngài cũng vác thập giá của mình mà đi trước chúng ta. Không bao giờ Ngài chất thập giá trên vai kẻ khác. Còn chúng ta, nhiều khi đã không chịu vác thập giá của mình thì chớ, mà lại còn chồng chất trên vai những người nghèo khổ và bé mọn, những người mà bình thường thập giá của họ đã nặng nề, mà không một ai giúp đỡ như Simong, mà không ai lau mặt cho như Veronica thuở trước.

Nay đã đến lúc phải đặt thập giá vào đúng vị trí của nó, nghĩa là trên vai mỗi người chúng ta. Bởi đó, việc hôn kính thánh giá không quan trọng bằng việc vác thập giá, và việc suy tôn thánh giá cũng chẳng lợi ích gì nếu không sẵn sàng chịu đóng đinh mình vào thập giá.

 

Suy Niệm 7: Thập Giá, con đường về trời

Chúa ban cho chúng ta mỗi người một khuôn mặt, bất kỳ lúc nào cũng có thể ngước nhìn lên trời. Khi thức cũng như khi ngủ, và ngay cả khi đã bị chôn vùi trong lòng đất, mặt chúng ta cũng vẫn còn hướng lên trời. Vậy hướng lên trời để làm gì? Tôi xin thưa là để chúng ta nhớ rằng chúng ta còn có một người Cha đang mong chờ chúng ta, cũng như để chúng ta xác tín rằng Nước Trời mới chính là quê hương đích thực của chúng ta. Vậy thì để tìm về với Chúa, để đạt tới quê hương Nước Trời, chúng ta phải làm gì?

Hẳn chúng ta còn nhớ có lần Chúa đã xác quyết: Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Thế nhưng con đường ấy như thế nào? Phải chăng là một con đường ngợp những cánh hoa. Tôi xin thưa không phải là như thế, nhưng là một con đường vừa khúc khuỷ, vừa nhỏ bé mà ít người muốn đặt chân vào. Và cụ thể hơn nữa, đó là con đường đau khổ, con đường thập giá như lời Người đã xác quyết: Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Đó là con đường duy nhất, rẽ ngang vào một lối khác, chắc chắn thế nào chúng ta cũng bị lạc.

Thực vậy, muốn được vào Nước Trời, chúng ta phải có công nghiệp, mà muốn có công nghiệp, chúng ta phải vác lấy thập giá mình. Công nghiệp của chúng ta mặc dù là nhỏ bé nhưng lại là một sự cộng tác cần thiết cho chính bản thân chúng ta được cứu rỗi. Bởi đó chúng ta đừng vội lẩm bẩm kêu trách mỗi khi gặp phải những gian nguy thử thách. Trái lại hãy coi đó là một diễm phúc vì được làm chính việc của Chúa, vì được cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ. Hơn nữa những khổ đau chúng ta phải chịu trong cuộc sống hiện tại, sẽ không thể nào sánh ví được với hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu mà chúng ta sẽ được đón nhận trên quê hương Nước Trời.

Có một vị ẩn sĩ sống trong một khu rừng vắng, ngày đêm không lúc nào ra khỏi chiếc lều ẩm thấp và chật hẹp. Ấy là chưa kể đến những hình khổ mà thầy dùng để đánh tội. Ngày kia có mấy người quý phái đến thăm, họ hết sức ngạc nhiên khi thấy thầy hãm mình một cách nghiêm ngặt. Họ hỏi thầy làm sao mà thầy có thể chịu đựng nổi. Thầy bèn chỉ vào một kẽ nứt bằng bàn tay trên vách núi và nói: Chính cái đó đã giúp đỡ tôi. Vì mỗi khi thân xác tôi muốn nổi loạn, thì qua kẽ nứt ấy tôi nhìn thấy bầu trời, và qua bầu trời tôi nhớ tới quê hương vĩnh cửu và đích thật của tôi.

Thực vậy, những giọt nước mắt ngày hôm nay nhỏ xuống, thì ngày mai sẽ kết thành những trái chín của hạnh phúc Nước Trời, bởi vì nhờ những giọt nước mắt khổ đau ấy mà chúng ta trở nên giống Đức Kitô. Hay như lời thánh Phaolô đã nói: Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô thì chúng ta cũng sẽ được sống lại với Người. Bởi vì chính Ngài đã long trọng công bố: Phúc cho những ai than khóc, vì họ sẽ được ủi an.

 

Suy Niệm 8: Thập Giá và cuộc sống

Thập giá nắm giữ vai trò nào trong cuộc sống mỗi người chúng ta?

Chúng ta thường thấy: nơi bản thân, Thập giá được dùng làm đồ trang sức chúng ta đeo trên tai, trên cổ. Trong mỗi gia đình đều có một bàn thờ. Và trên bàn thờ ấy, chính giữa thường là cây thập giá, vì đó là vị trí chúng ta lấy làm ưng ý nhất. Tại giáo xứ, chúng ta nhìn thấy thập giá trên tháp chuông, trên cung thánh hay trên những phần mộ.

Thập giá đã quá quen thuộc với chúng ta ngày từ hồi còn tấm bé. Chúng ta không thể diễn tả niềm tin Kitô giáo mà không cần đến cây Thập giá. Thế nhưng, còn trong cuộc sống thì sao?

Phải thành thật mà nói: nhiều khi Thập giá đã làm cho chúng ta run sợ và chúng ta đã tìm mọi cách để lẩn tránh. Thập giá dường như đã trở nên một cái gì thù địch, trái ngược với bản tính và niềm hạnh phúc của chúng ta.

Thế nhưng, kinh nghiệm cho thấy: chúng ta không thể nào lẩn tránh khỏi Thập giá, bởi vì Thập giá là một cái gì nằm sẵn trong thân phận con người. Sự chọn lựa của chúng ta không phải là có hay không có Thập giá, nhưng là có biết vác Thập giá mình cho nên hay không mà thôi. Bởi vì Thập giá sẽ đem lại nhiều lợi ích nếu chúng ta biết vác lấy vì lòng yêu mến Chúa.

Thực vậy, đứng trước thập giá, Chúa Giêsu đã có một thái độ hoàn toàn khác biệt với chúng ta. Phúc âm kể lại rằng:

Bấy giờ Chúa Giêsu và các môn đệ đang ở Giêricô, cách thủ đô Giêrusalem khoảng bốn mươi cây số, mà ngày lễ Vượt qua thì lại sắp tới, từng đoàn người hành hương hát vang những câu thánh vịnh. Và rồi một lần nữa Chúa Giêsu nói trước cho các ông về cuộc tử nạn của Ngài:

- Này Ta lên Giêrusalem, Con người sẽ bị nộp trong tay kẻ ngoại. Họ sẽ khạc nhổ, đánh đòn và sẽ giết chết Ngài.

Các môn đệ không muốn tin vào điều ấy. Lên Giêrusalem giữa một tình hình căng thẳng như lúc này, thì quả là một việc điên khùng và dại dột, nếu không muốn nói đó là một hành động tự sát, bởi vì đã từ lâu, bọn biệt phái và luật sĩ tại đó đã quyết định giết Chúa Giêsu.

Thế nhưng, các ông lại không đủ can đảm can ngăn Chúa Giêsu, bởi vì đã một lần Phêrô lên tiếng:

- Ước gì Thày không phải như vậy đâu.

Và ông đã bị Ngài quở trách nặng lời:

- Hỡi Satan hãy xéo đi, vì ngươi chỉ biết những việc thuộc về thế gian, mà chẳng biết chi đến những việc thuộc về Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã nhìn thấy trước những khổ đau và cái chết nhục nhã Ngài sẽ phải chịu, thế mà Ngài vẫn cương quyết đi lên Giêrusalem.

Cuộc hành trình đi lên Giêrusalem phải chăng chính là hình ảnh cuộc đời chúng ta. Còn thái độ của các môn đệ, phải chăng cũng chính là thái độ của chúng ta.

Thực vậy, cuộc đời chúng ta thì chất đầy những khổ đau và lo lắng: nào đau ốm bệnh tật, nào hận thù chiến tranh, nào nghèo túng khổ cực… Chúng ta cảm thấy như bất lực, không thể nào giải quyết được. Trong khi đó, Chúa Giêsu đã can đảm bước đi và Ngài đã bước đi cho tới cùng, bởi vì sau thập giá sẽ là vinh quang phục sinh.

Có hai bà già mắc bệnh lao, nằm bên cạnh nhau trong một căn phòng bệnh viện. Họ biết rằng cơn bệnh của họ không còn phương cách nào cứu chữa, chỉ còn chờ ngày được nghỉ yên dưới lòng đất lạnh mà thôi.

Một bà thì cô độc, chỉ có một mình, bởi vì gia đình và những người thân đều đã chết vì trúng đạn pháo kích. Còn bà kia thì đã có chồng, nhưng ông chồng này đã bỏ bà từ lâu và hiện đang sống với người vợ lẽ. Bà biết rõ điều ấy.

Trước những nỗi đớn đau và bất hạnh như thế, mọi lời an ủi và khích lệ dường như đã trở nên thừa thải, nếu không muốn nói là đã trở nên lẩm cẩm và ngu ngốc. Thế nhưng, mỗi lần viếng thăm, tôi đều thấy hai bà cầm cây Thánh giá và nói với tôi:

- Cuối cùng chỉ còn lại cây Thập giá. Bởi vì chính tại Thập giá, Chúa Giêsu đã đau khổ trước chúng tôi và hơn chúng tôi bội phần. Cây Thập giá của Chúa đã nói với chúng tôi nhiều điều và đã đem lại cho chúng tôi niềm an ủi tuyệt vời nhất giữa những đắng cay chua xót của cuộc đời.

Hôm nay, chúng ta không phải chỉ suy tôn Thánh giá trong lời kinh tiếng hát hay trong những nghi thức phụng vụ, mà còn phải biết suy tôn Thánh gía trong chính cuộc sống chúng ta, bằng cách chấp nhận những hy sinh gian khổ mà chúng ta gặp phải vì lòng yêu mến Chúa, bởi vì đó chính là cây thập giá đời thường Ngài muốn chúng ta vác lấy để bước theo Ngài.

Bên trên những gai nhọn là cánh hồng nở thắm. Bên trên thập giá đời đời thường là vinh quang phục sinh chờ đón.

 

Suy Niệm 9: Thập giá: Quyển sách cao siêu nhất

Người ta thường mượn câu chuyện sau đây để nói đến tinh thần hy sinh, chấp nhận trong cuộc sống.

Có một người kia cứ phàn nàn trách Chúa vì đã gửi đến cho mình một thập giá quá nặng... Chúa bèn đưa người đó đến một cửa hàng có các thập giá đủ cỡ để người đó chọn lựa. Người đó hăm hở bước vào cửa hàng và dựng cây thập giá của mình vào tường. Người đó tự nhủ trong lòng: "Đây là chuyện cả đời người, ta phải hết sức cẩn thận". Thế là anh ta đi rảo khắp hết mọi lối đi của cửa hàng và thử hết cây thập giá này đến cây thập giá khác.

Nhưng không có một cây nào làm anh vừa lòng. Cây thì quá dài, cây thì quá ngắn. Cây thì quá nhẹ, cây thì quá nặng... Anh lại tiếp tục tìm kiếm. Cuối cùng, anh đã tìm được cây thập giá mà anh cho là ưng ý nhất. Anh mang đến với Chúa và nở nụ cười mãn nguyện: "Lạy Chúa, đây chính là cây thập giá mà con hằng tìm kiếm. Con xin vác lấy". Khi anh vừa hí hửng ra khỏi cửa hàng, thì Chúa mỉm cười nói với anh: "Ta rất vui mừng vì con đã chấp nhận cây thập giá. Đây cũng chính là cây thập giá mà con đã vác vào và dựng ở tường của cửa hàng".

Hôm nay Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội mời gọi chúng ta đào sâu Mầu Nhiệm Thập Giá trong đời sống Đức Tin của chúng ta.

Thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars bên Pháp, đã nói: "Thập giá là quyển sách cao siêu nhất... Chỉ có những ai yêu mến, nghiền ngẫm quyển sách này, những người đó mới thật sự là người thông thái".

Thập giá Chúa Giêsu là quyển sách cao siêu nhất, bởi vì, đó là dấu chứng cao cả nhất của Tình Yêu. "Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người thí mạng vì người mình yêu".

Từ một khí cụ độc ác đê hèn nhất của con người đã có thể nghĩ ra để hành hạ người khác, Chúa Giêsu đã biến nó thành dấu chứng của Tình Yêu: Tình Yêu vâng phục đối với Chúa Cha và Tình Yêu dâng hiến cho nhân loại...

Suy tôn Thánh Giá Chúa, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta được đi vào Mầu Nhiệm Tình Yêu của Chúa. Trong Mầu Nhiệm ấy, cuộc sống của chúng ta không còn bị đè bẹp dưới sức nặng của những đau khổ nữa, nhưng luôn mang lấy một ý nghĩa: đó là ý nghĩa của Tình Yêu.

 

Suy Niệm 10: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh hoạ Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ XVII đó là bức tranh “Ba thập giá.” Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trổi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh hoạ Rembrandt.

Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra để giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông.

Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng, họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một:

Loài người càng tội lỗi Chúa càng yêu thương, yêu thương đến nỗi trao ban hết những gì thuộc về mình là Người Con duy nhất. Tình thương ấy được cụ thể hóa bằng việc Chúa Giêsu đã chịu treo trên thập giá. Trên thập giá Chúa đã giải nghĩa yêu thương. Một tình yêu quá cao vời vượt quá sức mường tượng của con người. Thế nên chỉ có hành động, những hy sinh cụ thể mới cảm hóa được lòng người hầu mong cứu họ thoát khỏi cảnh tội lỗi. Chính vì thế, thập giá đã trở thành Thánh Giá; Thánh Giá trở thành biểu tượng tình yêu cứu độ, biểu tượng của sự sống, của vinh quang. Vì thập giá được đón nhận trong tình yêu thì thập giá sẽ trở thành Thánh Giá.

Mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá là dịp nhắc nhớ mỗi chúng ta hãy tạ ơn tình Chúa cao vời. Đồng thời nhắc chúng ta cũng biết sống hy sinh cho tha nhân, hy sinh vì những lý tưởng cao đẹp, hy sinh chịu thiệt thân để bảo vệ đức tin. Và nhất là hãy biết yêu người như Chúa yêu ta.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xưa Chúa đã dùng thập giá để cứu chuộc chúng con. Chúa cũng có thể cứu chúng con bằng những phương thế khác. Nhưng Chúa đã không chọn cách nào khác ngoài việc chết trên thập giá. Và như thế chúng con mới hiểu được Chúa yêu chúng con đến cùng. Chúa đã mang lại cho thập giá một ý nghĩa mới: ý nghĩa của tình yêu trọn hảo. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con cũng biết đón nhận thập giá của bản thân với tron vẹn tâm tình yêu thương: Yêu Chúa và yêu mọi người, để tình Chúa luôn mãi ở trong con. Và cuộc đời con luôn diễn tả tình yêu Chúa. Amen.

 

SUY NIỆM 11: Lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu

Chúng ta hết thảy đều biết, hôm Ðức Giêsu chịu chết trên Thập giá, chỉ có mấy bạn hữu nghĩa thiết của Người đứng gần. Họ là những người yếu đuối nghèo khó. Chẳng ai biết phải làm gì! May thay có các ông Giuse và Nicôđêmô đi xin Philatô cho phép hạ xác Chúa xuống và táng trong huyệt. Còn thập giá của Người thì chẳng ai để ý đến. Sau ngày Phục sinh, các môn đệ cũng chỉ bận đầu với việc Chúa sống lại. Và với ơn trợ giúp của Thánh Thần, họ bắt đầu đi rao giảng ở mọi nơi. Người ta quan tâm đến việc xây dựng các giáo đoàn và lo nhớ lại giáo huấn cũng như cuộc đời của Chúa Giêsu chứ những di vật và kỷ niệm vật chất của Người, không ai để ý.

Cho đến khi có nhiều người ở xa Ðất Thánh đã tòng giáo và muốn cũng như có điều kiện hành hương những nơi Chúa đã sinh sống, việc thu lượm những di vật kỷ niệm về Chúa trở thành một cuộc săn tìm. Chính trong hoàn cảnh ấy người ta nghĩ rằng đã tìm lại được cây Thập giá mà Chúa đã vác và đã nằm trên khi bị đóng đinh. Lập tức hình cụ ấy đã trở thành vật thánh; thập giá trở thành Thánh giá; và người ta suy tôn kính mến.

Lễ hôm nay muốn nhắc lại kỷ niệm này. Hội Thánh thúc giục con cái đến với Thánh giá, bắt chước các tín hữu khi mới tìm lại được cây gỗ đã đóng đinh Chúa Giêsu, để nơi cây Thánh giá mà hằng ngày vì quá quen không còn ý nghĩa bao nhiêu, chúng ta được dịp khám phá lại giá trị vinh quang cao cả của nó. Phụng vụ giúp chúng ta ba bài đọc để suy nghĩ. Ba bài thường thôi nhưng hàm chứa biết bao sự thật!

A. Câu Truyện Rắn Ðồng

Bài sách Dân số kể lại một câu truyện, mà nếu không có bài Tin Mừng hôm nay, thì hầu chắc đã chẳng được mấy ai để ý. Ðó là truyện con cái Israel hồi đó đang đi loanh quanh trong sa mạc để hướng về Ðất Hứa. Một hôm họ bị rắn lửa cắn quá nhiều; Môsê theo lệnh Chúa dựng lên một con rắng đồng để chữa họ.

Câu truyện vắn tắt quá! Ai tin thì nghĩ đây là một phép lạ. Còn ai không tin, có thể cho rằng tác giả sách Thánh đã bịa đặt. Nhưng một chữ viết ở thời xưa vẫn có giá trị. Và thường ý nghĩa của nó không hiện ra tức khắc. Các khoa học lịch sử, địa dư, văn minh, tôn giáo có thể cung cấp cho chúng ta ngày nay nhiều yếu tố quý giá để hiểu câu truyện này.

Việc có nhiều rắn lửa trong sa mạc là điều có thật. Ðó là loại rắn độc cắn chết người. Nhưng đồng thời ở các mỏ đồng gần đó, người ta cũng bới tìm được nhiều hình rắn đồng. Ðó là hình ảnh một vị thần của dân ngoại, nổi tiếng có sức chữa lành bệnh tật. Như vậy chắc chắn ngày xưa khi bị rắn lửa cắn, người ta đã khẩn cầu vị thần này, cũng như ngày nay khi mắc bệnh người ta đi tìm dược liệu; và nhiều tiệm bào chế vẫn trình bày hình một con rắn.

Môsê dẫn con cái Israel đi qua nhiều dân ngoại. Chắc chắn họ đã thấy các dân này thờ thần rắn để được khỏi bệnh. Và chắc chắn khi bị đau yếu con cái Israel cũng bị cám dỗ chạy đến với vị thần nổi tiếng này. Môsê coi đó như là một nguy hiểm cho tôn giáo độc thần. Ông thấy có bổn phận phải mở mắt và dạy dỗ Dân. Có lẽ khi nhiều người trong họ bị rắn lửa cắn là dịp để ông giải quyết vấn đề.

Chúng ta hãy đọc câu truyện của bài sách Dân số trong viễn tượng ấy. Rõ ràng có nhiều bài học tôn giáo trong câu truyện này. Và phải nói đây là Lời Chúa dạy dỗ Dân về mặt đạo đức đi từ một câu truyện chứ không phải là bài chỉ muốn tường thuật câu truyện ấy.

Trước hết chúng ta được biết vì sao con cái Israel bị rắn lửa cắn. Họ muốn bỏ Chúa, bỏ con đường đi tới tự do để trở về mảnh đất nô lệ. Họ phàn nàn đã nghe Môsê và Chúa để đi tìm Ðất Hứa. Giả như họ cứ ở lại Aicập thì làm gì phải cảnh ngộ này: gối mỏi chân chồn, nước uống thiếu hụt, thức ăn chán ngấy! Họ đã quên ơn giải phóng, tỏ ra bạc nhược trước khó khăn và bất trung, thất tín đối với Giao ước. Ðã đành có khó khăn, vất vả; nhưng Chúa không toàn năng và đáng tin tưởng sao? Vì sao không phấn đấu để cứ tin Người và Môsê, vị Ngôn sứ của Người? Phàn nàn, trách móc là điều không tốt; muốn bỏ Chúa để trở về đời sống cũ là phản bội. Rắn lửa bò ra cắn những kẻ kêu trách là hình phạt Chúa gửi đến. Bệnh tật và các sự dữ ở đời đều do tội lỗi: Ðó là bài học thứ nhất của câu truyện hôm nay.

Nhưng tội lỗi và sự chết không có tiếng nói cuối cùng. Con cái Israel đã nhận ra bài học Chúa dạy. Họ đến với Môsê, thú nhận tội lỗi và nhờ ông khẩn cầu lòng Chúa tha thứ. Họ để lại cho hậu thế bài học sám hối ăn năn.

Chúa rộng lòng tha thứ, dạy Môsê làm hình một con rắn đồng treo lên một cây sào để ai bị rắn cắn, nhìn vào sẽ được khỏi. Như vậy rắn đồng không phải là thần thánh mà chỉ là dấu hiệu hoặc khí cụ Thiên Chúa dùng. Chính Người chữa lành người ta, khi họ ăn năn hối cải trở về với Người.

Con cái Israel đã hiểu như vậy. Về sau mỗi lần có khốn khó ập tới, các ngôn sứ của Chúa chỉ cần kêu gọi thống hối ăn năn, chứ không cần treo lên một dấu hiệu nào nữa. Chẳng bao giờ người Dothái thờ thần Rắn như nhiều lân bang. Câu truyện con rắn đồng hầu như không còn được nói đến nữa. Ngược lại dần dần người ta cảm thấy rằng chẳng có gì có thể chữa dứt được thứ bệnh của con cái Israel, thứ bệnh "tội lỗi" mà các ngôn sứ làm cách nào cũng không ngăn ngừa nổi. Các lễ thiêu và kinh nguyện sáng chiều không sao rửa sạch tội lỗi của Dân cứng đầu hay kêu trách. Cuối cùng người ta chỉ còn biết đợi cánh tay uy hùng của Chúa. Chính Người phải ra tay cứu độ mới được. Bất cứ người Dothái đạo đức nào cũng nghĩ như vậy. Và Nicôđêmô, khi đến với Ðức Giêsu ban đêm, cũng chỉ muốn được hiểu biết thêm về kế hoạch cứu độ này. Chúng ta hãy nghe Chúa dạy dỗ trong bài Tin Mừng.

B. Ý Tưởng Về Thập Giá

Nicôđêmô là một Biệt phái. Ông còn là một đầu mục trong Dân, tức là có chân trong Hội đồng tối cao. Nhưng ông không nghĩ như đồng bạn về Ðức Giêsu. Ðối với Người, ông có lòng tôn kính và muốn được Người chỉ dẫn đường lối cứu độ. Người bảo ông: muốn nhìn thấy Nước Thiên Chúa, người ta phải sinh lại. Ông bỡ ngỡ và lo sợ. Già như ông làm sao có thể sinh lại được? Thấy vậy Ðức Giêsu phải cắt nghĩa rõ hơn cho ông về đường lối cứu độ của Thiên Chúa.

Người nói: "Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ bị giương cao như vậy". Có thể Nicôđêmô đã bắt được ý của Chúa, ông là người học rộng biết nhiều. Ông là bậc làm thầy của Israel, nên không những ông đã biết câu truyện Rắn đồng trong sách Dân số, mà có thể ông còn nhớ cả lời bàn của sách Khôn ngoan về câu truyện ấy (16,6-10). Sách viết: kẻ nào quay lại nhìn thì được cứu, không phải nhờ điều nó thấy nhưng là nhờ Người là Ðấng cứu chữa mọi người. Phải, ơn cứu độ thì bởi Chúa, nhưng con rắn đồng kia cũng là dấu hiệu độ sinh. Dấu hiệu này, bây giờ Ðức Giêsu nói, sẽ là Con Người khi bị giương cao. Và đó là mạc khải hôm nay Người ban cho Nicôđêmô.

Chắc chắn ông đã không thắc mắc gì về từ ngữ "Con Người". Ðã nhiều lần Ðức Giêsu dùng kiểu nói ấy để ám chỉ mình. Nhưng việc Con Người sẽ bị giương cao là điều mới lạ hoàn toàn đối với ông. Nó còn là điều mầu nhiệm nữa. Chúng ta có thể chắc chắn rằng: hôm đó ra về ông đã chẳng hiểu bao nhiêu. Và luôn luôn nó sẽ là một tư tưởng ám ảnh ông cho đến ngày sự thật ấy xảy ra.

Quả vậy, cho dù ông thông thạo Kinh Thánh và biết những đoạn Isaia về Người Tôi Tớ đau khổ, hoặc lời sấm của Zacarya viết rằng: chúng sẽ nhìn lên Người chúng đã đâm, hôm nói chuyện với Ðức Giêsu, Nicôđêmô vẫn chưa hình dung được sự thật. Còn Ðức Giêsu, Người đã không tiếc lời với ông. Người đã gieo vào lòng ông những điều cần thiết để sau này sẽ giúp ông hiểu.

Người muốn nói với ông rằng: dấu hiệu độ sinh sau này sẽ là Con Người khi bị treo trên Thập giá. Nhưng ông chưa mang nổi một sự thật như vậy; giống như Phêrô khi nghe nói cũng không chịu được và xin Chúa từ nay đừng nói như vậy nữa. Tuy nhiên đó vẫn là sự thật cứu độ, sự thật duy nhất có thể cứu độ người ta. Ðức Giêsu đã phải làm cho mọi người hiểu. Và hôm nay Người cố gắng giúp Nicôđêmô. Người cho ông biết: đứng trước Thập giá của Người sau này chỉ ai tin mới được sự sống đời đời. Không gì có thể giải thích được đường lối cứu độ của Thiên Chúa đâu! Chỉ có lòng tin mà thôi. Lòng tin sẽ là ánh mắt nhìn vào dấu hiệu độ sinh. Không có lòng tin này, người Dothái đi qua sẽ thấy Thập giá là cớ vấp phạm và người Hylạp sẽ bảo là điên rồ; duy đối với ai được kêu gọi thì đó là khôn ngoan của Thiên Chúa (1C 1,23).

Quả vậy, đức tin sẽ bảo cho người ta biết: Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế đó, đến nỗi đã thí ban Con Một Người để ai tin vào Ngài... được có sự sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã không sai Con của Người đến để xử án thế gian nhưng để cứu độ. Người ta đừng chờ Con của Người đến lẫm liệt oai phong khiến mọi người phải sợ hãi. Vì thế đừng ai hiểu việc Con của Người được giương cao theo nghĩa được hiển vinh ở đời này và theo cách thức trần gian. Ngài đến để cứu sống nên muốn được giương cao lên như rắn đồng nơi sa mạc. Lúc đó mọi người sẽ thấy quả thật Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi thí ban Con Một Người chịu chết đền tội chúng ta. Ðó là dấu hiệu của tình yêu lớn nhất, mà không tình yêu nào sánh được. Ðó là dấu chỉ Thiên Chúa đã yêu thương thì Người muốn yêu thương chúng ta đến cùng. Mầu nhiệm cứu độ là mầu nhiệm yêu thương. Yêu thương sẽ sáng chói trong hy sinh đổ máu. Thế thì Con Người trên Thập giá vừa bị giương cao vừa được lên cao. Thập giá của Ðức Kitô chỉ bị ô nhục bề ngoài; chứ bên trong, quả là khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Ðó là cây gỗ Chúa leo lên để làm sáng chói tình yêu lớn nhất. Các vết thương của Người đầy vinh quang. Ai tin thì thấy đó là dấu hiệu độ sinh và Thập giá đã trở nên Thánh giá.

Hôm nay, một cách đặc biệt chúng ta tin như vậy, thì phụng vụ mời chúng ta tung hô Thánh giá theo bài thư Phaolô dưới đây:

C. Ca Tụng Thánh Giá Chúa Giêsu

Có lẽ Thánh Tông đồ đã chỉ có công chép lại một ca vãn lưu hành trong các cộng đồng Kitô giáo thời bấy giờ. Nó là đức tin của Hội Thánh ở trước Thánh giá Chúa Giêsu. Ðức tin ấy tuyên xưng rằng: Ðấng nằm trên cây gỗ là một vị Thiên Chúa; Ngài không nghĩ phải đòi cho được tôn trọng đồng hàng cùng Thiên Chúa; nhưng Ngài đã muốn hủy mình ra không, tức là lột bỏ những vẻ uy nghi cao cả, để mặc lấy thân phận và hình thức tôi đòi; vì quả thực Ngài đã sống rất bình dị ở giữa mọi người và có khi còn muốn đóng vai trò người tôi tớ. Ðặc biệt trong cuộc tử nạn, Ngài đã hạ mình thấp hèn vâng phục ý định của Thiên Chúa cho đến chết và chết trên Thập giá!

Nhưng chính vì vậy, Thiên Chúa đã suy tôn Ngài trong việc phục sinh, đặt Ngài làm Chúa để bất cứ thụ tạo nào cũng phải quỳ gối bái lạy...

Hôm nay chúng ta cũng đặc biệt bái lạy Thánh giá Chúa Giêsu; Chúng ta sẵn sàng tuyên xưng niềm tin của tất cả Hội Thánh như các tín hữu tiên khởi đã viết ra trong bài thánh ca này.

Nhưng nếu chỉ có thế thì vẫn chưa đạt được ý của thánh Phaolô. Người đã chép lại bài thánh ca để gửi cho giáo dân Philip. Họ đang có nhiều bất hòa và cãi cọ, mà nguyên nhân là những sự kèn cựa không chịu nhịn nhục nhau. Thế nên, chép bài thánh ca gửi cho họ, thánh Phaolô muốn họ nhìn vào gương Chúa Giêsu mà đừng ganh tị vì hư danh nữa, nhưng hãy khiêm nhượng và vâng lời.

Lời khuyên này đối với chúng ta nhiều khi hãy còn thức thời và thiết thực. Nếu chúng ta muốn cho các tương quan xã hội tốt đẹp hơn, há chẳng phải trở về gương Chúa Giêsu trên Thập giá sao? Hơn nữa mỗi khi muốn tiếp tục công việc cứu thế, thiết tưởng chúng ta phải trở về với Thánh giá Chúa Giêsu. Ðó là dấu hiệu độ sinh duy nhất đã được Thiên Chúa mạc khải từ đầu trong sách Dân số cũng như các sách Tiên tri. Chúng ta phải nhìn vào với lòng tin. Chúng ta phải nhìn vào để bắt chước. Chắc chắn chúng ta sẽ được cứu độ và có thể cứu thế.

Mầu nhiệm Thánh giá giờ đây được cử hành trong Thánh lễ. Ðức Giêsu không nghĩ phải giằng cho được vinh dự của một Thiên Chúa. Người chấp nhận hình bánh rượu tầm thường để nên lương thực nuôi sống chúng ta. Người dùng hình thức thập giá này để thông ban tinh thần của Người cho chúng ta.

Ðó là tinh thần yêu mến vâng phục Thiên Chúa; nhưng đồng thời cũng là tinh thần yêu thương đồng loại cho đến cùng đến nỗi thí ban cả mạng sống mình để mọi người được cứu độ. Chúng ta hãy học và đem ra thi hành trong đời sống cả hai mặt của tinh thần yêu thương đó, tức là vừa mến Chúa vừa thương người, không phải chỉ bằng tư tưởng hay môi miệng nhưng bằng cả việc làm và sự sống. Chắc chắn như vậy có khổ, có thiệt thì cũng chỉ là những hy sinh vinh quang nói lên mầu nhiệm Thánh giá là dấu hiệu độ sinh, mà chúng ta suy tôn hôm nay.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

SUY NIỆM 12: Lễ suy tôn Thánh Giá

(Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng)

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Suy tôn Thánh giá. Thánh giá là một nghịch lý trong đạo Thiên Chúa giáo nói chung và đạo công giáo nói riêng. Một đàng thánh giá là nguyên nhân thất vọng, tai họa và sự chết. Ðàng khác Thánh giá mang lại nguồn hy vọng, toàn thắng và sự sống. Trước khi Ðấng Cứu thế đến, thánh giá là hình phạt khiếp sợ cho tội nhân. Bị coi là một tội nhân nên Ðức Giêsu phải chịu đóng đinh trên thánh giá với hai người trộm cướp. Ngày nay Thánh giá đã trở nên dấu hi vọng và toàn thắng cho người Kitô giáo. Ðó chính là điều mà thánh Phaolô đã khẳng định: Rao giảng Ðức Kitô chịu đóng đanh, điều mà người Do thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hi lạp, Ðấng ấy chính là Ðức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,23-24).

Phúc âm hôm nay nhắc đến một việc khủng khiếp xẩy ra cho dân Chúa trong sa mạc trên đường tìm về đất hứa. Khi dân chúng phàn nàn, kêu trách Chúa vì họ thiếu đồ ăn, nước uống, Chúa phạt họ bằng cách cho rắn độc đến cắn. Rồi với lòng thương xót, Chúa lại truyền cho ông Môsê làm cây gậy đồng để cứu chữa họ. Bất cứ khi nào ai bị rắn cắn, mà nhìn lên con rắn đồng thì được chữa khỏi (Ds 21,4b-9). Ðức Giêsu coi việc treo con rắn đồng trong sa mạc là dấu chỉ Người sẽ bị treo trên thập giá để những ai tin vào Người thì được sống muôn đời (Ga 3,15). Thánh Phaolô cũng đã rao giảng về Ðức Kitô chịu đónh đanh cho tín hữu Phi-líp-phê: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,8).

Như vậy theo Thánh kinh thì ơn cứu độ đến với loài người qua thánh giá và phục sinh. Thánh giá và phục sinh của Ðức Kitô không thể nào tách rời được. Không có thánh giá, không thể có phục sinh. Không có phục sinh, không thể có sự sống vĩnh cửu. Ðó là lý do tại sao Giáo Hội có thể nói đến sự toàn thắng của thánh giá trong nền tảng thần học của thánh giá.

Người Kitô giáo không thể tin vào Ðức Kitô mà lại chối bỏ thánh giá. Người Kitô giáo không thể chối bỏ thánh giá, mà phải tôn vinh Thánh giá như phương tiện cứu rỗi. Họ phải hãnh diện về biểu hiệu của Thánh giá. Tuy nhiên họ không được dừng lại ở thánh giá mà phải vượt qua thánh giá và tìm cho ra ý nghĩa của việc mang vác thánh giá. Vì có sự liên hệ giữa thánh giá và phục sinh mà Ðức Giêsu mời gọi người môn đệ vác lấy thánh giá để theo Người (Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23). Tại một một tiểu chủng viện kia trong quá khứ, các chủng sinh được ban giáo sư tập cho thói quen đặt thánh giá bên gối đầu giường để khi chưa ngủ được thì suy niệm về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh. Sau khi chịu chức linh mục, có linh mục kia vẫn giữ thói quen để thánh giá bên gối đầu giường. Khi không thấy thánh giá, linh mục đó cảm thấy như thiếu thốn một báu vật gì khiến cho linh mục đó cảm thấy khó ngủ.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhắc nhở người tín hữu về nền tảng của đức tin: qua thánh giá thì có triều thiên, triều thiên cứu rỗi, triều thiên đợi chờ những ai chạy tới cùng đích. Ðối với người tín hữu, Thánh giá đã trở nên biểu hiệu của tình yêu thương bao la mà Thiên Chúa dành cho loài người. Do đó mà thánh Gioan Newman đã có thể đặt bút viết: Thập giá Chúa Kitô đã khiến cho những giá trị nhân bản phải được xét lại, bằng cách bầy tỏ một tình yêu mạnh đến nỗi đã san bằng hố sâu giữa sự sống và chết.

Nhìn quanh, người ta thấy biết bao người đang phải mang vác thánh giá về đau yếu, bệnh hoạn và tật nguyền về thể lý, tâm lý và tinh thần. Có những người uống thuốc chữa trị nhiều năm mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Có những người đi bác sĩ, nằm nhà thương liên tiếp, mà bệnh tật vẫn còn đó. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh băn khoăn, lo âu, sợ hãi và hiểu lầm trong suốt cả cuộc sống.

Nhiều người còn phải mang vác thánh giá của cảnh nghèo túng và đói khát, ta cầu xin Chúa cho đất đai của họ trở nên mầu mỡ để họ có thể sản xuất thực phẩm. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh kì thị, ta cầu xin Chúa là sức mạnh và nguồn hi vọng của họ. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh bách hại vì tin vào Chúa ngay cả trong thời đại ta đang sống ở những miền đất khác nhau trên thế giới, ta cầu xin Chúa là nguồn an ủi và là sức mạnh của họ, ban chọ họ lòng can đảm, cậy trông. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh chia li, ta cầu xin Chúa cho họ được đoàn tụ với người thân yêu. Nhiều người khác phải mang vác thánh giá của cảnh li dị, ta cầu xin Chúa hàn gắn những vết thương lòng của họ.

Cuối cùng ta cầu xin Chúa ban sức mạnh và lòng can đảm cho những người phải mang vác những thánh giá khác nhau của cuộc sống để họ có thể biến đổi thánh giá thành dụng cụ của sự toàn thắng và ơn cứu độ.

Lời cầu nguyện cho những ai đang phải mang vác thánh giá của cuộc sống:

Lậy Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người!

Vì yêu thương nhân loại,

Chúa đã chịu đau khổ và vác thánh giá vì tội lỗi loài người

gồm tội lỗi của chính con.

Xin Chúa ban sức mạnh và niềm an ủi cho những ai

đang phải vác thánh giá của cuộc sống

về bệnh tật, đau khổ phần hồn, phần xác và tinh thần.

Xin Chúa làm vơi nhẹ những thánh giá của họ

và biến đổi thánh giá của họ thành dụng cụ cứu rỗi. Amen.

 

SUY NIỆM 13: Suy tôn Thánh Giá

Thập giá nhắc đến một nghịch lý này : Chính lúc hạ mình xuống cùng cực, Con Người được nâng lên, được tôn vinh. Lúc Người bị kết án tử hình, thế gian lại được cứu độ.

Bài ca của Thánh Phaolô

Thập giá tới độ thấp nhất trong âm điệu của bài ca trong thơ gởi giáo đoàn Philíphê. Âm điệu của Con Thiên Chúa đời đời tự hạ mình xuống làm người, rồi lại tiến hành được tôn vinh trở về với vinh quang Thiên Chúa. Trung tâm thập giá là phụng vụ, khổ hình là dụng cụ tối cao đem ơn cứu chuộc đến cho loài người. Thập gía mang nặng ý nghĩa sự dữ cùng cực của chúng ta và vì Đức Giê-su đã chịu treo vào nó là dấu chỉ ơn cứu độ chúng ta.

Tôn vinh

Thánh Gioan dùng hình ảnh con rắn đồng Môsê treo lên, những ai bị rắn độc cắn nhìn lên rắn đồng sẽ được chữa khỏi. Đức Ki-tô bị treo lên thánh giá đem lại ơn cứu độ cho những người nhìn lên Người với lòng cậy trông, sẽ nhận biết Người là con Thiên Chúa. Người trộm lành, môn đệ Gioan, viên sĩ quan Rôma, ông biệt phái Nicôđêmô, ông Giuse Arimathia, nghị viện hội đồng, đây là những vị được vây quanh Thánh Giá Đức Giê-su, mọi sự đã lìa những vị này, chỉ có một người liên kết với các vị ấy là Đức Giê-su trên thập giá.

Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết những mầu nhiệm của Thiên Chúa : Đức Giê-su là Người tôi tớ đã chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa. Vinh quang xuất hiện từ thập giá, một nghịch lý của mặc khải Kitô giáo tại thế này. Thiên Chúa đã hạ mình thấp hèn trong Đức Giê-su, để mặc khải những sự lạ lùng hơn tất cả mọi quyền năng của thế gian này và nhờ thế đã giải thoát chúng ta khỏi thế gian này.

Trong khi nhìn lên thánh giá, chúng ta cảm tạ Chúa Cha, Ngài đã ban Con Ngài cho chúng ta, và chúng ta nhận ra ý nghĩa đời sống của chúng ta :

Mỗi lần chúng ta cầu nguyện, chúng ta biết đặt mình trước mặt Đức Ki-tô trên thánh giá. Chúng ta muốn chiêm ngắm Chúa, thì hãy nhìn lên thánh giá, Ngài sẽ hiện ra cho chúng ta nhìn ngắm, nhờ cái nhìn này chúng ta được cứu độ.

J.M

 

Suy Niệm 14: Từ thập giá đến Thánh Giá

(Lm Vũ Xuân Hạnh)

Suy niệm lễ Suy tôn Thánh Giá, tôi nghe Chúa nói với tôi: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta” (Mc 8, 34). Thập giá đâu phải chuyện đùa, đâu phải cứ muốn vác là kê vai vác. Muốn vác phải bỏ mình! Chính vì thế, lời ấy trở thành một thử thách, còn hơn thế, là một thách thức lớn trong đời ta. Từ bỏ đã khó, từ bỏ chính mình lại càng khó. Nhưng Chúa không dừng ở đó, Người mời gọi ta đi xa hơn để theo Người: Từ bỏ chính mình vác thập giá. Lời Chúa quả là một đòi hỏi quyết liệt.

Suy nghĩ về lời mời gọi “Ai muốn theo Ta…” như thế, tôi lại đọc sứ điệp Giới trẻ lần thứ XV. Ngay từ đầu số 1 của sứ điệp, bằng những lời lẽ của một người cha đầy tình cảm, thân thiện và trìu mến, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết cho các bạn trẻ: “Các bạn trẻ thân mến, cách đây 15 năm (trong những ngày Đại Hội Giới Trẻ lần thứ I năm 1985), cha đã trao cho các con cây Thánh Giá lớn bằng gỗ và mời gọi các con đem đi khắp thế giới như DẤU CHỈ TÌNH YÊU của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và để loan báo cho mọi người rằng chỉ nơi Đức Giêsu tử nạn và phục sinh mới có ơn cứu độ và cứu chuộc, kể từ ngày đó, nhờ những cánh tay và những tâm hồn quảng đại, cây Thánh Giá này đã trải qua một cuộc hành hương dài không ngưng nghỉ qua các lục địa, hầu chứng tỏ rằng Thánh Giá luôn đồng hành với người trẻ và người trẻ luôn đồng hành với Thánh Giá”.

“DẤU CHỈ TÌNH YÊU”! Đúng vậy, có hình tượng nào là biểu tượng của tình yêu lớn lao bằng Thánh Giá, có lý lẽ nào là bằng chứng hùng hồn của tình yêu cho bằng Thánh Giá. Chỉ có Thánh Giá mới là dấu chỉ tình yêu đúng nghĩa nhất, trọn vẹn nhất: Tình yêu của một người chết thay cho muôn người qua muôn thế hệ. Hơn thế nữa, tình yêu của một vì Thiên Chúa quyền năng đã làm người chết thay cho loài người.

Vì thế, chỉ có thánh giá mới là lẽ sống và hướng sống mà con người phải học lấy để sống và yêu. Cũng chính vì thế, chỉ có Thánh Giá, không chỉ cây Thánh Giá của Đức Thánh Cha trao - đúng hơn, cây Thánh Giá ấy là biểu trưng cho một tình yêu Thánh Giá mà Chúa Kitô thắp lên trong lòng người - mới xứng đáng được các bạn trẻ lãnh nhận và mang đi khắp thế giới, loan báo cho mọi người: “Chỉ nơi Chúa Kitô Tử nạn và Phục sinh mới có ơn cứu độ và cứu chuộc”.

Cũng vậy, chỉ có Thánh Giá Chúa Kitô, chỉ có tình yêu Thánh Giá Chúa Kitô thắp trong tâm hồn, mới đồng hành với người trẻ trên mọi nẻo đường cuộc sống, và người trẻ đồng hành với Thánh Giá để hô to trên khắp trần gian về một tình yêu Thánh Giá bằng lời và bằng đời chứng tá, thậm chí cả mạng sống để làm chứng tá. Hiểu lời Đức Thánh Cha như thế, tôi cũng muốn ngỏ với bạn dù ở lứa tuổi nào: Tình yêu Thánh Giá là một tình yêu mà chúng ta có được nhờ lãnh nhận từ nơi Chúa Kitô. Tình yêu ấy phải được thắp trong cuộc đời bằng cả cuộc đời của bạn, của tôi. Nếu được Thánh Giá đồng hành, can đảm chấp nhận để Thánh Giá đồng hành và cùng đồng hành với Thánh Giá, ấy chính là lúc bạn và tôi đang hướng về Chúa Kitô để làm trọn lời mời gọi: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”.

Bởi vậy, dẫu Lời Chúa là một đòi hỏi quyết liệt, và quyết liệt đến mức tưởng như vượt quá sức, thì Giáo Hội một khi lãnh nhận Lời ấy, qua vị Cha chung, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vẫn tiếp tục mời gọi ta tháp nhập thập giá cuộc đời mình vào Tình yêu của Thánh Giá Chúa Kitô để không chỉ Thánh Giá Chúa Kitô, mà chính ta từ nay phải là dấu chỉ của tình yêu Thánh Giá sau khi được tình yêu Thánh Giá Chúa Kitô thánh hóa. Trở nên dấu chỉ, ta sẽ nói cho mọi người rằng: Dẫu lời mời gọi bước theo Chúa có quyết liệt đến đâu, ta vẫn có thể vượt qua, vẫn có thể trung thành, miễn là ta chấp nhận đức tin, chấp nhận phó thác chính mình nơi tình yêu Thánh Giá Chúa Kitô. Chỉ có đức tin mới làm cho ta đủ sức gánh lấy thập giá cả đời mình. Đức tin chính là đôi mắt của tâm hồn để nhìn Chúa Kitô đi trước trên đường thập giá mà bước theo sau.

Nếu hiểu thập giá là nỗi chông chênh, là nước mắt, là bệnh tật, là đớn đau trong đời, là tình yêu vắng bóng và cô đơn, buốt giá lên ngôi…, thì dẫu cho người có đức tin hay không có đức tin, đều phải chấp nhận vác lấy trong từng ngày sống của mình. Nhưng nếu tôi tin, tôi sẽ yêu mến cây thập giá của đời mình hơn. Đức tin sẽ cho tôi cảm nhận thập giá dễ chịu hơn , vừa sức hơn. Nếu tôi tin, tôi sẽ hiểu rất rõ rằng, cùng với Chúa Kitô, Đấng đã dùng Thánh Giá để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, sẽ làm cho thập giá đời tôi thành Thánh Giá. Và thập giá cuộc đời chỉ là giới hạn, sẽ được tình yêu Thánh Giá của Chúa Kitô thánh hóa, để những gì chỉ là giới hạn trong cuộc đời mang lấy giá trị vĩnh cửu. Khi tin vững như thế, khi yêu mến Thánh Giá Chúa Kitô, và chấp nhận bước theo Người như thế, thái độ chấp nhận ấy, chính là câu trả lời cho lời mời gọi: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình…”.

Tắt một lời: Khi chấp nhận đồng hành cùng Thánh Giá, là đang hướng tới lời mời gọi của Chúa: “Ai muốn theo Ta...”. Nhưng khi lòng chấp nhận tin nơi tình yêu Thánh Giá và dám phó thác cho tình yêu Thánh Giá Chúa Kitô, để từng ngày sống ta bước đi với Người, để tình yêu Thánh Giá của Người thánh hóa thập giá đời ta, biến thập giá ấy thành Thánh Giá mang ơn cứu độ và cứu chuộc, lúc ấy ta không chỉ hướng tới lời mời gọi của Chúa nhưng là đang thực thi lời mời gọi ấy. Vì lúc ấy chính là lúc ta chấp nhận vác Thánh Giá với Người cách dứt khoát nhất. Và khi chấp nhận vác Thánh Giá như thế, cũng chính là lúc ta chấp nhận từ bỏ mình cách triệt để nhất.

 

Suy Niệm 15: Nhờ Thánh Giá hướng dẫn.

Phi trường mới ở Pittsburgh, Penssylvania, là một trong những phi trường lớn nhất và được trang bị đầy đủ nhất ở Hoa Kỳ. Chỉ một vài giây trong thời gian bay từ phi trường là nhà thờ Hiệp Nhất, trên đường thẳng với một trong những đường bay bận rộn nhất của phi trường. Một vài phản lực cơ bay quá thấp trên nhà thờ đến nỗi giáo dân sợ ngọn tháp nhà thờ bay đi mất. Người ta quyết định đặt một Thánh giá cao 3m bằng đèn điện quang ngay ở ngọn tháp là điểm cao nhất của khu vực.

Một phi công đã nhìn nhận rằng: “Hầu hết chúng tôi đều dùng ánh sáng Thánh giá làm biển chỉ đường tới phi trường”.

Hôm nay, chúng ta cử hành điều được gọi là chiến thắng của Thánh giá. Hãy lưu ý là chúng ta tôn vinh Thánh giá hơn là tượng chiụ nạn. Thánh giá không còn thân xác Chúa Kitô treo trên đó, còn tượng chịu nạn thì có mang thân xác Ngài. Tại sao chúng ta tôn vinh thánh giá hơn là tượng chịu nạn? Bởi vì các Kitô hữu tiên khởi chỉ tôn vinh thánh giá, họ muốn đưa ra chân lý cao cả là Chúa Kitô đã chiến thắng nhờ thánh giá, Ngài không còn bị đóng đinh vào đó nữa, bởi sự phục sinh, không những Ngài chỗi dậy khỏi mồ mà còn làm cho thánh giá thành dấu chỉ chiến thắng.

Trong năm thế kỷ đầu của Kitô giáo, Chúa Kitô rất ít được tiêu biểu trên thánh giá, và không còn đau khổ, chết chóc và thất bại, nhưng là chiến thăng, sinh động, vinh quang. Cánh tay Ngài giang rộng ra, nhưng không còn đinh sắt để mời gọi mọi người, và cầu nguyện cho tất cả chúng ta.

Còn lý do khác nữa chúng ta tôn vinh thánh giá là các Kitô hữu tiên khởi quay mặt về hướng Đông khi cầu nguyện, vì đó là hướng mà họ mong đơi Chúa Kitô trở lại. Dần dần thay vì quay mặt về hướng đông, họ quay về thánh giá là biễu tượng ơn cứu độ chúng ta, và họ cảm thấy là họ quay về đúng hứơng. Và họ thực hành như vậy.

Thánh giá là cột trụ chỉ dẫn cho họ và cũng là cho chúng ta. Thánh giá chiếu sáng của ngọn tháp nhà thờ Hiệp Nhất ở Pittsburgh là cột trụ hứơng dẫn cho các phi công khởi hành và trở lại phi trường. Thánh giá cũng hứơng dẫn cho bạn và cho tôi khi chúng ta khởi sự và hoàn tất bất cứ côngviệc nào dù nhỏ hay lớn.

Khi thánh giá hứơng dẫn chúng ta, thì chúng ta có thể chắc chắn là mình ở trên đường ngay thẳng, để chúng ta thật là đang “ở trên con tàu thiêng liêng”. Hãy khởi sự và kết thúc mọi công việc với Thánh gía chiến thắng và rồi mỗi phận sự sẽ là một chiến thắng, thành công. Chúng ta bắt đầu Thánh lễ này với dấu thánh giá, chúng ta sẽ kết thúc thánh lễ này với dấu thánh giá. Chúng ta dâng lên Thiên Chúa mọi sự chúng ta làm trong và nhờ lễ vật hiến tế này của Chúa Kitô. Ngài đã chiến thắng nhờ thánh giá đó. Chúng ta sẽ chiến thắng nhờ thánh giá đó, biểu tượng vẻ vang cho những thành công của chúng ta hôm nay và vào ngày tận cùng.

Đó là tinh thần của các Kitô hữu tiên khởi, tinh thần của công đồng Vatican II, mà muốn chúng ta làm nổi bật sự phục sinh. Trong tinh thần đó, chúng ta có thể làm mọi sự. Chúa Kitô chiến thắng ở với chúng ta.

Xin Chúa chúc lành cho các bạn.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây